==
Trần Thịnh
Pa-ri một đêm Tết lạnh
(bút ký)
Gửi người bạn gái không tên
Tết năm ấy, tuyết về muộn, Pa-ri xơ xác giữa những hàng cây trụi lá. Người ta mong tuyết về cho bớt lạnh, bớt buốt. Nhất là đối với những người xa quê hương, họ trông ngóng tuyết như trông mưa những ngày nắng hạn. Trong giờ phút đợi tuyết, đợi Tết, trong con người tha hương có nhiều nỗi nhớ. Nhớ nhiều lắm! Họ thèm khát thú vị Tết của xứ sở. Có lẽ chưa lúc nào hình ảnh của những người thân yêu rộn ràng, xáo động trong người họ như lúc này. Càng nhớ nhà, họ càng mong tuyết chóng về cho bớt lạnh…
Hà Nội đêm nay lạnh quá. Nằm trong lòng thủ đô, Thanh muốn gửi những người bạn cũ ở ven sông Seine chút hương ấm của xứ sở. Thanh cũng không quên người con gái Pháp mà Thanh đã gặp trong một đêm giáp Tết, bên lề đường Pa-ri, năm tuyết về muộn.
Minh hoạ của N.
Pa-ri đêm ấy vắng, rét nhiều! Buổi liên hoan Tết ở nhà Tương tế tan đã lâu lắm rồi. Tiếng métro ỳ ầm đã tắt hẳn. Cả tiếng lè nhè sặc rượu của mấy chú ăn mày chuyên nghiệp quen thuộc cũng không thấy nữa. Gió lùa mạnh vào khe áo làm Thanh rùng mình. Chiến pipe nóng rẫy trên môi gần như không còn tác dụng gì đối với anh. Óc nghĩ lan man, Thanh bước đi như một con ngựa quen đường. Thanh bước vào một phố nhỏ thuộc xóm La-tinh đi tắt cho chóng đến nhà. Chợt từ trong một xó cửa tranh tối tranh sáng có tiếng gọi giật nho nhỏ bằng tiếng Pháp: “Ông, ông…”, tiếng gọi rụt rè như tiếng của một người con gái kiếm ăn đêm mới vào nghề. Thanh hơi nghi ngại, nhưng tiếng gọi yếu ớt, ngường ngượng có cái gì là lạ khiến anh dừng lại. Người con gái hơi ngập ngừng nhưng thấy anh dừng lại cũng từ từ bước ra khỏi xó tối nói với: “Ông, ông muốn…?”
Thanh lắc đầu từ chối. Khuôn mặt trái soan của người con gái có cái gì làm cho Thanh ngờ ngợ. Chị cũng chợt nhận ra ở Thanh có cái gì quen quen, vội cúi mặt xuống định quay đi. Thanh nói vội như cái máy: “Chờ tôi một chút”, nhưng anh cũng chưa biết anh sẽ làm gì. Anh ngây người ra đứng nhìn người đàn bà lạ lùng. Anh không nhớ rõ chị ở đâu nữa, nhưng hình như anh đã gặp khuôn mặt hiền hậu và dáng người nhỏ nhắn ấy nhiều lần những ngày đi lấy chữ ký chống bom nguyên tử và chiến tranh ở Việt Nam mấy tháng trước đây. Trời ơi! Sao lại có thể thế được? Anh đoán chừng chị đang gặp khó khăn nên mới làm công việc đáng tiếc này.
Chị từ từ ngửng đầu lên nhìn Thanh nửa hối hận nửa trách móc. Cặp mắt chị thâm quầng vì ít ngủ. Da mặt chị nhợt nhạt dưới ánh đèn. Trông chị co ro trong chiếc áo khoác dạ tím bạc màu mà tội nghiệp! Nói gì bây giờ chỉ làm chị thêm khổ. Thanh bảo chị cùng đi kiếm hàng cà-phê uống cho đỡ lạnh. chị rơm rớm nước mắt, không nói. Thanh đưa tay cho chị khoác. Chị lẳng lặng theo Thanh đi như một đứa em ngoan ngoãn. Chợt thấy bóng mấy tên cảnh sát nhô ra ở đầu phố rẽ về phía hai người. Chị hốt hoảng nép vội vào vai Thanh. Hai người lặng lẽ đi như một đôi tình nhân. Mấy người cảnh sát nhìn hai người xì xào rồi lại đi thẳng. Chị thở phào một cái như vừa thoát một tai nạn, nhìn Thanh cảm ơn kín đáo.
Gió thổi mạnh làm tóc chị xoã xuống mặt, chị lấy tay vuốt tóc rồi chậm rãi kể cho Thanh nghe. Giọng chị ngập ngừng, nức nở như không muốn nói hết. Trông chị thiểu não, khổ sở quá! Qua câu chuyện, Thanh biết chồng chị mất việc đã khá lâu, hiện đang bị ốm; chị phải nghỉ việc gần một tuần nay, đứa con đầu lòng ốm yếu vì thiếu sữa. Thanh không dám nói nhiều dù là để an ủi chị. Chị mới làm việc này lén lút từ bốn hôm nay. Nhưng chồng con vẫn ốm! “Bốn hôm nay!” Người Thanh nóng ran không biết là giận chị hay thương chị nữa! Đêm càng về khuya càng lạnh. Hai người tới trước quán cà-phê nhỏ. Sau một tách cà-phê nóng, Thanh đưa cho chị số tiền nhỏ còn lại và ngỏ ý muốn đưa chị về phía dãy nhà lù mù ở ven sông Seine. Thanh bắt tay chị, đầu nặng trĩu như vừa dự một phiên toà xử án nhiều người vô tội. Anh định tâm sẽ tìm gặp lại người con gái ấy, nhưng… Tết năm ấy tuyết không về và anh không còn gặp lại người con gái ấy nữa!
… Đêm nay, nằm trong lòng đất nước đón Tết, nghĩ tới Pa-ri, Thanh chợt nhớ đến người bạn gái xa xôi, không biết giờ đây chị có còn lang thang trên hè phố lộng gió hay đã về nằm ở nhà lục-sì Saint-Lazare? Thanh muốn gửi chị vài dòng nhỏ, hy vọng nó sẽ đến với chị bên cạnh hơi thở đều đặn của người yêu, trong một căn buồng có ánh lửa sưởi ấm, yên tiếng khóc của cháu bé đói sữa.
Hà Nội, tháng 12-1956
[1]Thứ cây tác giả gọi là “phong lan” ở đây (tên gọi không chính xác) có lẽ là cây thuộc loại “hoàng lan” (nên phân biệt với một loại cây thân gỗ khác gọi là cây “ngọc lan”); hoàng lan là cây thân gỗ, cao tới 4-5m, sống lâu năm, hoa gần giống hoa móng rồng, khi chín có màu vàng, mùi thơm, thường được các nhà trồng hoa ven Hà Nội trồng để lầy hoa bán, hoa hoàng lan thường là một trong các loại hoa chính trong mỗi gói hoa cúng của dân quê miền Bắc (talawas)
Nguồn: Sách Tết 1957, Nhà xuất bản Minh Đức, 1957.
SACH TẾT 1957
-
No comments:
Post a Comment