NHÂN VĂN 3 * PHẦN 1
Chu Ngọc
Quần chúng đã chán ghét lối “chặn họng” ấy rồi [8]
Sau khi Nhân văn số 2 ra rồi, dư luận trong quần chúng cho rằng chúng tôi trả lời bạn Nguyễn Chương và báo Nhân dân như thế nào là ôn hoà, phải chăng và tình hình có thể dịu đi để tiến tới hiểu nhau hơn.
Bởi vậy chúng tôi đã gác lại những bài của anh em văn nghệ sĩ, trí thức và những ý kiến phát biểu của bạn đọc về sự chỉ trích của bạn Nguyễn Chương và báo Nhân dân. Nhưng báo số 3 đang in thì lại thấy bạn Nguyễn Chương lên tiếng trên báo Nhân dân một lần nữa, tiếp tục chụp mũ chúng tôi thế này thế khác. Do đó chúng tôi bất đắc dĩ phải trở lại vấn đề.
Bài này của anh Chu Ngọc cũng như ý kiến của các bạn Trần Bái và Phùng Bảo Kim đều mới trả lời vào bài cũ của bạn Nguyễn Chương. Đối với bài mới của bạn Nguyễn Chương, nếu cần, chúng tôi sẽ trả lời trong số báo sau.
Nhân văn
Tôi không đi vào phân tích toàn bộ bài phê bình báo Nhân văn của ông Nguyễn Chương trên báo Nhân dân.
Tôi chỉ nói đến lối phê bình “chặn họng”, phá đoàn kết vì tính chất mệnh lệnh, uy hiếp tinh thần và khinh miệt quần chúng của nó.
Ông Nguyễn Chương kết luận phần nhận định báo Nhân văn rằng: “Bọn Mỹ, Diệm hiện đương ra sức vu cáo chế độ miền Bắc là không có tự do, dân chủ cho nên chưa thể tổng tuyển cử để thực hiện thống nhất nhà nước được.
Chúng ta không nên mắc vào âm mưu của chúng.”
Phải xem lại toàn bộ báo Nhân văn số 1 xem có bài nào, điểm nào chúng tôi “vu cáo” để “mắc vào âm mưu của địch”?
Phương pháp phê bình theo chủ nghĩa nghĩa Mác-Lênin là thực sự cầu thị. Phê phán phải dựa trên cơ sở thực tế, nghĩa là phải dẫn chứng. Nếu không chỉ chung chung, suy diễn. Và khi đã suy diễn tất nhiên phải tiến tới một quy kết hồ đồ.
Bài phê bình của ông Nguyễn Chương đã mắc vào sai lầm ấy.
Vì rằng Đảng và Chính phủ đương phát động rộng rãi phong trào phê bình trong nhân dân quần chúng để củng cố lại đường lối, chính sách cho phù hợp với nguyện vọng nhân dân. Công tác đó đã tiến hành ở các cơ quan, đoàn thể và các khu phố ở thủ đô cũng như nơi khác. Về ngành văn nghệ, báo Nhân văn có nêu lên một số hiện tượng sai lầm của lãnh đạo văn nghệ. Chứng người, chứng việc hiện còn đương sống với chúng ta.
Chúng tôi chỉ muốn thực hiện đúng phương châm trong việc phê bình của chúng ta là: Nói thẳng, nói thật, nói hết.
Báo Nhân dân là cơ quan của Đảng, ông Nguyễn Chương là một đảng viên, tất nhiên không lạ gì phương châm ấy.
Vậy khi nhân dân phát hiện một vấn đề nào, chúng tôi nghĩ cơ quan của Đảng cũng như các đồng chí đảng viên nên vui vẻ tiếp thu để nghiên cứu, sửa chữa. Sửa chữa để củng cố chế độ của chúng ta cho mỗi ngày một thêm tươi sáng.
Mà xây dựng chế độ, chúng tôi thiết nghĩ, chủ yếu là để cho nhân dân chúng ta sống một cuộc đời no, ấm về thể xác và cởi mở về tinh thần.
Vậy khi thấy một trở lực nào ngăn cản nguyện vọng ấy thì nhân dân đề đạt lên trên để yêu cầu sửa chữa, như thế có hại gì đến việc tiến hành củng cố miền Bắc, chiếu cố miền Nam?
Nguyện vọng của chúng tôi là thế chứ chúng tôi không bao giờ có ý “muốn làm cho người ta hiểu lầm rằng toàn bộ sự lãnh đạo của Đảng và toàn bộ chính trị miền Bắc là độc đoán, độc tài, chà đạp văn nghệ sĩ, chà đạp con người, không có ‘nhân văn’”.
Sao chúng tôi lại bị vu như thế với cái kết luận “chúng ta không nên mắc vào âm mưu của địch”?
Với luận điệu chụp mũ này người ta có thể hiểu rằng, theo báo Nhân dân và ông Nguyễn Chương thì không nên phát hiện gì cả. Chỉ nên phổ biến rộng rãi cái tác phong tiêu cực này ở các khu phố: “thứ nhất ngồi lỳ, thứ nhì đồng ý”.
Nếu không, cứ nói thật lên thì lại “mắc vào âm mưu địch”.
Tuy vậy ông Nguyễn Chương cũng nên thông cảm cho quần chúng là quần chúng không đến nỗi lạc hậu, hèn kém tới mức ấy đâu.
Người nào cũng có tai, có mắt, có bộ óc, có trái tim, đi theo cách mạng, phục vụ cách mạng không kỳ gian khổ, nhưng cũng không để ai có quyền khinh miệt quần chúng.
Tinh thần cách mạng chân chính chống lại bất cứ cá nhân, hay bè phái nào hạn chế tự do tư tưởng của quần chúng.
Cho nên khi thấy một mặt Đảng kêu gọi “nói thẳng, nói thật, nói hết” mà mặt khác những đảng viên như ông Nguyễn Chương và báo Nhân dân lại đe doạ: Công khai đấu tranh chống những sai lầm khuyết điểm của ta là chống chế độ, chống Đảng, là mắc mưu địch v.v... thì còn ai hiểu được! Cái lối khoá miệng quần chúng ấy đã khá phổ biến. Và đã bị và đương bị phản đối.
Quần chúng của Đảng, nhân dân của chính thể này đã chịu sự giáo dục của Đảng, của chủ nghĩa Mác Lê-nin, phân biệt được thể nào là ta, thế nào là địch.
Suy diễn, nghi ngờ, gán ghép, khinh miệt quần chúng, đánh giá địch quá cao đã có nhiều hậu quả chua xót rồi. Quần chúng đã chán ghét đến cực độ luận điệu “chặn họng” cũ rích ấy rồi.
Báo Nhân văn không hề có tư tưởng bôi xấu chế độ. Vì một lẽ rất giản dị, là những người làm báo Nhân văn đều là con đẻ của chế độ xã hội miền Bắc. Họ với chế độ như thịt với da. Đời và tâm hồn họ gắn liền với sự sống còn của chế độ.
Nhờ được ánh sáng của Đại hội 20 Đảng Cộng sản Liên Xô đã thấm vào người họ, họ lớn lên, mắt họ sáng ra, máu họ tươi thêm, mặt họ ngẩng lên, họ nhìn thấy trách nhiệm, thực sự thấy mình là chủ nhân của cuộc đời, họ thấy mình không phải là con rối.
Họ phải làm việc.
Và việc đầu tiên của họ là muốn đánh bật tận gốc những tàn tích phong kiến và thực dân trong hàng ngũ lãnh đạo văn nghệ nói riêng và hàng ngũ cách mạng nói chung.
Chúng tôi cố gắng đấu tranh trong tổ chức, song liên tục chúng tôi bị chế ngự, nguyện vọng của chúng tôi lên tới Trung ương Đảng đã bị thay thế bằng nguyện vọng của bè phái họ.
Chúng tôi nói lên sự thực, mục đích đề Trung ương Đảng nhận định lại vấn đề lãnh đạo văn nghệ.
Đó có phải là một hành động tội lỗi không?
Giải quyết được tình trạng bè phái lãnh đạo văn nghệ là góp được một phần khá lớn vào sự nghiệp củng cố miền Bắc, thống nhất nước nhà.
Chúng tôi đặt vấn đề như thế.
Đó là nguyện vọng của chúng tôi. Do những tấm lòng tha thiết ấy, chúng tôi nêu lên: “Báo Nhân văn đứng dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, theo chủ nghĩa Mác Lê-nin” là chúng tôi đòi hỏi sự lãnh đạo của Đảng, trong lúc đấu tranh nội bộ gay gắt này.
Ông Nguyễn Chương cho đó là chúng tôi “nêu lên như một cái chiêu bài”.
Với thái độ này, tôi thấy như ông Nguyễn Chương gạt quần chúng ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng trong khi quần chúng thiết tha lăn vào.
Thử xét lại xem qua thái độ đã toát ra từ bài phê bình, qua những nhận định và sự phê phán báo Nhân văn, ông Nguyễn Chương và báo Nhân dân đã giúp đỡ chúng tôi những gì để chúng tôi đấu tranh? Hay chỉ toàn thấy những giọng trịch thượng, hống hánh, chia rẽ, gây cho chúng tôi những cảm tưởng không tốt về một cán bộ tuyên huấn cao cấp và về vai trò của cơ quan ngôn luận Trung ương Đảng?
*
No comments:
Post a Comment