Sunday, January 25, 2009

269. TÁC PHẨM NGUYỄN KHĂC DỰC

==

Hoàng Cầm, Hữu Loan, Trần Duy
Chúng tôi cực lực phản đối luận điệu vu cáo chính trị - Trả lời bạn Nguyễn Chương và báo Nhân dân [8]

Sau khi số 1 báo Nhân văn ra rồi, những anh em văn nghệ sĩ và trí thức tham gia tờ báo đã cùng nhau kiểm điểm. Đồng thời, những bạn thân, những độc giả nhiệt tình và một số đồng chí phụ trách những cơ quan chính quyền hay đoàn thể đã góp ý với chúng tôi về đường lối tờ báo. Và tất cả mọi người đều thống nhất với nhau ở hai điểm:

1) Nội dung số 1 chỉ trích, phản đối nhiều quá; tán thành đề cao ít quá. Sẽ phải chú trọng cả hai mặt

2) Nội dung số 1 nặng về bút chiến, nhẹ về lý luận. Sẽ phải chú trọng cả hai phần.

Dụng ý toát ra từ số báo rất rõ: một là những vấn đề giải quyết nội bộ không xong thì bất đắc dĩ phải đưa ra công chúng và “kêu thấu” tới Trung ương; hai là muốn "trăm hoa đua nở, trăm nhà đua nói” thì trước hết phải tấn công mạnh vào thái độ ngoan cố không chịu rời bỏ óc bè phái hẹp hòi, độc đoán, khinh miệt quần chúng của một số người trong lãnh đạo văn nghệ; phải đòi gắt gao việc sửa chữa sai lầm và mở rộng tự do, dân chủ.

Còn tác dụng thực tế thế nào thì bài “Không sợ địch lợi dụng” của Trần Lê Văn ở số báo này trả lời đầy đủ, chúng tôi không nhắc lại ở đây.

Chúng tôi nghĩ rằng những người thẳng thắn đều thấy như trên. Chỉ khi nào mang sẵn thành kiến rồi cố tình xuyên tạc thì mới có thể nói như bạn Nguyễn Chương trên báo Nhân dân ra ngày 25-9-56.

Bạn Nguyễn Chương đã nghĩ và nói những gì?

Trước hết cần đính chính ngay cách đặt vấn đề sai lệch dụng ý hay vô tình của bạn Nguyễn Chương, gói chung Giai phẩm mùa Thu (Tập I) và báo Nhân văn vào làm một. Chẳng rõ bạn Nguyễn Chương nhận định thế nào chứ sự thực là hai tổ chức đó khác hẳn nhau tuy có nhiều người viết hay vẽ ở cả hai nơi. Song cũng trong số anh em tham gia báo Nhân văn nhiều người đồng thời viết và vẽ cho cả báo Văn nghệ thì có lẽ ta cùng gói cả hai báo đó vào làm một?

Bởi vậy, chúng tôi gạt ra một bên những lời của bạn Nguyễn Chương hướng vào bài của cụ Phan Khôi in trong Giai phẩm mùa thu (Tập I). (Chính chúng tôi cũng không tán thành thái độ phê bình của cụ Phan trong nhiều đoạn của bài ấy). Chúng tôi chỉ đáp lại những cái bạn nói về báo Nhân văn mà thôi.

1. Bạn Nguyễn-Chương khẳng định rằng chúng tôi “muốn nhân việc phê bình lãnh đạo văn nghệ hẹp hòi, mệnh lệnh mà làm cho người ta tưởng rằng toàn bộ sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam và toàn bộ chế độ chính trị ở miền Bắc là độc đoán, độc tài, chà đạp con người, không có nhân văn”.

Bạn Nguyễn Chương căn cứ vào đâu mà khẳng định như thế? Như bạn nói, bạn căn cứ vào bài “Con người Trần Dần” (của Hoàng Cầm) và bài “Nhân câu chuyện mấy người tự tử” (của Lê Đạt). Hai bài đó chỉ phản ảnh những sự thật đã xảy ra hoàn toàn do những sai lầm cá biệt của một số người sâu mọt chứ có một câu nào nói đó là những hiện tượng phổ biến do tinh thần của Đảng hay do bản chất của chế độ miền Bắc này đâu!

Bạn Nguyễn Chương suy diễn, tưởng tượng ra cả, rồi lại làm như đã đi guốc trong bụng chúng tôi:

“Báo Nhân văn không tuyên bố rõ mà ám chỉ miêu tả như vậy để độc giả tự suy nghĩ.”

“Miêu tả như vậy”! Đó là điều mà bạn dựng đứng lên.

Đối với bạn Nguyễn Chương những câu văn của Hoàng Cầm:

“tôi tin ở chân lý mà Đảng ta nắm rất vững”, “sở dĩ anh được về là nhờ có sự sáng suốt của Trung ương Đảng”, “Trước mắt tôi là lòng tin vào ánh sáng của Đảng. Áhh sáng đó sẽ soi rọi vào bất cứ chỗ nào đang cần bảo vệ con người”… không phải là ca ngợi Đảng và kết tội mấy kẻ làm xằng mà lại hoá ra nói xấu Đảng?

Và nhưng câu thơ của Lê Đạt:

Chế độ ta không cấm họ yêu nhau
Mà sao họ chết?...
Giữa năm Cộng hoà lớn khôn mười một tuổi
Vẫn còn lọt lưới
nhiều thói “an nam”
Dán nhãn hiệu
“made in cách mạng”
Ngang nhiên xúc phạm con người
Đẩy họ đi tự tử
Đất nước trong khó khăn
Đối với chúng ta càng yêu càng quý

cũng không phải là đề cao chế độ và kết tội mấy kẻ làm xằng mà lại hoá ra chống chế độ?

Bạn cố tình đến thế, chúng tôi còn biết làm sao!

Theo ý bạn Nguyễn Chương có lẽ Hoàng Cầm phải đồng loã với bè phái lãnh đạo, ỉm đi vụ Trần Dần, mặc cho một số nhà văn tiêu ma trong đau khổ, oan ức thì mới là có lợi cho Đảng, có lợi cho chế độ? Và cũng theo lối suy nghĩ ấy thì có lẽ Lê Đạt cũng phải nhắm mắt trước một số hành động chà đạp lên tình cảm chính đáng và phẩm giá người ta mới là có lợi cho Đảng, có lợi cho chế độ?

Bây giờ bình tĩnh lại, bạn có thấy bạn độc đoán không?

2. Sau khi suy diễn một cách vô lý như trên, bạn Nguyễn Chương viết một đoạn dài mập mờ chẳng rõ rệt là ám chỉ chúng tôi hay là nhằm vào những kẻ đâu đâu, đại ý nói: “nếu vì thấy có những khuyết điểm trong Cải cách Ruộng đất, Quản lý Hộ khẩu v.v… mà cho rằng toàn bộ chế độ ta, bản chất chế độ ta là không dân chủ thì rất sai lầm”.

Có lẽ bạn Nguyễn Chương hiện nay bị cái ám ảnh là nhiều người hoang mang, lệch lạc cứ nhìn qua Cải cách Ruộng đất và Quản lý Hộ khẩu mà hoài nghi, chán nản đối với chế độ ta nên trong đầu bạn lúc nào cũng sắp sẵn những câu giải thích biện bác, nhưng câu “đập lại”, chỉ chờ có dịp là đưa ra. Bởi vậy mặc dầu trong Nhân văn số 1 chúng tôi không hề đả động gì đến Cải cách Ruộng đất và Quản lý Hộ khẩu, bạn cũng gò bằng được những chuyện đó vào bài phê bình của bạn. Và cái lối mập mờ đó đã gây ra một sự hiểu nhầm nguy hiểm.

Bạn cố tình đến thế chúng tôi còn biết nói sao!

3. Bạn Nguyễn Chương chỉ trích chúng tôi “không nêu lên được những vấn đề gì có tính chất phương châm, đường lối rõ ràng về văn nghệ”.

Nêu những vấn đề có tính chất phương châm, đường lối là việc chúng tôi chưa làm chứ không phải nhất định không làm. Báo ra hàng chục số rồi mà chúng tôi vẫn chưa đề cập đến thì bạn Nguyễn Chương có quyền trách. Báo mới ra một số, bạn đã đòi hỏi ngay điều đó thì hơi vội.

Bạn là một cán bộ tuyên huấn cao cấp vẫn thường đi huấn luyện chính trị, hãy hỏi trong buổi học đầu bạn có dạy được cả duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, kinh tế chính trị Mác và nguyên lý của chủ nghĩa Lê-nin không?

Bạn thông cảm với chúng tôi đấy, nhưng bạn cứ chất vấn.

Bạn cố tình đến thế, chúng tôi còn biết nói sao!

4. Bạn Nguyễn Chương chỉ trích chúng tôi “công kích địch thì ít, công kích ta thì nhiều”.

“Công kích ta” là một câu mơ hồ, xuyên tạc, chúng tôi xin trả lại bạn Nguyễn Chương. Chúng tôi đấu tranh chống những cái xấu (tạm thời còn tồn tại) của ta, nghĩa là những cái thù địch đối với nhân dân, đối với cách mạng, như thế không thể coi là “công kích ta” được. Bạn là cán bộ tuyên huấn cao cấp, lẽ nào bạn lại lẫn lộn hai khái niệm đó?

Còn công kích bọn Mỹ, Diệm, tuy chưa được cung cấp tài liệu như các báo khác, chúng tôi cũng đã dành một chỗ nếu không rộng hơn thì ít ra cũng ngang bằng nhiều bạn đồng nghiệp.

Bạn biết cả, nhưng bạn cứ bắt bẻ.

Bạn cố tình đến thế, chúng tôi còn biết nói sao!

5. Bạn Nguyễn Chương chỉ trích chúng tôi “nặng về đả kích cá nhân”. [9]

Nêu ra những hiện tượng xấu, sự việc xấu, những chủ trương sai, chính sách sai thì lập tức bạn Nguyễn Chương kêu chúng tôi chống Đảng và bôi đen chế độ. Mà nêu ra những người này xấu người nọ làm sai thì bạn lại kêu chúng tôi đả kích cá nhân.

Bạn muốn đặt chúng tôi vào tình thế lửa cháy hai đầu, không có lối thoát ngoài cách “im đi”.

Bạn cố tình đến thế, chúng tôi còn biết nói sao?

6. Bạn Nguyễn Chương chỉ trích chúng tôi đã “dùng rất nhiều những lời hằn học, giễu cợt”. [10]

“Giễu cợt” (nghĩa là châm biếm, vui cười) đúng lúc, đúng chỗ thì không phải là dở. Mà chúng tôi cả quyết là trong số 1 chúng tôi đã giễu cợt đúng lúc, đúng chỗ.

Còn “hằn học” thì đáng khinh, đáng ghét lắm rồi. Nhưng để dẫn chứng, bạn Nguyễn Chương chẳng tìm được gì ngoài mấy tiếng “thủ phạm”, “bè phái”, “ăn cánh”, “tên này, tên nọ”.

Hai tiếng “bè phái” là một danh từ rất chính xác, để chỉ một tình trạng xấu trong hàng ngũ cách mạng. Trong Nhân văn số 1 chúng tôi dùng nó vào những bài hoàn toàn nghiêm chỉnh, tại sao bạn lại phàn nàn?

Hai tiếng “thủ phạm” báo Nhân dân đã dùng trong mục “Chuyện vô lý” với ý nghĩa mỉa mai, khi nói về vụ Nọc rắn. Tại sao bạn không thấy là báo Nhân dân hằn học, còn chúng tôi cũng dùng hai tiếng đó với cùng một ý nghĩa, vào cùng một trường hợp, thì lại là hằn học?

Chúng tôi chỉ viết “hai tên Quan liêu và Mệnh lệnh”, “tên Không biết gì” để gọi những khuyết điểm mà thôi chứ không gắn tiếng “tên” với cá nhân nào.

Nhưng bạn Nguyễn Chương lại dẫn chứng gọt đầu cắt đuôi mấy tiếng “tên này, tên nọ”, làm cho người đọc tưởng chúng tôi đã dùng tiếng “tên” để gọi một cách mạt sát những cán bộ nào đó.

Bạn cố tình đến thế, chúng tôi còn biết nói sao!

Đến đây, chúng tôi đã trả lời về hết mọi điều mà bạn Nguyễn Chương chỉ trích.

Bây giờ, để kết luận, chúng tôi xin bộc lộ vài thắc mắc về thái độ bạn Nguyễn Chương và báo Nhân dân:

1) Bạn Nguyễn Chương là cán bộ tuyên huấn cao cấp, báo Nhân dân là cơ quan ngôn luận trung ương của Đảng.

Mấy năm nay bộ phận lãnh đạo văn nghệ phạm bao nhiêu sai lầm nghiêm trọng, bạn Nguyễn Chương và báo Nhân dân đã không biết gì hết hoặc có biết mà đã không lên tiếng phê bình. Bây giờ cực chẳng đã, chúng tôi phải đem phê bình công khai những sai lầm kia sau khi đóng cửa bảo nhau không được, thì bạn Nguyễn Chương và báo Nhân dân lại tìm cách chụp mũ để đe doạ.

Như thế bạn Nguyễn Chương và báo Nhân dân có thấy mình thiếu sót đối với lòng tin cậy của Đảng và của quần chúng không?

2) Vụ Giai phẩm mùa Xuân đã bị Trung ương Đảng chỉ trích hơn nửa năm nay nhưng bè phái lãnh đạo văn nghệ ỉm đi, không chịu phục hồi Trần Dần một cách đầy đủ trước dư luận cả nước.

Bạn Nguyễn Chương và báo Nhân dân không lên tiếng trong sự im lặng tội lỗi đó thì có thấy mình thiếu sót đối với lòng tin cậy của Đảng và của quần chúng không?

3) Đợt học tập của giới văn nghệ tháng tám vừa qua đã là một cuộc đấu tranh sôi nổi của trên 300 người công tác văn nghệ; phát hiện sự việc thế nào, chỉ trích bè phái lãnh đạo văn nghệ thế nào, xây dựng Trung ương Đảng thế nào, Nguyễn Đình Thi tổng kết quanh co thế nào, Nguyễn Hữu Đang tham luận mạnh bạo thế nào, Tố Hữu nhận lỗi qua loa thế nào, anh em đề nghị những gì... báo Nhân dân biết rõ cả và bạn Nguyễn Chương cũng không lạ gì. Thế rồi bè phái lãnh đạo văn nghệ vẫn cứ ngoan cố làm thinh, tuyệt nhiên không phản ảnh một dòng một chữ nào những buổi học cuối và buổi tổng kết lên báo Văn nghệ, tuyệt nhiên không giải quyết một nguyện vọng nào của anh chị em và cũng không thèm trả lời anh chị em. (Từ hôm tổng kết đến hôm báo Nhân văn ra số 1 đã ngót một tháng trời).

Bạn Nguyễn Chương và báo Nhân dân không lên tiếng trong sự im lặng tội lỗi đó thì có thấy mình thiếu sót đối với lòng tin cậy của Đảng và của quần chúng không?

4) Báo Nhân văn khi ra đời, tuyên bố rõ là tự đặt mình dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó là lời nói chân thành do nhiệt tình cách mạng và do lòng tin, yêu Đảng của hàng trăm văn nghệ sĩ và trí thức đã đi theo cách mạng từ mấy chục năm, ít ra cũng tham gia kháng chiến chín năm ròng. Họ nói là nói với Trung ương Đảng, với nhân dân miền Bắc và miền Nam, với cả thế giới.

Bạn Nguyễn Chương và báo Nhân dân có được uỷ nhiệm của Trung ương Đảng để tỏ thái độ đối với lời tuyên bố đoàn kết và phục tùng kia không mà lại hống hánh và mỉa mai hạ lời phê phán nó là “chiêu bài” để ruồng rẫy? Có phải bạn Nguyễn Chương và báo Nhân dân định bày ra một tình thế đối lập giả tạo để dọn đường cho một vụ Giai phẩm mùa Xuân thứ hai không?

Đào một cái hố sâu giữa Đảng và một số đông văn nghệ sĩ, trí thức như thế, bạn Nguyễn Chương và báo Nhân dân có thấy mình thiếu sót đối với lòng tin cậy của Đảng và của quần chúng không?

5) Trong các công tác Cải cách Ruộng đất, Quản lý Hộ khẩu và ngay trong vụ Giai phẩm mùa Xuân, chúng ta rút ra được một bài học đau đớn mà chúng ta đã phải đánh đổi bằng máu và nước mắt: luận điệu vu cáo chính trị gây tình hình căng thẳng, thủ tiêu tự do và dân chủ, ngăn cách Đảng với quần chúng, phá hoại mọi chính sách tốt, bôi nhọ chế độ ta.

Tất cả các tầng lớp nhân dân đã đồng tâm nhất trí lên án luận điệu nguy hiểm ấy từ lâu rồi.

Thế mà nay bạn Nguyễn Chương và báo Nhân dân vẫn còn dùng nó thì có thấy mình thiếu sót đối với lòng tin cậy của Đảng và của quần chúng không?

==

No comments: