Thursday, June 18, 2009

NÓI CHUYỆN VÓI STALIN 22

Milovan Djilas

Nói chuyện với Stalin

Dịch giả: Phạm Minh Ngọc

Kết luận


Nhiều người, trong đó dĩ nhiên là có Trotsky, đặc biệt nhấn mạnh những bản năng tội phạm, bản năng khát máu của Stalin. Tôi không muốn phủ nhận cũng như khẳng định vì không có đủ dữ kiện. Gần đây, ở Moskva, người ta đã tuyên bố rằng có thể ông ta đã giết Kirov để lấy cớ đàn áp phong trào đối lập trong Đảng. Bàn tay ông ta cũng có thể đã nhúng cả vào cái chết của Gorky. Trotsky còn nghi rằng ông ta đã cho giết Lenin dường như để ông khỏi bị đau đớn thêm. Có người khẳng định rằng ông ta đã giết vợ hoặc là đối xử một cách thô bạo quá đến nỗi bà phải tự sát. Vì cái giai thoại bà đã bị ngộ độc khi nếm món ăn mà người ta chuẩn bị cho chồng do bộ máy tuyên truyền của Stalin tạo ra nghe có vẻ vừa thơ mộng vừa ngây ngô quá.
Stalin có thể thực hiện mọi tội ác, chưa có tội ác nào mà ông ta không phạm. Dù dùng tiêu chuẩn nào thì ông ta cũng là một kẻ tội đồ vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại, chúng ta hãy hi vọng như thế. Vì ông ta là sự kết hợp của sự tàn ác của Caligula, sự cầu kì của Borgia và sự man rợ của Ivan Bạo chúa.
Nhưng tôi đã và vẫn suy nghĩ mãi về câu hỏi: làm sao mà một con người nham hiểm và độc ác như thế lại có thể lãnh đạo một trong những nước vĩ đại và mạnh mẽ nhất thế giới, không phải một, không phải hai năm mà những ba mươi năm chẵn? Đấy chính là điều những người phê phán, những hậu duệ của Stalin phải lí giải. Khi họ chưa làm điều đó thì có thể khẳng định rằng họ đang tiếp tục công việc của ông ta, đang sử dụng những ý tưởng, hình thức và phương tiện mà ông ta đã dùng.
Đúng là Stalin đã lợi dụng cơ hội của một nước Nga sau cách mạng đã bị kiệt sức và rơi vào tình trạng tuyệt vọng để nô dịch toàn bộ xã hội. Nhưng cũng đúng là một người như thế, một người cuồng tín, quyết đoán, trắng trợn và rất thực tế lại rất cần cho một số tầng lớp nhất định, đúng hơn là cần cho tầng lớp đảng viên quan liêu đã nắm được quyền lực. Đảng cầm quyền đã kiên trì và ngoan ngoãn đi theo ông ta. Ông ta đã dẫn Đảng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, cho đến khi ông ta say mê quyền lực đến độ phạm tội chống lại chính cái Đảng ấy. Hiện nay, Đảng mới chỉ kết án ông ta về một tội ấy mà thôi, nó chưa nói đến những tội lỗi lớn hơn, hay ít nhất cũng dã man không kém, đấy là tội ác chống lại "kẻ thù giai cấp", đúng hơn là chống lại tầng lớp nông dân và trí thức, cũng như những trào lưu tả và hữu khuynh trong Đảng. Khi cái Đảng ấy, trên lí thuyết và đặc biệt là trong thực tế, chưa đoạn tuyệt với bản chất của chủ nghĩa Stalin, mà cụ thể là sự thống nhất về tư tưởng và sự đoàn kết nhất trí trong toàn Đảng, thì đấy chính là dấu hiệu tỏ ra rằng nó vẫn chưa thoát khỏi bóng ma của Stalin. Vì vậy, tôi cho rằng niềm vui vì đã loại bỏ được cái gọi là nhóm chống đảng Molotov, dù ông ta có là kẻ nhơ nhuốc và quan điểm của ông ta có tàn bạo đến đâu, cũng là những niềm vui nhỏ và quá sớm. Vấn đề không phải là nhóm này hay nhóm kia, vấn đề là khả năng tồn tại của các nhóm như vậy nói chung, vấn đề là người ta đã từ bỏ, ít nhất trong giai đoạn đầu, sự độc quyền về tư tưởng và chính trị rồi sau đó sẽ từ bỏ cả những sự độc quyền khác của một nhóm ở Liên Xô hay chưa. Bóng ma của Stalin vẫn còn đó, sợ rằng nó sẽ còn tồn tại ở Liên Xô trong một thời gian dài nữa, đấy là giả sử không xảy ra chiến tranh. Dù bị nguyền rủa, Stalin vẫn còn sống trong nền tảng tinh thần và xã hội Liên Xô.
Trở lại với Lenin trên lời nói và trong các bài diễn văn không thay đổi được bản chất của vấn đề, tố cáo một tội ác nào đó của Stalin dễ hơn là lờ đi rằng con người này "đã xây dựng chủ nghĩa xã hội", tức là đã đặt nền móng cho xã hội Xô viết và đế chế Liên Xô ngày nay. Điều đó nói lên rằng xã hội Liên Xô, dù đã đạt được những thành tựu to lớn về kĩ thuật, mà cũng có thể do những thành tựu ấy, nếu đã bắt đầu thay đổi thì cũng còn là tù binh của những luật lệ giáo điều do Stalin đặt ra.
Dù có hoài nghi như thế, ta vẫn có quyền hi vọng rằng trong một tương lai không xa có thể sẽ xuất hiện những tư tưởng mới và các hiện tượng mới nếu chưa làm lung lay "tinh thần đoàn kết nhất trí" của Khushchev thì ít nhất cũng có thể vạch ra được bản chất và những mâu thuẫn của nó. Hiện nay thì chưa có điều kiện như thế: những người cầm quyền còn nghèo đến nỗi chủ nghĩa giáo điều cũng như độc chiếm quyền lực không cản trở họ, cũng như chưa phải là thừa đối với họ, còn nền kinh tế Liên Xô thì có thể sống trong tình trạng cách li như thế trong đế chế của mình, mặc dù tách rời khỏi thị trường thế giới nghĩa là phải chịu nhiều thiệt thòi.
Mỗi sự vật, hiện tượng đều có kích thước và giá trị khác nhau, tùy vào cách nhìn.
Stalin cũng vậy.
Nếu nhìn từ quan điểm nhân bản và tự do thì lịch sử chưa từng biết đến một kẻ độc tài nào lại dã man và vô liêm sỉ bằng Stalin. Ông ta là một tội phạm có phương pháp hơn, toàn triệt hơn Hitler. Ông ta là một trong rất ít những kẻ giáo điều khủng khiềp có thể giết đến chín phần mười nhân loại để tạo "hạnh phúc" cho một phần mười còn lại.
Nhưng nếu phân tích vai trò thực sự của Stalin đối với lịch sử phong trào cộng sản thì bên cạnh Lenin, cho đến nay, ông ta vẫn là một nhân vật vĩ đại nhất. Đóng góp của ông vào tư tưởng cộng sản không nhiều nhưng ông đã bảo vệ và biến chúng thành xã hội, thành nhà nước. Ông không tạo ra được một xã hội lí tưởng, điều đó là bất khả vì bản chất của con người là thế, nhưng ông đã biến nước Nga lạc hậu thành một nước công nghiệp và một đế chế đang quyết tâm đòi quyền bá chủ thế giới. Nếu phân tích như thế, ta sẽ phát hiện ra rằng ông ta đã xây dựng được một xã hội bất công nhất thời nay, nếu không phải là bất công nhất trong toàn bộ lịch sử, hoặc ít nhất đấy cũng là một xã hội bất công, bất bình đẳng và không có tự do.
Song nếu nhìn từ quan điểm thành công và sự nhạy bén chính trị thì có thể nói, không một nhà hoạt động chính trị nào thời đó có thể vượt qua được Stalin.
Đương nhiên, tôi không coi thành công trong đấu tranh chính trị là giá trị tuyệt đối cao nhất. Tôi cũng hoàn toàn xa lạ với quan niệm coi chính trị là vô luân, mặc dù chính trị là cuộc đấu tranh cho sự tồn tại của những cộng đồng người nhất định nên có thể bỏ qua các tiêu chuẩn đạo đức. Một nhà hoạt động chính trị lớn, theo tôi, là người biết dung hợp tư tưởng với hiện thực, người biết và có thể kiên trì đi tới mục đích của mình, đồng thời vẫn giữ được những giá trị đạo đức chủ yếu.
Xét đến cùng, Stalin đúng là một kẻ quái đản, một người theo đuổi những tư tưởng trừu tượng, tuyệt đối và về bản chất là các tư tưởng không tưởng, việc thực hiện thành công nó trên thực tế đồng nghĩa với đàn áp, tiêu diệt cả về thể xác lẫn tinh thần của con người.
Nhưng chúng ta không được tỏ ra bất công với Stalin!
Điều ông định làm và cái ông đã làm được không thể có cách làm nào khác. Những kẻ đã ca ngợi ông và những kẻ đã được ông lãnh đạo, với những lí tưởng tuyệt đối, với những hình thức sở hữu và chính quyền biệt lập của họ, với tầm vóc phát triển các mối quan hệ quốc tế của nước Nga lúc đó, cũng không thể đưa ra một lãnh tụ nào khác, không thể áp dụng những biện pháp khác. Stalin là người tạo ra hệ thống biệt lập ấy, đồng thời là công cụ của nó và khi hoàn cảnh thay đổi thì ông trở thành nạn nhân của nó, tuy quá muộn. Stalin là người không ai có thể vượt qua, nếu xét ông như một lãnh tụ và nhà tổ chức của một hệ thống xã hội nhất định. "Các sai lầm" của ông rõ hơn của những người khác, vì vậy, hi sinh Stalin là cái giá rẻ nhất mà các lãnh tụ của hệ thống này có thể trả để cứu mình và cứu cả hệ thống với những tội lỗi còn quan trọng hơn và lớn hơn rất nhiều.
Và việc lật đổ Stalin, dù nó có khôi hài và không triệt để đến đâu đi chăng nữa, là sự khẳng định rằng sự thật đã chiến thắng, tuy rằng một số người đấu tranh cho nó có thể đã chết, nhưng lương tâm con người thì không ai có thể nào tiêu diệt được.
Nhưng đáng tiếc là, hôm nay, sau cái gọi là quá trình phi Stalin hoá, vẫn có thể nói như trước khi quá trình ấy chưa diễn ra, xã hội do Stalin xây dựng, tạo lập vẫn tồn tại hệt như trước và những ai muốn sống trong một thế giới khác cái thế giới của Stalin vẫn còn phải tiếp tục đấu tranh.
Belgrad
Tháng 9 – tháng 11 năm 1961.
hết: Kết luận, xem tiếp: 1.

Sưu tầm: Nguyễn Học
Nguồn: Talawas
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 2 tháng 10 năm 2006

No comments: