Wednesday, January 28, 2009

THẢO LUẬN THƠ VIỆT BẮC XI

=


39. Trần Ðộ


Chung quanh tập thơ Việt Bắc: Vài cảm tưởng của một độc giả thông thường Tôi muốn phản ảnh một vài ý kiến thiết thực của một độc giả thông thường, đó là một cán bộ xuất thân là học sinh vào ở bộ đội từ Hà Nội... biên giới cho đến Ðiện Biên, đã qua nhiều nơi ở Việt Bắc. Chắc chắn độc giả này không đại diện được tất cả nhưng cũng đại diện được một phần nào. Trong tập thơ Việt Bắc, trừ những bài dịch, có hai loại bài. Một loại bài nói về từng người hay việc cụ thể, nhỏ bé (như “Cá nước”... “Lượm”). Và một loại bài nói về những vấn đề lớn. Tôi đọc thấy có những bài thích lắm và có những bài không thích, hoặc chán nữa. Những bài thích như: “Cá nước”, “Phá đường”, “Bà mẹ Việt Bắc”, “Lượm”, “Sáng tháng Năm”, “Hoan hô chiến sĩ Ðiện Biên”, “Ta đi tới”, “Việt Bắc”. Tôi không có lý luận văn nghệ, tôi thích vì những lẽ sau đây: 1) Thi sĩ đã nói hộ tôi những tình cảm sâu kín, tôi cũng mang máng có mà không biết nói ra thế nào cho được. Khi thấy anh bộ đội (tuy tôi cũng là bộ đội) hiền lành mà gian khổ anh dũng, tôi cũng chỉ biết thì thầm "Anh Vệ quốc quân ơi! sao mà yêu anh thế". Tôi cũng thấy "má anh vàng nghệ" là đáng yêu thật chứ chả có gì là tồi tàn xấu xí cả. - Lại như đối với “Việt Bắc”, có người bảo tình cảm lê thê đi xuống, hiu hắt, là tôi không chịu. Tôi thấy hay lắm. Sống ở Việt Bắc mấy năm kháng chiến, qua gốc đa lần nào gặp Bác, dự Hội nghị, đi hành quân đêm, ngủ nhà sàn, ăn sắn nướng, v.v... Tôi thấy âu yếm thấm thía lắm. Khi xa Việt Bắc quả thấy một nỗi nhớ kiểu nhớ quê hương sâu và thấm lắm. Nhớ nó man mác, nó buồn, nghĩ đến những làng bản, có cô gái đan nón, có em bé hái măng, có trám bùi, v.v... mà thực tế sau này ít có dịp gặp lại. Nhưng chỉ biết hẹn thầm bao giờ các cụ về Thủ đô chơi, hy vọng sau này giao thông thuận lợi mọi nơi đều sầm uất. Những câu: Mình về rừng núi nhớ ai Trám bùi để rụng, măng mai để già Mình đi có nhớ những nhà Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son có người chê là buồn. Không, tôi đọc đến đấy tôi thấy nhớ lại những cảnh chặt trám, hái măng vui vẻ, của bộ đội và cơ quan. Nay không còn nữa trám rụng, măng già, một nét rất ý vị sâu sắc. Sự thực còn buồn hơn nhiều: có thể là: "Ðường đi để rậm, xóm thôn cọp về", tôi đã gặp lại mấy đồng chí ở chợ Chu kể thế. "Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son" thì có gì là buồn. Những làng bản lẻ tẻ dưới chân núi, trông cô đơn thật, nhưng vào đến nhà, lửa lúc nào cũng đỏ bếp, nước chè ngon sẵn sàng nghi ngút, điếu cầy kêu vang. Không buồn gì đâu, đằm thắm và ấm cúng lắm. Tôi cho rằng buồn là tùy người. Ðọc bài thơ “Việt Bắc”, từng lời từng điệu cứ như thấm vào người, nhưng nó chỉ làm cho tôi yêu đất nước tươi đẹp thêm, yêu những người dân Việt Bắc hồn hậu thêm, tin tưởng vào tương lai, kiêu hãnh với kháng chiến, với lòng yêu nước của nhân dân thêm. Tôi chả thấy buồn thỉu đi, hay buồn đi xuống gì cả. Tôi cho là bài “Việt Bắc” hay lắm. Tôi không tin rằng tôi là tiểu tư sản mà thích lệch.


Các bài khác như bài “Ðiện Biên”, “Ta đi tới”, cũng thế. Có người bảo nó "chính trị", không phải, đánh ở Ðiện Biên Phủ, chúng tôi nghĩ tới Bác Hồ, nghĩ tới anh Ðồng, nghĩ đến Hội nghị Giơ-ne-vơ ghê lắm. Thắng xong, muốn nhảy lên, muốn kêu lên nói ngay cho Bác biết, cho anh Ðồng biết. Có một anh dân công về nói chuyện với người làng còn bịa ra: "Ðánh xong một cái, tôi thấy anh chỉ huy Ðại đoàn gọi ngay ra-đi-ô sang Giơ-ne-vơ cho Phó Thủ tướng". Vậy thì đó là tình cảm của quần chúng trong thời đại mới không phải là chuyện chính trị khô khan. Tôi cũng rất thích bài đó vì nó nói hộ cái vui mừng phấn khởi của tất cả chúng tôi, v.v... 2) Những bài thơ đó đều ghi lại một hình ảnh sâu sắc của mỗi thời kỳ đấu tranh của ta. Ví dụ bài “Phá đường”, tôi nhớ mới đầu kháng chiến có ai đeo ba-lô đi lại nhiều ở đèo Khế, Cao Vân, Quảng Nạp thì mới thấy "rét Thái Nguyên, rét về Yên Thế, gió qua rừng đèo Khế gió sang..." là thấm thía. Ai bảo đó là hình ảnh khổ sở? Không, đó là nghị lực đấu tranh, đó là sự thử thách, và đó cũng là những kỷ niệm sâu sắc. Bài thơ này hay, nhưng chưa hay lắm vì tình cảm nó chưa đầy đủ, nói chưa hết, chưa sâu, và kết luận hơi yếu! Lại như bài “Lượm”, biết bao nhiêu là Lượm đã hy sinh như thế. Có những Lượm đã hy sinh ngay ở đồn giặc nữa. Có những Lượm hiện tại đã là cán bộ Ðại đội, Tiểu đoàn, đều xuất thân từ liên lạc như thế, đều như con chim chích nhảy trên đường vàng. Bài thơ đó đã ca tụng một lớp thiếu niên trong trẻo anh hùng của đất nước một cách tài tình. Bài “Voi” tả rất đúng tâm trạng chúng tôi khi mới có vài khẩu pháo nhỏ, khênh ỳ à ỳ ạch; đúng là "con đường Vệ quốc". Chúng tôi cũng thấy những câu ấy đọc một lần là nhớ ngay và nó cứ ngân vang mãi, lắm lúc tưởng như mình cũng làm câu thơ như thế. Bài “Ta đi tới” cũng hay lắm, nó đúng vào lúc ta đang làm đường rộng thênh thang. Sau khi đình chiến chúng tôi hành quân ban ngày, thấy các chị đi chợ, các em đi học, thuyền buồm căng trên sông, trời có mây bay, v.v... Sau bao nhiêu năm chỉ sống kiểu "con vạc", những ngày tháng 8-54 thật là rộn ràng ý nghĩa, muốn ghi lại... Nhưng nhà thơ Tố Hữu đã ghi hộ. Hiện thực là gì? Chất sống là gì? Nghệ thuật quần chúng là thế nào? Tôi chưa phân tích được! Nhưng tôi thấy thơ Tố Hữu (với những bài tôi kể trên) đã nói hộ những tình cảm của quần chúng, kích thích được những yêu, ghét, nhớ nhung, phấn khởi của quần chúng đúng lúc và sâu sắc. Tôi không tán thành một vài đồng chí phê bình cứ nêu lên tình cảm, sức sống của thời đại phải mạnh mẽ, quyết liệt, hừng hực, băng băng rồi bảo thơ Tố Hữu buồn, hoặc nêu lên sự sống phải thế này phải thế nọ rồi bảo thơ Tố Hữu chưa sống, hình ảnh trong thơ Tố Hữu còn bàng bạc, v.v... Tôi cho rằng những nhà phê bình đó không chú trọng đến quần chúng, khinh quần chúng và chưa gần quần chúng, chưa hiểu quần chúng bằng thơ Tố Hữu đã hiểu, chính cái "sự sống" cái tình cảm "thời đại" mà các đồng chí ấy nêu lên lại trừu tượng, xa vời lắm lắm. Có những bài thơ của Tố Hữu, tôi không thích vì nói không trúng ý, chủ đề nhạt nhẽo và diễn tả ra gượng gạo. Nhất là bài “Bắn” và bài “Lại về”. Bài “Bắn” tả tình cảm chả ra của anh pháo thủ, mà cũng chả ra là người xem pháo thủ bắn, chả ra của cấp chỉ huy, hay của chiến sĩ. Bài “Lại về” gượng gạo quá. Tôi đọc những bài thơ ấy không thấy rung động. Về cái buồn tiểu tư sản trong thơ Tố Hữu tôi cũng cảm có, nhưng không phải là có một cách hệ thống và trầm trọng. - Nó chỉ ở một vài bài, một số câu: Vườn hồng ngớt gió mưa qua Cờ bay đỏ nắng mái nhà vàng sao. ............... Biết bao sung sướng tủi hờn Trông nhau mà tưởng như hồn còn mơ Nhưng tả bộ đội: “Bộ nó rõ oai - Vai thì đeo súng - Ngực chéo hai quai _ áo thì thắt bụng - Ðầu nó đội mũ - Có cái sao vàng...” thì không có chút nào tiểu tư sản cả, mạnh mẽ gọn gàng, đáng yêu, rõ ra hình ảnh một chiến sĩ thân yêu của nhân dân. Hay nói đến Hồ Chủ tịch mà Ta bên Người Người tỏa sáng trong ta Ta bỗng lớn ở bên Người một chút thì từ cán bộ cao cấp đến chiến sĩ, đến người dân thường đều thấy thế thật: phấn khởi, tin tưởng, thêm nghị lực đấu tranh nhiều lắm. Về chủ đề. Có người cho thơ Tố Hữu rộng quá. Tôi cho là không phải. Thơ của Mai-a-kốp-ski còn rộng hơn nhiều nữa kia. Nhưng cố nhiên Tố Hữu còn kém Mai-a-kốp-ski. Có người bảo Tố Hữu chính đi sâu vào từng khía cạnh của tâm tình. Ðòi hỏi Tố Hữu một cách theo ý mình thì không được. Lúc nào nhà thơ đi sâu vào thì nhà thơ đã đi sâu (“Bà mẹ Việt Bắc”, “Lượm"). Còn với điều kiện sống của nhà thơ hiện tại thì “Ta đi tới”, “Việt Bắc” là sâu sắc và đi vào khía cạnh rồi còn gì? Trên đây là tôi thành thực phát biểu cảm tưởng, ý kiến của một độc giả thông thường đối với thơ Tố Hữu. Và cũng nhân danh độc giả đó đề nghị các nhà phê bình: bớt lý luận dài dòng, phân tích chủ quan, trừu tượng, đôi lúc bộc lộ ý xấu, mà nên thiết thực hơn, chỉ chỗ hay, vạch chỗ dở một cách rõ ràng có nghiên cứu, vô tư cho chúng tôi học với, không nên đem một lô danh từ, vấn đề ra mà không giải quyết được gì cụ thể cả. Xin hiểu cho trình độ và nguyện vọng của những độc giả thông thường. Xin đừng phủ nhận tất cả thẩm mỹ của quần chúng độc giả thông thường đó và đừng bắt các độc giả thông thường đó phải là thi sĩ để thưởng thức thơ. 5-1955 Văn nghệ, số 72 (21.5.1955) 40. Văn nghệ Bạn đọc góp ý kiến về tập thơ Việt Bắc a) Nguyễn Văn Sáng: Tôi được biết và đã được đọc thơ Tố Hữu từ kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Qua mấy năm trường hoạt động trong hậu địch, sau những lần luồn giặc, đánh giặc chống càn quét khi trở về cơ sở, cán bộ, chiến sĩ và cơ sở gặp nhau bù khú, dí dủm trên ổ rơm là không quên ngâm thơ Tố Hữu, dù là anh lõm bõm năm ba câu, tôi thuộc vài ba đoạn. Những đêm hành quân qua vùng tạm chiếm, ngồi nấp sau luống khoai chờ đợi vượt đường giây, tuy không được ngâm dù là se sẽ nhưng cũng ngâm trong tư tưởng một đôi câu thơ Tố Hữu thấy truyền cảm thu thú, nhè nhẹ nhưng mạnh mẽ và tin tưởng. Ðôi khi chui dưới hầm bí mật từ sáng sớm rồi chả biết trời đã tối chưa, những lúc chờ đợi mong mỏi thời gian trôi nhanh ấy, tôi nhớ rành mạch từng câu: Bao đồng chí của ta bay đã giết Chặt đầu cắm cọc phơi khô Chị em ta bay căng thịt lõa lồ Con em ta bay quăng chân vào lửa Lúa ngô ta bay cướp về cho ngựa Xóm làng ta bay đốt cháy tan hoang Rồi lại nhớ luôn sang mấy câu thấm thía nhất trong mối tình anh em ruột thịt: Xác ai nằm ngổn ngang Bãi tuyết lặng quanh làng Phố đổ nhà hoang vắng Mẹ của em đấy ư? Cái đầu lâu rũ tóc Máu chảy dài thân cọc... (“Em bé Triều Tiên”) Những đoạn trên đồng chí Hoàng Cầm viết: "Không căm thù chỉ thấy ghê rợn". Kêu như vậy ta thấy Hoàng Cầm nặng về chỉ trích, nhẹ phê bình và nếu có phê bình như vậy là thiếu đắn đo, không hiện thực. Mà sự thật hình ảnh trên, Tố Hữu đã truyền cho cán bộ, cho chiến sĩ, nhất là anh em địch hậu đầy chất sống căm thù. Mối tình quốc tế thắm thiết, Tố Hữu nhìn đất nước Triều Tiên xa xôi nhưng gần gũi ruột thịt cũng chung một kẻ thù đế quốc không đội trời chung. Qua vùng tạm chiếm, qua những cuộc càn quét lớn nhỏ của địch anh em đã được chứng kiến rất nhiều cảnh đau thương tương tự, do đó anh em càng thông cảm khi đọc thơ Tố Hữu. Tố Hữu với anh em là một. Nói lên những hình ảnh hiếp tróc dã man tàn phá của đế quốc mà bảo "buồn, lạnh lẽo đến ghê rợn, không căm thù, chỉ thấy ghê rợn..." (Hoàng Cầm) thì thật là khó hiểu. Tôi không rõ viết như thế nào mới khơi được chí căm thù của Hoàng Cầm? Bắn vào giữa mục tiêu chưa chắc Hoàng Cầm đã cho là trúng đích. Chắc Hoàng Cầm đã nghe nhiều bài hát căm thù hoặc đã dự nhiều buổi tố khổ của đơn vị trong chỉnh quân hay trước trận đánh quyết liệt. Anh em chiến sĩ đã rành rọt, nghẹn ngào, uất hận nói lên tất cả những cảnh đau khổ, chết chóc của thân thế, gia đình mình dưới thời đế quốc phong kiến... Nước mắt hòa nước mắt, mồ hôi quyện mồ hôi thấm vào từng viên đạn... bao nắm tay kiên quyết: thù này phải trả cho xong. Theo Hoàng Cầm, sau những buổi tố khổ đó chỉ có "buồn" rồi tay chống đầu lòng súng... bâng khuâng, chỉ thấy "ghê rợn, không căm thù..." tất nhiên là đi đến hoang mang, cầu an, hưởng lạc... Nhưng trái lại, sau những buổi tố khổ, những người nông dân mặc áo lính đó càng tăng thêm căm thù, trút căm thù đó vào viên đạn qua lòng súng mở đột phá khẩu, phá lô cốt, truy kích tiêu diệt hoàn toàn địch mới thôi. Trong cuộc chỉnh quân ở Việt Bắc (1953) học tập tài liệu phóng tay phát động quần chúng, tôi đã đi tìm chép thơ Tố Hữu ở những đồng chí LK4, LK5... Say mê, thấm thía và bằng lòng là được chép lại đầy đủ bài thơ "Hai đứa bé". Ai đã được đọc bài này đều thấy rõ giá trị và tác dụng của nó. Rồi hòa bình lập lại, khi về Hà Nội được đọc tập thơ Việt Bắc, tôi muốn đọc mãi, có khi phạm vào nội quy thời khắc biểu vì không phải nó buồn mênh mang như Hoàng Cầm buồn, không phải nó không hiện thực hay thiếu chất sống như Hoàng Cầm kêu, cũng không phải nó lạnh lẽo đến nỗi Hoàng Cầm phải ghê rợn. Chính là vì nó cách mạng do nhà thơ cách mạng lâu năm làm. Chính là vì nó đã xuất phát từ trong quần chúng mà ra rồi lại trở về với quần chúng. Nó đã bồi dưỡng giáo dục cho quần chúng vững lòng tin tưởng, kiên quyết đấu tranh vượt mọi khó khăn gian khổ để xứng đáng "làm dân Cụ Hồ". Chính là vì nó sống, nó gần gũi, nó thực tế và nó đã nói lên tuy rằng chưa được tất cả sức đấu tranh không ngừng của toàn dân trong kháng chiến cũng như trong hòa bình. Chính vì vậy mà nhà thơ Tố Hữu đã đạt được yêu cầu trước kia và hiện nay: quần chúng thích ngâm, thích đọc thơ Tố Hữu. Sự thật quá rõ ràng như vậy. Cũng như hỏi tại sao các em lại chỉ thích gần và yêu anh bộ đội. Có người bảo tại vì anh bộ đội hiền lành? Có người bảo tại vì anh bộ đội hay yêu trẻ. Theo tôi cũng chưa đúng lắm. Chính vì các em biết đích anh bộ đội là con em của nhân dân đã bảo vệ Tổ quốc yêu quý. Ở đây cũng vậy, đích là vì thơ Tố Hữu hiện thực và nhiều chất sống Cách mạng... (Trung đoàn X) b) Xuân Sách: ... Trong xã hội u tối của chúng ta ngày xưa, thơ của Tố Hữu quả là hừng hực đấu tranh. Trong bóng tối dày đặc, một ngọn lửa cũng đủ sáng. Nhưng thời đại của chúng ta là ban ngày, là muôn ánh hào quang đang hiện lên rực rỡ, Tố Hữu chưa lớn được tương xứng, nhưng thi sĩ đã lớn. Những bài thơ căm hờn kêu gọi ngày xưa bây giờ thi sĩ đã thêm cho nó những nét đậm đà những ý thiết tha, những hơi thở của dân tộc. Chính những cái dịu dàng, ý nhị, thiết tha trong thơ Tố Hữu đã thổi vào lòng người tình yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, sự lạc quan, hy vọng, những nhân tố đó chính có tác dụng rất mạnh để đẩy mạnh tinh thần đấu tranh của dân tộc. Tính chất thời đại, dân tộc, đại chúng của thơ Tố Hữu chính đã có một khả năng hiện thực đáng kể. (Văn công) Văn nghệ, số 72, 21-5-1955 41. Trương Chính Chung quanh tập thơ Việt Bắc: ý kiến của các bạn văn nghệ L.T.S. - Tiếp theo ý kiến một số bạn đọc, chúng tôi trích đăng ý kiến của những anh chị em văn nghệ. Ban Văn của Hội Văn nghệ Việt Nam sẽ có một bản nhận định về tập thơ Việt Bắc công bố trên báo này. [1] Có điều này ai cũng phải công nhận là cách điệu của tập Việt Bắc khác hẳn tập Thơ xuất bản năm 1946. Trong tập Thơ 1946, tình cảm của Tố Hữu sục sôi, quằn quại, mãnh liệt, lời thơ ran nóng, hăng say, khi tức tối, uất ức thì gào thét lên, lồng lộn lên, khi vui thì điên loạn lên như trong bài “Huế tháng Tám” là bài kết thúc một giai đoạn và mở đầu một giai đoạn mới trong đời Tố Hữu, sát theo một giai đoạn mới của Cách mạng Việt Nam. Nhưng từ đó về sau, thơ Tố Hữu êm ả hơn, ngọt ngào hơn, trong sáng hơn.



Tâm hồn Tố Hữu lắng xuống như làn sóng biển sau cơn bão táp: Anh về cối lại vang rừng Chim reo quanh mái, gà mừng dưới sân Anh về sáo lại ái ân Ðêm trăng hò hẹn trong ngần tiếng ca hay là: Suối dài xanh mướt nương ngô Bốn phương lồng lộng thủ đô gió ngàn Ngay trong những bài như “Hoan hô chiến sĩ Ðiện Biên”, cũng đột nhiên có những câu rất lắng lại: Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng Theo ý tôi thì tuy cách điệu của hai tập thơ có khác nhau, nhưng nội dung tình cảm vẫn không hề thay đổi. Ta không thể nói Tố Hữu, trước ngày giải phóng, thì cách mạng hơn, căm thù giặc hơn, giàu tinh thần chiến đấu hơn là trong thời kỳ kháng chiến. Sở dĩ cách điệu khác nhau là hai tập thơ làm trong hai thời đại khác nhau. Tâm hồn nhà thơ cũng là tâm hồn của thời đại và thay đổi theo thời đại. Cái thuở còn trong vòng xiềng xích, địch mạnh ta yếu, địch có nhà tù, mũi súng, lưỡi lê, mà ta chỉ có hai bàn tay không và tinh thần cách mạng, thì không có cách nào hơn là: Giương mắt chĩa vào quân thù ác độc Những ánh lửa xanh lè và hằn học Hận trào lên khinh cái chết kề bên... Và la ó, chửi mắng, gào thét, và gào thét nữa: Tôi chỉ gào và chỉ nhớ còn tôi Tôi cố thét, sao vẫn còn nhỏ quá! Những tức tối, trời ơi! không thể hả, Như một con chó dại bỗng lên cơn, Tôi lồng lên, tôi cố thét to hơn Ðể căm giận trút ào trong tiếng phổi (“Tranh đấu” - Thơ trước 1945). Chỉ có như thế mới hả được nỗi uất hận trong lòng, mới động viên được mình và động viên được người khác. Cho nên không thấy làm lạ thơ của Tố Hữu hồi đó - "Trào lên những giòng thơ hừng hực, đỏ rực căm thù" (Hoàng Yến). Một khi đã được giải phóng rồi, tuy còn phải kháng chiến trường kỳ gian khổ mới đến thắng lợi ngày nay, nhưng chúng ta được ngang nhiên dùng súng và đạn thật để trả lời địch, để tiêu diệt địch, không cần phải nghiến răng gào thét nữa. Nỗi uất hận phải biến thành hành động. Và ở Tố Hữu, cũng như ở tất cả những người kháng chiến, đã biến thành hành động. Hò hét bây giờ chỉ thêm ồn và có thể làm giảm mất một phần sinh lực. Một mặt khác, chúng ta vừa kháng chiến vừa kiến thiết, tương lai đã nằm trong lòng hiện tại, đỏ rực lên chứ không còn "le lói như ánh sao xa" trong câu thơ ngày nọ. Chúng ta kháng chiến gian khổ, nhưng nghĩ đến tương lai thì lại phấn khởi ngay. Cũng vì thế mà, giữa lòng kháng chiến, vẫn có những vần thơ hiền hòa, lạc quan, lành mạnh. Cách điệu thay đổi còn là vì Tố Hữu đã chuyển từ thơ tự thuật sang thơ gợi cảm. Trừ một số bài rất ít như “Bắn”, “Hoan hô chiến sĩ Ðiện Biên”, v.v... Tố Hữu thường ghi cảm xúc của mình, không kể lể, không diễn tả, không lý luận như hồi trước nữa. Có khi anh không nói thành lời, mà để người đọc tiếp tục cảm xúc cái cảm xúc của mình. Chính vì thơ anh gợi cảm, cho nên vai trò của người đọc trong việc thưởng thức thơ rất quan trọng. Người đọc cũng phải tích lũy được trong tâm hồn mình một số cảm xúc nào đó, một số tình ý, một số hình ảnh nào đó, nghĩa là người đọc cũng phải có một quá khứ, một lịch sử, thì mới góp được phần của mình trong việc xây dựng bài thơ. Người ta thường bảo "hương gây mùi nhớ", nhưng cùng một mùi hương, có người nhớ đến việc này, có người nhớ đến việc kia và có người không nhớ gì cả, là vì thế. Trong tập Việt Bắc, có nhiều câu thơ chỉ toàn là những tên đất ghép lại, mỗi tên đất đều gợi lên một sự kiện lịch sử, một kỷ niệm của cuộc kháng chiến, một tình yêu đối với non sông đất nước. Nhà thơ nhắc lại, thấy đầy đủ lắm rồi, không còn phải nói thêm. Nói thêm là thừa. Thơ cũng có một sức mạnh gợi cảm như hội họa, như âm nhạc, như kịch tuồng. Nhưng một bài thơ không lợi dụng được thị giác như một bức họa, không lợi dụng được thính giác như một bài nhạc, không lợi dụng được thị giác và thính giác như một màn kịch. Thơ chỉ đánh được vào tình cảm. Ðó là yếu điểm [2] mà cũng là nhược điểm [3] của thơ. Nếu không nắm vững điều đó thì có thể thấy bài thơ nào cũng "bất lực", cũng chưa "sôi nổi", chưa "dựng" được cái này, cái nọ. Một tác phẩm khi xuất bản ra mọi người đều có quyền khen hay chê, mà chính tác giả cũng muốn người ta khen và cả chê nữa. Ðành rằng khen hay chê không nhất thiết lúc nào cũng phải cho đúng. Nhưng cần phải thận trọng. Bởi vì, người ta sáng tác mà mình phê bình cũng giống như người ta hát mà mình đánh nhịp. Ðánh nhịp thì phải thành tâm và thận trọng, nếu không, mình đánh nhịp sai, thì người hát vững cũng dễ lạc điệu!



Văn nghệ, số 73 (1.6.1955) 42. Vũ Ðình Liên Mối tình dân tộc trong tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu Một trong những tình cảm lớn mà tập thơ Việt Bắc đã xây dựng là mối tình tha thiết giữa cán bộ và chiến sĩ miền xuôi với đồng vào miền núi. Mối tình ấy đã nẩy nở trong cách mạng và kháng chiến, mối tình ấy đã được Hồ Chủ tịch vun trồng, bông hoa tươi đẹp đầu tiên đã nở trên bờ sông Ðà, trong khu tự trị Thái Mèo. Tố Hữu đã nói lên cho chúng ta mối tình tha thiết ấy. Trong tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu bài thơ “Việt Bắc” là bài thơ thắm thiết nhất. Mười lăm năm cách mạng và kháng chiến, 15 năm cùng chịu đựng gian khổ, đùm bọc lấy nhau, cùng chiến đấu cùng thắng lợi, người cán bộ cách mạng, người chiến sĩ quên làm sao được nơi quê hương thứ hai của mình, quên làm sao được đồng bào miền núi: Mình về mình có nhớ ta Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng Chúng ta không lấy làm ngạc nhiên thấy Tố Hữu thiết tha với Việt Bắc. Ðiều đó là tất nhiên. Trái lại chỉ đáng ngạc nhiên là một nhà văn, một nhà thơ sau 10-15 năm sống ở Việt Bắc mà không viết được một tác phẩm nào, to hay nhỏ, về Việt Bắc. Nhưng có người cho rằng tình thân thiết nhớ tiếc ấy của Tố Hữu có vẻ yếu đuối vì không nói, hay nói ít đến căm thù giặc, đến chiến đấu, thi sĩ chỉ nói lên những cái nhớ nhung nhỏ bé, những kỷ niệm tầm thường. Chúng tôi không quan niệm như vậy. Chính những kỷ niệm nhỏ bé thân mật ấy trong cuộc chung sống hàng ngày của cán bộ, chiến sĩ với đồng bào miền núi, đã xây dựng nên mối tình thắm thiết ấy. Chính những kỷ niệm ấy làm cho nhớ từng giờ từng phút, "bâng khuâng nhớ cảnh, nhớ người". Nhớ cảnh: Mình đi có nhớ những ngày Mưa nguồn nước lũ, những mây cùng mù Nhớ người: Ta đi ta nhớ những ngày Mình đây ta đó đắng cay ngọt bùi Thương nhau chia củ sắn lùi Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng Nhớ người mẹ nắng cháy lưng Ðịu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô Nhớ cảnh trong đó luôn luôn nhớ người: Ta về mình có nhớ ta Ta về ta nhớ những hoa cùng người Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng Ngày xuân mơ nở trắng rừng Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang Ve kêu rừng phách đỏ vàng Nhớ cô em gái hái măng một mình Nhưng không phải Tố Hữu không nhớ đến những cảnh chiến đấu anh dũng: Những đường Việt Bắc của ta Ðêm đêm rầm rập như là đất rung Quân đi điệp điệp trùng trùng Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan Dân công đỏ đuốc những đoàn Dấu chân nát đá, muôn tàn lửa bay Nhìn đêm thăm thẳm sương dày Ðèn pha bật sáng như ngày mai lên [4] Nhưng trong những kỷ niệm hùng dũng ấy, Tố Hữu vẫn thấy thấm thía hơn cả mối tình đoàn kết thân ái, ruột thịt, không những giữa người với người mà giữa cả cảnh vật với người nữa: Núi giăng thành lũy sắt dày Rừng che bộ đội rừng vây quân thù Mênh mông bốn mặt sương mù Ðất trời ta cả chiến khu một lòng Ai đã từng ở đồng bằng, biết những trở ngại, khó khăn của đồng bằng trong khi chiến đấu với quân địch thì mới thấy rõ tác dụng của núi rừng Việt Bắc, do đó mà yêu quý núi rừng Việt Bắc, nhìn núi rừng sẽ không thấy là "âm u" mà sẽ thấy là "kín đáo", không thấy "ma thiêng nước độc" mà thấy " đất lành người tốt". Chúng ta đều nhận thấy, qua bài thơ “Việt Bắc”, mối tình dân tộc thiết tha của Tố Hữu; nhưng có người cho rằng yêu mến nhớ thương đó của Tố Hữu không có "hướng đi lên". Trái lại tôi thấy mối tình đó là một mối tình cách mạng. Mối tình dân tộc ấy là một mối tình cách mạng bởi vì trước hết nó đã phá được những thành kiến chia rẽ dân tộc mà thực dân, phong kiến, hàng trăm năm hàng nghìn năm, đã cố đào sâu. Ðiểm thứ hai là chế độ dân chủ nhân dân tiến tới xã hội chủ nghĩa cũng nhằm một mục đích là tranh đấu để thực hiện quyền tự do và bình đẳng, sự đoàn kết anh em giữa các dân tộc lớn nhỏ. Tố Hữu đã thấm nhuần tư tưởng đó, tư tưởng đó ăn sâu vào tình cảm, biến thành tình cảm hồn nhiên. Ðiểm thứ ba là mối tình ấy hướng về tương lai; Tố Hữu đã phác họa cả một hình ảnh tương lai của Việt Bắc: Ngày mai về lại thôn hương Rừng xưa núi cũ yêu thương lại về Ngày mai rộn rã sơn khê Ngược xuôi tàu chạy, bốn bề lưới giăng Than Phan Mễ, thiếc Cao Bằng Phố phường như nấm như măng giữa trời Mái trường ngói mới đỏ tươi Chợ vui trăm nẻo về khơi luồng hàng Muối Thái Bình ngược Hà Giang Cầy bừa đông Xuất muối đường tỉnh Thanh Ai về mua vại Hương Canh Ai lên mình gửi cho anh với nàng Chiều Nga Sơn, gạch Bát Tràng Vải tơ Nam Ðịnh, lụa hàng Hà Ðông Áo em thêu chỉ biếc hồng Mùa xuân ngày hội " lùng tùng" thêm tươi. Nhưng có người đã phê bình đoạn thơ này của Tố Hữu là khô khan, không phải là thơ vì nó chỉ "phổ biến chính sách mậu dịch". Trái lại tôi thấy trong những câu thơ trên đây lòng thiết tha của Tố Hữu đối với hạnh phúc của đồng bào miền núi. Yêu quý đồng bào miền núi chính là ở chỗ biết thông cảm với những nỗi thiếu thốn của đồng bào. Ðồng bào miền núi khổ như thế nào, thiếu những gì, Tố Hữu đều biết.



Ai đã được nghe đồng bào miền núi than thân: suốt đời "ăn nhạt nằm giốc" thì mới thấy việc chở muối lên miền ngược không phải chỉ là một vấn đề buôn bán mà là vấn đề bảo đảm hạnh phúc cho đồng bào miền núi, cũng như tất cả những sản phẩm khác của nông dân và công nhân miền xuôi là cần thiết để tô điểm đời sống của đồng bào miền núi; ngược lại những sản phẩm phong phú của miền núi sẽ cung cấp cho sinh hoạt của đồng bào miền xuôi thêm đầy đủ: Mình về ta gửi về quê Thuyền nâu trâu mộng với bè nứa mai Nâu này nhuộm áo không phai Cho lòng thêm đậm cho ai nhớ mình Trâu về xanh lại Thái Bình Nứa mai gài chặt mối tình ngược xuôi Sản phẩm của núi rừng Việt Bắc phong phú như vậy mà bao nhiêu năm đồng bào miền núi sống thiếu thốn cực khổ dưới ách bóc lột của phong kiến thực dân. Thơ của Tố Hữu gián tiếp nói lên được cả cái căm thù ấy. Những năm ở Việt Bắc, tôi vẫn thường suy nghĩ không hiểu sao đồng bào miền núi hay ở những cánh đồng quang đãng bên cạnh đường giao thông lớn, Tố Hữu hẳn cũng đã thông cảm với hoàn cảnh đó của đồng bào miền núi nên nghĩ đến hình ảnh tương lai: Phố phường như nấm như măng giữa trời Tôi thấy trong những câu thơ của Tố Hữu không phải chỉ là một bản thống kê những hàng hóa, mà cả một lòng tự hào vì những nguồn lợi tự nhiên phong phú của đất nước, vì những khả năng sáng tạo của nhân dân lao động Việt Nam, cả một niềm tin tưởng vào chế độ của chúng ta sẽ phát huy được tất cả những khả năng ấy. Tố Hữu tiếp tục cái truyền thống tốt đẹp của ca dao cũ thường vẫn ca tụng những sản phẩm của nhân dân lao động. Tôi nhớ lại những câu ca dao cổ như câu: Ai lên Ðồng Tỉnh, Huê Cầu Ðồng Tỉnh bán thuốc, Huê Cầu ruộm thâm Tôi lại nhớ lại những bài thơ Ma-i-a-cốt-xki [5] viết để giới thiệu những sản phẩm của nền kỹ nghệ Xô viết trong những kế hoạch 5 năm đầu tiên, hay trong thời kỳ phục hưng kinh tế sau nội chiến. Những bài thơ đó, cũng như những câu thơ của Tố Hữu, cũng như những câu ca dao cổ của ta, không phải bắt nguồn từ những khái niệm khô khan về kinh tế mà nó kết tinh cả một lòng yêu quý lao động, tự hào dân tộc, yêu quý đất nước, yêu quý đồng bào. Mối tình dân tộc trong thơ của Tố Hữu không phải là một mối tình trừu tượng hay thuần lý - như có người đã bảo những bài thơ gần đây của Tố Hữu nhiều lý trí mà ít tình cảm, - trái lại mối tình ấy rất cụ thể như ta đã thấy ở trên đây, nó chứng tỏ một sự thông cảm sâu sắc giữa thi sĩ với đồng bào. Cũng vì vậy cho nên thơ của Tố Hữu mới đậm đà, thiết tha như vậy. Nhưng có người lại phê bình bài thơ “Việt Bắc” có một giọng buồn. Tố Hữu nhớ Việt Bắc như nhớ một người tình. Trước hết bài thơ “Việt Bắc” không phải chỉ có những đoạn mà người ta cho là "buồn", nó cũng có những đoạn hùng dũng (đánh giặc) hay tưng bừng (chiến thắng và hình ảnh tương lai). Sau nữa, phải quan niệm cho đúng thế nào là buồn. Có phải cứ "nhớ" là buồn không? Người cán bộ cách mạng và kháng chiến sau 15 năm chung sống với đồng bào Việt Bắc bây giờ trở về thủ đô, làm sao mà không nhớ được. Ngược lại đồng bào Việt Bắc làm sao mà không nhớ những anh cán bộ, bộ đội đã đem lại cho đồng bào những ngày sống vui vẻ, thân mật, đã đem lại tin tưởng và phấn khởi cho đồng bào? Anh về cối lại vang rừng Chim reo quanh mái, gà mừng dưới sân Anh về sáo lại ái ân Ðêm trăng hò hẹn, trong ngần tiếng ca… (“Lên Tây Bắc”) Tố Hữu đã nói lên được mối tình nhớ tiếc ấy, mà không ngần ngại gì mà so sánh nó với tình yêu. Nhớ ai như nhớ người yêu. Nói như vậy có phải là thu hẹp mối tình dân tộc vào giới hạn của một mối tình cá nhân không? Không. Mối tình dân tộc cũng như lòng yêu tổ quốc chỉ sâu sắc khi nào có cụ thể: Yêu ai, yêu cái gì, yêu như thế nào. Cũng chính vì so sánh mối tình dân tộc đó với tình yêu, cho nên Tố Hữu đã nói lên được tất cả cái đằm thắm thiết tha của mối tình ấy. Trong cái kho tàng ca dao cũ của dân tộc ta, những câu hay nhất, thấm thía nhất cũng là những câu diễn tả tình yêu, hay mượn những lời tình tứ của trai gái để nói lên những ý nghĩ hay tình cảm cao quý khác, cũng như trong mấy câu sau này của Tố Hữu: Nâu này nhuộm áo không phai Cho lòng thêm đậm, cho ai nhớ mình. Trong bài thơ “Việt Bắc” nhiều câu đã đạt được cái trong sáng giản dị và thấm thía của những câu ca dao hay: Mình về có nhớ ta không Nhìn mây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn. … Mình về rừng núi nhớ ai Trám bùi để rụng măng mai để già … Ta về mình có nhớ ta Ta về ta nhớ những hoa cùng người. … Những lời thơ du dương có phải là những lời thơ yếu đuối không? Sức mạnh của thơ không phải chỉ ở chỗ âm điệu hùng dũng, lời thơ mạnh mẽ, mà còn ở chỗ nội dung tình cảm cũng như hình thức câu thơ thấm thía vào trong tâm hồn, nhẹ nhàng nhưng mà lâu dài và sâu sắc. Thơ của Tố Hữu có cái du dương thấm thía ấy, chính bài thơ “Việt Bắc” nhờ đó mà có tác dụng sâu vào tâm hồn. Từ chỗ nhận thức phải đoàn kết thân ái như ruột thịt với đồng bào thiểu số, Tố Hữu đã tiến lên những tình cảm tha thiết nồng nàn, như ruột thịt máu mủ, như một đôi trai gái say mê, lưu luyến nhau. Ðấy là bản sắc của Tố Hữu, bản sắc của Tố Hữu là tình yêu, tình yêu của một chiến sĩ cách mạng đã đi xa hơn là lý trí, đã tiến sâu vào tình cảm, đã vượt qua lý trí mà đạt tới những lời thơ tha thiết của tâm hồn. Ở Tố Hữu không phải là tình cảm đã không theo kịp lý trí mà chính là lý trí đã vươn đến tình cảm cách mạng. Tố Hữu là nhà thơ đã nói lên được sâu sắc mối tình yêu nồng nàn giữa dân tộc thiểu số và dân tộc đa số, cũng như Tô Hoài là nhà văn đã làm cho chúng ta hiểu biết, gần gũi và quí mến đồng bào thiểu số hơn cả.



Mấy nghìn năm phong kiến và gần một trăm năm dưới ách thống trị của thực dân, những người con cùng một mẹ, những anh em ruột thịt đã bị chia rẽ, đã sống cực khổ, nay lại gặp nhau, vui mừng sung sướng trong đại gia đình của Tổ quốc Việt Nam, được như vậy là nhờ ơn của Hồ Chủ tịch, Ðảng và Chính phủ, nhờ có cách mạng và kháng chiến. Chúng tôi cũng cảm ơn những nhà thơ như Tố Hữu, những nhà văn như Tô Hoài và nhiều nhà thơ, nhà văn miền xuôi, miền núi khác đã làm cho chúng tôi thấy thấm thía hơn mối tình dân tộc ấy. Những nhà văn nghệ sĩ ấy góp một phần không nhỏ vào công trình xây dựng và phát huy mối tình đoàn kết thân ái và tươi đẹp giữa các dân tộc anh em chúng ta. Trong những ngày vui mừng đón chào Khu tự trị Thái Mèo, chúng tôi vui thích đọc lại tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu và nhất là đọc lại bài thơ “Việt Bắc” mà tác giả đã đặt làm nhan đề của cả tập thơ, với một ý nghĩa thật là chân thành và sâu sắc, để nói lên mối tình dân tộc thiết tha ấy. Những con sông từ núi rừng Bắc Bộ, từ giải núi Trường Sơn đều theo một hướng chảy ra biển Ðông, nối liền miền núi và đồng bằng, tượng trưng cho mối tình bất diệt của các dân tộc trên đất nước Việt Nam. Mối tình ấy bất diệt như hình ảnh của Hồ Chủ tịch bất diệt trong lòng tất cả mọi người, mọi dân tộc trên đất nước chúng ta. Mình về với Bác đường xuôi Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người. Nhớ Ông Cụ mắt sáng ngời Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường Nhớ Người những sáng tinh sương Ung dung yên ngựa trên đường suối reo Nhớ chân Người bước lên đèo Người đi rừng núi trông theo bóng Người. Tổ quốc, số 12 (5.6.1955) 43. Hoài Thanh Tình yêu quê hương đất nước trong tập thơ Việt Bắc Cả tập thơ Việt Bắc xây dựng trên một tình yêu lớn: tình yêu nước. Giá trị tập thơ, tác dụng tập thơ là ở đó. Yêu nước với anh Tố Hữu là yêu nhân dân, trước hết là yêu nhân dân lao động, yêu lãnh tụ của nhân dân lao động và của toàn dân. Yêu nước cũng là yêu quê hương đất nước, yêu tất cả những cảnh vật nó gắn liền với đời sống của nhân dân. Trong tập Việt Bắc cũng như trong ca dao, trong Truyện Kiều và trong nhiều áng thơ xưa, cảnh gắn chặt với người. Trong câu ca dao: Trăm năm vì lỗi hẹn hò Cây đa bến cũ, con đò khác đưa Cây đa và bến đò là những nhân vật cần thiết trong câu chuyện trăm năm lỗi hẹn. Anh Tố Hữu cũng vậy. Anh không nói cảnh để mà nói cảnh. Anh gợi cảnh là để gắn nó với người. Từ cái "bóng tre trùm mát rượi" trên câu chuyện thân thiết giữa hai người đến cái hình ảnh Xa xôi đầu xóm tre xanh Có bà ru cháu nằm khoanh lòng già Cảnh với người như hình với bóng. Có người ấy, câu chuyện ấy, tiếng ru ấy thì phải có cảnh ấy. Nhưng chỉ có tre không đủ. Nhà thơ đã lồng hình ảnh anh bộ đội “mồm nở tươi, mặt vàng thắm” vào cái khung cảnh Cánh đồng quê tháng mười Thơm nức mùa gặt hái tạo cho bài thơ một cái không gian rất quen thuộc, rất đầm ấm trong tâm trí mọi người Việt Nam. Anh Tố Hữu luôn luôn gợi lên cái cảnh những đồng lúa. Hình ảnh “chú bé loắt choắt, cái xắc xinh xinh..." mà chúng ta đều nhớ cũng hiện lên trong cảnh ấy: Ðường quê vắng vẻ Lúa trổ đòng đòng Ca-lô chú bé Nhấp nhô trên đồng Liền đó em bị một viên đạn của quân thù giết chết. Trong phút chốc, tưởng chừng như chúng nó đã thắng. Nhưng mà không: Cháu nằm trên lúa Tay nắm chặt bông Lúa thơm mùi sữa Hồn bay giữa đồng Hình ảnh em bé hy sinh giản dị mà anh dũng tuyệt vời trên cánh đồng ngát mùi hương lúa cũng là hình ảnh chính nghĩa thắng phi nghĩa, cái sống thắng cái chết ngay giữa lúc chính nghĩa và sự sống đang bị quân thù chà đạp. Cho nên liền sau đó hình ảnh "chú bé loắt choắt, cái xắc xinh xinh..." lại hiện lên trong bài thơ và sẽ ghi mãi trong lòng người, không một viên đạn nào giết nổi. Cũng như không một sức mạnh bạo tàn nào ngăn được những cánh đồng lúa của ta mỗi mùa lại một lần thơm mùi sữa và mãi mãi vẫn còn xanh. Cảnh gắn bó với người. Người đi xa, cảnh nhắn lời chờ đợi. Mấy câu sau đây là của nhà thơ Liên Xô Xi-mô-nốp nhưng cũng là thơ Tố Hữu vì anh đã chuyển nó thành những câu thơ rất Tố Hữu và cũng rất Việt Nam: Chúng tôi đợi các anh về! Rừng xanh vọng tiếng đồng quê nhắn lời Rừng xưa quê cũ xa rồi Ðêm đêm còn vọng giọng lời thiết tha Người về, cảnh vui mừng rộn rã. Về cũng không nhất thiết là về nhà mình.


Vì trên đất nước cụ Hồ, chỗ nào lại không phải là "cái nhà của mình" như đồng bào Thượng ở Liên khu Năm vẫn thường nói. Anh bộ đội "lên Tây Bắc" có thể không phải là người Tây Bắc nhưng anh cất bước là: Mỗi bước, vàng theo đồng lúa chín Lửa vui từng mái nứa tươi xanh Lấy cảnh mà tả người như thế này thì thật là đẹp. Anh bộ đội được dựng lên như một nhân vật thần thoại, mỗi bước đi là trăm hoa đua nở dưới chân. Mà hình ảnh ấy tuyệt nhiên không có gì là huyền hoặc. Nó hoàn toàn đúng với sự thực vĩ đại trong thời đại chúng ta: Anh về cối lại vang rừng Chim reo quanh mái, gà mừng dưới sân Anh về sáo lại ái ân Ðêm trăng hò hẹn trong ngần tiếng ca. Nhưng nông thôn trong tập thơ Việt Bắc không phải chỉ có những cảnh đầm ấm tươi sáng. Anh Tố Hữu còn gợi lên những cảnh cơ cực trước đây thơ văn ta ít biết đến. Cho nên người của anh thật đúng là người nông dân và cảnh cũng đúng là cảnh nông thôn chưa phát động. Anh chưa nói lên được cho sâu sắc nguồn gốc của những cảnh đời cơ cực. Anh chưa nhìn được rõ mặt mũi thằng địa chủ như anh vẫn nhìn rất rõ mặt mũi thằng đế quốc. Nhưng từ cái cảnh ngô khoai bề bộn, con bế con bồng của chị dân công phá đường, cái cảnh "Phên nan gió lọt lạnh lùng" của bà mẹ Việt Bắc, cái ổ chuối khô của bà bủ trằn trọc nhớ con đến cảnh bà bầm vừa cấy vừa run giữa mưa phùn, gió núi, ướt dầm manh áo tứ thân, tất cả những cảnh cơ cực ấy đã nói lên cái thực tế nông thôn trước đây và tấm lòng yêu mến lo lắng của anh đối với người nông dân lao động. Trở lên là cảnh sắc nông thôn. Sau đây là một ít cảnh sắc rừng núi. Vẫn một sự khăng khít ấy giữa người và cảnh. Ðồng bào Việt Bắc nhớ Bác: Nhớ Người những sáng tinh sương Ung dung yên ngựa trên đường suối reo Nhớ chân Người bước lên đèo Người đi, rừng núi trông theo bóng Người Anh Xuân Diệu đã có phân tích bức tranh nhỏ này. Tôi cũng đồng ý với anh. Người đi qua rồi mà rừng núi vẫn chưa hết ngạc nhiên sung sướng, vẫn tha thiết trông theo. Bức tranh hiện lên như trong một câu chuyện thần tiên mà vẫn rất thực, vì nó nói lên được một sự thực rất lớn là lòng nhân dân ta thiết tha hướng về Lãnh tụ. Chúng ta đã rất xa cái thời đại mà con mắt người miền xuôi nhìn lên rừng chỉ thấy ghê rợn, chỉ thấy những ma thiêng nước độc, những "bà chúa đại ngàn" tai ác. Những khi máy bay giặc đi lùng từng bóng người để giết, chúng ta đã quý mến biết bao nhiêu những khu rừng kín đáo. Anh Tố Hữu đã nói lên được sự thống nhất ấy giữa người và cảnh: Núi giăng thành lũy sắt dày Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù Mênh mông bốn mặt sương mù Ðất trời ta cả chiến khu một lòng Bởi vì giặc mà chiếm được thì không những đau khổ cho người, mà Ðau cả lòng sông, đau cỏ cây Anh không nghĩ như tác giả hai câu lục bát lạc hướng căm thù mà anh Hoàng Yến trước đây đã đề cao một cách không đúng: Con đường số bảy của tao Nó đi theo giặc tao đào nó đây. Thật là giận cá chém thớt. Ai lại nỡ nói như vậy, nghĩ như vậy nhất là đối với những con đường, công trình mồ hôi nước mắt của chúng ta, huyết mạch trong cơ thể của dân tộc ta. Trong thơ anh Tố Hữu cũng như trong ca dao xưa, sự khăng khít giữa người và cảnh có khi đến cái mức cùng hòa làm một. Khi ca dao xưa thỏ thẻ: Bầu ơi! thương lấy bí cùng thì không chỉ là câu chuyện ví người với cây bầu cây bí. Khi anh Tố Hữu trông thấy: Bác ngồi đó lớn mênh mông Trời xanh biển rộng, ruộng đồng nước non thì cũng không phải là ví Bác như Trời xanh, Biển rộng... Mà Trời xanh, Biển rộng... cả quê hương đất nước của chúng ta cùng với Bác là một. Cho nên sau đó mới có câu: Con nghe Bác tưởng nghe lời non nước Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau Những câu thơ nói cảnh trong tập Việt Bắc không nhiều. Cảnh gợi lên cũng chỉ gợi bằng một vài nét. Nhưng chỉ vài nét mà rất đậm đà, rất phong phú và chan chứa tình người. Nó không phải là những cảnh êm êm, đẹp đẹp, mà thường là những cảnh có in dấu bàn tay người, do sức lao động, sức chiến đấu của người sáng tạo ra hoặc cải tạo lại. Nếu ta tưởng nó chỉ êm êm đẹp đẹp, là vì ta chỉ nhìn thấy hình thái bề ngoài mà không đo được cả cái chiều sâu tình cảm của nó. Nhìn bề ngoài thì cánh đồng Ðiện Biên sau chiến thắng Hoa mơ lại trắng, vườn cam lạ vàng chỉ là một cảnh êm đẹp. Nhưng trong bài thơ anh Tố Hữu, cũng như trong sự thực, cảnh êm đẹp này gắn liền với bao nhiêu cảnh khác như cảnh Những đồng chí chèn lưng cứu pháo Nát thân, nhắm mắt, còn ôm... Phải vượt qua bao nhiêu gian khổ, hoa mơ mới lại trắng, vườn cam mới lại vàng. Thường những cảnh trong tập thơ Việt Bắc đều thế. Tiêu biểu nhất về phương diện này có lẽ là cái cảnh: Ðêm lịch sử, Ðiện Biên sáng rực Trên đất nước, như huân chương trên ngực Dân tộc ta, dân tộc anh hùng Nói đến cái đẹp vô cùng của Tổ quốc, những cảnh Tố Hữu nghĩ đến nhiều nhất cũng là những cảnh do sức người xây dựng: Rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt Ngay trên bến nước Bình Ca, cái phần đẹp nhất cũng là những chuyến phà rào rạt tình người kháng chiến. Từ lâu trong một bài thơ hồi còn nhỏ, anh đã viết: Xuân bước nhẹ trên cành non lá mới Bạn đời ơi, vui chút với trời hồng Vườn sây hoa là bởi có tay trồng Câu thơ chưa được ổn lắm, nhưng nó chứng tỏ quan điểm nhân dân, quan điểm lao động của anh Tố Hữu đã thành hệ thống từ xưa. Nếu ta so sánh với bức tranh trẩy chùa Hương sau đây của Vũ Phạm Hàm thì càng thêm rõ. Trong bức tranh này, người cơ hồ chỉ là một ít đường nét ghi thêm vào cho cảnh vật thêm xinh: Mặt trời gác bóng cây xê xế Tản vân in đáy nước rành rành Chim trời mấy chiếc lênh đênh Cây mai thụ rập rềnh năm bảy lá Chú tiểu tử ruổi rong bến đá Lũ ngư ông quảy cá qua cầu Cỏ cây xanh ngắt một mầu


Trong thơ anh Tố Hữu cái quan hệ giữa người và cảnh ngược hẳn lại. Bài “Việt Bắc” là bài tương đối có nhiều cảnh sắc thiên nhiên nhưng trong cảnh sắc thiên nhiên luôn luôn vẫn chen vào những cảnh người lao động. Tôi nhớ lại mấy câu trong một bài ca cách mạng có người nói là của Tăng Bạt Hổ nhưng thực ra chưa biết chắc là của ai, bài Á-tế-á, [6] rất phổ biến vào đầu thế kỷ này: Này thử đứng trên đầu đỉnh núi Cõi Ðông Nam ngảnh lại mà trông Sông xứ Bắc, bể phương Ðông Nếu không dân cũng là không có gì Nghĩ như vậy có đúng không? Ðó lại là một vấn đề khác. Nhưng có lẽ anh Tố Hữu cũng nghĩ vậy. Trong bài “Việt Bắc” của anh, bên cạnh cái cảnh thiên nhiên rực rỡ: Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi là cái khí thế hiên ngang của người lao động: Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng Cái cảnh đầm ấm: Mùa xuân mơ nở trắng rừng gắn liền với cái hình ảnh đậm đà: Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang Thiên nhiên hoặc có kém phần tươi thắm thì tình người lại càng thêm tươi thắm trong cái tiều tụy của thiên nhiên nhưng vẫn cùng với thiên nhiên là một: Mình đi có nhớ những nhà Hắt hiu lau xám đậm đà lòng son. Cảnh gắn với người, cùng với người là một cơ thể không thể phân chia. Chúng ta không chỉ là chúng ta, chúng ta còn là nhà cửa, ruộng đồng, sông núi, trời biển của chúng ta. Cái chân lý ấy, tập thơ Việt Bắc nêu lên rất rõ. Ðất nước chúng ta là một phần của chúng ta. Cái ý thức chủ nhân luôn luôn thấm nhuần câu thơ Tố Hữu. Cái tự hào về dân tộc bao gồm cả cái tự hào về đất nước: Ngửng đầu lên: trong sáng tuyệt trần Tháng tám mùa thu xanh thắm Mây nhở nhơ bay Hôm nay ngày đẹp lắm Mây của ta, trời thắm của ta. Những câu như thế, đọc lên con người chúng ta tưởng như nở nang thêm. Ta cảm thấy đứng trên đất nước tươi đẹp của chúng ta cũng như đứng trước hình ảnh tươi cười của Lãnh tụ: Ta lớn cao lên bay bổng diệu kỳ Trên đường dài hai cánh đỡ ta đi Sau cách mạng tháng Tám, anh Tố Hữu đã nói lên cái vui của đất nước vừa thoát ách giặc: Trời đất mênh mông, xanh xanh cỏ nội Chim kêu chim trên gió, hoa tìm hoa Ngẩng đầu ca tám hướng Tiến quân ca Hồi bấy giờ, bàn tay chúng ta vừa nắm lại chủ quyền, chúng ta chưa có cái thế của ngày nay. Câu thơ anh Tố Hữu cũng chưa cắm được sâu vào đất nước. Từ đó đến nay trải qua tám chín năm chiến đấu, chủ quyền chúng ta nắm chắc hơn, câu thơ anh Tố Hữu nói về đất nước cũng chắc hơn. Nhất là những câu sau này trong bài “Hoan hô chiến sĩ Ðiện Biên”: Chúng bay chui xuống đất! Chúng bay chạy đằng trời! Trời không của chúng bay Ðạn ta rào lưới sắt Ðất không của chúng bay Ðai thép ta thắt chặt! Của ta, trời đất, đêm ngày Núi kia, đồi nọ, sông này của ta! Một khi chủ quyền chưa nắm được thì người anh ít vui, cảnh của anh cũng ít vui. Anh Tố Hữu không như những nhà thơ đi ngao du nhàn tản ngày xưa trong cảnh nhà tan nước mất. Trong thời nô lệ, bị giặc đày lên Công Tum, anh nhìn ra hai bên đường: Ðồng xanh rợn ý quê hương Bơ vơ tiếng hát bên nương nắng chiều Hồi bấy giờ mùa xuân đến, anh thấy: Lá xanh không mát dạ khô vàng Hoa thơm không át mùi xương máu Nắng chỉ lây buồn trên áo tang Giờ đây, nghĩ đến Huế hồi xưa, anh vẫn còn thấy: Mây núi hiu hiu chiều lặng lặng Mưa nguồn gió biển nắng xa khơi Có người nói thơ anh Tố Hữu buồn. Tôi cũng nghĩ cảnh và người trong thơ anh có đôi khi buồn hơi nhiều. Nhất là tôi nghĩ nhiều về điểm này: bàn tay giặc đành là tàn ác; nhưng dầu ác đến đâu nó vẫn không đủ sức mà dập tắt hết những cái vui của người, làm mờ ám hết những vẻ đẹp của cảnh. Và những cái vui cái đẹp ấy chính cũng là biểu thị một khía của cái lực lượng quật lại quân thù. Trong phim Bạch mao nữ, [7] cánh đồng cao lương vẫn đẹp, Hỉ Nhi và Ðại Xuân vẫn có những phút vui ngay giữa lúc ách thống trị của địa chủ còn hết sức nặng nề. Biểu hiện sự sống bị áp bức mà chỉ toàn một mầu đen thì lại là đánh giá quá cao lực lượng địch. Nhưng nói thế không phải là nói thơ anh Tố Hữu toàn một mầu đen. Từ hồi 1938, anh đã có những câu: Ồ vui quá! Rộn ràng trên vạn nẻo Dưới muôn trời và sau dấu muôn chân Cũng như tôi tất cả tuổi đương xuân Chen bước nhẹ trong gió đầy ánh sáng. Tôi chỉ muốn nói trong một đôi bài thơ anh cái phần buồn hơi quá mức làm cho bài thơ trĩu xuống. Hay đúng hơn nó có một thứ buồn hiu quạnh, bơ vơ rất khó chuyển thẳng sang căm thù, hành động. Nhưng thơ anh căn bản không phải là bi quan, tiêu cực; căn bản là thơ chiến đấu. Tôi lại tự hỏi: trong hoàn cảnh nước ta, nếu thơ chiến đấu chỉ toàn một giọng phấn khởi thì đã hợp với lòng người chưa? Ðã phù hợp với thực tế khách quan chưa? Hôm chúng ta rút khỏi Bồng Sơn để giao lại cho đối phương tạm quản, nhiều em thiếu nhi ôm lấy các anh bộ đội khóc làm ướt cả vạt áo của các anh. Khi tôi kể lại chuyện này thì có người nói là không nên kể. Nhưng trong khóa họp Quốc hội vừa rồi, khi nói đến đồng bào miền Nam, Bác nghẹn ngào, tiếng nói của Bác đứt quãng làm cho hàng chục vạn đồng bào miền Nam nghe tiếng Bác qua đài phát thanh không cầm được nước mắt. Về phương diện này bài “Ta đi tới” là một bài rất đúng mức. Sung sướng phấn khởi rất nhiều nhưng không phải chỉ có sung sướng phấn khởi. Anh Hoàng Cầm nói: "Ðường rộng, cảnh đẹp, đi những bước ung dung đến thống nhất. Bài ‘Ta đi tới’ có một không khí nhẹ nhàng, thoải mái, đường mở rộng thênh thang từ Bắc đến Nam... Nó rất hợp với những tâm hồn xa thực tế đấu tranh, coi hòa bình như cơn gió mát, không còn giặc, không còn máy bay, được đi giữa ban ngày, hưởng thắng lợi hòa bình, rồi đi đến thực hiện thống nhất một cách thực ngon lành". Tôi không hiểu vì sao anh Hoàng Cầm lại có thể nghĩ như vậy. Không khí bài thơ quả thật là thoải mái (thoải mái chứ không phải nhẹ nhàng) nhưng chỉ thoải mái từ 17 vĩ tuyến trở ra. Qua 17 vĩ tuyến, ý thơ, cảnh thơ, giọng thơ đổi khác. Tại sao nói đến Việt Bắc, anh Tố Hữu không nói là nơi chôn rau cắt rốn mà nói đến Ðồng Tháp Mười anh lại nói: Ai về thăm bưng biền Ðồng Tháp Việt Bắc miền Nam, mồ ma giặc Pháp Nơi chôn rau cắt rốn của ta? Nếu chỉ xét về hình thế là một giải đất dài thì khu Năm có khác gì khu Bốn mà sao nói đến khu Năm anh lại nói: Ai đi Nam Ngãi, Bình Phú, Khánh Hoà Ai vô Phan Rang, Phan Thiết Ai lên Tây Nguyên, Công Tum, Ðắc Lắc Khu Năm dằng dặc khúc ruột miền Trung Và Huế nữa: Ai về với quê hương ta tha thiết Câu thơ xót biết bao! Rồi những câu này: Ai vô đó với đồng bào, đồng chí Nói với Nửa Việt Nam yêu quý và còn nhiều câu nữa. Tả rất ít nhưng qua lời thơ là cả hình ảnh đau xót của miền Nam đang bước vào một cuộc đấu tranh gian khổ mới và những lời nhắn thiết tha của miền Bắc. Những câu thơ như vậy, làm sao lại có thể nói là "đi những bước ung dung đến thống nhất" và "đi đến thực hiện thống nhất một cách thực ngon lành"? Trái lại, lời thơ ở đây cũng như ở nhiều chỗ khác trong tập Việt Bắc có một cái gì ray rứt, xót xa.




Thơ của anh Tố Hữu như một cây súng, luôn luôn anh muốn nó nhằm cho thật trúng, bắn cho thật trúng. Có thể về mặt này mặt khác, anh thiếu sự chú ý bồi dưỡng để cho sức công phá của nó được mạnh hơn. Nhất là nó không nói được nhiều đến những cảnh sống bình thường trong đó vẫn tiềm tàng sức đấu tranh vô tận của nhân dân ta. Em bé của anh chỉ là em bé liên lạc, bà mẹ chỉ là bà mẹ chiến sĩ, anh nông dân cơ hồ cũng chỉ là anh nông dân mặc áo lính. Ðó là khuyết điểm của anh. Nhưng tuyệt đối không thể nào gán cho thơ anh cái cốt cách ưu du nhàn tản. Thơ anh cũng như con người anh luôn luôn vươn tới một cái gì, không một lúc nào nó ngừng lại để triền miên trong hưởng thụ. Những khi nói lên cái đẹp của cảnh, cái phấn khởi của người thì cũng không phải là để nghỉ ngơi, thỏa mãn mà chỉ là lấy thêm sức để tiến lên trong một cuộc đấu tranh không ngừng, không nghỉ, không mỏi nhằm thực hiện cái điều anh đã tự hứa với mình, đã nhắn cùng bè bạn gần hai mươi năm trước đây là: Xây thế giới cao quá trời xa thẳm Nói một cách khác tức là cái lý tưởng của người cộng sản mà trước mắt cụ thể là giải phóng dân tộc, giải phóng quê hương. Cái tinh thần suốt đời hy sinh phấn đấu ấy cho chủ nghĩa cộng sản, tấm lòng thiết tha yêu nước ấy là bó đuốc đã soi sáng cả bước đường của anh, đã soi sáng cả thơ anh. Quê hương đất nước trong thơ anh cũng đượm một mầu ánh sáng ấy. Cảnh sắc quê hương ở đây hoặc đầm ấm, rực rỡ tươi, hoặc cũng có khi u ám, xót xa, nhưng luôn luôn đáng yêu, đáng quý vô cùng vì nó gắn liền với những hình ảnh thân yêu nhất của chúng ta: hình ảnh Lãnh tụ ta, bộ đội ta, nhân dân ta. Bóng tre trên đèo, ánh sao đầu súng, cánh đồng lúa thơm, gió ngàn lồng lộng cho đến cả hàng lau hiu hắt, đáy nước bóng thông, tất cả cảnh sắc quê hương với ta như "thịt với xương, tim óc dính liền" không một sức gì rứt ra được. Ta có thể tiếc ánh sáng ấy trong thơ anh không tỏa ra được sâu hơn nữa, rộng hơn nữa, nhưng có một điều nhất định không thể nghi ngờ: ánh sáng ấy là ánh sáng duy nhất đúng để soi vào mọi cảnh cũng như mọi việc, mọi người. Xuyên qua những câu thơ của anh nó sẽ giúp mắt ta nhìn thêm rõ, chân ta bước thêm hăng và nếu ta đã từng lạc hướng, nó sẽ giúp ta xây dựng lại cho bản thân ta một trời đất mới, một cuộc đời mới. Văn nghệ, số 74 (10.6.1955)
[1]Ðây là lời tòa soạn báo Văn nghệ (NST).[2]Yếu điểm: chỗ trọng yếu (important point).[3]Nhược điểm: chỗ thiếu sót, chỗ yếu ớt (theo Ðào Duy Anh, Hán-Việt từ điển).[4]Lưu ý: trong các đoạn thơ trích dẫn có thể có chỗ thiếu chính xác (NST).[5]Chỗ này bản gốc phiên âm không chính xác tên riêng Maiakốpxki (NST).[6]Á-tế-á là cách đọc Hán Việt đối với từ Asia viết bằng chữ Hán. “Á-tế-á” chỉ có nghĩa là châu Á.[7]Bạch mao nữ: phim truyện Trung Quốc, được chiếu rộng rãi ở Hà Nội và các địa phương miền Bắc từ đầu năm 1955; báo chí miền Bắc đương thời đưa nhiều tin và bài về phim này. (NST).


=

No comments: