=
Lại Nguyên Ân
NGUYỄN BÍNH VÀ TUẦN BÁO TRĂM HOA (1955-1957)
Hai mươi năm sau cái chết của Nguyễn Bính (20/1/1966), tác phẩm của nhà thơ này mới thoát khỏi cõi "im lặng đáng sợ" của sự quên lãng chẳng biết vô tình hay cố ý của những ai ai, trở lại được in ấn, đăng tải, bàn luận. Từ 1986, những sưu tập, tuyển tập thơ Nguyễn Bính liên tục được in ra, liên tục có mặt trên giá các quầy sách các hiệu sách. Tiếp đó cũng đã thấy xuất hiện nhiều cuốn sách nói về con người, cuộc đời và đặc sắc sáng tạo của nhà thơ này. Khá nhiều đoạn đời Nguyễn Bính đã được phác hoạ, dù có khi chỉ thông qua những giai thoại. Tuy vậy, có một loạt sự việc về hoạt động của Nguyễn Bính những năm 1955-57, tức là khi Nguyễn Bính từ miền Nam tập kết ra Bắc, sống và làm việc ở Hà Nội, làm báo Trăm hoa, rồi sau chừng như là bị an trí, nghĩa là bị buộc phải về sống ở Nam Định, thì hầu như ít thấy ai nhắc đến. Những bài viết được gom vào các cuốn sách Nguyễn Bính, thi sĩ của yêu thương ; Nguyễn Bính, đời và thơ ; Thơ và giai thoại Nguyễn Bính ; Nguyễn Bính, nhà thơ chân quê, v.v... không nhắc gì đến sự việc này; những người được xem là từng có xúc tiếp, thậm chí cùng làm việc với Nguyễn Bính thời gian nói trên như Trần Lê Văn, Hoài Việt,...nếu nhắc đến cũng chỉ bất đắc dĩ xác nhận "Nguyễn Bính làm báo Trăm hoa", thế thôi.
Có lẽ, Tô Hoài là người trong cuộc duy nhất tính đến nay có hé ra đôi dòng hồi ức về hoạt động nói trên của Nguyễn Bính. Rải rác trong hai cuốn Cát bụi chân ai (1992) và Chiều chiều (1999), người đọc có thể nhặt được đôi chi tiết về Nguyễn Bính thời làm báo Trăm hoa, tất nhiên là được trình bày hoàn toàn theo cách nhìn của người kể chuyện.
Theo hồi ức của Tô Hoài: "không biết ai đã giúp tiền cho Nguyễn Bính ra những số báo Trăm hoa đầu tiên", thế rồi "cấp trên" của Tô Hoài "có sáng kiến lấy giấy và tiền nhà xuất bản giúp Trăm hoa"(khi đó Tô Hoài làm việc ở Nhà xuất bản Văn nghệ, vậy nói "nhà xuất bản" đây có lẽ là NXB ấy − người viết bài này ghi chú), và chính Tô Hoài được giao nhiệm vụ "thuyết phục một tờ báo tư nhân nhưng có tiếng nói chống những luận điệu ngang ngược của báo Nhân văn". Theo Tô Hoài, do sự can thiệp này, "tờ Trăm hoa rõ ra một vẻ khác. Không về bè với Nhân văn, như chẳng đi với ai". Cấp trên của Tô Hoài nhận xét từng số từng bài, "cho là chưa đủ hơi sức hỗ trợ cần thiết". Tô Hoài đem nhận xét ấy bàn lại với Nguyễn Bính. Nguyễn Bính bảo Tô Hoài: "Trăm hoa phải thế mới là báo của Nguyễn Bính chứ. Nếu không thì mày làm quách cho xong!". Sáng kiến "đầu tư" cho Trăm hoa kết thúc ở đấy. Một buổi tối , Nguyễn Bính rủ Tô Hoài đến ăn ở nhà hàng Lục Quốc. Nguyễn Bính bảo: "Hôm nay ăn cỗ đám ma Trăm hoa!" (Tô Hoài, Cát bụi chân ai, Hà Nội: Nxb Hội nhà văn, 1992, tr.56 ). [
Ông Hoài Việt, người mà nhà riêng ở gần toà soạn Trăm hoa và đương thời là một trong những cộng tác viên thường xuyên gặp gỡ Trúc Ðường và Nguyễn Bính ở toà soạn báo này, vừa sáng nay 23/12/2005 đã cho tôi biết 2 việc: 1) chính Nguyễn Bính kể với Hoài Việt rằng người khuyến khích Nguyễn Bính tục bản Trăm hoa là Tố Hữu với cái lý: cần tiếng nói của báo chí bên ngoài (tức là không phải báo chí nhà nước) cự lại giọng điệu Nhân văn; như vậy người “cấp trên” mà hồi ký Tô Hoài nói đến chính là “anh Lành” của chàng Tô; 2) nguồn tiền mua giấy để làm hầu hết các số Trăm hoa tục bản là Nguyễn Bính vay của ông Quách Phác ở phố Hàng Khoai; đây mới là nguồn chính, còn lại, nguồn giấy do Tô Hoài đưa tới, nếu có, cũng là về sau và vì là nguồn trợ giúp có điều kiện nên cũng rất ít và sớm bị cắt như chính Tô Hoài đã nói trong hồi ký của ông. − Người viết bổ sung ngày 23/12/2005]
Phải chăng sự việc Nguyễn Bính với tờ Trăm hoa như trên đã dẫn tới những sự việc tiếp theo: do "không về bè với Nhân văn" nên Nguyễn Bính đã không trở thành đối tượng phê phán trong vụ Nhân văn-Giai phẩm; tuy vậy, do tỏ ra "chưa đủ hơi sức hỗ trợ cần thiết" trước yêu cầu "chống những luận điệu ngang ngược của báo Nhân văn" nên tựu trung Nguyễn Bính vẫn bị đẩy khỏi Hà Nội, tức là vẫn bị trừng phạt, nhưng hình thức trừng phạt nhẹ hơn?
Tô Hoài cho rằng chỉ là giai thoại (lời đồn đại chứ không phải sự thật) những chuyện "Nguyễn Bính bị đầy phải xuống xin việc dưới quê, Nguyễn Bính chỉ được biên tập ca dao hò vè". Theo Tô Hoài thì giản dị là "Nguyễn Bính về Nam Định rồi quyết định ở hẳn dưới ấy chỉ vì Nguyễn Bính đã sắp nên vợ nên chồng với cô hàng cà phê thành Nam. Nguyễn Bính đã bỏ không ở nhà xuất bản Hội Nhà Văn với tôi (tức Tô Hoài − người viết chú) để xin ra làm báo Trăm hoa. Khi Trăm hoa hết tiền phải đình bản, Nguyễn Bính không còn ở biên chế nào thì Hội Nhà văn đã giới thiệu Nguyễn Bính về Nam Định"; "thời kỳ ở Nam Định, Nguyễn Bính đã in nhiều sách trên nhà xuất bản Phổ Thông ở Hà Nội. Trường ca Tiếng trống đêm xuân, lại vở chèo Cô Son đương công diễn. Mỗi lần lên lấy nhuận bút kha khá, tôi được Nguyễn Bính và Trúc Đường rủ đi đánh chén" (Tô Hoài, Chiều chiều, Hà Nội: Nxb Hội Nhà Văn, 1999, tr.228).
Thật ra, nếu đối chiếu thời gian thì người ta sẽ không dám tin hẳn lời Tô Hoài, là vì Nhà xuất bản Hội Nhà Văn được lập ra sau Đại hội thành lập Hội nhà văn (từ 01/4/1957 đến 04/4/1957), khi đó tờ Trăm hoa do Nguyễn Bính đứng tên tục bản cũng đã chấm dứt hoạt động vài tháng rồi. Thời điểm mà Nguyễn Bính tham gia làm Trăm hoa có thể là giữa tháng 11/1955 (khi tên Nguyễn Bính xuất hiện với chức danh Chủ bút trên bìa tờ Trăm hoa cũ do Nguyễn Mạnh Phác làm Chủ nhiệm) hoặc muộn nhất là tháng 10/1956 (khi ra mắt số 1 tờ Trăm hoa tục bản do Nguyễn Bính làm chủ nhiệm). Có lẽ đúng ra cơ quan mà Nguyễn Bính đã rời bỏ để đi ra ngoài làm báo Trăm hoa là nhà xuất bản Văn nghệ. Còn chuyện Nguyễn Bính về Nam Định để tìm một công việc làm, nếu không do Hội Văn nghệ Việt Nam thì cũng do Hội Nhà văn Việt Nam giới thiệu, − điều này thì có thể suy ra từ (và tin được) hồi ức Tô Hoài.
Trên thực tế, Nguyễn Bính về Nam Định trước sau chỉ làm một nhân viên ngoài biên chế của ty văn hoá tỉnh, và ông trưởng ty Chu Văn dường như được giao đặc trách "chăm sóc" Nguyễn Bính, như Tô Hoài viết: "Những ai đã công tác cùng Nguyễn Bính ở ty văn hoá Nam Định có thể biết Chu Văn đã quần Nguyễn đến điều thế nào" (Chiều chiều, sđd, tr.228 ). Tô Hoài nói điều này trong Chiều chiều chứ không phải trong Cát bụi chân ai (1992), khi Chu Văn (1922-1994) còn sống; hãy nhớ rằng trước đó nữa, cả hai ông, Tô Hoài và Chu Văn, người đề tựa, kẻ viết lời bạt cho Tuyển tập Nguyễn Bính (1986), giọng điệu rất hoà hợp nhau, như đều là hai "cố nhân" của Nguyễn Bính.
Dù có thể là đáng tin cậy đến mức nào, "chứng từ" của Tô Hoài về Nguyễn Bính như trên vẫn là quá ít ỏi. Trong khi đó, những nhân vật chính từng chịu nạn Nhân văn-Giai phẩm, trong một vài cuộc trò chuyện tương đối cởi mở gần đây, khi được hỏi về trường hợp Nguyễn Bính thì dường như lại không còn giữ được thông tin nào đáng kể.
Bởi vậy, cần tìm hiểu lại Trăm hoa.
***
Nếu ai quá tin vào những chỉ dẫn có sẵn hẳn sẽ nhận được thông tin sai lạc, ví dụ nếu tra trong Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam (Hà Nội: Nxb Văn hoá thông tin, 2001, tr.652) của soạn giả Nguyễn Thành, sẽ chỉ biết có một tờ Trăm hoa của Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Nguyễn Bính, ra từ tháng 10/1956.
Trên thực tế có hai tờ Trăm hoa:
1/ Đầu tiên là tuần báo Trăm hoa do Nguyễn Mạnh Phác làm Chủ nhiệm, ngoài tên gọi Trăm hoa (đặt theo tinh thần "trăm hoa đua nở" đang là khẩu hiệu đương thời ở Trung Quốc, tinh thần này được nói rõ ở lời mở đầu số 1 của toà soạn) còn có phụ đề là "tuần báo tiểu thuyết", toà soạn đặt tại 15 Hai Bà Trưng, Hà Nội, gọi là tuần báo nhưng khuôn khổ lại có vẻ "tạp chí" nhiều hơn. Số 1 ra ngày 2/9/1955 (xin mở ngoặc nói thêm, ở bìa 1 số 1 , dưới chỗ ghi "số 1" có in thêm chữ nhỏ: "tái bản"; chưa rõ liệu có phải Trăm hoa còn có một tiền sử xa hơn chăng? và điều đó hẳn có liên quan với việc chính toà soạn Trăm hoa loại mới, − tức là tờ tục bản sau này, − một vài lần viết rằng tờ báo của mình ra mắt từ tháng 7/1955?). Tờ Trăm hoa loại cũ cỡ nhỏ này ra được cả thảy 31 số, tồn tại từ tháng 9/1955 đến giữa tháng 5/1956; mỗi số thường có 26 trang ruột và 4 trang bìa, khổ báo 18x26 cm; ban đầu trang bìa chỉ ghi chức danh Chủ nhiệm Nguyễn Mạnh Phác; từ số 11 (19/11/1955) trên tiêu đề mới xuất hiện thêm chức danh Chủ bút Nguyễn Bính.
2/ Tuần báo Trăm hoa do Nguyễn Bính làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút là Trăm hoa loại mới, toà soạn đặt tại 17 Lê Văn Hưu, Hà Nội; số 1 loại mới ra ngày thứ bảy 20/10/1956; sau số 11 (chủ nhật 6/1/1957) là hai số cuối cùng, đều không đánh số: Trăm hoa Xuân, và Trăm hoa số đặc biệt đầu Xuân, đều phát hành trước và sau Tết Đinh Tỵ. Trăm hoa số thường gồm 8 trang in typo 28x40cm giá bán 300 đ; hai số cuối là hai đặc san: Trăm hoa Xuân gồm 24 trang giá bán 1000 đ, phát hành từ 23 Tết; Trăm hoa số đặc biệt đầu Xuân gồm 16 trang giá bán 600 đ, phát hành đầu xuân Đinh Tỵ.
Cả hai tờ Trăm hoa và Trăm hoa loại mới đều là báo tư nhân. Trăm hoa của ông anh là Nguyễn Mạnh Phác (Trúc Đường) bị "chết" vì lỗ vốn, thì ít lâu sau ông em là Nguyễn Bính tục bản thành Trăm hoa loại mới, và tờ này cũng lại "chết" vì lỗ vốn. Ở miền Bắc khi đó báo chí và xuất bản tư nhân còn được phép tồn tại, nhưng phải chịu nhiều thiệt thòi và bị chèn ép mạnh: phải bán với giá cao vì phải mua giấy giá cao hơn so với giá cung cấp dành cho các báo nhà nước và đoàn thể; các cơ sở phát hành lớn của hệ thống "hiệu sách nhân dân" không nhận bán các báo tư nhân; ngoài ra còn một trở ngại đáng kể là cán bộ chính quyền và đoàn thể các địa phương thường gây trở ngại cho phóng viên và người phát hành các báo tư nhân (có thể thấy rõ điều này ngay trên báo chí đương thời).
Đặt trong tình thế toàn bộ nền kinh tế công thương nghiệp tư bản tư doanh và nông nghiệp tư hữu lớn và nhỏ ở miền Bắc lúc đó đang bước vào "đêm trước" của sự giải thể tư doanh để công hữu hoá, công tư hợp doanh, tập thể hoá, hợp tác hoá, thì thất bại của cả hai tờ Trăm hoa cũng như của tất cả các tờ báo tư nhân ở miền Bắc lúc ấy là không thể tránh khỏi. Tất nhiên Trăm hoa đã "chết" sớm từ khá lâu, có lẽ vì không chịu đựng nổi tình trạng báo chí tư nhân bị phân biệt đối xử về điều kiện kinh doanh, trước khi người ta thực hiện chủ trương xoá sổ toàn bộ báo chí và xuất bản tư nhân trên miền Bắc.
***
Có một điều hơi khác lạ là một mặt thì Nguyễn Bính bỏ cơ quan (nhà xuất bản Văn nghệ hồi 1955 hoặc nhà xuất bản Hội nhà văn từ 1957, đều là đơn vị của đoàn thể, có thể xem là thành phần kinh tế nhà nước) để đi làm báo tư nhân (tờ Trăm hoa của anh ruột và về sau là của chính Nguyễn Bính) nhưng mặt khác ngòi bút Nguyễn Bính bộc lộ ra hồi này lại rất đậm chất cán bộ: các sáng tác đưa in lại hoặc viết mới thời kỳ này thường mang tình cảm chính trị của một chủ thể "ta-dân-tộc" chung. Ít ra điều này là nhất quán ở Nguyễn Bính tính đến hết năm 1955.
Trên tờ Trăm hoa (cũ) đăng một loạt sáng tác mới và sáng tác trong kháng chiến của ông. Đó là các bài thơ Nổi dậy (viết 1948 ở Nam Bộ; đăng TH s.3 ngày 17/9/1955), Máu chảy trên đường phố (viết ngay sau cuộc biểu tình của học sinh Sài Gòn-Chợ Lớn 19/1/1950; đăng TH s.7 ngày 22/10/1955) với giọng điệu hào hùng tương tự bài ca Tiểu đoàn 307.
Hai bài thơ viết tháng 10/1954 khi Nguyễn Bính còn ở Nam Bộ: Thao thức (đăng TH s.6 ngày 15/10/1955) là tưởng tượng của tác giả về không khí tưng bừng của những đoàn quân tiến về tiếp quản thủ đô.
Từng lớp người vĩ đại
Cuồn cuộn đi trong một biển cờ
Đi giữa lòng ngưỡng mộ
Đi giữa tiếng hoan hô
Những bước chân chiến thắng
Rầm rập vang rền nẻo cố đô
Người Hà Nội vỗ tay trào nước mắt
Ôi! Tám năm đằng đẵng mong chờ...
Bài thơ Hẹn hò làm lời một người ở lại miền Nam tiễn bạn tập kết ra Bắc, cùng tin rằng nay xa nhau để mai gặp lại. Hai bài thơ viết tháng 11/1954 Thương nhau và Chiếc giường gỗ thông (đăng TH s. 2, ngày 10/9/1955) trên tàu thuỷ từ Nam ra Bắc, nói lòng biết ơn bạn bầu quốc tế "...Đường dài nghĩa nặng tình sâu / Ăn cơm Trung Quốc đi tàu Liên Xô..."
Ngay khi đã sống trong đời thường trên đất Bắc, nhà thơ vẫn sẵn sàng phổ dòng tình cảm chính trị sẵn có như trên vào những sự kiện như đón đoàn nghệ thuật Triều Tiên (bài Thông cảm, đăng TH s.1, ngày 2/9/1955).
Thời gian này bài thơ dài Gửi người vợ miền Nam của Nguyễn Bính đã nhanh chóng được in thành sách riêng và ông trở thành một trong những tác giả nổi bật ngay từ đầu của mảng đề tài "thơ đấu tranh thống nhất". Nhưng có vẻ như ông còn sẵn sàng nhúng bút vào nhiều đề tài thời sự khác của đời sống miền Bắc, ví dụ đề tài cải cách ruộng đất. Truyện ngắn Bức thư tuyệt mệnh (TH , s.13, ngày 3/12/1955), bài thơ Hình ảnh chị (TH , s.14, ngày 10/12/1955) đều có chung mô-tip tố cáo tội ác địa chủ.
Tuy nhiên, sang năm 1956, dường như ở Nguyễn Bính có những biến chuyển nào đó, − điều này bộc lộ rõ nhất ở những số đầu của tờ Trăm hoa loại mới do Nguyễn Bính làm Chủ nhiệm; thậm chí cũng đã bộc lộ ở một số bài đăng ở những số Trăm hoa cũ ra đầu năm 1956 (Xin mở ngoặc để nói rõ rằng, thử tìm trong các nguồn lưu trữ Trăm hoa hiện có của Thư viện Quốc gia, Thư viện Quân đội, Thư viện Viện Văn học ở Hà Nội, phối hợp lại vẫn chưa đủ một bộ sưu tập Trăm hoa, cụ thể là vẫn thiếu 14 số Trăm hoa loại cũ từ số 18 đến số 31, tức từ đầu tháng 1/1956 đến tháng 5/1956).
Có thể tin rằng một trong những lý do đưa tới biến chuyển ấy là việc Giải thưởng văn học 1954-55 được Hội Văn nghệ Việt Nam công bố (15/3/1956), gây phản ứng mạnh trong giới văn nghệ sĩ. Tất nhiên sẽ khó thấy điều đó thể hiện trên báo chí chính thống, ví dụ trên tờ Văn nghệ của Hội Văn nghệ Việt Nam. Chỉ trên báo hoặc ấn phẩm tư nhân mới thấy rõ sự phản ứng ấy mà rõ nhất là bài Phê bình lãnh đạo văn nghệ của Phan Khôi đăng trong Giai phẩm mùa thu (tập I)(1956). Theo bài mở đầu Trăm hoa loại mới (20/10/1956) thì Trăm hoa loại cũ cũng đã từng động đến giải thưởng này, cụ thể là đã đăng 3 bài phê thơ Xuân Diệu, hẳn là phê tập Ngôi sao, nêu nhận xét rằng tuy chất lượng kém nhưng Ngôi sao lại được trao giải nhì (3 bài phê bình này có lẽ Trăm hoa (cũ) đăng khoảng tháng 4 hoặc tháng 5/1956, không nằm trong các số Trăm hoa hiện còn trong các sưu tập ở Hà Nội). Đọc một đoạn bài mở đầu ấy mang tên Hoa lại nở ở trang đầu số 1 Trăm hoa loại mới (tục bản) cũng thấy một giọng điệu khác hẳn Trăm hoa cũ:
"Tuần báo văn nghệ Trăm hoa ra đời từ tháng bảy năm 1955. Nó ra đến số 31, sống gần một năm thì nó tạm đình bản. Nói cho văn hoa thì "Trăm hoa chết vì phương diện tài chính khó khăn". Còn nói nôm na vắn tắt thì "Nó chết vì nó lỗ vốn quá!" Nó chết vì hết tiền. Than ôi! sớm nở tối tàn, thân Hoa thầm trách số phận mình sao lại sinh vào cửa tư nhân! Sung sướng thay những bạn đồng nghiệp cơ quan ngôn luận của đoàn thể! có bao giờ chịu cái số phận nửa chừng xuân như số phận Trăm hoa.(...) Một lần nữa xin nhắc lại, sở dĩ Trăm hoa chết là vì hết tiền, chứ không phải vì đã "ngạo mạn" dám đăng ba bài phê bình thơ Xuân Diệu, mà Xuân Diệu vốn là bạn thân của ông Huy Cận thứ trưởng bộ văn hoá, và ông Hoài Thanh trong Ban Thường vụ Hội Văn nghệ Việt Nam như một vài dư luận..."
Nguyễn Bính đã dành trang phê bình của 2 số đầu Trăm hoa loại mới cho bài viết của chính mình về giải thưởng văn học 1954-55, nhan đề: Vì những sai lầm nghiêm trọng, cần phải xét lại toàn bộ giải thưởng văn học 1954-1955; dưới nhan đề là mấy dòng chapeaux in đậm: "Đề nghị đưa tập thơ Việt Bắc xuống giải nhì. Loại tập thơ Ngôi sao và một số quyển không xứng đáng. Bổ sung một số tác phẩm khác". Đây là bài tiểu luận vào loại khá hiếm hoi trong đời văn Nguyễn Bính, trong đó tác giả đã trình bày thẳng thắn ý kiến của mình về một sự kiện đang chia rẽ giới nhà văn vừa tập hợp về Hà Nội sau kháng chiến chín năm.
Xin dừng lại kỹ hơn ở bài này của Nguyễn Bính.
"Kết quả giải thưởng văn học 1954-55 đã gây nên rất nhiều dư luận, nhiều thắc mắc trong giới văn nghệ và yêu văn nghệ. Những dư luận và thắc mắc ấy đã kéo dài đến nửa năm nay. Dư luận càng sôi nổi từ sau lớp học tập lý luận văn nghệ 18 ngày và nhất là sau bài Phê bình lãnh đạo văn nghệ của ông Phan Khôi đăng trong Giai phẩm mùa thu tập I.
Tại sao lại có nhiều dư luận thắc mắc? Chính vì căn cứ vào những tác phẩm trúng giải, người ta thấy có nhiều quyển không xứng đáng, nhiều quyển cần phải xét lại thứ bậc, nhiều quyển tại sao không trúng giải? Thành phần ban giám khảo cũng như lề lối làm việc độc đoán, hẹp hòi, xa rời quần chúng, bè phái, và có cả cái tệ sùng bái cá nhân nữa.
Nhờ có dư luận ấy mà ban giám khảo và Thường vụ Hội Văn nghệ đã kiểm điểm lại vấn đề giải thưởng. Mới đây Hội Văn nghệ có ra một thông báo và ông Nguyễn Tuân (vừa là trưởng ban giám khảo vừa là tổng thư ký) có viết một bài về giải thưởng văn học 1954-55. Theo tinh thần hai văn kiện ấy ta có thể kết luận là ban giám khảo và thường vụ Hội có nhận một số khuyết điểm về quan niệm, tổ chức và lề lối làm việc của giải thưởng."
Sau khi trích dẫn một đoạn trong bài nói trên của Tổng thư ký Nguyễn Tuân và tóm tắt một số điểm trong thông báo của thường vụ Hội Văn nghệ, lưu ý đến một vài đề xuất sửa đổi (đưa tập Ngôi sao từ giải nhì xuống giải ba, sẽ cân nhắc trường hợp quyển Người người lớp lớp), Nguyễn Bính cho rằng các đề xuất đó là quá ít, trong khi những khuyết điểm về nhận thức và tổ chức xét giải đã khiến toàn bộ giải thưởng "mất đi rất nhiều giá trị và tác dụng". Nguyễn Bính viết tiếp:
"Đã đến lúc rất cần và đến mức đòi hỏi phải xét lại toàn bộ giải thưởng, chứ không chỉ hạ xuống hoặc thêm vào một vài tác phẩm là đã đủ cứu vãn được giá trị và tác dụng của nó. Ông Nguyễn Tuân cũng đã nhận rằng "đã có những sai lầm nghiêm trọng". Vậy thì những sai lầm nghiêm trọng ấy nó có tác hại đến việc chấm giải, cụ thể ra bằng việc cho giải các tác phẩm như thế nào? Không lẽ lại chỉ sai lầm vẻn vẹn ở mấy quyển Ngôi sao, quyển Nam Bộ mến yêu, truyện Cái lu mà thôi? Như vậy sao lại gọi là sai lầm nghiêm trọng? Chúng tôi tưởng đã luộm thuộm thì phải luộm thuộm hết chứ không lẽ chỉ luộm thuộm riêng khi nhận xét quyển Ngôi sao mà không luộm thuộm khi nhận xét các quyển Thơ chiến sĩ, thơ Việt Bắc, Chú Hai Neo. Chúng tôi tưởng đã thiếu trình độ nhận thức thì không lẽ chỉ thiếu khi nhận xét quyển Cái lu mà lại đầy đủ nhận thức khi nhận xét những quyển khác. Chúng tôi tưởng đã nể nang thì không lẽ chỉ nể nang khi muốn giữ địa vị cho quyển Nam Bộ mến yêu mà lại rất nghiêm khắc trong khi chấm quyển Anh Lục hay cái kịch Việt ơi! Hơn nữa biết đâu chẳng có những tác phẩm còn trong bản thảo, gửi dự thi, có giá trị, mà đã phải vùi dập đi vì cái trình độ nhận thức kém, cái tính nể nang, thiếu tập trung, thiếu nghiêm chỉnh, cái lề lối làm việc luộm thuộm, thiếu dân chủ, cái gò ép, cái gượng gạo, cả cái không lắng nghe ý kiến quần chúng và văn nghệ sĩ của ban giám khảo? Huống chi Thường vụ Hội lại thiếu kiểm tra đôn đốc, thì sao mà biết được rằng giải thưởng có chu đáo hay không? Hay đã bỏ rơi một cách không thương tiếc những tác phẩm dự thi có giá trị? Do đó, vàng thau lẫn lộn, mà đã làm chết yểu đi một số mần non văn nghệ chăng?"
Tiếp đó Nguyễn Bính nói riêng về phần giải thưởng thơ mà ông lấy làm trọng điểm ý kiến của mình:
"...Khi bắt đầu đặt giải thưởng văn học toàn quốc 1954-55, anh chị em văn nghệ gặp nhau thường hay nói đùa một câu: "Giải thưởng này, cái gì thì không biết, chứ tập thơ Việt Bắc thì chém chết cũng được giải nhất rồi!" Tất nhiên chúng ta cũng đều hiểu rằng câu nói đó không phải là một câu tán dương. Anh em còn nhớ mãi cái cuộc tranh luận về quyển thơ Việt Bắc, chưa ngã ngũ ra sao thì các ông lãnh đạo Hội đã vội vàng đưa ra mấy bài "bịt lỗ châu mai" lại. Anh em không thể nào quên cái câu ông Hoài Thanh phát biểu: "Địch nó không mong gì hơn là ta chê thơ Tố Hữu". Ông Hoài Thanh đã đem cả địch ra mà bảo vệ cho thơ Tố Hữu. Cái lối nịnh trên nạt dưới ấy tất nhiên ông Hoài Thanh phải đem sử dụng vào việc chấm giải. Vì ông Tố Hữu ai cũng biết là Trung uỷ, là lãnh đạo văn nghệ, là Thứ trưởng. Trong tất cả các thi sĩ có sách in ở nhà xuất bản của Hội Văn nghệ, chỉ duy có thơ Tố Hữu là được sắp vào loại A, nghĩa là thuộc cái loại giá trị nhất và được tính tiền bản quyền tác giả cao nhất (không biết các ông lãnh đạo Hội có kiểm tra đôn đốc việc này hay không?). Sở dĩ anh em biết trước thế nào tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu cũng được giải nhất là bởi anh em không còn lạ gì cái tệ sùng bái cá nhân của một số cá nhân lãnh đạo Hội Văn nghệ."
Nguyễn Bính nói tiếp về tập Ngôi sao của Xuân Diệu:
"Bản thảo tập thơ Ngôi sao đã đưa cho nhà xuất bản Văn nghệ xem. Toàn thể anh em văn nghệ công tác ở nhà xuất bản đều thấy là dở quá (Tô Hoài, Kim Lân, Phùng Cung, Nguyễn Bính, v.v...), không đồng ý cho in; quyển đó cứ bỏ lay lắt mãi 4 - 5 tháng. Nhưng cấp trên cứ giục phải in. Túng thế, anh em đành lựa một số bài không đến nỗi tồi lắm đưa sang nhà in Quốc gia ( lúc ấy còn coi cả việc phát hành sách báo) thì bên đó cũng không chịu in. Vì lẽ "thơ Xuân Diệu không có độc giả". Xuân Diệu lại vận động mãi với cấp trên, sau bất đắc dĩ nhà in Quốc gia nể quá mới in cho 1500 quyển. Khi in ra, tập Ngôi sao đã bị dư luận chỉ trích rất nhiều. Điều đó thiết tưởng Thường vụ Hội phải biết rõ hơn ai hết. Xin nói thêm rằng hồi cho in tập Ngôi sao là hồi mà nhà xuất bản Văn nghệ cùng đóng chung một căn nhà với Thường vụ Hội (51 Trần Hưng Đạo), Thường vụ Hội mặc dầu có bưng tai bịt mắt đến đâu chăng nữa chắc cũng phải nghe dư luận ở những anh em cùng chung một nhà ở, cùng chung một bàn ăn, đối với tập Ngôi sao. Vậy mà đến lúc chấm giải vẫn cứ để cho nó được giải. Mà lại giải nhì! Như thế thì hiền như bụt cũng phải thắc mắc.
Tập thơ Việt Bắc được giải nhất thì không ai lấy làm lạ (như đã trình bày) chứ đến như tập Ngôi sao mà đứng giải nhì thì anh em lấy làm lạ quá! Anh em lạ quá là vì anh em không thể tưởng tượng được rằng lại có một cuộc xâm phạm trắng trợn vào văn nghệ như thế? Anh em lạ quá là vì anh em không thể ngờ ban giám khảo lại có thể khinh thường văn nghệ, khinh thường anh em và quần chúng đến mức ấy. Anh em cho đó là một cái nhục. Nhục cho anh em. Nhục cho văn nghệ. Nhục cho cái giải thưởng văn học toàn quốc 1954-55. Anh em thắc mắc cao độ và thấy rằng cần phải đấu tranh. Hai ông Huy Cận và Hoài Thanh trong ban chung khảo tại sao lại "tích cực bênh vực cho tập Ngôi sao"(lời ông Nguyễn Tuân). Ông Hoài Thanh trước cách mạng đã biết chọn lọc các bài thơ hay của các thi sĩ để soạn thành quyển Thi nhân Việt Nam, có phê phán. Ông Huy Cận, tuy bây giờ là Thứ trưởng bộ Văn hoá, nhưng trước kia đã từng là một nhà thơ có tiếng tăm. Thế thì đối với một tập thơ dở như tập Ngôi sao, tại sao hai ông lại tích cực bênh vực? Có phải tại ông Huy Cận và Xuân Diệu chỉ là một, còn ông Hoài Thanh vụ trưởng vụ nghệ thuật thì lại là cấp dưới của ông Huy Cận hay không? Theo ý chúng tôi, cái chuyện đó là bè phái rõ ràng chứ không phải nể nang luộm thuộm. Chúng tôi kết luận rằng: ở bộ môn nào thì chưa biết chứ trong việc chấm giải thơ thì nhất định là có bè phái."
Cuối cùng, Nguyễn Bính nêu những đề nghị cụ thể.
"Muốn cho cái giải thưởng văn học toàn quốc 1954-55 có giá trị toàn vẹn, chúng tôi có ý kiến đề nghị cụ thể như sau:
Về giải thơ: Nên đưa tập thơ Việt Bắc xuống giải nhì; tập thơ ấy tuy có giá trị thật, nhưng chưa xứng đáng được giải nhất, vì lẽ nó chưa hẳn là một tập thơ tiêu biểu. Loại tập thơ Ngôi sao và tập Thơ chiến sĩ ra khỏi giải thưởng. Tập thơ Chú Hai Neo và tập thơ của Tú Mỡ nên để xuống giải khuyến khích. Cả tập ca dao của Nguyễn Hiêm cũng nên loại ra khỏi giải thưởng.
Về giải bút ký và kịch: Nên loại tập bút ký Nam Bộ mến yêu và cái kịch Việt ơi! ra khỏi giải thưởng.
Về giải tiểu thuyết: Nên loại tập truyện Cái lu ra khỏi giải thưởng. Xét lại tập truyện Đất nước đứng lên xem nên để giải nhất hay nên cho xuống giải nhì, vì tập truyện ấy chưa đúng nội dung một quyển tiểu thuyết. Xét lại thứ bậc quyển tiểu thuyết Anh Lục.
Về ngành nhạc xin nhường ý kiến cho các nhạc sĩ. Tôi vốn không rành về nhạc nên không dám có ý kiến. Và nên bổ sung một số tác phẩm có giá trị, cụ thể như những quyển tiểu thuyết Người người lớp lớp, tập thơ Hoàng Cầm, Lê Đạt, v.v..."
Tờ Trăm hoa loại mới của Nguyễn Bính còn theo đuổi việc thảo luận về giải thưởng văn học này ở những số sau, chẳng hạn số 3 (4/11/1956) đăng ý kiến một cây bút miền Nam tập kết là Phạm Tường Hạnh, cho rằng bài nói lại của Nguyễn Tuân (tổng thư ký Hội Văn nghệ và trưởng ban giám khảo) bênh vực hai cuốn Nam Bộ mến yêu của Hoài Thanh và Ngôi sao của Xuân Diệu, "vô hình trung đã phủ nhận dư luận của anh chị em văn nghệ sĩ" về hai cuốn đó. Đến cuối năm 1956, có lẽ nhận thấy những hứa hẹn sửa lại giải thưởng đã gần như trở thành lời hứa hão, số 6(2/12/1956) trong mục "Chuyện làng ta",Tường Vi nhắc lại câu hỏi: sau góp ý của văn nghệ sĩ và của dư luận, số phận giải thưởng văn học 1954-55 có gì thay đổi không, nhất là đối với cuốn bút ký Nam Bộ mến yêu và tập thơ Ngôi sao?
Nói chung, đọc lại tờ Trăm hoa, nhất là Trăm hoa loại mới, người nghiên cứu thời nay sẽ thấy rõ tờ báo này có vai trò bổ sung đáng kể cho một đời sống văn học đang bị độc tôn hoá, chính thống hoá, phiến diện hoá, với cách làm sẽ trở nên phổ biến về sau là trong khi một số thông tin được tập trung tô đậm làm nổi bật thì khá nhiều thông tin khác bị cố tình ém nhẹm vào bóng tối. Vai trò bổ sung này thể hiện ở nhiều bài mục, từ đưa tin và điểm tin văn nghệ, đăng bài điểm sách hoặc phê bình, đăng sáng tác mới, đến "nhặt sâu hoa",− tên đề mục khá hay, lại gắn với tên ký giả Trại Hàng Hoa (hẳn vẫn là Nguyễn Bính?) dành riêng cho mục này. Không có tờ báo loại này hẳn hậu thế không thể hình dung được rằng Tú Mỡ cũng bị phê phán đích đáng vì những chữ dùng "kém cỏi, tối tăm" trong thơ trào phúng (số 4, 11/11/1956). Không có loại báo này sẽ ít ai biết là hồi ấy đã xuất hiện lối xin-cho sẽ rất phổ biến những năm về sau: Hội Văn nghệ định cử Hoàng Cầm vào đoàn văn nghệ sĩ đi thăm Liên Xô, nhưng lại thôi, "chắc tại Hoàng Cầm còn bận việc viết báo Nhân văn", lại định cử Hồ Dzếnh và Mộng Sơn đi thay, rồi lại thôi, "chắc tại Hội đã trả hai người lại cho văn nghệ sĩ Hà Nội rồi", nghe nói sẽ cử Nguyễn Văn Bổng và Anh Thơ đi, vì hai người này "không bận viết báo như Hoàng Cầm"(bài của Tần Hoài trong mục "Việc làng việc nước", số 5, 25/11/1956). Không có loại báo này sẽ ít ai biết chuyện hồi ấy một ty văn hoá nọ cố tình trao giải nhất một cuộc thi thơ cho một bài thơ kém cỏi chỉ vì tác giả của nó là một công nhân (bài của bạn đọc Bích Lục từ Nam Định, đăng TH số 4). Trước sự kiện một Tuyển tập thơ Việt Nam 1945-1956 ra mắt, nếu không có loại báo này hẳn sẽ rất khó lọt đến tay bạn đọc những bài điểm sách như bài của Lưu Thuỷ (số 7, 9/12/1956, Lưu Thuỷ có lẽ cũng là một bút danh khác của chủ nhiệm Trăm hoa?), cho biết dư luận trong giới thấy tuyển tập này thể hiện tinh thần "thiếu đoàn kết", hầu như chỉ có bài của những ai từ kháng chiến về, những ai ở trong biên chế; và không thể biết có bao nhiêu bài thơ hay bị bỏ quên, bao nhiêu bài thơ dở choán chỗ không hợp lý trong tuyển tập này, một tuyển tập mà "cái dở của một số thơ cũng như số lượng thơ dở trong tuyển tập rõ rệt quá"!
Vai trò bổ sung nói trên bộc lộ rất rõ ở việc báo Trăm hoa của Nguyễn Bính lên tiếng về trường hợp bài thơ dài Chiếc lược của Thụy An. Bài thơ kể chuyện một cô gái nghèo đi ở cho địa chủ, chỉ ước có cái lược chải tóc mà không thể có ; một bữa nọ cô mượn trộm chiếc lược của mụ chủ chải tóc để đi dự hội làng, bị mụ bắt được, lấy dao cau gọt sạch tóc mai cô khiến cô không dám đi hội, cũng không dám đến chỗ hẹn gặp người yêu ; khi cải cách ruộng đất thắng lợi, mụ chủ bị đấu tố, cô gái được người yêu tặng chiếc lược mà anh ta lấy được ở chỗ chia quả thực. Trăm hoa in toàn bộ bài thơ này (số 3, 4/11/1956) với phụ đề "Một bài thơ bị vùi dập" và sau đó có các bài nói rõ thêm. Nguyên tại lớp học chính trị cho một số văn nghệ sĩ, một cán bộ của Uỷ ban CCRĐ TƯ đến nói chuyện, có kể câu chuyện một chị cố nông lúc chia quả thực nói chỉ ước ao được một cái lược chải đầu vì từ bé tới giờ chị chưa hề có; cán bộ ấy nói thêm: câu chuyện này khiến Hồ Chủ tịch xúc động và tỏ ý nhắc văn nghệ sĩ khai thác đề tài này. Thuỵ An dự nghe buổi ấy, xúc động với câu chuyện, hăm hở ngày đêm viết xong bài thơ này, nhưng đưa đến Hội Văn nghệ chỉ được khen là khá rồi giới thiệu cho phòng văn nghệ quần chúng của vụ nghệ thuật, cơ quan ấy lại bảo rằng loại thơ này ở đây vô thiên lủng và trả lại, rốt cuộc bài thơ để lay lắt gần một năm không được đăng. Lưu Thuỷ không bảo đây là tuyệt tác, là toàn bích, "nhưng ít nữa nó vẫn cứ hơn, hơn hẳn những loại thơ "tình Bắc Nam" của ông vụ trưởng Đào Duy Kỳ mà vụ văn hoá đại chúng đã cho in hàng vạn cuốn”; Lưu Thuỷ bảo rằng bài như thế của Thụy An thì bị hết cửa nọ đến cửa kia từ chối in, kể cả Hội Văn nghệ, thế mà "biết bao nhiêu bài thơ, chưa nói đến văn, dở òm và nhạt phèo của Xuân Diệu, của Nguyễn Đình Thi, của Huy Cận, vẫn được in ra một cách vô tội vạ";
"Chẳng cứ gì một bông hoa của chị Thụy An bị vùi dập. Vì cái tinh thần bè phái đương ngự trị trong đầu óc một số ông phụ trách báo và sách văn nghệ và văn hoá đại chúng, và trên hết là vì cái tinh thần bè phái ở ngay trong cơ quan lãnh đạo Hội. Tất cả rắc rối (hạn chế tài năng của cá nhân, kìm hãm sự tiến triển của phong trào, thiếu đoàn kết, gây phản ứng...) do đó mà ra cả"( bài của Lưu Thủy, TH số 4, 11/11/1956).
Trăm hoa ( số 6, 2/12/1956) còn cho biết, lúc bài thơ nằm mãi không được phổ biến, "chị Thụy An lấy làm ức lắm. Chị có làm ngay một bài thơ khiếu nại lên Hồ Chủ tịch, vì lẽ cái đề tài này Hồ Chủ tịch có nhắn nhủ anh chị em văn nghệ nên sáng tác". Tiếp đó báo đăng toàn bộ bài thơ kiêm thư khiếu nại ấy, ký Thụy An tức Phương Thao, mà thực ra tác giả còn chưa gửi đi vì sợ làm phiền cụ Hồ. Đây là đoạn cuối:
"Chuyện chiếc lược này đây
Viết thi đua sáng tác
Đợt đầu tiên chín ngày
Sau đó sẽ liên tục
Làng văn nhiều chuyện hay
Bảo nhau bỏ cả Tết
Hăm hở viết mê say
Vâng lời Bác căn dặn
Viết chuyện chiếc lược này
Ít lâu Hội trả lại
Với lời phê: Khá hay
Nhưng ý Vụ văn hoá:
Hay gì mà kêu hay
Loại này vô thiên lủng
Đem trả tác giả ngay
Nghe phê bình chẳng chuộc
Tác giả đâm ngẩn ngây
Lược đẹp hay không đẹp?
Vứt bỏ hay dùng đây?
Luống thương công chuốt lược
Mà chẳng lọt đến tay
Sự tình kiện lên Bác
Hoạ có vơi hận này".
Chuyện tờ Trăm hoa của Nguyễn Bính đưa ra ánh sáng một bài thơ không được đăng dù rất thích hợp về nội dung tuyên truyền đương thời, đã hé ra những phương diện khác của một cơ chế văn nghệ lúc ấy đang đi trên hướng nhà nước hoá, quan liêu hoá, với sự thao túng của những cá nhân nhất định, vốn là nhà văn nhưng đã trở thành quan chức cai quản guồng máy văn nghệ, hành xử theo lối ban phát, cho đăng hoặc không cho đăng, không chỉ căn cứ vào nội dung tác phẩm mà còn căn cứ vào "thành phần" tác giả (ví dụ Thụy An, Hồ Dzếnh, Ngân Giang... là nhà văn ở trong thành thời tạm chiếm, không được đối xử ngang bằng với nhà văn đi kháng chiến trở về) hoặc tuỳ thuộc những ác cảm, thiện cảm và định kiến cá nhân.
Trăm hoa loại mới của Nguyễn Bính chủ yếu là tờ báo về văn nghệ, diện tích trang in dành cho đề tài đời sống xã hội không nhiều, tuy vậy vẫn thấy khá rõ xu hướng bảo vệ cái không gian tự do của sinh hoạt dân sự bình thường khi ấy hoặc đang bị thu hẹp dần hoặc lúc thắt lúc nới. Chẳng hạn, báo đăng ý kiến "Chúng tôi đề nghị bỏ lệ khai báo trong chính sách quản lý hộ khẩu"(số 1); báo nêu chuyện báo bạn đã nêu: tố cáo một vị thủ trưởng cấm một đôi trẻ ở cơ quan mình kết hôn với nhau với lý lẽ: "anh" xuất thân nông dân, "chị" là con một tiểu chủ; hoặc báo tố cáo một thủ trưởng khác đòi kiểm thảo một đôi trẻ tìm hiểu nhau bằng thư từ lại còn gửi kèm những bưu ảnh Tháp Rùa tặng nhau, cho thế là tiểu tư sản!(số 2); báo đăng bài vè của bạn đọc trách mấy ông cán bộ dân phố cứ khuyên người ta đừng mua báo tư nhân (số 4), v.v...Báo cũng thường đăng ý kiến bạn đọc kêu ca tình trạng cửa quyền của mậu dịch quốc doanh. Tranh biếm hoạ thường nhắm vào đề tài này: diễu thói "chụp mũ"(Bùi Xuân Phái vẽ, số 2); diễu kẻ tự xưng cán bộ khi đòi mua 2 gói Đại Tiền Môn ở quầy bách hoá nhưng lúc xông vào nhà dân hành hung người ta lại chỉ "lấy tư cách cá nhân" (Bùi Xuân Phái vẽ, số 3); tả nỗi mừng của các bà nội trợ từ nay khỏi phải dấu con gà con vịt mua được xuống đáy rổ tránh con mắt dò xét của cán bộ thuế và hộ khẩu như trước (Bùi Xuân Phái vẽ, số 4); nỗi mừng của người đàn ông từ nay tối về ngủ chỗ vợ khỏi lo trình báo hộ khẩu (Tê Hát vẽ, số 5), tả anh chàng lảo đảo như trúng gió khi vừa chen mua hàng mậu dịch (Văn Tôn vẽ, số 7), mô tả "quái vật hai đầu", một đầu nịnh trên, một đầu nạt dưới (Trần Hưởng và Văn Tôn vẽ, số 10), v.v...Mục "Hoa cười" ở các số Trăm hoa cũng thường có các mẩu chuyện cười tương tự như vậy.
Trăm hoa loại mới của Nguyễn Bính chỉ tham gia một số ít chủ đề chính trị, ví dụ rõ nhất là đưa tin Ban Chấp hành trung ương Đảng Lao động Việt Nam tại hội nghị lần thứ 10 ra 3 bản thông cáo (1/ nhận định kết quả và nghiêm khắc kiểm điểm sai lầm trong công tác cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức; 2/ cử lại Tổng bí thư sau khi cựu tổng bí thư Trường Chinh tự kiểm thảo và xin từ chức; 3/ thi hành kỷ luật 2 uỷ viên TƯ là Hồ Viết Thắng và Lê Văn Lương), bày tỏ sự hoan nghênh nhiệt liệt trước "thái độ dũng cảm và chân chính cách mạng" của TƯ Đảng LĐVN "đã công khai tự kiểm điểm và đề ra những biện pháp cụ thể" để sửa chữa những sai lầm đã mắc phải, bày tỏ nhiệt liệt tin tưởng tài đức của Hồ Chí Minh trong nhiệm vụ mới: Chủ tịch Đảng kiêm Tổng bí thư (bài của Trần Nguyên, số 3 và số 4). Tiếp tục chủ đề này, Trăm hoa có những bài khẳng định Toàn đảng toàn dân đoàn kết là yếu tố quyết định sửa chữa sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức. "Phải nói rằng một trong những nguyên nhân mắc phải sai lầm là mũi nhọn chuyên chính đã chĩa cả vào ta và bạn"... "Máu và nước mắt đã chảy nhiều trong cuộc chiến tranh cách mạng. Máu và nước mắt của một số người lại chảy trong cải cách ruộng đất. Nỗi đau khổ của một số đồng bào nông dân, của một số đảng viên bị xử trí oan không phải là không chính đáng"... "Những hiện tượng rạch mồm, chửi bới, đánh xé, doạ nạt, những hiềm khích giữa nông dân và cốt cán, giữa nông dân với nhau, những mâu thuẫn ở trong Đảng ngoài Đảng lúc này đều không lợi cho việc sửa sai, cho việc củng cố miền Bắc, đấu tranh giành thống nhất"(bài ký Trăm Hoa, số 5). Cũng trên chủ đề này còn có bài báo dài 2 kỳ (số 6 và số 7) của Trăm Hoa (ký tên toà soạn nhưng chưa rõ ai viết) Để phát triển chế độ ta, phải bảo đảm cho nhân dân được tham gia quản lý kiểm soát tích cực mọi công việc của Nhà nước, không những đặt vấn đề tiếp tục sửa sai trong cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức, trong công tác kinh tế tài chính, mà còn nêu vấn đề "xây dựng một chế độ pháp trị dân chủ".
Nếu nói riêng về thái độ của Trăm hoa đối với báo Nhân văn và các cuốn Giai phẩm của nhà xuất bản Minh Đức, thì ngay từ số đầu Trăm hoa loại mới đã có bài, không cổ vũ cũng không đả kích mà chỉ trêu chọc, cười cợt. Chẳng hạn số 1 đã có hí họa của Tê Hát "minh hoạ bài của Trương Tửu trong Giai phẩm mùa Thu tập II", vẽ Trương Tửu quỳ khấn trước 5 thần tượng (1- Mác-Lênin, 2- Khơrutsốp, 3- Đảng Lao động VN, 4- Đại hội 20 ĐCS Liên Xô, 5- Lục Định Nhất với khẩu hiệu "trăm hoa đua nở") xin được chư vị "phù hộ" để mình "choảng" bọn họ một trận cho mất cái thói sùng bái cá nhân! Cũng ở số 1 trong mục "Việc làng việc nước", Trăm Hoa đùa Phan Khôi: trong bài Ông bình vôi đăng trên Nhân văn, ông bảo cái gì người ta sợ thì người ta gọi bằng ông, vậy gặp ông (Phan Khôi) bây giờ biết gọi bằng gì? Ngay khi thử đặt ra để giải đáp nghiêm túc câu hỏi: “trong bài Phê bình lãnh đạo văn nghệ, ông Phan có nói xấu chế độ không?” Hàm Tiếu (mục "Việc làng việc nước", số 2) đem dư luận đang ồn ào về bài ấy so sánh với những lời bình "bách nhân bách khẩu" của hàng phố khi đứng xem cặp vợ chồng già nhà nọ cãi nhau. "Vậy thì ông Phan Khôi có nói xấu chế độ không? Có. Ông ví von chế độ dân chủ cộng hoà của chúng ta với chế độ triều Gia Long Tự Đức gì gì đó, thế là quả nhiên nói xấu chế độ rồi. Giấy trắng mực đen còn rành rành, ai mà cãi cho ông được! Nhưng nếu gán ghép cho ông tội này tội khác, thì cũng chẳng khác mấy người đứng xem cãi nhau lúc nãy lên án bà hàng xóm của tôi là đa ngôn đa quá, cố tình phá phách gia đình ruồng rẫy chồng con! Và có kẻ còn toan gieo tiếng cho bà là có cả chuyện ngoại tình (!) Không tin xin cứ đợi ông Phan Khôi đi Trung Quốc về mà hỏi, hay hỏi bà láng giềng tôi xem có phải mặc dầu có quá lời có mỉa mai soi móc chồng nhưng rồi lại mỉm cười với chồng, lại lọm khọm đi chợ xa mua sắm lại những thứ chính tay mình đã trót đập vỡ để bày biện lại cửa nhà cho đẹp? Hay, nói mới lạ làm sao chớ? Quên nhau làm sao cho nỡ! Ai bảo họ quên nhau được nào?" Những tin tức về việc báo Nhân văn bị cảnh cáo được Trăm hoa (số 4, 11/11/1956) nói rõ với bạn đọc của mình: đó là vì nhân viên của báo này quên nộp lưu chiểu 3 số liền "chứ không phải tại báo Nhân văn nói mạnh quá, chứ không phải tại báo Nhân văn dám "xúc phạm" Nguyễn Chương tiên sinh của báo Nhân dân. Và cũng không phải tại sở Báo chí có thành kiến với báo Nhân văn đâu!"
Một thái độ khác hẳn, ngược hẳn thái độ trên đây, đối với báo Nhân văn và các cuốn Giai phẩm và Đất mới, đã xuất hiện trên Trăm hoa từ số 8 (16/12/1956). Điều này thật ra là hơi muộn nếu so với thời điểm báo Nhân văn ra số 5 (20/11/1956), số cuối cùng được phát hành, và ngay sau đó một chiến dịch phê phán Nhân văn được phát động mà cả giới báo chí phải hưởng ứng.
Chỉ có 3 số Trăm hoa có bài phê phán Nhân văn, Giai phẩm, Đất mới. Đó là bài của Thạch Lựu: Báo "Nhân văn" nên thành khẩn tự phê (TH số 8); bài điểm sách của Trần Nguyên: Phê bình "Đất mới" tập I (số 9); thư của bạn đọc Hoàng Đình Kính ở Hải Phòng phê bình Đất mới tập I: Độc giả vui lòng hoan nghênh các bạn nếu các bạn thành thực nhận khuyết điểm (số 10). Bên cạnh đó Trăm hoa đăng tải những thư từ kiến nghị của nhiều nhóm cán bộ các ngành, của một số tập thể văn nghệ sĩ, tố cáo báo Nhân văn ("gieo rắc tư tưởng lạc hậu, gây bi quan hoài nghi chế độ ta, khuyến khích những hành động tự do vô kỷ luật; lợi dụng chủ trương mở rộng dân chủ, bịa đặt một số việc không có thật, xuyên tạc một số sự việc khác, thổi phồng một số khuyết điểm nhỏ để đả kích vu cáo các cơ quan lành đạo của Đảng, chính quyền, quân đội, văn nghệ, công an, mậu dịch", v.v...), kiến nghị đình chỉ cho phép xuất bản báo Nhân văn, đưa báo này ra trước pháp luật để trừng trị thích đáng, v.v...
Sau 3 số trên, Trăm hoa số 11 (6/1/1957) dành trang đăng văn kiện kỳ họp Quốc hội thứ 6 và không nhắc gì đến chuyện phê phán như đã làm ở 3 số trước nữa.
Như thế, câu chuyện Tô Hoài kể trong Cát bụi chân ai (1992) về việc báo Trăm hoa của Nguyễn Bính nhận tiền tài trợ (bằng giấy in báo) để viết và đăng bài phê phán báo Nhân văn,− nếu câu chuyện ấy là sự thật, thì ngày nay người nghiên cứu đối chiếu sẽ thấy rằng, báo Trăm hoa của Nguyễn Bính thực hiện việc được giao ấy khá muộn, hầu như chỉ thực hiện vào lúc phong trào phê phán đã được phát động, khi hầu hết báo chí nhà nước và đoàn thể đã lên tiếng hưởng ứng. Và quả thật Trăm hoa đã làm việc đó một cách khá tắc trách, ít hiệu quả, "chưa đủ hơi sức hỗ trợ cần thiết", như cấp trên của Tô Hoài nhận xét.
Sau 3 số báo kể trên, Trăm hoa không còn được hỗ trợ giấy in, nhưng Chủ nhiệm Nguyễn Bính vẫn gắng tìm đường sống cho tờ báo. Số Tết đinh dậu (tức Trăm hoa Xuân) gộp 3 số thường lại (12, 13, 14) như một đặc san, một món quà Tết cho độc giả, với các sáng tác của Nguyễn Bính, Đoàn Giỏi, Yến Lan, Tô Hoài, Trúc Đường,...đồng thời thông báo dự định cải tiến tờ báo: sẽ đăng đều kỳ bản dịch tiểu thuyết cổ điển Trung Hoa Hồng lâu mộng. Bài của Đặng Thai Mai (rút từ Tập san Đại học sư phạm số 2, tháng 6&7/1956) nói về những tranh cãi mới diễn ra cách đó ít lâu ở Trung Quốc xung quanh tác phẩm này, được Trăm hoa Xuân in lại, khởi động cho dự định ấy. Nhưng dự định đã không thành sự thật. Số tiếp theo, tức là số 15 và 16, được gọi là Trăm hoa số đặc biệt đầu Xuân, cũng là một đặc san với các sáng tác của Nguyễn Bính, Phùng Cung, Tạ Hữu Thiện, Yến Lan, Trúc Đường..., đồng thời gửi đến bạn đọc thông tin không vui: ý định cải tiến nội dung và hình thức báo đã không thể làm được; nhiều khó khăn mới cộng vào những khó khăn cũ (giá giấy cao, công in tăng, giá sinh hoạt đắt đỏ, các nhà in đều bận những việc được đặt trước, Trăm hoa không có nhà in riêng, không tìm được nơi nào in báo hằng tuần, việc phát hành lại khó hơn trước...); toà soạn công bố dự định khác: chuyển Trăm hoa thành tạp chí ra hằng tháng. Tất nhiên đây chỉ là dự kiến thuần tuý, cũng tương tự một vài dự định khác, bộc lộ qua những khung chữ thông tin trên các trang báo này, ví dụ dự định lập nhà xuất bản Trăm Hoa! Trên thực tế, Trăm hoa kết thúc ở đấy.
Trước đó, Chủ nhiệm Nguyễn Bính như đã đã dự cảm được cái kết thúc của Trăm hoa đang đến gần. Ông dường như tập trung vào một vài quan tâm cuối cùng: tìm lại những tập thơ trước 1945 của mình để chuẩn bị cho việc tự soạn những tuyển thơ. Từ số 11 trên Trăm hoa luôn đăng lời rao cần mua lại bản in các tập thơ Tâm hồn tôi, Hương cố nhân, Một nghìn cửa sổ. Đồng thời Nguyễn Bính cũng gắng để lại nét chữ của mình trên một số trang báo in (điều này kỹ thuật dùng bản khắc gỗ xen giữa khuôn in chữ chì xếp rời thời đó cho phép thực hiện được), ví dụ nhan đề hoặc chữ ký tên tác giả ở các bài thơ Tỉnh giấc chiêm bao (số 7), Tình quê (Trăm hoa Xuân),− kiểu cách làm thay hoạ sĩ trình bày như vậy chưa hề thấy ở nhiều số Trăm hoa trước. Có thể nói Nguyễn Bính đã có những động tác chuẩn bị cho "cái chết được báo trước" của tờ Trăm hoa.
Trong đời ông, đây có lẽ là dịp duy nhất ông là chủ báo. Một tờ báo tư nhân. Ngay trước lúc báo chí tư nhân bị xoá sổ lâu dài trên miền Bắc.
Hà Nội, tháng Tám 2005
Lại Nguyên Ân
Chú thích
Giải thưởng văn học Hội Văn nghệ Việt Nam 1954-55:
Thơ
− nhất: Việt Bắc của Tố Hữu ;
− nhì: Đồng tháng Tám và Dặn con của Trần Hữu Thung; Ngôi sao của Xuân Diệu; Nụ cười chính nghĩa của Tú Mỡ.
− ba: Thơ chiến sĩ của Hồ Khải Đại ;
− khuyến khích: thơ và ca dao về Nam Bộ kháng chiến của Nguyễn Hiêm ; Chú Hai Neo của Nguyễn Hải Trừng; Chiếc vai cày của Việt Dung ; Anh Ba Thắng của Việt Ánh.
Tiểu thuyết
− nhất: Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc; Truyện Tây Bắc của Tô Hoài.
− nhì: Truyện anh Lục của Nguyễn Huy Tưởng; Con trâu của Nguyễn Văn Bổng.
− ba: Vượt Côn Đảo của Phùng Quán ; Cái lu của Trần Kim Trắc.
− khuyến khích: Đồng quê hoa nở của Hoàng Trung Nho; Gặp gỡ của Bùi Hiển; Cá bống mú của Đoàn Giỏi.
Ký sự, phóng sự
− nhất: không có
− nhì: không có
− ba: Lên công trường của Hồng Hà ; Nam Bộ mến yêu của Hoài Thanh.
− khuyến khích: Đường lên châu Thuận của Quang Dũng; Trại di cư Pa-gốt Hải Phòng của Sao Mai ; Lòng mẹ của Bích Thuận.
Kịch nói
− nhất: không có
− nhì: Lửa cháy lên rồi của Phan Vũ
− ba: Mở nông giang của Nguyễn Khắc Dực; Chị Hoà của Học Phi; Lòng dân của Nguyễn Văn Xe; Ánh sáng Hà Nội của Hoàng Tích Linh; Việt ơi! của Bửu Tiến.
− khuyến khích: Chiến đấu trong lòng địch của Lộng Chương; Hai thái độ của Bàng Sĩ Nguyên; Cai Tô của Nguyễn Văn Thương.
Dịch văn học
− nhất: không có
− nhì: Chiến sĩ chân chính Đổng Tồn Thụy (tác giả Trung Quốc Đinh Hồng và Triệu Hoàn) của Lê Văn Cơ; Chiến sĩ và Tổ quốc ( tác giả Trung Quốc Ngụy Nguy) của Đào Vũ; Truyện vè Lý Hữu Tài (tác giả Trung Quốc Triệu Thụ Lý) của Đào Vũ; Lưu Hồ Lan (tác giả Trung Quốc Lương Tinh) của Phan Sinh.
− ba: Bản thoại Lý Hữu Tài (tác giả Trung Quốc Triệu Thụ Lý) của Xích Liên; Vi-chi-a Ma-lê-ép (tác giả Liên Xô Ni-cô-lai Nô-xốp) của Hiệu đoàn trường Sư phạm; Vương Quý và Lý Hương Hương ( tác giả Trung Quốc Lý Quý) của Hoàng Trung Thông.
(theo cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại do Hội Nhà văn Việt Nam biên soạn và xuất bản, Hà Nội, 1992, tr. 228-230).
=
No comments:
Post a Comment