Cao Nhị
Đầu năm xem phim Tôi khát
Ngày Tết nói chuyện phim dễ vui, mà nói chuyện tình trong phim lại dễ vui hơn nữa. Tuổi trẻ và tình yêu, văn chương nghệ thuật ca tụng hàng nghìn năm nay, nó vẫn mới như thường và mới mãi.
Trong “Tuần lễ phim Cộng hoà Dân chủ Đức” tổ chức vào dịp Tết này, tôi đặc biệt thích phim Tôi khát của Pa-ry-la. Xem một lần, nhớ mãi không quên. Xem đến lần thứ hai, lại thấy như vừa khám phá thêm nhiều điều mới lạ mà lần thứ nhất chưa nhìn thấy. Nếu có dịp xem Tôi khát đến lần thứ ba, tôi sẽ xem lại ngay, nhất định không thấy chán. Nguyên cái thích thú riêng đó dù có chủ quan cũng chứng tỏ được phần nào cái thành công và sự hấp dẫn lạ lùng của bộ phim.
Tháng 4-1956, trên tập Tân phê bình (Nouvelle critique) của Pháp, trong một bài giới thiệu chung về phim ảnh Cộng hoà Dân chủ Đức, có nói: phim Tôi khát đang xây dựng sắp hoàn thành. Đến nay tháng 12, công chúng Việt Nam đã được xem phim: rõ ràng phim còn mới toanh, ra mắt khán giả trên toàn thế giới.
Xin nói ngay: Tôi khát là phim đen trắng, không phải phim màu. Tôi rất phản đối những ai chỉ khen phim màu và chê phim đen trắng. Phim đen trắng của Liên Xô chẳng hạn sản xuất vào khoàng 37-38 trước đại chiến, hay hơn những phim màu Liên Xô 54-56 nhiều lắm! Thích phim màu chẳng qua chỉ là cái mốt, là thích cái đẹp bề ngoài. Phim hay là ở nội dung nó hay, diễn xuất nó cao, kỹ thuật nó già. Và trong một số trường hợp nào đó, theo tôi nghĩ, cái màu của phim cứ để là đen với trắng (như trường hợp phim Tôi khát) nó rất khoẻ, sâu và đau đớn.
Chuyện phim dựa theo kịch bản của Van-te Gơ-rích.
Trong phạm vi bài này, tôi không bình luận chung về nội dung và kỹ thuật phim, mà chỉ xin giới thiệu lại một mẩu chuyện tình, táo bạo, rất chân thực, rất khoẻ mạnh đã rung động lòng tôi sâu xa: câu chuyện tình giữa anh cố nông Páp-lô và chị sinh viên Ma-đơ-len.
Nội chiến Tây-ban-nha năm 1936, rất nhiều đoàn quân tình nguyện các nước sang giúp nghĩa quân Tây-ban-nha chống lại phát-xít Phơ-răng-cô. Trong nước, nhiều đoàn trí thức, sinh viên cũng rời thành phố về nông thôn, gia nhập nghĩa quân, đánh du kích. Ma-đơ-len là một nữ sinh viên ở trong một đoàn đó. Tóc chị ngắn, bù xù như tóc con trai; gương mặt trong sáng, không đẹp kiểu uỷ mị màu mè, cái đẹp rất cường tráng thông minh của thế hệ trẻ ngày nay.
Ma-đơ-len lần đầu gặp Páp-lô đã ôm choàng lấy hôn vì cảm động. Páp-lô vừa giết được lính gác, mở nước cứu được cánh đồng ngô. Páp-lô rách rưới, bẩn thỉu, tứ cố vô thân, một chữ cắn đôi không biết. Thấy sinh viên về, Páp-lô bước ra tố khố; nước mắt anh chảy xuống ròng ròng. Trông anh đẹp và rất anh hùng, thế là chiếm luôn được cảm tình của nữ sinh viên Ma-đơ-len.
Câu chuyện tình bắt đầu từ đấy. Páp-lô lao vào chiến đấu và lao vào tình yêu, và trên cả hai mặt trận ấy, anh không hề run sợ. Có thể nói, trong tất cả các phim của tất cả các nước nói về nông dân, tôi chưa hề được gặp một nhân vật nông dân nào điển hình như Páp-lô. Một con người vừa ngây dại vừa tha thiết, vừa thô tục lại vừa dịu dàng; cái chân khuỳnh khuỳnh anh rê xuống cỏ, đôi mắt nghênh nghênh vừa ngơ ngác lại vừa đanh thép: kể cả nội tâm nhân vật, kể cả diễn xuất của diễn viên, tôi vẫn thấy đó là một mẫu mực bần cố nông trong nghệ thuật không khác mảy may ngoài cuộc đời; không những không khác lại còn được tô đậm lên thành một điển hình nông dân tuyệt diệu!
Tình yêu của Páp-lô rất đau đớn, vì luôn luôn anh tự ty, không dám ngờ Ma-đơ-len có thể yêu mình. Và mặc dầu vậy, anh lại càng yêu Ma-đơ-len mãnh liệt. Hai người cùng nhau đi chơi núi. Một người đi giầy cao gót, một người áo rách hở vai, đứng mãi bên nhau giữa cảnh núi sông hùng vĩ, dưới vòm trời xanh mát rượi Tây-ban-nha.
Rồi Ma-đơ-len nằm xoài xuống cỏ, lấy bút âu yếm dạy cho Páp-lô bài học bình dân học vụ đầu tiên: chữ Ma-đơ-rích, tên thủ đô Tây-ban-nha.
Và từ cái chữ tập đánh vần đầu tiên ấy, trên quyển vở học lúc nào cũng gài bên ngực, Páp-lô tập viết đến chữ thứ hai, cũng bắt đầu bằng chữ M: đó là chữ Ma-đơ-len, cái tên đẹp của bạn tình. Và khắp quyển vở, đâu cũng chỉ thấy ngoằn ngoèo hai chữ Ma-đơ-len và Ma-đơ-rích.
Theo tôi nghĩ, xây dựng được một tình yêu như vậy thật là tuyệt đẹp! Rất lãng mạn, mà lại rất trung thực. Trong cải cách ruộng đất của ta, biết đâu lại chả có sự kết hợp tốt đẹp ấy giữa nông dân và trí thức. Có điều, văn chương ta chưa thấy nói đến mà thôi.
Páp-lô yêu Ma-đơ-len như vậy. Song có chắc là được cô sinh viên kia yêu lại thực sự không, hay chỉ là “tiểu tư sản tếu”, bốc đồng trong chốc lát? Xin thuật lại mẩu đối thoại rất ngắn sau thì rõ cái nhìn đúng đắn của cô sinh viên:
Ma-đơ-len giở sổ của Páp-lô thấy toàn chữ Ma-đơ-len.
Hỏi: “Ma-đơ-len là ai, anh?”
“À, một cô gái người làng.”
“Anh có yêu cô ta không?”
“Chưa gặp cũng đã yêu rồi.”
“Thế cô ta có yêu anh không?”
“Không, đũa mốc đâu dám chòi…”
Ma-đơ-len nghiêm nghị:
“Páp-lô, sao anh hạ thấp mình quá thế. Anh sẽ đắp đập xây cầu…”
Páp-lô hỏi gặng: “Ai?”
Ma-đơ-len nhấn mạnh: “Chính anh chứ còn ai!”
“Không biết Ma-đơ-len có chờ tôi đến ngày đó không nhỉ?”
“Nhất định là có chứ!”
“Ma-đơ-len liệu có yêu tôi không?”
Ma-đơ-len hôn vội Páp-lô rồi nguẩy đi:
“Gớm, tò mò quá…”
Cái hôn tình ái ấy là cái hôn đầu tiên, cũng là cái hôn cuối cùng. Vì ngay sau đó, bom Đức Hít-le ném tan hoang trạm quân y, Ma-đơ-len chết không còn mảnh xác. Páp-lô kêu khóc gọi tên người yêu, tay không cào đất đến thành chảy máu. Và, trái tim đã bị thương, Páp-lô xông vào chiến đấu, mang theo hình ảnh bất diệt của người yêu…
Tôi khát, bộ phim đen trắng chiến đấu và trữ tình bậc nhất, đau đớn căm thù và hiện thực bậc nhất. Câu chuyện Páp-lô và Ma-đơ-len là hiện thân của một mối tình lãng mạn và cao quý ca ngợi vẻ đẹp vô cùng của tuổi trẻ và sự sống.
SACH TẾT 1957
*
No comments:
Post a Comment