Sỹ Ngọc
Sổ tay
Mấy hôm nay gió rét buốt ruột. Cây mạ cắm xuống nước bùn mới được một hôm chưa đủ sức chịu đựng giá rét đứng sững tê liệt. Mạ chưa cấy vàng ngọn, se lại, màu xanh kém óng. Trên mâm cơm của người nông dân đồng chiêm có một vài con cá rô rang muối. Cá cỏng bắt ở ngoài ruộng. Tay đưa xuống nước kiếm từng con cá, nước giá như tiện từng khúc tay, ngón không giữ được cá. Gió thổi như róc da róc thịt.
Nước ở ruộng se dần, như bay đi. Bùn trơ lên, có chỗ đất se lại. Mỗi sáng ra đồng, mắt người nông dân nhìn trời muốn tìm một dấu hiệu về mưa. Mắt mọi người cũng ngóng lên trời. Lúa chiêm, mầu mỡ bị đe dọa.
==
Sĩ Ngọc
Bất mãn? [12]
Hiện nay đang có một dư luận không đúng về phong trào phê bình của báo Nhân văn cho rằng những người viết báo ấy là một nhóm bất mãn.
Nói chung một số người có thẩm quyền trong giới lãnh đạo đang cần tung ta một nhận định nhằm cô lập báo Nhân văn và những người cộng tác của báo ấy. Thậm chí cho phong trào phê bình của những người viết ở Nhân văn là phản ứng giai cấp (không nói rõ là giai cấp nào?).
Tôi là một người có cộng tác với Nhân văn vì cho là báo này trong một phạm vi rộng rãi, đã đề cập tới những vấn đề nóng hổi của xã hội, của văn nghệ, nhất là vấn đề phê bình lãnh đạo văn nghệ đã mở đầu sôi nổi. Phê bình để tiến tới xây dựng một chính sách đúng, đẩy mạnh phong trào văn nghệ như ý muốn chung của quần chúng và của Đảng.
Trong phong trào phê bình ấy tất nhiên không tránh được một vài lệch lạc do phẫn uất tích luỹ lâu ngày nổ bùng ra, nhưng theo tôi nếu không phê bình mạnh thì không thể làm cho lãnh đạo thấy vấn đề cho đúng tầm quan trọng của nó. Nếu phủ nhận sự cần thiết đó thì không thể hiểu tại sao chỉ sau khi có những bài phê bình ấy ông Hoài Thanh, ông Nguyễn Tuân, ông Nguyễn Đình Thi mới viết tự phê bình (tuy chưa đúng mức) đăng trên báo Văn nghệ? Đáng tiếc là một số người đang lầm lẫn việc bảo vệ uy tín của lãnh đạo với việc giữ thể diện cho một số cá nhân lãnh đạo.
Theo tôi nghĩ, trong tình hình hiện tại, muốn cho uy tín của lãnh đạo giữ được và tăng thêm thì lại càng phải tự phê bình thành khẩn. Không nên sợ mất sĩ diện khi cái sĩ diện ấy có hại cho Đảng, đi ngược lại với quyền lợi của quần chúng. Không nên (dù hữu ý hay vô tình cũng không nên) lẫn lộn uy tín của cá nhân lãnh đạo với uy tín của Đảng. Nếu uy tín chỉ xây dựng trên sự “không dám nghe” của mình và “không dám nói” của người khác thì cái uy tín cũng nên vứt bỏ đi.
Uy tín của Đảng, của người cách mạng là ở chỗ biết nghe và biết sửa.
Một số người không hiểu như thế nên cứ tìm cách lẩn trốn sự thực, sợ những lời phê bình mạnh, họ tìm cách bịt miệng một số người để cho những người này lại bịt miệng một số người khác nữa... Thực mà nói, nếu những người ở Nhân văn sai, tôi chắc quần chúng bao giờ cũng có đủ sáng suốt nhận định. Họ không dễ bị lừa đâu. Ai dối họ, ai đi ngược lại với quyền lợi của họ, họ đều biết cả!
Làm như thế một là khinh quần chúng không biết gì hoặc là sợ quần chúng sáng suốt nghe những lời nói đúng sự thật. Làm như thế là không tốt.
Nhưng nếu các bạn cứ thấy chúng tôi không bằng lòng cái này cái khác của thời đại mà muốn tìm một danh từ nào đề chỉ hiện tượng đó thì chúng tôi không e ngại tiếng “bất mãn” đến như nhiều người tưởng.
Bất mãn! Tại sao không bất mãn?
Ai thoả mãn trước những sai lầm trong Cải cách Ruộng đất hiện nay? Ai thoả mãn với những sai lầm khác như những sai lầm trong chính sách văn nghệ và trí thức chẳng hạn?
Tôi chắc chắn rằng không phải chúng ta, những người đã tham gia cách mạng, sống chết với cách mạng, những con người của cách mạng. Chúng ta, những con người có nhiệt tâm với nhân dân với xã hội, những con người biết đau xót về những sai lầm tồn tại làm tổn hại đến việc xây dựng miền Bắc, đến công cuộc cách mạng, chúng ta không thể không bất mãn với những sai lầm ấy, với những con người làm ra những sai lầm ấy.
Chúng ta, những người làm văn nghệ phục vụ cho cách mạng, luôn luôn đòi hỏi sự tiến tới không ngừng của xã hội, chúng ta tất nhiên phải bất mãn với những lực lượng phản tiến bộ cản trở bước tiến của xã hội. Chúng ta, những người làm văn nghệ và văn hoá muốn cho chuyên môn của ngành mình phát triển để phục vụ cách mạng cho tốt, tất nhiên phải bất mãn với những cái sai lầm làm cho văn hoá văn nghệ đáng lẽ phải phát triển hơn nữa, thì bị kìm hãm. Bất mãn với những cái sai lầm là chính đáng. Chỉ có kẻ nào thoả mãn với cái sai kẻ ấy mới là kẻ có tội.
Nếu ai nói những người bất mãn ấy là phản ứng giai cấp thì hỏi giai cấp nào phản ứng trước những cái sai lầm có hại cho cách mạng? Thiệt thòi đến nông dân, đến công nhân, đến trí thức, đến cách mạng, ai thoả mãn?
Ai không phản ứng trước những sai lầm ảnh hưởng tai hại đến Cải cách Ruộng đất? Ai không phản ứng trước những sai lầm nghiêm trọng làm tổn thương cho miền Bắc chúng ta trong khi đang cần củng cố và xây dựng chế độ dân chủ nhân dân để mau tiến tới xã hội chủ nghĩa?
Nếu ai khuyên: Này thôi đừng nói nữa bọn Mỹ Diệm nó lợi dụng”. Tôi trả lời: Thằng Diệm nó vẫn chỉ có một luận điệu nói rằng ở miền Bắc không có tự do nên nó không hiệp thương. Thì những cái phê nình công khai trong nội bộ miền Bắc chỉ càng chứng tỏ rằng chúng ta đang thực hiện một cách đầy đủ quyền dân chủ của chúng ta. Ở miền Nam, bọn Mỹ, Diệm có dám cho nhân dân phê bình chính quyền của chúng không? Ở miền Nam, bọn Mỹ, Diệm có dám bảo đảm đầy đủ tự do dân chủ cho văn nghệ sĩ không?
Tại sao lại sợ thằng Diệm nó biết mình dân chủ? Có là ngây thơ mới nghe lời nói vô lý ấy.
Chỉ có chính quyền dân chủ nhân dân do dân làm chủ có Đảng lãnh đạo mới có những cuộc phê bình mà phong kiến, đế quốc, phát xít, đều sợ, đều cấm, đều đàn áp. Chỉ có những chính đảng thực sự làm cách mạng, mưu cầu lợi ích cho dân tộc, cho nhân dân, được quần chúng ủng hộ như Đảng Lao động Việt Nam mới dám tiến hành sự thực hiện quyền tự do dân chủ thực sự cho toàn thể chúng ta.
Ai sợ phê bình? Tôi xin nói thẳng là những ông Quan liêu, ông Địa vị, ông Sĩ diện. Đó là những đứa con của phong kiến, đế quốc. Cho nên chúng vẫn cứ dùng cái luận điệu đã kinh nghiệm từ thời thiếu dân chủ mà bảo là bất mãn, phản ứng giai cấp v.v... cho những ai dám phê bình chúng. Đảng và Chính phủ đang tiến hành những biện pháp để sửa chữa những sai lầm trong đó có biện pháp sửa chữa tác phong quan liêu, độc đoán, thiếu dân chủ để cho xã hội chúng ta thực sự là cách mạng.
Bất mãn là chưa thoả mãn với thực tế, tất nhiên không phải là muốn quyền lợi cá nhân chúng ta đi ngược lại quyền lợi của quần chúng nhân dân. Chúng ta bất mãn với những cái sai lầm, người sai lầm đã làm thiệt hại cho lợi ích của cách mạng.
Còn đối với một số người cho chúng tôi là bất mãn vì địa vị hay vì quyền lợi vật chất thì chúng tôi thấy không cần trả lời những con người thấp hèn ấy.
5. NHÂN VĂN 3 * PHẦN 1
*
Trời không mưa, người phải tìm cách cho có nước, cứu mạ, cứu lúa, cứu khoai, ngô, đỗ, cứu thân mình.
Gió cứ cắt da cắt thịt, từng đoàn người mang cuốc thuổng ra cắt đất. Mương hiện hình từng thước một trên cánh đồng. Giếng sâu hàng trượng, nước nhất định phải có ở trong lòng đất. Nhát thuổng xén đất sét vàng từng tảng lên ngon như một miếng bánh. Mương bò từng tấc đất nối cánh đồng thôn Đông sang thôn Đoài, đã đến đích. Nước bắt đầu tuôn vào lòng mương như chảy trong lòng người nông dân. Nước sao mà ấm áp, trong trẻo, lóng lánh cuồn cuộn theo hỉnh thon uốn éo của lòng mương - Nước về rồi. Các cô thôn Đông nghiêng mình soi gương vén mớ tóc xòa, chít lại khăn vuông. Má mọi người đều hồng rừng rực. Máu đã chảy, chạy thấm vào chân mạ, chân khoai. Chân mạ có nước bao bọc ấm dần, đất roãi ra thoải mái không co rúm.
Bên bờ mương gàu giai gàu sóng ì uồm. Nước trắng tinh tung bọt uốn éo theo từng lạch nhỏ thấm vào đất. Cả cánh đồng màu bệch hôm qua bỗng trở nên màu nâu đậm đà mỡ màng.
Mới mấy bữa mà lúa ỏng ả có chỗ sắp dậy thì, lá khoai, lá đỗ reo vui.
Trước đây, địa chủ lấy Trời mà dọa nông dân, mưa nắng sống chết no đói, được mùa mất mùa cũng do Trời. Ngày nay ánh sáng diệu kỳ của Đảng soi đến, soi rõ nguyên hình bọn bóc lột, soi rõ trời.
Có ông lão nông chợt tỉnh ngộ, đếm ngón tay gần bẩy mươi năm sống u mê, tiếc rằng sao bây giờ mình mới biết ánh sáng của Đảng. Ông cụ khóc rưng rức, bàn tay răn rúm ôm đầu.
Có những thanh niên nam nữ ngẩn người ra tiếc những tháng năm giá được biết Đảng sớm thì cuộc đời đã đổi khác rồi.
Nhìn trời đúng, nhìn Chúa và Phật cũng đúng. Chúa và Phật trở nên đúng nghĩa của một sức ủng hộ tinh thần khi con người cần thiết. Chúa và Phật đã bị chúng xuyên tạc thành một thứ đe dọa, hạch sách… Ngày nay, Đảng cũng đã quét sạch cả ma quỉ đã ám bóng Chúa, bóng Phật. Nhà thờ và chùa yên lành sáng sủa.
Nằm trên chiếc ổ rơm, cùng với bà con nông dân chung đắp tấm chăn mỏng, tôi cứ nghĩ quanh quẩn, nếu mai đây nha khí tượng bảo đúng là rét dưới độ không thì bà con chịu làm sao nổi. Có quần áo lành như một số người mà trời hơi rét đã kêu lên ầm ầm, đầu không chui ra khói khăn quàng, hay chăn bông, người không dám ra khỏi nhà. Bà con nông dânh áo manh, hở từng khoảng thịt, vải cũ mỏng như tờ giấy lại đi làm ở giữa đồng. Trẻ em phong phanh: hở cổ. Nhiều em không có quần, áo chỉ là một miếng vải che không đủ người. Càng đói lại càng rét nhiều. Làm thế nào?
Bà con đã họp nhao bàn kế hoạch chống rét. Trước hết là lo cho trâu bò. Rồi đến sự tương trợ lẫn nhau, giúp nhau từng miếng xác tải, manh chiếu. Ai ít quần áo nhất, ai không có? Người có hơn một ít nhường ngay: Thôi thử gọi là tương đối.
Quả thực tôi cảm phục sức anh dũng của anh chị em. Cứ nghĩ nếu mình sống một cuộc sống như vậy, chắc mình không đủ sức để còn sống, đã chết từ lâu rồi. Địa chủ bóc lột, khí hậu dằn vặt người. Vậy mà anh chị em đã anh dũng tìm hết cách để mà sống, cho đến ngày nay được giải phỏng. Mới biết mình hèn hơn bà con. Sợ đói, sợ rét, sợ bẩn, sợ khổ nhiều thứ, sợ, ích kỷ. Nghĩ lại những năm xưa khi nào có được quần áo rét tốt, chỉ muốn trời rét lên cho mình mặc cho thích. Ngoài ra không nhìn thấy hàng triệu bà con thiếu áo thiếu chăn.
Bà con lao động nghèo rách dạy chúng ta nhiều điều hay. Sách vở nào có một chủ nghĩa nhân văn tốt đẹp như ở tấm lòng thương yêu nhau của bà con?
Xe đạp vượt qua cầu sông Đuống rời đến bên kia Gia Lâm. Hình thái cuộc sống ở đây rộn rịp khác lắm - khác không khí của đồng ruộng. Từ bùn dấy lên một loạt người sạch sẽ thơm tho. Ở đây từ than bụi cũng mọc lên một loạt người mới. Bọn chúng xuống đất đen, ngày lại ngày, bàn chân của bà con lao động giẫm lên, đất càng đầy, đắp bồi lên xác chúng mãi mãi tiêu tan.
Trời trong sáng vĩnh viễn.
(12-1955)
GIAI PHẨM MÙA XUÂN 1956
==
Sỹ Ngọc
Tán tranh Tết
Ta vẫn có tục chơi tranh về ngày Tết, vì vậy gọi là tranh Tết, bởi vì chỉ ngày Tết mới có tranh treo. Đó là một thiếu thốn về sinh hoạt mỹ thuật của đời sống ngày trước. Ngày nay, chúng ta có thể chơi tranh suốt năm, lúc nào thích thì mua treo, và tranh xuất bản từ đầu năm đến cuối năm. Chơi tranh có nhiều cái thú vị, đẹp nhà, đẹp cửa, lại có nhiều tranh có ý nghĩa giáo dục. Một bức tranh treo trong nhà góp vào đời sống gia định nhiều điểm lý thú.
Tranh Tết xưa có nhiều đề tài: tranh gà, tranh lợn, tranh trèo dừa, đánh ghen, tranh ông đồ cóc, tranh đám cưới chuột. Mỗi cái một ý nghĩa. Tranh gà lợn là tả cảnh phồn vinh của sản xuất. Trong nhà cứ có một lợn nái là nhà cửa không lo thiếu thốn. Trong nhà luôn luôn có đàn gà có mẹ có con là nhà cửa làm ăn khá, không lo túng. Vì gà và lợn là hai thứ gia súc nuôi có lợi cho việc sản xuất. Được ăn được bán đi những lúc cần tiền tiêu. Cuối năm có con lợn mổ ăn Tết đụng với bà con, có bộ lòng ăn dấm ghém hôm ba mươi, có thịt gói bánh chưng. Và có cả phân lợn để bón ruộng. Có nái gà, túng tiền mang ra chợ bán vài con, không thì để sinh sôi nẩy nở; có bạn đến chơi, ngả một con đánh chén; có trứng ăn. Tranh gà lợn chúc cho người chơi tranh một đời sống như thế. Tranh gà lợn còn có thể chúc ngầm cho người chơi tranh, con cái đầy đàn. Con gà con, con lợn con khác gì trẻ nhỏ. Cũng vui thế, cũng ríu rít thế. Với người nông dân, lòng yêu súc vật tựa thể yêu con người.
Tranh trèo dừa là một bài thơ huê tình. Một cô thôn nữ vén váy hứng dừa. Quả dừa nần nẫn do những anh chàng trai (chưa vợ) ném xuống. Người thôn nữ hứng dừa được tả bằng những nét và khối hình rất đỗi linh động. Người thôn nữ ấy là hỉnh ảnh của những mối tình ở nông thôn đã bắt nguồn từ những sinh hoạt lao động. Trẻ con reo mừng, xem người và ăn dừa. Tranh đánh ghen là một bài thơ trào phúng. Chắc có lẽ trong một trăm gia đình có hai vợ thì chín mươi chín gia đình có việc xẩy ra như thế. Người vẽ đã hình tượng cụ thể hiện tượng “ghen”. Không có ghen bóng ghen gió gì. Ghen này là bắt quả tang. Ghen này phải cầm kéo mà moi gan moi ruột ra. Ghen này là một mối thù. Người vợ cả cầm kéo hầm hầm dáng điệu “xông vào”. Người vợ lẽ, nửa người ở trần và anh chồng tuy thế mà hãy còn “ríu” lấy cô vợ lẽ, vẫn còn muốn âu yếm tiếp tục. Thật là hai năm rõ mười. Thật bằng chọc tức chị vợ cả. “Chồng chung chưa dễ ai nhường cho ai”. Tình yêu vẫn là như vậy. Cớ sao chia sẻ tình này! Nhân sinh quan về tình ái của người lao động vẫn là như vậy. Nhưng chế độ đa thê của phong kiến đã làm cho tình cảm con người bị dày xéo. Tranh đánh ghen thật là một bài học tuyệt vời cho những ai muốn tham lắm vợ để thoả mãn lòng ích kỷ của họ. Và cũng giáo dục cho mọi người: Đẹp gì cảnh ấy mà đa mang vào. Ngày Tết, ngồi uống rượu người ta tán tranh như thế và liên hệ vào xóm làng địa phương.
Tranh “thầy đồ Cóc” cũng là một bài thơ trào lộng. Cái cảnh những thầy đồ ngày xưa thật đáng buồn. Học thì học những điều trong kinh sử, rất xa lạ với nhân dân lao động. Người ta nghe như một thứ tiếng lạ tai. Lối học thì nhồi sọ, cốt cho thành một con vẹt biết nói đúng như sách. Còn cách học thì cũng thật buồn cười. Học trò phải đun nước, quạt hoả lò cho thày. Trò nào học tồi thì bị đè ra đánh roi. Quang cảnh một lớp học xưa được ngọn bút trào lộng của hoạ sĩ diễn tả điển hình. Nhân vật là cóc mà lại đúng ra người. Sinh động đến mức xem tranh mà nghe như đâu đây có tiếng ê a: “tam tự kinh, nhân chi sơ…” v.v… láo nháo lào nhào. Tháy quát, trò kêu. Khác nào một buổi động trời mưa, cóc nhái kêu inh ỏi.
Tán qua một số tranh ấy, bật rõ một điều: nhân dân lao động lắm sáng kiến phát minh; nhiều óc sáng tạo. Bản chất văn nghệ dân gian là một vũ khí, là một nhu cầu thiết yếu. Không được học cũng vẽ, bị phong kiến cấm đoán cũng vẽ, cũng nói, nhưng nói chệch ra những cái khác. Những nụ cười trào lộng chửi vào chế độ đa thê, chửi vào lối giáo dục phong kiến há chẳng làm cho uy thế phong kiến phải giảm sút? Các tranh ca ngợi về sản xuất, cảnh chúc tụng nhau là những câu ân tình thúc đẩy nhau lao động.
Ngày Tết xem tranh, vui lắm thay!
1-1957
SACH TẾT 1957
=
=
No comments:
Post a Comment