Thursday, January 22, 2009

241. ĐẶNG TIẾN * THƠ HOÀNG CẦM

==

Đặng Tiến
Thơ Hoàng Cầm – Truyền thống và hiện đại
1 2 3 4



I.

Cây tam cúc Hoàng Cầm là một nhà thơ Việt Nam xuất sắc bị buộc phải im hơi lặng tiếng hơn ba mươi năm, nên tài hoa chưa được quần chúng tiếp nhận đầy đủ, và giới phê bình, nghiên cứu chưa có khoảng cách để đánh giá đúng mức. Vài năm nay, đã thấy xuất hiện nhiều tác phẩm Hoàng Cầm. Gần đây, mừng Hoàng Cầm lên tuổi bảy mươi – với trên lưng già nửa thế kỷ sáng tác và gian truân – nhà xuất bản Văn Hóa cho in một tập thơ chọn lọc 1942-1992 dưới tựa đề Bên kia Sông Đuống, một tuyển tập đặc sắc. Hoàng Cầm sinh năm 1922, tên thật là Bùi Tằng Việt do nơi sinh là thôn Phúc Tằng, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang (nay là Hà Bắc).

Anh ra đời và lớn lên trong tiếng hát quan họ, tại vùng Kinh Bắc xưa, cái nôi văn hóa của đồng bằng Bắc bộ. Thơ Hoàng Cầm bắt nguồn từ nền văn hóa kia và tiếng hát ấy. Thi hứng của anh xoáy dọc xoay ngang vào những Kinh Bắc, Thuận Thành, Bát Tràng, Sông Đuống. Từ lưng vốn cũ càng, Hoàng Cầm từng bước làm mới thơ mình, anh là trường hợp hiếm hoi nếu không phải là duy nhất giữa những nhà thơ cùng lứa tuổi, đã tạo ra được phong cách thi ca mới, trên một nền từ vựng cũ, trên phong tục cổ truyền. Thơ Hoàng Cầm là cuộc hôn phối hạnh phúc giữa tính dân tộc và tính hiện đại. “Cây tam cúc” là một bài thơ hay, tiêu biểu cho những thành tựu nghệ thuật của Hoàng Cầm. Từ một trò chơi dân gian khá phổ biến, tác giả đã sáng tạo nên một bức tranh trữ tình đặc sắc và phong phú, bắt đầu với tình nam nữ, rồi đến tình chị em, tình người, tình dân tộc. Rộng ra nữa là tình yêu tuổi trẻ, quê hương, tình yêu cuộc sống trong mọi mặt, trong cảnh nhàn nhã lẫn lúc chênh vênh. Từ một ổ rơm giản dị, hình ảnh quê nghèo, Hoàng Cầm đã vẽ lên giấc mơ hạnh phúc, giấc mộng lứa đôi với ít nhiều nhục cảm.

Bài thơ tình tứ và nhẹ nhàng, có khả năng làm suy nghĩ, nhờ kỹ thuật già dặn và tân kỳ của Hoàng Cầm về mọi mặt từ vựng, ngữ điệu cũng như hình ảnh. Một điều cần nói thêm: nếu đặt được bài thơ vào không khí và văn hóa quan họ thì nó sẽ thêm hương sắc. Những câu hát quan họ, thường là những bài tỏ tình trai gái, có khi trơ trẽn; nhưng đặt vào nền văn hóa quan họ, thì khác: những bài hát ấy mời gọi, ca tụng cuộc sống và con người. “Cây tam cúc” của Hoàng Cầm cũng vậy: nó chuyên chở tình người, tình quê nhiều hơn luyến ái lứa đôi. Cũng như những làn điệu dân gian xưa kia, thơ Hoàng Cầm ngày nay là những ngọn lửa sưởi ấm cuộc sống, một tia nắng mới trên chân trời cũ. Những đóa râm bụt nở muộn màng trên bờ giậu làm thắm lại niềm lãng quên bên triền ký ức.

*Thơ Hoàng Cầm trau chuốt, có khi do dụng công và kinh nghiệm, có khi chỉ là thành tựu của vô thức – mà nhà thơ gọi là thần lực hay tâm lực. Vô thức ở đây là phần tích lũy trầm kha của rung cảm và tiềm năng sáng tạo; thi nhân từ năm này sang năm khác sống triền miên bài thơ mình cho đến lúc nó bật ra thành lời, thành tiếng; do đó, Hoàng Cầm có lần tâm sự rằng nhiều câu thơ, có khi toàn bài thơ của mình, là tiếng nói đến trong những giấc mơ, từ một thế giới khác, như là một giọng nói mầu nhiệm, linh thiêng.

Thơ Hoàng Cầm giàu âm điệu. Anh nói: “Nhạc điệu là cái xe chở cái hồn của bài thơ”. Có những câu thơ dìu dặt, luyến láy do sắp xếp; nhưng giai điệu toàn bài thơ có thể xuất thần, vượt khỏi dụng công. Ví dụ bài “Cây tam cúc” trên 111 chữ đã có đến 27 âm đ là một phần tư. Ngoài số lượng, còn chất lượng: âm đ đứng vào những vị trí xung yếu, hay diễn tả những tình ý thiết thân:
Em đừng lớn nữa, Chị đừng đi … Em đi đêm, tướng điều sĩ đỏ Đổi xe hồng đưa chị đến quê Em … Quan Đốc đồng áo đen nẹp đỏ Thả tịnh vàng cưới Chị… Âm đ còn là những chuyển động trong bài thơ: đi, đứng, đưa và đến; hay là màu sắc hạnh phúc: tướng điều sĩ đỏ; trầu cay má đỏ đối lập với màu đen của định mệnh: Quan Đốc đồng áo đen nẹp đỏ; tướng sĩ đỏ đen. Hai chữ đỏ đen cô đọng nội dung bài thơ, một trò chơi may rủi, giống như tựa đề Đỏ và Đen của tiểu thuyết Stendhal. Âm đ chủ đạo âm điệu bài thơ “Cây tam cúc” của Hoàng Cầm nhắc ta âm l trong bài thơ “La Fileuse” của Valéry. Cũng cần thêm rằng âm đ = [d] trong tiếng Việt, cũng như âm [l] trong tiếng Pháp, có một giá trị thẩm mỹ đặc biệt. Âm đ luyến láy ở những vị trí ưu đãi, còn nhắc đến câu thơ Hoàng Cầm rất cảm động:
Em ngồi đâu, Chị đứng đâu Bỗng dưng hai đứa hai đầu hư không Ngoài giá trị và vị trí của một phụ âm đ, còn giai điệu toàn bài thơ, gồm những câu dài ngắn, so le, với nhịp điệu thường xuyên thay đổi. Bắt đầu bằng nhịp cổ điển, sau đó tiết điệu biến đổi, khi dìu dặt, khi rắn rỏi, lúc khoan thai, nói chung là nhẹ thoảng. Có thể nói “Cây tam cúc” là một bài thơ ngắn dồi dào nhịp điệu vào hàng đầu trong thơ Việt. Hoàng Cầm phân phối, luyến láy những nguyên âm, phụ âm rất tài tình. Đoạn đầu, bốn âm k (= c) câu đầu vọng lại ở hai chữ (cây /cay), biệt đãi ở câu giữa, “kết” ở chữ “kết” rồi chữ “quê” (đọc k) câu bốn. Quê em là hình ảnh của hạnh phúc vọng tưởng:
Năm sau giặc giã Quan Đốc đồng áo đen nẹp đỏ Thả tịnh vàng cưới chị võng mây trôi Quan Đốc đồng… nhịp thơ gay gắt, như định mệnh bức bách đánh dấu bằng âm đ cứng rắn – như trong những chữ đánh đấm, đạp đổ, đấu đá, đau đớn đối lập với câu sau, ung dung nhẹ thoáng, làm nổi bật những động từ phóng túng, tự do, thoải mái: thả, cưới, võng, trôi đưa đến hư không. Chữ thả dùng rất độc và đắt, nhắc đến những cuộc bố ráp của một quân đội viễn chinh vô kỷ luật. Võng đi với cưới, nhưng kết quả chỉ là mây trôi, như một hạnh phúc tan biến, vô tông tuyệt tích:
Em đứng nhìn theo, Em gọi đôi Còn lại một mình Em, giữa cảnh mây trôi tan tác. Gọi đôi là gọi Chị, gọi hạnh phúc, gọi vô cùng và vô vọng.

Câu thơ ngắn và đơn giản nhất:
Năm sau giặc giã nhắc lại hoàn cảnh lịch sử, nhắc thoáng qua thôi, nhưng chúng ta đều nhớ đến hằng triệu giấc mơ tình đã cháy rụi, đã tàn lụi trong cơn hỏa mộng dài nửa thế kỷ. Thơ Hoàng Cầm trọn vẹn với dân tộc chỗ đó. Giặc giã, tự nó mang theo bạo lực áp bức. Quan Đốc đồng là chức quan địa phương thời Lê, ở đây là hình ảnh của định mệnh, của cường quyền; chức đốc đồng được chọn, vì âm vang và vì thể chất kim khí cứng rắn, đối lập với tuổi thơ đứa được, đứa thua, với hạnh phúc thanh bình có đi, có đưa là có đến. Thân phận người chị long đong: động từ cưới không rõ chủ từ, qua câu thơ, không rõ Quan Đốc đồng cưới chị hay ông ấy chỉ thả tịnh vàng cưới chị. Ai cưới, không biết, về đâu cũng không hay; chúng ta cảm giác một cuộc cưỡng hôn, hay một cuộc hôn nhân chắp nối trong giặc giã. Đau xót nhất là Em đã bảo: Chị đừng đi. Ta đã thấy Hoàng Cầm dùng động từ rất tài tình. Các nhà thơ mới đều có chủ tâm sáng tạo bằng động từ. Như Huy Cận:
Sóng rủ nhau đi bát ngát cười … Sóng đã cài then, đêm sập cửa … Đêm thở, sao lùa nước Hạ Long Hoàng Cầm cũng sành dùng hoán dụ:
Thân cau cụt vẫy đuôi mèo trắng mốc Chuồn chuồn khiêng nắng sang song … cò chở nắng tề phi… … Hàng tre nhả yếm Đá nghển trông con gục đầu sườn núi Dạm Lụa vàng xé lộc rắc tro tiền nhưng đặc sắc là những động từ rất chính xác trong trò chơi tam cúc, nhưng lại ẩn dụ tình ý khác: chị gọi đôi cây… Nghé con bài… Em đi đêm… chui sấp ngửa… đổi xe hồng… Em gọi đôi… Dĩ nhiên, người biết chơi tam cúc sẽ thích thú với những động từ gọi, kết, chui, đi đêm (đổi bài) đổi.


Thậm chí ta có thể lắp ghép hai câu thơ, để tóm tắt toàn bài:
Chị gọi đôi cây – Em gọi đôi Chị chỉ đánh bài tam cúc thôi, còn Em thì mơ tình yêu, đôi lứa. Em sẵn sàng hy sinh những tài sản quý giá nhất, những con bài tốt nhất, tướng điều sĩ đỏ, để hưởng được một thoáng hạnh phúc phù du: Đổi xe hồng đưa Chị đến quê Em. Giấc mơ tình ái đã đến với Hoàng Cầm từ tuổi lên tám, bên cạnh cô hàng xóm tên Vinh tuổi gấp đôi. Tuổi thơ đã sớm phảng phất mùi tính dục với hơi tóc ấm… đọng tuổi đương thì, và hình ảnh rạo rực, tinh quái:
Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa Có lẽ trai gái chơi bài xong, mệt quá, lăn kềnh ra ngủ: hình ảnh mộc mạc hồn nhiên của quê nghèo. Chúng ta nhớ bài thơ "Cờ người” được gán cho Hồ Xuân Hương, có câu: quân thiếp trắng, quân chàng đen, và Hồ Xuân Hương thường có lối chơi chữ như thế. Văn học dân gian đã cho ta những ví dụ chơi chữ tinh tế:
Quay tơ thì giữ mối tơ Dầu năm bảy mối hãy chờ mối anh … Biết nhau từ thuở buôn thừng Trăm đứt ngàn nối xin đừng quên nhau Cấu trúc "Cây tam cúc” hài hòa tỏa ra một thế giới riêng, trong đó kĩ thuật chơi chữ như biến dạng với những đường khâu, chúng ta chỉ còn thấy một tấm áo đẹp, hay một họa phẩm tuyệt vời. Bình thường, tình ái đưa đến hôn nhân. Trong thơ Hoàng Cầm thì ngược lại, hôn nhân là mối động cơ của tình ái, là giấc mơ tình ái. Hình ảnh xe hồng đẹp và tinh tế. Nghĩa đen của nó là quân bài, nhưng mang hình tượng của xe cưới, xe hoa – ngày xưa đã có tục dùng kiệu kết hoa để rước dâu. Trầu cay má đỏ… kết xe hồng… Vẫn người chị ấy, trong giấc mơ hôn phối:
Chị vỡ pha lê. Bùn vấy tay Hồn trong Em chuốc Chị chìm say Là Em cưới Chị xanh thiêm thiếp Sinh một đàn con Mây trắng bay (“Chị Em xanh”) Viển vông, sao mà giấc mơ tha thiết đến thế. Cũng người chị ấy, trên một cánh đồng chiều đông, đã hứa hẹn hão huyền:
Đứa nào tìm được Lá Diêu bông Từ nay ta gọi là chồng… … Ngày cưới Chị Em tìm thấy Lá Chị cười xe chỉ ấm trôn kim ("Lá Diêu bông") Lễ cưới, trong thơ Hoàng Cầm, là một hình tượng nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ trên hết. Hôn lễ không phải là luật lệ, nghi thức xã hội mà thôi, nó là một thành tựu của tình người hài hòa trong xã hội: hôn lễ là sự đồng thuận giữa hai cuộc sống, trong rất nhiều cuộc sống làm thành đại gia đình, xã hội, dân tộc; là dòng sông hòa hợp để tiếp nối dòng sống của loài người. Hôn lễ là niềm vui của nhân loại qua đám cưới chuột “tưng bừng rộn rã” trong bài “Bên kia Sông Đuống”, một mâm cưới nghèo, chỉ có khoai luộc, Hoàng Cầm đã cấu tứ được một hình tượng đặc sắc:


Cỗ cưới chênh vênh khoai luộc Mật vàng mọng rách vỏ nâu non (“Đợi mùa”) Tả củ khoai như vậy là thần tình, và hiện đại: thơ văn Việt Nam dường như chưa có củ khoai nào đa tình đến thế; trong ca dao, củ khoai còn phải chấm mật, ở đây mật vàng mọng sẵn trong khoai, như thân thể cô dâu căng đầy nhựa sống, chín mọng khát khao, chứa chan mật ngọt trần gian. Mà vẫn không quên những khốn khó của nhân gian, không quên nhân phận chênh vênh, nâu non rách rưới. Đâu đây, còn phảng phất mùi da thịt cô gái hai mươi.
Ổ rơm thơm đọng tuổi đương thì Nơi kia, hơi ấm cô gái lại thơm mùi gạo mới:
Đường quê mình dăng hương tám đỏ Khép ổ rơm mùa giăng tóc tám xoan Em quây sân vuông cót tròn nếp quít Em nung gạch già thuyền ngả bến than … Hàm răng nuột nà xít xa dóng mía Vú xuân đường phèn căng bưởi Nga My Môi hè thạch non hé dưa hấu tía Cốm sen cuối cành gói lá đài bi. … Anh đi xa Em với biết nói thầm Đường đê chợ Trầm sang mùa tu hú… (“Vợ liệt sĩ”) Hạnh phúc lứa đôi đậm đặc màu sắc dân tộc, mà hơi thơ lại mới mẻ, thắm tươi. Nhục cảm nồng nàn, rạo rực, mà dịu dàng, kín đáo. Cô gái quê trong Nguyễn Bính lúc nhớ người yêu thì cơ thể:
Sao cứ đầy lên, cứ rối lên Cô gái quê trong Hoàng Cầm, cơ thể đầy mà không rối. Cô gái tân thời trong thơ Xuân Diệu rảnh rỗi hơn:
Em gọi thầm anh, suốt cả ngày Cô gái quê trong thơ Hoàng Cầm mới biết nói thầm khi xa vắng người yêu. Ý không thật, lời không thật, nhưng tình thì thật: vắng anh, cả đời sống nội tâm của em đều thay đổi, mọi đối thoại với người ngoài đếu trống rỗng. Nói, là nói thầm, nói với anh hay nói một mình. Câu sau: Đường đê Chợ Trầm … là một câu tả cảnh, ngoại cảm và tâm cảnh cô gái
Anh đi xa Em mới biết nói thầm a Đường đê Chợ Trầm, sang mùa tu hú b Hai câu thơ kết hợp a+b mạch lạc, tinh tế, hay cái hay thường tình của văn chương, của lời nói khéo. Nay ta thử tách rời a ra khỏi b, sẽ có hai câu thơ độc lập, lẻ đôi, và mỗi câu đều có giá trị riêng, nhất là câu
Đường đê Chợ Trầm, sang mùa tu hú Ý nghĩa không có gì, nhưng âm vang kỳ diệu, Hoàng Cầm có nói “Cái tứ của thơ phải đọc đuợc ngoài lời. Có nhiều bài thơ mang một tứ rất lạ, khó giảng, khó bình, chỉ cảm thấy được thôi”. Cũng là tiếng tu hú, cất lên đầu mùa hạ, gọi nắng hồng, trái chín và những phiên chợ rộn rã trong thơ Nguyễn Bính:
Tu hú vừa kêu, vải đã vàng mà âm vang khác. Có thể trong sáng hơn, nhưng không tạo cảm giác mờ ảo, huyền nhiệm như câu thơ Hoàng Cầm. Ánh sáng ấy, là biên giới giữa thơ và văn xuôi. Nhắc lại tình cảm ở tuổi thơ – tuổi mười hai ở quê vào năm 1934 là còn nhỏ lắm – Hoàng Cầm cùng làm chung với một người bạn, bài “Gọi đôi” trên đồi chùa Phật Tích, xuân 1974:
Dưới sông kia chẳng quay đi Mười hai tuổi cũ biết gì chị ơi Một con bướm lửa đậu môi Hai nhành hoa lửa chia đôi tay cầm Ba tầng mây lửa trầm ngâm Bốn con chim lửa đậu nhầm cỏ hoang. … Em ngồi đâu chị đứng đâu Bỗng dưng hai đứa hai đầu hư không. Ngọn lửa đam mê bừng cháy tuổi thơ của Hoàng Cầm sẽ tiếp nối bập bùng mãi mãi trong thơ anh, cho đến bây giờ “thì cũng bấy nhiêu ngày đêm nghe lửa reo mòn tuổi tác”. Mượn hình ảnh trong truyện thơ Men đá vàng, ta có thể so sánh nhà thơ Hoàng Cầm với người thợ nung men sứ Bát Tràng trong huyền thoại, gan hồng thạch, dạ kim cương, anh Phù Du ngày đêm canh sức lửa. Lửa của bướm hoa, lửa của đá vàng, thơ Hoàng Cầm, năm mươi năm qua, đã trầm ngâm vàng mười thử lửa.
*Tam cúc là trò chơi dân gian trong những ngày tết. Nói là dân gian, nhưng cũng phong lưu:
Rút trộm rơm nhà đi trải ổ hàm ý là cậu bé đi chơi lén đâu đó bên hàng xóm. Chỉ trộm rơm thôi, thì không lấy gì trầm trọng. Nhưng niềm vui của cậu bé là vụng trộm. Mê say cô hàng xóm hơn mình tám tuổi, trong tình chị chị em em, thì có cái gì đó bất chính, mang mùi vị trái cấm. Cậu bé càng biết vậy, càng thiết tha, càng lý thú, cái thú đi đêm thầm lén. Người chị biết vậy mà vẫn để cậu em mơ mộng, vẩn vơ mà vô hại. Biết đâu cô chị chẳng thích thú và đồng lõa?
Nghé con bài tìm hơi tóc ấm Em đừng lớn nữa Chị đừng đi Trong bài thơ, chỉ có một câu phủ định, nhưng vô vọng. Làm sao “đừng lớn nữa” làm sao giữ mãi được cõi “thiên đường xanh những mối tình bé dại” (le vert paradis des amours enfantines) như lời thơ Baudelaire? Nhân vật Créon, cuối vở kịch Antigone của Anouilh cũng dặn chú tiểu đồng là “đừng lớn nữa” (Il faudrait ne jamais devenir grand). Vấn đề của Hoàng Cầm là không thoát ra khỏi được tuổi thơ. Hoàng Cầm ở tuổi sáu mươi, bảy mươi, làm thơ là để sống lại tuổi mười hai “trong tấm lòng may thay vẫn là tấm lòng 12 tuổi”. Tuy nhiên, thơ Hoàng Cầm có hồi cố mà không hoài cổ. Anh không tỉ tê, tí ta tí tách. Sử dụng chất liệu cũ để kiến trúc một phong cách thơ mới, Hoàng Cầm thành công. Thơ Hoàng Cầm vừa lạ vừa thân. Sinh trưởng từ tiếng hát quan họ, thơ Hoàng Cầm không phải là một làn điệu dân ca nối dài mà là ngôn ngữ hiện đại của một tâm hồn tân tiến. Đây là một điều khó thực hiện, và số người đạt tới không nhiều. Không phải vì tình cờ mà tuyển tập Bên kia Sông Đuống mở ra bằng bài “Cỏ Bồng thi”:
Chị đưa Em đến bến này Cheo leo mỏm đá Trước vực Sau khe … Cỏ Bồng thi phải cheo leo mỏm đá. Đến bến là phải đến nơi bằng phẳng, êm ả, ngừng nghỉ. Nhất là nơi Chị đưa Em đến. Sao vẫn cheo leo? Bài này viết năm 1959, nhưng ta không nên giải thích đơn giản bằng vụ án Nhân văn–Giai phẩm mà anh là nạn nhân dài hạn. Vì cùng một năm ấy, anh còn làm nhiều bài khác rất thanh thoát, như “Lá Diêu bông”, “Cây tam cúc” và loạt bài “Đêm Ngũ hành”, không có ẩn ức gì về thân phận. Chính anh nói vào thời điểm ấy anh “không một phút nào nghĩ tới thời cuộc chính chị và xã hội trước mắt”. Cheo leo mỏm đá, theo tôi, là gian nan của người làm thơ, muốn sáng tạo và làm mới thơ mình. Người làm thơ khác người làm kinh tế, nhưng vẫn phải sử dụng một số vốn nhất định, về cảm xúc, tri thức và từ ngữ. Anh phải nhảy múa trên một mỏm đá, trước vực, sau khe; anh làm thơ gì đây, để nói cái gì đây và nói với ai đây? Khắc khoải của Hoàng Cầm cũng là của nhiều nhà thơ, nhà văn khác, những người bị cấm in ấn tác phẩm như anh hay Văn Cao, Trần Dần, đến cả những người có nhiều tự do hơn như Nguyễn Đình Thi, Huy Cận. Người nghệ sĩ vẫn thường muốn tiên tiến về mặt nghệ thuật, nhưng bản thân làm sao tiên tiến được trong một xã hội lạc hậu và trì trệ về tri thức, kinh tế và chính trị? Mỏm đá của Hoàng Cầm cũng cheo leo với nhiều tác giả khác. Bình thường, nói chuyện thơ, thì chớ nên so sánh người này với người kia, vừa không nghiêm túc vừa kém trang nhã. Viết khéo đến đâu, thiện chí đến đâu vẫn có người giận. Nhưng đành so sánh cho sáng tỏ. Tôi đã nói: Hoàng Cầm kết hợp được tính dân tộc và tính hiện đại trong thơ. Văn Cao và Nguyễn Đình Thi là hai tác giả luôn luôn đấu tranh cho dân tộc và cho hiện đại, nhưng tính dân tộc và tính hiện đại trong thơ hai anh biệt lập với nhau. Xuân Diệu 1940 hiện đại mà ít dân tộc; Xuân Diệu 1950 dân tộc mà ít hiện đại. Huy Cận dân tộc trong tình cảm và hiện đại trong trí tuệ. Dĩ nhiên nói như vậy là sơ lược, thậm chí sơ đẳng. Nhưng tôi mạn phép giản lược, cho bài viết dễ hiểu, vì độc giả thường so sánh và thường hỏi: còn kẻ nọ người kia thì sao?
*Bài này bắt nguồn từ một lý do tâm cảm: viết để đáp lại tấm thịnh tình và lòng tin cậy mà Hoàng Cầm đã dành cho bạn đọc ở xa. Mấy năm gần đây nhiều nhà xuất bản trong nước đã liên tiếp in ấn nhiểu tác phẩm Hoàng Cầm: Men dá vàng (1989), Mưa Thuận Thành (1991), Kiều Loan (1992), Lá Diêu bông (1993), Bên kia Sông Đuống (1993), lấp một khoảng im lặng kéo dài hơn ba mươi năm. Mỗi lần có sách in, anh đều có gửi – rất khó khăn – cho chúng tôi với lời dặn dò: đọc kỹ và cảm thông. “Cây tam cúc” là một thành tựu nghệ thuật tiêu biểu. Trong một bài thơ ngắn và đơn giản, tác giả đã sử dụng ngôn ngữ mới, tài hoa và tinh tế, từ cách chọn chữ đặt câu, đến cách xe kết âm thanh, nhịp điệu, màu sắc, hình ảnh, tạo cho người đọc nhiều cảm giác, cảm xúc, tư duy và mơ mộng. “Cây tam cúc” là một thế giới hài hòa trong toàn bộ hữu cơ của thơ Hoàng Cầm, chủ yếu nói lên tình yêu, tình người, tình quê hương xứ sở, trong vẻ đẹp truyền thống lẫn với những gieo neo của thân phận. Đặc điểm thơ Hoàng Cầm là truyền thống ấy lung linh trong ngôn ngữ thơ mới, trẻ trung và hiện đại. Ngôn ngữ Hoàng Cầm đòi hỏi tôi phải có một bài khác, đầy đủ và rộng rãi hơn. 20.9.1993

==





II.


Anh đưa em về Sông Đuống Đến với một nhà thơ, hành trình không phải lúc nào cũng đơn giản, cho dù rằng nhà thơ ấy, với mình đã là thân thuộc. Như trường hợp tôi tìm đến Hoàng Cầm. Tôi thuộc thơ Hoàng Cầm từ bài “Bên kia Sông Đuống” làm thời Kháng chiến chống Pháp. Câu thơ Hoàng Cầm được trích dẫn nhiều nhất có lẽ là:
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp Lời thơ đẹp, trong sáng, hùng hồn ngợi ca màu sắc quê hương, trong một giai đoạn kháng chiến gian nan 1948. Chúng ta yêu câu thơ vì giá trị văn chương, nhưng cũng vì nó lồng trong tình dân tộc nồng nàn đang bị bức bách và thử thách; về sau, đọc lại, vẫn yêu, vì câu thơ đã hòa màu vào kỷ niệm để làm máu thịt của cuộc sống. Nhưng nếu tách lìa ra khỏi bối cảnh lịch sử và tâm cảm thì không biết câu thơ còn giữ trọn vẹn hương sắc hay không? Tuy nhiên Hoàng Cầm, suốt thời kháng chiến, là thời hoa niên, chỉ làm vài ba bài thơ như thế. Thơ anh sau này khác đi, tân kỳ hơn, tình tứ hơn và phi thời đại hơn:
Chị đi một chuyến chơi xanh cỏ Quay bánh linh xa miết triệu vòng Nhặt sợi–vô–cùng thêu áo gối Mau về mừng cưới… (nhớ Em không?) (“Chị Em xanh”, 1970, Bên kia Sông Đuống tr. 57) Đoạn thơ chỉ có một chữ khó: linh xa, là bánh xe linh hiển của thời gian, giữa không gian vô cùng, trong đó hạnh phúc con người mong manh tơ mỏng. Ngôn ngữ và tư tưởng Hoàng Cầm mới mẻ, nhưng vẫn tiếp vẫn truyền thống của thơ mới, và nhắc chúng ta nhớ Vũ trụ ca của Huy Cận:
Lá biếc đưa thoi xuyên vĩnh viễn Gió là sợi thắm của thời gian (“Áo xuân”, 1942) Ngồi xe nhật nguyệt cùng thiên nhiên Làm bạn đi đường về vô định (“Xuân hành”, 1943) Đến những câu thơ này của Hoàng Cầm thì thật là sáng tạo:
Ta con bê vàng lạc dáng chiều xanh đi mãi tìm sim chẳng chín (“Về với ta’’, 1960, BKSĐ, tr. 135) Câu thơ long lanh những thanh sắc gọi về tuổi thơ hoàng kim và bích ngọc, lấp lánh vàng xanh qua một loạt nguyên âm mở (a, ang…) ngây ngất, chao đảo dưới trời chiều, rồi thu vào màu sim tím gian truân rón rén sau những nguyên âm khép (i, im…). Buổi chiều xanh không biết tự thời nào:
Một chiều xanh, một chiều xanh huyền hoặc (Hàn Mặc Tử) Hay bầu trời Rimbaud:
Par les soirs bleus d’été j’irai par les sentiers (Chiều hạ xanh những lối mòn chân nhỏ… ) Những dấu chân chim sẽ đưa ta về với ca dao:
Đói lòng ăn nửa trái sim Uống lưng bát nước đi tìm người thương Thơ Hoàng Cầm ghé đến lòng đời, tình đã nhỡ, tình đã nhỡ một mùa sim. Người đọc có thể ngạc nhiên vì hình ảnh con bê vàng - tuổi thơ của tác giả - hình tượng bất ngờ, thậm chí không thuận lý, nhưng cú pháp, từ pháp hợp lý. Hoàng Cầm táo bạo trong cấu trúc hình ảnh mà không vi phạm quy luật ngôn ngữ, nhờ đó mà thơ anh, dù cầu kỳ, vẫn gần người đọc, và tính hiện đại vẫn tiếp nối truyền thống – dài, chưa kể là nhạc điệu phong phú, dìu dặt, dắt dìu độc giả đi sâu vào rung cảm và tưởng tượng. Cũng có người cho rằng thơ anh bí hiểm. Hình ảnh bê vàng và sim tím nhắc tôi một đoạn khai tâm về thơ của Bùi Giáng: “Đi vào cõi thơ… thế nghĩa là gì? Anh lùa bò vào đồi sim trái chín? Một mặt, anh lưu tâm trái chín rừng sim? Một mặt anh cũng lưu tâm chiếu cố cho những con bò đừng để chúng lạc lối vào sâu trong rú rậm rồi mất lối trở ra (…). Ta ngồi dưới gốc cây sim lắng tai nghe bò đương gặm cỏ thong dong đưa tay với một cành, hái một trái chín ăn chơi… Bỗng dưng? Bỗng dưng nảy ra một sự tình kỳ bí: bàn tay ta vừa chạm tới một trái sim riêng lẻ, thì suốt dây rừng, toàn thể ngàn sim lục bỗng chấn động vang lừng. Đó là bí quyết lạ lùng. Một bí quyết bất khả truyền’’ (Đi vào cõi thơ). Cuộc kỳ ngộ bằng hình ảnh giữa hai nhà thơ chỉ là tình cờ, nhưng cũng phản ánh những rung cảm chung trong một thế hệ thi ca. Người này, vô tình, giải thích người kia. Tuy nhiên, những câu thơ “lạc dáng chiều xanh kỳ bí’’ như thế không nhiều trong thơ Hoàng Cầm và nói chung, chúng ta đều có thể phân tích, giảng giải được. Ngược lại, khó giải thích những câu đơn giản mà chúng ta đã gặp, đã phân tích:
Đường đê chợ Trầm sang mùa tu hú (“Vợ liệt sĩ’’) Kỹ thuật không có gì. Những từ ngữ quyện vào nhau và tự tạo lên sức gợi cảm. Sự đơn giản đi gần tới văn xuôi – mà vẫn không phải là văn xuôi. Một số nhà nghiên cứu về thơ như Roger Caillois, đã nêu lên đặc tính này của thơ hiện đại. Giản dị hơn nữa là câu thơ nhiều người thuộc:
Anh đưa em về Sông Đuống (“Bên kia Sông Đuống", 1948, BKSĐ, tr. 29) Có gì mà câu thơ bình dị ấy cứ vương vấn mãi trong lòng ta? Bình dị, nhưng dịu dàng, đằm thắm thiết tha: anh đưa em về. Cõi về đó là quê hương, là an bình, là kỷ niệm, là hạnh phúc. Thơ, và tình yêu, là một cõi về. Về một dòng sông, Sông Đuống: âm vang nghe cách trở, truân chuyên, mà thiết tha khẩn khoản. Thơ Hoàng Cầm, sáng tác qua 50 năm, lấp lánh muôn màu ngàn vẻ, nhưng đều đồng quy về một chữ VỀ. Về Sông Đuống, về Kinh Bắc, về cõi Em, về với anh, về với ta. Có tập thơ mang tên Mưa Thuận Thành, một cơn mưa về nguồn, như hình ảnh của Tản Đà, nước non nặng một lời thề, hay thơ Hoàng Cầm:
Giọt mưa phương Nam có về Kinh Bắc Mưa đi về Anh mưa đi về nguồn (“Giọt mưa phương Nam", 1991, BKSĐ, tr. 21) Tuyển tập Bên kia Sông Đuống gồm có 56 bài, trong đó 35 bài mang chữ VỀ. Bản thân bài "Bên kia Sông Đuống" được cấu trúc trên điệp khúc: Bây giờ đi đâu? Về đâu? Thơ Hoàng Cầm là một lối về, một cõi về, một cõi mơ về, một tiếng gọi về:
Dóng dả gọi về đồng sương đôi ba người lận đận (“Về với ta’’, 1960, BKSĐ, tr. 135) Có thể đây là một phản ánh trọn vẹn của thơ Hoàng Cầm, nổi tiếng từ vở kịch thơ Kiều Loan khởi thảo từ năm 1942. Kiều Loan, cô gái điên, là kẻ lạc mất đường về. Điên là đánh mất cõi về. Nhân vật chính, trước khi chết, đã cầu khẩn tình yêu:
Tôi chỉ xin nàng đôi giọt lệ Cài lên lá cỏ… phía quê hương (Kiều Loan, 1942) Quê hương, là Thuận Thành, là Kinh Bắc, nhưng còn là cõi mênh mông. Từ 1942, Hoàng Cầm 20 tuổi, đã có những câu linh cảm, báo trước toàn bộ thi phẩm của mình:
Níu tay cười xuống hoàng hôn cũ Với mắt em về bến hóa sinh (“Lại gặp’’, 1942, BKSĐ, tr. 24) Tập thơ cuối cùng Hoàng Cầm thông báo sẽ in, sẽ mang cái tên tiêu biểu: Về cõi thật người. Thơ Hoàng Cầm đậm đà tính dân tộc, nhưng không phải là thơ địa phương. Từ bến quê hương, Hoàng Cầm tìm về cõi người chính xác – Cõi Thật Người – do đó, thơ anh, những màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp, vươn lên tình người, rất rộng, rất cao. Cuộc sống hiện đại là một dòng sông ngày mỗi xa nguồn. Khái niệm và ý thức quê hương ngày một nhạt phai trong tâm tưởng con người hiện đại, con người đô thị. Lìa nguồn là quy luật của tiến hóa. Nhưng con người cảm nhận ly cách đó mỗi nơi, mỗi lúc, mỗi người, một cách khác nhau. Thế hệ Hoàng Cầm - bản thân Hoàng Cầm (sinh năm 1922) - chứng kiến sự tan rã, tàn phá của một nền văn hóa trên một đất nước mất chủ quyền, rồi triền miên đắm chìm trong lửa khói. Hai cuộc chiến tranh dân tộc chồng lên trận tranh chấp lớn lao giữa hai nền văn minh, mới và cũ. Đông và Tây. Dân tộc có chiến thắng, vẫn để mất đi ít nhiều bản sắc văn hóa, như con chim thắng trận đã phải mất lông mất cánh. Anh chiến sĩ trong Hoàng Cầm chóng quên hào quang chiến thắng để lặng nghe những tàn phai, tan tác, rồi tự hỏi về cuộc đời, về con người, về bản thân.
Anh đứng đây là đâu Em cười như lá mỏng (“Anh đứng đây là đâu’’, 1988, BKSĐ, tr. 62) Đơn giản và hàm súc. Câu hỏi hiện đại và hiện sinh là niềm hoang mang lớn lao của nhân loại; con người đã tìm ra chỗ đứng, nhưng mất tọa độ trước những biến chuyển vật đổi sao dời, nhanh chóng và toàn bộ, có phần tự nhiên, có phần áp đặt. Trong hỗn mang của thời đại và hoang mang của tâm linh, nụ cười, tia hạnh phúc bỗng mong manh Em cười như lá mỏng. Có cái gì đó cùng quý giá, nhưng hết sức đơn giản, rất mực phôi pha, làm cho con người hoang mang trở thành hoảng hốt. Hoàng Cầm, những lúc sống thật với lòng mình, từ chiều sâu thăm thẳm của tâm thức, thỉnh thoảng bật ra những câu thơ, những hình ảnh bình dị mà hàm súc như vậy. Một câu hỏi lớn của loài người vừa vụt chao nghiêng tia nắng trên tờ lá mỏng: thơ Hoàng Cầm là ngọn gió lạc mùa bất chợt thổi tạt qua trần gian, một ngày thu muộn màng và hiu hắt. Bên kia Sông Đuống, quê hương Hoàng Cầm long lanh quá khứ, với những buồn vui ngày ngày tháng tháng, trong khung cảnh đồng quê thân thuộc, tầm thường: tre lũy, bèo ao, đê quai, bến Sấm. Có tiếng ếch cõng mưa rào, tiếng chào mào khát nắng. Và tiếng tu hú gọi mùa. Làm thơ, bao giờ cũng tô son điểm phấn ít nhiều lên cuộc sống, như cô gái bất hạnh:
Mưa son đắt rẻ tùy phiên chợ Đời sống trong thơ Hoàng Cầm vui ít, buồn nhiều và thường xuyên vất vả. Việc đồng áng xen lẫn với quai gánh bán buôn. Đặc biệt về thủ công nghiệp, nghề gốm Bát Tràng chiếm trọn tập thơ Men đá vàng (1973) trong khi Tiếng hát quan họ (1956) làm nền cho một tập thơ khác (1956). Lao động chuẩn bị những hội hè đình đám, niềm vui chóng qua không lấp được bao nhiêu lận đận gieo neo. Chỉ thấy cảnh trai tài gái sắc giao duyên qua lời ca tiếng hát, mà không nghe được những uất nghẹn, tan tác, thì chưa cảm nhận đầy đủ tâm cảnh của Hoàng Cầm. Ám ảnh lớn của Hoàng Cầm là niềm cô đơn trơ trọi, thể hiện rất sớm qua hình tượng cô gái điên hay mẹ con đàn lợn âm dương – chia lìa đôi ngả (1948) sẽ trở lại với con bê vàng lạc dáng chiều xanh – Đêm nay mẹ chẳng về chuồng (1960). Nhà thơ, ở bất cứ tuổi nào, vẫn mang tâm tình đứa trẻ con hoang mang đợi mẹ. Thơ Hoàng Cầm là một lối khấn thầm:
Khấn thầm như mẹ lỡ đò ngang Miệng hé hạt na nhòa bến vắng… Bao giờ mẹ về Buộc yếm đào phai vỗ hát ru (“Đợi mùa’’, BKSĐ, tr. 48) Giữa những tang thương, dường như cảnh chia lìa làm nhà thơ đau đớn nhất. Anh vẫn tin ở cuộc đời, và niềm tin thiết tha sâu sắc nhất, có lẽ là tình cảm dành cho tuổi trẻ mai sau:
Ta ru em Lớn lên em đừng tìm mẹ phía cơn mưa (“Về với ta’’, 1960, BKSĐ, tr. 136) Hình ảnh người chị trở đi trở lại là bóng dáng người mẹ nối dài. Trong bài “Đợi mùa’’, hai hình ảnh lồng vào nhau trên đường về chợ:
Tưởng như mẹ về Vai áo toạc ba vá chằng tơ dứa Tưởng như Chị về Tơ tóc đêm xưa giờ rễ tre Bao giờ Chị về… Bao giờ mẹ về… Không Đã hết năm tu hú gọi rừng già Hình ảnh người chị trẻ trung và gần gũi hơn, nên gợi cảm gợi tình hơn, hàm chứa nhiều rung cảm đa nghĩa, tạo ra được những câu thơ đẹp, hồn nhiên, nghịch ngợm:
Cách nhau ba bước vào vườn ổi Chị xoạc cành ngang Em gốc cây (“Quả vườn ổi“, BKSĐ, tr. 39) Làm thơ, với Hoàng Cầm, trong chừng mực nào đó, là giữ chân tuổi thơ dưới một gốc cây. Chờ mong và mơ mộng. Người mẹ đẩy con ra đời, người chị đưa em vào đời:
Em mười hai tuổi tìm theo Chị Qua cầu bà Sấm bến cô Mưa Đi… ngày tháng lụi tìm không thấy Dải yếm lòng trai mải phất cờ (“Quả vườn ổi’’, BKSĐ, tr. 39) Hình ảnh người chị từ phái tính đưa đến dục tính, tế nhị, kín đáo, thi vị: Hai đứa lung linh lơi yếm áo. Có lúc người em còn ước mơ cưới Chị xanh thiêp thiếp (“Chị Em xanh’’, 1970). Ta nên hiểu đây là giấc mơ hạnh phúc bao la trước vũ trụ, mà người đàn bà là biểu tượng, Hoàng Cầm đi sâu vào lòng đời theo bước chân người chị. Bao nhiêu âm hao của trống, tiếng tu hú trên quai đê, tiếng bạc má trên cành tranh, tiếng chào mào trên cành nhãn đã đến với anh theo giọng lảnh lót của người chị. Những bài thơ hay nhất, bạo nhất về chị, Hoàng Cầm đã làm ba mươi năm sau – lúc đã ngoài bốn mươi năm mươi tuổi – đã quá tuổi thơ ngây để ngủ lại giấc mơ dang dở (“Đêm Mộc", 1959). Ngoài thơ ra, con người làm sao ngủ lại giấc mơ? Nên hiểu thơ Hoàng Cầm trên chiều hướng đó; và trong giới hạn thu hẹp lại, những bài thơ về chị Trúc của Nguyễn Bính cũng nên hiểu như vậy, thay vì đặt những câu hỏi vớ vẩn và dung tục. Dục tính là một yếu tố quan trọng trong thơ Hoàng Cầm vì nó là thành tố cơ bản, sâu xa của cuộc sống và đồng thời cũng là hương sắc của trần gian. Bản năng thiết yếu lồng vào nhu cầu thẩm mỹ. Những hình ảnh thiêng liêng nhất của quê hương lâng lâng mùi da thịt:
Chùa Phật Tích ruỗi trong màn lụa bạch Tượng Quan Âm má ửng bồ quân Chuông chiều cởi yếm… (“Đêm Thủy’’, 1959, BKSĐ, tr. 15) Dục tính trong thơ Hoàng Cầm, từ bản năng thiên nhiên, đã trở thành một yếu tố văn hóa trong xã hội cổ truyền, giống trong tranh tượng dân gian. Nó không phải là tự nhiên chủ nghĩa, không phải là Người gái thiên nhiên như trong thơ Đinh Hùng:
Ngoài thiên nhiên nở bừng thân mỹ nữ … Làm đôi người cô độc thủa sơ khai (Mê hồn ca) Thỉnh thoảng cũng có hình ảnh tự nhiên, nhưng không nhiều:
Ngoài hồ cô giặt lụa Vỗ vào lưng đêm giăng Nước lạnh chấm hai đầu vú (“Cô gái giặt lụa’’) Thân thể người đàn bà căng đầy nhựa sống nhưng giới hạn trong những điều kiện xã hội và văn hóa nhất định:
Chùm cau căng nứt mạch tằm Yếm may ba ngày mẹ vá lại Khuya nghe buồng động bóng đêm rằm. (“Đêm Mộc’’, 1959, BKSĐ, tr. 19) Ngành dân tộc hoặc ngày nay đã trưng nhiều tư liệu về những lễ lạc, hội hè trong hình thái xã hội cổ sơ, giải phóng con người ra khỏi những cấm kỵ, ràng buộc. Hoàng Cầm gợi lại cảm giác trước cuộc “Thi đánh đu”:
Luồn tay ôm say giấc bay lay đỉnh núi Tuột hàng khuy lơi yếm tóc buông mành Đùi chảy búp dài thon nhún vội Bàng hoàng xanh tia chớp liệng nghiêng xanh. Dục tính được nhà thơ làm nổi bật và thi vị hóa, vừa cô đọng vừa tan loãng trong một không gian ngất ngây, lảo đảo nhờ những âm thanh, hình ảnh và chuyển động trong thơ. Hoàng Cầm đẩy tưởng tượng – tôi tạm gọi là dự cảm huyễn dục - đến huyền sử một “Hội yếm bay’’ với nhiều cô gái, vốn là tiên nữ bị đày xuống trần gian cùng cởi bỏ xiêm y:
Ngũ sắc chen nhau cầu lễ hội Nuột nà cởi bỏ áo khoa khôi Em không buộc thắt lưng thon nữa Thả búp tròn căng nuột ấy… ơi! Nguồn sống tuôn thơm nhựa ứ đầy Một chiều khổ cực bốn chiều say Đã phanh yếm mỏng thì quăng hết Những nếp xiêm hờ giả bộ ngây (tập Lá Diêu bông, tr. 76) Trong dự cảm huyễn dục, Hoàng Cầm cao hứng:
Lệnh tám cõi tốc xiêm y chới với Sững mình em vùn vụt hút lên xanh (tập Lá Diêu bông, tr. 83) Dục tính trong thơ Hoàng Cầm táo bạo lắm, thì cũng đến vậy thôi. Không có cái rạo rực dồn nén như trong Gái quê của Hàn Mặc Tử; nhục cảm ở đây, có lúc chỉ là phương diện cho Hoàng Cầm làm một câu thơ hay và lạ. Dù ý có suồng sã, lời vẫn trau chuốt, có khi trang trọng, chứ không có ý bông đùa như Bùi Giáng. Về mặt này, tôi đã trích dẫn nhiều thơ anh mà ít bình luận – vì thơ anh tự nói lên được phong cách và nội dung. Lời bàn - về dục tính – e rằng dung tục một cách không cần thiết. Hoàng Cầm là người làm thơ có ý thức rất rõ và rất cao về thiên chức của mình. Thơ phải nâng cao tình người và làm đẹp cuộc sống. Ngoài ra anh không phục vụ một ý đồ nào khác cho bản thân hay cho thời thế. Nếu một lúc nào đó có bài nọ bài kia phù hợp với một giai đoạn lịch sử, thì bất quá chỉ là những bước không hò hẹn, đã bước trùng nhau một ngả đường như lời thơ Huy Cận. Hoàng Cầm làm thơ liên tục nhưng rời rạc trong hơn năm mươi năm. Những bài thơ xiêu lạc như những chiếc lá lìa cành:
Rồi lại chiều mai lại sớm kia Lá không in dấu phận xa lìa Cứ lang thang phố nhờ cơn gió Nhè nhẹ sang hè rẽ lối khuya (tập Lá Diêu bông, tr. 76) Với anh tôi muốn làm cơn gió Lùa những lưu ly lại Cội Về Lá bao nhiêu lá mai về đất Đường mê thân gió vẫn tê tê (tập Lá Diêu bông, tr. 76)
Nguồn: Diễn đàn (Paris) số 24, tháng 11.1993 (Phần I: Cây tam cúc), số 25, tháng 12.1993 (Phần II: Anh đưa em về Sông Đuống), số 27, tháng 2.1994 (Phần III: Mùa Thu toả nắng) và số 28, tháng 3.1994 (Phần IV: Men đá vàng)


III. Mùa Thu tỏa nắng Nguồn thơ Hoàng Cầm róc rách qua phong cảnh quê hương khi vướng vào kỷ niệm, một nhan sắc, bỗng ngời lên thứ ánh sáng diệu kỳ, bao la, ngây ngất:
Ai về bên kia Sông Đuống Có nhớ từng khuôn mặt búp sen Những cô hàng xén răng đen Cười như mùa thu tỏa nắng (“Bên kia Sông Đuống’’, tr. 31) Dịu dàng, đằm thắm và trong sáng, nụ cười ánh lên đôi mắt; dù rằng câu thơ không nói gì về đôi mắt, ánh nắng và mùa thu vẫn tỏa ra từ cái nhìn hồn nhiên, đôn hậu, ngời niềm hạnh phúc ấm và sáng, lên đời sống nông thôn ảm đạm, xa xăm. Câu thơ sáu chữ đã xuất hiện từ lâu, từ trước thời Nguyễn Trãi, nhưng không thông dụng về sau; nhịp thơ tự do và khoan thai, nhẹ nhàng, cởi mở. Bốn âm bằng liên tiếp, trầm lặng và cởi mở, cười như mùa thu, chợt lóe lên tia sáng sắc cạnh của hai âm trắc tỏa nắng. Tia nắng bất ngờ nhắc chúng ta nhớ lại ánh nắng cuối thu đầu truyện Đôi bạn của Nhất Linh: “Ở ngoài, như ý mong ước của trúc, trời bỗng nắng to’’. Về cô hàng xén, Thạch Lam đã có một câu thật quyền: “Các cô hàng nước, cùng với các cô hàng xén, kĩu kịt đi chợ Đông, chợ Đoài, là cái tinh hoa thuần túy của người Việt Nam từ xửa từ xưa đến giờ’’ [1] Tinh hoa người Việt… Lời ca ngợi tùy hứng có phần quá đáng, vì hình tượng cô hàng xén chỉ xuất hiện trong văn học Việt Nam trong một giai đoạn ngắn, phản ánh thời kỳ quá độ trong xã hội nông nghiệp đang bắt đầu hướng về thành phố, vừa chuyển hàng đi, vừa nhận hàng đến, qua cô hàng xén. Hình tượng cô hàng xén trong thơ Hoàng Cầm bắt nguồn từ nhiều tình cảm sâu xa. Thân mẫu Hoàng Cầm là một cô gái quan họ và một cô hàng xén. Những cô gái Kinh Bắc kết bạn quan họ giữa những mùa đồng áng và hội hè, thường rủ nhau đi buôn bán, và các cô thường hát:
Đi buôn khắp cả phố phường Tôi buôn chẳng được lạc đường về chợ Đồng Xuân [2] . Thân mẫu Hoàng Cầm bán vì sinh kế, đôi vai trĩu nặng đôi bồ, chăm chút nuôi con ăn học, và hình ảnh bà cụ (1891-1961) vẫn thường xuất hiện trong thơ:
Bên kia Sông Đuống Mẹ già nua còm cõi gánh hàng rong Dăm miếng cau khô Mấy lọ phẩm hồng Vài thiếp giấy đầm hoen sương sớm. (“Bên kia Sông Đuống’’, tr. 31) Bóng dáng bà mẹ quê thấp thoáng trên những đường làng quạnh vắng, bước cao thấp bên bờ tre hun hút, hoặc trên những chuyến đò ngang miệng hé hạt na nhòa bến vắng, làm nhớ đến một bà Tú Xương chưa xa xôi lắm, và câu thơ Lưu Trọng Lư:
Nét cười đen nhánh sau tay áo Trong ánh trưa hè trước giậu thưa. Ta có câu ca dao Yêu người yêu cả đường đi. Đơn giản và chân xác. Bóng dáng cô hàng xén trên Đường đê chợ Trầm sang mùa tu hú đã chồng lên hình ảnh cô gái quan họ:
Đêm hội Lim về đê quai rảo bước Đuổi tà lụa nhạt ánh trăng đầm ấm đường sương … Em về đồng chiêm đất rạn chân chim Em đi mưa ngâu nước ngập đồi chè … Chân Em dài đi không biết mỏi Má hồng em lại nổi đồng mùa nước lụt mông mênh (“Bên kia Sông Đuống’’, tr. 64) Đường tình không tuổi theo trời đất chuyển màu, từ đồng chiêm đất rạn qua đồi chè nước ngập. Bước chân mẹ còn đê mê cát mịn lại phải bấm sâu vào đường trơn mưa lạnh. Xuôi ngược dọc ngang, những nẻo đường trong thơ Hoàng Cầm hẹn hò nhau ở một ngã ba: đường đến nhau và đường tìm về. Hai con đường ấy, đều Về với ta. Người phụ nữ nông thôn Nàng thơ của Hoàng Cầm là những phụ nữ lao động, lam lũ cật lực. Gánh hàng xén còn là lao động nhẹ, có được gánh hàng thì chưa phải là nghèo. Đất quan họ không phải là nghèo, nhưng vẫn có những người cùng khổ. Chúng ta rình nhìn trộm cô gái Tắm đêm, một đêm trăng, tung tóc gội gầu trăng nước giếng. Ta sẽ đau lòng thấy thân thể cô gái đầy vết sẹo:
Em gánh gạo về nhà phú hộ Nứt vai thành sẹo lá lan đao Em chở nứa sang bờ duyên phận Tay đóng bè chân xuôi thác ghềnh Tuổi đã rách vá gì cho kịp Da mở đông tuốt sẹo ngang thân … Phấn mùa trăng thoa mờ sẹo tuổi. (Bên kia Sông Đuống, tr. 83) Trên đời không gì đẹp và quý bằng thân thể người đàn bà. Và những vết sẹo do lao động hay roi vọt cứa ngang vạch dọc kia là những nhục nhằn chung cho nhân loại. Người phụ nữ lam lũ và tất tả vẫn giữ nét duyên dáng:
Tàu cọ em che đàn gà mới nở Em vực bê vàng lửng dáng chiều xanh Đắp con đê quai sóng soài đất đỏ Trận mưa vừa rồi không rụng hoa chanh … Một tay em che ngọn đèn bạt gió Một tay quấy nồi cám lợn kê vàng Như đêm đêm tay kia ôm bé ngủ Tay này thắp hương… dế thức quanh tường (“Vợ liệt sĩ’’, Mưa Thuận Thành, tr. 2) Nói đến người phụ nữ Việt Nam, không thể chỉ dừng lại ở làn môi khóe mắt, mà phải nhắc đến mồ hôi nước mắt, những vất vả và thiệt thòi. Điều ấy, nhà thơ chỉ thì thầm, nhưng vẫn rõ giọng. Người phụ nữ hiện lên dịu dàng trên nền trời quê hương, giữa tiếng ếch nhái, ếch ương, chẫu chuột, tiếng chim bạc má, cú vọ tu hú, bồ các, chìa vôi, cạnh con mèo mướp trong xó bếp, cánh chuồn chuồn, châu chấu, bươm bướm, đàn kiến lửa ngoài sân, cái giun đất lòng thòng mỏ con gà trụi, giữa những cành ổi, cành nhãn, cành chanh, ngọn bí lông tơ hoa xoan lả tả và bao nhiêu hình ảnh thân thương khác. Người phụ nữ trong thơ Hoàng Cầm không quyến rũ vì nhan sắc nhưng đáng yêu và đáng nhớ qua bóng dáng, linh hoạt, năng nổ, tận tụy và cam phận:
Tiếng hát theo em đi vớt bèo Em vớt được mấy chùm sao sáng Vớt đôi mắt nhìn theo … Tiếng hát theo em đêm về xay lúa Cối xay tròn biết thuở nào xong Tai cối đuổi nhau mãi mãi Biết bao giờ nên vợ nên chồng? (Bên kia Sông Đuống, tr. 102) Thơ về lao động, hiện thực và lao động tình tứ như vậy xưa nay không nhiều lắm đâu. Thỉnh thoảng lắm ta mới gặp ở Nguyễn Bính:
Ví chăng nhớ có như tơ nhỉ Em thử quay xem được mấy vòng Ví chăng nhớ có như vừng nhỉ Em thử lào xem được mấy thưng Thường thường, những cô gái lầu hoa, người em sầu mộng… dễ đẹp dễ thơ hơn người phụ nữ ngày ngày vật lộn với thực tại. Và làm thơ, đọc thơ là để quên thực tại, chủ yếu là lao động, do đó, thơ hay về người phụ nữ lao động hiếm và quý. Và khó làm. Trong xã hội phong kiến, nghèo khó dễ tạo ra đau thương. Thảm kịch người đầy tớ:
Người ở gái trót mê anh đánh cá Cụ Tiên đuổi ra khỏi làng Nửa đêm ùm một tiếng Nước lạnh khép mặt người (Bên kia Sông Đuống, tr. 110) Hay cô gái bị bức bách lấy lẽ nhà giàu, mảnh gương rạch ngang cổ, chết rồi còn bị xã hội lên án:
Sai lấy mo cau Úp xuống mặt người chết Cho manh chiếu bó xác Chôn ngay đầu làng Trên mồ cắm một thanh tre Đề bốn chữ “vô luân vô đạo” (Bên kia Sông Đuống, tr. 111) Xã hội phong kiến, khe khắt và bất công, nghiền nát những mối tình và những giấc mơ:
Chúng ta yêu nhau có tội tình gì Phải đến giữa đình trói ngả vạ (Bên kia Sông Đuống, tr. 73) Có những cặp tình nhân đói nghèo chẳng được sánh đôi, những chàng trai nghèo đói phải xa quê, những phụ nữ nón quai thao úp bụng, khăn gói lìa quê… Quê Kinh Bắc của Hoàng Cầm nổi tiếng là nhiều hội hè, đình đám, nhiều dịp vui giải trí cho nhân dân… Nhưng trong thực tế, những cuộc vui chơi, hào nhoáng và ồn ào không bù đắp được nhiều nỗi buồn riêng và những khó khăn của cuộc sống. Người nông dân cơ cực mua vui mang thân phận cây pháo:
Chuỗi pháo đùng thèm bay bùng giấy đỏ liều thân (Bên kia Sông Đuống, tr. 102) Hoàng Cầm làm thơ ca ngợi quê hương và cuộc sống. Nói chung thơ anh lạc quan vì tin vào cái đẹp, cái tốt, tin vào hạnh phúc, nhưng vẫn mang nhiều nét buồn đau. Từ đó, thơ anh nhiều giai điệu và giàu nhân tính, chịu sự đọc lại và lọc đãi. Ngôn ngữ khúc mắc, có lúc cầu kì lại càng làm nổi bật chất trí tuệ - một chất trí tuệ nhuần nhuyễn tình cảm, thường quay về quá khứ. Thơ Hoàng Cầm là lẵng hương thầm của những cành hoa xa vắng. Noël 1993
[1]Thạch Lam, “Hàng nước cô Dần’’ trong Hà Nội ba mươi sáu phố phường[2]Dân ca quan họ Bắc Ninh, nhiều tác giả, nxb Văn học, Hà Nội, 1962, tr. 17. Đọc thêm: Quan họ, nguồn gốc và quá trình phát triển, nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1978.
Nguồn: Diễn đàn (Paris) số 24, tháng 11.1993 (Phần I: Cây tam cúc), số 25, tháng 12.1993 (Phần II: Anh đưa em về Sông Đuống), số 27, tháng 2.1994 (Phần III: Mùa Thu toả nắng) và số 28, tháng 3.1994 (Phần IV: Men đá vàng)


IV: Men đá vàng Một lời quan họ bay lên dốc Năm 1956 Hoàng Cầm sáng tác và in tập thơ Tiếng hát quan họ. Thời gian này anh phụ trách bài vở cho Giai phẩm mùa Xuân, đã tìm ra và tự ý cho đăng bài thơ “Nhất định thắng’’ của Trần Dần, ngòi thuốc nổ vụ án Nhân văn-Giai phẩm về sau. Trần Dần bị bắt, Hoàng Cầm viết hồi ký Con người Trần Dần để bênh bạn đăng trên báo Nhân văn số 1 giữa tháng 9. 1956. Bài báo khá dài, phản ánh không khí văn nghệ, chính trị thời đó, đã được Georges Boudarel dịch trọn vẹn ra tiếng Pháp [1] . Sau đó, Hoàng Cầm còn có bài thơ “Em bé lên sáu tuổi’’ (1956) và vở kịch thơ Tiếng hát (1957) nổi tiếng vì tính cách phản kháng. Nhắc lại chuyện cũ để tìm hiểu động cơ của tác giả khi làm tập thơ Tiếng hát quan họ, lấy một chủ đề cũ để làm một tập thơ mới, trong không khí đấu tranh chính trị thời đó. Về hai tập Giai phẩm, Hoàng Cầm đã “tự hào’’: “Tuy chưa phải là những sáng tác xuất sắc, nhưng ít ra nó cũng nêu được một vấn đề gì. Có vấn đề xã hội trong thơ Văn Cao, có vấn đề chống công thức trong thơ Lê Đạt (…) Bài thơ ‘Nhất định thắng’ của Trần Dần ít ra nó cũng khác với lối làm thơ một chiều…’’. [2] Thế còn Hoàng Cầm, người đã có tập thơ in chung với Văn Cao, Lê Đạt, Trần Dần? Tiếng hát quan họ, ngoài giá trị tâm cảm, nhất định phải có giá trị phản kháng. Về tâm cảm, Hoàng Cầm sinh ra trong một gia đình quan họ, lớn lên trên quê hương quan họ, tập thơ ca ngợi một khía cạnh đặc sắc trong một vùng văn hóa. Nhưng tiếng hát còn là hình tượng: nó biểu dương cho nền văn nghệ tự do, bình đẳng, độc lập trước chế độ xã hội phong kiến. Thời điểm đầu 1955, Hoàng Cầm đòi quyền độc lập đó, trong một “đề nghị chính sách văn nghệ’’ [3] và tố giác thứ văn chương cung đình:
Vịnh người đi cày bằng đá Không nói năng gì sau đuôi trâu (Bên kia Sông Đuống, tr. 107) Đây là một khuynh hướng quan trọng trong thơ Hoàng Cầm, chúng tôi chưa đào sâu, không phải là vì không thấy hay né tránh, nhưng vì khuôn khổ và tính cách của bài viết. Tôi sẽ trở lại vào một dịp khác. Tiếng hát quan họ nêu lên vai trò, tính cách của văn nghệ trong cuộc sống. Trước hết, nó nhận làm một thành phần nhỏ của cuộc đời:
Chép hết bài ca chưa hiểu hết lòng người Dựng được bài ca chưa xây dựng cuộc đời (Bên kia Sông Đuống, tr. 117) Nhưng nghệ thuật làm cho cuộc sống cao lên, rộng ra và đẹp hơn:
Tiếng hát quan họ Và trai gái quê tôi trẻ đẹp vô cùng Nhảy khỏi vòng nia Nhảy sang vòng nong Từ hòn dá ném ao vòng tròn rộng mãi … Vòng nhỏ Vòng to Đến vòng nào nữa Chân mây mở rộng từng mùa (Bên kia Sông Đuống, tr. 118) Cuộc đời là những vòng tục lụy, có thể quy định như những vòng nong, vòng nia hay vô định và bất tận như khi ta ném hòn đá xuống ao. Nghệ thuật giúp con người nới rộng những vòng nghiệp chướng. Vòng nong, vòng nia là hình ảnh của nông thôn mà nhà thơ đã tích lũy: động tác nhảy khỏi, nhảy sang nhắc lại cảnh múa sạp của dân tộc Tây Bắc mà Hoàng Cầm đã dày công nghiên cứu và cải biên thành nghệ thuật trình diễn chuyên nghiệp, thời anh chỉ huy Đoàn văn công Tổng cục chính trị. “Tôi đã nâng số lượng sạp từ 2 lên 8 cây, từ 2 diễn viên gõ sạp lên 8 và từng đoạn luân phiên với diễn viên múa, vào nhảy để 8 anh chị em khác ra ngồi gõ. Sau chiến thắng Na Sản Tây Bắc 1953 tôi lại bổ sung (…) Toàn bộ tiết mục đã trở thành một khúc vũ hội tưng bừng (…) Múa quạt ở vùng xuôi hòa với múa xòe ở Tây Bắc, lượn của Đông Bắc quyện cả với múa nón của Trung Du (…) không nét nào trùng lặp với nét nào; các đường cong, nghiêng, thẳng của hình thể, phải đi đứng khuôn nhịp, không một đường uốn lượn nào được phép trật nửa bước ra ngoài”. [4] Nghệ thuật ở đây tạo điều kiện cho con người nhảy khỏi vòng nia, nhảy sang vòng nong của cuộc sống. Quan họ cũng vậy thôi, là một nét đẹp xưa, quyến rũ và mong manh:
Mẹ kể chuyện ngày xưa xa lắm Tháng tám ao hồ mát lặng Làng quê còn níu lại hương sen Hai mươi gái trai Thả một con thuyền Song song mười đôi Mắt nhìn trong mắt Nón nghiêng tăm tắp Ngày mai ai chắc được gần ai Bấy nhiêu con mắt Cùng hát một câu Nghe giọng biết người chung thủy (Bên kia Sông Đuống, tr. 98) Quan họ, trước tiên, là tình bạn. Có gì đẹp bằng tình bạn thủy chung ? Đôi bạn quan họ không được kết hôn với nhau. Năm mười năm sau khi đi lấy chồng xa, cô gái vẫn nhớ giọng, người gầy như nhánh mai:
Rồi chị Tư tay bồng tay bế Mỗi năm một lần về quê hương Đến thăm anh Năm so giọng cũ Hát hết tuần trăng không hết thương (Bên kia Sông Đuống, tr. 103) Đẹp bao nhiêu những con người chung tình với một giọng hát, ngọn gió qua cầu:
Mẹ xưa dối bà, con nay dối mẹ Tình không dối được nhịp cầu (Bên kia Sông Đuống, tr. 100) Làm thơ, rất khó mà nói dối được lâu. Cuộc đời, ở đâu, thời nào cũng vậy, đan kết những tranh chấp, bon chen. Tiếng hát quan họ giải thoát: so lời sánh giọng, người hát không nề hà hai chữ được thua:
Hát thi ba mươi sáu giọng bổng trầm Tìm những anh chàng hát thua … Chúng ta sẽ ướm làm chồng Ngày hội năm sau Anh sẽ bắc giàn hoa lý Mời em về ngồi nghỉ Khi nào em hát thua anh (Bên kia Sông Đuống, tr. 99) Nghệ thuật, trong một giây lát nào đó, giải phóng con người nhọc nhằn và nhục nhằn, ra khỏi xã hội phong kiến đen ngòm:
Trai gái trong xã Rút ống chân khỏi mực đen ngòm Chạy ra bến sông khỏa ánh trăng mát rợi Tiếng hát cất lên nhuộm mùi hoa bưởi (Bên kia Sông Đuống, tr. 109) Câu thơ Hoàng Cầm không hiện thực, không đúng với thực tế quan họ xã hội. Không ai thoát thân chạy ra bờ sông mà hát. Hát quan họ phải có nơi, có lúc, vào đám, vào hội, theo nghi thức, theo lề lối, áo khăn, lời thưa tiếng gửi, làm gì có chuyện hát ào ào, chân khỏa ánh trăng. Nhưng câu thơ đúng với biểu tượng văn nghệ: nhiệm vụ văn nghệ là giải phóng con người ra khỏi áp bức của những chế độ hay những hoàn cảnh, thực tại éo le. Trong chừng mực nào đó, quan họ giải phóng giai cấp: cô gái quan họ dù có lúc trở thành Ỷ Lan phu nhân hay Bà chúa Chè thì bản thân quan họ vẫn khẳng định “Tiếng hát không biết đi võng đào” và công phá những thành lũy của phong kiến:
Tiếng hát chiều nay đá lắng tai nghe Muốn cựa mình đổ xuống Nghiến vụn tòa lầu ngất ngưởng Xây nên trăm bực gập ghềnh Để em có đường lên núi tìm anh (Bên kia Sông Đuống, tr. 114) Vẫn là cái nhìn lý tưởng hóa. Tách rời ra khỏi xã hội, trong khuôn khổ những hội hè, tiếng hát quan họ giải phóng con người về nhiều mặt - kể cả giai cấp. Những liền anh liền chị là những nông dân hay thị dân nghèo kết nghĩa bằng nghệ thuật, không phân biệt địa vị. Giới khoa bảng, quan lại và tư sản không tham dự vào những sinh hoạt dân dã, bình đẳng và phi giai cấp ấy. Người hát kết bạn, luyện giọng, tổ chức, sáng tác, trình diễn, thưởng thức và phê phán, làm thành một xã hội khép với những lề lối, quy luật, tư duy, rung cảm riêng: quan họ là một ốc đảo giữa xã hội nông nghiệp phong kiến, và tồn tại lâu dài, phần nào, nhờ thỏa hiệp. Hoàng Cầm cũng thừa nhận điều đó khi anh tố cáo gay gắt xã hội phong kiến qua cụ tiên chỉ gian xảo và tàn ác. Văn nghệ quan họ có giá trị nhất định và giới hạn nhất định. Nếu xem thơ Hoàng Cầm là niềm u hoài, vọng lại một nền văn hóa đã vang bóng, thì chúng ta có được nhiều bài thơ hay, giữ lại và truyền đi những tình hay ý đẹp về quê hương đất nước. Nếu xem Tiếng hát quan họ như một hoài bão thậm chí một thông điệp văn nghệ, thì chúng ta cần cập nhật hóa nó, bằng nhiều tác phẩm khác. Thời điểm gian nan 1956 tại Hà Nội, Hoàng Cầm làm được những bài thơ như vậy là đầy sĩ khí. Tôi không tiện nói nhiều về khuynh hướng phản kháng trong Tiếng hát quan họ vì không hạp với nội dung bài này. Từ ấy đến gần đây, dù bị cô lập và cấm đoán in ấn, anh vẫn âm thầm sáng tác và tạo được tác phẩm giá trị, làm giàu làm có cho dòng thơ Việt giữa hai bờ truyền thống và hiện đại. Bằng tác phẩm và bằng cả cuộc đời, tác giả Bên kia Sông Đuống đã đóng góp vào cuộc đấu tranh giải phóng văn nghệ, mãi cho đến lúc “nghe lửa reo mòn tuổi tác’’. Men đá vàng: những mảnh đời rạn vỡ Men đá vàng là tập thơ có sắc thái và địa vị riêng biệt trong tác phẩm Hoàng Cầm. Truyện thơ về người thợ gốm Bát Tràng làm năm 1973 in 1988, gồm phần dẫn nhập bằng văn xuôi thi vị, 13 trang và 4 chương thơ tự do, diễn tả tâm tình bốn nhân vật, ba người thợ gốm: cô gái Phong Kiều, người chồng, người cha và một người bạn đục đá. Truyện kể người chồng mê chơi đi hoang, người vợ chờ mong hóa đá. Chồng về hối hận khóc than, nước mắt thấm vào thân đá, bộ đá hòa lệ thành men đá vàng, người cha nghệ sĩ tạo hình nung lửa tạo nên gốm, trên đó cô gái Phong Kiều hồi sinh dưới hình tượng nghệ thuật: “Từ chiếc bình men rạn nổi hình con phượng muôn màu, ngậm mặt trăng nghiêng, cô gái Phong Kiều vươn vai đứng dậy (…) Trong bản tình ca hòa tấu tuyệt diệu của âm thanh, màu sắc, đường nét núi sông cây cỏ, Phong Kiều múa rẻo bàn tay làm hoa mưa hoa nắng. Cụ Hồng Châu đắm nhìn công trình sáng tạo tuyệt vời của con người Việt Nam và của chính mình” (tr. 20–21) Dụng tâm tác giả khá rõ: một mặt ca ngợi nghệ thuật làm gốm lâu đời của quê anh, qua đó, anh nêu lên quá trình gian khổ của lao động nghệ thuật. Mặt khác, anh muốn dựa vào hư cấu đậm màu huyền thoại để thí nghiệm một ngôn ngữ thi ca mới, bằng cú pháp, nhịp điệu và hình ảnh khác lạ khi dồn hết tâm can vào việc kiến tạo ngôn ngữ, Hoàng Cầm cũng đã giãi bày nhiều tình cảm riêng tư: Men đá vàng có lẽ là tác phẩm Hoàng Cầm mang nhiều ẩn ức và u uất nhất. Trong việc suy nghĩ, biên khảo về thơ trước đây, trong một thời gian dài đã xa, tôi có chịu ảnh hưởng nhà bác học Gaston Bachelard, về những mạch thơ tuôn ra từ thể chất, từ không gian, từ tứ tượng trong vũ trụ quan phương Tây: đất, nước, lửa và không khí. Khi đọc thơ Hoàng Cầm về nghề gốm, tự nhiên, tôi nhớ lại Bachelard: gốm là hợp thể giữa đất và nước, thành hình trong ngọn lửa bừng trong không khí. Bachelard lại có những trang tuyệt vời về ngọn lửa tình và lửa dục [5] thêm vào những suy nghĩ sâu sắc, độc đáo về thao tác khuấy bột, gột hồ, nhào bột, dậy men [6] . Gốm, từ vô thể biến thể thành hình thể, từ chất liệu vô tri hóa thân trong ngọn lửa trở thành đường nét, màu sắc, mang tâm tình, suy tư, mơ ước của con người. Đẹp quá. Tôi mang ngọn lửa trần gian soi vào thi phẩm Men đá vàng. Tôi cũng có ít hành trang khác. Trong Về Kinh Bắc, Hoàng Cầm đã có những chùm thơ về lữ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Lại có chùm thơ về thực vật: cỏ, cây, lá, quả về không gian: Gió, Nước, Khói, Sương, chứng tỏ có lúc nào đó, nhà thơ đã suy nghĩ về chất liệu, tư duy từ chất liệu. Trong cội nguồn thi hứng của anh, phải chăng đã có những giấc mơ thành hình từ thể chất, như Bachelard đã nói? Và khi chọn nghề gốm để biểu trưng cho nghệ thuật, phải chăng lúc đầu – hay trong tiềm năng - Hoàng Cầm muốn tìm về những chất liệu sơ khai và “ánh lửa sơ sinh’’ để nhào nặn nên một tác phẩm mới? Nghề gốm Bát Tràng là cơ hội lý tưởng, là truyền thống của quê hương mà anh thuộc lòng ngõ ngách. Nghề gốm đòi hỏi cần lao, kỹ thuật, nghệ thuật và … may mắn, vì những thành quả bất ngờ gợi nên cõi huyền bí của thiên nhiên, chiều sâu tạo vật. Hòn đất vươn lên theo ngọn lửa, hóa thân thành chim muông, hoa lá, những rồng chìm phượng nổi, “màu son của đất pha ánh biếc của nước non (…) màu vàng của ngô lúa pha ánh hồng của những rạng đông huyền thoại’’ (tr. 18). Có cả tình yêu và tình dục bập bùng trong ánh lửa. Cô gái Phong Kiều, hình ảnh hoang tưởng của Nàng Thơ âu yếm với ba người đàn ông cùng một lúc, cầm tay người chồng đã “ngày đêm canh sức lửa”, kề vai người bạn thợ đá, “ôm cả hai vai anh, run rẩy đặt môi hôn lên vầng trán’’, và “đằm thắm nở nụ cười quyến rũ’’ (tr. 21) với chàng tuổi trẻ ái mộ nàng trên con đường đi tìm tình yêu và nghệ thuật. Muốn đạt tới kết quả đó, bàn tay thao tác đã tư duy. Trí tuệ có khi chỉ nối dài tư duy của bàn tay. Nhào nặn thể chất, rung cảm bằng thể chất, bàn tay tiếp xúc, khám phá, mơ mộng và sáng tạo ngoài sự tham dự của trí tuệ. Đây là bài học của người thợ gốm “mười ngón tay chai tạc vó ngựa vàng cố lý’’. Một tiểu phẩm thủ công, khi vươn đến nghệ thuật cũng đòi hỏi tâm huyết:
Xương đất quánh ngà ngà pha lệ đỏ Buồng gan hồng thạch Dạ kim cương … Nghe lửa réo lò hồng em níu vai anh mê ly từng li ti mi li đất chín (Men đá vàng, tr. 32-34) Đến lúc người cha nghệ sĩ tạo hình truyền lệnh: Men màu đâu? Lên ngôi! Men nâu lên nình nịch vóc lực điền vuông ngô lúa tròn ao cá chép vuông màu xanh tròn tiếp mùa vàng … Men rạn lên ngôi tia máu đan mành che bão táp Nẻo người đi chằng chịt mấy muôn năm ngang dọc nước sông Hồng (Men đá vàng, tr. 46-48) Từ chuyện gốm Bát Tràng, Hoàng Cầm đã sa đà vào phong cảnh đất nước quê hương,qua địa lý, lịch sử, cho Văn Lang, Hồng Bàng, lớp lớp cánh cung căng mùa dân tộc hát, tiếng trống đồng Ngọc Lũ vang đến Sao Đẩu Sao Ngưu… Nhưng anh mỗi lúc một xa chủ đề trung tâm, là… cái lò nung gốm. Truyện người thợ gốm lẽ ra sẽ giản dị là chuyện hai bàn tay tạo tác, đào luyện, nhào nặn, nung đúc một chất liệu dẻo dai, gắn bó, bền chắc keo sơn, thành những đồ sành đồ sứ men ngọc men nâu nổi tiếng từ thời Trần thời Lý. Nhưng người đọc không thấy được sự hình thành của nghệ thuật qua những tác phẩm vững chãi, rắn rỏi với thời gian, mà chỉ thấy sau nhiều đợt hô phong hoán vũ, những chia ly, tan tác chủ yếu là tâm sự Hoàng Cầm, người cha xa con, người chồng ân hận, người bạn hồi tâm. Những tình cảm đó đáng kính đáng trọng, lời thơ tế nhị hơn những bài tâm sự sau này trong tập Lá diêu bông (1993), những vẫn làm loãng men đá vàng trong chủ đề. Hoàng Cầm yếu đuối, lạc đường vào tâm sự và lỗi hẹn với Đá Vàng; anh làm lỡ cuộc tình bỏng rát giữa lửa hồng và đất mịn. Điều còn lại trong Men đá vàng sẽ là niềm nhớ mong da diết của người cha:
Thương con đứng thương đá vàng men gọi ngồi thương Con hỡi Phong Kiều về đó Men màu mơ giọt đỏ đọng lòng tay rớm máu mẹ cha sinh Thương con chín thương đá vàng men gợi mười thương Con hỡi Phong Kiều về đó (Men đá vàng, tr. 50) Hay bản tình ca tha thiết của người yêu:
Đá hãy lên men Nổi khúc tiêu bồng cánh nhạn Em nhớ thương ai Ta làm mưa đưa trầm ngải Trải ngàn xanh về hàn đắp hồn đau Sớm đã da non hồng phấn dậy thì Em xót thương ai Ta làm ánh chớp (…) dìu sợi tóc mai về thềm mai lất phất Em mong chờ ai Ta làm rơm ổ Chiều thu ru lá đỏ ấm vai gầy (Men đá vàng, tr.60) Men đá vàng mong được hiểu theo nghĩa thứ hai: lớp men nhớ nhung tráng lên kỷ niệm đau thương những cuộc đời tan tác, hơi men đắng cay bốc lên từ cảnh đá nát vàng phai, bình tan gương vỡ. Men đá vàng khô se manh áo tân hôn cuối giường em gửi lại (tr. 39). Tác phẩm là những mảnh tan vỡ của ngôn từ, rạn nứt từ cuộc đời ngang trái. Noël 1993
[1]Geoges Boudarel, Cent Fleurs écloses dans la nuit du Vietnam, Nxb. Jacques Bertoin, Paris 191, tr. 26 đến tr. 46.[2]Hoàng Cầm, “Con người Trần Dần’’, Nhân văn số 1, từ 10 đến 20 tháng 9.1956, Hà Nội, tr. 2 và 4.[3]Hoàng Cầm, bđd. [4]Hoàng Cầm, “Tử Phác với điệu múa Sạp’’, Tạp chí Âm nhạc, Hà Nội số 4–1993, Xuân 1993.[5]Gaston Bachelard, La psychanalyse du feu, Gallimard, Paris 1949, chương 4[6]Gaston Bachelard, L’eau et les réves, Essai sur l’Imagination de la matière, José Cortl, Paris 1964, tr. 142–154
Nguồn: Diễn đàn (Paris) số 24, tháng 11.1993 (Phần I: Cây tam cúc), số 25, tháng 12.1993 (Phần II: Anh đưa em về Sông Đuống), số 27, tháng 2.1994 (Phần III: Mùa Thu toả nắng) và số 28, tháng 3.1994 (Phần IV: Men đá vàng)



==

No comments: