Thursday, June 18, 2009

NÓI CHUYỆN VÓI STALIN 15

Milovan Djilas

Nói chuyện với Stalin

Dịch giả: Phạm Minh Ngọc

14.

Thất vọng
Tôi gặp Stalin lần thứ ba vào đầu năm 1948. Đây là cuộc gặp có ý nghĩa nhất vì nó diễn ra ngay trước cuộc xung đột giữa lãnh đạo Liên Xô và Nam Tư.
Ngay trước cuộc gặp đã xảy ra những sự kiện và thay đổi quan trọng trong quan hệ giữa Liên Xô và Nam Tư.
Quan hệ giữa Liên Xô và phương Tây đã bắt đầu có tính chất của cuộc chiến tranh lạnh và dưới hình thức quan hệ giữa hai khối.
Sự kiện có tính chất quyết định ở đây, theo tôi, là việc Liên Xô từ chối kế hoạch Marshall, cuộc nội chiến ở Hi Lạp và việc thành lập Phòng thông tin của các đảng cộng sản và công nhân quốc tế gọi là Cominform.
Chỉ có Liên Xô và Nam Tư là hai nước kiên quyết từ chối tham gia kế hoạch Marshall. Nam Tư từ chối do chủ nghĩa giáo điều, còn Liên Xô thì sợ rằng sự giúp đỡ kinh tế của Mỹ sẽ làm lung lay cái đế chế vừa chiếm được bằng chiến tranh.
Tôi, trên đường tham dự đại hội Đảng cộng sản Pháp ở Strasbourg, đã tình cờ có mặt ở Paris đúng vào lúc diễn ra cuộc đàm phán giữa Molotov và các đại diện phương Tây về kế hoạch Marshall. Molotov tiếp tôi trong Đại sứ quán Liên Xô, tại đây chúng tôi đã thoả thuận sẽ phản đối kế hoạch Marshall và phê bình Đảng cộng sản Pháp vì cái gọi là "đường lối dân tộc" của họ. Molotov đặc biệt quan tâm đến thái độ của tôi đối với đại hội. Molotov nói về tờ Dân chủ mới do Duclo làm tổng biên tập, một tờ báo có nhiệm vụ thể hiện sự thống nhất quan điểm của các đảng cộng sản, như sau:
"Không phải là việc cần, không phải là việc cần làm bây giờ".
Molotov có lưỡng lự về kế hoạch Marshall và cho rằng có thể phải đồng ý tổ chức với sự tham gia của các nước Đông Âu, nhưng chỉ với mục đích tuyên truyền, sẽ lợi dụng diễn đàn và đứng dậy bỏ ra về khi cần thiết. Tôi không thích phương án ấy lắm, nhưng nếu người Nga cố ép thì tôi sẽ đồng ý, đấy cũng là quan điểm của chính phủ tôi. Nhưng Molotov đã nhận được chỉ thị của Bộ chính trị từ Moskva rằng không được đồng ý ngay cả với việc tổ chức hội nghị.
Ngay sau khi tôi về Belgrad thì ở Moskva diễn ra hội nghị các nước Đông Âu nhằm thống nhất quan điểm về kế hoạch Marshall. Tôi được chỉ định dẫn đầu đoàn đại biểu Nam Tư. Mục đích thực sự của nó là cùng ép Tiệp Khắc vì chính phủ nước này không phản đối việc tham gia kế hoạch Marshall. Máy bay Liên Xô đã đợi sẵn ở sân bay nhưng có điện từ Moskva nói rằng không cần họp nữa vì chính phủ Tiệp đã từ bỏ quan điểm ban đầu rồi.
Phòng thông tin quốc tế (Cominform) được thành lập cũng vì lí do như thế: nhiệm vụ của nó là giải quyết các quan điểm khác với quan điểm của Moskva. Ý tưởng về việc thành lập một tổ chức có thể bảo đảm sự phối hợp và trao đổi quan điểm giữa các đảng cộng sản được bàn thảo ngay từ mùa hè năm 1946; Stalin, Tito và Dimitrov cũng đã nói chuyện đó. Nhưng vì nhiều lí do mà kế hoạch phải hoãn lại, mà lí do chủ yếu là vì các lãnh tụ Xô viết chưa quyết định được thời gian thích hợp. Mãi đến mùa thu năm 1947, kế hoạch này mới được thực hiện, không nghi ngờ gì rằng điều đó có liên quan đến việc Liên Xô từ chối kế hoạch Marshall và sự củng cố vai trò của Liên Xô trong các nước Đông Âu.
Trong cuộc hội nghị thành lập diễn ra ở miền tây Ba Lan, đây là vùng đất cũ của Đức, chỉ có hai đoàn kiên quyết đề nghị thành lập, đấy là đoàn Nam Tư và đoàn Liên Xô. Gomulka (Ba Lan -ND) phản đối, ông phát biểu thận trọng nhưng không úp mở về con đường "đi lên chủ nghĩa xã hội theo cách của Ba Lan".
Xin nhắc lại một chuyện vui rằng Stalin đã nghĩ ra tên gọi cho tờ báo của Cominform là Vì một nền hoà bình bền vững, vì nền dân chủ nhân dân, và cho rằng các cơ quan tuyên truyền phương Tây mỗi lần trích dẫn một câu gì đó từ tờ tạp chí cũng sẽ phải nhắc lại khẩu hiệu này. Nhưng hi vọng của Stalin không thành hiện thực: tên này dài quá và mang tính tuyên truyền lộ liễu quá nên ở phương Tây người ta chỉ gọi đơn giản là "cơ quan của Cominform". Stalin cũng là người quyết định địa điểm của Cominform. Các đoàn đại biểu đã thống nhất đặt ở Praha. Đại diện của Tiệp là Slanski ngay chiều hôm ấy phải phóng xe về Praha để tham khảo ý kiến Gottwald. Nhưng đêm đó, Gdanov và Malenkov đã nói chuyện với Stalin, ngay ở một khách sạn xa xôi hẻo lánh thế này cũng phải xin ý kiến trực tiếp của Moskva. Và vì Gottwald không thích đặt ở Praha lắm, Stalin đã ra lệnh đặt trụ sở Cominform ở Belgrad.
Có hai quá trình diễn ra song hành trong quan hệ giữa Nam Tư và Liên Xô: ngoài mặt thì là sự thống nhất về chính trị và tư tưởng nhưng trên thực tế thì sự đánh giá và hành động đã khác nhau.
Khi phái đoàn lãnh đạo cấp cao Nam Tư gồm Tito, Rankovich, Kidric, Neskovic có mặt ở Moskva vào mùa hè năm 1946, ngoài mặt, quan hệ giữa hai bên cực kì thân thiện. Stalin ôm hôn Tito rồi còn dự đoán vai trò của ông trên phạm vi toàn châu lục nữa, trong khi tỏ ra coi thường đoàn Bulgaria và Dimitrov. Nhưng chẳng bao lâu sau đã xảy ra tranh luận và bất đồng.
Những mâu thuẫn được che đậy tiếp tục phát triển. Tuy thế giới phi cộng sản không hề biết đến những mâu thuẫn ấy nhưng chúng vẫn luôn bùng phát trong các cấp lãnh đạo cao nhất của đảng. Đấy là những vụ liên quan đến việc tuyển mộ nhân viên tình báo, đặc biệt là trong bộ máy đảng và chính quyền và trong lĩnh vực tư tưởng mà chủ yếu là việc coi thường cách mạng Nam Tư từ phía Liên Xô. Các đại diện Liên Xô đã tỏ vẻ khó chịu ra mặt khi thấy Tito được ca ngợi cùng với Stalin, họ có thái độ hoàn toàn tiêu cực khi thấy Nam Tư có quan hệ độc lập và ngày càng có uy tín với các nước Đông Âu.
Chẳng mấy chốc, mâu thuẫn đã chuyển sang lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là khi người Nam Tư nhận ra rằng ngoài các quan hệ thương mại bình thường, họ không thể hi vọng vào sự giúp đỡ của Liên Xô trong việc thực hiện kế hoạch năm năm. Cảm thấy sự chống đối, Stalin nói rằng các công ty hợp doanh là không phù hợp với các nước hữu nghị anh em và hứa sẽ giúp đỡ về mọi mặt. Nhưng đồng thời các đại diện thương mại của Liên Xô lại dụng lợi thế do sự bùng nổ mâu thuẫn trong quan hệ giữa Nam Tư và các nước phương Tây và ảo tưởng của Nam Tư rằng Liên Xô là nhà nước không vị kỉ và không có ý đồ bá quyền.
Duy có Nam Tư và Albania là hai nước Đông Âu tự giải phóng khỏi ách phát xít và đồng thời hoàn thành cuộc cách mạng nội bộ mà không cần sự trợ giúp có tính chất quyết định của Hồng quân. Công cuộc cải tạo xã hội ở đây diễn ra sâu sắc hơn bất kì nước nào khác và Nam Tư đồng thời cũng là nước có vai trò tích cực trong việc thành lập khối Đông Âu thân Liên Xô. Cuộc nội chiến đang diễn ra ở Hi Lạp. Nam Tư bị vu là kích động và ủng hộ về mặt vật chất cho cuộc chiến tranh đó, quan hệ của nó với phương Tây và đặc biệt là Mỹ cực kì căng thẳng.
Hôm nay, nhìn lại thời đã qua, tôi có cảm tưởng rằng chính phủ Liên Xô không những chỉ quan sát một cách thích thú sự xấu đi của những mối quan hệ đó mà còn thực hiện một số bước làm cho nó trầm trọng thêm, dĩ nhiên là họ theo dõi để làm sao các bước đó không vượt ra ngoài khả năng và lợi ích của chính mình. Molotov chút nữa thì đã ôm hôn Kardelj khi nhận được tin hai máy bay Mỹ đã bị bắn rơi trên bầu trời Nam Tư nhưng đồng thời lại thuyết phục rằng không nên bắn thêm cái thứ ba. Chính phủ Liên Xô không ủng hộ một cách trực tiếp cuộc khởi nghĩa ở Hi Lạp, như vậy là đã để Nam Tư gần như đơn độc trên ghế bị cáo ở Liên hiệp quốc, nhưng cũng không có một hành động dứt khoát nào nhằm vãn hồi hoà bình cho đến khi Stalin thấy rằng việc đó có lợi cho mình.
Việc đưa Cominform về Belgrad cũng thế, mới đầu thì tưởng đấy là việc công nhận cách mạng Nam Tư nhưng hoá ra đằng sau nó là ý định ngầm của Liên Xô: ban lãnh đạo Nam Tư được ru ngủ trong sự tự mãn cách mạng và phải phục tùng tinh thần đoàn kết cộng sản quốc tế giả tạo; trên thực tế, điều đó nghĩa là công nhận chủ nghĩa bá quyền Liên Xô và thực hiện những đòi hỏi không bao giờ ngưng của bộ máy quan liêu Xô viết.
Xin được nói về thái độ của Stalin đối với cách mạng, cũng có nghĩa là thái độ đối với cách mạng Nam Tư.
Có nhiều ý kiến, không phải là không có cơ sở, cho rằng vào những giờ phút quyết định, Moskva đã từ chối giúp đỡ cách mạng Trung Quốc, Tây Ban Nha, Nam Tư vì Stalin là người phản đối cách mạng nói chung. Nhưng điều đó không hoàn toàn đúng. Stalin chỉ chống lại cách mạng khi cuộc cách mạng ấy vượt ra ngoài quyền lợi của nhà nước Liên Xô mà thôi. Ông đã linh cảm thấy rằng việc thành lập các trung tâm cách mạng mới bên ngoài Moskva sẽ đe doạ vị trí độc quyền trong phong trào cộng sản thế giới, điều đó đã trở thành hiện thực rồi. Cho nên ông ta chỉ ủng hộ các cuộc cách mạng khi chúng còn nằm trong vòng kiểm soát của ông, ông sẵn sàng bỏ rơi nếu chúng vượt khỏi tầm tay. Tôi cho rằng cho đến hôm nay chính sách của chính phủ Liên Xô chưa có thay đổi đáng kể về vấn đề này.
Nắm trong tay toàn bộ nguồn lực của đất nước, Stalin không thể hành động khác ngay cả ở bên ngoài lãnh thổ của nó. Kéo khái niệm tiến bộ và tự do xuống ngang với quyền lợi của một đảng chính trị ở nước mình, ông chỉ có thể hành động như chủ nhân ông tại những nước khác mà thôi. Ông chỉ còn là công việc. Ông đã trở thành nô lệ của chế độ chuyên chế và quan liêu, nô lệ của sự hẹp hòi, thiển cận và nhạt nhẽo, nghĩa là nô lệ của tất cả những điều mà ông đã buộc vào cho chính đất nước mình.
Hoàn toàn đúng khi có người nói rằng: không thể tước đoạt tự do của người khác mà không đánh mất tự do của chính mình.
hết: 14., xem tiếp: 15.

Sưu tầm: Nguyễn Học
Nguồn: Talawas
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 2 tháng 10 năm 2006

No comments: