Wednesday, June 17, 2009

MẬT THƯ TỘI ÁC CỘNG SẢN 5

Stéphane Courtois et al.

Mật thư tội ác của chủ-nghĩa Cộng-sản

Dịch giả : Fossion René & Trần hữu Sơn

Phần 1. Chương 3

KHỦNG BỐ ĐỎ



Ngày 3 tháng 8, Đại sứ Đức Karl Helfferich từ Mạc Tư Khoa gởi một bản phúc trình về cho chính phủ Đức với nội dung như sau: Các lãnh tụ Bônsêvich rất lo sợ về số phận mỏng manh của họ trước tình hình hỗn loạn đang lan tràn ở Mạc Tư Khoa. Có tin đồn bọn phản động đã xâm nhập vào Thủ đô .
Chưa có lúc nào người Bônsêvich lo sợ như vậy. Từ mùa Hè năm 1918, các cơ sở quyền lực của họ hoàn toàn sụp đổ. Họ chỉ còn kiểm soát các vùng phụ cận quanh Thủ đô lịch sử Mạc Tư Khoa.
Thủ Đô bị bao vây bởi ba cánh quân.
Cánh quân thứ nhất quây quanh vùng sông DON, bao gồm binh sĩ thuộc sắc dân Cosaque dưới quyền lãnh đạo của Tướng Krasnov và quân Bạch Nga của Tướng Denikine.
Cánh quân thứ hai là quân của Đức và lực lượng Rada của Ukraine.
Cánh quân thứ ba nằm dọc theo đường xe lửa xuyên Tây Bá Lợi Á do các đạo quân của người Tchques. Cánh quân này chiếm đóng nhiều thành phố và được chính quyền của đảng Xã Hội cách mạng ủng hộ.
Trong các vùng do ngừơi Bônsêvich kiểm soát đã có 140 cuộc nổi loạn. Các cuộc chống đối nổ ra lớn nhất vào mùa Hè năm 1918. Nguyên nhân của các cuộc nổi loạn là chính sách cưỡng bách trưng thu lương thực của chính quyền cộng sản. Nông dân chống lại các toán trưng thu. Nông dân còn chống lại các biện pháp của chính phủ nhằm hạn chế kinh doanh tư nhân, chống lại lịnh động viên bắt thanh niên gia nhập Hồng Quân. Nông dân kéo đến bao vây, đe dọa và đốt phá các trụ sở của Xô Viết địa phương, tại các làng xã ở gần họ.
Các toán công an bảo vệ trụ sở nhà nước nổ súng ào đám đông nông dân để giải vây. Các cuộc đụng độ càng ngày càng gia tăng.
Chính quyền Bônsêvich cho rằng Bạch quân chủ mưu, hướng dẫn các cuộc gây rối chống nhà nước.
Ngày 9 tháng 8 năm 1918, trong bức thơ trả lời cho chủ tịch Ủy ban nhân dân Sô Viết thành phố Nijni-Hogorod về các cuộc chống đối của nông dân, Lenine viết : Các đồng chí hãy thành lập ngay bộ chỉ huy bộ ba gồm có Đồng chí, Markin và một đồng chí khác. Các đồng chí phải thi hành ngay lịnh khủng bố quần chúng. Xử bắn hay bắt bỏ tù gái mãi dâm, các cựu sĩ quan Bạch quân. Hãy mở các cuộc lục soát càng nhiều càng tốt. Phải hành động quyết liệt. Bắn tại chỗ những ai đi ngoài đường có mang theo vũ khí. Lưu đày các phần tử thuộc nhóm Mensêvich và các phần tử tình nghi.
Ngày hôm sau, 10 tháng 8 năm 1918, Lenine cũng gởi công lịnh cho viên chủ tịch Ủy ban nhân dân Sô viết ở Penza. Ông viết: Đồng chí, Bọn phú nông gây rối loạn tại 5 khu vực thuộc phạm vi kiểm soát của đồng chí. Đồng chí phải thẳng tay triệt hạ. Vì quyền lợi của cách mạng, đồng chí phải cương quyết thi hành. Khắp nơi, các cuộc chiến cuối cùng tiêu diệt bọn cường hào phú nông đã bắt đầu. Hãy tịch thu tất cả thóc lúa dự trữ của họ. Tìm bắt các tên mà tôi đã nêu lên ngày hôm qua. Các đồng chí phải làm thế nào để các làng ở xa hàng trăm cây số ai ai cũng đều nghe biết, để họ khiếp sợ. Họ sẽ truyền miệng với nhau rằng người Bônsêvich giết chết các cường hào địa chủ và sẽ tiếp tục xử bắn những ai bị nghi là những kẻ khát máu. Hãy gởi điện văn cho tôi biết khi nào đồng chí cho thi hành chỉ thị này. Ký tên Lenine. Ghi chú : hãy tìm thêm các phụ tá cứng rắn.
Nếu đọc kỹ các phúc trình của các toán công an về các cuộc nổi loạn trong mùa hè 1918 , chỉ có các vụ xảy ra ở Iazoslavl, Rybink, và Mouron là do Liên Minh Bảo Vệ Tổ Quốc , dưới quyền lãnh đạo của Boris Savinkov và công nhân thợ thuyền công xưởng sản xuất vũ khí Ijevsk chu xướng. Liên Minh chịu ảnh hưởng của hai lực lượng Mensêvich và Xã Hội cách mạng địa phương và dường như có chuẩn bị trước. các cuộc nối dậy của nông dân bộc phát chống lại các toán trưng thu lương thực, các toán bắt lính. Hồng quân và các toán công an đàn áp thẳng tay. Chỉ có thành phố Iazoslavl dưới quyền chỉ huy của Boris Savinkov là còn cầm cự được 15 ngày. Sau khi thành phố này thất thủ về tay Hồng quân, Dzerjinski gởi một ủy ban đến điều tra. Sau 5 ngày làm việc, từ 24 đến 28 tháng 7 năm 1918, Ủy ban ra lịnh hành quyết 428 người.
Trước ngày thi hành lịnh khủng bố đỏ, ngày 3 tháng 9 năm 1918, các lãnh tụ Bônsêvich Lenine và Dzerjinski liên tiếp gởi điện văn đến các các toán công an địa phương chỉ thị họ áp dụng các biện pháp phòng ngừa các cuộc nổi loạn. Theo Dzerinski, một trong các biện pháp hữu hiệu nhất là bắt giữ các con tin trong giới tư sản qúy tộc đã ghi trong các danh sách. Bắt các con tin giam vào các trại tập trung.
Ngày 8 tháng 8, Lenine ra lịnh cho Ủy viên nhân dân phụ trách tiếp tế Tsourioupa thiết lập ở mỗi đơn vị sản xuất ngũ cốc một danh sách gồm có 25 người làm ăn giàu có. Bắt giam họ và cho họ biết, nếu không nạp đủ chỉ tiêu trưng thu thì tính mạng của họ không được an toàn. Ủy viên Tsourioupa không chịu thi hành chỉ thị của Lenine. Ông ta viện cớ các cuộc lùng bắt con tin đang gặp khó khăn. Lenine gởi ngay điện văn thứ hai giải thích thêm : Tạm thời ngưng vụ bắt giam con tin, nhưng phải quản lý họ tại địa phương. Những người giàu có vì muốn bảo vệ tính mạng nên phải bắt họ chịu trách nhiệm thu góp lương thực trong địa phương. Họ phải hoàn thành công tác góp thu lương thực và giao cho các toán trưng thu.
Ngoài biện pháp bắt giam con tin, các lãnh tụ Bônsêvich còn cho thi hành biện pháp trại tập trung .
Ngày 9 tháng 8 năm 1918, Lenine gởi công điện cho Ủy ban nhân dân tỉnh Penza, ra lịnh cho bắt giam vào các trại tập trung tất cả cường hào địa chủ, quân lính Bạch Nga, các Giáo sĩ, các phần tử nghi ngờ chống chính phủ. Vài ngày trước đó, Lenine và Dzerjinski cũng đã đề nghị giam con tin vào các trại tập trung. Các trại tập trung mọc lên ở những nơi Hồng quân đang chiếm đóng.
Trong số những người bị bắt vì tình nghi hay để phòng ngừa , gồm có lãnh tụ của các đảng đối lập còn đang được tự do hoạt động.
Ngày 15 tháng 8, Lenine và Dzerjinski ra lịnh bắt các lãnh tụ nhóm Mensêvch. Đó là các ông Martov, Dan, Petresscov và Goldman. Các tờ báo của Mensevich bị đóng cửa. Đảng viên của họ bị loại ra khỏi các chức vụ trong các Ủy ban Sô Viết.
Đối với người Bônsêvich, không có ranh giới cho đối lập. Trong thời nội chiến, luật lệ có định nghĩa riêng của nó. Trong thời nội chiến, không có các sắc luật thành văn. Ông Latsis, một thân cận của Dzerjinski viết trên báo Izvestia số ra ngày 23 tháng 8 : Cuộc nội chiến có những nguyên tắc riêng. Không những nó buộc phải tiêu diệt các tiềm năng đối phương mà nó còn chứng tỏ cho thấy, kẻ nào chống lại trật tự của giai cấp vô sản sẽ bị tiêu diệt ngay. Những người vô sản không cần biết và cũng không dùng các luật lệ do tầng lớp tư sản thiết lập trước đây. Họ đã giết hàng ngàn chiến sĩ của chúng ta. Ngược lại chúng ta giết từng người một, sau khi đưa họ ra tòa án nhân dân. Trong thời kỳ nội chiến, không cần sự hiện diện, hay nói rõ ra không cần tòa án nào cả. Nếu chúng ta không giết họ, thì họ sẽ giết chúng ta. Vậy nếu chúng ta không muốn bị giết, thì chúng ta phải giết họ. .
Có hai vụ ám sát xảy ra ngày 30 tháng 8 năm 1918. Một vụ nhắm vào ông M.S. Outriski, chỉ huy trưởng công an thành phố Oetrograd và một vụ nhắm vào Lenine. Hai vụ mưu sát làm dao động đảng Bônsêvich. Trên thực tế hai vụ mưu sát không có liên hệ gì với nhau. Cuộc ám sát viên chỉ huy công an thành phố Petrograd xảy ra theo truyền thống của các cuộc khủng bố cách mạng bình dân do một nhóm sinh viên trẻ tuổi thực hiện để trả thù cho các bạn đồng khoá của họ vừa mới bị công an hành quyết vài ngày trước đó.
Vụ mưu sát Lenine, mà bấy lâu nay vẫn cứ tưởng là do cô Fanny Kaplan, một nữ lãnh tụ thân cận với nhóm vô chính phủ và nhóm xã hội cách mạng chủ mưu, thực sự do cơ quan công an dàn cảnh để tạo sự kích thích ra mặt của quần chúng. Cô Fanny bị công an bắt và bị hành quyết không xét xử. Nhưng sự việc xảy ra vượt qua kế hoạch của người tổ chức. Sau vụ mưu sát, chính quyền Bônsêvich quy tội cho nhóm Xã hội hữu phái là những kẻ âm mưu và là những phần tử tay sai cho đế quốc Anh Pháp. Liền ngay sau đó, báo chí đăng lời kêu gọi của chính phủ mở mặt trận khủng bố.
Tờ Sự Thật số ra ngày 31 tháng 8 năm 1918, đăng lời kêu gọi: Hởi đồng bào ! Đã đến lúc chúng ta phải tiêu diệt bọn tư sản trưởng gỉa. Nếu không, bọn chúng sẽ tiêu diệt chúng ta. Chúng ta cần tẫy sạch các phần tử ung thối tư sản ra khỏi thành phố. Phải ghi các người này và các thành phần có thể làm nguy hai đến cách mạng vào một quyển sổ đen. Bài hát chính thức của giai cấp thợ thuyền là bài hát kêu gọi hận thù và báo thù. .
Trong cùng ngày, Lenine cùng với cộng tác viên Peters kêu gọi giai cấp công nhân với lời lẻ tương tự : Hởi giai cấp công nhân ! các người hãy phát động cuộc khủng bố quy mô và vĩ đại. Bọn tư sản là những con thủy súc phản cách mạng. Tất cả kẻ thù của giai cấp công nhân , khi bị bắt có mang theo vũ khí thì phải xử bắn ngay tại chỗ. Bất kỳ ai có cử chỉ hay lời lẻ nhỏ nào chống lại cách mạng sẽ bị bắt giam và bị đưa vào trại tập trung.
Sau lời kêu gọi này, ngày 3 tháng 9, Ủy viên nhân dân phụ trách công tác nội vụ ông N. Petroski cho đăng một huấn thị trên tờ Izvestia. Ông phàn nàn là mặc dù lịnh khủng bố các thành phần chống lại giai cấp công nhân đã ban hành từ lâu, nhưng cho đến nay ở nhiều nơi vẫn chưa thi hành. Ông viết : Đã đến lúc phải chấm dứt tình cảm yếu đuối. Phải bắt giam ngay các phần tử xã hội cách mạng. Bắt làm con tin tất cả các sĩ quan Bạch quân và tư sản trưởng giả. Nếu họ chống cự, chúng ta đem đi hành quyết tập thể. Cơ quan hành chánh địa phương phải có sáng kiến riêng trong công tác này. Cơ quan công an và quân nhân cách mạng phải phát hiện và bắt giam tất cả các người tình nghi . Cho hành quyết ngay những ai có liên hệ đến các hành động phản cách mạng. Nhân viên hành chánh thẩm quyền địa phương phải phúc trình lên Bộ Nội vụ các việc làm nhu nhược hay mập mờ của các Sô Viết ở địa phương mình. Thái độ lưỡng lự, chao đảo không thể chấp nhận trong khi thi hành công tác khủng bố quần chúng .
Đây là văn kiện chính thức xác nhận tinh thần phát động quy mô chiến dịch KHỦNG BỐ ĐỎ.
Theo lời kêu gọi của Dzerjinski và Peters, cuộc khủng bố đỏ chỉ là kết quả của sự phận nộ của quần chúng chống lại hai cuộc mưu sát ngày 30 tháng 8 năm 1918, chớ không phải theo lịnh của chính phủ đưa ra.
Thật ra, khủng bố đỏ chính là do sự câm thù của các cấp lãnh đạo bônsêvich đối với những người trước đây đã đàn áp họ. Những người bônsêvich sẵn sàng thủ tiêu, không phải từng cá nhân mà cả từng giai cấp.
Trong tập hồi ký của Raphael Abramovitch - một lãnh tụ Mensêvich - ông tường thuật lại mẫu đối thoại của ông và ông Dzerjinski hồi tháng 8 năm 1917:
- Abramovitch, anh còn nhớ bài diễn văn của Lasalle, nói về nguyên thể của hiến pháp không ?
- Tôi còn nhớ.
- Ông Lasalle nói rằng, hiến pháp được quy định bởi mối tương quan quyền lực trong xã hội của một quốc gia trong một thời điểm nào đó. Tôi tự hỏi , tương quan nào giữa chính trị và xã hội có thể thay đổi?
- Đó là quá trình phát triển của kinh tế và chính trị với sự phát sinh một hình thức mới về kinh tế, sự nâng cao các giai cấp xã hội như anh biết.
- Như vậy chúng ta thay đổi mối tương quan xã hội này. Ví dụ như bắt một vài giai cấp nào đó phục tùng chính quyền hay thủ tiêu các giai cấp này. .
Cách suy tư lô-gích của các lãnh tụ Bônsêvich về một cuộc chiến tranh giai cấp là một sự tàn ác , lạnh lùng và vô liêm sĩ.
Tháng 9 năm 1918, một nhân vật cao cấp trong hàng ngũ lãnh đạo Bônsêvich, ông Grigori Zinoviev tuyên bố : Để đánh bại kẻ thù, chúng ta phải ra tay khủng bố. Chúng ta phải kéo 90 trong số 100 triệu dân Nga về phía chúng ta. Số còn lại, chúng ta không cần quan tâm. Họ sẽ bị tiêu diệt.
Ngày 5 tháng 9, chính quyền Xô viết chính thức ban hành lịnh KHỦNG BỐ ĐỎ.
Để bảo vệ chính quyền Bônsêvich, các toán công an tăng cường hoạt động để chống lại hẻ thù của giai cấp vô sản. Công an bắt giam, cô lập hay xử bắn các phần tử có liên quan đến Bạch Quân, liên quan đến các cuộc chống đối, có mưu toan gây rối loạn, tham gia vào các cuộc biểu tình,..Tên tuổi của những thành phần bị kết án, xử bắn đều được đăng trên báo kèm theo những lý do hành quyết.
Về sau, Dzerjinski xác nhận : các văn bản ngày 3 và 5 tháng 9 năm 1918 đã hợp thức hoá các hành động thanh toán các phần tử chống đối chúng tôi. Mặc dù có nhiều người phản đối, nhưng chúng tôi có quyền thủ tiêu kẻ thù mà không cần thông báo cho ai cả. .
Trong một thông cáo nội bộ ghi này 3 tháng 9, Dzerjinski ra chỉ thị cho tất cả Sô Viết địa phương phải nhanh chóng thủ tiêu các phần tử còn lại. Nhưng các cuộc thanh toán đã diễn ra ngày 31 tháng 8 . Trên tờ Izvestia số ra ngày 3 tháng 9 cho biết, công an đã giết 500 con tin tại thành phố Petrograd. Trong tháng 8 công an xử bắn 800 người. Trên thực tế, con số này vẫn còn rất thấp so với con số chính thức. Một nhân chứng cho biết, có 1300 người bị giết chết trong thành phố Petrograd. Đó là chưa kể đến con số người thường dân và sĩ quan trong thành phố Konstadt bị giết nhông không ghi trong hồ sơ lưu trữ. Công an cho đào các hố lớn rồi bắt 400 dân và sĩ quan Bạch quân đứng cạnh hố, bắn từng người.
Ông Peters, cánh tay mặt của Dzerjinski, khi trả lời trên báo Outo Moskvy, ông nói rằng: công an của thành phố Petrograd vì quá nhiệt tình và xúc động nên không còn lý trí khi thi hành công tác khủng bố. Trước khi xảy ra vụ mưu sát Ouritski, không hề có vụ hành quyết nào cả. Các ông hãy tin lời tôi. Tôi không phải là người khát máu như người ta đã gán cho tôi.
Tại thủ đô Mạc Tư Khoa, sau vụ mưu sát lenine, có vài Bộ trưởng của thời Nga Hoàng bị hành quyết. Theo tờ Izvestia, vào ngày 3 và 4 tháng 9, tại thủ đô chỉ có 29 con tin bị hành quyết. Trong số này có hai vị bộ trưởng thời Nga Hoàng, ông N. Khvostov -Bộ trưởng nội vụ và I. Chtcheglovitov-Bộ trưởng tư pháp. Nhưng theo lời khai của những người bị bắt giam, có hàng trăm vụ xử bắn xảy ra trong tháng chín.
Trong thời gian thi hành chiến dịch Khủng bố đỏ, Dzerjinski cho xuất bản tuần báo Ejenedelnik VCK- cơ quan phát ngôn của công an Tcheka. Tờ báo công khai ghi công trạng của các toán công an và khuyến khích nhân viên của các toán này hãy báo thù cho số đông quần chúng. Sau 6 tuần lưu hành, Ủy ban trung ương đảng ra lịnh đóng cửa. Nhiều lãnh tụ Bônsêvich lên án hành động quá lộ liễu của công an về các vụ công bố các hành động quá dã man trong các cuộc lùng bắt các thành phần đối lập, các trại tập trung hay các vụ hành quyết,..
Chính nhờ tuần báo này mà ngày nay người ta mới biết ít nhất những gì đã xảy ra của chiến dịch KHỦNG B- ĐỎ trong tháng 9 và 10 năm 1918.
Ngày 31 tháng 8 năm 1918, thi hành lịnh của Nicolas Boulganine, công an Tcheka của thành phố Nijini-Novgord bắt nhốt 700 người và đem xử bắn 141 con tin. Ông Boulganine sau này làm chủ tịch Cộng Hòa Liên Bang Xô Viết từ năm 1954 đến 1957.
Tại thị trấn Viatka, công an địa phương vùng Ouralsau khi rút khỏi thành phố Ekateringbourg, ra lịnh giết chết 23 cựu hiến binh, 154 người phản cách mạng, 8 người vô chính phủ và 10 đảng viên Mensêvich khuynh tả. Toán công an khu vực Ivan Voznessenk bắt giam 181 người. Cho hành quyết 25 người thuộc thành phần chống cách mạng và xây một trại tập trung chứa chừng 1000 người. Trong thị trấn nhỏ Sebejsk có 16 điền chủ và một Linh Mục bị bắn chết. Vị Linh Mục bị bắn vì đã làm lễ cầu nguyện cho Nga Hoàng II.
Tại Tver, Công an bắt giam 130 và bắn chết 39 người.
Ở vùng Perm có 50 người bị giết,..
Chúng ta cò thể đọc một danh sách dài đày tang tóc và đau thương trong tuần báo Ejenedelnik phát hành suốt trong 6 tuần lễ.
Mùa Thu 1918, trên các báo đều có ghi lại hàng ngàn các cuộc hành quyết. Như tờ Izvestia Tsaritsynskoi Goubtcheka, tiếng nói của nhân dân vùng Tsarytsine, đăng tin vụ thảm sát 103 người trong tuần lễ từ 3 đến ngày 10 tháng 9 năm 1918.
Tờ Izvestia Penzenskoi Goubtcheka, cơ quan phát ngôn vùng Penza, loan tin không lời bình luận: Vụ ám sát đồng chí Egorov, một công nhân cư ngụ tại thành phố Petrograd trong lúc công tác trưng thu lương thực và vụ hành quyết 152 Bạch quân là do lịnh của công an địa phương. Bất kỳ ai có mưu đồ chống lại lực lượng võ trang chuyên chính vô sản đều bị trừng phạt gắt gao.
Các bản phúc trình mật của công an địa phương gởi về Trung ương vừa mới công khai cho phép tham khảo, cho thấy các vụ đàn áp dã man đã diễn ra khi nông dân phản đối lịnh trưng thu lương thực hay chống lại lịnh bắt lính của nhà nước. Dưới tội danh các cuộc nổi loạn của bọn địa chủ phản cách mạng , nông dân bị đàn áp liên tục, dã man và đẫm máu trong suốt mùa hè 1918.
Không thể tìm ra con số chính xác nạn nhân của cuộc khủng bố đỏ đầu tiên. Một trong những thủ lãnh chính trong ngành công an là ông Latsis, đã tiết lộ , trong sáu tháng sau cùng của năm 1918, công an đã giết 4500 người. Ông ta nói một cách vô liêm sĩ: Người ta lên án các toán công an và các công tác quá hăng say của họ. Nhưng thật ra các thành viên của cơ quan công an Tcheka chưa thi hành đứng đắn và chưa thi hành tối đa các hình phạt tử hình. Phải dùng bàn tay sắt để giảm bớt nạn nhân.
Cuối tháng 10 năm 1918, ông Iouri Martov, một lãnh tụ khác của ngành công an, ước lượng con số nạn nhân do công an thủ tiêu là 10.000 người. Chúng tôi nghĩ rằng con số chính xác có thể lên tới 15000.
Cuộc khủng bố đỏ rõ ràng là phương tiện của nhà nước Bônsêvich dùng để tiêu diệt tiềm năng phản kháng của các lực lượng chống đối. Trên thực tế nó là một hình thức nội chiến, dùng các phương tiện giết người không nương tay như Latsis thường nói : Nội chiến có luật chơi riêng của nó. Biến cố xảy ra tại công xưởng sản xuất vũ khí Motolivikha là một vụ điển hình. Công nhân của công xưởng vũ khí đình công để phản đối chính sách phát thẻ tiếp tế lương thực dựa trên giai cấp xã hội và phản đối sự lạm quyền của công an địa phương. Nhà nước ghép công nhân vào tội phá rối và không chịu nói chuyện với công nhân. Nhà nước ra lịnh đóng cửa công xưởng, sa thãi công nhân và bắt giam ban tổ chức đình công. Trong suốt mùa hè năm đó, chính quyền bônsêvich cho thi hành chính sách này.
Đến mùa thu, ngành công an tái tổ chức và phân chia công tác tích cực hơn. Dựa vào các lời khen thưởng của Trung ương, công an địa phương càng hăng hái tiến xa vào công tác đàn áp. Họ ra lịnh thủ tiêu 100 công nhân tham dự đình công.
Nếu đem con số người bị công an bôsêvich giết chết 10000 trong hai tháng so với nạn nhân do chế độ Nga Hoàng thủ tiêu, thì chúng ta sẽ thấy rõ sự cách biệt trong chính sách đàn áp của hai chính quyền.
Chúng tôi xin nhắc lại, từ năm 1825 đến năm 1917, các toà án thời Nga Hoàng xử tử 6321 người kể cả các tù chính trị bị xét theo quân luật. Cao điểm là cuộc nổi loạn năm 1905. Có 1310 vụ bị kết án tử hình và bị hành quyết vào năm 1906. Suốt gần một thế kỷ-92 năm- Nga Hoàng xét xử có bản án, có điều tra và có luật sư biện hộ, chỉ bằng một phần ba hay một nửa con số nạn nhân của chính quyền Bônsêvich xảy ra trong hai tuần lễ đầu của năm 1918. Không phải bản án nào dưới thời Nga Hoàng cũng bị hành quyết. Một số tội phạm được hưởng giảm án tử hình và chuyển sang chung thân khổ sai.
Nhưng những hình thức kết án trong chế độ cộng sản còn đi xa hơn con số nạn nhân. Việc đặt ra các cấp hạng kết tội mới như : bị tình nghi, kẻ thù của nhân dân, tòa án cách mạng, toà án nhân dân, thi hành biện pháp phòng ngừa,..là những lịnh hành quyết không cần xử án. Có cả hàng trăm, hàng ngàn người bị các toán công an chính trị bắt giữ. Các toán công an này hoạt động trên cả pháp luật nhà nước.
Diễn tiến các cuộc cách mạng xảy ra ngoài dự tính của nhóm người Bônsêvich. các cuộc bút chiến trong tháng 10 giữa các lãnh tụ Bônsêvich về vai trò của ngàng công an chính trị đã nói rõ lên sự kiện này. Trong lúc Dzerjinski phải dấu tên đi Thụy sĩ chữa bịnh, vào ngày 25 tháng 10 năm 1918, Ủy ban trung ương nhóm họp để bàn về cơ chế tổ chức và vai trò của ban công an Tcheka. Các đảng viên lão thành như Bonkharine, Olminski và Ủy viên bộ nội vụ Petrovski chỉ trích hành động đứng trên chính quyền của ngành công an. Họ đưa ra các biện pháp chế ngự và giảm quyền hành của công an , mà theo họ là những tên giết người , bạo dâm và là những phần tử bần cùng trong ngành công an. Trung ương thành lập một Ủy ban kiểm soát. Ông Kamenev, một nhân vật đòi hủy bỏ ban công an chính trị Tcheka, được bổ nhiệm làm chủ tịch ủy ban kiểm soát. Nhưng chẳng bao lâu, các ủy viên thuộc ban công an Tcheka chiếm ưu thế trong ủy ban kiểm soát. Nhóm này củng cố lại uy thế của công an. Vai trò lãnh đạo của ủy ban kiểm soát trở lại trong tay của Dzerjinski, Sverdlov, Staline, Troski và cả Lenine nữa.
Ngày 19 tháng 12 năm 1918, thể theo lời yêu cầu của Lenine, Ủy ban trung ương đảng Bônsêvich đưa ra một nghị quyết cấm tất cả báo chí đăng các bài chỉ trích các cơ quan của đảng và nhà nước, kể cả ban công an chính trị Tcheka. Bởi vì các cơ quan này đang thi hành những nhiệm vụ khó khăn. Như vậy là xong. Lực lượng chuyên chính vô sản đã được thừa nhận hoạt động hợp pháp, hành động đúng. Như có lần Lenine nói: Một nhân viên công an chính trị Tcheka giỏi là một người cộng sản tốt .
Đầu năm 1919, Dzerjinski đề nghị thành lập một chi bộ đặc trách an ninh quân đội. Ngày 16 tháng 3 năm 1919 Dzerjinski được bổ nhiệm vào chức vụ Ủy viên nhân dân đặc trách Bộ nội vụ. Dưới sự hướng dẫn của ban công an chính trị Tcheka, Dzerjinski phân phối các dân quân vệ binh, các binh đoàn và các lực lượng hổ trợ quân đội vào các cơ quan hành chánh. Tháng 5 năm 1919, tất cả các đơn vị phục vụ hỏa xa, phụ trách tiếp vận và tiếp tế lương thực, .. cùng có chung một danh xưng. Đó là Lực Lượng Đặc Biệt Bảo Vệ An Ninh Nội Chính. Quân số của Lực lượng này trong năm 1921 lên đến 200.000 người.
Lực lượng có nhiệm vụ canh gát các trại tập trung, các yếu điểm chiến lược quân sự, các ga xe lửa, các cuộc hành quần truy lùng và trưng thu tài sản, đàn áp các cuộc biểu tình, chận đứng các cuộc bạo động chống đối nhà nước,.. Với quân số 200.000, lực lượng đặc biệt bảo vệ an ninh nội chính là một bộ phận đáng kể trong quân đội Hồng quân. Mặc dù trên giấy tờ Hồng quân có tới 3 hay 4 triệu quân , nhưng hầu như đã tan rã. Số lính đào ngũ quá cao, khó có thể huy động trên 500.000 người.
Một trong những công tác đầu tiên của Ủy viên nhân dân đặc trách Bộ nội vụ là cứu xét lại quy chế tổ chức các trại tập trung thành lập từ năm 1918 nhưng tớI nay chưa có căn bản pháp lý. Nghị quyết ký ngày 15 tháng 4 năm 1919 phân trại tập trung ra làm hai loại : Trại cưỡng bách lao động dành cho các tội nhân đã bị kết án; trại thứ hai dành cho những người bị bắt làm con tin. Nhưng sự phân chia chỉ có tên giấy tờ mà thôi. Theo chỉ thị đề ngày 17 tháng 5 năm 1919, mỗi tỉnh phải thành lập một trại tập trung chứa ít nhất 300 tù nhân. Theo chỉ thị này, tù nhân được chia ra làm 16 loại. Gồm có : tư sản trưởng giả, công chức chế độ cũ, hiệu trưởng các trường trung học, các luật sư của Toà án, Xã trưởng và phụ tá, Quận trưởng,Tỉnh trưởng, các thành phần ăn bám xã hội, gái mãi dâm, ma cô, lính đào ngũ, tù binh,..
Con số bị bắt vào trại tập trung và vào các trại cưỡng bách lao động càng ngày càng nhiều.
Trong năm 1919, con số tù cải tạo là 16.000. Vào tháng 9 năm 1921 con số này lên đến 70.000, chưa kể đến con số người bị bắt vì nổi dậy chống chính quyền.
Riêng tỉnh Tambov, vào mùa hè 1921 đã có 50.000 người thuộc gia đình của những người bị bắt làm con tin vì có dính líu đến những phần tử mà họ gọi la những tên ăn cướp .
50.000 tù nhân này được đưa vào 7 trại tập trung do những toán đang thi hành công tác trưng dụng và đàn áp các cuộc chống đối quản lý.


hết: Phần 1. Chương 3, xem tiếp: Phần 1. Chương 4


No comments: