Tuesday, January 27, 2009

274. NHÂN VĂN SỐ 4 * PHẦN II

=

(TIẾP THEO)

Báo Nhân văn số 4
1 2

Phùng Cung
Con ngựa già của chúa Trịnh [1]

(Minh hoạ của Bùi Xuân Phái)

Việc giới thiệu, giúp đỡ, tạo điều kiện cho anh em văn nghệ mới vào nghề là một việc rất quan trọng.

Việc đó từ trước đến nay Hội Văn nghệ làm không đuợc đầy đủ. Để đẩy mạnh phong trào bồi dưỡng nhà văn trẻ, chúng tôi mạnh bạo giới thiệu những sáng tác của anh em, dù kỹ thuật có thiếu sót, nhưng đã tỏ ra có nhiều cố gắng suy nghĩ tìm tòi.

Nhân văn



Phương Lộ là một làng nhỏ hẻo lánh, nằm lọt trong một thung lũng phía Nam chân núi Tản, cách chợ Đan Lâm chừng bẩy dặm. Từ Đan Lâm vào Phương Lộ, trên con đường đất mòn, ngoằn ngoèo men theo dòng suối phải qua một chiếc cầu bằng đá vắt ngang suối, bên cạnh một ngôi đền nhỏ. Trong làng có lão già họ Nông, hai đời chuyên nghề buôn ngựa. Ông cụ sinh ra lão ngày trước là mã phu của triều Trần; khi mãn lính, trở về làng làm nghề buôn ngựa. Năm mười bốn tuổi, lão đã theo cha ra chợ Đan Lâm học nghề. Lớn lên, lão đã nổi tiếng khắp vùng về môn xem tướng ngựa.

Lão Nông có con ngựa trắng, mình kim, lông trắng như bông, lại lấp lánh như có nạm kim cương, nên lão đặt tên nó là Kim Bông. Lão thường khoe con ngựa này lão tìm mua được từ lúc nó chưa phát nha ở tận miền Nước Hai. Lão đã từng đi nhiều nơi mà chưa thấy có con nào tướng phách toàn mỹ như nó; có sức vượt hàng nghìn dặm với cái thế "cao đầu phóng vĩ" của nòi ngựa chiến.

Từ khi con Kim Bông bắc yên, ngày ngày lão cưỡi nó đi các nơi để buôn ngựa. Hàng năm những cuộc đua ngựa miền này, không cuộc đua nào vắng lão. Không cuộc đua nào con Kim Bông không đoạt giải nhất. Từ đó tiếng con ngựa hay, mỗi ngày được truyền rộng ra khắp nơi và lọt đến tai Chúa Trịnh.

Thuở ấy Chúa Trịnh đang cần tuyển mộ một đoàn kỵ binh để bình định đất nước, nên liền ủy một viên quan hầu cận, tìm đến tận nơi hỏi mua.

Lão Nông tuy luyến tiếc con Kim Bông, nhưng nghĩ đến cái tài của nó lão sẵn sàng trao lại cho viên quan mà rằng: "Con ngựa của bần dân thuộc loại quý mã, là vật, nhưng nó hiểu tiếng người. Bấy lâu nay nó sống với bần dân ở nơi sơn lâm hẻo lánh này, ăn cỏ núi, uống nước suối, tài nó có mà không được dùng, thật lòng bần dân cũng tiếc cho đời nó lắm! Nay chúa công lại cho vời nó về chốn triều đình để dùng nó xông pha chiến trận, bần dân cũng được hả dạ vì đã làm vừa ý con quý mã và cũng bõ công nuôi nấng tập luyện". Lão Nông miệng nói tay trao cương cho viên quan. Con Kim Bông cũng dỏng hai tai gật gật cái đầu như biết mình sắp được từ giã cảnh sơn lâm hiu quạnh, để về vùng vẫy chốn kinh thành.

Trên đường về, viên quan hết lời khen ngợi con quý mã; Kim Bông phi như gió, giả lại đằng sau những đồi núi, cây cỏ hỗn độn của vùng Sơn Tây. Chỉ trong nửa ngày đã về đến Thăng Long.

Viên quan vào tâu với Chúa Trịnh, hắn tả lại tướng phách cùng nước bay, nước kiệu của con ngựa. Chúa Trịnh lấy làm toại nguyện, và truyền cho các tướng tá chọn ngày mở hội đua để kén ngựa chiến.
Một buổi sáng, trên các ngả đường, nhân dân các vùng lân cận nghe tin, lũ lượt đổ về xem như nước chảy. Hàng nghìn ngựa tốt từ các nơi đem về được sắp hàng tề chỉnh bên cạnh những kỵ binh nai nịt gọn gàng. Con Kim Bông ngơ ngác trước quang cảnh mới lạ, lòng nó rộn ràng, mắt nó đăm đăm nhìn thẳng phía cuối đua trường như để dương oai với đồng loại, nó nín hơi, tóp bụng, cất tiếng hí dài, lanh lảnh nghe sởn óc. Người kỵ binh đứng bên cạnh, bỗng né sang một bên, lao đao tưởng ngã. Bọn ngựa trố mắt nhìn Kim Bông và cũng cất tiếng hí theo.

Sau ba hồi trống lệnh, các kỵ binh lên yên, ra roi, bắt đầu rời vạch. Đoàn ngựa lồng lên trong bụi lốc mịt mù, những miếng đất bắn ra tứ phía như mưa rào, nhân dân reo hò vang dậy. Chỉ trong chớp mắt, con Kim Bông đã vượt lên hàng đầu, vừa hí, vượt lên, chân trước khoăm lại như móc sắt, đuôi bay như giải phướn, tưởng như chân nó không hề chạm đất. Ở phía xa người ta nhìn nó chỉ còn thấy một bóng trắng lấp lánh, oằn lên, oằn xuống như một con rồng trắng uốn khúc. Nó bay tới phía nào là tiếng reo hò phía ấy vang lên không ngớt. Hàng loạt ngựa thấy sức mình không sánh kịp con Kim Bông, bỏ dở cuộc đua, đứng dừng cả lại, hí hí nhìn theo cái bóng trắng nhỏ dần trong bụi nắng loà của kinh thành. Khi dứt hồi trống, con Kim Bông dừng lại, tai nó ù đi vì tiếng reo hò ca ngợi của xung quanh, nó càng nức lòng, chân nó giậm xuống đất cồm cộp như muốn bay thêm hàng nghìn vòng nữa mới phỉ sức.

Khi tiếng trống lệnh chuyển sang phi nước kiệu, con Kim Bông rời vạch một cái, là bốn chân nó băm liền trên mặt đất như guồng nước, tiếng chân vỗ rồn rã như mõ đổ hồi, đuôi trải ra trắng như một dòng nước chảy xối. Nó chạy hết một vòng mà trên lưng nó một kỵ binh bưng một bát nước đầy, bát nước không sánh ra ngoài một giọt.

Lúc này nó thấy tất cả đua trường đều hướng nhìn về nó, trầm trồ ca ngợi tài nó. Nó lại hí lên một tiếng thật dài kiêu hãnh.

Sau cuộc đua này, nó được cả đua trường tặng danh là "Bạch long Thiên lý mã" và chọn làm mẫu mực để luyện tập cho cả đoàn ngựa chiến của triều đình. Cho nên chẳng bao lâu các đồng loại của nó cũng trở thành những chiến mã lành nghề. Và từ đó nó cùng bầy ngựa chiến xông pha chiến trận, trải nhiều trận vào sanh ra tử. Nó nhớ nhất là trận quần chiến bên bờ sông Gianh. Thế địch mạnh, quân địch đã thắt vòng quanh nó, nhiều đồng loại nó đã phơi thây. Nó gắng hết sức mạnh, vùng lên như hổ đói, phá vỡ vòng vây, hạ thủ tướng địch, giành toàn thắng. Sau trận này, nó được Chúa Trịnh chọn làm mã lệnh và được vào ở trong phủ Chúa.

Chúa Trịnh truyền cho quân lính, xây một chiếc hồ bán nguyệt, phía Nam vườn Thượng uyển, để làm chỗ tắm cho mã lệnh, và cử hai mươi mã phu ngày ngày trong nom săn sóc ngựa quý của Chúa.

Lần đầu tiên con "Thiên lý" đặt chân tới Hoàng cung. Trước mặt nó toàn những lâu đài nguy nga tráng lệ, trông phía nào cũng thấy vàng son chói lọi. Dưới chân nó toàn những đá xanh nhẵn bóng. Những cảnh vật mới lạ khiến nó sợ hãi. Nó toát mồ hôi, run lên cầm cập, khi đặt chân lên những phiến đá hoa, được dịp đưa mắt nhìn hai hàng thị vệ tả hữu, đứng cắp gươm trần bên hành lang. Nó rụt rè, co cổ lại khi mã phu dắt nó vào mã đài, nó tưởng mã phu đưa nhầm nó vào nơi ở của một tướng lĩnh.

Con Thiên lý được vào ngự hẳn trong mã đài ngày ngày chỉ ăn và tắm. Mỗi buổi chiều nó phải đứng một chỗ để dăm bảy mã phu mang kéo tỉa từng sợi mao, vuốt ve từng chiếc lông đuôi. Nó càng cảm thấy bận bịu, tù cẳng. Nó bắt đầu mơ ước những cảnh sống khi còn ở bên ngoài cung cấm: "Ôi chao! Còn đâu những buổi sáng ta cùng đồng loại trên đua trường hàng vạn người ca ngợi tài ba? Với cái sức khỏe bay hàng nghìn dặm, với cái thế "cao đầu phóng vĩ" hùng dũng như ta, đã bao phen sông pha trận tuyến, đời ta tù túng như thế này thì ta sống sao được? Sao Chúa không cho ta được đem tài ra vùng vẫy trên chiến trường? Hay Chúa đã quên ta là kẻ có tài?".

Một buổi sáng, nó đang đứng trong mã đài, hai con mắt đăm đăm vọng ra ngoài bức thành cao ngất, nó bỗng thấy một mã phu nai nịt gọn ghẽ, khác ngày thường, đến giắt nó ra đứng dưới mái hiên, phía tả hành lang. Nó sửng sốt, tưởng phen này lại được xung trận. Một mã phu khác trải lên lưng nó một tấm gấm điều, xung quanh thêu kim tuyến. Nó ngoái cổ lại, bỗng thấy mình đẹp như phượng hoàng. Hai mã phu nữa mang đến đàng sau nó một vật gì vuông vắn giống như một nhà lầu, gấm vóc xanh đỏ phủ quanh. Một mã phu nữa mang cương đóng vào gáy nó. Bộ cương quý giá và đẹp đẽ làm sao? Đời nó chưa từng thấy. Hàm thiếc bằng bạc: hai đầu nạm vàng sáng lóe. Nó sung sướng gục đầu xuống nạp hàm thiếc một cách ngoan ngoãn. Khi mã phu buông tay: lạ lùng lắm, nó thấy hai vật gì to bằng hai cái lá đa che ngang hai bên mắt khiến nó chỉ có thể nhìn thẳng phía trước mà thôi. Rồi một mã phu đẩy nó lùi lại, đứng giữa hai càng gỗ sơn son thếp vàng. Ủa, lạ quá chừng, những cái gì mà đẹp thế này? Ta sẽ làm gì đây? Nó rùng mình, thấy hãnh diện như được sống một kiếp sống khác, sung sướng hơn trước.

Bỗng dưng hai càng gỗ dúi mạnh một cái, cổ nó bệt xuống, miệng nó gần chạm đất, nó vừa ngóc được lên thì dây cương đã ghìm thẳng. Nó cất bước thấy nặng; cái nặng quái gở, như bóp nghẹt lấy cổ, có lúc bềnh bồng nhẹ đi một chút, nhưng rồi gáy nó càng như lún xuống. Nó phải cố lấy gân bốn bó mới giữ được cái thế đứng đường bệ. Rồi bỗng có một ngọn roi da quất nhẹ vào mông, nó cắm cổ đi. Khi nghe tiếng bánh xe nghiền trên mặt đá, nó mới biết là nó đang kéo xe cho Chúa.

Nó gục đầu xuống lủi thủi kéo chiếc xe qua sân, hai mắt nó lờ đờ nhìn thẳng, mỏi mệt, chán ngán.

Nhưng chẳng bao lâu, những chậu thóc trộn mật vừa ngọt vừa bùi, những bó lá trúc quân tử vừa thơm vừa ròn sậm sựt đã cùng những buồn tủi sầu muộn, cùng những ước mơ trôi qua ruột, tống ra ngoài trả lại cho quá khứ. Con thiên lý dần dần quen với chức vị. Nó thấy mình phải phò Chúa cho đến hơi thở cuối cùng mới xứng danh Thiên lý mã.

Trong những buổi chầu nó thấy hàng trăm đôi hia, ủng và đủ các loại ống quần, tà áo, văn có, võ có, lướt đi lướt lại trước mắt, nó càng thấy chức vị nó to tát ghê gớm! Chốn thâm nghiêm cung cấm nào mà chân nó không bước tới? Có việc quốc sự triều đình nào vắng mặt nó? Nó đi đến đâu cũng thấy người chắp tay khấu đầu tung hô vạn tuế. Đời nó quả là đã sang một bước đường hiển hách, hơn tất cả những lúc oai phong chiếm giải đầu trên các trường đua.

Một buổi chiều, trên cổng thành đã nổi trống thu không, mặt trời đã khuất hẳn mái lầu tây, mặt hồ đã gợn lên một mầu đỏ nhạt của giáng chiều, nó sung sướng kéo Chúa cùng bà phi đi ngoạn cảnh. Đi chẳng cần đến đâu, nó được đôi lúc thong dong đứng lại, soi bóng dưới nước. Chà! Mặt nhìn mặt, ta uy nghi lộng lẫy đến thế này ư? Kìa hai lá đa che mặt ta có khác gì hai cánh mũ của vị đại thần? Hai càng gỗ khác gì tay ngai ngày ngày Chúa vẫn ngự! Phải chăng giời đã an bài cho số phận ta! Nó càng nhìn càng thấy bóng nó dưới nước to ra, to mãi, uy nghi trong sắc nước lẫn sắc trời.

Nó đang say sưa ngắm bóng bỗng dây cương lại giật mạnh. Mép nó găng thẳng ra, nó lại bắt đầu cất bước. Xe tới đầu vườn Thượng uyển, có lệnh dừng lại. Tức thì hai bên tay ngai dìm mạnh cổ nó xuống rồi lại bềnh lên nhẹ bỗng. Nó vừa ngóc đầu lên thì một luồng gió mát, lướt đưa vào lỗ mũi nó những hương thơm ngào ngạt của muôn hoa. Nó phồng hai cánh mũi, hớn mặt lên thì gấu xiêm mầu thiên thanh của bà phi phất nhẹ qua mặt nó. Nó cảm thấy một vị thơm đầm đậm. Nó đưa mắt nhìn theo chỉ thấy từ ngang lưng trở xuống của Chúa và bà phi. Gió hồ lồng vào vạt áo Chúa và dải xiêm bà phi, làm căng phồng lên và đú đởn múa may trước mặt nó. Nó cảm động, đứng ngẩn ra, hai mắt dương thao láo: "Chà! Thật là ngoạn mục! Ôi! Giời đã ban cho ta đôi nhãn ngọc để riêng ta được nhìn những vưu vật của trần gian, ta đội ơn Trời".

Càng nhìn theo càng thấy ngoạn mục, nó càng thấy hối hận với những sự việc ngày trước. Nó giậm chân xuống đất cộp cộp, mắt nó nhắm lại, đầu nó đập vào hai càng xe như để nhận lấy một hình phạt xứng đáng với tội lỗi của mình. Vừa đập đầu vừa kể tội: "Tội thứ nhất là khi chưa vào phủ Chúa ta đã để cho Chúa và bà phi phải vất vả khó nhọc biết chừng nào! Tội thứ hai: Sao ta dám đem một việc nhỏ bé tầm thường so sánh với chức mã lệnh đáng tôn kính của Chúa đã ban cho như thế chẳng phải trước đây ta đã phụ ơn Chúa hay sao? Tội ta thật là đáng phanh thây mới phải. Nếu ta chỉ nghĩ đến cuộc đời phóng khoáng, chỉ nghĩ đến những lúc cùng đồng loại đua tranh, thì lấy ai để cùng Chúa gánh vác giang sơn, làm cho trăm họ được an cư lạc nghiệp! Ơn hưởng lộc Chúa, sức ta ngày một cường tráng, thì cái vượt hàng ngàn dặm đối với ta có gì đáng kể".

Sống một cuộc đời lặng lẽ trong phủ Chúa, bằng sự kiêu hãnh với chức mã lệnh, chẳng bao lâu trên bờm, mao con Thiên lý đã trồi lên một lớp lông vàng oè. Trước mã đài nó đã nhìn thấy những cây cảnh bao lần đổi lá. Nhưng nó không biết đời nó đã chuyển dần về già. Tài nó cũng đã mòn mỏi. Nó vẫn tưởng nó còn sức chạy dư ngàn dặm!

Có một buổi sáng, nó được kéo xe để Chúa cùng bà phi ra ngoạn cảnh ngoại thành. Từ ngày vào phủ Chúa, lần đầu nó được đi ra ngoài. Nó ước ao được thăm cảnh cũ. Xe ra khỏi phủ Chúa, bon bon trên con đường đất rộng thênh thang. Nhìn thẳng phía trước, nó lấy làm lạ, nó kêu í í trong cổ như tự hỏi: "Làm sao con đường này ngày xưa rộng mà nay nhỏ bé như thế này!". Đi được một quãng nó nhìn lên phía trên, lại dừng lại tự hỏi: "Ô hay, ngôi chùa kia, ngày xưa rõ ràng nằm bên cạnh một quả đồi lớn, mà bây giờ lại nhỏ bằng con đường ta đang đi là nghĩa làm sao?". Tất cả những cảnh vật trước mắt nó đều nhỏ lại, và thẳng tắp. Nó nhìn cánh đồng, cánh đồng cũng chỉ là một con đường thẳng. Rồi cây cỏ, núi đồi cho đến mầu giời xanh cũng chỉ thu nhỏ lại là một đường thẳng. Nó không ngờ hai chiếc lá đa che hai bên mắt chỉ cho nó nhìn được một chiều.

... Xe đi mãi. Lúc gần đến một thao trường, nó bỗng nghe tiếng hí của đồng loại. Tự dưng nó hớn hở: "Chắc các chú em bao lâu không gặp ta, sẽ khấu đầu chúc tụng". Vừa nghĩ nó vừa cất nhanh bước. Xe vừa tới thì đồng loại nó cũng nhảy bổ đến trước mặt nó, miệng hí chân cất tiền, cất hậu như chê bai nước đi và tướng mạo của nó. Nó tím gan, hí lên một tiếng như để quở mắng: "Bọn nhãi kia, tội các chú đáng chặt đầu làm lệnh! Các chú không biết ta là ai ư? Đã quên tài của anh đấy rồi sao?". Tất cả đồng loại nó, nhe cả răng, và í í lại trong cổ: "Chúng tôi biết bác lắm, biết bác ngày xưa là kẻ có tài nhưng bây giờ chúng em nhìn qua đã thấy bật cười về tài của bác. Thôi bác ạ! Đừng khoe tài nữa, chúng em đây ngại bác không rời được khỏi cái xe của Chúa! Rời ra thì thóc kia trộn mật ai ăn?".

Con Thiên lý uất lên, muốn thoát khỏi xe xông thẳng ra ngoài để tỷ sức, nhưng trên xe lại giật cương. Nó bực lắm nhưng cũng phải cắm đầu đi. Vừa đi vừa nghĩ: "Những kẻ ngu si hèn mạt kia, ở đời này bay chỉ nhìn có một chiều. Bay không biết được ta làm đây dễ mấy kẻ đã làm được! Sức bay được mấy nả mà vội kiêu ngạo, bay chạy được vài dặm đã phờ mao sều dãi. Rồi đây ta sẽ cho bay biết tài ta!".

Và hình ảnh một trường đua gió lộng, bụi cuốn, cờ bay, bỗng hiện ra, như thách thức. Con Thiên lý mã vẫn tin mình còn đủ sức phi lên hàng đầu.

Sự đời biến đổi. Sau đó ít lâu, Chúa Trịnh được tin nhiều tướng tá thua trận ở bên bờ sông Gianh. Chúa định thân chinh đi, nên truyền cho viên tướng trông coi về kỵ binh mang mã lệnh ra đua trường để ôn dượt trước khi xung trận. Viên tướng liền cúi đầu tâu lại: "Muôn tâu Chúa công, hiện nay trong triều đình thiếu gì ngựa chiến có dư sức vượt hàng nghìn dặm, và đã từng dự trên dưới một trăm trận. Xin Chúa công để tiểu tướng được chọn dâng một con mã chiến có sức khỏe vào bực nhất. Còn như con mã lệnh, cứ nên để nó kéo xe; vì từ khi đem nó vào phủ Chúa, nó ăn thì nhiều, lại không hề luyện tập, tài nó ắt không được như trước. Nếu Chúa công dùng con mã lệnh để ra trận, tiểu tướng áy náy lắm!".

Nghe tâu trình, Chúa Trịnh cũng thấy viên tướng là có lý, nhưng Chúa vẫn còn tin ở tài con mã lệnh, Chúa bèn hạ lệnh cho mang con mã lệnh ra tỉ sức cùng các chiến mã khác để tiện bề kén chọn.

Con Thiên lý mã được dịp rời phủ Chúa ra đua trường. Hai cái lá đa đã được cất đi. Nó bàng hoàng nhìn giời, nhìn đất, mắt nó hoa hoa, đầu nó choáng váng. Cảnh vật như quay chong chóng, cây như mọc ngược, núi như đổ xuống. Vừa gặp đồng loại một cái, nó cố dóng hai tai, tóp bụng lại lấy hơi hí một tiếng để dương oai. Nhưng tiếng hí của nó vừa ré lên thì cụt lủn như vật gì nút lấy mõm. Các đồng loại của nó cũng nhe răng ra cười rồi cùng cất tiếng hí làm cho nó càng uất. Không chờ tiếng trống lệnh, nó đã lồng lên, tức thì các đồng loại của nó cũng bỏ vạch rượt theo. Tiếng trống liên hồi, con Thiên lý càng cắm cổ chạy. Nó đã tưởng mình thắng cuộc, nó đắc chí ngoáy đầu lại thì bọn ngựa chiến đã tới sát đàng sau. Chỉ trong chớp mắt nó bị tụt lại. Không chịu, nó càng lồng lên. Bỗng nó thấy nhói một cái ở ngang bụng như bị một nhát gươm chém mạnh. Nó ngã vật xuống, vùi đầu trong bụi lốc của đàn ngựa bay qua, nó biết là đứt ruột, không thể sống được. Nó gắng mở to hai mắt, rên lên một tiếng như nói rằng: "Tiếng tăm lừng lẫy của ta chỉ có thể chết ở chiến trường. Nhưng, than ôi! Bãi cỏ này cũng là bãi chiến trường, chết thế này cũng là chết vì giang sơn, vì Chúa!".

Trước hơi thở cuối cùng, nó lấy hết sức tàn, ngóc đầu lên, co co hai chân trước, thẳng thẳng hai chân sau, chừng như để cố giữ lấy cái thế "cao đầu phóng vĩ".

Hà Nội, 10-1956



*


Quảng cáo [2]

Kỳ sau: “Thi sĩ máy”, Truyện của Kim Châm

Sẽ đăng: Thơ Hoài Tô Nguyên (văn nghệ miền Nam)



*


Trần Duy
Nhân xem phòng triển lãm nghệ thuật dân gian Ru-ma-ni, nghệ thuật và thực dụng [3]

Bước vào phòng Triển lãm nghệ thuật dân gian Ru-ma-ni, chúng ta có cảm giác, trong khoảnh khắc, đã đi trên đất nước Ru-ma-ni qua những vùng Cô-rai-ô-va, Bu-ca-rét-sơ v.v… Sống với người dân Ti-mi So-a-ra hoặc Bai-a-ma-rê… Vùng Mon-da-via phong thổ miền Bắc trầm mặc, rét buốt hoặc Mun-té-nia…

Chúng ta đến với từng vùng một, tiếp xúc với từng tập tục, chúng ta như trong một cuộc du lịch ngắn hạn, bước vào những nhà thờ cổ, mấy ngôi nhà cũ kỹ, nhưng ấm cúng nói lên cái tình cảm của con người gắn liền với kỷ niệm của quê hương đất nước.

Ở đây là phòng ngủ và đây là phòng cô dâu chú rể, đây là phòng khách v.v… Từ nghìn dặm chuyển sang đây, vẫn tôn trọng được cái cá tính của chủ nhân những ngôi nhà nhỏ bé ấy, tôn trọng cái thơ mộng cá biệt của con người.

Chúng ta thấy những ngôi nhà ấy căn buồng ấy, đồ dùng ấy là những ngôi nhà để cho những con người có tâm hồn biết yêu biết ghét ở, những căn buồng ấy là những căn buồng cho những con người có đầu óc và quả tim nằm, những đồ dùng ấy là những đồ dùng cho những con người có ý thức và tâm hồn sử dụng… cho nên nó cũng mang theo, tâm hồn và tình cảm của những người bạn Ru-ma-ni… từ phương xa.

Đừng tưởng chỉ có tráng lệ huy hoàng, có tường đá cẩm thạch… chỉ vàng óng ánh kim cương nhà cao tháp lớn v.v… mới nói lên được cái lớn lao khát vọng tâm hồn của con người…

Không phải như vậy đâu! Nhìn qua những gian nhà bằng gỗ thuỳ, sến, bạch phong cho đến những viên gạch to bản không nung, những nhà thông Hi-un mái nhọn đến những nhà thờ cổ vùng Ma-ra Mu-rét-sơ v.v… những cột kèo gỗ chạm, những đồ tầm thường dùng hàng ngày có chạm khắc rất công phu… Tuy những thứ ấy rất nhã nhặn, khiêm tốn nhưng đến với chúng ta với bao nhiêu tình cảm tế nhị duyên dáng nên thơ.

Người dân Ru-ma-ni đã biết dung hoà giữa cái đẹp và sự cần thiết hằng ngày một cách tài tình và do chỗ tài tình ấy nó chứng tỏ rằng người dân Ru-ma-ni có một quan điểm nghệ thuật rất cao.

Họ là người du mục. Họ mặc chiếc áo da… cái mắc áo làm bằng chân hưu bẻ cong lại, chiếc áo da không đơn thuần là một miếng da thú đem thuộc và khoác lên người, nó đi đôi cân nhịp với đường thêu viền vải… nên chiếc áo trở thành duyên dáng. Họ sống cùng thiên nhiên với những con cừu, con công, với cây bạch phong, cây thông… với chim, với thú. Họ sống với tất cả tâm hồn của họ, họ rung cảm với những đề tài ấy... họ nắm được hình dáng và mầu sắc của sự vật chung quanh, để lúc đưa những đề tài ấy vào nghệ thuật họ không nô lệ với thiên nhiên. Họ sử dụng thiên nhiên một cách sáng tạo… họ cách điệu hoá, và cách điệu hoá một cách mạnh dạn, đầy cá tính và sở thích! Không có một trở lực giữ tay họ lại, không có một phương pháp tư tưởng nào hạn chế tâm hồn họ lại, nên người nghệ sĩ dân gian Ru-ma-ni đã thành công trong việc sáng tạo.

Mầu sắc đọng lại thành khối chắc, đường nét phối hợp vô cùng sinh động và tinh vi, lúc đơn giản thành từng nét lớn, lúc phức tạp cầu kỳ như một đồng hoa, như một cánh bướm…

Và tâm hồn người nghệ sĩ dân gian Ru-ma-ni đồng thời cũng là một đồng hoa và một cánh bướm.

Họ đẹp một cách mộc mạc và hồn nhiên kín đáo!... Và chính cái đẹp ấy mới là cái đẹp gửi lại sâu sắc ở tâm hồn nhau.

Chúng ta thấy những tấm thảm dệt của On-it-ni, của Ba-ná, của Mon-da-via…

Từ màu sắc đến đường nét, đã nói lên được tâm hồn, sắc thái cá tính không những của người nghệ sĩ sáng tác, mà cả nhân dân của những vùng ấy.

Dùng đường nét trong việc trang trí, cách điệu hoá thiên nhiên là cái nghệ thuật rất cổ sơ của loài người, nhưng đồng thời cũng là một nghệ thuật ưu tú tuyệt tác của loài người.

Càng những dân tộc sống gần thiên nhiên bao nhiêu, tác phẩm nghệ thuật của họ càng vượt lên trên thiên nhiên chủ nghĩa bấy nhiêu.

Cho nên vẽ thật hệt, giống y như thật, không phải là tuyệt đối phù hợp với quan niệm nghệ thuật dân gian.

Và dựa vào thiên nhiên để cách điệu hoá nó, đẩy nó thoát ngoài sự thật chật hẹp gò bó, biến nó thành hình thành khối, thoát lý sự thật thiển cận, không phải là tuyệt đối trái với quan niệm nghệ thuật dân gian.

Xem tranh và xem nghệ thuật tất nhiên là xem bằng mắt, nhưng đừng nên dùng bản ngã và cảm tính quá nhiều.

Những người chủ trương vẽ giống thật, văn nghệ như thật v.v… họ đã lười biếng để bản năng át trí tuệ, không phối hợp chặt chẽ đôi mắt, trí óc và quả tim! Nghệ thuật dưới sự chi phối của họ, nghệ thuật sẽ mất cái tính chất nghệ thuật của nó.

Chủ nghĩa thực dụng trong văn nghệ tưởng rằng phù hợp với yêu cầu của quần chúng kỳ thật trái ngược với quan điểm nghệ thuật dân gian.

Họ cho rằng thực dụng chỉ đơn thuần để đáp những cái nhu cầu gần nhất, cụ thể nhất của con người… nó có thể không cần mang tính chất nghệ thuật của nó. Nghĩ như vậy là chưa thấy rõ cuộc sống và nghệ thuật.

Khi chúng ta thấy những cái môi múc canh bằng gỗ, những cái xiên thịt cừu, những chiếc hòm bằng gỗ bạch phong, những đôi guốc mộc, những bầu rượu v.v… nói chung những vật dụng rất quen thuộc hàng ngày, người dân Ru-ma-ni cũng đã mang tất cả tâm hồn của mình đi gửi lên đấy bằng nét chạm, mầu sắc, chúng ta đều phải nhận thức rằng con người sử dụng thiên nhiên và nghệ thuật hoá thiên nhiên. Con người cần ăn no, mặc ấm, nhưng con người cũng cần nghệ thuật để phục vụ những nhu cầu của tâm hồn tình cảm của mình.

Người dân vùng Cu-lu-đơ lúc bưng những chén gỗ uống nước, đồng thời cũng là những người nghệ sĩ vô danh điêu khắc của những cái chén gỗ ấy…

Người nội trợ ở vùng Bai-a-ma-rê sắp thức ăn vào những chiếc đĩa men, chính họ, chồng con họ là những nghệ sĩ đồ nặn và trang trí những chồng đĩa, bình rượu kia.

Khi những thanh niên vùng Cơ-rai-ô-va tặng đôi vợ chồng trẻ một chiếc bình rượu cưới hình con thiên nga… không những họ là những người nghệ sĩ tài tình, mà họ còn là những người suy nghĩ dí dỏm và tế nhị: Ở ngực con thiên nga lớn có bầy thiên nga con… ngụ ý muốn chúc cô dâu chú rể sau này sẽ có nhiều con xinh đẹp.

Một nền nghệ thuật do quần chúng sáng tạo nên, phù hợp với bản chất tình cảm của quần chúng, là một nền nghệ thuật "thực dụng", đồng thời cũng là một nền nghệ thuật chân chính và phong phú. Quần chúng rất nhiều khả năng sáng tạo, độc đáo trong nghệ thuật, đầy sở thích và cá tính…

Vi phạm đến sở thích, cá tính, độc đáo trong nghệ thuật, là vi phạm đến mọi khả năng sáng tạo của người nghệ sĩ, và bóp nghẹt nghệ thuật.

Nghệ thuật dân gian của nước Cộng hoà Ru-ma-ni xuất phát từ cơ sở dân tộc có truyền thống, nó gắn bó với đời sống vật chất, tình cảm của người dân Ru-ma-ni, càng cho chúng ta thấy rõ những đức tính cần cù, ưa lao động, nhưng độc đáo, thơ mộng, chuộng nghệ thuật đến một trình độ thẩm mỹ tinh vi và tế nhị của nhân dân Ru-ma-ni.

Phòng triển lãm tranh giới thiệu với chúng ta nghệ thuật dân gian Ru-ma-ni, giới thiệu với chúng ta qua các vật dùng hằng ngày "thân thiết" tâm hồn của người dân lao động Ru-ma-ni… nhưng đồng thời phòng triển lãm cũng giúp cho chúng ta những nhận thức cơ bản về nghệ thuật dân gian không phải là nghệ thuật tự nhiên chủ nghĩa, nghệ thuật dân gian là một nghệ thuật tự do hoàn toàn đứng trên những công thức lề lối gò bó, nghệ thuật dân gian là một nghệ thuật tập thể, có truyền thống, nhưng đồng thời nó vẫn mang cái tính chất độc đáo, đầy cá tính của người nghệ sĩ đã sáng tạo ra nó.

Nó cho chúng ta một nhận thức rằng các vật dụng hàng ngày không chỉ đơn thuần có tính chất nghệ thuật thoả mãn nhu cầu tình cảm và thẩm mỹ của con người – Nó giúp cho chúng ta lòng tự tin, yêu nhân dân, yêu nghệ thuật, cổ vũ chúng ta mạnh dạn tìm tòi, trong việc sáng tác… Có thể sự mạnh dạn tìm tòi ấy hiện nay vượt mọi ràng buộc công thức, làm ngạc nhiên bỡ ngỡ một số người… nhưng việc tìm tòi và thí nghiệm bao giờ cũng làm ngạc nhiên và bỡ ngỡ những con mèo ngủ trưa quên mình trên những ống máng nước.



*


Văn Cao
Những ngày báo hiệu mùa xuân [4]

Lời toà soạn: "Những người trên cửa biển", một bài thơ dài hơn 500 câu của Văn Cao dựng lên thành phố Hải Phòng và cuộc sống ở đó. Đoạn I và đoạn III đã trích đăng báo Văn nghệ từ lâu, đây là đoạn IV của bài thơ. Sau khi đã vẽ cảnh Hải Phòng, đã nói đến ước mơ, hy vọng của biển, tác giả đưa chúng ta vào tìm hiểu những tâm hồn người trong kháng chiến và khi hoà bình lập lại. Đoạn IV đi sâu thêm vào những cái đau xót, những nỗi khó khăn của Hải Phòng trong hoà bình. Cả đoạn này thấm sâu vào lòng người đọc, để bốc lên một niềm tin tưởng vững chắc.

Thơ Văn Cao là một dòng thơ tự do, không có vần, không bắt khuôn vào một nhịp điệu nào sẵn có. Âm điệu bài thơ vang động rất kín đáo, nhưng cũng rất mạnh trong từng câu, từng câu. Mỗi chữ của Văn Cao đều rất chọn lọc. Văn Cao dùng cảm giác, hình tượng rất mới mẻ để diễn tả con người và cuộc sống. "Những con bói cá", "những con rồng đất", "những con bạch tuộc" là tượng trưng cho một vài hạng người trong xã hội.

Văn Cao là một nhạc sĩ. Trong Văn Cao thi sĩ, chúng ta cũng thấy nhạc điệu của anh rung lên, ý nhị và sâu sắc.


1.

Tiếng chuông nhà thờ buổi chiều lại đổ
Nghe âm u tối lạnh những ngày xưa
Trở về mây đen và bóng tối
Lãng đãng qua trong mỗi tâm hồn người

Vàng đôi mắt leo lét bên ngọn nến
Vẫn câu kinh mỏi mệt khi xưa
Vòi vọi bao niềm đau khổ

Tôi nghe người mẹ xa con mong nhớ
Vắng bóng con vắng bóng nắng trong nhà
Ai biết cao su đất đỏ là đâu
Ai cứu rỡ những tâm hồn sa ngã ấy?

Vợ xa chồng
Anh xa em
Chiều Nam chiều Bắc cùng sầu

Tiếng thức dậy niềm cô đơn sầu xứ
Những con người gần ánh sáng chưa quen
Rúc đầu trở vào bóng tối
Những người bạn gian khổ trong kháng chiến
Vợ ốm con đau nhau nhứt lo phiền
Chưa quen cảnh nhìn mặt người giữa thời gian sáng tối
Chưa hiểu bước đi giữa ban ngày mới đuổi đêm.

Gió bão tới đâu cũng không một lúc
Rụng hết lá vàng
Ngày báo hiệu mùa xuân mầm nở mầm tàn…

Có người tự nhiên tiếc bàn tay đã mất
Từng đêm thức đau vết đạn trên mình

Có người tiếc những mùa xuân qua mất
Chủ nhật lang thang ngơ ngác giữa kính gương
Những đôi mắt bỗng nhiên thèm tơ lụa
Thèm những gót chân nhỏ nhắn trên hè
Trong những ngày Hải Phòng còn lổng chổng
Xác nhà xác máy xác kho hàng
Những dãy phố bên đường cửa khép cửa dương
Những buổi chiều thưa thớt người trên phố.

Bóng tối ngày xưa còn bảng lảng
Kẻ thù của chúng
Lãng lẽ tấn công những tâm hồn sa ngã
Những tâm hồn khư khư tấm bìa da một cuốn sách kinh

2.

Nước biển đổ vào quanh Hải Phòng ngày bão
Làng mạc bồng bềnh trời đất bềnh bông
Ở những ngọn tre xác xơ mốc lên chất muối
Còn lại ít rơm khô những mái nhà trôi
Những mảnh lưới thuyền ai bay tan tác

Xe gạo ngày đêm từ Hải Phòng về các xóm
Chúng tôi đêm ngày vét nước nối đê
Tưới ngọt lại ruộng đồng, dựng lại từng thôn xóm
Tìm lại những nụ cười ở mỗi người sống sót
Lửa đỏ đêm đêm trên bãi biển bập bùng

Trong những ngày khó khăn chồng chất
Kẻ thù của chúng ta xuất hiện
Những con rồng đất khi đỏ khi xanh
Lẩn trong hàng ngũ
Những con bói cá
Đậu trên những chiếc dây buồm
Đang đo mực nước
Những con bạch tuộc
Bao nhiêu tay chân dìm chết một con người.

Đất nước đang lên da lên thịt
Đất nước còn đang nhỏ máu ngày ngày

Ta muốn gói cuộc đời gọn gàng như trái vải
Đã thấy loài sâu nằm tròn trong cuống

Chúng muốn các em nhỏ mới biết đi phải rụng
Mòn mỏi dần sức vỡ đất khai hoang
Làm rỗng những con người lụi dần niềm hi vọng
Héo dần mầm sáng tạo mất phẩm giá con người

Chúng nó ở bên ta trong ta lén lút
Đào rỗng từng kho tiền gạo thuốc men
Tôi đã thấy từng mặt, từng tên xâu chuỗi
Tôi sẽ vạch từng tên từng mặt

Hãy dừng lại
Những tên muốn ôm cây mùa xuân không cho mọc
Những tên muốn làm cây to che cớm mầm non

Con đường ta đi tự hào lực lượng
Con đường nước nguồn thành sông thành biển

Con đường ta đi tự hào duy nhất
Con đường đi trái đất quanh mặt trời

(“Những ngày báo hiệu mùa xuân” là một đoạn trong bài thơ dài “Những người trên cửa biển” của Văn Cao, trong tập thơ Cửa biển của Hoàng Cầm, Văn Cao, Trần Dần, Lê Đạt, Nhà xuất bản Văn nghệ sắp phát hành trong tuần lễ tới. Chúng tôi sẽ có dịp giới thiệu tập thơ này trong một số báo sau.)



*



Bùi Quang Đoài
Chủ nghĩa nhân văn của ông Hoàng Xuân Nhị [5]

Trên báo Nhân dân ngày 16 và 17-10-56 có đăng bài “Chủ nghĩa nhân văn của chúng ta” của ông Hoàng Xuân Nhị.

Bài này trên căn bản cũng không khác gì những bài của các ông Nguyễn Chương, Xuân Trường, Quang Đạm cũng đăng trên báo Nhân dân và cùng nằm trong phạm trù những ý kiến là có ý đổ cho anh em Nhân văn và Giai phẩm là muốn tách rời văn nghệ khỏi chính trị, chịu ảnh hưởng của nhân văn tư sản, không chịu sự lãnh đạo của Đảng, nói xấu chế độ v.v…

Sau đây là những ý kiến tôi đặt lại vấn đề với ông Hoàng Xuân Nhị. Trong nhận thức sai lầm của ông và ý kiến văn học của Lê-nin.

Trong bài “Tổ chức của Đảng và văn học của Đảng” mà ông Hoàng Xuân Nhị dịch là “tổ chức của Đảng và văn học có Đảng tính” của Lê-nin đã nêu lên hai vấn đề:

1. Vấn đề văn học của Đảng nghĩa là văn học tuyên truyền cho những nguyên lý tư tưởng và tổ chức của Đảng Bôn-sê-vik.

2. Vấn đề đảng tính trong sự sáng tác văn học, theo nghĩa rộng của nó. (Những ý kiến này chúng tôi dựa vào tập Lê-nin và những vấn đề văn học Nga của Boris Meilakh. Nhà xuất bản Xã hội 4-4-56).

Sự phân biệt hai vấn đề này rất quan trọng, nếu không rất dễ đi đến những hành động máy móc, hẹp hòi, thô bạo.

Trong vấn đề văn học của Đảng, Lê-nin viết: “Tất cả văn học của Đảng, dù là địa phương hay Trung ương phải phục tùng một cách vô điều kiện Hội nghị của Đảng và những tổ chức địa phương hay trung ương của Đảng. Sự tồn tại của một văn học của Đảng mà không liên hệ với Đảng theo tổ chức thì không thể dung nạp được.” (Lê-nin toàn tập cuốn X, trang 144). Đó là thời kỳ trước cách mạng 1905-1907, Đảng Bôn-sê-vik tích cực hoạt động chống bọn Men và báo chí của chúng đang tuyên truyền xuyên tạc chủ nghĩa Mác-xít dưới danh nghĩa “mác-xít”. Ông Hoàng Xuân Nhị đã máy móc đưa thời gian lịch sử của thời kỳ trước cách mạng 1905-1907 đem áp dụng vào hoàn cảnh xã hội ta hiện nay. Chính trong nguyên tắc căn bản đó, Lê-nin đã nhắc nhở các nhà văn của Đảng là “Sự nghiệp văn học phải trở thành một bộ phận trong toàn bộ sự nghiệp của giai cấp vô sản, phải trở thành một bộ phận cấu tạo trong công tác của Đảng…” Theo tinh thần nguyên tắc đó các nhà văn của Đảng, các nhà văn đảng viên, các nhà văn viết trên báo chí của Đảng, tuyệt đối phải chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, của tổ chức của Đảng, không được nhân danh Đảng để tuyên truyền những quan điểm chống Đảng (cuốn X, trang 31), và khi Lê-nin viết “đả đảo những nhà văn học phi Đảng” (mà ông Hoàng Xuân Nhị chú thích sai là chống lại Đảng thời ấy) chính là nhằm phản đối những nhà văn đảng viên chủ trương đứng trên tổ chức của Đảng, phản đối những nhà văn Men-sơ-vích tán thành sự công tác của nhà văn xã hội dân chủ với các tờ báo tư sản (lúc bấy giờ là giai cấp cầm quyền). Nó hoàn toàn không giống một chút nào với trường hợp của anh em Nhân văn và Giai phẩm đương đấu tranh đòi mở rộng tự do dân chủ chống những tệ lậu của lãnh đạo. Gán ghép như ông Hoàng Xuân Nhị tỏ ra rằng một là ông Nhị không tiêu hoá được tài liệu, hai là ông Nhị đã lợi dụng tài liệu một cách xuyên tạc. Nó không đúng với tinh thần trung thực của người trí thức.

Ông Nhị còn đề nghị:

“Bài của Lê-nin được viết ra cuối năm 1905 thời mà Đảng chưa lên nắm chính quyền. Đến lúc Đảng đã nắm chính quyền rồi thì lẽ cố nhiên nguyên tắc Đảng lãnh đạo và tổ chức lãnh đạo chuyên môn lại càng chặt chẽ hơn nữa”.

Sáng tỏ và chặt chẽ hơn, đồng ý. Nhưng chặt chẽ như thế nào? Có phải chặt chẽ là văn học nhất cử nhất động phải tuân theo ý kiến của một phái, chặt chẽ là chuyên môn vâng theo những ý kiến về chuyên môn của một số lãnh đạo không am hiểu về chuyên môn không?

Danh từ chặt chẽ buông xuôi như thế, rất có thể dẫn đến những sai lầm tai hại. Hoàng Xuân Nhị có nhớ kinh nghiệm đau xót của nhóm Prô-le-kun và nhóm R. A. P. P không? [6]

Vấn đề thứ hai là vấn đề đảng tính trong văn học.

Lê-nin đã giải thích văn học có đảng tính như thế nào? Trong sự đấu tranh chống lại văn học tư sản địa vị chủ nghĩa, cá nhân chủ nghĩa, vô chính phủ v.v… “Lênin đã đề nghị sáng tạo ra một nền văn học xã hội chủ nhĩa, thực sự tự do và liên hệ công khai với văn học của giai cấp vô sản. Theo ý Lê-nin thì nền văn học đó phải thấm nhuần tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Nó phải phục vụ cho hàng triệu triệu người lao động, những người con ưu tú, sức mạnh và tương lai của đất nước. Nền văn học đó phải là mối dây nối giữa kinh nghiệm quá khứ và cuộc đấu tranh hiện đại của giai cấp vô sản.” (B. Meilakh)

Văn học có đảng tính là như thế. Nó là một nền văn học “thấm nhuần tư tưởng xã hội chủ nghĩa, công khai bênh vực quyền lợi của nhân dân đứng trên lập trường của Đảng”. Cho nên văn học có đảng tính tuyệt đối không có nghĩa là văn học của những nhà văn trong tổ chức của Đảng. Càng tuyệt đối không có nghĩa là bắt buộc tất cả mọi nhà văn phải vào tổ chức của Đảng. Một tấm thẻ đảng viên không thể bảo đảm được đảng tính của một tác phẩm văn học. Trái lại một tác phẩm văn học có đảng tính rất có thể là của một nhà văn đứng ngoài tổ chức của Đảng.

Ví dụ: Mai-a-cốp-ski, Lỗ Tấn v.v…

Văn học có đảng tính nghĩa là văn học có lập trường đấu tranh rõ rệt trong “ý nghĩa thống nhất và tự nguyện” của những người sáng tác văn học xã hội chủ nghĩa. Như thế thì người sáng tác có đủ mọi quyền tự do của mình, tất nhiên cả quyền tự do tư tưởng, có quyền đi sâu vào từng sở thích riêng của mình. Lê-nin đã viết:

“Trong lãnh vực đó, tuyệt đối cần phải bảo đảm một sự tự do rộng lớn cho sáng kiến cá nhân, cho các khuynh hướng cá nhân, bảo đảm sự tự do tư tưởng và sức tưởng tượng, sự tự do về hình thức và về nội dung.” (Cuốn X trang 28)

Ta thấy ngày trước Lê nin đã có một quan niệm rộng rãi trong sự sáng tác văn học. Chính Lê-nin đã khiêm tốn trả lời Clara Zetkin khi hoạ sĩ này hỏi ý kiến Lê-nin về hoạ lập thể và vị lai:

"Tôi không biết nhiều về lãnh vực đó, nhưng tôi nghĩ rằng nếu những nhà nghệ sĩ trẻ tuổi biểu lộ nhiều cảm xúc của mình trước những xu hướng đó thì nó phải có một lý do hợp lý và người ta cần phải phân tích cái lý do đó theo quan điểm xã hội học." (Les Lettres Francaices số 609)

Lê-nin đã không kết án phái hoạ đó và Lê-nin đã đặt vấn đề cần phải phân tích nghiên cứu nội dung xã hội của nó…

Do sự không phân biệt nổi hai vấn đề văn học của Đảng và văn học có đảng tính trên, nên chỉ quan niệm về tự do tư tưởng ông Nhị cũng đã ngã vào những sai lầm nghiêm trọng:

Hoàng Xuân Nhị chứng minh rằng sở dĩ các nhà văn nghệ được tự do tư tưởng là nhờ Đảng. Ông đã đem ví dụ con chim bay trên bầu trời xanh để làm chân lý phổ biến muôn đời. Trong lịch sử tư tưởng của con người, người văn nghệ sĩ cũng như người khoa học, triết học qua bao chế độ khác nhau, dù bị giai cấp thống trị hành hạ, giết chết cũng không vì quyền uy mà huỷ bỏ ý kiến sáng tạo của mình: M. Servet và L. Vanini trên giàn củi lửa cũng không từ bỏ tư tưởng khoa học của mình; Cao Bá Quát đâu có vì lưỡi đao bạo lực của triều Nguyễn mà mất cái khí thế ngang tàng bất khuất của kẻ sĩ biết tự trọng.

Xuất phát từ lệch lạc đó, Hoàng Xuân Nhị cho rằng nhờ có Đảng mới có tự do tư tưởng. Như ý kiến tôi vừa trình bày, tôi hỏi lại ông Nhị là có Đảng rồi mới có quần chúng hay có quần chúng rồi mới có Đảng? Như thế thì rõ ràng là không phải có Đảng người văn nghệ sĩ mới có tự do tư tưởng mà ngay những thế kỷ trước cũng như thời kỳ trước cách mạng, mặc dầu thực dân đàn áp khủng bố, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan vẫn kiên quyết tự do tư tưởng, tố cáo "cái xã hội chó đểu" buộc tội giới cầm quyền bấy giờ. Lúc ấy họ ấy họ có là đảng viên đâu; chỉ có là sáng tác phẩm của họ chịu ảnh hưởng ít nhiều của phong trào đấu tranh cách mạng mà thôi.

Như thế thì tự do tư tưởng không phải là một vấn đề do Đảng ban ơn cho quần chúng như ông Nhị đã lầm tưởng. Sở dĩ quần chúng văn nghệ sĩ mến Đảng, tin Đảng, thừa nhận sự lãnh đạo là vì Đảng là người lính tiền phong trong đội quân tự do tư tưởng đó, đã đấu tranh vì quyền lợi của nhân dân lao động cũng là mục đích của họ đấu tranh trong sáng tác văn học. Đảng tạo điều kiện tốt cho người ta tự do tư tưởng.

Trên đây, tôi đã trả lời ông Hoàng Xuân Nhị về một điểm lý luận chủ chốt trong bài của ông.

Tôi xin nói qua một số điểm khác. Để chứng tỏ những non yếu trong kiến thức của ông Nhị, và đề nghị ông nên khiêm tốn học hỏi hơn.

Dưới cái đầu đề rất to "Chủ nghĩa nhân văn của chúng ta", dưới những đề mục có vẻ khoa học ông Nhị đã có những lập luận nông cạn và sơ đẳng.

Chẳng hạn trong mục "Quan điểm khoa học" ông viết: "không sùng bái cá nhân vì bản thân mình quá sùng bái cá nhân mình thì không hay ho gì hơn và chắc cũng đã kém hay ho hơn là sùng bái lãnh tụ".

Thật là lý luận buồn cười. Theo ông Nhị thì có lẽ khuyết điểm sùng bái cá nhân nặng nhẹ tuỳ theo cấp bực, sùng bái cán bộ cao cấp thì hay ho hơn sùng bái cán bộ trung cấp v.v… Thật là phê bình bệnh sùng bái cá nhân mà bệnh sùng bái cá nhân nó lại thò ra ngay từ túi mình. Quan điểm ông đưa ra không khoa học như ông tưởng.

Đấy là về khoa học. Bây giờ về nghệ thuật. Nói về chủ nghĩa lập thể và Picasso, ông Nhị viết: "Trong khoảng 8 năm hoạ sĩ đã tiến nhiều… chúng ta không hoan nghênh phần lập thể hoặc đa đa chủ nghĩa nơi hoạ sĩ là đúng thôi" (thật là oan cho Picasso vì Picasso có theo chủ nghĩa đa đa bao giờ đâu, có lẽ ông Nhị nên nghiên cứu thêm về văn học và nghệ thuật thế giới hồi đầu thế kỷ XX để nắm vững hơn) "… Và phần tiến bộ của hoạ sĩ vượt khỏi hẳn chủ nghĩa đa đa, như con chim bồ câu hoà bình…"

Chết thật! Nói về tác phẩm nghệ thuật của Picasso mà chỉ nhắc đến con chim bồ câu hoà bình thôi thì tai hại quá. Chúng ta không phủ nhận giá trị của con chim bồ câu, nhưng không biết ông Nhị có biết đến bức Guernica hồi chiến tranh Tây Ban Nha và bức Chiến tranh và Hoà bình hồi gần đây không? Nó vẫn lập thể đấy ông Nhị ạ! Mà hội hoạ thế giới vẫn công nhận nó, mà Aragon người phụ trách văn nghệ của Đảng Cộng sản Pháp vẫn ca ngợi nó.

Ông Nhị thường hay dẫn Lê-nin, sao ông Nhị không học Lê-nin về thái độ khiêm tốn, tôn trọng tự do sáng tác và nghệ thuật độc đáo, tôn trọng cá tính con người? Ông Nhị đã vội vàng chê trách người ta là quá ư nông nổi…

Ông Nhị sa vào sai lầm đó cũng dễ hiểu. Bởi lập luận như Palisse thì nguyên nhân chính là vì Lê-nin là Lê nin và ông Hoàng Xuân Nhị mặc dầu luôn nhắc đến Lê-nin cũng vẫn chỉ là ông Hoàng Xuân Nhị.

Trong một bài báo ngắn tôi đã cố gắng trình bày vài sai lầm hoặc vài thiếu sót của ông Nhị về mặt kiến thức. Tôi xin đề nghị với ông Nhị một điều mà ông Nhị đã từng đề nghị với anh em Nhân văn và Giai phẩm: cố gắng nghiên cứu, suy nghĩ để giữ cho được bản chất trung thực của người trí thức.



*


Đính chính [7]

Trang nhất, bài "Sự thật về vụ xúc phạm thi sĩ Nguyễn Bính và báo Trăm hoa" trong đoạn in chữ đậm ở dưới đầu đề, dòng cuối cùng:

- Sở Báo chí T.Ư. phải chịu HOÀN TOÀN trách nhiệm…

Xin đọc là:

- Sở Báo chí T.Ư. phải chịu MỘT PHẦN trách nhiệm…



*


Thanh Châu
Mua hàng mậu dịch [8]
(phóng sự)

Sáng chủ nhật. Xe đạp chất đống trên hè nhà bách hoá. Giữa ngã tư, đồng chí công an múa găng tay điều khiển trật tự như một nhạc trưởng thận trọng. Chị Mênh nhìn đám đông tới tấp trước cửa hàng, hơi ngại. Chị Mênh là một cán bộ yếu vừa đi bệnh viện về. Chị có hai cái “séc” truy lĩnh trong tay. Chị nhờ tôi đi chọn ít hàng. Chị coi tôi là kẻ có ít nhiều kinh nghiệm xông pha mua hàng mậu dịch.

Muốn tỏ ra mình can đảm tôi quyết mở một “con đường máu”. Tôi nghĩ đến những đứa trẻ nhà chị đuơng chờ quần áo mới. Chị Mênh lách theo tôi. Hơi người trong ruột nhà hàng ngùn ngụt bốc. Mặt chị tái đi, chị Mênh hơn hếch mũi lên trần. Người quây chung quanh chúng tôi như trong chậu cá. Tôi chụm tay hét to vào tai chị: “Một là đi về, hai là đi vòng chọn hàng, lấy giá, làm séc, nhanh lên không lại kẻng”.

Những tiếng tôi vừa nói có vẻ “chuyên môn”! Tôi an ủi.

Nghĩa là ít nhất chúng ta phải “quan sát” các mặt hàng cho kỹ đã, quan sát và lấy giá.
Cuộc đời không giản dị như chị tưởng. Ví dụ, chị định mua 5 thước vải mình vừa ý, thì phải nhìn xem cái séc của mình ghi bao nhiêu tiền đã. Nếu 5 thước vải mà đúng 1 vạn đồng ghi trong séc thì gọn quá mất rồi.

Chị Mênh lo lắng.

“Thế quá số tiền ghi trrong séc. Ví dụ hai vạn?”

“Thì phải trả hai nghìn nữa, bằng tiền túi của mình, chứ không phải tiền đi xin được.”

“Thế trường hợp 5 thước vải không đến một vạn đồng?”

“Thì lại đi quan sát xem có thứ hàng gì vừa với số tiền thừa…, đôi tất nội, cái bàn chải, tuỳ ý chị.”

Biết chị Mênh đã nắm được phần nào “quy luật” mua hàng, tôi bắt đầu giới thiệu các loại mà tôi gần thuộc hết – vì mất bao nhiêu ngày nghiên cứu – cũng trong trường hợp mua hàng bằng séc trước chị Mênh:

“Thuốc đánh răng Trung Quốc và nội hoá, giày Tiệp thể thao và giày da các cỡ, vải bông in hoa bọc chăn, vải ca-rô Bảo các màu, téc-mốt vỏ tre đan và vỏ sắt, vải xám Đông Đức và vải tím công nhân, vải pô-pơ-lin kẻ và lanh cứt ngựa…”

Chị Mênh ngắt lời tôi:

“Tôi chỉ cần một cái thau men, nếu có thể, một cái áo đi mưa cho anh ấy đi công tác, vài thước vải.”

“Nếu thế thì chi đi mua ngoài, các cửa hàng ngoài thiếu giống! Có nhiều thứ đẹp và tốt của mậu dịch bán giá ngoài hơn đây một chút…”

Chị Mênh hơi cáu. Tôi có cảm tưởng như chị cự tôi, coi tôi là… mậu dịch:

“Nếu thế có séc lại đi sắm ngoài à?”

Tôi đại thí:

“Gửi séc cho ngân hàng giữ hộ tiền mình.”

Chị Mênh cười tươi hẳn người lên:

“Ừ hay là gửi vào đấy, để ít ngày, ta lấy tiền ra lại mua hàng như thế gọn hơn.”

“Nhưng chị phải chờ sáu tháng.”

“Sáu tháng séc mới thành tiền à? Có mà hoá dại.”

“Thế chị rút sổ tay, lấy bút ra nào, ta bắt đầu…”

Chị Mênh như bỗng nhớ ra điều gì:

“Tôi nghe nói còn mấy cửa hàng nữa, cũng của mậu dịch gần đây.”

“Đúng. Một cửa nhàng ngũ kim có xe đạp và các thứ tương tự, không bao giờ mình dám nghĩ tới. Một cửa hàng bán buôn. Một cửa hàng, có cả áo đi mưa và chậu thau men đấy, nhưng cửa hàng bách hoá Hàng Bài thì tôi cũng đã có nhiều kinh nghiệm sống…

Người chị Mênh bỗng vẹo đi. Một đám đông đương ào lên xô đẩy chị như cái bọt trên làn sóng. Có tiềng thét ở cuối gian hàng: “Chết bỏ mẹ tôi rồi, nó rút mất cái bút Pác-cơ rồi!” Mấy anh bộ đội chạy theo hút đứa lưu manh. Tôi kéo vội chị Mênh ra phía cửa. Mặt chị tái hơn ban nãy. Chị hít không khí như người chạy việt dã thi về. Chúng tôi đi về phía Hàng Bài.

Cũng lại xe đạp chất đống bên hè trước cửa hàng bách hoá Hàng Bài. Cũng người ra vào như đi xem triển lãm. Giấy viết dở, bông xé tung vãi trên nền gạch. Người ngồi nghỉ chân ngay bực cửa. Có người đang giở cơm nắm ăn để chờ đến lượt mua hàng. Một chị có chửa lảo đảo đi ra, vịn tay ghi-đông xe đạp nôn thốc nôn tháo. Chị cố len từ sáng, nhưng đành không mua được thứ gì, mặt đỏ bừng như say rượu, áo nát nhàu vạt trước vạt sau.

Tôi đương nghĩ đến những cửa hàng thơm tho, đi lại thảnh thơi, tha hồ chọn ngắm. Đi mua sắm đôi lúc cũng là lúc hạnh phúc cho con người. Bỗng một anh cán bộ quen đập mạnh vào vai: “Về thôi, tôi khoẻ thế này mà có tướng còn định trèo qua đầu mình để được mua trước thì phải biết!”

Anh chỉ mấy bà Liên Xô đương tất tả đi ra:

“Anh xem, các bà này cũng đến chịu thua rồi.”

“Hàng dành riêng cho nước bạn?”

“Chắc là không thích, hay ở đấy không đủ mặt hàng?”

Một người đàn bà ngồi dưới đất nói xen vào:

“Tôi từ Bắc Ninh sang hai hôm rồi chưa mua được bốn thước vải láng, ăn chực nằm chờ thế này, còn sầu bằng vạn các bà ấy chứ?”

Chị Mênh đã có kinh nghiệm xông xáo hơn ban nãy. Chị lên gác, xuống nhà, dừng lại chỗ này, chỗ khác. Chị hỏi giá những người đã mua được vải đương căng ra giữa lối đi, hàng chục thước, làm vướng thêm người đang chen chúc. Một tay sổ, tay bút chì, chị ghi tên hàng, làm tính cộng, tính nhân. Chị bảo tôi:

“Thôi đành mua cả ở đây thôi. Tôi có khăn mặt, xà phòng rồi, cũng cứ thế mua thêm cho đủ séc.”

Nhưng việc đời lại không dễ dàng như tôi đã cảnh cáo chị một lần. Cửa hàng này, có lối làm việc khác bên Tràng Tiền một chút. Nghĩa là muốn mua thứ gì, phải nói với chị bán hàng ghi vào một cái bông xong rồi đưa lên gác giả tiền, xong rồi lại cầm cái bông ấy xuống nhà đưa cho chị bán hàng.

Hơn một tiếng đồng hồ, chúng tôi bị thúc đẩy, có lúc bị ép dẹp như tàu lá. Đến khi chị Mênh quyết định xong, vừa đưa chứng minh thư ra để làm séc, thì kẻng cũng vừa báo nghỉ.

Một anh đứng cạnh chúng tôi, gạt mồ hôi trán, nói như tuyệt vọng:

“Đời cứ như là đánh số. Chỉ còn vài thước loại này thôi, không mua kịp bây giờ là hết đấy.”

Tôi chưa kịp hiểu, thì anh chàng đã nháy mắt tôi một cái:

“Có gì đâu, hàng này ít mà lại tốt, lại rẻ ghê! Em định nhờ các anh cán bộ lúc mua hàng thì mua thêm cho em mỗi người vài thước. Ngoài kia đã có khối anh chờ, lại bán cho các hiệu may làm lót đấy mà, kiếm chác tí ti thôi!”

Tôi nhìn chị Mênh như người ngái ngủ. Kinh nghiệm của tôi mấy lần trước đây cũng không giúp ích gì cho chị.


Trên đầu giường chị Mênh có mấy quả cam. Đó là quà của các bạn nghe tin chị ốm đến thăm. Mặc dù ốm, chị cũng phải kể lại lần thứ một trăm tai nạn vừa xảy ra cho chị. Ở nhà hàng Bách hoá về chị choáng váng vì tim yếu, suýt ngất đi, phải bỏ cơm chiều. Cái xe đạp chị mượn của người quen không kịp khoá, đã bị kẻ gian lấy lúc nào không biết. Bây giờ còn lại hai cái séc. Chị tính ai cần thì chị bán rẻ đi. Để vay thêm tiền đền vào cái xe đã mất. Một anh bạn miền Nam nghe xong nổi đoá ngay:

“Tôi đã nói chị không tin. Lần trước chị có xem báo Văn nghệ mục ‘Nụ cười’ đó chớ? Chính tôi viết cái bài anh cán bộ bắt buộc phải mua thuốc bổ thận là thứ mà thận anh ta không cần đến, cho đủ số tiền ghi trong séc. Chính tôi đó chớ ai?”

Một anh cán bộ vừa đi Cải cách Ruộng đất về có mặt ở đấy cũng an ủi chị:

“Tất cả chúng ta đều trải qua cái đó. Tất cả khách hàng và anh em các cơ quan, chị cứ hỏi bất cứ ai cũng có một chuyện vui, buồn về mậu dịch.” Anh chỉ vào ngực mình:

“Mà chính tôi đây cũng đã từng hút thuốc lá Bảo mốc của mậu dịch bán rẻ cho cán bộ, hồi đi học ở trường Cải cách. Tôi suýt ốm ho, bỏ công tác vì thiếu thuốc phải hút bừa cái đó.”

Một anh mặt đăm chiêu nói có vẻ xót xa:

“Tôi cũng có nghe rất nhiều người nói đến cái sự bán hàng hỏng mốc cho cán bộ. Có một dạo chúng ta được ăn bánh mì chua, bán rẻ cho các cơ quan buổi sáng. Người ta bảo bột mì làm bánh là bột ở kho bị giột, bán lại làm cho các nhà thầu làm. Một giáo sư kể chuyện là ông ta ăn phải sữa hỏng cũng đau ruột liền 3 tháng. Lại có anh than phiền là chưa được biết mùi bơ là gì, thì bơ đã hỏng rồi, nghe nói phải đem nấu xà phòng."

Chung quanh giường người ốm vì Bách hoá, bây giờ mạnh ai ấy nói. Không khí có vẻ như tố khổ. Có người nói đến thuốc lá "Đại tiền môn" không hiểu sao đầu tiên bán 9 trăm, rồi một nghìn mốt, bây giờ lại phải mua lẻ đến 3 nghìn rưởi một gói. Có người thắc mắc: đến cửa hàng mậu dịch ngũ kim thấy có bầy xe đạp "Mercier", không hiểu bầy ra làm gì mà lúc thấy đông người hỏi lại đâm cuống lên rồi vội cất biến đi. Có người len vào Bách hoá mua không được vải, bực mình lên tận chợ Đồng Xuân, thì các chị bán hàng tấm lại buộc mình cứ một thước vải xanh Trung Quốc lại phải mua kèm theo một thước vải hoa to bằng cái bát, để làm gì không biết?

Mọi người đuơng tranh nhau nói thì một chị đánh máy trong một cơ quan phát biểu:

"Tôi tưởng không phải chỉ có khách hàng là ‘nạn nhân’ của những việc ta vừa kể. Cho được công bằng ta nên nghĩ đến những người đau khổ khác. Công tác đánh máy của tôi đã mệt, nhưng so với các chị bán hàng vẫn thường đo vải láng đen Nam Định ở Bách hoá thì tôi phục quá. Cứ suốt ngày không một lúc hở tay, chỉ có một mình mà đo, cắt, tính vào sổ, cho hàng ngàn người xúm quanh hò hét, như vậy thì phát điên lên được."

Tôi cũng chợt nhớ ra người đàn bà "anh dũng" ấy. Tôi đã từng thấy chị giữa giờ kẻng nghỉ tay ăn cơm, mặt thất sắc và uể oải. Không biết chị có tính nhầm đến nỗi phải đền vào lương tháng của chị không? Không biết chị ăn cơm sau buổi bán hàng có nhạt miệng không?

Tự nhiên tôi muốn biết tên chị quá. Tôi suy nghĩ: "Giá một ngày kia, nghe tin chị được huân chương thì tôi rất vui lòng".

Chị Mênh, chừng khát lắm, ra hiệu cho bạn bè xin cốc nước. Anh bạn Nam bộ ban nãy chợt gõ vào đầu một cái:

"Tôi phải viết chuyện này mới được."

Không đợi mọi người hỏi lại, anh tiếp theo luôn:

"Tôi sẽ viết chuyện một người mang séc đi mua hàng mậu dịch. Bắt đầu thì anh rất yêu đời, hăng hái. Nhưng sau một cuộc đấu tranh liên tiếp mấy ngày liền, sau một cuộc chen chúc, tính toán, ảnh hưởng đến cân não, rút cuộc anh cũng mua được hàng mậu dịch. Nhưng rồi anh ốm, ốm gần chết nữa, và nằm trên giường, liệt vị, anh ngắm nhìn những hàng hoá mà anh đã mua bằng tiền lao động của mình, những thứ đồ dùng không cần thiết gì cho đời anh cả."

Tôi nối lời anh:

"Tôi cho sống ở đời mà lại đánh mất xe đạp của người khác như chị Mênh, còn khổ hơn là kẻ mua được những thứ hàng mà mình không thích."



*


Trúc Lâm và H.S.
Không phải chuyện cười – Chung quanh tờ Nhân văn [9]

Cho tôi cảm tưởng

Trong một nhà nọ ở phố K.T., anh bạn tôi đương say mê đọc báo Nhân văn thì chợt cửa mở, đồng chí hộ khẩu vào chơi. Qua chén trà, điếu thuốc, đồng chí hộ khẩu cất cao giọng:

"Nhà này cũng đọc báo Nhân văn à?"

Không đợi trả lời, đồng chí hộ khẩu đã oang oang:

"Đọc xong, ngày mai cho tôi cảm tưởng nhé!"

Nói rồi đi ra thẳng.

Anh bạn tôi ngồi bóp trán suy nghĩ mãi về câu nói đó, và cuối cùng đánh diêm châm đốt tờ báo cho được… bình yên vô sự.


Có mà chết sớm…

Một ông khách vào hiệu sách ở Hồng Quảng.

"Ở đây có báo Nhân văn không ạ?"

"Không ạ."

"Thấy nói báo ấy viết hay lắm, sao ông không đại lý?"

Ông chủ hiệu vuốt sợi ria mép thủng thẳng:

"Bán báo gì chứ bán Nhân văn có mà… chết sớm!"


Lộ ra thì tao chết

Mười năm nay tôi mới gặp T. Gặp nhau mừng mừng, tủi tủi.

Bỗng T. cất giọng:

"Mày dám viết cho Nhân văn cơ à?"

Câu nói của T. làm tôi suy nghĩ. Rồi T. chậm rãi:

"Tiếc quá tao không được đọc số 1."

"Khó gì, về tao gửi xuống cho."

T. xua tay nói vội:

"Chớ, chớ! Lộ ra thì tao chết. Ở đây đọc cũng phải 'bem’ đấy."


Đừng đọc, báo phản động đấy

Chị cán bộ phụ trách khu phố đến từng nhà làm công tác dân vận. Hết chuyện ta ra chuyện người, thao thao bất tuyệt.

Rồi chị ra bàn lục lọi, một lát giơ cao tờ Nhân văn nói:

"Chết! Đừng đọc báo này, báo phản động đấy!"

Bà chủ nhà thản nhiên:

"Thế à? Em tưởng chỉ có trong Nam mới có báo phản động thôi chứ?"

"Không phản động hẳn nhưng mà là do một số văn nghệ sĩ đại bất mãn, địa vị, bực tức cá nhân viết đấy mà, có hay gì đâu cơ chứ!"

Bà chủ nhà nhịn cười mời khéo chị cán bộ ra cửa.

Sang nhà bên cạnh, hỏi dò mới vỡ lẽ ra: bà chủ nhà vừa rồi là vợ ông T., một người trong Ban Biên tập báo Nhân văn.

Có oái ăm không !?


Vậy thì… ghét hay yêu?

Cũng chưa oái oăm bằng cái việc báo gửi qua bưu điện cứ thường bị mất. Bạn đọc, nhất là các anh em bộ đội đóng ở nơi xa hay viết về thư toà soạn phàn nàn. Rằng: "Toà báo không gửi báo cho chăng?" Rằng: "Thư từ và sách báo là món quà tinh thần của những người ở xa Thủ đô tráng lệ, vậy mà sao bưu điện không chú trọng cứ lơ là như thế?"

Có một ông bạn bảo: "Có khi anh em bưu điện yêu Nhân văn nên giữ lại để đọc đấy".

Lại có một ông bạn bảo: "Có khi anh em họ ghét báo Nhân văn nên huỷ đi đấy!"

Vậy thì ghét hay yêu?



--------------------------------------------------------------------------------
[1]Toàn bộ trang 3
[2]Trang 3
[3]Trang 4, kèm hai ảnh minh hoạ
[4]Trang 4, lồng khung
[5]Trang 5
[6]Hai tổ chức văn nghệ hồi đầu Cách mạng tháng 10, chủ trương văn nghệ của Đảng, do đảng viên xây dựng, đả phá tất cả mọi cái gì không phải vô sản (chú thích của Nhân văn trong nguyên bản)
[7]Trang 5
[8]Trang 6, xem tiếp ở trang 5
[9]Trang 6, góc châm biếm, trên cùng, bên phải

Nguồn: Nhân văn số 4, ngày 05.11.1956.

No comments: