Sunday, January 25, 2009

255. TÁC PHẨM TRẦN DUY

==

Trần Duy tên thật là Trần Quang Tăng, sinh ở Huế vào khoảng năm 1920. Ông học Trường Mỹ thuật Hà Nội trong thời kỳ đại chiến thứ hai, và sau khi Hà Nội bị phi cơ Đồng minh oanh tạc, nhà trường dọn lên Sơn Tây, ông cũng theo lên Sơn Tây. Học chửa tốt nghiệp thì xảy ra cuộc đảo chính Nhật và tiếp theo là cuộc khởi nghĩa Việt Minh. Trong thời gian học ở Sơn Tây, Trần Duy thân với Phan Kế An, là bạn đồng trường và là con Phan Kế Toại.


An là cán bộ Việt Minh, nên tuyên truyền Trần Duy theo Việt Minh. Trong thời gian kháng chiến, ông công tác văn nghệ bộ đội ở Việt Bắc. Về Hà Nội, ông hợp tác với nhóm Giai phẩm và cộng sự với cụ Phan Khôi trong việc xuất bản tờ báo Nhân văn. Những bài nghị luận của ông về chính trị rất có giá trị. Bài “Những người khổng lồ” mà chúng tôi trích sau đây để giới thiệu nghệ thuật viết văn của ông, thuộc vào loại thần tiên mà ông tự đặt ra, để mượn ý nói rằng chủ nghĩa cộng sản chỉ có thể đào tạo nên những con người có sức khoẻ máy móc, không có tâm hồn. Rút cục những con người “không phải là người” đó chỉ tàn phá và gieo tang tóc khắp mọi nơi, không có khả năng kiến thiết và xây đắp hạnh phúc cho nhân loại. Dùng thần thoại để trình bày một hiểm hoạ đương đe doạ toàn thể thế gian, đó là một sáng kiến rất đặc biệt của ông.


==


Trần Duy



Những người khổng lồ

(Gửi những người cộng sản chân chính)



Tôi xin kể các bạn nghe một câu chuyện cổ. Ngày xưa quả đất chưa có người ở, chỉ toàn là cây cỏ núi đá, sông, hồ biển rộng mênh mông. Thú dữ rất nhiều và ma vương quỷ dữ cũng nhiều. Lúc Thượng đế cho những con người đầu tiên xuống, con người hết sức khổ sở. Đời sống ở quả đất bấy giờ chỉ toàn là nước mắt và oán thán. Tiếng khóc tụ lại thành khí, nước mắt bốc lên thành mây dâng lên tận thiên đình. Ngọc Hoàng lo lắng, đau xót vô cùng. Thiên đình lo âu chẳng kém. Một vì sao tâu:



“Sức người có hạn, mà ma quỷ thì uy lực vô cùng, vậy nên phái thêm người nhà trời về giúp sức.”



Ngọc Hoàng bèn triệu tập hội nghị Thiên đình, ra chỉ nặn thêm một đoàn khổng lồ cho xuống hạ giới giúp sức loài người.



Thế là chẳng bao lâu, nặn xong lũ khổng lồ, mình cao trăm trượng, tay chân to lớn, sức lực vô địch. Ngọc Hoàng hà hơi sống, lũ khổng lồ cử động, Thiên đình mừng rỡ… Chỉ nay mai hạ giới sẽ chẳng còn tiếng khóc và nước mắt.



Đoàn khổng lồ xuống hạ giới: bạt rừng lấp bể, nhổ cây vớt rong, bóp vụn đã như nghịch bột, long trời chuyển đất. Đoàn khổng lồ vui sướng và tin chắc đã làm vừa lòng trời và thuận lòng người.



Nhưng một hôm Ngọc Hoàng mở cửa nhìn về hạ giới… Cớ sao tiếng khóc vẫn còn?



Ngọc Hoàng phán hỏi Thiên đình, Thiên đình ngơ ngác nhìn nhau. Có vì sao tâu:



“Việc hạ giới nên triệu Táo quân về đầu đuôi sẽ rõ.”



Mấy hôm sau Táo quân về. Vừa bước tới sân chầu, Táo quân đã vập đầu xuống bệ khóc nức nở. Ngọc Hoàng hỏi:



“Táo thần chưa tâu báo, đã khóc lóc, làm loạn cả quần tiên là cớ làm sao?”



Táo quân vẫn khóc. Ngọc Hoàng nói:



“Táo quân quên rằng quần tiên không có tiếng khóc, và Thiên đình chỉ có tiếng cười và vũ nhạc hay sao?”



Táo quân tâu:



“Hạ thần vẫn muốn như vậy, nhưng trọng trách của Ngọc Hoàng giao cho hạ thần là sống với loài người, chia vui sẻ buồn với họ, thần nỡ lòng nào cười múa lúc loài người còn tiếng khóc và oán hờn?”



Ngọc Hoàng hốt hoảng:



“Thế người khổng lồ hạ giới chẳng làm nên gì ư?”



Táo quân tâu:



“Người khổng lồ đã làm đầy đủ sứ mệnh của Thiên đình giao cho là sát phạt ma vương hổ báo, rẫy rừng, khai sông, lấp bể…”



Ngọc Hoàng hớn hở:



“Thật là tin vui… Nhưng cớ sao khanh còn khóc?"



"Tâu Ngọc Hoàng, tại vì loài người còn khóc."



Ngọc Hoàng chép miệng:



"Nhân thế sinh kiếp trầm luân có khác! Buồn cũng khóc, mà vui cũng khóc, ta biết làm thế nào?”



Táo quân tâu:



“Tâu Ngọc Hoàng, buồn thì phải khóc, nhưng mấy khi vui mà lại khóc?”



“Thế hạ giới chưa vui ư? Ma quỷ tan rồi, hùm beo quét sạch, rừng núi san bằng, loài người thảnh thơi, chỉ khác Thiên đình ở chỗ chưa được mùa xuân muôn thuở, tràng sinh bất tử mà thôi.”



Táo quân trả lời:



“Quả thật nhân thế nhờ người nhà trời mà thôi khóc cái hoạn nạn do ma vương quỷ dữ gây ra, nhưng chưa kịp cất lên tiếng cười thì nhân thế lại bắt đầu buồn về một ít hoạn nạn mới do…”



Ngọc Hoàng sốt ruột hỏi:



“Do ai gây ra?”



“Tâu Ngọc Hoàng… Do chính người nhà trời gây ra.”



Ngọc Hoàng và Thiên đình sửng sốt:



“Cớ sao?”



“Vì người nhà trời bạt núi, khai sông, quên mất loài người bé nhỏ sống gần sông và cạnh núi. Những bản tình ca vừa chớm nở, những hoa bướm, những đôi lứa trẻ mới yêu nhau, những tình thương nỗi nhớ vừa nhen nhúm, có một số người khổng lồ trông thấy đã xéo bừa lên, giày nát…”



Một vì sao hỏi:



“Loài người sống chính nhờ cơm, gạo, khí trời, chứ nhờ đâu tình ca, và hoa bướm.”



Ngọc Hoàng phán:



“Khi ta tạo con người, ta đã thổi vào người chúng cùng với khí nóng và máu, tình thương nỗi nhớ, oán ghét giận hờn, tiếng cười và nước mắt… Những thứ ấy sẽ sống đời đời kiếp kiếp với con người. Không tôn trọng những thứ ấy trong con người là không tôn trọng con người…”



Táo quân lại tâu:



“Vẫn cái số người khổng lồ ấy, không nghe được tiếng khóc, và tiếng cười; Họ nhổ vụt cây chết ma vương hổ báo, nhưng trong khi đánh vung vãi sướng tay, loài người cũng chết lây. Xác hoa bướm nằm cạnh xác ma vương hổ báo và xác người!”



Ngọc Hoàng đau xót nhìn Thiên đình. Thiên đình im lặng.



Một vì sao tâu:



"Nên cho đoàn khổng lồ về để biết tường gốc ngọn."



Đoàn khổng lồ về bái yết. Ngọc Hoàng thịnh nộ:



"Các người công ít tội nhiều, cớ sao đạp xéo cả lên tính mạng con người?"



Đoàn khổng lồ một số ngơ ngác nhìn nhau.



Ngọc Hoàng đập bàn:



"Sao dám đạp cả lên tâm hồn và cuộc sống con người?"



Số khổng lồ ấy càng ngơ ngác nhìn nhau.



Ngọc Hoàng vẫn chưa nguôi:



"Sao giẫm cả lên lời ca, tiếng cười và hoa bướm dưới trần thế?"



Số khổng lồ ấy lại càng ngơ ngác nhìn nhau.



Ngọc Hoàng nhìn đoàn khổng lồ:



"Và các người không đau xót ư?"



Vẫn số khổng lồ ấy ngơ ngác nhìn nhau, nhìn Ngọc Hoàng và Thiên đình… Nhất là những giọt nước mắt của Táo quân.



Sao Thái Bạch bước ra tâu:



"Cứ xem khí mạo, thì biết trong số khổng lồ có những người có thể mà không có tâm, không biết tiếng cười và tiếng khóc, thần e rằng phủ tạng họ thiếu một thứ gì."



Ngọc Hoàng truy hỏi. Nam tào Bắc đẩu cùng với La hầu và Kim tinh xét lại các sổ, đứng ra tâu:



"Đoàn khổng lồ lúc được chỉ nặn ra, chỉ cốt lấy to, nên hết nguyên liệu để nặn tim, cho nên trong đoàn khổng lồ phái xuống hạ giới có một bọn không tim."



Ngọc Hoàng biến thần sắc:



Một vì sao hỏi:



"Thiết nghĩ đoàn khổng lồ chỉ đánh ma vương quỷ dữ cần gì tim?"



Ngọc Hoàng trả lời:



"Nhưng ta tạo nên con người, con người đã có óc phải có tim. Loài người của ta cần sống giữa hoa đẹp hương thơm."



Vì sao lại tâu:



"Nhưng bộ óc to, cánh tay lớn chẳng đủ rồi ư?"



Ngọc Hoàng phán:



"Nhưng cánh tay lớn của một người không tim sẽ đập nát công trình của bộ óc hắn xây dựng."



Khi nhìn về hạ giới, nghe tiếng khóc và nước mắt vẫn còn, Ngọc Hoàng chép miệng phán bảo với đoàn khổng lồ:



"Hạ giới vẫn còn cần các ngươi, vì quỷ dữ ma vương vẫn còn hoành hành; Nhưng các ngươi phải biết yêu quý con người, tôn trọng quyền sống của họ. Quả đất là của con người, và sửa sang quả đất cũng là để cho con người. Làm công việc gì mà con người phải khổ, còn khổ thì dù công việc ấy có thành công cầm cũng như là thất bại. Chỉ có trí óc mà không có tim thì không thể sống được với loài người."



Sau lời chỉ giáo ấy, đoàn khổng lồ lại kéo nhau về hạ giới, lại như cũ, phá núi ngăn sông, tát bể, làm hì hục kỳ cho quả đất quang đãng mới thôi.



Ngọc Hoàng lại mở cửa nhìn về hạ giới: Cớ sao hãy còn tiếng khóc? Ngọc Hoàng phán hỏi Thiên đình. Có vì sao tâu:



"Lại xin cho triệu Táo quân về."



Táo quân lại lên chầu trời.



Ngọc Hoàng hỏi:



"Tiếng khóc vẫn còn ở hạ giới ư?"



Táo thần tâu:



"Nhân thế biết lượng lớn của Thiên đình, ăn chay nằm đất để tạ ơn Thượng đế, nhưng vẫn còn nước mắt!"



Ngọc Hoàng nói:



"Ta muốn ngăn những giọt nước mắt ở hạ giới phải làm thế nào?"



Táo quân tâu:



"Muốn ngăn được nước mắt ở thế gian, thì trước hết phải biết thu phục được lòng người."



Một vì sao hỏi:



"Thế nào là thu phục được lòng người?"



Táo thần đáp:



"Thu phục được lòng người là phải yêu người. Yêu người là biết được cái vui mà thật vui chung với người, đau xót trước cái đau xót của thiên hạ. Việc đáng vui nhưng thiên hạ chưa vui được cũng chớ bắt phải cười. Việc đáng khen, nhưng thiên hạ chưa rõ được cũng chớ bắt phải khen. Dù là ý trời, nhưng chưa được lòng người, ý trời vẫn sai; dù chưa phải ý trời, nhưng thuận lòng người thì vẫn cứ xem đó có là ý trời. Dù việc có hay nhưng cũng đừng cưỡng nhân tâm lúc nhân tâm chưa thuận. Lòng người lúc đã thuận rồi, không bảo vẫn cứ nghe, muôn người như một xô núi cũng đổ, tát bể cũng cạn dù có cấm hát cấm cười, người đời vẫn cứ cười cứ hát… Lúc bấy giờ nước mắt tự nó nó sẽ tan đi."



Ngọc Hoàng nhìn các vì sao. Vì sao ban nãy lại hỏi:



"Thế nào là cưỡng nhân tâm? Táo thần không hay rằng dụ chỉ của Thiên đình đã xoá bỏ những bất công ở hạ giới?"



Táo quân đáp:



"Cưỡng nhân tâm không cứ dùng gươm tên mà uy nạt mới cho là cưỡng. Bất công ở hạ giới như nước mạch thấm vào lòng đất đời đời kiếp kiếp, chẳng phải phút chốc vì một dụ chỉ mà nó tan đi. Bất công ở hạ giới là con quỷ già luyện kiếp, thiên hình vạn trạng, lúc ẩn lúc hiện, lúc to lúc nhỏ, lúc trắng lúc đen, lúc mặc áo cà sa, lúc mặc áo giấy, cười nói như người. Lúc người suy tôn thần thánh thì nó thành thần thành thánh để được suy tôn, lúc người khiếp sợ ma vương thì nó thành ma vương để uy nát, không chừng nó còn diện cả hia ngọc, hốt vàng đứng lẫn giữa các vì sao đây cũng có. Nếu Thiên đình còn cho rằng chỉ vì một dụ chỉ của Thiên đình mà hạ giới xoá bỏ được bất công, thì tiếng khóc và nước mắt ở hạ giới vẫn cứ còn đời đời kiếp kiếp."



Ngọc Hoàng nói:



"Nhưng ta đã phái người của Thiên đình xuống."



Táo quân đáp:





"Tâu Ngọc Hoàng, người của Thiên đình phái xuống có kẻ có óc có tim, thì họ ở đâu hoa thơm và tiếng cười ở đấy. Nhưng cũng có những người thiếu tim!"



Các vì sao hỏi:



"Như vậy sẽ có hại gì?"



"Thì số người nhà trời thiếu tim ấy sẽ chẳng được lòng người, ngược lại lòng thiên hạ, sẽ cưỡng nhân tâm, và sinh linh còn đồ thán, hờn oán Thiên đình."



Táo quân lại tiếp:



"Nước mắt do ma vương quỷ dữ gây ra thì loài người hợp sức với người nhà trời sẽ diệt được ma vương quỷ dữ. Nhưng nước mắt do người nhà trời gây ra, lẽ đâu loài người lại dám xúc phạm đến Thiên đình mà đụng đến người nhà trời ư? Do đó nước mắt lại ngấm ngầm chảy, tiếng khóc lại càng thầm lặng rền rĩ hơn. Nhưng đáng thương hơn cả vẫn là cái số khổng lồ không tim ấy vẫn tưởng mình đã hoàn toàn mang lại tiếng cười và niềm vui cho hạ giới!"



Ngọc Hoàng thở dài:



"Ta đã mấy lần phủ dụ…"



Táo quân đáp:



"Không biết thì dạy bảo sẽ biết. Không thấy thì chỉ giáo sẽ thấy. Không quen thì làm mãi sẽ quen… Nhưng không tim thì sách vở nào, lời lẽ nào, chỉ dụ nào có tạo nên tình cảm được!"



Ngọc Hoàng bóp trán suy nghĩ. Các vì sao im lặng. Ngọc Hoàng quay hỏi Thiên đình.



"Chư khanh nghĩ thế nào?"



Các vì sao tâu:



"Đoàn khổng lồ là đạo lính của Thiên đình phái về giúp loài người, nhất thiết không bỏ được; Máu thịt để nặn thành tim cho số khổng lồ ấy cũng chẳng còn. Hay là Thiên đình tạo thêm cho hạ giới thật nhiều hoa, nhiều bướm, nhiều tiếng hát, tiếng cười!"



Một số khổng lồ bước ra tâu:



"Nếu chúng ta làm như vậy chẳng khác nào chúng ta tạo thêm hoa thêm bướm tiếng hát và tiếng cười để cho lũ không tim ấy giẫm nát."



Ngọc Hoàng hỏi Táo quân:



„Vậy theo ý khanh nên như thế nào?"



Táo quân đáp:



"Nên làm thêm tim cho số khổng lồ ấy."



Thiên đình đồng thanh:



“Nhưng cạn sạch nguyên liệu.”



Táo quân trả lời:



“Nếu có những người khổng lồ đủ tim đủ óc thì đó là một điều hay, bằng không thà nặn những người nhà trời chỉ bằng con người hạ giới thôi, mà quả tim thật to; Bàn tay tuy có nhỏ, sức khoẻ tuy có yếu, bước đi tuy có ngắn, nhưng nếu nó có tim, nó sẽ sống cùng điệu với loài người, nghe được tiếng thở dài, và thấy được cái mỉm cười của họ, lúc bấy giờ bàn tay nó sẽ không bóp chết loài người cùng mà quỷ, sức khoẻ nó sẽ không đè chết loài người cùng hổ báo núi cây, bước chân nó sẽ không giầy xéo lên con người cùng với tình yêu và hoa bướm. Làm được như thế là thuận được với lòng người, thiên hạ hỗ trợ, thì mới trọn được ý trời; Và lúc bấy giờ hạ giới sẽ là nơi Thiên đình thứ hai, đầy tiếng cười và vũ nhạc…”



Ngọc Hoàng gật gù, nhìn Thiên đình cùng cho lời của Táo quân là phải…



Số khổng lồ có tim cũng gật gù nhìn thương hại lũ khổng lồ không tim.



Còn hạ giới thì hoan hỉ chờ mong ngày Ngọc Hoàng làm thêm tim cho số khổng lồ ấy, nhất là những người mới bắt đầu biết yêu nhau!...





----------------------------------------------------------------

[1]Che, dùng để dạp mía, ở Bắc gọi là đội hàn.

[2]Gió nam là thứ gió nóng ở Trung bộ, đêm có gió nam thì trăng kém sáng.




==


Trần Duy
Phấn đấu cho trăm hoa đua nở [1]

left
Câu kết trong nhóm Nhân văn–Giai phẩm, Lê Đạt say sưa chống Đảng ta, bản chất tư tưởng của Lê Đạt không dung hoà, không đội trời chung với giai cấp vô sản. Cho nên khi Lê Đạt làm thơ “ca ngợi” chế độ, thì thật là giả tạo ra khắp các lỗ chân lông; đến khi làm thơ đả kích chế độ ta, thì thật là say sưa xuất phát tự đáy lòng, một cái lòng đen tối, bạc ác. Đứng lên lập nhóm Giai phẩm mùa xuân, cùng với Nguyễn Hữu Đang làm bộ óc của báo Nhân văn, đứng làm “nhà lý luận” của bọn chống chế độ, Lê Đạt là một tay cổ vũ trong bọn đó, bởi “nhiệt tình” chống Đảng sâu sắc của mình. Sau khi báo Nhân văn bị cấm, Lê Đạt liên lạc, câu kết với Thụy An, Lê Đạt đóng vai trò quan trọng trong việc lũng đoạn Hội Nhà văn, Lê Đạt tích cực dùng ngòi bút viết lối văn hai mặt; Lê Đạt luôn luôn giữ một cương vị đứng chủ trường phái; mãi đến trong lớp học văn nghệ lần thứ hai (tháng 3 và 4-1958) vẫn còn tìm cách quay quắt. Cho nên, xét Lê Đạt, ta phải nhìn thấy cho hết, rằng Lê Đạt chống đối ta, phá hoại ta từ trong bản chất giai cấp thù địch.
» Xuân Diệu - Những biến hoá của chủ nghĩa cá nhân tư sản qua thơ Lê Đạt
Chính sách trăm hoa đua nở trong thời gian gần đây, được luôn luôn nhắc nhở đến. Chính sách ấy đến với chúng ta như một ánh sáng mới mẻ.

Chúng ta, những người văn nghệ sĩ chào đón nó như một cứu tinh của tâm hồn và tình cảm, có người cho nó là mới lạ. Kỳ thật! Trăm hoa đua nở có là mới lạ với chủ nghĩa Mác-Lê không?

Nói về cá tính trong văn học, Mác đã nói: "Cái của tôi, ấy là hình thức, đó là cá tính tinh thần của tôi. Văn tức là người… Anh thán phục cái muôn vẻ lộng lẫy, phong phú không cùng của thiên nhiên. Anh không bắt bông hoa hồng phải có mùi thơm của hoa vi-o-lét, vậy mà cái phong phú nhất ở đời là trí tuệ lại chỉ có thể tồn tại theo một kiểu duy nhất thôi ư?" (Về vấn đề kiểm duyệt)

Bài này tuy Mác dùng trong trường hợp chống chế độ kiểm duyệt của nước Phổ lúc bấy giờ, nhưng trên tinh thần của Mác chống tất cả những chủ trương nào muốn rập theo một kiểu duy nhất và hạn chế cái phong phú của trí tuệ văn học.

Vì chính sách trăm hoa đua nở nhằm phát triển những khía cạnh độc đáo của con người nghệ sĩ, là một trong những cơ sở lý luận văn học và nghệ thuật của chủ nghĩa Mác-Lê, nên nó không thành mới lạ. Có mới lạ chăng là nó không được áp dụng đúng mức, hoặc pha chế cải biến đi trong lúc thi hành chính sách văn nghệ của Đảng ở hoàn cảnh hiện tại của Việt Nam.

Người văn nghệ sĩ Việt Nam, đi dưới ngọn cờ của giai cấp vô sản đấu tranh giành độc lập thống nhất cho tổ quốc không bao giờ có ý muốn điên dại thoát ly nghệ thuật khỏi chính trị, nhưng nó phản đối cái tác phong lãnh đạo của chính trị đã buộc tâm hồn người nghệ sĩ vào những chủ trương nghệ thuật kịp thời nông cạn, phục vụ chính sách một cách cứng nhắc khô khan, trực thuộc vào chính trị một cách máy móc và thực dụng.

Mác và Ăng-ghen cho rằng "Cung cấp cho công nhân một cái gì chưa hoàn hảo là một lỗi lớn“ Không hoàn hảo có nghĩa là áp dụng vào tác phẩm lối văn tuyên truyền khô khan coi nhẹ nghệ thuật, "những thứ khẩu hiệu thay thế cho sự mô tả cuộc sống, sơ đồ làm sai lạc nghèo nàn và khô cạn".

Mác và Ăng-ghen quan niệm rằng tư tưởng chính trị không thể thay thế cho một tài năng trong văn nghệ.

Mác cho rằng có lòng tin tưởng đúng không đủ để viết nên những cuốn sách hay; vì một tác phẩm chỉ đứng vững và thành trường cửu lúc nào giá trị nghệ thuật của nó được quần chúng công nhận.

Ở hoàn cảnh nước Việt Nam, người văn nghệ sĩ cách mạng và những người lãnh đạo văn nghệ của Đảng đều thống nhất với nhau trong việc đấu tranh chống những tư tưởng tách rời nghệ thuật khỏi thực tế xã hội và lịch sử… chống văn hoá đồi truỵ tư sản, nhưng người nghệ sĩ sáng tác mâu thuẫn với những người lãnh đạo văn nghệ ở chỗ đấu tranh chống mọi chủ trương đưa đến chỗ đơn giản hoá chủ nghĩa Mác.

Ăng-ghen viết: “Phương pháp duy vật sẽ biến thành ngược lại nếu như người ta dùng nó không phải như một sợi dây dẫn đường cho việc nghiên cứu lịch sử, mà sử dụng như một khuôn mẫu chế tạo sẵn để căn cứ vào đấy mà đẽo gọt những sự kiện lịch sử".

Áp dụng chính trị máy móc, thực dụng vào văn học, nghệ thuật, kéo thấp thẩm mỹ thành một môn xã hội học sơ đẳng, tất cả những chủ trương biến văn nghệ thành những đồ dùng có ích không cần chất, tất cả chủ trương định bỏ rơi hoặc thu nhỏ lại cái cá tính, sở trường của người nghệ sĩ trong sáng tác đều là làm méo mó chủ nghĩa Mác.

Không thể có công thức định sẵn để dùng cho việc "giải quyết" một tác phẩm văn nghệ, không giải quyết vấn đề văn nghệ như giải quyết một phương trình thức. Một tác phẩm nghệ thuật thành công không bao giờ lại là một sơ đồ hoặc tổng kết tình hình kinh tế hoặc hiện tượng xã hội. Một tác phẩm sơ lược không nói lên được gì, nhưng một tác phẩm chỉ nhằm đi sâu vào những hiện tượng xã hội có tính chất "sống" kỳ thật nô lệ về tài liệu, sẽ không gây được một tác dụng gì về tình cảm (vì tác dụng của văn nghệ là đưa nội dung chính trị vào con người bằng tình cảm) dù tác phẩm ấy chứa nhiều luận đề về chính trị, đề cập nhiều đến chính sách v.v… Ở đâu có chủ nghĩa công thức, đại khái chủ nghĩa, ở đấy biểu hiện sự non yếu về tư tưởng và nghệ thuật, ở đấy dễ rơi vào tình trạng lãnh đạo đặt văn nghệ "làm theo com măng".

Những người đã từng lãnh đạo văn nghệ muốn biết rằng mình đã thực hiện đúng đường lối văn học Mác-Lê chưa, thì chỉ cần xét lại bản thân mình đã từng nhiều hay ít đã "com măng" trong việc thực hiện tác phẩm của người nghệ sĩ.

Tác phẩm… [2] trong óc và được đề ra do sự xúc cảm của tâm hồn người nghệ sĩ. Nó tuân theo một yêu cầu thôi thúc nội tâm, và chỉ thành tựu khi nào ở nội tâm ấy, bốc cháy một ngọn lửa chân thành sáng rực.

"Nghệ sĩ cộng sản sáng tạo, không phải là theo những chỉ thị và mệnh lệnh của một đảng ác nghiệt, nhưng là theo mệnh lệnh tâm tình của trái tim mình cùng đập một nhịp với trái tim nhân dân" – (Mô-ri-xơ TÔ-RÊ)

"Cho nên Marx và Engels luôn luôn tránh việc ban bố những điều lệnh về thẩm mỹ và làm Thái Thượng hoàng của các nghệ sĩ. Hai ông ủng hộ và khuyên nhủ những nhà thơ cách mạng, nhưng không bao giờ ức hiếp cảm hứng và văn tài của họ." (Jean Fréville)

Mác, Engels, Lê-nin lên án sự trốn tránh thực tế, chủ nghĩa “nghệ thuật siêu chính trị và phi chính trị – chủ nghĩa hình thức làm tôi tớ cho nghệ thuật vị nghệ thuật, chủ nghĩa tự nhiên lấy cớ trung thành với chủ nghĩa thực tế kỳ thực bóp méo thực tế, nhưng Mác Engels Lê-nin còn lên án và chống kịch liệt những quan niệm cố định máy móc, bè phái về nghệ thuật.

Vì thực tế tư tưởng bè phái, tự cho là bảo bệ sự trong sạch và nguyên lý của chủ nghĩa, kỳ thực đã đặt nguyên lý và chủ nghĩa chết cóng trong một cái tủ ướp lạnh.

Nó điều khiển tình cảm, hạn chế cảm hứng, ban bố những khuôn vàng thước ngọc, nó bắt quả tim con người phải hoà nhịp cùng với những công văn và chỉ thị... Đó là những khuyết điểm của thời kỳ ấu trĩ của văn học ta và cũng là những khuyết điểm thông thường của văn học công nhân chủ nghĩa (danh từ của Jean Fréville).

A. Nivov trong bài “Tiến tới xét lại văn sử học Liên Xô” có viết:

“Cái lối mệnh lệnh trong những quan hệ với nhà văn, cái lối hẹp hòi không chịu dung nạp tự do tư tưởng, cái lối dùng quyền hành chánh để cắt đứt những vấn đề văn học đang bàn cãi sôi nổi, tất cả những cái đó là những bộ mặt khả ố của kẻ vỗ ngực cộng sản trong văn học, đã xuất đầu lộ diện trong không khí sùng bái cá nhân”.

Lê-nin đã lên án lối cào bằng, lối san bằng máy móc, lối đa số đàn áp thiểu số trong văn học.

Đầu óc bè phái vẫn thường kết hợp với những tư tưởng trên, đã từng bôi nhọ lịch sử văn học từ những vụ Cóc-nay, Mô-lie, Stăng-đan, Xếch-spia Dơ-la cơ roa v.v... cho đến vụ Gờ-gốt-man, Mai-a-kốp-sky v.v... và ở nước ta là vụ Giai phẩm mùa Xuân...

Một tác phẩm văn học là một sản phẩm trí tuệ và tư tưởng – công nhận nó hay không công nhận nó cũng phải là một việc làm trí tuệ và tư tưởng chứ không phải là một việc làm của bản năng và cảm tính. Do đó thái độ nhận xét về văn học mà hồ đồ, vội vàng phần nhiều là những thái độ kém tư tưởng và đều đáng tiếc.

Chủ nghĩa cơ hội và hẹp hòi, trong văn học nghệ thuật tưởng rằng mình đã thích ứng kịp thời với thực tế, với những sự kiện lịch sử, kỳ thực chỉ thu lượm được một ít lợi ích trước mắt, nhưng thực chất nó đã xa rời những nguyên tắc cơ bản của đường lối văn học Mác Lê-nin. Nó tưởng rằng chống tư tưởng duy tâm và tiểu tư sản, kỳ thật nó đã bị rơi vào cái nhìn cận thị và thiển cận, ảo tưởng thú vị (danh từ của Ninord) nhất thời của phái duy tâm và tiểu tư sản.

Nó đưa nghệ thuật chết cứng trong chủ nghĩa thực dụng.

Một sự lãnh đạo đúng mực để thực hiện được trăm hoa đua nở, là sau khi gắn bó người nghệ sĩ chặt chẽ hơn với thực tế để lấy tài liệu xây dựng cho tác phẩm, giúp cho nghệ sĩ nắm được cái chủ yếu, giúp cho nghệ sĩ những bí quyết bắt được cái “thần” của cuộc sống, lãnh đạo sau khi đã làm xong công việc ấy rồi thì nên dừng lại ở đấy.

"Và chúng ta cần phải đảm bảo cho các nhà văn và nghệ sĩ của chúng ta có được đầy đủ khả năng mà phô diễn được hết cái sáng kiến cá nhân của họ, cái trí tượng của họ, cái sở thích của họ, không thể bắt buộc họ nhất loạt cùng theo một hình thức nào!" (Mô-ri-xơ TÔ-RÊ)

Đúng như thế, chỉ có làm như vậy mới nghiêm chỉnh thi hành chính sách trăm hoa đua nở. Lãnh đạo phải tin vào óc tưởng tượng sáng tạo của văn nghệ sĩ.

Tưởng tượng ở đây không có nghĩa là bịa ra những chuyện mơ hồ đâu đâu, mà tưởng tượng có nghĩa là dựa trên chất liệu của cuộc sống, định chắc được ý nghĩa sự việc, nắm và xây dựng được điển hình của người và sự việc, tìm ra mấu chốt chính mà không rơi vào chi tiết của vấn đề, để cô đúc lại, tạo nên một thế giới mới rút từ cái đã có, đẹp hơn cái đã có mà không lý tưởng hoá cuộc đời, thực mà không rơi vào tự nhiên chủ nghĩa.

Nghệ thuật đòi hỏi tưởng tượng cũng như khoa học đòi hỏi phân tích.

Nếu ai không coi trọng lao động nghệ thuật, không coi đó là một sản phẩm tư tưởng, mà bắt nó rập khuôn theo bộ máy của chính quyền và tổ chức Đảng, là vô hình chung đã đi vào con đường mà bọn đế quốc đã từng nhằm để xuyên tạc đường lối văn học của chủ nghĩa Mác Lê-nin.

“Lênin đã vạch rõ điều đó ra rồi. Kẻ thù của chúng ta cho rằng đảng tính chỉ là một mối quan hệ mệnh lệnh và phục tùng tiêu cực.” (Mô-ri-xơ TÔ-RÊ)

Những ai đi ngược lại quyền lợi tinh thần của người văn nghệ sĩ trong việc phấn đấu cho “trăm hoa đua nở”, hành động ấy sẽ có tác hại lớn đến sự nghiệp văn học của Đảng.

Thực tế ở xã hội chúng ta, vấn đề thực hiện “trăm hoa đua nở” không phải là một việc đơn thuần dễ dàng.

Một khẩu hiệu không thôi, không đủ sức mạnh để khai thông tất cả những đầu óc bảo thủ, quan liêu đã quen với những tác phong lãnh đạo lỗi thời, chỉ lăm le buộc văn học, nghệ thuật vào những khẩu hiệu khô khan, những chính sách cùng những nguyên tắc máy móc về kinh tế và xã hội v.v…

Muốn thực hiện hiệu quả chính sách trăm hoa đua nở, chúng ta còn cần những biện pháp chính quyền và tổ chức Đảng để tiến hành giáo dục quần chúng trong việc giáo dục và chịu sự giáo dục của văn nghệ sĩ, trong việc làm thầy và làm học trò ở địa hạt văn học và nghệ thuật.

Ngoài ra, chúng ta phải nói đến chính quyền và Đảng, là vì thực tế việc tự do sáng tác, nghiên cứu, trăm hoa đua nở... mà không có sự nâng đỡ thích đáng, cụ thể về phương diện ấn loát, giấy má, phát hành của chính quyền và các cơ quan Đảng, thì “trăm hoa đua nở” sẽ gặp nhiều khó khăn trong thực tế mà bản thân người nghệ sĩ không thể khắc phục được.

Thực tế trăm hoa đua nở sẽ tiến hành gay go bằng một cuộc đấu tranh tư tưởng, và đến lúc bấy giờ những vấn đề phức tạp hơn sẽ đề ra, vấn đề lý luận và trình độ nghiên cứu, vấn đề cuộc sống và nội tâm của người văn nghệ sĩ v.v...

Lúc bấy giờ người văn nghệ sĩ sẽ tự mình lớn lên, vươn lên với tất cả cái thực chất của mình... với trí tuệ và tâm hồn của mình.

Chủ nghĩa Mác Lê chỉ có thể đem đến cho chúng ta một nhãn quan đúng về cuộc sống, chứ tuyệt đối không thể biến một người quét vôi thành một Rambrand hoặc Vinci, một người thợ đục đá thành một Praxitèle hoặc Phidias, một người làm vè pha trò tầm thường thành một Aristophane, một người hát xẩm thành một Béthoven [3] .

Mà cái đòi hỏi chủ quan này về phía người sáng tác mới là cái yếu tố căn bản quyết định sự thành tựu trong việc “trăm hoa đua nở”.

NHÂN VĂN SỐ 2 , PHẦN I

==

No comments: