Sunday, January 25, 2009

257. TÁC PHẨM LÊ ĐẠI THANH

==
Lê Đại Thanh



Cuốn sổ tay



Khi tôi đến thì Bảo sắp tắt nghỉ. Đôi mắt đã dại hẳn, đồng tử đưa ngược lên, Nhưng đôi môi lắp bắp thoáng một nụ cười, đôi môi như đang nói một câu gì chưa dứt đoạn với một người thân nào ở xa.



Sách vở, mấy bản thảo, giấy má, một số phác hoạ ném trên bàn, trên mặt chiếu hoa, dưới đất, nằm cả trên ngực, trên cánh tay người sắp chết. Một bông hồng quế đỏ tươi cắm trong một chiếc cốc nước pha lê trong suốt. Một bức ảnh in trên giấy lụa mầu nâu để dựng nên một chồng tác phẩm ngoại quốc. Bức ảnh chụp một bến sông có một người đàn bà ăn mặc cán bộ đứng quay mặt lại vẫy nón chào ai, Nét mặt có một sức cám dỗ đặc biệt nhất là nụ cười toát ra một tình yêu thắm thiết say mê.



Tôi là người biết rõ Bảo hơn ai hết. Anh là người yêu bạn hơn bản thân mình và có thể hy sinh tất cả để làm một việc anh thích. Không có một điều gì anh không nói với tôi. Nhưng hôm nay nhìn bức ảnh, tôi thấy còn một chuyện anh giấu hay chưa kịp nói. Tự nhiên tôi thấy thương Bảo vô cùng. Mỗi người chết như mang đi một câu chuyện, một tâm tình, một cuộc đời. Người văn nghệ sĩ chết chôn với mình ít nhất một tác phẩm.



Tôi phải can đảm lắm mới chặn nổi mấy dòng nước mắt nghẹn ứ ở cổ khi Bảo nắm chặt tay tôi thầm thì như nói một mình.



“Biển mặn nuôi ngọc trai. Ngọc trai có là vì biển mặn. Có ai nuôi ngọc trai trong ao tù được đâu. Người làm văn làm thơ, người nghệ sĩ cũng chỉ là những con trai nhả ngọc, Không làm được việc đó đau xót như người đàn bà không có con… Tác phẩm là hòn máu của người văn nghệ sĩ để lại cho đời.”



Nói xong anh tắt nghỉ.



Tôi nhắc cuốn sổ tay trong tay người bạn với cảm giác đang rứt ra một trái tim nâng trong tay mình, Một mảnh giấy nhỏ vương ra, tôi đọc:



“Gửi anh cả sinh mệnh của tôi”.



“Có ai đến lấy thì anh đưa, nếu không đó là kỷ niệm nhỏ tôi tặng anh, vì đó là cả một cuộc đời. Chưa tác phẩm nào của chúng ta nói lên được con người xứng đáng giai đoạn của chúng ta. Anh cố gắng làm việc đó.”



… Tôi hiểu cả. Cuộc sống của chúng tôi kết tinh cả ở đây, từng giọt tư tưởng chắt lại trên những trang giấy nhỏ, tôi nghĩ đến cuốn sổ tay của tôi. Con ong phải lấy phấn trăm hoa rừng lọc qua cơ thể mới nhả nổi một giọt sương mật. Một trang sổ tay có thể là một ngày sống, một đêm trắng, một cuộc gặp gỡ - một lời nói yêu thương hay mấy nét nguệch ngoạc viết giữa phút cái sống và cái chết giằng co nhau.



Một trang sổ tay có thể là một mảnh đời bỏng nung cuộc sống.



Phải đấu tranh tư tưởng mãi mới dám đọc. Đọc cuốn sổ tay của người văn nghệ sĩ như đi sâu vào cuộc đời một người đàn bà - Đêm tối đầy bí mật nhưng cũng đầy những vì sao lấp lánh khó khăn lắm mới lách nổi qua những con đường đi của tâm tình.



Người đàn bà ở đâu cũng có một chỗ đứng rất đặc biệt nhất là trong sổ tay của người văn nghệ. Nhiều chữ nhiều câu viết tắt – ghi bằng dấu – những tên chỉ là một chữ hoa, một nét vẽ tượng trưng.



Có những phác hoạ một khuôn mặt trái xoan, một đôi mắt dài và xếch, một cặp môi hiền dịu nét vẽ mềm và nhanh rất linh động. Má hồng nhiều khi là hai vết mực xanh đậm.



Vài trang đánh dấu những ngày qua một đồn giặc ở địch hậu – mấy trận đánh dọc theo sông Luộc, mấy đợt phát động quần chúng ở Việt Bắc và cả đợt cải cách ruộng đất gần đây.



Rồi những câu thơ viết dở, những chủ đề của một số truyện ngắn truyện dài. Chữ viết li ti, mực phai nhoà (vì mưa hay vì mồ hôi, nước mắt?). Có tờ còn mang cả vết bùn.



Giở từng trang giấy, đọc từng dòng, tôi thấy cuốn sổ tay không còn phải là một vật riêng biệt của người đã chết. Tôi lọc ra một số trang ghi chép – sắp xếp lại cho có hệ thống – Tôi muốn làm sống lại bạn tôi. Tư tưởng con người vẫn là một cái gì bất diệt khi nghệ thuật làm rung lên rất mạnh con tim người đọc mình, xem mình, nghe mình cũng vậy.



Đây là nội dung mấy trang giấy nhỏ:



4-6-47. Tôi phải viết. Tôi muốn viết rất nhiều. Tôi thèm viết như người đói thèm ăn. Chung quanh tôi người ta sáng tác khá nhiều nhưng chưa thấy một tác phẩm nào dựng được một con người cho đúng. Tôi lao vào đi tìm con người trong chiến đấu. Con người lù lù trước mắt như rặng núi xanh to lớn vĩ đại. Nhưng đi đến con người cũng như đi đến với trái núi. Mầu sắc, hình dáng, cây cỏ, cả đến cảm xúc, tình cảm không còn giữ tính chất đầu tiên của nó. Có lúc tôi đã thất vọng lo sợ, tôi muốn nắm lấy con người. Con người như dòng nước chuồi dưới tay tôi. Nhưng tôi không chịu nản.



13-1-48. Tôi đã nhìn rất kỹ cuộc sống chung quanh, tôi ghi chép hằng ngày những sự việc, tôi sống với người nông dân để viết. Bản thân tôi có lúc chùn lại trước một sự thực sống giữa con người mà không trông thấy con người.



Tôi đã tìm ra một chân lý cho tôi: Cả bao nhiêu thế kỷ chung đúc lại mới có được một Nguyễn Du.



25-12-49. Địch đã đổ bộ lên Sa Cát phía gần Cầu Bo Thái Bình. Chúng dồn nhân dân tới sát biểu định cắt đôi Liên khu III để tiêu diệt quân đội chúng ta. Bản hùng ca của dân tộc đang được những người vệ quốc quân và những du kích viết bằng dao quai bằng súng và cả bằng máu mình nữa.



Đứa con gái lớn của tôi cõng đứa em bé lên ba theo nhân dân hồi cư khóc nói với tôi:



"Con về quê tăng gia để nuôi em. Nhưng bố đừng để chúng con phải chờ lâu bố nhé."



Tác phẩm của tôi viết bằng nước mắt đang mọc rễ trong đầu tôi.



Rồi mặt trận vỡ.



Những người vệ quốc quân gan dạ im lặng bọc vũ khí vào chiếu, chia thành những đơn vị nhỏ chuyển vào hình thái chiến tranh bí mật.



Tôi không muốn viết gì lúc này. Chỉ còn một con đường: phải tìm hiểu những con người trước mắt của tôi. Tôi đã đi theo một đơn vị tác chiến…



3-3-1950. Hôm nay địch quây tròn càn quét. Và cũng hôm nay tôi nhận thấy giá trị của con người, Chúng tôi bị o ép trong một vòng vây hẹp như lòng bàn tay. Chỗ nào cũng thấy bóng địch: ruộng ngô, bờ đê, trên cầu, trong mấy chiếc đình vùng Cầu Nại, cả trên mặt sông. Địch cứ vây, chúng tôi cứ chạy, hai bên nhìn thấy rõ mặt nhau,



Có lúc tôi có cảm giác là con chim bị mắc cạn, rúc đầu vào nan lồng mà không chỗ nào tìm thấy lối thoát ra. Lúc người ta mạnh dạn đương đầu với cái chết là lúc tôi nghe lòng con người vững chắc nhất.



Một chị cán bộ mặc áo cánh trắng đeo chiếc túi xanh thay vội chiếc áo nâu, thản nhiên nói to bảo nhân dân:



"Các ông các bà cứ đi vào mấy làng trước mặt kia, thế nào cũng có cách tránh tai nạn."



"Nhưng đấy là làng tề!"



"Tề thì cũng là chúng ta. Vào là sống."



Giọng nói sắc và gọn. Đôi mắt xếch và dài của người cán bộ nữ sáng một nét rắn rỏi.



Chúng tôi rẽ xuống bãi ruộng ngô xanh nhắm gốc cây gạo phía trước mặt mà tiến. Bùn phù sa láp nháp bám chặt lấy bàn chân lôi chúng tôi lại. Tôi cứ nhìn chiếc áo nâu và chiếc túi con xanh mà bước. Có một sức mạnh thúc đẩy, quấn chặt lấy đầu óc, lôi cuốn. Tâm thần căng thẳng.



Tôi không nhìn thấy địch, không nhìn thấy nguy hiểm, mà nhìn thấy một tác phẩm hiện hình…



Thế là thoát. Bẩy hôm sau, tôi, Lý và mấy người cán bộ quân sự luân phiên nhau nằm hầm bí mật và đi nghe ngóng tin tức.



Sống một tuần trong hoàn cảnh tôi là sống bảy năm trong cuộc đời. Tôi thầm cám ơn sự may rủi cho tôi gặp tai hoạ – và gặp Lý. Con người văn nghệ ở trường hợp sáng tạo, khát khao sống – say mê sống - thèm uống vào sự sống ừng ực từng ngụm lớn. Con người, tôi đã tìm thấy ở đây rồi.



Tôi nhớ mãi tiếng đạn tiểu liên reo khô xé rách mướp những thân ngô non. Con chó Béc-giê cao lêu nghêu chồm qua bãi ruộng cắn lên những tiếng ông ổng. Tôi ngửi rõ thấy cả mùi hôi khai và nồng ở người nó bốc hơi. Lý giật mạnh cánh tay tôi kéo nằm úp mặt xuống một rảnh đất sũng nước. Một người đàn bà nông thôn đang nằm với chúng tôi vụt chồm dạy xoã tóc ra kêu rú như người điên. Bốn tên lính Pháp ập tới kéo vội đi. Tôi nghe rõ tiếng Lý rít hàm răng lẩm bẩm:



"Quân dã man!"



Ba hôm liền chúng tôi phải nhịn đói, chân tay tê dại. Đôi mắt dài và xếch của Lý mỗi phút như bắt mạch tinh thần lên xuống của chúng tôi tất cả năm người. Có lúc đôi mắt Lý gặp đôi mắt của tôi. Chúng tôi nhìn nhau rất lâu không nói gì. Tôi đã sắp xếp được trong đầu tôi cả một câu chuyện. Sáu tiểu đoàn địch kéo qua Cầu Nai xuống ca-nô về Nam Định, Tiếng súng Pạc Hoọc hay tiểu liên từng phút nổ ròn qua những cành cây me, và cây gạo làm bay lên từng đám quạ đen. Từ dưới hầm nước sâu, tôi nghe thấy cả cuộc đời bên trên – tiếng kêu, tiếng doạ nạt – tiếng van lơn – tiếng khóc của một em gái – tiếng cười ồm ồm của mấy tên quỉ dâm ô.



Lý và tôi nhiều khi phải nhắm mắt lại tránh nhìn nhau. Cái đau xót cái căm uất thấm vào mạch máu, vào tim, vào óc nhức nhối khi kim châm không chịu được. Cái đau xót của đồng bào chúng tôi thấy khắc vào da thịt chúng tôi hằn thành những nét chạm phù điêu.



10-3-50. Hôm nay người nông dân giấu chúng tôi mang cho mấy củ khoai và một mo cơm nắm chỉ tay về phía Duyên Hà nói vội:



"Các anh các chị đi cho nhanh – Bọn Phòng Nhì và hương dũng ở Hưng Nhân xuống đang đi sục hầm, tìm cán bộ ấy."



Chúng tôi đi tắt ở cổng sau lội qua ruộng nước.



Lý chuyển cho mỗi người mo cơm dặn ăn đỡ lòng một hai miếng còn phải để dành.



"Có thể chúng ta chưa bắt được liên lạc ngay đâu."



Bảy hôm mặt trận vỡ.



Bảy hôm tôi yên trí là địch đã càn quét hết cả khu hoạt động của chúng tôi.



Nhưng mới đi được một giờ bỗng chúng tôi nghe thấy tiếng súng cối và tiếng lựu đạn trong một thôn xa. Một anh cán bộ quân sự nghe ngóng một tràng đại liên rồi kêu to.



"Đúng là quân ta rồi!"



Những con mắt tìm nhau. Từ bé tới giờ tôi mới được thấy hãnh diện là người. Tôi muốn ôm lấy từng đồng chí chung quanh, để nói một lời vui. Tôi thấy dân tộc gian khổ quá và vĩ đại quá.



Lần thứ nhất tôi thấy Lý cười – đôi môi mỏng có một nét đồng tiền lúm xuống ở góc.



Nhiều trang sổ tay của Bảo ở đoạn này bị đứt quãng. Nước mưa, vết bùn dính một tập ngắn vào nhau.



Từ đoạn sau có nhiều những câu ngắn hằn học, bất mãn. Hình như có một giai đoạn nào đó Bảo không vừa ý với cuộc sống.



Tôi chép lại đây mấy câu thơ khôi hài viết bằng chữ mực mầu cánh cam tươi.



Đời tôi như chiếc ba lô rách

Thủng cả hai đầu đứt cả quai



Dưới đó có mấy dòng chú thích bằng bút chì nét yếu và mềm nhưng chữ rất nắn nót:



"Đừng viết thế, dù đó là sự thực. Anh em thân người ta lại cười cho."



Ký tên: Người bạn ra đi



Tiếp theo mấy trang sau có bốn câu thơ ghi vội bằng mực đỏ:



Người về đuôi mắt ngời sao

Rưng rưng lệ nhỏ má đào nhẹ hoen.

Người đi tựa cánh mui thuyền

Bâng khuâng mơ dải tóc huyền phủ vai.



5-4-1950. Tôi thèm viết quá rồi, không chịu nổi sự thằn thúc của sáng tác. Nằm trên một sàn gác tôi khơi to đĩa đèn dầu chẩu để viết. Tôi viết hối hả như người đói được ăn. Hình ảnh Lý giúp tôi rất nhiều. Có lúc mệt quá ngủ gục trên sàn tre. Nghe tiếng trâu rũi sừng vào cột ngoàm thở phì phì mới mở mắt thì người chủ nhà đã thức dậy giã thình thịch một cối lúa lấy gạo ăn bữa sáng để cả nhà còn đi rừng. Tôi nhìn rất lâu bức ảnh của Lý chia tay trên sông. Số giấy viết cạn dần nhưng sau ba tháng làm việc tác phẩm đầu tay của tôi đã thành. Tôi viết đi viết lại năm lần.



Sau mấy trang này tôi đã nắm được sự việc vì Bảo đã kể cho tôi nghe câu chuyện của anh. Sau ngày qua sông, anh vượt bến đò Nhật Tảo về khu tìm cách cho in tập truyện của anh. Nhưng người phụ trách sau năm tháng nhận xét trả lời gọn lỏn một câu viết trên một mẩu giấy báo đưa cho liên lạc cầm ra.



"Lúc này cần in những tập ca dao, hay kịch tuyên truyền để phục vụ đòi hỏi trước mắt. Trả lại anh bản thảo để anh sử dụng. Nếu có điều kiện sẽ viết thư cho anh sau."



Bảo uất ức để đầu trần đi lang thang trên con đường Xích Thổ giữa ban ngày. Thời kỳ này là thời kỳ máy bay địch ráo riết kiểm soát các đường giao thông của chúng ta. Bảo bất chấp cái chết. Anh rủ tôi đi vào miền địch hậu Nam Định. Ở đây chúng tôi đã gặp một thi sĩ dùng những bản đất in thơ, rồi cho vợ gánh từng tập ra chợ bán. Thơ dí dỏm nói đúng sự việc của địa phương. Giá lại rẻ vừa với túi tiền của bà con đi chợ nên những tập thơ nhỏ bán chạy như tôm tươi.



Bảo cũng rất tán thành cách làm việc tháo vát thích ứng với hoàn cảnh của người bạn thi sĩ! Nhưng anh cũng rất buồn về việc đó. Anh làm một bài thơ châm biếm dài mà tôi còn nhớ mấy câu:





Mòn tay viết lách năm năm

Thơ in đất thó truyện nằm ổ rơm

Gác sàn gối cánh cô đơn

Giấc mơ gặp bạn chập chờn lửa khuya





Câu chuyện đến đây là chấm hết. Mấy tờ cuối cuốn sổ tay bị xé rời mép còn gợn vết răng cưa. Gần một tháng tôi tìm cách lục lại một số tài liệu và các bản ráp khác của Bảo để xem có gì sử dụng được không. Tôi muốn làm sống lại bạn tôi dù chỉ bằng mấy dòng ngắn: Người văn nghệ sĩ thường cũng chỉ có hai bàn tay trắng và cái thiên tài của mình làm cái vốn độc nhất trong đời. Không thể hiện được cái thiên tài đó bằng tác phẩm, chết không nhắm mắt nổi. Thì một hôm có một người đàn bà đến thăm tôi.



Khuôn mặt gầy, đôi mắt xếch và dài, nét da xanh mái. Chúng tôi nói chuyện rất lâu về sáng tác, những thắc mắc của con người sáng tác, những giằng co vật lộn của nội tâm trước vấn đề sáng tạo nhân vật dựng lên cuộc sống. Người đàn bà tỏ ra thông minh và rất am hiểu văn nghệ.



Tôi hỏi tên, người đó không nói.



Chỉ khi ra về, chỉ một ngón tay lên mặt bàn đúng vào một tập tài liệu:



"Tôi muốn xin ông những cái này vì đây là một người tôi quen thân."



Tôi bất giác kêu lên:



"Đồng chí là người kí tên ở dưới bài thơ của anh Bảo phải không?" Người đàn bà khẽ gật đầu, nhẹ nhàng rải chiếc khăn tay lụa mỏng kẻ ô đỏ gói cuốn sổ tay và tập bản thảo để ở góc bàn của tôi, trân trọng như gói một di vật hay một mớ ngọc châu.



Khi người ấy đi khuất đã lâu, tôi bàng hoàng như vụt tỉnh một giấc mơ, tự trách mình là quá nhẹ dạ tin người, và nhận thấy tôi có lỗi nặng với Bảo.



Nửa tháng sau tôi còn hối hận về việc đó, nhất là việc quên không hỏi tên và địa chỉ người đàn bà, thì một hôm nhận được một phong thư chữ mực viết mầu xanh cánh cam thật tươi, nét yếu nhưng rất duyên dáng.



"Cám ơn ông đã tin ở tôi. Người bạn thân của ông không dặn tôi địa chỉ của ông thì tôi không biết đâu mà đến. Tôi quí những bản thảo và cuốn sổ tay của Bảo hơn cả ông và hơn cả Bảo nữa. Vì tôi là một người đàn bà, một người đàn bà rất yêu văn nghệ, hiểu rõ tâm trạng những người văn nghệ. Bảo đã khuyến khích tôi viết mấy năm gần đây nhưng anh căn dặn tôi rất kỹ: ‘Cuộc đời không cho chúng ta không cái gì. Mỗi dòng viết của chúng ta phải đổi bằng một dòng nước mắt’. Tôi quí trọng và mến Bảo vì anh đã say mê cuộc đời, biết yêu thương con người. Tôi cho là một dân tộc văn minh không sao không yêu những người văn nghệ chân chính. Họ hy sinh cả cuộc sống của mình, quên cả giầu sang để phục vụ một quần chúng không bao giờ gặp, hay có khi chưa có mặt trên trái đất khi họ viết.



Tôi cũng đang muốn hy sinh cả cuộc sống của tôi đấy ông ạ, nghĩa là tôi làm văn nghệ. Liệu tôi có may hơn Bảo không? Nhưng cuộc đời nó là thế. Con thiêu thân yêu ánh sáng đèn và chết vì ánh sáng đèn, nhưng có con thiêu thân nào sợ ánh đèn đâu. Ngọn lửa chúng ta cùng thắp lên phải chuyền từ tay người này tới tay người khác mới làm được cái sứ mệnh soi sáng được tâm hồn con người đã chết như Bảo.



Tôi không còn ân hận gì nữa khi được giữ cuốn sổ tay của Bảo. Nó sẽ giúp cho tôi làm được một cái gì. Cuốn sổ tay văn nghệ của tôi sẽ bắt đầu làm việc từ hôm nay đấy.



Ký tên: Lý"



Tự nhiên tôi thấy nhẹ hẳn người như vừa trút được một gánh nặng. Tôi thấy không cần phải thương bạn tôi nữa, Hình như trong cuộc sống anh đã tìm thấy một con người.

No comments: