Monday, June 29, 2009

SUY TƯ 22 * XÃ HỘI CÔNG DÂN 2

Nguyễn Kiến Giang
Tìm hiểu khái niệm "xã hội công dân"
1 2

4. Sự phục hưng của khái niệm “xã hội công dân”

Hơn hai mươi năm nay, đặc biệt trong thời gian gần đây, khái niệm “xã hội công dân” tưởng chừng đã đi vào quá khứ, bỗng nhiên “sống lại” như một trong những khái niệm then chốt để lý giải các quá trình xã hội - chính trị diễn ra ở phưong Tây cũng như ở phương Ðông. Chỉ cần nhắc tới một số tác giả nổi tiếng cũng đủ thấy: Charles Taylor (Modes of Civil Society,1990); Edward Shils (The Virtues of Civil Society, 1991); Michael Waltzer (The Idea of Civil Society, 1991); Daniel Bell (American Exceptionalism Revisited: The Role of Civil Society, 1989)...

Tại sao có hiện tượng đó?

Ở các nước phương Tây, sự thâm nhập của Nhà nước vào đời sống kinh tế và, do đó, vào đời sống xã hội của dân chúng nổi lên như một nét chủ đạo của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, xã hội tư bản chủ nghĩa phương Tây lâm vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng. Các công ty độc quyền ra đời cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX ngày càng tập trung của cải và quyền lực vào tay, trong khi đại đa số dân chúng bị đẩy vào tình trạng bần cùng hóa. Giai cấp tư sản cầm quyền ở các nước đó tìm cách giải quyết khủng hoảng bằng hai cách: hoặc thiết lập chế độ toàn trị phát-xít và đi vào con đường bành trướng và xâm lược (chế độ Mussolini ở Italia, chế độ Hitler ở Ðức...); hoặc là mở rộng sự can thiệp của Nhà nước vào đời sống kinh tế và xã hội theo chủ nghĩa tự do và thuyết Keynes (chính quyền Roosevelt ở Mỹ đại diện cho xu hướng này). Chủ nghĩa phát-xít cuối cùng đã thất bại. Còn con đường tăng cường sự điều tiết của Nhà nước tỏ ra tương đối thành công.


Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, xu hướng này được trực tiếp thực hiện ở nhiều nước châu Âu (kể cả Ðức và Italia) nhằm khôi phục và phát triển kinh tế, ổn định tình hình xã hội và chính trị. Nó cũng nhằm giải quyết những mâu thuẫn và xung đột bên trong các nước này trước ảnh hưởng rộng lớn của các nước xã hội chủ nghĩa. Khái niệm được nhắc tới nhiều nhất trong các văn bản có tính chất cương lĩnh ở các nước phương Tây là “Nhà nước phúc lợi”. Nhà nước không chỉ điều tiết đời sống kinh tế theo hướng chống độc quyền mà còn bắt đầu bảo đảm những phúc lợi xã hội cần thiết cho dân cư (kể cả trợ cấp thất nghiệp ở mức đáng kể). Như vậy, trong đời sống kinh tế, ranh giới giữa xã hội công dân (tư nhân) và Nhà nước (công cộng) không còn rành mạch như trước.

Trong đời sống chính trị cũng vậy, nhưng theo một hướng ngược lại. Trong các thế kỷ trước kia, Nhà nước giống như một thực thể xa lạ nằm bên ngoài và đứng bên trên xã hội công dân. Ðó là những Nhà nước được áp đặt lên xã hội: Nhà nước quân chủ, Nhà nước độc tài... Cả ở những nước đã trải qua cách mạng chính trị rộng lớn như Pháp cũng chưa thiết lập được một Nhà nước thật sự dân chủ. Trong phần lớn các trường hợp, Nhà nước nằm trong tay một thiểu số có thế lực (kinh tế hay chính trị, hay cả hai).


Ðó chính là cơ sở hiện thực để Marx và Engels kết luận Nhà nước là công cụ của giai cấp thống trị. Nhưng tình hình dần dần đổi khác. Do các cuộc đấu tranh giành dân chủ của đại đa số dân chúng ngày càng phát triển mạnh mẽ nên các Nhà nước phương Tây cũng chuyển dần thành những Nhà nước dân chủ ở những mức độ khác nhau. Ðiều đó đặc biệt thấy rõ từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, đến mức khó có thể nói Nhà nước ở một số nước là thuộc về giai cấp nào. Các cơ quan quyền lực, trong nhiều trường hợp, được cấu tạo từ các cuộc bầu cử có sự tham gia tích cực của đông đảo quần chúng. Tát nhiên, chưa thể nói đó là những chế độ dân chủ thật sự, “trăm phần trăm” vì các giai cấp, các tầng lớp có thế lực vẫn khống chế các cơ chế dân chủ ở một mức độ quan trọng. Nhưng cũng không thể nói rằng Nhà nước ở những nước đó chỉ là bộ máy quản lý của giai cấp tư sản, như những người mác-xít giáo điều thường nghĩ.

Trong đời sống kinh tế, quá trình dân chủ hóa cũng được thực hiện từng bước. Các công ty lũng đoạn lớn không những bị Nhà nước điều tiết và hạn chế mà cả Nhà nước lẫn các công ty ấy cũng bị những người lao động, thông qua các tổ chức đại diện của họ, tác động tới một cách mạnh mẽ. Ngày nay, ở các doanh nghiệp lớn, đã hình thành một “bộ ba” (chủ công ty, Nhà nước và người lao động làm công) chịu trách nhiệm quyết định những vấn đề quan trọng nhất như tiền công, điều kiện lao động, định hướng phát triển kỹ thuật và công nghệ...


Những mâu thuẫn gay gắt giữa lao động và tư bản, giữa Nhà nước và các cá nhân công dân không còn nổ bùng thành những cuộc xung đột lớn, những cuộc cách mạng xã hội phá vỡ trật tự chung của xã hội mà dần dần được giải quyết trên cơ sở đồng thuận (consensus). Thế là cả trong lĩnh vực đời sống kinh tế, ranh giới giữa xã hội công dân và Nhà nước cũng không còn rành mạch như trước.

Nhưng tình hình đó không dẫn tới chỗ mất đi xã hội công dân như có người lầm tưởng, mà chỉ đưa tới một dạng mới của xã hội công dân, vừa củng cố những chân đứng độc lập của nó trong quan hệ với Nhà nước, lại vừa thâm nhập qua lại giữa nó và Nhà nước. Trong quan hệ ấy, Nhà nước cũng thay đổi tính chất: Nhà nước không còn là một bộ phận nằm bên ngoài cơ thể xã hội nữa mà trở thành một bộ phận bên trong của nó.

Sự phục hưng của khái niệm “xã hội công dân” diễn ra trong bối cảnh chung ấy. Có thể tìm thấy hai lý do:

Thứ nhất, sự can thiệp của Nhà nước vào đời sống kinh tế và các lĩnh vực khác của dân cư, khi được đẩy sâu quá mức cần thiết, đã trở thành một vật chướng ngại đối với sự tồn tại và phát triển của xã hội công dân. Nói cách khác, “cái công cộng” bắt đầu lấn át “cái tư nhân” (ở đây, cái tư nhân không chỉ là ở trong kinh tế mà cả ở trong các mặt khác, nhất là bình diện đời sống tinh thần). Những hoạt động kinh tế tư nhân bị gò bó quá mức theo những qui định của Nhà nước đã trở thành kém hiệu quả.


Ðó là cơ sở hiện thực để cho chủ nghĩa bảo thủ (hay chủ nghĩa bảo thủ mới) có cơ nảy nở và phát triển. Cái thường được gọi là chủ nghĩa Thatcher và chủ nghĩa Reagan chính là biểu hiện của chủ nghĩa bảo thủ ấy. Nó đề xướng việc quay trở lại với tự do kinh doanh, thực hiện các quá trình tư nhân hóa đối với khu vực kinh tế Nhà nước đã trở nên quá nặng nề và kém hiệu quả, đồng thời giảm nhẹ gánh nặng của “Nhà nước phúc lợi” (wellfare states). Trong những điều kiện hiện nay, nó không thể, và thật ra cũng không muốn, xóa bỏ mọi sự can thiệp của Nhà nước vào đời sống kinh tế; nó chỉ đưa sự can thiệp này xuống mức cần thiết tối thiểu.


Nhưng trên con đường thực hiện những chủ trương này, nó vấp phải sự chống đối về hai mặt: một mặt, của chính giới kinh doanh (do những điều kiện kinh doanh ngày càng khó khăn, nhiều người muốn Nhà nước thực hiện chế độ bảo hộ chặt chẽ); mặt khác, các tầng lớp lao động rộng rãi cũng chống lại các chủ trương ấy vì họ cũng có thể bị cắt giảm nhiều các khoản trợ cấp xã hội. Có thể nói rằng, “xã hội công dân” dưới dạng hiện nay vừa muốn bảo vệ tính độc lập, vừa muốn có sự điều chỉnh của Nhà nước ở những lĩnh vực nằm ngoài tầm với của nó.

Thứ hai, quá trình dân chủ hóa ở các nước phát triển phương Tây đã đi tới một giới hạn mới: chế độ dân chủ đại nghị (démocratie représentative) đang mất đi sức sống và những tiền đề cho một chế độ dân chủ tham gia (démocratie de participation) đang dần dần xuất hiện. Chế độ dân chủ đại diện là một thành quả rất lớn của sự phát triển xã hội về mặt chính trị, do đó cũng là thành quả của xã hội công dân nhưng đến giai đoạn này, nó bắt đầu trở thành xơ cứng, kém hiệu lực và, ở một mức độ nào đó, trở thành kém dân chủ, thậm chí phản dân chủ.


Một mặt, bộ máy Nhà nước, dù là trong chế độ dân chủ, không những không gạt bỏ mà còn làm tăng tính chất quan liêu của nó. Ðời sống xã hội càng phức tạp, Nhà nước càng phải qui định nhiều thứ và hệ quả tất yếu là có nhiều qui định trở thành những trói buộc mới đối với các cá nhân công dân, đối với xã hội. Mặt khác, chính những tổ chức chính trị dân chủ - trước hết là các chính đảng ra tranh cử qua mỗi cuộc bầu cử, với mục đích giành sự tín nhiệm lớn nhất của cử tri đối với mình - cũng dần dần biến thành những cơ thể thoái hóa, quan liêu hóa. Tình trạng vừa giành nhau, vừa chia nhau thế lực và quyền lợi đã xảy ra, được gọi bằng một thuật ngữ mới: partitocratie (sự thống trị của các đảng). Nó khác với đảng trị (partocratie) chỉ sự độc quyền thống trị của một đảng.


Các đảng ra tranh cử đều giống nhau ở chỗ đặt lợi ích của các đảng lên trên lợi ích của quần chúng, thậm chí “móc ngoặc” nhau để chia chác quyền lợi. Tình trạng khủng hoảng chính trị ở một số nước châu Âu (nổi bật nhất là Italia) cho thấy rõ điều này. Trong hoàn cảnh ấy, các cá nhân công dân muốn có một chế độ dân chủ khác, cao hơn, trong đó, những lợi ích và ý kiến của họ được phản ánh một cách trực tiếp hơn. Sự phát triển của những phương tiện liên lạc mới, dựa vào kỹ thuật và công nghệ tin học, nhất là các máy điện toán, cũng cho phép thực hiện sự tham gia trực tiếp của các cá nhân công dân vào đời sống chính trị của xã hội. (Chẳng hạn, ngày nay tổng thống Mỹ có thể trực tiếp yêu cầu từng cá nhân công dân cho biết ý kiến của họ về vấn đề này hay vấn đề khác, nếu muốn).

Ðó là những lý do chủ yếu đưa tới sự phục hưng của khái niệm “xã hội công dân” ở các nước phát triển phương Tây, ở chính nơi xã hội công dân đã tồn tại hàng trăm năm nay. Trong The Public Interest, tác phẩm vừa mới xuất bản của mình, D. Bell nhấn mạnh rằng “yêu cầu trở về với xã hội công dân là yêu cầu trở về với một phạm vi đời sống xã hội có thể quản lý được, và đời sống xã hội ấy phải coi trọng sự liên hiệp tự nguyện của các giáo hội và các cộng đồng, để cho các quyết định được đưa ra từ các địa phương mà không bị kiểm soát bởi Nhà nước và bộ máy quan liêu của nó” (trích theo Adam B. Seligman, The Idea of Civil Society, The Free Press, N.Y., p. 2).


Cũng tương tự như vậy, Charles Taylor nêu bật tư tưởng về xã hội công dân như phần nổi bật nhất trên con đường tiếp tục đấu tranh cho tự do trong thế giới hiện đại (Sách đã dẫn). Và đối với Michael Waltzer thì xã hội công dân chính là sự tổng hợp những giá trị khác nhau trong sự tìm kiếm một “đời sống tốt đẹp”. Một cách cụ thể hơn, Mickey Kaus, trên báo New Republic, đã kêu gọi mở rộng xã hội công dân ở nước Mỹ, đề xướng những chính sách nhằm đưa người giàu và người nghèo cùng sánh vai nhau bước vào những ngôi trường công cộng được sửa sang lại, những trung tâm và những cơ quan phục vụ quốc gia...


5. Chế độ xã hội chủ nghĩa và khái niệm “xã hội công dân”

Nếu sự phục hưng của khái niệm “xã hội công dân” ở các nước phương Tây nổi lên như một trào lưu mạnh mẽ như đã nói trên thì ở các nước xã hội chủ nghĩa cũ, trước hết ở các nước SNG và Ðông Âu, nó xuất hiện như một hiện tượng hoàn toàn mới mẻ và có sức sống mãnh liệt hơn nhiều. Trong lịch sử các nước này, xã hội công dân cũng đã từng tồn tại với những mức độ trưởng thành khác nhau nhưng với việc thiết lập chế độ xã hội chủ nghĩa ở đó, xã hội công dân bị xóa bỏ và ngay cả khái niệm “xã hội công dân” cũng không hề được nhắc tới.

Thật ra, chủ nghĩa xã hội như một trào lưu tư tưởng đấu tranh cho công bằng xã hội không có gì ngược lại với xã hội công dân cả. Chính sự ra đời của chủ nghĩa xã hội là sản phẩm của xã hội công dân, nó thể hiện những yêu cầu về công bằng và bình đẳng xã hội của những cá nhân độc lập về tư tưởng và chính trị, muốn thoát ra khỏi thân phận làm thuê. Và với ý nghĩa này, chừng nào trong xã hội vẫn còn những bất công xã hội, chừng đó chủ nghĩa xã hội với tư cách một trào lưu tư tưởng và chính trị vẫn còn đất sống.


Nhưng, thật nghịch lý, khi đem những lý tưởng của chủ nghĩa xã hội ra thực hiện một cách phổ biến trên phạm vi toàn xã hội thì tình hình lại không giống như những lý tưởng của nó khi mới được đề xướng. Trong tương lai, không biết còn có những mô hình xã hội chủ nghĩa nào khác không nhưng mô hình “chủ nghĩa xã hội Nhà nước” như đã được đem thực hiện ở một loạt nước thì đã tỏ ra không có hiệu quả, nói đúng hơn, hiệu quả của chúng hoàn toàn đi ngược với những lý tưởng ấy. Nói cách khác, chủ nghĩa xã hội nảy sinh từ xã hội công dân nhưng khi đem ra thực hiện, xã hội công dân liền bị triệt tiêu.

Trong mô hình “chủ nghĩa xã hội Nhà nước”, mọi cái đều bị Nhà nước hóa triệt để. “Cái công cộng” lấn át và, cuối cùng, xóa bỏ “cái riêng tư” (cái tư nhân). Từ đời sống kinh tế đến đời sống chính trị, từ đời sống gia đình tới đời sống văn hóa - tinh thần, tất cả đều bị Nhà nước chi phối tận từng chi tiết.

Con người lao động trong xã hội công dân cũ (mà Marx coi là xã hội tư sản) ít ra còn có sở hữu về sức lao động của mình cả khi không có hay bị tước mất quyền sở hữu về tư liệu sản xuất thì bây giờ, sở hữu sức lao động và quyền tự do bán sức lao động cũng không còn nữa. Họ chỉ còn là “người sở hữu tập thể” đối với tư liệu sản xuất mà thật ra là không có sở hữu gì hết. Sở hữu mất, những lĩnh vực riêng tư của đời sống con người (gia đình, tín ngưỡng,...) cũng không còn giữ được tính độc lập mà biến thành những “đinh ốc” không hồn trong guồng máy xã hội do Nhà nước hoàn toàn điều khiển theo ý chí của nó. Xã hội công dân, vì thế, bị xóa bỏ, nhường chỗ lại cho xã hội toàn trị (société totalitaire).

Thật dễ hiểu tại sao vấn đề xã hội công dân được đặt ra một cách cấp thiết và bao trùm trong các phong trào dân chủ ở các nước Ðông Âu và Liên Xô cũ cuối những năm 80 - đầu những năm 90. Nói như A. N. Neduchevski, sự xung đột giữa xã hội công dân và Nhà nước là “vấn đề tư tưởng - chính trị trung tâm của các quốc gia Ðông Âu” (“Dân chủ và bạo quyền thời cận đại và hiện đại”, Voprocy filosofii, số 10, 1993, Moskva, tr. 18). Trong những điều kiện lịch sử của các nước đó, phần nào giống với hoàn cảnh Tây Âu thế kỷ XVIII, vấn đề xã hội công dân vừa gắn với vấn đề độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia, vừa gắn với những yêu cầu dân chủ của đại đa số dân chúng. Nó thể hiện thành sự khôi phục tính độc lập của xã hội công dân, hay nói đúng hơn, sự khôi phục của chính bản thân xã hội công dân.

Nhưng vấn đề không được đặt ra theo lối lựa chọn giữa “xã hội công dân hay Nhà nước” như Meduchevski quan niệm. Ðó là vấn đề “xã hội công dân và Nhà nước”, vì rằng đó không phải là vấn đề có cái này thì không có cái kia. Không một xã hội công dân nào có thể tồn tại mà không có Nhà nước (tất nhiên, đây là Nhà nước pháp quyền); vấn đề là không được để cho xã hội công dân bị Nhà nước hoá, bị Nhà nước “nuốt chửng” như trong xã hội toàn trị trước đây.


Tất cả các quan hệ công cộng và/hay tư nhân phải được điều tiết bằng Nhà nước pháp quyền. Không có Nhà nước pháp quyền mà nói tới xã hội công dân là hoàn toàn vô nghĩa. Chính những ngộ nhận về vấn đề này đã dẫn tới tình trạng hỗn loạn xã hội rất tai hại sau những biến đổi chính trị căn bản ở các nước Ðông Âu.


Sự suy yếu quyền lực Nhà nước đã bắt dân chúng phải trả một cái giá rất đắt. Tất cả vấn đề ở đây là thay thế Nhà nước toàn trị bằng Nhà nước pháp quyền, chứ không phải thay thế Nhà nước bằng tình trạng phi Nhà nước. Ở một mức độ rất lớn, chính sự hình thành và củng cố Nhà nước pháp quyền là một trong những tiền đề bắt buộc của sự khôi phục và phát triển của xã hội công dân.


6. Xã hội công dân và dân chủ hóa

Ðến đây, có thể rút ra một nhận xét có tính nguyên tắc: quá trình dân chủ hóa ở tất cả các nước đều gắn liền với sự hình thành và phát triển của xã hội công dân. Không như vậy, quá trình dân chủ hóa sẽ không có nội dung xác thực. Như đã biết, dân chủ hóa, về thực chất, là chuyển quyền lực chính trị trong tay Nhà nước sang tay nhân dân. Nói cách khác, nhân dân phải trở thành chủ thể của quyền lực Nhà nước.

Không phải sự tồn tại của xã hội công dân ở bất cứ giai đoạn nào của nó cũng gắn với chế độ dân chủ. Xã hội công dân có thể và trên thực tế đã xuất hiện và tồn tại ngay cả khi không có chế độ dân chủ, thậm chí cả dưới một chế độ quân chủ và độc tài. Nhưng quá trình dân chủ hóa thì khác. Nó chỉ có thể có nội dung đích thực khi gắn với sự hình thành và phát triển của xã hội công dân. Có thể có xã hội công dân (tất nhiên dưới dạng không hoàn thiện) mà chưa có chế độ dân chủ, nhưng không thể có chế độ dân chủ mà không có xã hội công dân.

Ðiều đó thấy rõ trong các quá trình dân chủ hóa ở các lục địa khác nhau. Trong bài “Những con đường của dân chủ vào lúc kết thúc thế kỷ XX: bối cảnh thế giới”, ME MO, Moskva, số 10, 1993), E. Rashkovski nói: “Trong bối cảnh xã hội - văn hóa và chính trị hiện nay, các khái niệm dân chủ và xã hội công dân không tách rời nhau. Khi các cá nhân đạt tới một trình độ phát triển khá cao và mỗi cá nhân mang những lợi ích và xu hướng khác nhau, hay nói theo thuật ngữ xã hội học, khi các cá nhân ở trong trạng thái “nguyên tử hóa” thì sự khác nhau và đối lập nhau giữa các nhóm và các cá nhân là không thể tránh được.


Trong những điều kiện ấy, không thể điều hành xã hội bằng một Nhà nước tập trung hóa. Phải xây dựng và thực hiện một nguyên tắc điều hành khác: tìm kiếm sự đồng thuận giữa các nhóm và các cá nhân có những lợi ích và xu hướng khác nhau. Và sự đồng thuận ấy đòi hỏi phải có một Nhà nước pháp quyền mạnh mẽ và có hiệu quả. Tất cả những sự khác nhau và đối lập nhau trong xã hội phải được điều tiết bằng những thể chế luật pháp trên cơ sở những giá trị dân chủ và nhân bản”. E. Rashkovski nhấn mạnh tới vai trò đặc biệt của sự đồng thuận trong xã hội.


Theo ông, những tác động mạnh mẽ chưa từng thấy có tính đặc trưng cho thế giới hiện nay về kinh tế, thông tin, tộc người - dân tộc, tổ chức, tư tưởng,... đã và đang đem lại định hướng đặc biệt cho bộ mặt lịch sử hiện nay (hậu truyền thống và, về nhiều mặt, còn là hậu công nghiệp). Tính cô lập và những ranh giới giữa các nhóm và các xã hội đang bị xóa mờ dần. Những kinh nghiệm đau xót về bao nhiêu cuộc xung đột xã hội trong quá khứ và sự tự ý thức của cá nhân gắn liền với ý thức cộng đồng, thậm chí với ý thức toàn cầu, đã và đang đem lại những xung lực mới cho sự đồng thuận bên trong xã hội và giữa các xã hội khác nhau. Có thể nói, các khái niệm dân chủ hóa và đồng thuận xã hội, trong những điều kiện của thế giới hiện đại, là các khái niệm không những thuộc cùng một cấp độ mà còn giao nhau về nội dung.

Ở các nước phát triển về kinh tế và về dân chủ, vấn đề đó dù sao cũng đã có được những phương thức giải quyết phần nào có hiệu quả. Ở đó, người ta đang đi tìm những phương thức mới, có hiệu quả hơn. Nhưng ở các nước kém phát triển, nhất là ở những nước đang cố gắng vượt qua tình trạng kém phát triển, vấn đề này đang được đặt ra gay gắt hơn nhiều. Những cuộc đấu tranh quyết liệt đang diễn ra trong quá trình dân chủ hóa tại các nước đó. Về thực chất, đó là quá trình đấu tranh giữa xã hội công dân và chế độ độc tài.


Nam Triều Tiên là một thí dụ nổi bật. Trong bài “Phát triển kinh tế và dân chủ hóa ở Nam Triều Tiên” (Korea and World Affairs, số 4, 1991, Seoul), Chung-Shi Ahn đã xem xét mối quan hệ giữa những biến đổi kinh tế và sự hình thành xã hội công dân ở nước này. Ông nêu bật những nỗ lực vô tận của các công dân nhằm giành tự do cá nhân và tính độc lập của xã hội đối với sự kiểm soát độc đoán của uy quyền chính trị (ở đây là chế độ độc tài của một nhóm cầm quyền riêng, tức là giới quân sự). Ở Nam Triều Tiên, trên thực tế, chế độ độc tài không phải bao giờ cũng kiểm soát khu vực xã hội một cách tuyệt đối.

Do đó, xã hội công dân có được một mức độ độc lập nào đó và thường được phép tự kiểm soát trong những giới hạn nhất định. Nhưng theo tác giả này, khi xã hội công dân đã đạt tới một trình độ phát triển nào đó thì sự xung đột của nó với quyền lực độc tài là không thể tránh khỏi, nhất là với bộ máy đàn áp. Các cuộc đấu tranh dân chủ hóa nảy sinh dưới những hình thức khác nhau mà mục đích là: 1) các thể chế đàn áp của nhà nước bị thay bằng những cơ quan đại diện trong tiến trình dân chủ hóa và, do đó, xã hội công dân ngày càng độc lập hơn với bộ máy Nhà nước; 2) thông qua quá trình ấy, những hình thức của quyền công dân dân chủ xuất hiện ngày càng nhiều, bắt buộc Nhà nước phải đặt các thể chế của nó vào những quan hệ vững chắc hơn với xã hội công dân.

Quá trình này cũng đã và đang diễn ra ở nhiều nước Mỹ-La tinh. Nam Triều Tiên, theo tác giả, cũng trải qua quá trình đó. Việc thiết lập chính quyền dân sự thay cho chính quyền quân sự qua cuộc bầu cử tổng thống đầu năm 1993 là một thành tựu to lớn của dân chủ hóa cũng như của sự phát triển xã hội công dân cao hơn. Không thể nói rằng ở các nước khác, tình hình cũng sẽ diễn ra như ở Nam Triều Tiên. Nhưng về đại thể, nếu quan sát kỹ tình hình ở một số nước châu Á như Thái Lan, Ðài Loan, Philippin, v.v..., người ta thấy có những quá trình mang nội dung giống với Nam Triều Tiên.

Một điểm được Chung-Shi An nhấn mạnh là không được đồng nhất tính độc lập của xã hội công dân với “một Nhà nước yếu”. Ông nói: “Thật mỉa mai khi chúng ta đi đủ một vòng để kết luận rằng dân chủ cần có một Nhà nước mạnh. Tuy nhiên, ở đây, một Nhà nước mạnh tuyệt nhiên không phải là một sự biện minh cho việc quay trở về với hệ thống cũ. Trong một Nhà nước thật sự dân chủ, uy quyền của Nhà nước sẽ lại được xã hội công dân trao cho và, do đó, các cơ quan Nhà nước có thể trở nên mạnh hơn trước đây, tuy với một quan niệm khác”.

Xin lấy ý kiến vừa dẫn để kết thúc bài viết này.

Tháng mười hai 1993


*


Phụ lục

Ðề cương: Sự hình thành xã hội công dân ở phương Đông

Bản đề cương này được soạn hồi tháng ba 1991, trước khi viết “Tìm hiểu khái niệm xã hội công dân” (1992). Nhưng rồi sau đó không có điều kiện viết thành tiểu luận như dự định. Dù sao trong đề cương đã có một số luận điểm làm chỗ dựa cho bài viết trên đây, xin ghi lại để tham khảo.


1. Đặt vấn đề

Thế giới hiện nay, xét trên bình diện phát triển xã hội và kinh tế - kỹ thuật, thường được chia thành hai nhóm chủ yếu: các nước phát triển và các nước kém phát triển (hay đang phát triển). Tương ứng với sự phân chia đó là sự phân chia thành phương Ðông và phương Tây. Ðó là một sự phân chia hết sức tương đối vì không hề có một ranh giới dứt khoát giữa hai khái niệm địa lý - xã hội (géosocial) này, (ngay trong mỗi “khu vực” ấy, cũng có sự phân chia giữa các nước phát triển và chưa phát triển).


Dù sao đã có thể nói tới những quan niệm chung nào đó về phát triển và tiến bộ xã hội. Lịch sử đến cuối thế kỷ XX này cho thấy một thế giới mang tính chỉnh thể, tính toàn cầu hơn đã tưởng. Con đường văn minh loài người cũng có tính thống nhất rõ rệt. Nhiều mô hình xã hội đã được thử nghiệm và, cuối cùng, con đường này đã bộc lộ đầy đủ ở những thành tựu có ý nghĩa phổ biến: xã hội công dân, kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền. Ðó là bộ ba không thể tách rời nhau, một thứ “tam vị nhất thể” (trinity), trong đó, khái niệm “xã hội công dân” là khái niệm then chốt và cũng là bao trùm. Có thể khẳng định: con đường phát triển xã hội và tiến bộ xã hội chính là con đường hình thành và phát triển của xã hội công dân.

Vấn đề xã hội công dân, vì thế, trở thành vấn đề xã hội (theo nghĩa rộng nhất của từ này, nghĩa là bao trùm tất cả các mặt của đời sống xã hội) có tầm quan trọng hàng đầu của thế giới hiện đại, xét ở cả ba bình diện: - hoàn thiện xã hội công dân ở những nước đã thiết lập được nó trong lịch sử; - hình thành xã hội công dân ở những nước chưa có nó hoặc có nhưng chưa phát triển đầy đủ; - và hướng tới một xã hội công dân ở qui mô toàn cầu. Ðó cũng là yêu cầu cấp thiết nhất để cho mỗi nước và toàn thể loài người chuyển một cách thuận lợi nhất, ít đau đớn nhất sang nền “văn minh trí tuệ” (dùng khái niệm của Toffler để chỉ văn minh hậu công nghiệp).

Luận văn này chủ yếu bàn tới mặt thứ hai của vấn đề: sự hình thành xã hội công dân ở các nước đang phát triển, tất nhiên, trong mối liên hệ hữu cơ với hai mặt kia...

3. Về mặt lịch sử, rõ ràng đã diễn ra hai con đường cơ bản đi tới xã hội công dân: con đường phương Tây và con đường phương Ðông (gọi theo qui ước).
1. Con đường phương Tây:

* Ðặc trưng của nó: xã hội công dân phương Tây hình thành theo con đường phát triển tự nhiên (cũng có thể gọi là con đường cổ điển) trên những cơ sở của chính bản thân xã hội đó (điển hình là xã hội Anh, Pháp...). Nó hình thành trong hai quá trình kết hợp chặt chẽ với nhau: từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp, từ xã hội phong kiến sang xã hội tư bản chủ nghĩa. Và sự hình thành của nó cũng gắn chặt với sự hình thành của kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền.

* Xã hội công dân phương Tây bắt nguồn từ những nguồn gốc lịch sử sâu sắc trong các lĩnh vực đời sống xã hội trước đó: các polis Hy Lạp cổ và các đô thị La Mã cổ với những “công dân tự do” xuất hiện lần đầu tiên trong lịch sử; các quan hệ trao đổi ngày càng phát triển giữa những trung tâm thương mại lớn; các quan hệ sở hữu tư nhân được khẳng định về mặt luật pháp (đặc biệt trong luật La Mã cổ đại) và từ cả những nguồn gốc tinh thần ở triết học Hy Lạp, cũng như từ đạo Kitô (tôn giáo này khẳng định cá nhân con người trong sự đối diện với Thượng đế, khác với các tôn giáo phương Ðông, nhất là Phật giáo chủ trương “vô ngã”...).

* Sự hình thành của nó được chuẩn bị ngày càng đầy đủ và vững chắc với chủ nghĩa nhân văn thời Phục hưng, chủ nghĩa duy lý trong khoa học, với chủ nghĩa dân chủ trong Thế kỷ Khai sáng. Ðặc biệt, nó được chuẩn bị chín muồi với việc xác lập các quyền tự nhiên của con người về mặt quan niệm (Locke...) và về mặt pháp luật (Tuyên ngôn các cuộc cách mạng Mỹ và Pháp).

* Sau khi hình thành về cơ bản, xã hội công dân ở phương Tây vẫn tiếp tục phát triển không ngừng trên con đường tự hoàn thiện (song song với sự phát triển và hoàn thiện của kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền). Có những thời kỳ và những địa phương (quốc gia), tiến trình phát triển của nó gặp trở ngại nhưng nhìn chung, đó là một tiến trình đi lên ngày càng cao. Và bây giờ, nó đi tới một giai đoạn hoàn thiện hơn nữa để có thể đón nhận trạng thái mới về chất của đời sống xã hội khi chuyển sang nền văn minh mới của loài người.

2. Con đường phương Ðông:

* Sự hình thành xã hội công dân ở đây ngay từ đầu không thuận lợi như ở phương Tây. Không phải vì ở đây trình độ văn minh thấp hơn (xét về trình độ phát triển kinh tế - kỹ thuật, các nước phương Ðông và phương Tây ở vào một trình độ gần giống nhau cho tới thế kỷ XVII). Nhưng ở phương Ðông, chế độ xã hội - nhà nước tồn tại rất dài (phương thức sản xuất châu Á và chế độ chuyên chế phong kiến sau đó tồn tại cho đến tận thế kỷ XX), quyền lực chính trị độc tôn của nhà nước luôn luôn đóng vai trò chi phối toàn bộ đời sống xã hội.


Các lực lượng xã hội mới, đặc biệt là thương nhân nói riêng và thị dân nói chung, bị kìm hãm, không thể đóng vai trò chủ đạo trong đời sống xã hội ở những quốc gia lấy nông nghiệp làm nền tảng (dĩ nông vi bản). Bộ máy quan liêu được củng cố ngày càng vững chắc. Ngay cả về mặt tinh thần, các tôn giáo và triết thuyết phương Ðông không giúp cho cá nhân con người tự khẳng định (nhất là ảnh hưởng của đạo Khổng với tư cách một thứ luân lý “tam cương ngũ thường” và của đạo Phật với tư cách một tôn giáo “vô ngã”).


Xã hội chuyên chế phương Ðông không thể tự nó tạo ra những cơ sở cần thiết cho sự hình thành xã hội công dân, mặc dầu có những yếu tố khá mạnh về kinh tế hàng hóa, về văn hóa nhân văn... Cho đến cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, nhìn chung, xã hội phương Ðông là một “xã hội thần dân” dưới sự thống trị của chính quyền chuyên chế (cái mà một học giả Mỹ gọi là Oriental Despotism). Trong lịch sử tư tưởng phương Ðông, không hề thấy xuất hiện khái niệm “công dân” như ở phương Tây. Chỉ có khái niệm “dân”, “chúng dân” trong mối quan hệ với nhà vua, với triều đình. Các khái niệm đó chưa bao giờ mang ý nghĩa chủ thể xã hội, tuy đôi khi được thừa nhận là sức mạnh xã hội (“nâng thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”), thậm chí là gốc rễ xã hội (dĩ dân vi bản).

* Ðiều trớ trêu của lịch sử là khái niệm “công dân” ở phương Ðông đã xuất hiện với sự bành trướng kinh tế, văn hóa và cả sự xâm lược của các nước phương Tây. Ở Việt Nam, chẳng hạn, được coi là “công dân” khi là một người có quốc tịch Pháp (“dân Tây”) trên những vùng đất có qui chế “thuộc địa” do Pháp trực tiếp cai trị (Nam Kỳ, Ðà Nẵng...). Các luật pháp của xã hội công dân Pháp (ví dụ luật tự do báo chí năm 1891) chỉ được ban hành ở các vùng đất ấy với những hạn chế rõ rệt. Trong những thời điểm nhất định, điều đó cũng có lợi cho sự phát triển của phong trào dân chủ, chống đế quốc (như trong thời kỳ Mặt trận dân chủ Ðông Dưong 1936-1939, tờ Dân chúng của Ðảng cộng sản được công khai xuất bản mà không cần phải xin phép trước).

* Biện chứng lịch sử là ở chỗ: ngay dưới chế độ thực dân hà khắc, những yếu tố của xã hội công dân đã được chuẩn bị về mặt khách quan. Công cuộc khai thác thuộc địa, với sự mở mang giao thông vận tải, các thành phố buôn bán, các trung tâm công nghiệp, các trường học, báo chí, v.v..., đã tạo điều kiện cho các quan hệ hàng hóa phát triển mạnh, cho sự ra đời của những tầng lớp xã hội “hiện đại” (tư sản, tiểu tư sản, công nhân...), với xu hướng giải phóng mạnh mẽ của họ trong các lĩnh vực đời sống xã hội.


Ý thức cá nhân ngày càng rõ nét, thể hiện trong văn học Việt Nam khá đầy đủ và ý thức đó ngày càng gắn chặt với ý thức dân tộc. Ðối với đại đa số nhân dân, nhất là đối với nông dân chiềm đại bộ phận dân cư (90%), ý thức dân tộc nói chung lại gắn liền với ý thức cộng đồng (làng xã). Nhưng ở các thành thị, ý thức dân tộc bắt đầu gắn với ý thức cá nhân, Có thể nói, trong mấy thập kỷ đầu thế kỷ XX này, xã hội công dân tuy chưa hình thành nhưng đã được chuẩn bị ở một chừng mực đáng kể. Ðó cũng là tình hình chung của nhiều nước phương Ðông.

* Ý thức công dân ở các nước phương Ðông, như vậy, chỉ có thể được khẳng định trong cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc bên ngoài và các thế lực phản động xã hội bên trong nhằm xóa bỏ chế độ thuộc địa và nửa phong kiến. Nói cách khác, ở đây, ý thức công dân gắn liền với nội dung dân chủ của các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xã hội. Với một nền kinh tế hàng hóa tương đối phát triển, với các quan hệ sở hữu tư nhân là phổ biến, chỉ cần một sự giải phóng chính trị là xã hội công dân có thể xuất hiện và phát triển.


Nhưng tình hình lại diễn ra không phải theo một con đường thẳng tắp như vậy. Trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể ở các nước Ðông Á sau Chiến tranh thế giới thứ hai, sự hình thành xã hội công dân ở đây đi theo hai con đường khác nhau: con đường của các nước đi vào quĩ đạo của chủ nghĩa xã hội (Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Lào) và con đường của những nước đi vào quĩ đạo của chủ nghĩa tư bản (Nam Triều Tiên, Hồng Kông, Ðài Loan, Philippin, Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan).

* Ở các nước đi vào quĩ đạo của chủ nghĩa xã hội, sự hình thành xã hội công dân đã không diễn ra một cách thuận lợi. Vì hai lý do: một là, ở một số nước, đặc biệt là ở Việt Nam, hoàn cảnh chiến tranh (hoặc thường xuyên chuẩn bị chiến tranh) hạn chế rất lớn những điều kiện chính trị của sự hình thành xã hội công dân (các quyền tự do dân chủ của công dân, cũng như các quyền sở hữu của công dân chưa được tôn trọng và bảo vệ đến mức cần thiết vì những lý do chiến tranh). Hai là, và đây mới là nguyên nhân chủ yếu, các nước này rập khuôn theo “mô hình chủ nghĩa xã hội nhà nước”, tức là một mô hình về thực chất là xóa bỏ xã hội công dân và thiết lập xã hội chính trị (xã hội nhà nước), nói theo Gramsci.


Trong mô hình này, công dân (với tư cách cá nhân) không phải là chủ thể đích thực của xã hội. Chủ thể đó là nhà nước, là Ðảng-Nhà nước. Quyền sở hữu của cá nhân công dân - chủ yếu dưới hình thức sở hữu tư nhân - nói chung bị xóa bỏ, thay vào đó là sở hữu nhà nước. Không có xã hội công dân, tất nhiên cũng không có kinh tế thị trường, không có nhà nước pháp quyền. Ði theo con đường này, các nước đó đã không hòa nhập được vào dòng chảy lớn của văn minh loài người, và cũng như các nước xã hội chủ nghĩa khác (Liên Xô và Ðông Âu), đã lâm vào tình trạng đình đốn và khủng hoảng toàn diện

* Trong khi đó, oái oăm thay, những nước đi vào quĩ đạo tư bản chủ nghĩa, mà lúc đầu không thể không rơi vào địa vị những nước phụ thuộc (hay nói theo cách nói cách đây chưa lâu, rơi vài sự chi phối của “chủ nghĩa thực dân mới”), lại đã có thể từng bước đi tới xã hội công dân, tuy không hoàn chỉnh. Ở các nước này, do bảo đảm các quyền sở hữu tư nhân và do đi vào kinh tế thị trường (gắn với thị trường tư bản chủ nghĩa thế giới) nên đã có cơ sở vật chất và kinh tế cho sự hình thành xã hội công dân, Lúc đầu, ở các nước đó còn tồn tại chế độ độc tài về quyền lực chính trị, do đó, chưa có nhà nước pháp quyền. Ðến một thời điểm nào đó, mâu thuẫn này được giải quyết: quá trình dân chủ hóa bắt đầu với nội dung cơ bản là đi tới nhà nước pháp quyền.

* Như vậy, có thể rút ra một nhận xét khá rõ về mặt lịch sử: những nước nào xây dựng được xã hội công dân sớm hơn thì có những bước phát triển xã hội nhanh hơn và hòa nhập vào con đường lớn của văn minh loài người cũng sớm hơn; trái lại, những nước nào chưa xây dựng được xã hội công dân thì khó bảo đảm sự phát triển xã hội của mình, cũng khó hòa nhập vào văn minh chung của loài người.

4. Xã hội công dân không phải là một cơ thể tĩnh, nó luôn luôn phát triển trong những điều kiện văn minh vật chất và văn minh tinh thần ngày càng cao. Vì thế, nội hàm của khái niệm này cũng không đóng cứng.

Cơ cấu của xã hội công dân (những yếu tố hợp thành của nó) phát triển từ đơn giản đến phức tạp (cũng như kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền). Về vấn đề này, cần có những nghiên cứu kỹ hơn, có căn cứ khoa học về cơ cấu của xã hội công dân qua các thời kỳ lịch sử, qua các giai đoạn văn minh của loài người.

5. Cuối cùng, những biện pháp phải thực hiện để xây dựng xã hội công dân ở các nước phương Ðông. Vấn đề này cũng cần phải được nghiên cứu kỹ, dựa trên kinh nghiệm lịch sử của các nước phương Tây và cả một số nước Ðông Á, nhất là Nhật Bản và ở một mức độ nhất định, Nam Triều Tiên.

Nhưng có một điểm không thể bỏ qua: những nước đã hình thành xã hội công dân, nói chung, đã có sẵn những tiền đề của nó: một sự phát triển nhất định của sở hữu tư nhân và kinh tế thị trường từ những yếu tố có sẵn trước. Ở đó, vấn đề then chốt phải giải quyết là kiến trúc chính trị bên trên: chế độ độc tài hay chế độ dân chủ? Trên thực tế, lúc đầu, các nước này trải qua chế độ độc tài trong một thời gian tương đối dài, sau đó chuyển sang chế độ dân chủ.

Còn ở những nước đã đi vào quĩ đạo của chủ nghĩa xã hội, khó khăn lớn hơn nhiều. Các quan hệ sở hữu tư nhân bị xóa tận gốc, kinh tế thị trường cũng bị xóa, nghĩa là những tiền đề kinh tế của xã hội công dân bị hoàn toàn triệt tiêu. Những quyền tự do dân chủ của các cá nhân công dân cũng không có, hoặc chỉ có về hình thức. Và nhất là nhà nước ở đây không chỉ là nhà nước độc tài (autoritaire) mà là nhà nước toàn trị (totalitaire). Tất cả phải làm từ đầu. Những cải cách có tính cách mạng ở đây là không thể tránh khỏi. Không chỉ cải cách ở một lĩnh vực nào, mà là cải cách trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó, cải cách kinh tế và cải cách chính trị phải gắn chặt với nhau, cái này làm tiền đề cho cái kia. Cho đến nay, chưa có một nước nào thành công về xây dựng xã hội công dân (kể cả Trung Quốc, nước đi đầu về cải cách kinh tế).

6. Tất cả những vấn đề xã hội công dân ở các nước phương Ðông phải được xem xét và giải quyết trong bối cảnh thế giới hiện đại, trong đó, các quá trình sau đây nổi lên hàng đầu:

* khẳng định bản sắc dân tộc đi đôi với hòa nhập quốc tế;

* văn minh công nghiệp chuyển sang văn minh trí tuệ;

* hòa nhập từng vùng gắn liền với toàn cầu hóa.

Trên đây chỉ là một số ý rời rạc, chưa có hệ thống và cũng chưa có sơ sở nghiên cứu thật vững chắc. Tất cả đều phải được nghiên cứu kỹ trước khi đi tới những kết luận thật sự có giá trị khoa học và thực tiễn.

Tháng ba 1991

No comments: