Wednesday, January 28, 2009

THẢO LUẬN THƠ VIỆT BẮC X

=


32. Ðông Hoài


Góp ý kiến về tập thơ Việt Bắc Ðọc xong bài của Hoàng Cầm (Văn nghệ số 67), tôi không có chủ định phê bình lại bài của anh, nhưng tôi thấy cần thiết nhận xét một vài khía cạnh của bài đó. Hoàng Cầm viết: "Vì nhiều bài thơ (của Tố Hữu) rộng quá, tổng hợp quá, "chính trị" quá, nên nó bao quát và tất nhiên trở nên chung chung đại lược. "Ta đi tới", ta đi khắp cả và nhất định ta đi tới thống nhất đất nước. Lời đẹp, ý đúng, tình cảm bay rộng khắp nhưng không xoáy chặt vào lòng người". Theo tôi, trong phạm vi văn học nói chung và thơ ca nói riêng, không thể có một tác phẩm hay một bài thơ nào có thể gọi được là "chính trị". Vì rằng nói tới nội dung của một bài thơ mà quên cái phần tư tưởng tính của nó đi, quên sự thúc đẩy của chủ nghĩa hiện thực đi, tôi e rằng không khéo sẽ bị rơi vào chủ nghĩa tự nhiên. Cái tư tưởng tính đó tức là lập trường chính trị của tác giả đã biến thành lập trường chính trị của con người, của sự việc ở trong tác phẩm. Có điều căn bản là khi diễn tả phải cho xác thực, đừng chụp mũ. Ðừng nghiêng về cảm tính, đừng xếch về lý tính. Nếu trong khi sáng tác (hay phê bình cũng vậy) mà để cho cảm tính lôi cuốn, thì dễ bị lệch lạc, nông cạn, tầm thường. Và nếu để cho lý tính lôi cuốn, thì dễ bị khô khan, công thức, giả tạo. Cân bằng được hai khả năng đó, tổng hợp lại, đó là sự thành công của văn nghệ.



Có nhiều bài thơ của nhiều tác giả không có cảm xúc gì. Ðó là những câu có vần có điệu chứa đựng một cách gượng gạo một ít lý trí để tuyên truyền sống sượng. Theo tôi, thì đừng nên gọi những bài đó là "chính trị quá" mà gọi những bài đó là "lý trí quá", là "không phải thơ". Như thế đúng hơn. Tôi nói tới ý thứ hai: "Nhiều bài thơ rộng quá, tổng hợp quá, nên nó bao quát và chung chung đại lược". Tôi bỗng nhớ tới gần đây người ta hay nói tới "đề tài to" với "đề tài bé". Một số người thích đi tìm những đề tài bé nhưng lại nói lên một cái "ý vĩ đại". Và tới nay Hoàng Cầm lại phê bình các đề tài của Tố Hữu là rộng quá, bao quát quá, chung chung đại lược. Theo tôi, chớ nghiêng về bên nào. Hãy tìm ở những cảm xúc thực của mình mà viết. Có gì viết nấy, có to viết to, có bé viết bé. Ðừng "nặn" hoặc "đẻ" ra một cái gì mà mình không có cảm xúc. Ðề tài to, đề tài bé, được cả, miễn là nó gợi cảm, miễn là nó có giá trị văn học. Cụ thể là nó có tác động mạnh, góp phần đắc lực vào cuộc chiến đấu chung. Trong văn học Việt Nam thiếu gì bài đề tài lớn, thí dụ như bài “Ðoạt giáo Chương Dương độ” của Trần Quang Khải, bài “Hịch tướng sỹ” của Trần Quốc Tuấn, bài “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi cũng "chung chung đại lược" nhưng là những tuyệt bút để lại cho đời sau. Phê bình “Ta đi tới” Hoàng Cầm viết: "‘Ta đi tới’ và ‘Hoan hô chiến sỹ Ðiện Biên’ giống như một vại nước to, đầy tràn pha loãng một mầu sữa. Loãng quá, tôi thèm một cốc dù nhỏ thôi nhưng chan chứa những chất nuôi sống tâm hồn". Tôi không nói tới bài ‘Hoan hô chiến sĩ Ðiện Biên’ là bài tôi cũng cho là không hay. Còn bài ‘Ta đi tới’ mà Hoàng Cầm bảo là một vại nước loãng, thì lạ thật. Vậy nếu theo Hoàng Cầm thì cần thêm "chất" gì để cho vại nước đó đặc? Hoàng Cầm bảo "thèm một cốc dù nhỏ nhưng chan chứa những chất nuôi sống tâm hồn". Tôi thấy câu nói của Hoàng Cầm trừu tượng lắm. Theo tôi, trong thơ ca chỉ có những tình cảm lớn mới nuôi sống tâm hồn, mới làm cho người ta yêu đời, ham sống, thích chiến đấu. Chỉ có những tình cảm lớn mới làm cho người ta xông lên chiến đấu. Tôi không rõ cái "chất nuôi sống tâm hồn" của Hoàng Cầm là gì. Nhưng tin chắc không phải là những chất danh từ theo cái kiểu "bể xanh, bồ câu trắng, gió chiến thắng, mây hòa bình...". Hoàng Cầm nói: "Theo ý tôi, giá trị thơ không phải ở chỗ đầy đủ, mạch lạc về một vấn đề chính trị". Tôi đồng ý với Hoàng Cầm ở một phía nào đó. Nhưng theo tôi thì khác đi một chút nữa: Tư tưởng chính trị mà còn ở trạng thái lý trí thì chưa phải là thơ. Nó phải tiến lên trình độ được tình cảm hóa thật sự, nghĩa là nó biến thành những tình cảm lớn thì mới có thể thành thơ được. Ở đây tôi thấy Hoàng Cầm chưa chú ý tới một chỗ này: Hãy nắm chắc lấy sự cân bằng giữa cảm tính và lý tính để có được cái khách quan sáng suốt mà bắt lấy những chất gì là "rung động", là "tình cảm", là "tư tưởng tính" ở trong thơ, để phân biệt được với những cái gì là "lý trí", là "khô khan", là "công thức giả tạo", thì việc phê bình mới sát đúng được. Cần phải nhận rõ rằng: Không phải là ai cũng làm được cái kiểu thơ to rộng như vậy. Phải có một tâm hồn rắn chắc, một tư tưởng vững vàng đi đôi với một lòng yêu nước, yêu nhân dân và căm thù giặc cao độ mới có thể đủ cảm xúc sản xuất được những áng thơ như thế. Còn nếu không thì nó sẽ dễ trở nên buồn cười, thơ chẳng ra thơ, lý luận cũng chẳng ra lý luận. Cho nên phê bình một bài thơ không nên đặt vấn đề: Nó không phải là thơ vì rằng nó đầy đủ mạch lạc về một vấn đề chính trị, mà chỉ nên đặt vấn đề là: Nó có tình cảm không? Nó có truyền cảm được không? Nó có thúc đẩy người ta xông lên chiến đấu không? Nghĩa là nó có phải là thơ hiện thực không? Thế thôi. Vì đặt vấn đề như Hoàng Cầm sẽ có cái nguy hiểm là do thành kiến trước mà nhận xét bài thơ sai với giá trị thực của nó đi. Hoàng Cầm nói: "Thơ phải đi vào từng góc cạnh của tâm hồn lớp người đang xây dựng thời đại mới". Tôi vẫn thấy Hoàng Cầm rất trừu tượng. Sáng tác thì có thể trừu tượng, nhưng phê bình phân tích một giá trị văn học, theo tôi, trừu tượng là một thiếu sót lớn. Ðồng ý với Hoàng Cầm là thơ đi vào góc cạnh của tâm hồn. Nhưng mà "lớp người đang xây dựng thời đại mới" là thế nào? Họ xây dựng bằng cái gì? Nếu không phải là họ xây dựng bằng cái trình độ giác ngộ của họ? Tóm lại đó là cái phần tư tưởng của họ, những tình cảm lớn của họ. Một bài thơ tuyệt tác nào của thời chúng ta mà lại không phải chứa đựng một vấn đề chính trị quan trọng? Có điều cách diễn đạt một vấn đề chính trị ở trong một bài thơ nó khác với cách diễn đạt một vấn đề chính trị ở trong một bài xã thuyết lý luận. [1] Nghĩa là đừng để cho một bài thơ thành những câu có vần và khô khan, mà phải diễn đạt thành những tình cảm lớn của con người mới. Nó phải thành thơ. Hoàng Cầm nói: "Lập trường chính trị trong thơ tức là nói đúng được sự sống và xây dựng được tâm hồn của một người đang sống trong một thời đại cách mạng". Tôi thấy Hoàng Cầm nhắc nhiều về chữ "tâm hồn" quá. Nhưng tâm hồn là cái gì? Xây dựng tâm hồn là thế nào? Tôi e rằng Hoàng Cầm quan niệm cái kiểu "tâm hồn" ở trong thơ với cái ý nghĩa duy tâm trừu tượng của nó. Theo tôi, nói đến lập trường thì phải nói đến tư tưởng. Trong địa hạt thơ ca phương pháp duy nhất để nâng cao tư tưởng chính là phương pháp cấu tạo những tình cảm lớn. [2] Và chỉ khi nào có được những tình cảm lớn ở trong người thì "tâm hồn" ta mới lâng lâng cao rộng, đẹp đẽ vô ngần. Nghĩa là tâm hồn ta mới được "xây dựng" như Hoàng Cầm đã nói. Trong việc phê bình thơ Tố Hữu gần đây, nẩy ra cái khuynh hướng "suy diễn". Người ta suy diễn mạnh nhất là cái buồn ở trong thơ Tố Hữu. Rồi rất nhiều danh từ đã được đặt ra: buồn buồn, tủi tủi, hiu hắt, cô đơn, lạnh lẽo, ngùi ngùi, rơi rớt, xót xa... Thực ra trong thơ Tố Hữu cũng có cái buồn, cái cô đơn. Nhưng nó không đến nỗi trầm trọng một cách "suy diễn" như thế. Thậm chí có bạn, như Lê Ðạt, suy diễn bốn câu thơ Tố Hữu tả Hồ Chủ tịch (Văn nghệ 68): Nhớ ông cụ mắt sáng ngời Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường Nhớ người những sáng tinh sương Ung dung yên ngựa trên đường suối reo. Rồi nói là: "Một ông già tiên phong đạo cốt, nhàn tản đi giữa một cảnh thần tiên, thong dong một cách rất Lão Trang... Tác giả do cái thích thú chủ quan của mình đẩy lùi hình ảnh lãnh tụ vào quá khứ". Mấy câu thơ trên đây hỏi có lột tả sự thực? Mắt Hồ Chủ tịch có sáng ngời không? Những ngày kháng chiến ở Việt Bắc, người có mặc áo nâu đeo túi vải không? Trông Người có đẹp tươi không? Có những buổi sáng tinh sương Người có đi công tác? Và tác phong cố hữu của Người có phải là ung dung bình tĩnh không? Và đồng bào Việt Bắc có mến yêu cái vẻ đẹp giản dị của Người không? Ai có thể bảo là không được? Vậy thì những điểm trên đây là một hiện tượng khách quan, Tố Hữu đã lột tả được rất nên thơ. Ở đây ta cũng cần nhớ rằng Tố Hữu đã tả Hồ Chủ tịch nhiều màu vẻ chứ không phải là một màu một vẻ này. Vậy mà phê bình là "phong kiến quá", "rất Lão Trang", "đẩy lùi hình ảnh lãnh tụ vào quá khứ" thì quả là một kiểu suy diễn quá đáng, chụp mũ. Sự "suy diễn" còn tiến tới mức là cố tìm một vài chữ trong một bài nào đó (chỉ một vài chữ thôi) như "mưa lun phun", "gió heo heo", "rét" để chứng minh là tình cảm của Tố Hữu cô đơn, buồn tủi. Thậm chí người ta tìm những câu tôn sùng lãnh tụ rồi suy diễn là thơ Tố Hữu tả "lãnh tụ xa rời quần chúng", cái kiểu "lãnh tụ phong kiến". Nhưng cái tôn sùng của chúng ta đi đôi với sự thân mật, giản dị, gần gũi, mến yêu của lãnh tụ. Nó có chút gì là giống với sự thần thánh, như những tên đại phong kiến Tần Thủy Hoàng, hay phát xít Hít-le? Theo tôi cái kiểu suy diễn thơ như thế cũng nguy hiểm không kém cái lối nhại thơ khi mà người ta không ưa một tác giả nào đó. Một điểm quan trọng nữa mà tôi cũng cần nhấn mạnh là có những anh em như Hoàng Cầm, Lê Ðạt đã rơi vào cái quan niệm "nghệ thuật chủ nghĩa". Các bạn đó giải thích thơ ca một cách mới nghe thì là lý luận rất cao siêu, nhưng thực ra thì rất trừu tượng. Ðó là phương pháp đem những danh từ "xây dựng tâm hồn, nuôi sống tâm hồn, điệu tâm hồn..." để định nghĩa thơ ca. Các bạn đó vô tình hay cố ý đã tách rời hẳn hoặc coi nhẹ nhiệm vụ căn bản của thơ ca là phục vụ cho một nội dung chính trị cấp thiết nào đó. Như Lê Ðạt đã viết trong bài "Giai cấp tính trong thơ Tố Hữu" (Văn nghệ số 68): "Thơ Tố Hữu đứng về một phương diện nào mà nói, là thơ có ích. Tố Hữu có nhiều cố gắng phục vụ công tác chính trị... Thơ Tố Hữu nhiều chỗ là bài học chính sách tốt. Nhưng là những bài học về chính sách tốt không phải đã là hiện thực, đã công nông. Vấn đề nội dung, tôi nhắc lại, căn bản là cái điệu tâm hồn của tác giả". Tóm lại phê bình thơ Tố Hữu và định nghĩa thơ như cái kiểu trên đây chỉ làm cho độc giả, nhất là độc giả công nông, hoang mang thêm thôi. Người ta cảm thấy rằng thơ ca là cái gì ghê gớm quá, cao siêu quá, không thể dùng nó để phục vụ cho công tác chính trị của mình được. Rốt cuộc rồi người ta sợ không dám làm thơ, mà chỉ ngồi "xem" làm thơ thôi. Tôi cho rằng chính cái quan điểm của các bạn đó là hết sức phi hiện thực, phi công nông. Ðó là do cái quan niệm tôn sùng kỹ thuật, cái quan điểm kỹ thuật của đường lối văn nghệ cũ, chứ không phải cái quan điểm kỹ thuật của đường lối văn nghệ mới. Nó coi nhẹ phần tư tưởng tính của thơ ca, coi nhẹ cái ý thức phục vụ nhiệm vụ công tác trước khi cầm bút viết. Chúng ta thường nhắc đi nhắc lại trơn như cháo chảy nào là vấn đề giai cấp tính, nào là vấn đề phục vụ công nông. Nhưng nếu không đem cái ý thức tư tưởng chính trị, cái ý thức đối với công tác, đối với chính sách, đối với nhiệm vụ trước mắt, nghĩa là cái ý thức của một người làm chính trị để diễn đạt thành thơ, thành nghệ thuật, để góp phần vào việc nâng cao tư tưởng và tình cảm của quần chúng, để thiết thực phục vụ công nông, thì nói phục vụ công nông chỉ là nói suông. Người ta thường nói thơ ca phải phục vụ cách mạng. Vậy mà không tuyên truyền cho đường lối chính sách cách mạng, không phục vụ cho công tác chính trị, thì nói phục vụ cách mạng cũng chỉ là nói trên giấy tờ, nói mép. Việc đó Tố Hữu đã cố gắng làm. Có chỗ anh đã thành công, cũng có chỗ anh chưa đạt. Ðấy là điểm ta cần đi sâu, phân tích kỹ. Nhưng theo tôi, trước hết phải hoan nghênh cái đường lối đúng của anh đã. Phê bình với thái độ "coi rẻ" cái đường lối ấy, cho rằng chưa phải là thơ, thơ phải là: những cái gì "nuôi dưỡng tâm hồn", "điệu tâm hồn" kia. Tôi cho rằng cái tư tưởng nghệ thuật ấy, ngay từ xuất phát điểm đã phi công nông, phi hiện thực rồi. Văn nghệ, số 70 (1.5.1955) 33. Chu Dương Vài ý kiến về Phê bình văn nghệ L.T.S. - Cho tới nay, trong cuộc thảo luận về tập thơ Việt Bắc mỗi người chúng ta mới chỉ nhằm vào một khía cạnh nào đó mà phát biểu ý kiến. Nhưng muốn đánh giá một tác phẩm thì phải nhìn mọi mặt. Ðoạn trích đăng dưới đây rút trong báo cáo của Chu Dương đọc lại Ðại hội lần thứ II các người công tác văn nghệ Trung Hoa (1953) sẽ soi sáng thêm vấn đề này. Chúng tôi sẽ tiếp tục đăng một ít lý luận phê bình văn nghệ để chuẩn bị cho việc sơ kết cuộc thảo luận về tập thơ Việt Bắc. [3]
*Phê bình văn nghệ là một phương pháp chủ yếu nhất của sự thúc đẩy và chỉ đạo sáng tác văn nghệ. Sau khi phê phán phim ảnh Truyện Vũ Huấn, chúng ta đã tiến hành những cuộc phê bình gắt gao đối với những hiện tượng trong sáng tác văn nghệ có khuynh hướng về tư tưởng giai cấp tư sản, giai cấp tiểu tư sản, cho đến về sáng tác văn nghệ làm bừa bãi không chịu trách nhiệm; đó là sự tất yếu trăm phần trăm, nếu không có sự phê bình ấy, văn học nghệ thuật chúng ta có thể đứng dừng lại hay là đi lạc đường. Vài ba năm nay, công tác phê bình văn nghệ chúng ta quả là có thành hiệu. Hiện nay trong một số người công tác văn nghệ có cái ý sợ phê bình, ghét phê bình, cái tình ý ấy không thể coi là lành mạnh được. Nhưng trong công tác phê bình của chúng ta, có những điều chếch lệch thì cần phải sửa chữa. Ðiều đáng chỉ ra trước hết, là cái thái độ phê bình. Có những nhà phê bình thường thường không phân biệt thứ tác phẩm mà cái khuynh hướng là phản nhân dân, với thứ tác phẩm có khuyết điểm thậm chí có sai lầm mà cái khuynh hướng là tiến bộ; không phân biệt thứ tác giả cố ý xuyên tạc sự sống với thứ tác giả kém năng lực nhận thức hoặc kém kỹ thuật biểu hiện mà thành ra miêu tả sự sống không chân thực; rồi trong khi phê bình lấy cùng một thái độ chỉ trích hay công kích. Bất kỳ khuyết điểm, sai lầm nào cũng phải phê bình; có điều, miễn nói là tác phẩm không phản nhân dân, thì trước hết phải nhìn nhận chỗ đúng của nó, rồi sau mới phê bình chỗ khuyết điểm và sai lầm, lại còn phải tích cực chỉ vạch đường lối sửa chữa. [4] Nhà phê bình đối với tác giả thiếu cái thái độ nâng giấc phải có đối với đồng chí, không lấy sự phê bình ngay thẳng và khuyến miễn sốt sắng không lấy sự yêu cầu tha thiết ở tác giả và sự săn sóc về vận mạng sáng tác của họ mà kết hợp với nhau một cách chính xác.



Nói chung, phê bình cứ là chỉ trích nhiều mà giúp đỡ ít. Thứ đến là cái phương pháp phê bình. Có những nhà phê bình, khi phê bình một tác phẩm, thường thường không xuất phát từ thực tế mà xuất phát từ công thức giáo điều. Họ hay chỉ trích một cách võ đoán hàm hồ một tác phẩm rằng miêu tả thế này không đúng, nhưng rốt cuộc miêu tả thế nào cho đúng thì ít khi vẽ ra. Nhà phê bình lắm khi lại thiếu tri thức cơ bản sự sống và lý giải sâu sắc hơn tác giả, đồng thời cũng kém năng lực phân tích nghệ thuật cụ thể đối với tác phẩm. Một số bài phê bình cộc cằn ngang ngược phát biểu trên báo chí với những ý kiến chếch lệch của một số độc giả do những bài phê bình ấy xúi giục bốc lên, lại thêm phương diện lãnh đạo giới văn nghệ đối với sự nghiệp sáng tác văn học nghệ thuật thiếu săn sóc, giúp sức và nâng đỡ, điều đó làm cho ít nhiều tác giả cảm thấy bị đè nén và buồn bực về tinh thần. Cái tâm tình ấy của họ cần phải kiếm cách chuyển biến đi. Sự phê bình của chúng ta phải có giúp cho sáng tạo tính và tích cực tính của tác giả, nghệ thuật gia, phải phát huy cái sức ngầm của sáng tác nghệ thuật, mà không thể làm trái lại. Ðồng thời, tác giả chúng ta cũng phải có dũng khí và độ lượng chịu phê bình và chịu cả lời phê bình không đúng, lại phải tích cực, chủ động, lấy tư cách tác giả tham gia vào hoạt động phê bình. Phê bình văn nghệ của chúng ta, cũng như sáng tác còn là trẻ bé; cả hai đều cần có sự nâng đỡ và cần vun quén với nhau. [5] Văn nghệ, số 70 (1.5.1955) 34. Người cộng sản Vài ý kiến về phê bình văn học L.T.S. Tạp chí Liên Xô Người Cộng Sản (1954) có đăng bài "Lịch sử văn học và việc phê bình văn học", chúng tôi trích đăng những đoạn có thể soi sáng và giúp ích cho việc phê bình của chúng ta hiện nay. [6]
*Không nhân nhượng những khuyết điểm, có thể thật là khó tính nữa, vì biết rõ rằng văn học của chúng ta (Liên Xô) vẫn chưa thỏa mãn được những nhu cầu nghệ thuật càng ngày càng cao của nhân dân; điều đó hoàn toàn khác xa với cái thói càu nhàu tiểu tư sản và cái thói theo thời thượng của bọn nghệ thuật thuần túy. Ðảng vẫn phê bình nghiêm khắc những khuyết điểm của văn học, nhưng Ðảng không bao giờ tha thứ cho việc dè bỉu tất cả văn học, và Ðảng đã luôn luôn chống lại tất cả mọi mưu đồ phủ nhận những thành tích của văn học theo cái lối hư vô chủ nghĩa. Chính đứng trên lập trường Ðảng đó mà Goóc-ki nhận xét tình hình văn học chúng ta; Góc-ky trả lời một cách căm phẫn với những người phê bình họ vì mù quáng về tri thức và thiếu sự giáo dục về tâm hồn nên nhiều khi không thể hiểu rằng nền văn học hiện đại của chúng ta là một hiện tượng kỳ diệu biết bao và cần phải yêu mến và nâng niu nó như thế nào... Một số người phê bình giới thiệu thiếu tinh thần trách nhiệm đối với những quyển sách có cố gắng tìm tòi trong những vấn đề lý luận phức tạp, nên đôi khi làm cản trở việc mạnh dạn đánh giá những biểu hiện của nền văn học hiện đại và mạnh dạn tranh luận về những vấn đề quan trọng và nóng hổi. Ðáng lẽ phải nghiên cứu quyển sách mới một cách nghiêm chỉnh và nhân hậu, phải bênh vực tất cả những cái gì bổ ích và quý giá, phải phê bình một cách có căn cứ và xác đáng những sai lầm của tác giả thì trái lại, một số người phê bình cho là mình đã làm xong nhiệm vụ khi khen một cách qua loa sự mạnh dạn và cố gắng của tác giả, rồi sau đó là tập trung vào tìm kiếm những sai lầm có thực hay tưởng tượng, tìm những chỗ vụng về, để tiến tới phủ nhận hoàn toàn tác phẩm trên cơ sở ấy. Phê bình chỉ ích khi nó cụ thể, xác đáng và xuất phát từ lập trường đúng. Sự dè bỉu hoàn toàn một tác phẩm không có lợi một chút gì cho tác giả cũng như cho độc giả. Cái giọng của sự phê bình cũng quan trọng, không những đối với các công trình nghiên cứu mà còn đối với những tác phẩm văn học. Nhưng khốn nỗi, đến nay người ta vẫn còn thấy những bài tán tụng rỗng tuếch thay thế cho những bài phê bình phân tích đứng đắn. Một mặt khác thì còn có những bài phê bình như "đánh đòn" đầy một giọng khinh bỉ trịch thượng đối với các tác giả và đầy một chủ định quyết không nhìn thấy một cái gì hay trong những tác phẩm mà họ phê bình... Hai cách "phê bình" đó, không xuất phát từ nội dung của vấn đề mà chỉ chú ý đến những cái không có dính dáng gì với mục tiêu của văn học. Cái thói quen tiểu tư sản hay càu nhàu và cái chủ nghĩa hoài nghi rẻ tiền theo "mốt", cũng như những lời nịnh hót hèn hạ và vô nguyên tắc, là trái với tinh thần và truyền thống của nền phê bình Xô-viết. Nền phê bình Xô-viết luôn luôn nghiêm khắc đối với những xu hướng tư tưởng sai lạc nhưng lại đầy lòng chăm chút và bè bạn đối với những tác giả đứng trên một lập trường tư tưởng đúng, mặc dầu họ có ít nhiều sai lầm. Ngay sau Ðại hội các nhà văn Liên Xô lần thứ nhất, Goóc-ki đã yêu cầu Hội các nhà văn Xô-viết chú ý đến cái giọng phê bình. Goóc-ki viết: "Phê bình phải dạy cho người ta viết giản dị, rõ ràng, và tin tưởng. Nếu nhà văn được phê bình không phải là một kẻ thù rõ mặt hay ẩn hình của giai cấp vô sản, mà chỉ là viết kém, không chính xác, làm méo sự thật, không biết phân biệt cái chính và cái phụ thì ta cần phải bình tĩnh và nghiêm chỉnh giải thích cho họ biết cái gì không đúng, tại sao kém, chỗ nào méo mó... Làm giảm sút và hủy hoại giá trị con người, cái đó không phải là nhiệm vụ của sự phê bình, đó là công khai bộc lộ một tính chất tiểu tư sản là coi người ta như một hạng người thấp kém hơn kẻ phê bình, đó là biểu lộ sự chán chê, sự biếng nhát, sự bất lực khi đọc sách, hay sự bực tức thấy chính thân mình là kẻ bất tài". [7] Văn nghệ, số71 (10.5.1955) 35. Nguyễn Viết Lãm Góp ý kiến về tập thơ Việt Bắc: đặc tính sáng tạo trong tập thơ Tố Hữu Nghiên cứu đặc tính sáng tạo của Tố Hữu trong tập thơ Việt Bắc là nói đến vấn đề xây dựng điển hình hiện thực xã hội chủ nghĩa. Cuộc sống phong phú của chúng ta hiện nay cung cấp cho những người sáng tác văn nghệ nhiều đề tài sinh động, nhiều nhân vật khác nhau trong mọi khía cạnh tình cảm, tư tưởng, tác phong.



Khi diễn tả những nhân vật ấy, sự thành công chỉ có thể đạt được khi nào tác giả thấy rõ toàn diện đề tài. Do đó nhu cầu sáng tác đòi hỏi một sự hòa cảm chân thành với nhân vật và một sự trung thành tuyệt đối trong lúc giải quyết sự việc trong tác phẩm. Sự trung thành ấy đối với nghệ sĩ, cũng như đối với tác phẩm, cần thiết như không khí cần cho sự sống (Egorov: Chống chủ nghĩa chủ quan trong lý luận nghệ thuật). Ðọc tập thơ Việt Bắc rất nhiều dịp chúng ta thấy Tố Hữu đã thận trọng và trung thành trong việc sáng tạo điển hình. Trước nhất, cần xem con người điển hình phải như thế nào, chúng ta có nên đòi hỏi trong tác phẩm một nhân vật chính diện toàn bích không? Trong thời đại còn có đấu tranh giai cấp, nhân vật, dù là chính diện, vẫn còn nhiều mâu thuẫn trong bản thân. Chính phẩm chất cao nhất của nhân vật lý tưởng là sự tranh chấp cao độ giữa các mâu thuẫn nội tại của bản thân. Cho nên nhân vật điển hình chính diện vẫn còn có những nhược điểm riêng của nó. Chúng ta cũng cần phân biệt nhân vật điển hình trong hiện thực xã hội chủ nghĩa với nhân vật đặc biệt. Nếu xây dựng một nhân vật tuyệt đối không có mâu thuẫn gì, không có nhược điểm gì, nhân vật ấy sẽ tách rời thực tế cuộc sống, sẽ không làm tròn được nhiệm vụ giáo dục, lãnh đạo tư tưởng và tình cảm cho quần chúng. Vả lại, một nhân vật như thế trong thời đại hiện tại, nhất định không thể nào có được. Con người trong tập thơ Việt Bắc luôn có sự đấu tranh diễn biến, sự đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, giữa cái đi xuống và cái đi lên. Chị phụ nữ Bắc Giang phải đấu tranh với cảnh nhà neo bấn, con bế con bồng, với gian khổ mùa đông Việt Bắc để làm công tác. Anh bộ đội yêu mến của chúng ta, không phải chỉ biết căm thù giết giặc, mà còn có lúc nhớ nhà, nhớ mẹ (bài “Cá nước”, “Bầm ơi”) đã đấu tranh với những phút thoáng buồn ấy để đứng lên chiến đấu. Bà Bủ thương nhớ con bồn chồn, nhưng đã đấu tranh, biến tình thương nhớ ấy thành căm thù quân địch. Trong tập thơ Việt Bắc Tố Hữu đã trình bày những con người chân thực biết căm thù và thương nhớ. Nhân tính rất được tôn trọng. Tác giả không gò ép bắt buộc tất cả đều phải theo một nền nếp tuyệt đối nhất trí mà xóa bỏ cá tính của từng người. Mâu thuẫn tình cảm và tư tưởng luôn luôn được cọ xát và thử thách. Cuộc đấu tranh ấy quả thực diễn ra trong xã hội, trong mỗi một chúng ta. Và cuộc đấu tranh, trong mọi trường hợp của tập thơ, cuối cùng đều thắng lợi. Có bạn đòi hỏi người phụ nữ phá đường phải tự giác hơn, bà mẹ phải dũng cảm hơn, anh bộ đội phải quyết liệt hơn. Tôi e rằng không thể đúng với thực tế của thời đại có sự việc, dù là một thực tế đang lên, không đúng với mức độ lãnh đạo chung và cũng không đúng đường lối quần chúng trong công tác lãnh đạo cách mạng. Con người được nói lên trong những bài thơ làm từ những năm 1947, 1948, 1949 thực tế lúc bấy giờ chưa phải là những con người phổ biến nhưng vì tác giả đã thấy trước được bước tiến triển của sự vật, nên đã báo hiệu một thế hệ đang thành hình trong trong những năm sau. Ðó là kết quả đấu tranh thắng lợi giữa hai chiều hướng của tư tưởng, tình cảm của thời đại. Có bạn không đồng ý với những giọt nước mắt của bà mẹ trong tập thơ Việt Bắc, cho là đã yếu mềm, giảm sút khí thế của một dân tộc đang chiến đấu. Nhưng chính những lúc tấm lòng của các bà mẹ xót xa ấy là những lúc thử thách của tình cảm con người. Tố Hữu đã không bỏ qua những trường hợp đấu tranh đó và đã có khả năng làm cho chúng ta thông cảm với mọi nỗi đau thương của dân tộc để tăng thêm chí căm thù, đồng thời làm cho chúng ta phấn khởi khi những con người đau khổ ấy đã bước lên sáng chói thắng lợi.


Con người điển hình trong thơ Tố Hữu đầy đủ nhân tính, gần gũi với chúng ta, con người xương thịt, thực tế có sống và đang tiến mạnh. Ðó là một đặc điểm sáng tạo của Tố Hữu. Một điểm nữa đáng chú ý trong thơ Tố Hữu là sự thắm thiết của tình cảm, văn nghệ là tiếng nói của tình cảm, trong thơ, tình cảm lại càng đọng hơn. Nhưng dân tộc ta đi từ một thời đại bị áp bức mà ra, sự đấu tranh gian khổ, luôn luôn tập trung cảnh giác đối với quân thù, đã làm cho cân não chúng ta căng thẳng. Trong giai đoạn đầu của cách mạng, thường thường thì yếu tố lý trí chiếm ưu thế trong cuộc sống đấu tranh. Tác phẩm văn nghệ phản ánh cuộc sống, trong giai đoạn này, do đó mà ít được thấy rõ vai trò của tình cảm. Tình trạng ấy đã có từ 1945 đến 1950, trong sáng tác hầu như vắng hẳn tình cảm thiên nhiên và tình cảm con người. Không phải tình cảm đã chết héo trong lòng nhân dân qua những ngày gian khổ. Nhưng vì văn nghệ sĩ chưa đi sâu vào quần chúng, chưa hòa cảm sâu sắc với cơ sở nhân dân, đã tách rời lãnh đạo và quần chúng trong sáng tác, nên tác phẩm trở nên khô khan, như cành lá xa rời gốc rễ. Vượt ra ngoài hệ thống khắc khổ ấy, Tố Hữu là người đầu tiên mạnh bạo đề cao tình cảm trong thơ.



Thơ Tố Hữu có đặc tính là đậm tình và tha thiết. Làm được như thế, không phải chỉ vì Tố Hữu bản chất là đậm tình, nhưng Tố Hữu đã kết hợp được cá tính của riêng mình và tập thể tính của quần chúng. Cảm giác đầu tiên của người đọc sau khi đọc xong một bài thơ Tố Hữu là sự rung cảm thấm thía. Ngôn ngữ trong thơ nhẹ nhàng, ý nhị như ca dao. Tiếng nói của nhà thơ ở đây thấm vào lòng người, tha thiết lắng sâu vào tâm khảm, như tiếng nói của mẹ hiền. Và mẹ hiền dạy con thì thường lại có hiệu quả hơn một người cha luôn luôn quát tháo. Thời đại mới muôn màu muôn sắc. Các nhà thơ có trách nhiệm diễn tả thời đại theo những đặc tính sáng tạo của riêng mình. Những đặc tính ấy chẳng những không hại gì cho đường lối chung mà còn làm phong phú thêm tập thể tính. Tác phẩm nào không đáp lại nhu cầu của quần chúng, không hòa hợp được với tính chất nhân dân, nhất định không tồn tại được. Về phương diện này, tập thơ Việt Bắc đã có nhiều thành công lớn: Nó có một đặc tính sáng tạo và vẫn mang tính chất nhân dân khá sâu sắc. Ðộc lập, số 98 (7.5.1955) 36. Văn nghệ số 71 (10.5.1955) Chung quanh tập thơ Việt Bắc: Bạn đọc góp ý kiến a) Lê Bá Súy: Lê Ðạt đề cập đến vấn đề giai cấp tính trong thơ Tố Hữu nhưng thực ra Lê Ðạt chưa thật nắm vững thế nào là giai cấp tính thể hiện trong thơ. Tôi thấy chúng ta cần phải xác nhận lại với nhau về cái "tôi". Hoàng Yến, Hoàng Cầm và Lê Ðạt đều có đề cập đến cái "tôi". Nhưng thế nào mới là cái tôi đúng, cái "tôi" khách quan, cái "tôi" thực sự của giai cấp, của quần chúng. Cái "tôi" đó phải dựa theo một lập trường, quan điểm thống nhất trên cơ sở vững chắc của chủ nghĩa hiện thực, thật sự khách quan để phê bình. Lê Ðạt định nghĩa cái tôi thì đúng, nhưng lúc phê bình thì không sử dụng đúng, đã để cái tôi "cũ" (chủ quan) lồng vào khá nhiều. "Một tác phẩm được quần chúng hoan nghênh nhất định là có một giá trị nào". Ðồng ý với Lê Ðạt và tôi muốn nêu lên điều này trong thơ Tố Hữu thành một vấn đề để chúng ta cùng nghiên cứu, vì nói như Lê Ðạt... "nhưng hoan nghênh như thế không có nghĩa là đã hiện thực, đã tiêu biểu cái mới". Như thế là phủ nhận trình độ của quần chúng đối với văn nghệ (tất nhiên tôi nói đến quần chúng cách mạng). Quần chúng biết yêu thích những bài thơ hay mà còn biết phê phán phân tích nữa. Quần chúng còn dạy cho những người làm công tác văn nghệ giá trị của một bài thơ hay nữa, vì nhận xét của quần chúng là xuất phát từ thực tế, từ tình cảm chân thành, từ nguyện vọng sát thực của họ. Nói như vậy không phải không có sự hướng dẫn của người cán bộ văn nghệ sau khi, với lý luận của Ðảng đã tổng hợp vấn đề để trả lại, hướng dẫn cho quần chúng. Và nói như vậy không có nghĩa là một tác phẩm được quần chúng hoan nghênh là hoàn hảo không có khuyết điểm. Người làm thơ phải nói lên tình cảm, nguyện vọng của quần chúng thì người cán bộ hướng dẫn, phân tích cái hay, dở của một tác phẩm văn nghệ cũng phải tổng hợp được ý kiến, nhiệt tình, dư luận tốt, xấu của quần chúng đối với tác phẩm đó. Không nên lồng cái "tôi" chủ quan trong khi tổng hợp mà gán cho đó là của quần chúng. Quần chúng thưởng thức thơ không phải như người thầy bói xem voi. Quần chúng muốn thơ phải nói lên tình yêu thắm thiết đối với xứ sở, đất nước, đối với nhân dân lao động, với lãnh tụ, với quân đội nhân dân và quần chúng đòi hỏi thơ phải nói lên lòng căm giận của họ đối với quân thù. Quần chúng biết yêu và biết ghét. Thơ phải nói đến nguyện vọng của họ, phải nói đến tương lai của Tổ quốc. Quần chúng còn đòi hỏi những câu thơ trong sáng, giản dị, để ghi, để nhớ. Nhiều người hoan nghênh thơ Tố Hữu, có nhiều nhiệt tình đối với thơ Tố Hữu, chính vì Tố Hữu đã nói lên được những điều đó. Quần chúng biết rung động khi đọc thơ Tố Hữu nhưng không phải là rung động mù quáng, cũng không phải quần chúng chỉ biết cái hay mà không biết đến khuyết điểm của thơ Tố Hữu. Quần chúng thích thơ Tố Hữu không phải "thơ Tố Hữu chỉ mới nói được một phần nào quần chúng ở hình thức". Quần chúng ngày nay dưới sự giáo dục của Ðảng đã biết đánh giá một tác phẩm đúng mức. Lê Ðạt luẩn quẩn giữa quần chúng và thơ Tố Hữu. Lê Ðạt công nhận bằng một con mắt ở trên nhìn xuống: "Thơ Tố Hữu nhiều người thuộc thật đấy, dễ hiểu thật đấy..." hay: "Việc tập thơ còn được một số đông trong quần chúng hoan nghênh đủ là bảo đảm cho giá trị của nó trong giai đoạn hiện tại", rồi một mặt khác Lê Ðạt lại cho rằng thơ Tố Hữu vẫn xa quần chúng. Chúng ta không thần thánh hóa quần chúng, nhưng chúng ta phải thống nhất với nhau rằng: thơ dễ thuộc, thơ dễ hiểu đối với quần chúng không phải là thơ không có quần chúng tính. Quần chúng thuộc thơ không phải để tiêu khiển mà vì thơ Tố Hữu thấm vào lòng họ, nói lên được tình cảm, ý nguyện của họ. Quần chúng hoan nghênh thơ Tố Hữu không phải không biết nhận định, không phải là không có căn cứ. Tôi thấy rằng Lê Ðạt cần xem lại cái "tôi" của mình, cần đi sâu vào quần chúng hơn nữa để tìm ra cái "tôi" mới, cái "tôi" của quần chúng, có như thế mới đứng trên một lập trường thống nhất với quần chúng để phê bình thơ và mới sử dụng đúng nghĩa cái "giai cấp tính" khó nhận xét [8] thơ Tố Hữu. Càng đi vào đoạn sau Lê Ðạt càng sa vào sai lầm lớn. Lê Ðạt nói: "Thơ Tố Hữu đứng về một phương diện nào mà nói, là thơ có ích. Tố Hữu có nhiều cố gắng phục vụ công tác chính trị. Tố Hữu hơn một số anh em làm thơ ở chỗ giải thích chính sách bằng thơ có rung cảm mặc dầu rung cảm còn vương vất tàn tích tiểu tư sản. Thơ Tố Hữu nhiều chỗ là những bài học chính sách tốt. Nhưng là những bài học tốt không phải là đã hiện thực, đã công nông. Ý tốt, ý đúng không phải là toàn bộ vấn đề nội dung của Thơ. Vấn đề nội dung, tôi nhắc lại, căn bản là vấn đề điệu tâm hồn của tác giả. Tôi thấy mức giá trị của điệu tâm hồn tác giả tỏa ra trong tập thơ là mức tiểu tư sản cách mạng".



Tôi không hiểu Lê Ðạt định nói "điệu tâm hồn" trong thơ là gì? Nó có tách rời nội dung và ý của thơ không? Ðiệu tâm hồn đó có thoát khỏi giai cấp tính không? Nó có phục vụ cho tình cảm lành mạnh, cho công tác cách mạng không? Nếu là một bài thơ làm cho quần chúng yêu thích và thi hành đúng chính sách có phải là một bài thơ không có điệu tâm hồn không? Chính sách là đường lối, chủ trương, là hành động của Ðảng, của giai cấp. Văn nghệ chúng ta phục vụ cho quần chúng chẳng phải đi đúng đường lối đó sao? Lê Ðạt công nhận thơ Tố Hữu có nhiều cố gắng phục vụ cho công tác chính trị. Ðúng, chính bởi vì thơ Tố Hữu mang đúng tính chất giai cấp cách mạng mới phục vụ được. Lê Ðạt muốn hạ thấp tác dụng thơ của Tố Hữu nhưng vô tình Lê Ðạt đã tách công tác chính trị với lập trường giai cấp, chưa rõ thế nào là một bài thơ "có ích", đã hiểu sai ý nghĩa của thơ giáo dục chính sách. Nếu điệu tâm hồn tác giả tỏa ra trong tập thơ là mức tiểu tư sản cách mạng thì không thế nào phục vụ được công tác chính trị hay là làm được bài học chính sách tốt như Lê Ðạt đã nhận xét một cách rất mâu thuẫn.



Lê Ðạt còn nói: "Nhiều và không nhiều. Nếu bạn chỉ đòi hỏi tập thơ xem được, một tập thơ của một người yêu nước trong mặt trận dân tộc thống nhất và so sánh với một vài tập thơ khác để đánh giá thì quả là có nhiều, nhưng nếu các bạn muốn đòi hỏi hơn ở thơ Tố Hữu một nhà thơ hoạt động cách mạng và bạn tin là còn có nhiều khả năng đóng góp hơn nữa, nếu các bạn muốn đứng vững trên lập trường hiện thực xây dựng một nền thơ Việt Nam chân chính thì chẳng có gì là nhiều cả". Ở đây tôi không muốn nói nhiều đến sai lầm nghiêm trọng của Lê Ðạt quan niệm về thơ "của một người yêu nước trong mặt trận dân tộc thống nhất" và thơ của Tố Hữu vì như trên tôi đã nói Lê Ðạt thực ra đã nắm vững "giai cấp tính" để phê bình thơ đâu, tôi muốn nói chính Lê Ðạt đã đòi hỏi quá nhiều ở Tố Hữu, mà đòi hỏi như vậy là chủ quan. Văn nghệ ta đang trưởng thành và có nhiều hứa hẹn. Thơ Tố Hữu cũng vậy. Ở thơ Tố Hữu tất nhiên còn nhiều khuyết điểm. Cũng không có ai có thể dám quả quyết là thơ Tố Hữu có đầy đủ giai cấp tính và hoàn toàn hiện thực. Vì nói như vậy cũng là chủ quan. Thơ Tố Hữu không thể thoát ra ngoài độ trưởng thành chung của thơ ca Việt Nam. Nhưng trong giai đoạn hiện tại mà nói: thơ Tố Hữu xứng đáng dẫn đầu thơ ca cách mạng Việt Nam. 5-55 Quân đội b) Ngô Linh Ngọc: Thơ Tố Hữu có nhiều đoạn rất hay, rất mạnh. Bốn câu thơ: Trời không của chúng hay [9] Ðạn ta rào lưới sắt Ðất không của chúng bay Ðai thép ta thắt chặt mạnh như ngàn cân sắt đập vào đầu quân thù. Thơ tả phấn khởi, căm uất của Tố Hữu có nhiều hiệu năng. Tình cảm trong thơ Tố Hữu lớn rộng. Tố Hữu vạch hướng lên cho quần chúng trong các giai đoạn của cách mạng. Tính chất hiện thực của thơ Tố Hữu nhiều chỗ biến vào tình cảm, thành tin tưởng. Nhưng cũng còn nhiều khuyết và nhược điểm cần khắc phục ngay. Tố Hữu còn nhiều đoạn thơ chịu ảnh hưởng một kỹ thuật cũ. Ðôi chỗ tình cảm, và phương pháp suy nghĩ, tìm tứ phảng phất như của những thi sĩ cũ. Bộ đội chúng tôi rất yêu Tố Hữu. Những năm còn đánh nhau, có những đồng chí thuộc bài thơ “Bầm ơi” đã nói: - "Nếu anh Tố Hữu đến thăm đơn vị ta, chúng mình sẽ đánh một trận thật thắng để đón anh". Tập Việt Bắc cũng có những bài, những câu làm chúng tôi thỏa mãn. Chúng tôi chờ ở Tố Hữu những bài thơ khác nữa, có phát động giảm tô, cải cách ruộng đất, có hình ảnh Bác, Ðảng, quân đội, chính quyền, dân công, v.v... với cái hoàn cảnh điển hình hơn. Thơ Tố Hữu hiện thực cách mạng, sẽ còn hay hơn với sự trưởng thành của cách mạng. (Khu Hàng Giấy) [10] c) Ðức Minh: Khi phân tích một tác phẩm văn học, chúng ta không thể không chú ý bối cảnh lịch sử tác phẩm đó. Về phần này, chúng tôi chưa thấy được rõ ràng trong các bài phê bình tập thơ Việt Bắc. Thường thường chúng tôi chỉ gặp những danh từ chung chung nói lên thời đại ta vĩ đại, sức sống của dân tộc cuồn cuộn. Chúng ta không thể chỉ lấy bối cảnh lịch sử chung của cả thời đại để căn cứ vào đó đánh giá tập thơ Việt Bắc. Tập thơ này gồm nhiều bài, mỗi bài ra đời ở một giai đoạn khác nhau trong cuộc đấu tranh của dân tộc ta. Có bài làm ra năm 1947, có bài được sáng tác năm 1951, mỗi bài đó chẳng những có bối cảnh lịch sử chung của thời đại, mà còn mang dấu vết riêng của hoàn cảnh trong từng giai đoạn nhỏ một cuộc kháng chiến. Tác giả tập thơ Việt Bắc đâu có phải là thánh, cho nên không thể vượt ra khỏi khung cảnh của từng giai đoạn nhỏ đó, không thể tách rời khỏi bước tiến của quần chúng nhân dân, không thể tách rời khỏi hàng ngũ những văn nghệ sĩ của ta ngày nay trong từng giai đoạn đó. Vì vậy, chúng ta đem nhận thức, quan điểm của ta ngày hôm nay để phê phán một bài thơ năm 1947, như bài “Cá nước”, hoặc một bài năm 1948, như bài “Phá đường”, mà không đặt nó vào hoàn cảnh lịch sử của giai đoạn bấy giờ thì thật là một thiếu sót lớn. Nếu chúng ta "đánh bằng" cả hơn hai chục bài thơ trong tập Việt Bắc, không để ý đến ý nghĩa giai đoạn của mỗi bài thì e rằng không đánh giá được đúng toàn bộ tập thơ đó. Anh Hoàng Yến có nhận định rằng thơ của Tố Hữu từ sau cách mạng tháng Tám bé nhỏ so với thời đại, Tố Hữu không phải là "ngọn cờ thơ ca" Việt Nam ngày nay. Nhưng thế nào là bé nhỏ? Nếu chúng ta đem tập thơ đó so với cả nhiệm vụ vĩ đại của cuộc cách mạng trong một giai đoạn lâu dài thì chúng ta đã đặt cho nhà thơ một yêu cầu quá cao, không thực tế. Trái lại, đặt mỗi bài thơ vào một giai đoạn nhất định của nó thì mới có thể nói rằng nó to lớn, hay nhỏ bé như thế nào được. Và nếu trong từng giai đoạn ngắn và nhất định đó, Tố Hữu lúc nào cũng đi tiên phong cả thì tại sao Tố Hữu không thể là ngọn cờ dẫn đầu trong thi ca chúng ta? (Trường Sư phạm Trung ương) d) Lê Bạch Sơn: ...Nhưng có phải tập thơ Việt Bắc buồn lạnh, thiếu tình cảm chiến đấu, thiếu ý thức giai cấp không và sau những thiếu sót trên ta sẽ kết luận về giá trị tập thơ như thế nào? Trong một thời đại chiến đấu mà thơ không có tính chất chiến đấu là không hiện thực. Nhưng chiến đấu với cái tình cảm bừng bừng, sôi sục chỉ là một mặt của chiến đấu. Còn cái chiến đấu kín đáo mà to tát hơn. Ðấy là cái chiến đấu bền bỉ về mặt tư tưởng và tình cảm giữa cái mới và cái cũ phức tạp trong con người. Tình cảm bừng bừng sôi sục chỉ là một khía cạnh trong cái tình cảm chung về chiến đấu và có thể nói nó là biểu hiện cái tình cảm kín đáo khi được đưa lên chín mùi do một điều kiện nào đó về chủ quan và khách quan. Tình cảm trong tập thơ Việt Bắc về mọi mặt là một tình cảm hăng hái chứa đựng và thấm thiết. Nó có thiếu một khía cạnh chiến đấu sôi sục, nó không nêu được nổi rõ lên cái tình cảm giai cấp. Nhưng ta không thể do đấy mà kết luận hoàn toàn là tập thơ thiếu tính chất chiến đấu hay tính chất giai cấp. Ta thấy thường ở một bài thơ hay một tập thơ có nhiều bài dù hay đến đâu, cái tình cảm chứa đựng trong mỗi câu, mỗi tiếng không thể luôn luôn cân xứng. Nó vẫn có chỗ tình cảm lép đi một ít, hoặc hơn thế nữa có đôi chỗ trống rỗng. Nhưng tác phẩm thành công hay không là do cái nào nhiều nhất, cái nào nổi lên trong toàn bộ tác phẩm? Những khuyết điểm có trầm trọng làm hỏng nội dung đi không? Văn hóa Việt Nam thoát thân từ xã hội phong kiến, thuộc địa có nền kinh tế lạc hậu. Văn hóa Việt Nam nói chung và văn nghệ Việt Nam nói riêng muốn đi đúng đường lối hiện thực, đã phải chiến đấu và còn phải chiến đấu nhiều với cái cũ để đè bẹp nó. Thơ là kết tinh của tình cảm. Tình cảm là phản ảnh sinh hoạt của xã hội nên tình cảm nhà thơ cũng rất phức tạp. Chúng ta đang học tập sáng tác theo đường lối hiện thực. Ngay về mặt quan niệm hiện thực chúng ta cũng đang phải học tập nhiều. Tập thơ Việt Bắc có những khuyết điểm của nó không làm cho ta thỏa mãn trong việc chọn một tác phẩm thật đầy đủ. Nhưng nhìn toàn tập thơ với một số bài đã tương đối thành công và xét với các tác phẩm chúng ta đang có, tập thơ Việt Bắc vẫn rõ rệt là một tác phẩm lớn đối với chúng ta. Với tập thơ ấy, Tố Hữu trước sau vẫn là nhà thơ nói được nhiều nhất và chân thành những nét tình cảm lớn trong các tình cảm lớn của thời đại. (Miền Nam) Văn nghệ số 71 (10.5.1955) 37. Vũ Ðức Phúc Chung quanh tập thơ Việt Bắc: Thư bạn đọc [11] Báo Văn nghệ, số 69, bài nói Mai-a-kốp-ski, sau khi giới thiệu ngắn về thơ Mai-a-kốp-ski, có viết một câu như sau: "Ở Việt Nam, bao giờ chúng ta mới có những bài thơ thay thế cho những bài xã luận, những bài thơ trực tiếp giải quyết những vấn đề gay go của thực tế? Bao giờ mới có những bài thơ thoát khỏi những rung cảm tủn mủn của những con người tầm thường nhắm nháp cuộc đời như nhắm rượu?" Câu nói đó quá khinh miệt thơ ca Việt Nam, không những rẻ rúng tất cả những thơ ca của các nhà thơ cách mạng và nhà cách mạng làm thơ, từ khi có giai cấp công nhân lãnh đạo cách mạng nghĩa là từ 1930 đến giờ và các nhà thơ ái quốc trước đó; câu nói đó lại miệt thị nền thơ dân tộc của ta, quẳng đi một cách khinh miệt truyền thống thơ ca hiện thực Việt Nam, xuất phát từ ca dao tiến tới những trăm, nghìn bài thơ không những của các nhà cách mạng, mà còn của những nhà thơ khác, của bao nhiêu bộ đội, dân công, công nhân, nông dân trong cuộc trường kỳ kháng chiến. Chúng ta ngưỡng mộ, thán phục những tài năng lỗi lạc của thế giới, như Mai-a-kốp-ski, chúng ta không những cần học tập hàng ngày văn học của Liên bang Xô Viết, lấy những kinh nghiệm quý báu của người anh cả làm kinh nghiệm lãnh đạo ta sáng tác, mà còn phải học tập hàng ngày những văn hào vĩ đại của thế giới, những văn hào tiến bộ. Nhưng càng ngưỡng mộ, khâm phục bao nhiêu, chúng ta càng cần phải trân trọng nâng niu những cái gì thực là Việt Nam, càng cần phải bảo vệ những hạt ngọc, dù là nhỏ bé, dù là có vết, nhưng rất quý báu của tổ tiên, cha anh ta để lại, và của chúng ta hiện nay. [12] Nếu không, thì ai là người làm hộ chúng ta việc đó. Chúng ta chưa sưu tầm vốn cũ được đầy đủ là một chuyện khác, chúng ta hiện nay còn nhiều khuyết điểm là một chuyện khác. Nhưng chủ nghĩa hiện thực xã hội, mà đại diện chính của nó ở Việt Nam hiện nay, theo ý tôi, là thơ ca, chủ nghĩa hiện thực đó không phải chờ đến khi Lê Ðạt nói một câu thật là miệt thị như trên, mới xuất hiện. Ngay từ khi có Ðảng Cộng sản Ðông Dương ra đời, tức là cách đây 25 năm, đã có những bài thơ đi sát với nhiệm vụ chính trị, nêu cao lòng yêu nước, chí căm thù, có phải toàn là "những rung cảm tủn mủn của những con người tầm thường nhắm nháp cuộc đời như nhắm rượu" cả đâu. Trong cuộc kháng chiến, thơ văn cách mạng, tuy rằng tiến bộ chậm, nhưng đã nảy nở và lớn mạnh từ trước tới nay chưa hề có. [13] Chỉ có một đầu óc khinh thị cao đến tột bực mới không nhìn thấy những cái đó. Chủ nghĩa hiện thực xã hội chỉ cần điều kiện cần thiết trước tiên là trong xã hội có một giai cấp công nhân có ý thức về nhiệm vụ lịch sử của mình lãnh đạo cách mạng, như thế là nó đã xuất hiện rồi.


Trải qua 25 năm trời chiến đấu, giai cấp công nhân càng ngày càng lớn mạnh và được tín nhiệm. Ðó là điều kiện cho thơ ca cách mạng nảy nở, mà nó đã nảy nở rồi. Sao lại có thể quan niệm rằng trước một tình hình lịch sử như thế, thơ ca của ta, nghĩa là tư tưởng, tình cảm của ta kết tinh lại, toàn là "tủn mủn, nhắm nháp cuộc đời" cả. Quan niệm trên đây của Lê Ðạt, tuy làm ta phẫn nộ nhưng cũng rất dễ hiểu. Xưa kia đã có những người chỉ biết ca tụng văn hóa ngoại quốc, còn những cái của mình, chưa in được, hay in trên giấy lèm nhèm thì quẳng đi, cho là thiếu văn minh. Ngày nay, trong hàng ngũ những người công tác văn nghệ, hoặc những người có đọc sách, cũng còn có một số tuy là rất ít, chỉ khư khư ôm lấy một số quyển sách của các nước bạn ta, còn tất cả những cái gì của ta sáng tác thì sẵn sàng bĩu môi chê cái đã. Cũng cần phải nhắc lại một chân lý ai cũng hiểu: tất cả những cái gì là nhân văn, là hiện thực, được coi là tài sản chung của nhân loại, cũng là những cái gì bám chắc lấy mảnh đất của quê hương, noi theo một cách trung thành và sáng suốt truyền thống của dân tộc.



Những kẻ khinh miệt dễ dàng những vốn liếng đã có hay đang có của dân tộc, phủ nhận những cố gắng và tiến bộ rõ rệt của thơ ca cách mạng Việt Nam, những kẻ ấy không phải là biết tôn trọng văn học tiến bộ của thế giới, không phải là biết học tập văn nghệ Liên Xô, mà họ chỉ đại diện cho một xu hướng khinh thị dân tộc "đội lốt" hiện thực xã hội chủ nghĩa mà thôi. Chính vì nó đội lốt như thế nên lại càng nguy hiểm, làm cho nhiều người hiểu nhầm, hay lạc hướng. Văn nghệ, số 71 (10.5.1955) 38. Nguyễn Viết Lãm Góp ý kiến về tập thơ Việt Bắc: Những nhược điểm của tập thơ Việt Bắc Bên cạnh những ưu điểm lớn của tập thơ Việt Bắc chúng tôi đã trình bày trong hai bài trước, tập thơ còn mắc phải một số nhược điểm đã làm giảm bớt tác dụng của nó. Bài “Bao giờ hết giặc” đã giới thiệu cho chúng ta một bà mẹ chưa đúng với nét điển hình dũng cảm của các bà mẹ Việt Nam khác đang chiến đấu. Trong lúc bài “Bầm ơi” cho chúng ta cảm động với tình mẹ con của bà mẹ chiến sĩ và người lính, một thứ tình cảm mới xây dựng trong gian khổ và hy sinh, đẩy chúng ta đi lên, thì bà mẹ trong bài “Bao giờ hết giặc” chỉ thấy đau thương và buồn nản. Toàn bài không hề có câu nào đỡ khí thơ cho vượng dậy, một không khí cô quạnh hắt hiu bao trùm, trong ấy bà bủ ngậm ngùi than khóc. Cố nhiên là nỗi nhớ thương của bà mẹ thật là vô cùng, nhưng ở đây, Tố Hữu đã thủ tiêu mất sự đấu tranh trong lòng nhân vật, đó là điểm khác nhau giữa con người cũ và con người mới. Ðáng lẽ phải chuyển nỗi xót xa kia thành căm thù và tin tưởng, phải thấy bên cạnh sự khổ cực của đứa con bộ đội, có cả nguồn vui của tập thể, Tố Hữu chỉ cho ta thấy những nét tiêu cực, đơn chiếc của bà Bủ mà thôi. Tính chất buồn, ngậm ngùi ấy còn rơi rớt ở những nơi khác của tập thơ. Bài “Việt Bắc” đã có những câu khêu gợi nỗi " sầu xứ" héo hon của cảnh chia biệt. Việt Bắc quê hương cách mạng của chúng ta đôi lúc đã trở nên một cô gái tương tư: Mình về rừng núi nhớ ai Trám bùi để rụng măng mai để già chỉ ngồi nghiền ngẫm nỗi nhớ thương da diết trong lòng, không còn muốn đấu tranh gì nữa. Xét trên toàn bộ bài thơ “Việt Bắc” chúng ta tìm được rất nhiều ưu điểm, nổi nhất là mối tình thắm thiết đối với căn cứ địa, nhưng tác giả đôi lúc đã dễ dãi với cảm tính của mình, nên đã đưa vào bài thơ, ở những vị trí quan trọng đầu tiên của bố cục, "những mây cùng mù… hắt hiu lau xám… áo chàm đưa buổi phân ly…" Những nét buồn tiểu tư sản ấy đã làm giảm bớt rất nhiều chiến đấu tính của tập thơ. Trong một số bài khác, tác giả còn rơi vào chủ nghĩa tự nhiên. Tuy "thành phố trụi" sau cùng vẫn có sáng lên một thắng lợi tương lai, tuy chí căm thù đã thâm nhập được vào những vật vô tri vô giác, nhưng "thành phố trụi" ấy không phải chỉ còn gạch tàn vôi rụng, sấu, gạo, di lăng, mà thực tế sự sống vẫn tiềm tàng trong lòng cảnh tiêu thổ, càng lắng xuống càng sâu sắc dũng cảm hơn. Bài thơ thiếu sinh khí, không có một tiếng nói, một hơi người, cảnh sao mà chết lặng đến thế! Chất sống thực tế trong thơ còn ít, nên Tố Hữu đã dựng lên những hình ảnh thiếu khía cạnh sắc bén, sự vật trong tập thơ đi giữa một không khí hiền hòa, đôi khi trừu tượng. Ưu điểm về phương diện tổng hợp của tập thơ tuy rất rõ, nhưng khi đi sâu vào chi tiết của tình cảm và hành động, tác giả không đáp lại được sự mong mỏi của quần chúng. Do đó, tập thơ Việt Bắc chưa tránh khỏi rải rác những điểm công thức và khái niệm. Tác giả cũng chỉ mới giới thiệu lên những nét đại cương của tình cảm, của những con người thời đại, nhưng chưa nói lên được những băn khoăn, những nguyện vọng cụ thể, những khó khăn hàng ngày trong cuộc sống của quần chúng hiện nay. Nhãn quan của thi sĩ qua cuộc đời chưa đi vào nhiều mặt. Ðọc thơ Tố Hữu, chúng ta thấy nhiều về cái đẹp, cái vĩ đại của dân tộc ta, thấy được sự thắm thiết của tình yêu quê hương, yêu lãnh tụ, nhưng tập thơ chưa chĩa thẳng mũi nhọn vào quân thù. Tố Hữu nặng ca ngợi ta, nhẹ đả kích địch, tính chất chiến đấu do đó mà bị giảm sút. Một thiếu sót lớn nữa của tập thơ Việt Bắc về nội dung đề tài là chưa nói đến nhiệm vụ phản phong. Sự quan trọng của cuộc cách mạng long trời lở đất này chưa được nhắc đến. Chủ trương phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất đã được Ðảng và Chính phủ đề ra hơn hai năm nay, Tố Hữu chưa có bài nào nói đến, tuy tập Việt Bắc có những bài viết trong thời gian gần đây. Nhà thơ của chúng ta thận trọng, vì chưa trực tiếp đi vào phát động quần chúng mà chưa viết chăng? Về kỹ thuật, Tố Hữu đã có nhiều cố gắng dùng những tiết điệu dân tộc, những hình thức gần gũi với quần chúng để thơ dễ phổ cập. Nhưng thỉnh thoảng, trong tập thơ, vẫn ngân lên những nhịp điệu cũ. Thơ Tố Hữu không đều bước, cả hình thức lẫn nội dung. Ðọc thơ Tố Hữu chúng ta thấy ánh sáng tiến bộ chiếu sáng một khoảng đường dài, nhưng lại xen vào những khoảng nhỏ mờ tối của chất thơ cũ. Nhất là những bài viết gần đây (“Lại về” trong tập thơ Việt Bắc, bài “Quê mẹ” ở ngoài tập…) đã làm cho người đọc ít nhiều lo âu cho bước tiến triển của thơ Tố Hữu. Khi đọc: Lòng ta như nước Hương Giang ấy Chúng ta không khỏi nhớ những câu: Lòng ta như nước Trường Giang ấy Sớm tối theo chàng đến Phúc Châu… đượm màu Ðường, Tống quá thời. Hiện tượng không đều ấy trong thơ Tố Hữu đã biểu hiện một cuộc đấu tranh gay gắt trong người tác giả. Chúng ta tin rằng cuộc đấu tranh cuối cùng sẽ thắng lợi. Chúng tôi đã trình bày những nét lớn về ưu điểm và nhược điểm của tập thơ Việt Bắc. Còn cần phải đi sâu hơn nữa vào thơ Tố Hữu, đồng thời kết hợp học tập thêm lý luận và công tác thực tế, chúng tôi mới có thể định dứt khoát giá trị của tập thơ. Nhưng một sự thực đầu tiên thấy rõ là thơ của Tố Hữu đã có một tác dụng lớn trong quần chúng vì đã nói lên được nỗi lòng của quần chúng. Ðặt tập thơ đúng vào bối cảnh lịch sử của nó chúng ta chắc sẽ đồng ý rằng tác phẩm của Tố Hữu đã một phần đáp ứng được yêu cầu của thời đại. Thơ ca Việt Nam có một hiện tượng lớn phát sinh từ năm 1930 đến nay, từ lúc giai cấp công nhân tự đảm đương lấy trách nhiệm lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc, đó là chủ nghĩa hiện thực, đó là ánh sáng của tư tưởng công nhân. Tố Hữu là người đầu tiên đi theo con đường hiện thực trong thơ, cho đến tập thơ Việt Bắc, Tố Hữu vẫn là nhà thơ dẫn đầu phong trào, tuy còn mắc phải một số nhược điểm, tập thơ Việt Bắc vẫn là một tác phẩm lớn, góp phần nhất định vào việc giáo dục và động viên quần chúng. Nghiên cứu thơ Tố Hữu chúng ta càng thấy vững lòng tin tưởng ở đường lối văn nghệ kháng chiến và cách mạng, đường lối duy nhất đúng để xây dựng những tác phẩm vĩ đại, thể hiện được con người mới và cuộc sống mới sinh động, phục vụ quần chúng đấu tranh. Ðộc lập, số 99 (14.5.1955)
[1]Ở bản gốc đoạn này báo in chữ nét đậm (NST).[2]Ở bản gốc đoạn này báo in chữ nét đậm (NST).[3]Ðây là lời tòa soạn báo Văn nghệ.[4]Báo Văn nghệ in chữ nghiêng nhấn mạnh đoạn văn này.[5]Không thấy báo in tên dịch giả. Theo tôi, đoạn này trích từ toàn văn báo cáo của Chu Dương nhan đề “Phấn đấu để sáng tạo những tác phẩm văn học nghệ thuật càng nhiều hơn càng hay hơn”, bản dịch của Phan Khôi, đăng tạp chí Văn nghệ số 2(48) tháng 2/1954 (NST).[6]Ðây là lời tòa soạn báo Văn nghệ (NST).[7]Không thấy báo in tên dịch giả (NST).[8]“Khó nhận xét”: ý hơi khó hiểu, phải chăng là “khi nhận xét”; phải chăng bản gốc chỗ này có lỗi in sai? (NST). [9]Có lẽ báo in sai: câu đầu đoạn trích này “Trời không của chúng bay” mới đúng.[10]Theo phân cấp hành chính đô thị thời đó, khu tương đương với quận ngày nay, tiểu khu tương đương với phường ngày nay (NST).[11]Bức thư này đăng cùng trang với bài Bạn đọc góp ý trên đây, nhưng báo Văn nghệ cho in tách ra như một bài riêng (NST).[12]Ở bản gốc, đoạn này được in chữ nét đậm (NST).[13]Ở bản gốc, đoạn này được in chữ nét đậm (NST).


==

No comments: