Thursday, June 18, 2009

NÓI CHUYỆN VÓI STALIN 9

Milovan Djilas

Nói chuyện với Stalin

Dịch giả: Phạm Minh Ngọc

8

Nghi ngờ

Có lẽ tôi đã không phải đi Moskva lần thứ hai và gặp lại Stalin nếu tôi không trở thành nạn nhân của tính bộc trực của chính mình.
Cụ thể là sau khi Hồng quân tiến vào Nam Tư và giải phóng Belgrad vào mùa thu năm 1944 đã xảy ra nhiều vụ cướp bóc, hãm hiếp nghiêm trọng, cá nhân cũng có mà tập thể cũng có. Đối với chính quyền mới và Đảng cộng sản Nam Tư thì điều đó đã trở thành vấn đề chính trị.
Những người cộng sản Nam Tư trước đó vẫn coi Hồng quân là lí tưởng, còn chính trong hàng ngũ của mình thì những kẻ hiếp dâm và cướp bóc thường bị trừng phạt rất nghiêm khắc. Dĩ nhiên, họ cảm thấy choáng váng hơn là những người dân thường vì theo kinh nghiệm từ xa xưa để lại thì đội quân nào cũng cướp bóc và hãm hiếp cả. Nhưng vấn đề còn phức tạp hơn vì những kẻ chống cộng đã lợi dụng những hành động của Hồng quân để chống lại chính quyền non trẻ và chống chủ nghĩa cộng sản nói chung. Còn một vấn đề nữa, đấy là các cấp chỉ huy Hồng quân đã bỏ qua những lời phàn nàn và phản đối, có cảm giác như họ cố tình dung dưỡng những vụ cướp bóc và những tên hiếp dâm vậy.
Ngay khi Tito trở về từ Rumania, ông đã ghé qua Moskva và lần đầu tiên gặp Stalin, vấn đề lập tức được đặt lên bàn nghị sự.
Trong cuộc họp tại phòng làm việc của Tito, ngoài Kardel và Rankovic, còn có cả tôi. Chúng tôi quyết định nói chuyện với tướng Korneev, trưởng phái đoàn quân sự Liên Xô. Để Korneev tiếp thu vấn đề một cách thật nghiêm túc, quyết định được đưa ra là không chỉ Tito mà cả ba người chúng tôi và hai viên tướng nổi tiếng của Nam Tư là Peko Dapcevic và Koca Popovic cũng sẽ có mặt trong buổi tiếp.
Tito trình bày với Korneev một cách rất nhẹ nhàng và lịch sự và vì vậy, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi ông ta phủ nhận một cách thẳng thừng với lời lẽ xúc phạm. Chúng tôi đã mời ông ta như một người đồng chí, như một người cộng sản, thế mà ông ta lên giọng quát tháo:
"Thay mặt chính phủ Liên Xô, tôi tuyên bố phản đối những hành động vu khống Hồng quân, một quân đội…"
Dù chúng tôi có cố gắng thuyết phục thế nào cũng vô ích, trước mặt chúng tôi đã hiện nguyên hình đại diện đang phát khùng của một lực lượng vĩ đại, một đạo quân "giải phóng".
Tôi nói:
"Vấn đề khó khăn là ở chỗ kẻ thù của chúng ta đã lợi dụng việc này nhằm chống lại chúng ta, họ đã so sánh Hồng quân với các sĩ quan Anh. Chúng nói rằng quân Anh không làm như thế"
Korneev không muốn hiểu và phản ứng đặc biệt dữ dội với câu này:
"Tôi kiên quyết phản đối những hành động xúc phạm Hồng quân bằng cách so sánh với quân đội của các nước tư bản!"
Phải một thời gian sau chính quyền Nam Tư mới thu thập được các tài liệu về những hành động phạm pháp của Hồng quân: theo báo cáo của dân chúng thì đã có 121 vụ hiếp dâm, trong đó 111 trường hợp bị giết sau khi cưỡng hiếp và 1204 vụ cướp gây thương tật; những con số ấy không phải là nhỏ bởi vì lúc đó Hồng quân mới chỉ xâm nhập vào phần Đông - Bắc Nam Tư mà thôi. Lãnh đạo Nam Tư buộc phải coi đấy là vấn đề chính trị và phải phản ứng vì nó đã trở thành vấn đề đấu tranh trong nội bộ Đảng nên càng đặc biệt nghiêm trọng. Những người cộng sản chúng tôi còn coi đây là vấn đề đạo đức nữa: chẳng lẽ Hồng quân mà chúng tôi coi là lí tưởng và chờ đợi từ bao lâu nay lại thế này ư?
Cuộc gặp với Korneev không đem lại kết quả nào, mặc dù sau đó chỉ huy các đơn vị Hồng quân có tỏ ra nghiêm khắc hơn đối với những hành động vô kỉ luật của binh sĩ dưới quyền. Nhưng ngay khi Korneev vừa đi ra thì các đồng chí đã phản ứng, người thì nhẹ nhàng, kẻ thì quyết liệt với câu nói của tôi. Bản thân tôi dĩ nhiên là không bao giờ có ý so sánh quân đội Liên Xô với quân Anh vì thực ra họ chỉ là phái đoàn quân sự ở Belgrad mà thôi. Tôi chỉ dựa trên các sự kiện rõ ràng, tôi đã nhắc lại các sự kiện và tỏ thái độ đối với vấn đề chính trị đã bị thái độ thiếu thông cảm và ngang bướng của Korneev làm cho phức tạp thêm. Hơn nữa, tôi không hề có ý xúc phạm Hồng quân, lúc đó tôi cũng yêu Hồng quân không khác gì tướng Korneev nữa kia. Dĩ nhiên, tôi không thể, nhất là địa vị của tôi lúc đó càng không cho phép, tỏ ra bình thản trước những hành động hiếp dâm mà tôi vốn cho là một trong những tội ác kinh tởm nhất; tôi không thể tỏ ra bình thản trước những hành động lăng nhục các chiến sĩ của chúng ta, cướp bóc tài sản của chúng ta.
Câu nói đó của tôi cùng với một vài việc khác đã trở thành nguyên nhân của những mối bất hoà đầu tiên giữa lãnh đạo Liên Xô và Nam Tư. Mặc dù còn có những nguyên nhân xác đáng hơn, nhưng các nhà lãnh đạo Liên Xô và đại diện của họ thường hay nhắc đến câu nói của tôi. Nhân tiện xin nói thêm rằng vì thế mà chính phủ Liên Xô đã không thưởng cho tôi và một số ủy viên khác của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Nam Tư huân chương Suvorov. Tướng Peko Dapcevic cũng không được thưởng huân chương vì lí do đó, nhằm làm dịu bớt tình hình, tôi và đồng chí Rankovic đã phải đề nghị Tito phong Dapcevic danh hiệu Anh hùng. Không nghi ngờ gì rằng câu nói của tôi đã là nguyên nhân của những tin đồn rằng tôi là một phần tử Trotskist do các gián điệp Liên Xô tung ra vào đầu năm 1945. Sau này, họ đã ngừng chiến dịch bôi nhọ tôi vì quan hệ giữa Liên Xô và Nam Tư đã được cải thiện cũng như đã nhận ra sự vô lí của những lời cáo buộc đó.
Ngay sau buổi họp đó, tôi đã rơi vào tình trạng gần như bị cô lập, đấy không chỉ là do các đồng chí thân cận đã phê bình tôi, những lời phê bình dĩ nhiên là quá nghiêm khắc, cũng không phải là do các cấp lãnh đạo Liên Xô đã thổi phồng và làm cho tình hình thêm căng thẳng mà còn do những dằn vặt nội tâm của chính tôi nữa.
Vấn đề là lúc đó tôi đã rơi vào một cuộc xung đột nội tâm mà bất kì người cộng sản trung thực, những người chấp nhận lí tưởng cộng sản một cách vô tư nào cũng phải trải qua; trước sau gì những người như thế cũng nhận thấy sự bất nhất giữa lí tưởng cộng sản và hành động của các cấp lãnh đạo đảng. Trong trường hợp của tôi, vấn đề không chỉ là mâu thuẫn giữa những quan niệm mang tính lí tưởng về Hồng quân và hành vi của những người đại diện cho nó. Chính tôi cũng hiểu rằng dù Hồng quân có là đội quân của xã hội "phi giai cấp" đi nữa, nó cũng chưa thể hoàn toàn như ý, "vẫn" còn mang trong mình "tàn dư của quá khứ". Xung đột nội tâm của tôi bắt nguồn từ thái độ bàng quan, nếu không nói là dung túng, của lãnh đạo cũng như các cấp chỉ huy Liên Xô đối với các vụ hiếp dâm, đặc biệt là việc họ không chịu công nhận, chứ chưa nói còn tỏ ra tức giận, khi chúng tôi chỉ ra một cách rõ ràng. Thái độ của chúng tôi là chân thành, chúng tôi chỉ muốn giữ uy tín cho Hồng quân và giữ uy tín cho Liên Xô mà thôi; uy tín đó đã được bộ máy tuyên truyền của Đảng cộng sản Nam Tư xây đắp trong biết bao năm trời. Thái độ chân thành đó đã gặp phản ứng ra sao? Lỗ mãng và bác bỏ thẳng thừng, đặc trưng của mối quan hệ giữa nước lớn và nước nhỏ, giữa kẻ yếu và kẻ mạnh.
Các đại diện Liên Xô càng sử dụng những lời nói, mà thực chất là đầy thiện ý, của tôi như một cái cớ cho thái độ thù địch với ban lãnh đạo Nam Tư thì cuộc xung đột nội tâm của tôi càng nặng nề thêm, càng sâu sắc hơn.
Thế là thế nào? Tại sao các đại diện Liên Xô không thể hiểu được chúng tôi? Tại sao câu nói của tôi lại bị thổi phồng và xuyên tạc đi như thế? Tại sao họ lại xuyên tạc và sử dụng nó cho mục đích chính trị của mình khi khẳng định rằng các nhà lãnh đạo Nam Tư là những kẻ vô ơn với Hồng quân, đội quân đóng vai trò quyết định trong việc giải phóng thủ đô Belgrad và đã có công giúp họ đứng vững tại đây?
Chuyện đó và trên cơ sở như thế câu trả lời rõ ràng là không thể có được.
Một số hành động khác của các đại diện Liên Xô làm nhiều người, trong đó có tôi, băn khoăn không kém. Thí dụ, Bộ chỉ huy Liên Xô tuyên bố rằng họ giúp Belgrad khá nhiều bột mì. Nhưng hoá ra đấy là số bột mì do quân Đức trưng thu của nông dân và vẫn nằm trong kho trên lãnh thổ Nam Tư. Bộ chỉ huy Liên Xô coi đấy và nhiếu thứ khác nữa là chiến lợi phẩm. Tình báo Liên Xô còn tuyển mộ nhiều kiều dân vốn là bạch vệ và người Nam Tư làm gián điệp cho họ, thậm chí họ tiến hành tuyển mộ ngay những người đang làm việc trong Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Nam Tư nữa. Để làm gì? Để chống ai? Trong Ban tuyên truyền và vận động do tôi làm lãnh đạo cũng xảy ra nhiều mâu thuẫn với các đại diện Liên Xô. Báo chí Liên Xô đánh giá không đúng và trình bày sai lạc một cách có hệ thống cuộc đấu tranh của những người cộng sản Nam Tư, trong khi các đại diện Liên Xô, lúc đầu còn thận trọng nhưng càng ngày càng công khai, đòi bộ máy tuyên truyền của chúng tôi phải phục vụ các nhu cầu của Liên Xô, ép chúng tôi phải theo khuôn mẫu của họ. Những cuộc nhậu nhẹt của các đại diện Liên Xô, họ muốn lôi kéo cả các nhà lãnh đạo cao cấp của chúng tôi tham gia nữa, càng ngày càng trở nên xa hoa, chỉ càng khẳng định, với tôi và một số người khác, sự chính xác của những nhận xét của tôi về sự bất nhất giữa lí tưởng và hành động, giữa đạo đức mà họ rao giảng với những hành vi phi luân trên thực tế mà thôi.
Giai đoạn tiếp xúc ban đầu giữa hai phong trào cách mạng và hai chính phủ, dù có cùng lí tưởng và hoàn cảnh xã hội tương tự nhau, cũng không thể nào trơn tru ngay được. Nhưng vì điều đó xảy ra trong một hệ tư tưởng khép kín nên các mâu thuẫn nhất định phải thể hiện dưới hình thức tiến thoái lưỡng nan về đạo đức và thắc mắc về việc trung tâm chính giáo không hiểu những ý định tốt lành của đảng đàn em, của nước nghèo hơn.
Nhưng người ta không chỉ phản ứng bằng nhận thức. Lúc đó, tôi bất ngờ "phát hiện" ra mối liên hệ không gì chia cắt được của con người với thiên nhiên vì thế tôi bắt đầu trở lại với việc đi săn như thời còn trai trẻ và tôi nhận ra rằng cái đẹp có mặt khắp nơi chứ không phải chỉ có trong đảng và cách mạng.
Nhưng giai đoạn buồn đau mới chỉ bắt đầu.

No comments: