Báo Nhân văn số 4
1 2
Báo văn hoá, xã hội - Chủ nhiệm: Phan Khôi - Thư ký toà soạn: Trần Duy - Trụ sở: 43 Tràng Tiền, G.N. (Giây nói 21.17) - Khổ 38 x 55, 6 trang - Số 4, ra ngày 05-11-1956. In tại nhà in Xuân Thu. Mỗi số: 300 đ.
Mục lục
Nguyễn Hữu Đang - Cần phải chính quy hơn nữa
Người quan sát - Sự thật về vụ xúc phạm thi sĩ Nguyễn Bính và báo Trăm hoa
Nhân văn - Hoan nghênh Trung ương Đảng lắng nghe cán bộ và quần chúng
Trần Công - Nửa tháng Liên hoan phim Liên Xô: Ô-ten-lô, một thành công của điện ảnh
Nhân văn - Phản đối đế quốc Mỹ đem quân đội xâm nhậm miền Nam Việt Nam
Trần Duy - Thành thật đấu tranh cho tự do dân chủ (kỳ 1)
Tranh châm biếm
Quảng cáo cho Đất mới, Sáng tạo
Quảng cáo ủng hộ báo Nhân văn
Thông báo: Tại sao Nhân văn ra chậm và vẫn phải bán 300 đ?
L.H. - Địa ngục miền Nam
Tử Phác - Tiếng nói của tâm hồn và trái tim
Phùng Cung - Con ngựa già của chúa Trịnh (minh hoạ của Bùi Xuân Phái)
Trần Duy - Nhân xem phòng triển lãm nghệ thuật dân gian Ru-ma-ni, nghệ thuật và thực dụng
Văn Cao - Những ngày báo hiệu mùa xuân (thơ)
Bùi Quang Đoài - Chủ nghĩa nhân văn của ông Hoàng Xuân Nhị
Thanh Châu - Mua hàng mậu dịch (phóng sự)
Trúc Lâm và H.S. Không phải chuyện cười
Nguyễn Hữu Đang
Cần phải chính quy hơn nữa [1]
Trong bản báo cáo của ông Khơ-rút-sốp trước Đại hội lần thứ 20 Đảng Cộng sản Liên Xô có một đoạn nói vắn tắt, gần như lướt qua, mà thực ra rất quan trọng.
Đoạn đó nói về sự quan tâm đặc biệt của Trung ương Đảng đối với vấn đề củng cố nền pháp trị xã hội chủ nghĩa và kết luận:
“Những tổ chức của Đảng, của Nhà nước và các công đoàn phải chú ý với một tinh thần cảnh giác đến việc tôn trọng pháp luật Xô-Viết và tố cáo, vạch mặt bất cứ ai phạm vào nền pháp trị Xô-viết và những biểu hiện phi pháp và độc đoán nhỏ.”
Tại sao sau ba mươi năm kiến thiết chủ nghĩa xã hội với hai lần đặt hiến pháp và nhiều lần chỉnh lý pháp luật cũng như sửa đổi hệ thống và lề lối xét xử của toà án, bây giờ sắp bước vào giai đoạn kiến thiết chủ nghĩa cộng sản, Liên–Xô còn phải đặt vấn đề pháp trị một cách nóng hổi như vậy?
Chính là vì trong bao lâu Stalin đã lạm dụng quyền hành, dung túng bè lũ phản cách mạng Beria, lấy uy thế chính trị mà lũng loạn bộ máy nhà nước, vi phạm nghiêm trọng chế độ pháp trị. Coi thường pháp luật trở thành một tác phong của nhiều cán bộ, của nhiều cấp uỷ Đảng hay cơ quan chính quyền. Biết bao nhiêu công dân lương thiện và đảng viên tốt - kể cả Trung ương uỷ viên của Đảng – đã bị tù đầy, bắn giết oan trong tình trạng đó? Cho nên Đại hội đã phải quan tâm đặc biệt đến việc bảo vệ chế độ pháp trị nó là hiện thân của tinh thần nhân văn, tinh thần dân chủ, tinh thần kỷ luật trong một nhà nước văn minh.
Điều này ở xã hội ta không phải ai cũng công nhận dễ dàng. Vì lòng khinh bỉ của chúng ta đối với pháp lý tư sản lớn quá đến nỗi ở một số đông người nó đã trở thành lòng khinh bỉ pháp lý nói chung. Vì trong cuộc kháng chiến kéo dài và gian khổ, chúng ta đã quen giải quyết mọi công viêc to nhỏ trong không khí gia đình, với tinh thần tuỳ tiện. Chúng ta đã quen dùng cái “linh động” để gỡ cho công việc trôi chảy được mỗi khi vấp phải điều quy định chính xác. Chúng ta đã quen dùng cái “lập trường” để thay cho luật lệ cụ thể.
Và kháng chiến đã thành công, độc lập và dân chủ ít ra đã thực hiện trên một nửa đất nước, nên chúng ta cũng dễ chủ quan, tự mãn tưởng rằng nền nếp cũ vẫn còn có giá trị
Nhầm to. Nếu hiện tượng trên là tất yếu đối với hoàn cảnh chiến tranh du kích thì trái lại, nó không có một lý do tồn tại nào trong hoàn cảnh hoà bình.
Hoà bình lập lại đã hai năm, dù cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất đất nước có phức tạp, gay go thế nào thì cũng không thể coi miền Bắc như ở một hoàn cảnh bất thường để duy trì mãi tình trạng thiếu một nền pháp trị hẳn hoi.
Trong Cải cách Ruộng đất, những việc bắt người, giam người, tra hỏi (dùng nhục hình dã man), xử tù, xử bắn, tịch thu tài sản, hết sức bừa bãi, bậy bạ, cũng như việc bao vây đến làm chết đói những thiếu nhi vô tội trong các gia đình địa chủ (hoặc chính là nông dân mà bị quy sai thành phần), không phải chỉ hoàn toàn do sự lãnh đạo kém cỏi mà còn do thiếu chế độ pháp trị hẳn hoi. Giá các Đoàn Uỷ lúc nào cũng thấy trên đầu họ con mắt dõi theo của thần công lý, giá lúc nào họ cũng thấy văng vẳng bên tai câu nhắc nhở của toà án: "hễ làm trái pháp luật là bị truy tố đấy" thì chắc chắn là họ đã thận trọng hơn và nhiều tai vạ đã tránh được cho nhân dân rồi.
"Giết nhầm sẽ bị kiểm thảo", ý nghĩ ấy có thể là nghiêm chỉnh, nhưng nó mới nhẹ nhàng, thoải mái làm sao!
Sẽ có những người nói: "Sở dĩ nên nông nỗi ấy là vì họ không vững lập trường".
Vững lập trường! Điều đó rất quí nhưng chưa đủ. Không phải cán bộ nào, công dân nào cũng vững lập trường. Và ngày những người thực sự vững lập trường mà không có nền pháp trị tinh vi làm mực thước thì cũng chỉ mới có bảo đảm nhận thức được một cách chung chung về phương hướng và yêu cầu của công việc chứ không có bảo đảm biết làm cho đúng phương pháp, cách thức để đạt tới yêu cầu đó.
Sẽ có những người lo xa: "Đặt ra lắm luật lệ rất dễ đưa đến những bệnh quan liêu, máy móc, hình thức".
Không phải thế. Quan liêu, máy móc, hình thức là những bệnh do thiếu lý luận cách mạng, thiếu đạo đức cách mạng, thiếu nhiệt tình cách mạng. Chẳng biết ít lệ luật sẽ giúp cho việc tránh các bệnh ấy được đến đâu nhưng nhất định không ai có thể chối cãi điều này: ít lệ luật là một điều thuận tiện cho sự lạm quyền, độc đoán.
Nhiều lệ luật cũng vẫn có kẻ lạm quyền, độc đoán được. Những điều đó chỉ dễ thực hiện trong chế độ cũ, luật lệ đã mang sẵn tính chất thực tế thì không biết mà dùng, không có đủ thế lực mà dùng. Còn trong chế độ ta, nhân dân có đủ cả quyền hành, ý thức và lực lượng để dùng luật lệ, bảo vệ luật lệ, thì họ sẽ không để cho những kẻ kia lạm quyền, độc đoán mãi.
Một nền pháp trị đầy đủ sẽ là một bảo đảm vững chắc cho tính chất dân chủ của chế độ ta. Nó sẽ là đường “rày” cho đoàn xe lửa chở dân tộc ta chạy lên chủ nghĩa xã hội thật nhanh mà không trệch.
Do pháp trị thiếu sót mà Cải cách Ruộng đất hỏng to đến thế. Do pháp trị thiếu sót mà quân đội chưa có chế độ binh dịch hợp lý, công an hỏi giấy giá thú đôi vợ chồng ngồi ngắm cảnh trăng lên ở bờ hồ, hộ khẩu rình bên cửa sổ khiến người ta mất ăn, mất ngủ, cán bộ thuế tự tiện vào khám nhà người kinh doanh, ở khu phố có chuyện đuổi nhà lung tung hoặc ép buộc người ở rộng phải nhường lại một phần nhà cho cán bộ hay cơ quan ở. Do pháp trị thiếu sót mà nhiều cơ quan bóc xem thư của nhân viên và một ngành rất quan trọng nọ đòi thông qua những bài báo nói đến mình, làm như một bộ phận của Nhà nước lại có quyền phục hồi chế độ kiểm duyệt mà chính Nhà nước đã bãi bỏ. Do pháp trị thiếu sót, người ta đã làm những việc vu cáo và đe doạ chính trị trắng trợn, ngăn cản việc mua đọc báo Nhân văn, hành hung báo Trăm hoa v.v…
Tưởng đã đến lúc nhân dân phải tích cực bảo vệ chế độ bằng cách tố cáo những hành động phi pháp ở bất cứ trường hợp nào đã có luật lệ rồi.
Về mặt xúc tiến xây dựng ngay một chế độ pháp trị đầy đủ, tinh vi, chúng tôi đề nghị:
1. Thi hành Hiến pháp (hoặc là Hiến pháp 1946 sửa đổi cho thích hợp với hoàn cảnh ngày nay, hoặc là Hiến pháp mới sẽ đặt ra). Trên cơ sở Hiến pháp, Quốc hội sẽ biểu quyết những đạo luật thay các sắc lệch và nhiều văn kiện khác.
2. Quốc hội họp đều, sáu tháng một kỳ. Không có lý do trong hoàn cảnh hoà bình mà công việc của Quốc hội vẫn khoán trắng cho một Ban thường trực gần như không hoạt động gì.
3. Chấn chỉnh ngành tư pháp, chủ yếu là tăng quyền hành thực sự của Bộ tư pháp.
Chúng tôi tin rằng toàn thể các tầng lớp nhân dân đều đồng tình với chúng tôi về ba đề nghị trên. Vì nhân dân thiết tha mong được sống trong một xã hội chính quy hơn nữa.
Để mọi quyền làm ăn, sinh hoạt và tự do dân chủ khỏi bị xâm phạm.
Để được thoải mái góp phần kiến thiết quốc gia.
12-10-56
*
Người quan sát
Sự thật về vụ xúc phạm thi sĩ Nguyễn Bính và báo Trăm hoa [2]
Bước đầu để thực hiện quyết định của Hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Tăng cường bảo đảm quyền tự do của nhân dân và trừng trị kịp thời, đúng mức những hành động vi phạm pháp luật. Chúng tôi đề nghị có những biện pháp thích đáng trừng trị Nguyễn Văn Tố tức Thiết Vũ trong việc hành hung chủ nhiệm báo Trăm hoa. Sở báo chí Trung ương phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc này.
Đúng như lời thi sĩ Nguyễn Bính, chủ nhiệm báo Trăm hoa, đây là một “chuyện đáng tiếc”. Không những “đáng tiếc” mà thực ra đã làm nhiều người công phẫn, nhất là trong giới báo chí, văn nghệ và trí thức ở thủ đô.
Báo Trăm hoa số 2 có phản ánh vụ này nhưng chưa chắc đã đúng sự thực.
Theo lời ông Nguyễn Bính chính thức báo cáo trong hai buổi toạ đàm của đại diện Trung ương Đảng Lao động thì trước khi báo Trăm hoa mới ra số 1, Nguyễn Văn Tố, cán bộ của Sở Báo chí, đến đưa cho ông hai bài đả kích báo Nhân văn rồi yêu cầu đăng và đồng thời cũng mập mờ lấy danh nghĩa cơ quan [3] hứa hẹn cấp giấy rẻ cho báo Trăm hoa thừa ra hai “ram” để in không hết, ông sẽ bán đi với giá thị trường (rất cao) mà tiêu dùng.
Ông Bính không chối từ ngay việc mua đó nhưng cũng không đăng hai bài báo kia lấy cớ vì không hay. Sau đó, khi báo Trăm hoa xin cấp giấy cho số 2 thì bị Sở (...) Trung ương Đảng trong một buổi toạ đàm ngày 20-10.
Thế là chiều hôm thứ hai 21-10, Nguyễn Văn Tố đến trụ sở báo Trăm hoa vẫn lấy danh nghĩa Sở Báo chí mà chất vấn ông Bính về chuyện báo cáo hôm qua rồi dùng những lời thô bỉ, thậm tệ mà lăng mạ ông, lại toan hành hung ông nữa. Ông Bính phải chạy ra ngoài cửa hô hoán lên, hàng phố kéo đến, người qua đường dừng bước, thành một đám đông. Sau đó ông Bính nhờ người đi báo công an, các bạn đồng nghiệp. Hội Văn nghệ và Sở Báo chí. Thế rồi có cuộc thương lượng gữa ông Trần Minh Tước, giám đốc Sở Báo chí và ông Bính. Kết quả chúng ta đã biết: Nguyễn Văn Tố viết một bức thư xin lỗi đăng trên báo Trăm hoa số 2 và đến tự kiểm thảo trong một buổi họp nhân dân khu phố.
Đến đây câu chuyện xoay chiều. Vì những lý do bí ẩn nào chúng tôi không rõ. Chúng tôi chỉ biết bức thư xin lỗi và cuộc kiểm thảo kia đưa ra những sự việc khác hẳn những sự việc mà ông Bính đã chính thức báo cáo trong hai buổi toạ đàm ngày 21-10 và tối 23-10.
Nghĩa là nhất định phải có một sự xuyên tạc: hoặc ông Bính đã báo cáo sai, hoặc bức thư xin lỗi và buổi kiểm thảo kia là bố trí giả tạo. (...) không ai có thể trả lời.
Riêng chúng tôi, chúng tôi hoàn toàn đồng ý với thi sĩ Nguyễn Bính khi ông nhận định về cái tầm quan trọng của vụ này:
"Những hành động và lời nói thiếu lễ độ của anh Tố không những chỉ xâm phạm đến danh dự cá nhân tôi, đến danh dự toà báo Trăm hoa, mà còn tổn thương chung đến danh dự các báo chí, ấy là chưa kể nó đã xâm phạm đến quyền tự do dân chủ nói chung." (Trăm hoa số 2)
Nói khác ra, cách sửa chữa đối với cá nhân ông Bính và báo Trăm hoa đã hợp lý chưa, không đáng cho chúng ta quan tâm nữa nếu chính bản thân ông Bính không yêu cầu gì thêm. Vấn đề còn có thực và sôi nổi không ai có thể giấu đi hoặc dèm pha những người nêu ra bằng những danh từ vu cáo quen thuộc: "thổi phồng", "khoét sâu", "bàn tay địch" v.v…
Người ta biết rằng chủ nhiệm báo Trăm hoa vì đi dự toạ đàm với đại diện Trung ương Đảng, có báo cáo chuyện mua chuộc và trả thù bỉ ổi nên trở về bị lăng mạ và suýt bị hành hung. Việc đó có một ý nghĩa xúc phạm gián tiếp đến cuộc toạ đàm không còn ra thể thống gì nữa.
Người ta lại biết rằng gần đây các giới văn nghệ và trí thức thắc mắc rất nhiều về vấn đề bảo vệ nhân phẩm của văn nghệ sĩ, trí thức và quyền tự do dân chủ, giữa lúc này mà ở ngay sát cạnh Trung ương Đảng và Chính phủ, một cán bộ của Sở Báo chí ngang nhiên láo xược, hung hãn đối với một văn nghệ sĩ lại là chủ nhiệm kiêm chủ bút một tờ báo, thì hãy hỏi y muốn chứng minh điều gì có lợi cho chính sách, cho chế độ?
Người ta biết rằng Hội nghị lần thứ 10 của Trung ương Đảng Lao động vừa mới quyết định "bảo đảm quyền tự do của nhân dân và trừng trị kịp thời, đúng mức những hành động vi phạm pháp luật". Vậy những cơ quan chính trị và tư pháp có trách nhiệm và thẩm quyền đối với vụ này phải có thái độ rõ ràng và biện pháp cụ thể để chứng tỏ với nhân dân cả nước rằng quyết định trên có được thi hành đúng đắn. Nếu không thì những hành động côn đồ, manh động sẽ có thể xảy ra luôn luôn và ngay cái an ninh trật tự thông thường giữa thủ đô cũng bị tổn thương, chưa nói đến tự do dân chủ vội.
Tội Nguyễn Văn Tố như thế mà giải quyết bằng một buổi kiểm thảo chiếu lệ ở khu phố và một bức thư xin lỗi chung chung sơ lược thì chưa phải là xử thích đáng, chỉ càng làm cho giới báo chí, văn nghệ và trí thức công phẫn thêm và không thể có tác dụng giáo dục "răn trước, ngừa sau" hiệu quả.
Kẻ nào nói "làm thế là xong, là ổn thoả rồi" là kẻ nói một câu khôi hài khinh miệt quần chúng.
Trước khi chấm hết bài này, chúng tôi đề nghị ba điều:
1. Thủ tướng Phủ cần điều tra xem vai trò của Sở Báo chí trong vụ này thế nào. Chúng tôi không thể công nhận rằng Sở Báo chí ở ngoài cuộc. (Làm sao cắt nghĩa được việc cấp thừa giấy và rút bớt giấy?)
2. Ông Xuân Thuỷ, Hội trưởng Hội những người viết báo Việt Nam và ông Nguyễn Tuân, Tổng thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam không nên tiếp tục làm thinh với vụ này. Quần chúng và anh em báo chí, văn nghệ rất chú ý đến thái độ của các ông.
3. Những bạn hay lo địch lợi dụng để phản tuyên truyền ta hãy lên tiếng đòi nghiêm khắc trừng trị Nguyễn Văn Tố. Vì muốn cho địch hết đường lợi dụng thì không thể dùng một cách yếu ớt là che giấu mà chỉ có một cách đường hoàng là trừng trị nghiêm khắc những kẻ làm bậy để tỏ rõ chế độ ta tốt đẹp không bao giờ dung túng loài sâu mọt.
*
Nhân văn
Hoan nghênh Trung ương Đảng lắng nghe cán bộ và quần chúng [4]
Ngày 20-10-56, đã bắt đầu cuộc toạ đàm giữa đại diện Ban chấp hành trung ương Đảng Lao động và (...) đủ các ngành (...) điện ảnh. Ban (...) Nhân văn đã đề cử ba đại biểu đến tham dự.
Từ mấy tháng nay cuộc đấu tranh sôi nổi và công khai của anh em văn nghệ sĩ chống những tệ lậu của bè phái lãnh đạo đòi thực sự mở rộng tự do dân chủ đã bị một số người hiểu lầm.
Họ ghán ghép cho anh em những chiếc mũ không tốt: bất mãn, địa vị thậm chí phản động. Cuộc toạ đàm này là một trả lời thích đáng cho những hạng người đó.
Nó chứng tỏ rằng cuộc đấu tranh của anh em căn bản là đúng, rằng anh em không phải là một nhóm người bất mãn đê tiện, mà là những người tha thiết vì dân vì Đảng muốn đóng góp phần xây dựng của mình.
Nó chứng tỏ rằng trong phong trào đấu tranh cho tự do dân chủ chống những tệ lậu của xã hội, anh em văn nghệ đã đi trong hàng ngũ tiên phong không phụ lòng tin cậy của quần chúng và của Đảng. Nó chứng tỏ rằng bản chất của chế độ thực sự là dân chủ.
Nó là cái tát mạnh vào mồm những kẻ tay sai của đế quốc Mỹ đương muốn nhân một vài cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ ở miền Bắc mà vu cáo cho chế độ ta căn bản là không có tự do.
Chúng ta ai cũng biết, cuộc đấu tranh chống những tệ lậu của xã hội thực sự mở rộng dân chủ củng cố và phát triển bản chất của chế độ đã lâu dài và gian khổ nhưng với sự quyết tâm của Trung ương và của chúng ta nhất định chúng ta làm được. Những cản trở nhất định sẽ khắc phục và sẽ vượt qua.
Cuộc toạ đàm mới bắt đầu và còn tiếp tục nhưng chúng ta có đầy đủ cơ sở để đấu tranh và tin tưởng.
*
Trần Công
Nửa tháng Liên hoan phim Liên Xô: Ô-ten-lô, một thành công của điện ảnh [5]
Những tác phẩm bất hủ của Sét-spia lần lượt đưa lên màn ảnh. Sau Rô-mê-ô và Duy-li-ét, Đêm thứ 12, nhà đạo diễn I-u-kê-vích đã làm rạng rỡ nền điện ảnh Xô-viết trong việc dựng nên phim Ô-ten-lô. Hai mươi năm về trước, ở Mỹ, Óc sơn Oen cũng đã đưa Ô-ten-lô lên màn ảnh.
I-u-kê-vích làm bộ phim đằng đẵng 6 năm 6 tháng. Trước đây ông định mời nhà danh ca chiến sĩ hoà bình người Mỹ da đen và đồng thời cũng là một tài tử màn ảnh Rô-bê-sơn sang Liên Xô đóng vai Ô-ten-lô nhưng chính phủ Mỹ đã cấm đoán không cho Rô-bê-sơn đi. I-u-kê-vích là một đạo diễn đã có danh tiếng quốc tế đứng sau những người thầy điện ảnh Xô-viết và thế giới như Ây-danh-stanh, Pu-đô-kin.
Màn ảnh Hà Nội đã được thưởng thức những phim giá trị của ông như Scăng-đéc Béc, Svec-lốp. Đặc điểm của phim I-u-kê-vích là hình đẹp và mạnh mẽ, cách dựng cảnh công phu, tinh vi. Trong phim Ô-ten-lô, người đạo diễn đã có một thế chủ động cao độ, Ô-ten-lô đã làm rung chuyển cả Can trong mùa thi phim quốc tế năm 1956 và đã xứng đáng được giải thưởng danh dự về dàn cảnh.
Ô-ten-lô vốn là một người châu Phi có nhiều tài năng quân sự. Sau về làm tướng cho triều đình Vê-nê-xi. Ô-ten-lô yêu Đét-sđê-môn, con gái nguyên lão nghị viên Bơ-ra-băng-xi-ô. Nhưng làm thế nào để một vương thần da trắng lại có thể gả con gái mình cho một người da đen được. Ô-ten-lô đã ngầm mang người yêu sang đảo Síp. Nhưng đã bị tên cận thần I-a-gô xúc xiểm ghen tị tìm cách phá hoại. Ô-ten-lô đã nghi ngờ vợ và giết Đét-sđê-môn. Sau khi vỡ lẽ, anh đã tự tử chết.
Dựng một nhân vật chính lại là một người da đen, nêu cao tài năng của một người da đen trong một xã hội triều đình da trắng, Sét-spia đã chống lại thuyết vị chủng từ hồi đó. Và tấn bi kịch này không phải chỉ là việc ghen tuông tầm thường về tình yêu. Ô-ten-lô không phải chỉ tượng trưng cho những con người thường vì bản năng hay bị ghen tuông làm mờ ám, thường dễ biến con tim mình thành gỗ đá vì nghi ngờ. Sét-spia tạo nên tấn bi kịch này với một ý nghĩa sâu xa hơn nhiều. Đây không phải đơn thuần việc một người chồng vị lừa dối mà là tấn bi kịch của một người nhiều nghị lực và thông minh đau xót về những đen bạc của cuộc đời, bị vấp phải những phản ứng đê tiện nhất của một chế độ giả dối, đầy lường gạt, ti tiện, Ô-ten-lô của Sét-spia không phải là một kẻ sát nhân do ghen tuông, mà là một người đi trả thù cho tâm hồn con người bị phản phúc giày vò.
Trung thành với Sét-spia, I-u-kê-vích cùng với những người diễn viên đã cố gắng giữ được một phần lớn nội dung của vở bi kịch. Có một điểm I-u-kê-vích thêm vào mà trong kịch bản không có là đám cưới Ô-ten-lô với Đét-sđê-môn. Và đây cũng là điểm gặp nhau giữa I-u-kê-vích và Óc-sơn Oen. Có lẽ cả nhà dàn cảnh Mỹ, hai người đều thấy cần phải chính thức hoá cuộc tình duyên đó để càng làm thêm đểu cáng những lời vu khống của tên I-a-gô hay những lời nguyền rủa của Bơ-ra-băng-xi-ô.
Trong trí tưởng tưởng của I-u-kê-vích suốt cả thời kỳ thai nghén cho đến lúc thành hình việc phân đoạn dàn cảnh, nhà đạo diễn đã dụng ý như làm một bản nhạc hợp tấu trong đó nổi bật lên 3 hình ảnh và 3 màu sắc. Sáu đề tài đó xen kẽ nhau và gợi lên được ý của nội dung tác phẩm.
Cái thứ nhất là hình ảnh con thuyền. Con thuyền là một tượng trưng rất thơ mộng cho những linh hồn bơ vơ, vướng mắc. Những cánh buồm gió lênh đênh trên sóng đã là những đề tài cho biết bao nhiêu tác phẩm bất hủ. Hình ảnh con thuyền đã ăn sâu vào trí tưởng tượng của nhà đạo diễn mà suốt cả tuổi trẻ đã sống trên bờ biển mơ cánh buồm xây mộng phiêu lưu. Vì thế nên hình ảnh con thuyền đã rập rình ẩn hiện trong cả cuộn phim. Trong phần tự mộ không lời nói mà những hình ảnh về quãng đời quá khứ của Ô-ten-lô dồn dập như sóng theo tiếng nhạc của Kha-sa-tua-ri-ăng, hình ảnh con thuyền đã bắt đầu xuất hiện. Ô-ten-lô đứng trên tàu chỉ huy, Ô-ten-lô thay người cầm lái bị thương, Ô-ten-lô ôm cột buồm bơi thoát tay giặc. Cũng trong con thuyền là nơi Ô-ten-lô trốn tránh lúc bắt đầu nghi ngờ đau xót về tình duyên. Cũng vẫn hình ảnh con thuyền đã mang xác Ô-ten-lô và Đét-sđê-môn đi mãi.
Đề tài thứ hai trong cái tiết tấu của phân cảnh là chiếc khăn tay. Chiếc khăn tay tượng trưng cho trung thành và tình yêu trong đoạn đầu và đã là cái lý do cho chia rẽ ở đoạn sau. Cho nên cái khăn đã được đánh rơi, rồi cho tên phản phúc I-a-gô nhặt được và nghĩ tới cách dùng nó làm kế ly gián... và cuối cùng cái khăn nằm trong tay tuỳ tướng Cá-xi-ô có thể có chủ tâm chiếm đoạt tình yêu của Ô-ten-lô. Nhưng thiết tưởng theo ý đạo diễn thì con mắt vĩnh biệt nhìn cái khăn có nghĩa là đời nhiều giả dối mà chỉ một vật nhỏ bé cũng có thể đóng một vai trò quyết định nên nhiều bi thảm. Như thế thì không thể coi việc dùng cái khăn tay của Sét-spia là tự nhiên chủ nghĩa mà đó là một yếu tố cần thiết rất nhiều chất thơ của những nhà viết kịch lớn hay sử dụng.
Đề tài thứ ba trong Ô-ten-lô là những bàn tay. Bàn tay thường có tác dụng rất lớn trong việc biểu hiệu nhưng thường lại ít được chú ý sử dụng. Trong Ô-ten-lô hai bàn tay đen và trắng của người tướng da đen và Đét-sđê-môn thường xuất hiện cạnh nhau gợi nên mâu thuẫn nội tâm. Cái đau xót của Ô-ten-lô về màu da của mình, cái hờn oán trong bàn tay lên gân run run đó có phải là cái đau xót cái hờn oán của hàng chục triệu người da đen ở Mỹ hiện tại, có phải là cái phần hồn yêu nhân loại bình đẳng, không phân việt màu da chủng tộc cao cả của nhà đại thi hào Sét-spia từ trước đây hơn 3 thế kỷ? Rồi lúc đã ngờ vực, bàn tay người da đen ngập ngừng không dám mạnh dạn tin cẩn sờ vào tay người yêu nhiều như trước nữa. Y-a-gô cũng định cầm tay Ô-ten-lô, hòng giả vờ làm dịu lòng sôi nóng của anh nhưng anh đã rụt tay ra sợ hãi như đụng phải nọc rắn:
"Hãy lùi ra, mày đã đẩy tao cho đau xót giày vò" và cũng đôi bàn tay đó đã bóp cổ chết người yêu…
Đề tài thứ tư, năm, sáu là sự phối hợp giữa 3 màu đỏ rực, đen, trắng.
Thoát tiên là mầu đỏ rực lộng lẫy trong đêm tình yêu đầu ở đảo Síp mà Ô-ten-lô đã dùng áo ngoài khoác cho người Đét-sđê-môn. Cũng chiếc áo đó lúc Ô-ten-lô điên cuồng vì ngờ vực trong hầm tầu đã rải xuống sàn như một vũng máu. Và từ đó màu đỏ không ở Ô-ten-lô nữa mà chuyển qua tấm thảm giải giường của Đét-sđê-môn báo hiệu cái chết bi thảm của nàng.
Màu trắng thỉnh thoảng thêm tý vàng nhạt hay hồng, hay hơi xanh nhạt thường đi theo Đét-sđê-môn. Trong đoạn kết phần tự mộ Ô-ten-lô rực rỡ khoác tấm áo trắng kể đời mình đã làm nổi bật với Ô-ten-lô rách nát lúc bị tù đầy. Và đến đoạn cuối lúc Ô-ten-lô nằm chết cạnh người yêu thì màu trắng xám đã giao cảm với mầu hồng rực.
Màu đen của bộ trang phục Vê-nê-xi trên người Ô-ten-lô đã qua người Đét-sđê-môn trong bữa tiệc ở đảo Síp. Rồi màu đen đó lại quay trở về nếp áo của Ô-ten-lô trong cảnh tuyên thệ trên bờ biển với Y-a-gô.
Và 6 nét chính đó đã lẫn lộn phối hợp tinh vi, tiếng nhạc và lời nói, động tác và ánh sáng, màu sắc và hình ảnh, bộ phim hấp dẫn một cách ly kỳ rùng rợn, gieo vào đầu người xem giận hờn đau xót, hồi hộp lo lắng.
Qua mỗi khía cạnh nhỏ càng nổi bật lên lối đan lưới mâu thuẫn nội tại tài tình của tư tưởng Sét-spia, dưới bàn tay bộ óc thông minh phong phú của I-u-kê-vích. Từ một lối giới thiệu vào đầu rồn rập, những hình ảnh nhảy nối tiếp nhau như những làn sóng. Bôn-đa-súc trong vai Ô-ten-lô đã biểu hiện nghệ thuật rất giỏi, rất nhiều chuyển biến tâm lý tài tình trên nét mặt, bàn tay, bước đi. Có lẽ đạt nhất của Bôn-đa-súc là ở đoạn: lúc Ô-ten-lô giết người yêu rồi vẫn còn tin một phần đúng về mình, đang do dự thì vợ Y-a-gô tố giác âm mưu phá hoại của chồng. Từ một Ô-ten-lô còn chút dũng khí, Bôn-đa-súc đã vụt biến thành trước mắt khán giả một Ô-ten-lô tan nát con tim, tuyệt vọng, một ông già tóc bạc coi cõi đời không còn môt tý niềm tin.
Nói đến sự trung thành với tư tưởng và nhân vật Sét-spia, I-u-kê-vích đã rất cố gắng tôn trọng tác giả. Nói đến dàn cảnh bộ phim, I-u-kê-vích đã tỏ một lao động sáng tạo, một tìm tòi phi thường. Việc dựng nên những khung cảnh kiến trúc ở đảo Síp hồi đó những nhà cửa vườn hoa có đặc tính Hy Lạp nhưng dù sao vẫn trông rõ ảnh hưởng La Mã chứng minh việc nhà đạo diễn đã rất chịu nghiên cứu chọn đúng vị trí lịch sử địa dư của không gian thời gian. Nhiều cảnh rất sâu sắc, rất đẹp như cảnh giơ bàn tay thử thách giữa Ô-ten-lô với Đét-sđê-môn, cảnh Ô-ten-lô "lọt lưới", cảnh tuyên thệ, cảnh đặc tả khuôn mặt người da đen với đôi mắt ngơ ngác kinh hoàng, cảnh Ô-ten-lô ôm xác người yêu. Tiếng nhạc của Kha-sa-tua-ri-ăng nhất là trong phần đầu giới thiệu rất thống thiết nghe khi thành tiếng sóng, khi thành tiếng nấc nức nở, khi giận hờn cao vút lên, khi đau khổ âm thầm lắng xuống.
Nhưng cũng có những mặt bên cạnh tài hoa lỗi lạc đó đã không đạt được lắm. Khác với Óc-sơn Oen, có lẽ trong phần dàn cảnh tạo hình, I-u-kê-vích đã thiếu giản dị thanh thoát là đã cầu kỳ quá trong việc cấu tạo những khung cảnh đồ sộ vĩ đại làm những người xem có cảm giác nặng nề về vật liệu tạo hình quá. Suy nghĩ kỹ thì thấy cách biểu hiện của diễn viên, trình độ có thoát ra được ngoài khung cảnh tạo hình để bảo đảm việc thể hiện nội tâm không hay là vẫn chưa cân đối được. Nhìn kỹ thì trong số diễn viên như Bôn-đa-súc quả có tài nhưng cạnh đó các vai khác như I-a-gô, Đét-sđê-môn, vợ I-a-gô chưa làm chủ được nhân vật hay là còn non yếu. Tuy cái cầu kỳ của I-u-kê-vích ở đây vẫn là cái cầu kỳ gọt rũa của một sự sáng tạo nhiều tìm tòi tỷ mỷ, tinh vi, tài ba nhưng hơi thiếu giản dị thanh thoát, diễn viên lại có một số yếu nên vẫn có phần nặng lệch về bố cảnh. Và đây cũng là cảm giác của tôi đối với một số phim Liên Xô khác như Scăng đéc Béc… Nếu với nghệ thuật tạo hình đồ sộ đó, cộng thêm được cho cân đối tài năng của diễn viên cao hơn thì Ô-ten-lô còn đi xa hơn.
Điểm thứ hai là nhân vật Ô-ten-lô Sét-spia có nhiều dụng ý lớn (trên tôi đã nói) hơn, ông muốn nhiều hơn ở nhân vật của mình ngoài tấn kịch ghen tuông thường tình. Theo ý tôi hiểu tư tưởng và nhân vật Sét-spia trong Ô-ten-lô thì người tướng da đen này cần phải tỏ một phần nào có dũng khí, có cao thượng hơn dù rằng lúc quyết định giết Đét-sđê-môn là tư tưởng trả thù căm hờn những giả dối lường lọc của chế độ đương thời. Vì thế cho nên trừ đoàn tự mộ ra, suốt cả cuốn phim, người ta thấy một Ô-ten-lô hơi thấp kém, nhiều khi tôi muốn được nhìn một cảnh trong đó mắt Ô-ten-lô ngước nhìn trời cao rộng rãi bao la một tý, nhưng đã không có. Theo tôi thì như vậy, I-u-kê-vích đã hoàn toàn trung thành với Sét-spia chưa? I-u-kê-vích đã lột được cái lớn của một tâm hồn dù hành động lại là một cái nhỏ nhen chưa? Cái lớn của tâm hồn đó là lòng hờn oán căm thù cái ty tiện giả dối của chế độ đương thời. Vậy thì thể hiện Ô-ten-lô như thế, theo thiển ý của tôi, là thấp, chưa toát được cái phần người lớn trong Ô-ten-lô của tư tưởng nhân vật Sét-spia.
Có lẽ đẹp nhất đoạn vào đầu giới thiệu quãng đời phiêu lưu và cầu đạo của Ô-ten-lô lồng vào trong đoạn đọc tấu kể chuyện của anh. Nhưng cũng ở đoạn này chúng ta thấy I-u-kê-vích không đạt được phần tiểu sử phiêu lưu của Ô-ten-lô, một câu nói cuối của Ô-ten-lô trong kịch bản chứng minh việc này là cần thiết.
"Nàng đã yêu tôi vì những khó khăn nguy hiểm mà tôi đã trải qua.
Và tôi đã yêu nàng vì nàng cảm thông tôi qua quãng đời đó."
Dụng ý này của Sét-spia trong kịch bản khá rõ. Hơn nữa lại vì lẽ màn ảnh nên những số lời trong kịch bản nói càng được dựng lên bằng nghệ thuật tạo hình. Nhưng I-u-kê-vích đã bỏ qua.
Nhưng nói chung lại, ngoài một số điểm theo ý tôi là thiếu sót kể trên, thì Ô-ten-lô của I-u-kê-vích vẫn là một tác phẩm nghệ thuật lớn đã làm rạng rỡ nghệ thuật điện ảnh Liên Xô ở Can. Dù là cốt truyện Anh (suýt nữa Ô-ten-lô bị gạt ra ngoài “nửa tháng liên hoan phim Liên Xô” vì lẽ này), nhưng Ô-ten-lô đã nằm trong kho tàng văn học Xô-viết và thế giới. Nhân dân thủ đô, và các anh em văn nghệ sĩ vui mừng chào đón Ô-ten-lô, nhiệt liệt hoan nghênh đạo diễn I-u-kê-vích.
28-10-56
*
Nhân văn
Phản đối đế quốc Mỹ đem quân đội xâm nhậm miền Nam Việt Nam [6]
Ngày 26 tháng 10 vừa qua, Diệm tổ chức ở miền Nam ngày tết “Cộng hoà”. Nhân dịp này, Diệm mời các lực lượng quân sự của các nước thuộc khối quân sự Đông Nam Á như Anh, Pháp, Úc, Phi Luật Tân, Thái Lan, tham gia biểu diễn quân sự cùng quân đội của Diệm.
Mỹ huy động một tuần dương hạm có 2000 thủy thủ, thuộc hạm đội thứ 7 ở Thái Bình Dương, 1 hàng không mẫu hạm và 50 chiếc máy bay chiến đấu.
Úc gửi đến 1 diệt ngư lôi hạm và Anh 4 máy bay phản lực.
Chúng ta hết sức căm phẫn trước thái độ gây hấn của đế quốc Mỹ và một số nước trong khối xâm lược Đông Nam Á đã trắng trợn vi phạm những điều khoản của Hiệp định Genève.
Chúng ta cương quyết vạch mặt Ngô Đình Diệm, tên lừa bịp, “đội lốt đạo đức” mang chiêu bài “bảo vệ hoà bình và thống nhất”, trắng trợn mang tổ quốc bán đứng cho đế quốc Mỹ, định biến Việt Nam thành một bàn đạp quân sự, xô nhân dân vào một vòng chiến tranh.
Dựa vào lực lượng quân sự của phe đế quốc, Diệm định gây cho mình một thanh thế giả tạo, để củng cố địa vị độc tài, để trắng trợn phá hoại hoà bình, thống nhất, độc lập.
Vũ khí là một yếu tố để chiến thắng, nhưng vũ khí hoàn toàn không phải là một yếu tố quyết định sự chiến thắng.
Yếu tố quyết định sự chiến thắng, là con người, và lòng tin chính nghĩa của con người.
Ngô Đình Diệm thấy cái chế độ của hắn bị nhân dân phỉ nhổ, nên tổ chức cái lễ “mượn mầu son phấn lừa dân “đen”.
Nhưng chẳng ai mắc lừa Diệm.
Cái trò đội lốt hùm ấy đã cổ hủ lắm rồi, hơn nữa lốt hùm ấy lại là lốt hùm giấy.
Ai lại không biết, nhất là Diệm, Điện Biên Phủ, Triều Tiên v.v... đều có bàn tay bẩn thỉu và độc ác của đế quốc Mỹ nhúng vào?
Ngô đình Diệm định phô trương thanh thế để „tranh thủ“ miền Bắc chăng?
Diệm lầm. Chúng ta đều biết miền Bắc đương trải qua một cơn thử thách. Nhưng thương tích của Cải cách và chỉnh đốn tổ chức còn nhức nhối trên miền Bắc; nhưng chúng ta đương băng bó; sai lầm đang được sửa chữa, phong trào đấu tranh đòi mở rộng dân chủ đang trên thế mạnh, nhằm phát triển và củng cố bản chất tốt của chế độ, chống những tệ buôn lậu trong hàng ngũ cách mạng, khai thác triệt để khả năng của quần chúng để xây dựng đất nước.
Chưa bao giờ miền Bắc nhiều đau thương, nhưng lại nhiều triển vọng như bây giờ.
Thái độ xảo quyệt, lừa bịp của Diệm càng khơi dậy trong chúng ta lòng thiết tha thương yêu, bảo vệ đất nước, bảo vệ chế độ, nó càng thcs đẩy ý chí quyết tâm đả phá nhữung tệ lậu trong xã hội, mở rộng dân chủ, phê bình tự phê bình quyết tâm sửa chữa những sai lầm. Dân tộc ta đã dũng cảm trong những ngày chiến đấu vô cùng đau thương và gian khổ để bảo vệ Tổ quốc, dân tộc ta nhất định sẽ dũng cảm trong cuộc đấu tranh đau thương và gian khổ cho Hoà bình, Thống nhất. Hôm qua chúng ta đã anh hùng, hôm nay, ngày mai chúng ta cũng vẫn anh hùng.
Những thắng lợi ngày hôm qua bảo đảm cho những thắng lợi ngày hôm nay và ngày mai.
Không một vũ khí nào, không sức mạnh nào thắng nổi những con người như chúng ta, thắng nổi ý chí sắt đá của chúng ta bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hoà bình, bảo vệ tự do và dân chủ.
*
Trần Duy
Thành thật đấu tranh cho tự do dân chủ (kỳ 1) [7]
Hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam có nhận định ở miền Bắc chúng ta chưa thực hiện đầy đủ các quyền tự do dân chủ của nhân dân và đã thảo luận những biện pháp bổ khuyết cần thiết để đề nghị với Chính phủ và Quốc hội.
Chúng ta hoan nghênh những nhận định ấy, và hy vọng những biện pháp bổ khuyết cần thiết trên sẽ mang lại cho báo chí văn nghệ đời sống miền Bắc một luồng gió mới... luồng gió tự do dân chủ (...). Vi phạm tự do dân chủ nhất định không phải là một hành động thích hợp với chế độ.
Việc vi phạm ấy từ lâu vẫn có, tất nhiên không phải vì chính sách của Đảng và Chính phủ, nhưng dù sao Đảng và Chính phủ cũng chịu trách nhiệm trong việc thiếu sót và hạn chế tự do dân chủ ấy.
Chúng ta đòi quyền tự do dân chủ, có nghĩa là chúng ta đấu tranh để được làm tai mắt cho Đảng và Chính phủ, giúp Đảng và Chính phủ sửa chữa khuyết điểm sai lầm để bảo vệ và xây dựng chế độ.
Báo Nhân văn đấu tranh cho tự do dân chủ, cũng không ngoài ý muốn nào khác là tự nguyện làm một tên lính tiên phong cùng Đảng và nhân dân chiến đấu cho một mục đích chung.
Nhưng từ ngày Nhân văn ra đời cho đến nay, nó đã phải trải qua những thử thách, nó bị làm khó dễ nếu không nói là phá hoại.
Những hành động phá hoại ấy tuy riêng lẻ, không có một chủ trương nào dứt khoát, nhưng nó thành hệ thống, liên lạc, chứng tỏ rằng nó có chịu một sự chỉ huy.
Những sự việc ấy đều đã xẩy ra trước bản thông cáo của Hội nghị lần thứ 10. Những sai lầm ấy cần được sửa chữa. Hôm nay, chúng tôi (...) những việc làm không tốt đẹp ấy, để thanh toán dứt khoát, hy vọng thành thật tìm hiểu nhau hơn trong việc đấu tranh mở rộng tự do dân chủ.
Đồng chí Nguyễn Duy Trinh thay mặt Trung ương trong một cuộc hội nghị báo chí có nói: “Bản chất chế độ ta là tuyệt đối tốt. Những sai lầm tạm thời nhất định chúng ta khắc phục được”. Lời tuyên bố của đồng chí Trinh nói lên ý chí kiến quyết của Đảng muốn chấm dứt tình trạng sai lầm trước, sai lầm về nhiều mặt, trong đó có sai lầm nghiệm trọng về (...), một vấn đề mà Nhân văn đang đề cập đến và đấu tranh kiên quyết để được thực hiện.
Đấu tranh cho tự do dân chủ là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ, vì nó là một cuộc tấn công quyết liệt vào những tệ lậu hủ bại của xã hội.
Nó sẽ bị những phần tử tệ lậu và hủ bại hiện đương còn quyền hành và thế lực cản trở, xuyên tạc, phá hoại có khi cả bằng những phương pháp đen tối, độc ác. Đấu tranh cho tự do dân chủ không bao giờ chỉ là một công việc có tính chất thuần tuý hành chính. Nó phải có một tính chất quần chúng rộng rãi. Quần chúng phải là “Bao công” có quyền thực sự kiểm soát mọi công việc của Nhà nước, của cán bộ. Chúng ta cần phải tích cực ủng hộ và giúp đỡ Trung ương Đảng để đẩy mạnh việc mở rộng tự do dân chủ đề ra trong nghị quyết. Vì thế hôm nay, Nhân văn sẽ cùng các bạn kiểm điểm lại một số việc đã qua, để cùng nhau có một nhận định và cùng nhau quyết tâm hơn bước vào xây dựng giai đoạn mới.
Báo Nhân văn ra đời trong những hoàn cảnh đặc biệt. Động cơ nào đã thúc đẩy anh em văn nghệ và trí thức ra tờ báo Nhân văn? Nó được ra đời như thế nào? Và nó đã bị đối xử như thế nào?
Trong những ngày Hội Văn nghệ tổ chức lớp học tập lý luận, đa số anh em xem lớp học này chỉ là một lớp học chiếu lệ, nêu lên thắc mắc để được giải đáp, đánh thông, uốn nắn lại một vài sai lệch về sinh hoạt và lập trường để rồi đâu lại vào đấy, lãnh đạo vẫn lại bước theo những vệt lằn cũ của con đuờng nó đã từng đi trong mười năm nay. Vì thế cho nên mở đầu lớp học, đa số anh em tỏ ra thái độ tiêu cực, không phát biểu ý kiến... thái độ (...) Nhưng trong thời gian (...) lúc đề cập đến vấn đề (...) đường lối văn nghệ (....) thấy rõ nhiệm vụ đấu tranh cùng nhân dân củng cố chế độ và Tổ quốc.
Tiêu cực, làm ngơ, thở dài bi quan trong lúc này là một tội lớn đối với lịch sử đối với sự nghiệp đấu tranh của dân tộc. Sống trong một xã hội mà sự tự do đã chính thức được ghi lên giấy trắng mực đen trong Tuyên ngôn Độc lập, trên Hiến pháp, sao tự do vẫn còn bị vi phạm trắng trợn ở trên địa hạt tư tưởng, trí thức, và cả trên sinh mệnh xương thịt của con người?
Chúng ta tin ở đường lối chủ nghĩa Mác-Lênin, tuyệt đối tin ở chủ nghĩa cộng sản, một chủ nghĩa đẹp nhất của nhân loại, trẻ nhất của lịch sử con người, mới nhất, tại sao chúng ta vẫn còn già nua, còm cõi, sống còng lưng dưới những nặng nề của công thức, tại sao vẫn còn nhai đi nhai lại gò gập cuộc sống theo những nếp đời đã cũ mọt. Ai ngăn cản cuộc đời trỗi dậy? Vì Đảng ư? Vì cán bộ ư? Chính sách đúng hay sai?
Những yêu cầu chính đáng cần được đưa ra ánh sáng để Đảng thấy rõ, để quần chúng tham gia giải quyết.
Do đó anh em chủ trương ra một tờ báo.
Báo Nhân văn ra đời tự nguyện làm một trong những tên lính tiền phong, tích cực cùng nhân dân và Đảng, chiến đấu chống những sai lầm lệch lạc, những hủ bại trong tác phong lãnh đạo đã vi phạm đến những nguyên tắc căn bản xây dựng Đảng, xây dựng chế độ.
Cho nên khi anh em lấy tên cho tờ báo là Nhân văn là do một lòng nhiệt tình đối với chủ nghĩa đối với con người của chế độ. Vì chúng ta cùng thấy rằng không còn gì cao quý hơn và đẹp đẽ hơn là thực hiện cho kỳ được chủ nghĩa nhân văn trong đời sống con người.
Anh em nghèo, vốn không có, góp tiền với nhau để ra tờ báo. Chật vật lắm tờ báo mới được ra đời. Vừa ra đời thì những danh từ “phản ứng giai cấp”, “tư sản lợi dụng”, “tiếng nói của tư sản”, “Đế quốc bắc cầu” đã chụp lên đầu anh em những chiếc mũ nguy hại.
Trong thời gian tiến hành in báo Nhân văn, vụ điển hình về phá hoại là vụ Hoàng Đạo.
Hoàng Đạo là ai? Theo lời y tự giới thiệu với một số bạn, thì y trước là một cán bộ công an, hiện nay là cán bộ công nghiệp, làm giám đốc một xí nghiệp lớn được đặc phái phụ trách theo dõi và chống phá Nhân văn.
(Kỳ sau đăng tiếp)
*
Quảng cáo [8]
Đón đọc loại sách Đất mới, tập I: “Chuyện sinh viên”, Minh Đức xuất bản
Tìm đọc Sáng tạo, báo điện ảnh và sân khấu
*
Tranh châm biếm [9] vẽ ba người giống hệt nhau, tay đều cầm phích nước và vải hoa, với dòng ghi: "Đây không phải anh em đẻ sinh ba. Mà chỉ là ba người cùng đi lĩnh séc vào một ngày hết hạn séc và Mậu dịch cũng cạn hàng".
*
Quảng cáo
Để ủng hộ báo Nhân văn [10]
Để ủng hộ báo Nhân văn một cách thiết thực, các bạn hãy:
1. Đến trụ sở hoặc viết thư có kèm bưu phiếu mua báo dài hạn (từ 10 số trở lên, mỗi số 300 đ)
2. Chuyển báo cho những người thân, người quen đọc, đồng thời cổ động họ mua báo dài hạn.
*
Thông báo
Tại sao Nhân văn ra chậm và vẫn phải bán 300 đ?
Kỳ này Nhân văn in 12.000 số mà vẫn chỉ được Sở Báo chí và Mậu dịch Trung ương cung cấp giấy đủ in 2.000 số tuy chúng tôi đã nhiều lần xin thêm.
Vì lẽ trên, chúng tôi phải tìm mua giấy ngoài thị trường rất khó khăn, nên báo ra chậm và vẫn phải bán 300 đ.
*
Đính chính
Câu cuối cùng của bài “Nỗ lực phát triển tự do dân chủ”, Nhân văn số 3 yêu cầu đọc như sau:
“Chúng ta sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lenin đã gột rửa những nét xấu của đời Sta-lin, với nội dung chân chính xây dựng trên kinh nghiệm kiến thiết chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô và thắng lợi của chủ nghĩa xã hội trên thế giới, trong ấy nhiệm vụ của vô sản chuyên chính là phát triển tự do cá nhân.”
(Những chữ in ngả là những chữ thiếu trong bản in trước).
*
L. H.
Địa ngục miền Nam [11]
Khách đi đường từ Sài Gòn đến Tây Ninh, không thể không chú ý đến tấm bảng lớn, phủ một nước sơn hào nhoáng, với dòng chữ to tướng: “Nhà nuôi trẻ mồ côi”. Chà! Nhân đức quá. Các bạn cứ đi thẳng về phía sau tấm bảng ấy vào một con đường nhỏ sẽ thấy một dãy nhà ẩm thấp, mái lợp tôn. Đấy là cái cô nhi viện Chí Hoà mà đài phát thanh Sài Gòn đã không ngớt lời ca tụng là nơi thiên đường hạ giới.
Tôi đến cô nhi viện Chí Hoà vào một chiều mưa rả rích…
Một em bé độ 2 tuổi đưa bàn tay nhỏ nhắn cho tôi và hai đứa khác bắt chước bạn cũng đưa theo. Đó là ba đứa trẻ lớn nhất trong cô nhi viện. Trong ba bàn tay bé tí ấy có một bàn tay nhầy nhụa vì ghẻ lở gớm ghiếc, nhưng tôi vẫn nắm lấy cho vui một tâm hồn, dẫu là một tâm hồn còn khờ dại…
Những tiếng khóc ré lên, âm cao lẫn thấp như hoà một bản nhạc tức tưởi đón chào người khách lạ. Tôi khoát mùng nhìn tận mặt những trẻ nhỏ.
Chúng nằm chung nhau, cứ ba em một giường, bề dài độ một thước và rộng không hơn năm tấc.
Tôi đã trông thấy những làn da xám ngắt như màu trời lạnh, những thân hình gầy còm khô héo như cây tàn giữa mùa đông, những đôi mắt lờ đờ như cạn nguồn sinh lực…
Hai phần ba trong số chúng đều nằm thiêm thiếp. Tôi có cảm tưởng đen tối rằng các em xấu số ấy khó mà lớn khôn được với đời!
Các dì phước cho biết áo quần các em không đủ mặc, tã của các em cũng không đủ thay đổi nên đành phải chịu ở bẩn. Giường màn không đủ nên các em phải nằm chung ba em vào một chỗ.
Nguy hiểm nhất là những khi trái gió trở giời, có em ốm đau, sài đẹn, lẽ ra phải rời các em bệnh hoạn đi nơi khác, nhưng chỗ đâu mà dời bây giờ? Do đó bệnh một em thì lây thành năm, bảy, có khi lại một đôi mươi. Một em chết thì lại lôi kéo nhiều em khác. Có hôm sáu, bảy em cùng rủ nhau về thiên đàng một lượt! Từ ngày ra đời (1-12-1955) đến nay cô nhi viện Chí Hoà đã tiếp nhận 270 em nhưng đến nay đã có 189 em về nơi cõi Chúa!
Những em còn lại, lúc này nuôi nấng rất khó khăn. Vì khan sữa nên có ngày các em phải uống nước cháo pha đường. Lại gặp các năm khan đường, các em đành phải ăn nhạt!
… Trời vẫn còn mưa lác đác, tôi từ biệt cô nhi viện quay về mà trí óc vẫn còn nhớ đến những làn da xám ngắt như mầu trời mưa lạnh, những thân hình gầy còm khô héo như cây tàn giữa mùa đông, những đôi mắt lờ đờ như cạn nguồn sinh lực… tôi vẫn còn cảm tưởng đen tối rằng các em xấy số ấy khó mà lớn khôn được với đời!
Và không phải chỉ ở cô nhi viện Chí Hoà mà còn nhiều cô nhi viện khác rải rác khắp đô thành như ở Chợ Lớn, Hoà Hưng, Gò Vấp, Phú Nhuận, Chợ Thái Bình v.v… Các nơi đều đang cùng hô vang lên tiếng kêu “cấp cứu”!
Trên đây mới chỉ là một phần sự thật của những cái gọi là “thiên đường” và “công trình nhân tạo” mà Ngô Đình Diệm đang cố công sơn phết lên cái chế độ “cộng hoà” kiểu Mỹ của hắn ở miền Nam.
*
Tử Phác
Tiếng nói của tâm hồn và trái tim [12]
Các nhạc sĩ Hung-ga-ri đến thăm đất nước chúng ta trong một thời gian ngắn và chỉ tới có ít người với một dàn nhạc “nho nhỏ”.
Ngoài đồng chí phụ trách chính trị, đoàn chỉ có 1 violon chính, kiêm chỉ huy dàn nhạc, 2 violon phụ, 1 clarinette, 1 cymbalum, 1 violon alto và 1 contre basse. Ngoài ra còn có một nghệ sĩ hát giọng nam trầm và một nữ nghệ sĩ hát giọng nữ cao. Từ ngày hoà bình trở lại đất nước chúng ta, nhiều đoàn nghệ thuật đã đến thăm chúng ta, nhưng lần này là lần đầu tiên chúng ta đón tiếp một đoàn nghệ sĩ nhỏ về số người nhưng rất không nhỏ về trình độ nghệ thuật, lần đầu tiên chúng ta được thưởng thức một chương trình toàn ca nhạc mà vẫn thấy mình bị hấp dẫn suốt từ đầu đến cuối cuộc biểu diễn.
Chân thành cám ơn các bạn nhạc sĩ Hung-ga-ri, nghệ sĩ đầy nhiệt tình và hoàn toàn đáng yêu từ con người đến nghệ thuật, đã giới thiệu với chúng ta một số hình thức độc đáo của nghệ thuật âm nhạc dân tộc Hung-ga-ri và một vài đặc điểm của tâm hồn con người Hung-ga-ri.
Buổi gặp gỡ đầu tiên giữa giới nhạc sĩ ta với các bạn nhạc sĩ Hung-ga-ri. Nước đá, quạt trần cũng không đủ cho các bạn chúng ta bớt đỏ mặt và thở dốc vì cái tiết trời không dung người của đất nước chúng ta. Bài diễn văn long trọng và dai dẳng của nhạc sĩ đại diện của ngành Nhạc, Hội Văn nghệ như về hùa với cái nóng bức. Nghệ sĩ hát giọng nam trầm thỉnh thoảng lại uồm uồm thử giọng xem có bị hao tổn gì không. Nhạc trưởng Sandor Jaroka đứng lên đáp từ: “Chúng tôi xin nói với các bạn bằng thứ tiếng nói của tâm hồn và trái tim chúng tôi, chắc rằng các bạn sẽ hiểu chúng tôi. Chúng tôi cũng mong được nghe các bạn nói bằng thứ tiếng nói của tầm hồn và trái tim của các bạn, chúng tôi tin rằng chúng tôi sẽ hiểu các bạn ngay”.
Nói rồi làm ngay. Cuộc biểu diễn thân mật “trong nhà” bắt đầu luôn. Cây violon cua Sandor Jaroka làm mưa làm gió trong dàn nhạc, trong không gian và trong lòng mỗi người chúng ta. Những công thức của thủ tục ngoại giao không còn nữa, những ám ảnh về thời tiết không còn nữa, những cách bức trong ngôn ngữ không còn nữa. Sandor Jaroka lim dim đôi mắt, áp hẳn má xuống cây đàn, nỉ non giai điệu của bài “Poème hongros”. Minh Đỗ, sau phút bỡ ngỡ đầu tiên, đã nhận ra giai điệu quen thuộc với mình, mấp máy môi muốn hát. Cây đàn của Sandor Jaroka đã kề bên, đỡ giọng cho Minh Đỗ nói thay cho chúng ta những lời nói “của tâm hồn và trái tim” không cần phải phiên dịch.
Nghe ban nhạc Sandor Jaroka, anh em nhạc sĩ ta cũng như các bạn yêu nhạc đều thấy say mê, khâm phục. Có người nói: dân ca Hung-ga-ri đã phát triển cao quá rồi! Có người nói: biết âm nhạc Di-gan đã lâu mà nay mới được nghe những nhạc sĩ Di-gan chính cống chơi! Tôi muốn nói một chút về âm nhạc dân tộc Hung-ga-ri, gọi là mấy lời cám ơn và tiễn đưa những nhạc sĩ Hung-ga-ri đầy nhiệt tình và hoàn toàn đáng yêu từ con người đến nghệ thuật, vừa từ biệt chúng ta xong.
Âm nhạc Hung-ga-ri là một nền âm nhạc rất phát triển, đã qua thời kỳ cổ điển với Erkel và Liszt vào thế kỷ 19, thời kỳ cận đại với Bartok và Kodaly vào đầu thế kỷ 20, tạo thành trường phái âm nhạc Hung-ga-ri nổi tiếng khắp thế giới và đóng góp không nhỏ vào kho tàng âm nhạc chung của nhân loại.
Hai nền âm nhạc cổ điển và cận đại đó bắt nguồn một cách có ý thức và có hệ thống từ âm nhạc dân tộc của Hung-ga-ri. Ban nhạc Sandor Jaroka đã giới thiệu với chúng ta đặc điểm của nền âm nhạc dân tộc Hung-ga-ri. Âm nhạc dân tộc Hung-ga-ri có hai luồng:
1. Luồng dân ca Hung-ga-ri, có tính cách Á đông; dùng gam 5 cung (son, si b, đô, rê, fa); giai điệu thường đi từ cao xuống trầm; kiến trúc minh bạch, vừa khoẻ, vừa buồn buồn; diễn tả tâm tình của người nông dân Hung-ga-ri quen sống ở những vùng đồng cỏ khô bát ngát với cuộc đời du mục, lang thang vừa buồn tẻ nhưng cũng đầy phiêu lưu, hiếu động; tâm tình đó biểu hiện hiện ra trong âm nhạc thành những tốc độ nhanh và chậm, trầm mặc và bồng bột xen kẽ, nối tiếp nhau.
2. Luồng nhạc Di–gan (Tzigane)
Người Di-gan là một giống người sống giang hồ, không có tổ quốc và không có quê hương nhất định. Họ sống rải rác khắp châu Âu; ở Đức, ở Ý, ở Anh, ở Y-pha-nho,ở Hung-ga-ri, Bun-ga-ri, Ru-ma-ni… đều có người Di-gan ở. Người Di-gan bắt đầu với vùng đất Hung-ga-ri vào khoảng thế kỷ 15 và tới thế kỷ 18 thì đặc điểm âm nhạc Di-gan đã rất phổ biến trong nhân dân Hung-ga-ri. Đặc điểm đó là: đoạn đầu thường chậm, đoạn sau mỗi lúc một nhanh thêm, hay dùng quãng 4 tăng, âm giai giản dị chứ không hay chuyển, nhạc đề láy lại chứ ít phát triển xa, sính dùng những nét rải và những nét tô điểm đặc biệt theo kiểu riêng của âm nhạc Di-gan, lấy violon làm nhạc cụ chủ yếu, có đàn trầm và cymbalum phụ hoạ.
Trong lịch sử âm nhạc không thấy nói đến những nhà soạn nhạc Di-gan. Nhạc sĩ Di-gan thường chỉ là những nhạc sĩ biểu diễn kỳ tài. Nhưng nghệ thuật Di-ga lại có đặc điểm vừa lãng mạn lại vừa say đắm, vừa lả lướt lại vừa sôi nổi, vừa trầm lặng lại vừa ồn ã. Nhạc sĩ Di-gan lại có biệt tài tuỳ hứng sáng tạo. Cho nên sống ở đâu, nhạc sĩ Di-gan cũng sử dụng dân ca ở đấy mà Di-gan hoá đi, cũng từ chỗ đệm đàn cho dân ca bài dân vũ của địa phương mà dần dần phát triển dân ca thành âm nhạc thực sự. Đặc điểm của âm nhạc Di-gan xuất hiện ở từng bộ phận của âm nhạc dân tộc nhiều nước châu Âu chứ không đi tới hình thành một nền âm nhạc Di-gan riêng biệt.
Riêng ở hoàn cảnh Hung-ga-ri, đặc điểm hay dùng quãng 4 tăng của âm nhạc Di-gan đã thâm nhập vào đặc điểm 4 cung của âm nhạc dân tộc Hung-ga-ri mà tạo thành một thứ gam Di-gan dùng độ 4 hoá. Vào thế kỷ mười tám, nhạc sĩ Di-gan Bihari ở Hung-ga-ri đã tạo ra một loại nhạc vũ rất đặc biệt, nét nhạc say đắm, nồng nàn; nhịp điệu rồn rập như gót giầy người kỵ mã lên đường, gọi là lối nhảy Verbunkoche. Bihari nổi tiếng khắp thế giới và hình thức vũ nhạc Verbunkoche không những được toàn dân Hung-ga-ri hoan nghênh mà các nhạc sĩ thiên tài thời đó ở Âu châu như Liszt, Haydn, Beethoven, Schubert cũng đều ca tụng.
Erkel và Liszt, hai nhạc sĩ cổ điển của âm nhạc Hung-ga-ri vào thế kỷ 19, đã khai thác đặc điểm của vũ nhạc Verbunkoche đó. Erkel soạn nhạc kịch và âm nhạc đại hợp tấu đã kết hợp với đặc điểm của nghệ thuật Di-gan với kỹ thuật âm nhạc mới. Liszt soạn 20 bản nhạc Rhapsodies hongroises cũng đã sử dụng các giai điệu của dân ca Hung-ga-ri đã Di-gan hoá rồi và đem kết hợp với kỹ thuật mới của dương cầm.
Nhưng tới thế kỷ 20, hai nhạc sĩ cận đại của âm nhạc Hung-ga-ri là Bartok và Kodaly lại tìm nguồn sáng tạo theo một quan điệm khác hẳn. Quan niệm này cho rằng một khi dân ca đã được nghệ thuật Di-gan tô điểm cho rồi thì dân ca không còn là dân ca nữa, mà đã trở thành một thứ âm nhạc phát triển tới một trình độ nhất định nào đó rồi. Âm nhạc mới không thể dựa vào đấy được mà phải đi sâu trở về với nguồn gốc trong trẻo của mọi thứ âm nhạc: tức là dân ca nguyên thủy của nông dân Hung-ga-ri không bị đặc điểm gì hạn chế, không bị công thức gì gò bó, dân ca nguyên thuỷ mới chứa đựng nguyên chất tinh thần âm nhạc dân tộc làm chất liệu tinh khiết cho nhà soạn nhạc xây dựng tác phẩm mới.
Tôi thiết tưởng, nhân dịp các bạn nhạc sĩ Hung-ga-ri sang thăm và biểu diễn ở nước ta, việc ôn lại mấy nét lớn về lịch sử âm nhạc Hung-ga-ri (tuy sơ lược những cốt đừng mắc vào công thức ngoại giao chiếu lệ hoặc chỉ ca tụng chung chung về nghệ thuật) nhất định sẽ làm giới âm nhạc chúng ta học được kinh nghiệm đó, nhìn lại vốn cũ của âm nhạc dân tộc ta một cách có phê phán và sáng tạo để góp phần xây dựng nền âm nhạc dân tộc hiện đại một cách có ý thức, có khuynh hướng, có trường môn nhất định.
Sandor Jaroka và các nhạc sĩ Hung-ga-ri đã xa chúng ta rồi. Khi viết những dòng này, tôi còn như nghe thấy các bạn tôi bảo qua tiếng đàn, giọng hát và tác phong của các bạn rằng: người nghệ sĩ hãy làm công việc nghệ thuật đi, hãy đem “tâm hồn và trái tim” ra công hiến cho nhân dân, đừng có rắp tâm đi trên con đường nghệ thuật bằng những biện pháp nào khác!
10-1956
--------------------------------------------------------------------------------
[1]Trang 1, vị trí xã luận, trên cùng, góc bên trái, in nghiêng, lồng kkung, xem tiếp ở trang 5 (các chú thích trong bài đều của talawas)
[2]Trang 1, vị trí bài cái, xem tiếp ở trang 6
[3]Chúng tôi nói “mập mờ lấy danh nghĩa cơ quan” vì nếu dứt khoát lấy danh nghĩa cá nhân thì rất vô lý: cá nhân Nguyễn Văn Tố làm gì có quyền cấp giấy ban ơn? (chú thích trong nguyên bản của Nhân văn số 4)
[4]Trang 1
[5]Trang 1, kèm hai hình trong phim, xem tiếp ở trang 6
[6]Trang 1, xem tiếp ở trang 5
[7]Trang 2
[8]Trang 2, trong khung nhỏ
[9]Trang 2, góc trên cùng bên phải, không đề tên tác giả
[10]Trang 2
[11]Trang 2
[12]Trang 2
No comments:
Post a Comment