Wednesday, January 28, 2009

THẢO LUẬN THƠ VIỆT BẮC VIII

==


24. Lê Ðạt



Nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày Mai-a-kốp-ski tạ thế: Học tập Mai-a-kốp-ski (Maiakovski), phát huy sức sống mới của thi ca Việt Nam Mai-a-cốp-xki (Maiakovski) mất ngày 14-4-1930. Từ đó đến nay, hai mươi nhăm năm đã qua. Nhưng tiếng nói của Mai-a vẫn bao trùm thời đại, nóng hổi như một điệu kèn xuất trận, thúc giục chúng ta tiến lên phấn đấu cho chủ nghĩa xã hội. Trong cái rung chuyển long trời lở đất của Cách mạng Tháng Mười, thơ Mai-a xuất hiện như một cơn động đất làm vụn nát những quan niệm tư sản cũ kỹ còn nặng nề trong thi ca Liên Xô hồi đầu. Tôi chưa đọc được hết Mai-a. Những bài thơ Mai-a tôi đã đọc, tôi chưa dám chắc đã hiểu được hết. Ai mà hiểu hết được thiên tài? Nhưng, là một người mới làm thơ và đang cố gắng tìm tòi về thơ cách mạng, tôi mạnh bạo trình bày với các bạn một vài bài học lớn nhất của Mai-a để chúng ta cùng nhau suy nghĩ. Mong rằng sẽ có nhiều bạn nghiên cứu Mai-a và sẽ giới thiệu Mai-a, "nhà thi sĩ hay nhất, lớn nhất của thời đại Xô Viết" (Sta-lin) với nhân dân Việt Nam một cách đầy đủ hơn.



Làm thơ là một việc sản xuất đúng yêu cầu của xã hội: Bài học thứ nhất Mai-a dạy chúng ta là thái độ nhà thơ trước thời đại, là quan niệm về nghề nghiệp về trách nhiệm của ngòi bút đối với cách mạng, đối với nhân dân. Nhà thơ không phải là một người vô công rồi nghề, mơ mộng đi bên cạnh cuộc chiến đấu. Nhưng nhà thơ cũng không phải là phấn, sáp, hoa, tô điểm cho cách mạng. Nhà thơ là một người chiến đấu, đại diện cho giai cấp, xây dựng cách mạng bằng cách đem những tư tưởng, tình cảm tiến bộ cấy vào tâm hồn quần chúng. “Nhà văn cách mạng không phải là một kẻ phi giai cấp làm những bài thơ phất phơ vô ích mà bụi bậm bám đầy trên những giá để sách. Nhà văn cách mạng là một người tham gia vào công việc hằng ngày của mọi người để xây dựng chủ nghĩa xã hội” [1] Người công nhân xây dựng xã hội bằng máy móc, người bộ đội bảo vệ cách mạng bằng xương máu, người thợ cũng phải xây dựng xã hội, bảo vệ cách mạng bằng thơ của mình. "Tôi muốn
Ngòi bút
Sắc bén như lưỡi lêTôi muốn
Sta-lin
Báo cáo lại Bộ Chính trị
Về đúc gangVà về công việc của người
thi sĩ"Một bài thơ là một công tác cách mạng. Chỉ làm thơ "khi nào trong xã hội có một vấn đề mà không có cách nào giải quyết ngoài cách giải quyết bằng thơ". Nhà thơ phải đáp ứng yêu cầu của xã hội, đem tất cả sáng tác của mình "phục vụ quyền lợi của giai cấp vô sản". Một nhà thơ không thể tách rời quyền lợi của giai cấp. Làm thơ "phải có một sự đòi hỏi chính xác hay nói cho đúng hơn, một sự cảm thông về những đòi hỏi của giai cấp, về một vấn đề nhất định, hướng bài thơ về một mục đích chắc chắn".




Thơ không phải là một chuyện chung chung, không thể xuất phát từ ý muốn chủ quan của tác giả, mà phải xuất phát từ nhu cầu của xã hội. Thơ là "một kỹ nghệ đặc biệt" nhưng cũng là một thứ kỹ nghệ. Không nhà máy nào sản xuất lung tung, nhà thơ cũng thế. "Theo ý tôi thì bài thơ hay nhất phải là bài viết đáp ứng cho sự đòi hỏi của xã hội mà Quốc tế Cộng sản đã đề ra, viết cho sự thắng lợi của giai cấp vô sản, bằng những chữ dùng mới, có hiệu lực và dễ hiểu, được đẻ ra trong lúc cần thiết và gửi đến toà soạn bằng máy bay tốc hành". Có thể nói không một chuyển biến sâu xa nào của thời đại mà thơ Mai-a không đề cập đến. Mai-a chăm chú quan sát, suy nghĩ về từng phát hiện mới của cuộc đời. Thơ Mai-a nẩy nở cùng với thực tế. Mai-a rất khinh lối thơ "tâm tình chủ nghĩa" xuýt xoa, và lên án lối thơ "tán gái". "Cứ thấy cái món trữ tình rồ dại ấy là tôi phì cười, vì làm nó dễ quá. Nhưng nó chẳng được ai chú ý cả, trừ vợ người viết". Mai-a cho nhà thơ phải là một cán bộ vận động quần chúng, dùng nhiệt tình, dùng thơ của mình thúc đẩy quần chúng chiến đấu. Thơ không phải là một chuyện ngâm nga trong phòng, thơ phải là một bài hịch phấn đấu cho chủ nghĩa xã hội. Trong một bài nghiên cứu về Mai-a, Si-mô-nốp sau khi công kích vị trí nhỏ bé một cách rất vô lý mà mọi người dành cho thơ trong các tờ báo, viết: "Trong nhiều trường hợp chúng ta in thơ trong báo có tính chất trang trí, phụ họa vào những bài chính hay những bài diễn văn, thường thường là vào dịp hội hè. Theo truyền thống Mai-a, thơ không phải như thế. Thơ Mai-a không dùng để tô điểm cho những bài chính; nó thay thế những bài đó; nó không bình luận những diễn văn: bản thân nó là những bài diễn văn về những vấn đề xã hội chính yếu nhất". Ở Việt Nam bao giờ chúng ta mới có những bài thơ thay thế cho những bài xã luận, những bài thơ trực tiếp giải quyết những vấn đề gay go của thực tế? Bao giờ mới có những bài thơ thoát khỏi những rung cảm tủn mủn của những con người tầm thường nhắm nháp cuộc đời như nhắm rượu? Dũng cảm tấn công đế quốc và những tàn tích cũ trong hàng ngũ cách mạng Bài học thứ hai Mai-a dạy chúng ta là bài học về lập trường giai cấp trong thơ. Nói đến thơ cách mạng mà không nói đến giai cấp và Ðảng của giai cấp thì chỉ là một cách nói vu vơ trên trời. "Tất cả sức mãnh liệt của nhà thơ Tôi cống hiến
Cho giai cấp đang tấn công........... Ðảng
Là xương sống của giai cấpÐảng
Là sự bất tử của chủ nghĩa Bộ óc của giai cấp Quyền lợi của giai cấp Lực lượng của giai cấp Vinh quang của giai cấp"Với Mai-a cá nhân nhà thơ với xã hội không còn cách biệt, đối lập, vì tình cảm Mai-a hoàn toàn phù hợp với tình cảm của cách mạng. Không còn có thơ chính trị và thơ trữ tình. Thơ Mai-a là thơ trữ tình chính trị. Ngày 7-11-1917 khi chiến hạm Bình Minh báo hiệu giờ bình minh của nhân loại, Mai-a say sưa gọi Cách mạng Tháng Mười là "cách mạng của tôi", say sưa đem tất cả trí tuệ, tình cảm của mình hiến cho cách mạng vì "Ngoài chủ nghĩa cộng sản
Không thể có tình yêu"Niềm vui của Mai-a lớn lên theo cách mạng, theo nhịp kiến thiết vĩ đại của kế hoạch Sta-lin. Mai-a với cách mạng là một. Nhìn những tập thơ của mình bày trong tủ kính, Mai-a hớn hở: “Tôi hài lòng
Ðấy là lao động riêng tôiGóp vào
Lao động
Nước Cộng hoà Xô viết”Mai-a viết tiếp: "Tôi thấy tôi như một chiếc máy xô-viết




Chế tạo ra hạnh phúc"Cách mạng không bóp chết cá nhân. Trái lại tất cả thơ của Mai-a là một bài thơ trữ tình nồng nhiệt "nói về thời đại và nói về mình". Cá tính giai cấp của nhà thơ càng mạnh thì nhà thơ càng phản ánh thời đại một cách đầy đủ. Cho nên dấu mình đi không dám nói đến mình, nhiều khi chỉ chứng tỏ một sự nghèo nàn, yếu đuối của tâm hồn. Nhưng thiết tha ca ngợi chế độ không, không đủ. Tha thiết phải đi đôi với căm thù: "Tim tôi bỗng trở nên vĩ đại
Yêu vĩ đại Căm thù vĩ đại"Thơ Mai-a là một tấn công không ngừng vào kẻ địch bên ngoài và những cái hủ bại của xã hội cũ còn rớt lại bên trong. "Nói với bọn phát-xít lời nói của lửa cháy Chĩa vào mặt chúng những chữ đạn Những lời chửi nhọn như lưỡi lê" Với con mắt sáng suốt của một nhà thơ vô sản hun đúc trong lòng căm thù của giai cấp, Mai-a đã nhìn thấy từ năm 1926: "Nước Mỹ sẽ trở nên kẻ chiến đấu cuối cùng cho bọn tư bản hấp hối bị lịch sử lên án".


Sau khi nêu lên hình ảnh tàn phá của chiến tranh do bọn "đầu tròn hơn cái đĩa cao lâu, những con lợn béo quái gở" gây ra, Mai-a lớn tiếng vạch rõ bộ mặt tàn nhẫn của bọn tư bản đế quốc Mỹ phì nộn, hể hả trên đống xương máu của loài người: Moóc-găng
Vợ
Mặc áo lót mình
Im lặng.Nhìn
Rượu xâm banh
Lên bọtMóc-găng nói
Anh tặng em
Nhân ngày kỷ niệmMột tài sản hơi bị tàn phá
Nhưng cũng vẫn còn xinhThần tự do của Mỹ trước mắt Mai-a chỉ là: Một tên lính giữ nhà cho những
Sự mê hoặc
Két bạc
Mỡ.Ý thức giai cấp sâu sắc mài nhọn cảnh giác của nhà thơ, Mai-a "ngửi thấy mùi thuốc súng sặc sụa từ mọi biên giới bay đến", nhưng Mai-a không sợ: "Chúng ta ghét chiến tranh Nhưng nếu thật chiến tranh trở lại Chúng ta quyết không hề sợ hãi
Như một lũ ngu đầnQuyết không theo
Không trốn dưới quần Bọn vú sữa của hòa bình chủ nghĩa"Những vần thơ tưởng như mới làm hôm qua, hôm kia! Thời gian không làm mòn được thiên tài. Một nhà thơ lớn bao giờ cũng hiện tại. Tấn công bọn đế quốc, đồng thời cũng phải tấn công những tàn tích thối nát còn rơi rớt lại trong nội bộ đất nước, trong lòng cách mạng. Mai-a thù hằn bọn phong kiến, lái buôn đội lốt cách mạng, dùng cái nhãn hiệu vô sản để yểm hộ cho những cái thối nát của chúng. Cuộc đấu tranh với những "cái xác chết mà cuộc đời chưa kịp chôn" này lâu dài và gian khổ không những không kém, mà có khi còn hơn cuộc đấu tranh với kẻ thù cầm súng. Vì kẻ thù cầm súng tương đối nhìn dễ thấy hơn những tư tưởng lạc hậu ngụy trang dưới lá bùa cách mạng, vô tình hay hữu ý lợi dụng những nguyên tắc của cách mạng để bảo vệ cái cũ. Mai-a sáng tác những bài thơ đả kích quyết liệt. Mai-a đã nâng thơ đả kích lên thành những "khẩu súng công phá". Tiếc rằng lúc này tôi không có một số bài thơ đả kích của Mai-a trước mặt để giới thiệu với các bạn, tôi xin tạm phỏng dịch một đoạn của Pa-péc-ni (Paperny) [2] nói về thơ đả kích của Mai-a. Trong bài “Tắm”, Mai-a đập mạnh vào loại quan liêu điển hình, những "người chui trong túi", cận thị và mù quáng, suy xét và chủ trương đều dựa tất cả vào lời vàng thước ngọc đề ra trong sách, những cái máy định xây dựng xã hội mới bằng cách lùa tất cả những hành động của con người vào những trang giấy mà chúng tôn sùng như kinh thánh, tự biến mình thành những cảnh sát vô vị canh gác những nguyên lý cứng đờ. Chủ nghĩa cộng sản không cần những con người như thế.




Trong bài thơ “Bọn hội nghị” Mai-a diễu cợt những đệ tử trung thành của "chủ nghĩa hành chính" có đủ khả năng làm tê liệt mọi công tác trong những nguyên tắc dài dằng dặc. Từ sớm đến tối, họ có đủ phấn khởi và nhiệt tình tự giam mình trong buồng họp không tiếp khách để bàn cãi về những vấn đề rất vô ích như "vấn đề mua một lọ mực". Cuối cùng Mai-a đẩy cửa vào và đứng sững lại, sửng sốt: Chung quanh bàn không phải những con người mà những "nửa con người". Thì ra bọn nha lại trong cách mạng muốn cùng một lúc dự hai cuộc họp, nên bắt buộc phải tự cắt ra làm đôi "đến thắt lưng ở chỗ này, phần còn lại ở chỗ khác". Ðể kết luận, Mai-a đề nghị "một cuộc họp nữa để thủ tiêu tất cả những cuộc họp như thế". Trong bài “Thằng nịnh”, Mai-a nguyền rủa bọn nha lại mới hỏng xương sống không cất ngay lưng được, một bọn không có chính kiến, không có cá tính, một loài bò sát nghĩ đến chuyện làm cấp trên vui lòng nhiều hơn là nghĩ đến ích lợi của nhân dân, của cách mạng; cái gì cấp trên đề ra chúng cũng nhắm mắt vâng theo ca ngợi, không bao giờ dám dũng cảm đấu tranh nội bộ. Mai-a đề nghị quét hết cả bọn nịnh thần và những bọn che chở cho chúng ra ngoài cách mạng. Một nhân vật nữa, “Người cạo giấy”, chăm chỉ, cần cù nhưng không nhìn xa quá tầm mũi, không thắc mắc, không suy nghĩ, không thất vọng, thoải mái một cách quái gở trong những cái tầm thường hàng ngày, làm việc như một cái máy. Và Mai-a lớn tiếng: "Là cộng sản
là thử thách
suy nghĩ
muốn làm
dám làm"lấy "cái vĩ đại của chủ nghĩa cộng sản" mà "soi vào từng công việc nhỏ một". Chúng ta còn thiếu những vần thơ đả kích như thế.


Thơ chúng ta hiền lành, ngoan ngoãn làm sao! Qua thơ hình như thấy cách mạng tiến dễ dàng, "trời quang, sóng lặng" như trong chuyện thần tiên cho em nhỏ. Tất cả đều "quá tốt đẹp trong một xã hội quá tốt đẹp". Chúng ta chưa vạch được bộ mặt đểu cáng của kẻ thù bên trong, chưa lột mặt nạ được những tư tưởng lạc hậu đội lốt cách mạng, chưa lên án chúng. Chúng ta còn e dè nhiều quá. Không ngừng đổi mới cả nội dung và hình thức: Bài học thứ ba mà Mai-a dạy chúng ta là thái độ dũng cảm đấu tranh cho cái mới. Nhà thơ không phải là người ở lẽo đẽo đi theo hầu thực tế. Thơ phải đi trước thực tế, phải luôn luôn đổi mới. Mai-a hô hào những nhà thơ phải "xốc tới ngày mai, xốc tới đằng trước" phải ghê tởm việc mô tả "những tiếng động của ngày hôm qua". [3] "Thơ chân chính phải đi trước cuộc đời, dù chỉ là một giờ". Nhà thơ không phải chỉ mô tả hiện tại mà còn phải vượt quá hiện tại, nhìn thấy tương lai, rọi sáng con đường đi tới. Một nhà thơ không bao giờ được hài lòng với cái hiện tại. Cách mạng là biến chuyển, là đổi mới, thơ cũng phải biến chuyển cũng phải đổi mới. Muốn thế phải dũng cảm đấu tranh với những lề lối quá thành thuộc, đập vỡ những công thức, chống những kẻ "thường nêu chiêu bài bảo vệ truyền thống văn nghệ cổ điển của dân tộc để ngăn cản cái mới". Với chúng, Mai-a trả lời dứt khoát: "Có đồng chí cho là tôi đả kích tất cả các nhà thơ cổ điển. Tôi không bao giờ lại làm một việc ngu dại như vậy. "Tôi chỉ nói không có những nhà thơ cổ điển ngự trị mọi thời đại. Nghiên cứu họ, yêu họ đối với thời đại của họ. Nhưng cái mông bằng đồng đen đồ sộ của họ đừng cản lối những nhà thơ trưởng thành đi lên. "...


Nếu tôi chống lại những nhà thơ cổ điển thì không phải để gạt bỏ họ, mà là để nghiên cứu họ, để dùng được những điểm mà họ có ích cho giai cấp công nhân. Nhưng không nên tiếp nhận họ mà không bàn bạc như thường vẫn xảy ra ở nước ta". Ðề cao nhưng không mù quáng, tiếp tục nhưng có sáng tạo. Chủ trương của Mai-a đối với các nhà thơ cổ điển soi sáng thêm cho chúng ta trong lúc thực hiện đường lối khai thác vốn cũ. Muốn đấu tranh cho cái mới phải can đảm, phải bền bỉ. "Lúc nào cũng phải bảo vệ một lập trường văn nghệ nhất định, đấu tranh chống khuynh hướng ngu dân mà người ta vẫn còn thấy trong nước Cộng hòa mười ba tuổi của chúng ta". Trong "khuynh hướng ngu dân mới" điều nguy hiểm nhất là "quan điểm quần chúng giả mạo" nịnh quần chúng, dựa vào thói quen của quần chúng, dùng số đông quần chúng để bảo vệ phía lạc hậu của quần chúng. Thần thánh hóa quần chúng là hạn chế sự tiến bộ của quần chúng, hạn chế sự tiếp thu cái mới của quần chúng, khuyến khích những rơi rớt xấu xa còn sót lại trong quần chúng. Nên nhớ quần chúng chỉ thành sức mạnh đầy đủ khi có sự lãnh đạo của Ðảng. Tách rời hai yếu tố Ðảng và quần chúng là một điều có hại cho cách mạng.



Quần chúng chưa có ý thức và chưa được lãnh đạo đến nơi đến chốn thường có khuynh hướng thích thú những cái đã quen thuộc (nghĩa là đã cũ hay đương bắt đầu cũ) và bỡ ngỡ trước cái mới. Về điểm này Mai-a có những ý kiến khó lòng có thể rõ ràng hơn. Sau khi ca ngợi ''đông đảo quần chúng vô sản và nông dân, những người đang xây dựng chủ nghĩa xã hội... những độc giả chân chính", Mai-a viết: "Nghệ thuật không phải ngay từ lúc sinh ra đã là nghệ thuật quần chúng, nó trở thành một nghệ thuật quần chúng do kết quả của rất nhiều cố gắng phê bình, phân tích giá trị và sự ích lợi của nó, do kết quả của sự phổ biến sâu rộng của Ðảng và của chính quyền..." Muốn đấu tranh cho cái mới còn phải chống ngay với cái nếp quen trong bản thân người làm thơ. Phải duyệt lại cái cũ cẩn thận, phải đập vỡ tất cả những khái niệm thần tượng mà nhiều người tôn sùng. Theo Mai-a, không có những luật lệ bất di bất dịch. Phải có những vần thơ mới từ nội dung đến hình thức để ca ngợi cái mới. Và không gì đáng thẹn bằng để nội dung mới "thò ra khỏi bộ áo quần thơ cũ ngắn cũn cỡn đến nỗi chỗ nào cũng rách toạc cả." [4] Bài thơ không còn là một thứ để ngâm nga nhàn tản, mà là một lời kêu gọi chiến đấu, thì tất cả vần, điệu của bài thơ đều phải phục vụ mục đích ấy. Câu thơ dài hay ngắn, cái đó không quan trọng miễn là nêu bật được cái muốn nói và gây được tác dụng mạnh trong lòng quần chúng cũng để phục vụ mục đích ấy. Mai-a sáng tạo ra nhiều lối gieo vần không hề có trong một quyển mẹo làm thơ nào từ trước đến giờ. Mai-a đã giải phóng cho thơ Liên Xô. Mỗi nhà thơ tùy theo yêu cầu của cách mạng và tùy theo điệu tâm hồn của mình, sẽ sáng tạo ra những luật lệ riêng cho mình. Miễn là phục vụ được đòi hỏi của xã hội. Muốn sáng tạo được những bài thơ như thế cần phải lao động. "Thơ không phải là một trò giải trí, mà là nghề nghiệp vô cùng khó khăn, một nghề nghiệp cần thiết và bổ ích." [5] Trong một cuộc triển lãm thơ, Mai-a nói với anh em công nhân: "Các đồng chí, một nhiệm vụ nữa của tôi là phải trình bày để các đồng chí thấy khối lượng công việc tôi đã làm. Ðể làm gì? Ðể các đồng chí thấy một ngày của nhà thơ, có trước mặt những vấn đề lớn lao của đất nước, không phải chỉ cần tám giờ mà mười sáu, mười tám giờ. Ðể các đồng chí thấy chúng tôi không có thì giờ nghỉ ngơi, mà lao động bằng ngòi bút ngày này sang ngày khác, không khoanh tay ngủ gật bao giờ". Tôi đã cố gắng giới thiệu đại cương những bài học lớn của Mai-a mà tôi cho là quan trọng nhất đối với thơ ca Việt Nam ngày nay. Ðó cũng là những điểm cụ thể và căn bản của chủ nghĩa hiện thực mới. Có người e rằng vấn đề thơ Mai-a là vấn đề có tính chất hoàn toàn Liên Xô và giới hạn trong khoảng mười năm liền sau Cách mạng Tháng Mười, không thể áp dụng ở nước ta được, vì hoàn cảnh khác nhau. Ðành rằng xã hội Liên Xô và xã hội Việt Nam có khác nhau ở điểm này điểm nọ, nhưng có giống nhau ở một điểm chính yếu là chủ nghĩa Mác và cách mạng. Và vấn đề thơ Mai-a là vấn đề thơ cách mạng. Học tập Mai-a là học tập cái chất cách mạng ấy. Lối học tập máy móc, ăn sống nuốt tươi thì cố nhiên là chúng ta phản đối. Nhưng một mặt khác chúng ta cũng phản đối cái lối lấy nê một vài điểm khác nhau về hoàn cảnh để làm hàng rào ngăn ảnh hưởng thơ cách mạng của Mai-a. Ðược quan niệm đúng, sự áp dụng những bài học của Mai-a có thể thực hiện ở Việt Nam cũng như ở bất cứ một nước nào làm cách mạng theo con đường chủ nghĩa xã hội. Trong một thế giới mới đang chiến đấu và xây dựng, giữa lúc chúng ta cần yêu thêm, ghét thêm, nâng cao lý tưởng xã hội và nhân phẩm con người, chúng ta càng cảm thấy tiếng nói đanh thép của Mai-a là vô cùng cần thiết. Mai-a qua đời đã hai mươi nhăm năm. Nhưng Mai-a không chết. Một nhà thơ lớn không bao giờ chết. Thơ Mai-a không phải là dĩ vãng. Thơ Mai-a là hiện tại, là tương lai. Mai-a nhắc nhở chúng ta nhiệm vụ: Ngòi bút của nhà thơ Việt Nam không thể để rỉ trong hòa bình sau hiệp định Giơ-ne-vơ, trong cái đoàn kết nội bộ xuê xoa từ trước tới giờ. Mai-a dạy chúng ta "yêu thương và căm hờn vĩ đại", chiến đấu với địch ngoài thù trong, nhất định không lùi một bước, luôn luôn đi tìm cái mới, cách mạng nội dung và hình thức, đánh bại mọi trở lực trong thơ, ca Việt Nam. Mai-a kêu gọi chúng ta dũng cảm xông ra hỏa tuyến, làm nhà thơ cách mạng, những chiến sỹ trên mặt trận văn nghệ, mài sắc ngòi bút của mình đem góp vào "binh công xưởng" của nhân dân. Văn nghệ, số 69 (21.4.1955); số 70 (1.5.1955). 25. Lê Quang Thành Góp ý kiến thảo luận về tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu Những ý kiến của chúng tôi xếp thành ba vấn đề:
Tập thơ Việt Bắc có hiện thực không?



Những chỗ thiếu sót của Tố Hữu
Tố Hữu là nhà thơ của thời đại Trong ba vấn đề trên, chúng tôi có nêu một số điểm đồng ý hay không đồng ý với các bạn Hoàng Yến, Vũ Ðức Phúc, Hoàng Cầm. Tập thơ Việt Bắc có hiện thực không? Trước hết qua các bài phê bình tập thơ Việt Bắc, chúng ta đã thống nhất với nhau thế nào là những tình cảm lớn của thời đại chúng ta. Ðó là tình cảm số lớn quần chúng cách mạng đông đảo (chủ yếu là công, nông, binh) đứng lên đấu tranh đánh đổ đế quốc và phong kiến, giành lại hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ. Trong 8,9 năm qua, tình cảm đó là lòng yêu nước, chí căm thù, ý chí bất khuất bất cứ trước một sức mạnh tàn bạo nào, tình thương yêu giai cấp, tình thương yêu đồng chí, tình quân dân, tình cán bộ với quần chúng, tấm lòng kính mến Ðảng, kính mến lãnh tụ, tình yêu nhân loại cần lao. Tóm lại là tình cảm cách mạng. Tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu là tập thơ làm trong thời kỳ kháng chiến, và trong đó có một số ít bài làm sau khi hòa bình đã được lập lại. Ở đây, chúng tôi đồng ý với Hoàng Yến về cách đặt vấn đề: tập thơ Việt Bắc có nói lên được tình cảm của thời đại chúng ta không? Mà không đồng ý với Vũ Ðức Phúc cho Hoàng Yến là chủ quan, gò ý nghĩa tập thơ theo ý của mình. Vì thực tế là phần lớn các bài thơ trong tập thơ Việt Bắc làm trong kháng chiến, phản ánh những việc và tình cảm của kháng chiến. Ðó là điểm căn bản để đánh giá tính chất hiện thực trong tập thơ Việt Bắc. Ðiểm thứ hai là những tình cảm lớn đó biểu hiện như thế nào? Tình cảm đó khi thì bộc lộ, khi thì kín đáo, âm thầm, nhưng nói chung đều sâu sắc, thắm thiết. Hoàng Yến nói: "Một thi phẩm phản ánh được thời đại phải trào lên những dòng thơ hừng hực chiến đấu, đỏ rực căm thù, có mãnh lực động viên, kích thích hàng triệu người ra mặt trận đấu tranh". Không nhất định như thế. Chúng ta cần có những thiên anh hùng ca thật mạnh, dồn dập, lôi cuốn. Nhưng cũng cần có những bài thơ kín đáo, ý nhị, giản dị và thấm vào lòng người đọc, mà không kém phần sâu sắc. Nếu hai cách diễn đạt ấy mà đều phản ánh đúng sự thật, nói đúng nội dung và tình cảm của chúng ta, chúng ta đều hoan nghênh, và hai cách diễn đạt đều có tác dụng động viên tinh thần quần chúng. Vả lại, như đồng chí Trường Chinh nói: cuộc chiến tranh ái quốc của chúng ta là một cuộc chiến tranh toàn diện. Chúng ta không những chiến đấu ở ngay mặt trận, mà cả ở hậu phương, không cứ ở bộ đội, mà còn ở mọi ngành, không những trên mặt trận quân sự mà còn ở các mặt trận chính trị, kinh tế, văn hoá, không phải chiến đấu với kẻ thù hữu hình, mà còn phải chiến đấu với kẻ thù vô hình, tức là những tư tưởng sai lầm của chúng ta nữa. Trong 8,9 năm kháng chiến cũng cần phải soát lại những giá trị cũ, phải nhìn lại xem những tình cảm lạc hậu nào đã rơi đi, và những tình cảm tiến bộ, mới mẻ nào đã xuất hiện, như quan niệm sống và chết, tình gia đình, tình mẹ con, chồng vợ, v.v...



Dựa trên hai điểm đó, chúng ta cùng thảo luận đánh giá tính chất hiện thực trong tập thơ Việt Bắc. Ở đây khả năng và trình độ chúng tôi có hạn, chỉ xin đi vào một vài hình ảnh nổi bật nhất trong tập thơ Việt Bắc. Hình ảnh anh bộ đội: Ai cũng nhận thấy rằng Tố Hữu đã để một phần tình cảm quan trọng của mình vào anh bộ đội. Kể từ cách mạng tháng Tám thành công cho đến năm đầu kháng chiến, hình ảnh anh bộ đội chưa xuất hiện trong thơ ca, hay hiện ra một cách không đúng, không đầy đủ. Năm 1947, trong bài “Cá nước”, Tố Hữu cho ta thấy rõ anh bộ đội chiến đấu vô cùng gian khổ nhưng cũng vô cùng anh dũng và rất mực hiền lành: Tôi nhích lại gần anh Người bạn đường anh dũng Anh chiến sĩ hiền lành Tỳ tay trên mũi súng Anh bộ đội của ta chỉ là người nông dân mặc áo lính: Bố đi đánh giặc còn lâu Mẹ mày cày cấy ruộng sâu tối ngày Hoàng Cầm muốn hỏi Tố Hữu từ nguồn gốc sâu xa nào anh cán bộ và anh bộ đội gặp nhau mà trở nên thân thiết. Nhưng Tố Hữu chỉ cần nhìn thấy bộ đội đối với nhân dân ta là một hình ảnh vô cùng thân thiết, gặp nhau là thương yếu, quý mến nhau: …Anh người đâu, tôi đâu Gần nhau là thân thiết Một thoáng lặng nhìn nhau Mắt đã tìm hỏi chuyện Ðôi bộ quần áo nâu Ðã âm thầm thương mến Hình ảnh anh bộ đội ngày càng nổi bật rất rực rỡ trong bài “Hoan hô chiến sĩ Ðiện Biên”: Những đồng chí thân làm giá súng Ðầu bịt lỗ châu mai Băng mình qua núi thép gai Ào ào vũ bão Những đồng chí chèn lưng cứu pháo Nát thân, nhắm mắt, còn ôm Những bàn tay xẻ núi lăn bom Nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện Tố Hữu thật đã tổng kết được những nét điển hình nói lên sự anh dũng phi thường của bộ đội ta trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Tố Hữu nhìn thấy khi xông lên giết giặc, anh bộ đội dũng mãnh như hổ như báo, ý chí giải phóng Ðiện Biên vững như đá: … Nghe trưa nay tháng 5 mồng 7 Trên đầu bay, thác lửa hờn căm! Trông bốn mặt, lũy hầm sập đổ Tướng quân bay lố nhố cờ hàng Trông, chúng ta cờ đỏ sao vàng Rực trời đất Ðiện Biên toàn thắng Nếu ta theo dõi hình ảnh anh bộ đội từ bài “Cá nước” qua các bài “Bầm ơi”, “Bắn”, “Voi”, rồi đến “Hoan hô chiến sĩ Ðiện Biên”, ta sẽ thấy rõ anh đội viên thường của chúng ta ngày càng trưởng thành, tình cảm của anh ngày càng phong phú. Hình ảnh anh bộ đội lúc mới xuất hiện đã đáng yêu, thì ngày càng đẹp và càng đáng yêu hơn nữa. Trong bài “Bắn”, Hoàng Yến có nhận xét hình ảnh "ngon như một đĩa thịt bò tươi" xa lạ với chiến sĩ, người nông dân mặc áo lính, ít khi được thấy "đĩa thịt bò tươi". Chúng tôi thấy nhận xét như thế hơi quá đáng. Bộ đội ta chiến đấu trong hoàn cảnh thiếu thốn, gian khổ, nhưng không đến nỗi không thấy thịt bò tươi bao giờ, nhất là không hiểu nổi ý "ngon như thịt bò tươi" trong thơ Tố Hữu. Không đồng ý với Hoàng Yến, Vũ Ðức Phúc phân tích: "Thực tế người ta thèm thuồng những cái gì ít khi được hưởng thụ. Chính vì ít khi anh bộ đội được ăn thịt bò tươi, anh thèm thịt, nên ví cái đồn địch như một đĩa thịt bò tươi là rất đúng", và kết luận: "Cái cảm giác đó cũng có tính chất hiện thực mới. Vì anh bộ đội hay ao ước "chất" nhất, mà "chất" nếu không là thịt lợn thì thường là thịt bò". Theo chúng tôi, phân tích như vậy sẽ đi đến nhận xét lung tung (chúng tôi xin tạm dùng chữ lung tung vì chưa tìm được chữ nào cho gọn) bất cứ một cái gì cũng cho là có tính chất hiện thực mới cả. Mà hiện thực mới của chúng ta phải là nêu cho được những người và việc điển hình trong xã hội đang đi tới. Cũng trong bài này, tôi đồng ý với anh Vũ Ðức Phúc là trong phút chờ đợi phát lệnh bắn, Tố Hữu đã diễn tả được căm thù phẫn nộ trước lúc bắn cháy đồn giặc. Nhưng tôi không đồng ý với chỗ anh Vũ Ðức Phúc lập luận: "Một người đã vào sinh ra tử trong bao nhiêu năm trời, nếm đủ mọi mùi tàn ác của đế quốc, một người như Tố Hữu phải đâu là người không cảm thông được nỗi căm hờn giặc, dù chỉ là nghe chuyện mà hình dung ra việc. Một người như vậy, nếu ta kết luận là "tổng kết việc trên tài liệu" thì cũng nên suy nghĩ một chút". Chúng tôi thấy lập luận như thế chưa đúng hẳn. Ai cũng biết Tố Hữu là một thi sĩ cộng sản. Nhưng không nên chỉ căn cứ vào đó mà đánh giá thơ của anh câu nào cũng đúng, cũng hay, hễ muốn nói căm thù là y như biểu lộ được căm thù. Vì như thế dễ sinh ra quá rộng rãi, hoặc thành kiến hẹp hòi đối với một tác phẩm nghệ thuật. Tình cảm phá đường: Nhận xét về bài “Phá đường” của Tố Hữu, Hoàng Yến cho rằng tình cảm trong bài thơ đó là thứ tình cảm chung chung. Anh viết: "Tôi tự hỏi như thế thì tình cảm của con người phá đường trong kháng chiến với tình cảm đắp đường trong hòa bình khác nhau ở chỗ nào?" Và: "Tinh thần và tình cảm ấy không những riêng cho công việc phá đường mà nó biểu hiện trong mọi công tác phục vụ khác, bất cứ ở đâu và lúc nào…" Nhưng Hoàng Yến quên một điều khá quan trọng: Hoàn cảnh phá đường khi Tố Hữu tả là ở Bắc Giang về mùa rét, trong thời kỳ đầu của giai đoạn phòng ngự, chứ không phải là tất cả mọi hoàn cảnh phá đường trong toàn quốc trong suốt hai giai đoạn phòng ngự và cầm cự. Cũng không phải là "cảnh lao động thông thường chung chung mà người ta thường bắt gặp bất kỳ ở hậu phương hay tiền tuyến, trong công tác phá hoại hay kiến thiết", mà đấy là nông dân một thôn, một xã theo lời kêu gọi của Chính phủ, đi phá đường cái quan để chặn xe cơ giới địch, chuẩn bị phá tan tấn công thu đông năm 1947 của địch lên Việt Bắc. Sở dĩ Hoàng Yến thấy lưỡi cuốc phá đường giống lưỡi cuốc đắp đường bởi vì Hoàng Yến chỉ nhìn thấy lưỡi cuốc, chỉ thấy "hì hà hì hục - lục cục lào cào" - hoặc : "anh tài thì em cũng tài,” v.v… mà không chú ý toàn bộ bài thơ, không chú ý phần đầu tả không gian, thời gian cụ thể: Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế Gió qua rừng Ðèo Khế gió sang Em là con gái Bắc Giang... Ðể nêu lên lòng yêu nước của nông dân Việt Nam, vẽ lên cảnh chuẩn bị, náo nức của một địa phương phá tan tấn công của giặc, Tố Hữu đưa ra một người phụ nữ nông thôn, với những hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, cũng gác bỏ việc nhà đi phục vụ lợi ích kháng chiến. Lợi ích cá nhân, gia đình phục vụ cho lợi ích dân tộc. Người phụ nữ nông thôn đó đã đấu tranh và giải quyết được mâu thuẫn đó một cách vui vẻ, công tác với một tinh thần thi đua phấn khởi. Chúng tôi cho như thế chính là hiện thực, bởi vì đã "biểu hiện xác đáng những tính chất điển hình trong những trường hợp điển hình" (Ăng-ghen). Cũng trong bài này Hoàng Cầm hỏi: "Tại sao lại gió rét? Gió rét có gợi ra được cái gian nan, vất vả của việc phá đường không? Tuyệt nhiên là không?" Có chứ. Ngay anh em cán bộ chúng ta, khi Chính phủ chưa phát áo trấn thủ, nhớ lại những đêm đông rét lạnh ở chiến khu, chúng ta cảm thấy thấm thía cái rét đó lắm. Huống hồ người nông dân chưa được chia ruộng đất, đời sống còn thiếu thốn, giữa đồng rộng đêm khuya gió hút, áo quần phong phanh làm sao không gian nan,vất vả vì gió rét được. Hình ảnh Hồ Chủ tịch: Theo Hoàng Cầm, hình ảnh Hồ Chủ tịch trong thơ Tố Hữu "mới là một đôi chút bề ngoài của Hồ Chủ tịch. Còn những giờ Người ra tiền tuyến, đến bên cạnh dân công, bộ đội; Người ở nông thôn, bàn bạc, chuyện trò với các phụ lão nông dân…", Hoàng Cầm cho rằng "cách ca ngợi lãnh tụ như thế chưa phải là tình cảm toàn dân đối với Hồ Chủ tịch". Theo chúng tôi hiểu nếu tả lãnh tụ mà tả tỉ mỉ những khi Người làm việc này, khi làm việc khác, tả từng hành động của Người… thì không thể nào tả hết được. Mỗi một lời nói, mỗi hành động của Người đều có tác dụng giáo dục, động viên quần chúng, đều gây nên những ý nghĩ mới mẻ, tươi đẹp cho chúng ta. Nếu đi theo Người để tả đúng, tả hết những hành động của Người thì sẽ để lấp "cái gì lớn lao sau những chi tiết vụn vặt", chi bằng mang cái máy ảnh mà chụp còn hơn. Nhà văn Tôn-stôi nói: "Công việc của nghệ sĩ trong giai đoạn lịch sử này là khai thác ở trong thực tại cái gì điển hình, cái gì độc giả có thể nhìn bao trùm được, ta liên kết những sự kiện, những ý tưởng, mâu thuẫn vào một hình ảnh sinh động…" Hành động của Hồ Chủ tịch là hành động lãnh đạo, là chỉ rõ đường đi của cách mạng Việt Nam đến thắng lợi, bao trùm tất cả mọi mặt, mọi ngành… Làm thế nào nói lên được cái đó, đồng thời nói lên được tình cảm lớn lao của dân tộc ta đối với Người, và Người đối với dân tộc.


Những câu của Tố Hữu như: …Các anh chị, các em ơi có phải Mỗi khi lòng ta xao xuyến rung rinh Môi ta thầm kêu "Bác Hồ Chí Minh!" Và mỗi trận mỗi mùa thu thắng lợi Ðôi mắt Bác hiện lên cười phấn khởi Ta lớn cao lên bay bổng diệu kỳ Trên đường dài, hai cánh đỡ ta đi… đã nêu được sự tin tưởng sắt đá vào lãnh tụ của chúng ta, và dưới sự lãnh đạo của Người, chúng ta đã trưởng thành mau chóng trong chiến đấu. Hoặc tả sự thông cảm của Hồ Chủ tịch với nhân dân: Hồn biển lớn đón muôn lời thủ thỉ Lắng từng câu, từng ý chưa thành Người là Cha là Bác là Anh Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ… Ðọc những câu trên, chúng ta càng cảm thấy Hồ Chủ tịch lúc nào cũng ở bên cạnh mỗi một chúng ta, lắng nghe tâm sự của chúng ta, an ủi, khuyên răn khi ta vấp ngã, chỉ đường cho chúng ta đi... Trong bài “Sáng tháng 5” cũng như nhiều câu thơ trong các bài thơ khác của Tố Hữu, còn nhiều đoạn ca ngợi Hồ Chủ tịch và hình ảnh Hồ Chủ tịch lúc nào cũng vĩ đại, cũng bao trùm tình cảm chúng ta và cũng đi sâu vào lòng chúng ta. Chúng tôi cho rằng hình ảnh lãnh tụ trong tập thơ Việt Bắc là thành công nhất. Hai bài thơ làm sau khi hòa bình lập lại: Hoàng Cầm nhận xét: "Bài ‘Ta đi tới’ giống như một vại nước to, đầy tràn, pha loãng một màu sữa. Loãng quá. Tôi thêm [6] một cốc dù nhỏ thôi, nhưng chan chứa những chất sống nuôi dưỡng tâm hồn. Theo ý tôi, giá trị thơ không phải là ở chỗ đầy đủ, mạch lạc về một vấn đề chính trị. Thơ phải đi sâu vào từng góc cạnh của tâm hồn từng lớp người đang xây dựng thời đại mới". Chúng tôi quan niệm khác Hoàng Cầm. Không nhất định "muốn nói tất cả phải đi sâu vào một khía" mà có thể tổng hợp lại thành những nét điển hình chung, tiêu biểu nhất và giá trị của thơ cũng chính là ở chỗ nói đầy đủ, mạch lạc một vấn đề chính trị. Còn vấn đề chính trị đó lớn hay nhỏ, rộng hay hẹp, nông hay sâu lại là vấn đề khác. Một bài thơ mà thiếu sót hoặc sai lầm về chính trị là bài thơ chưa đầy đủ giá trị hay hỏng, bị quần chúng phản ứng ngay.


Thắng lợi hòa bình là một thắng lợi vĩ đại, là một bước ngoặt lịch sử của dân tộc ta. Sau khi hòa bình lập lại trên đất nước, toàn thể nhân dân Việt Nam từ Nam chí Bắc, gái trai, già trẻ, đủ mọi tầng lớp, đều cảm thấy một niềm vui dạt dào, phấn khởi; chúng ta tưng bừng đón chào thắng lợi mà sau suốt 8, 9 năm chiến đấu gian khổ mới giành được. Ðúng như lời anh Xuân Diệu, bài thơ “Ta đi tới” đã diễn tả kịp thời và đúng những tình cảm lớn đó. Ta đi giữa ban ngày Trên đường cái ung dung ta bước Cái ung dung đi giữa ban ngày trên đường cái, chúng ta cảm thấy rất thấm thía. Ðã hết rồi, bóng dáng những chiếc máy bay giặc lồng lộn bắn phá trên đường giao thông. Ðã hết rồi những đêm trường lặn lội trên con đường dài dặc. Bây giờ ta ung dung đi giữa ban ngày. Bầu trời trong xanh của chúng ta cũng không còn bóng dáng tên giặc nào cả: Mây của ta, trời thắm của ta Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nông thôn ta sau 8, 9 năm chiến tranh tàn phá, trở lại cảnh sống hòa bình, cây cối lại tốt tươi, hàng đàn trâu bò thong dong gậm cỏ ở đồng rộng thênh thang, trẻ em đi học được yên tĩnh khỏi bị máy bay giặc đe dọa hàng ngày. Bà mẹ Việt Nam, đã từng chịu nhiều đau xót chia ly tang tóc của chiến tranh, nhưng cũng là những bà mẹ anh hùng, hy sinh rất nhiều cho kháng chiến, giờ đây cũng vui mừng đón hòa bình: Mẹ ơi lau nước mắt Làng ta giặc chạy rồi Nửa nước ta đã hoàn toàn giải phóng. Nhưng chúng ta không bao giờ quên hiện nay nửa nước ta còn khổ cực dưới chế độ thực dân và phong kiến. Tấm lòng nhân dân ta ở miền Nam luôn luôn hướng về Hồ Chủ tịch về Trung ương, miền Bắc luôn luôn nghĩ đến miền Nam; tấm tình Nam Bắc là máu chảy ruột mềm, dù mưu ma kế quỷ đến đâu, kẻ thù cũng không bao giờ chia cắt được đất nước ta, cắt đi nửa khúc ruột của chúng ta. Ý chí thống nhất sắt đá không gì lay chuyển nổi đó đã biểu lộ trong bốn câu bình dị mà vô cùng thắm thiết: Dù ai nói ngả nói nghiêng Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân. Dù ai rào dậu ngăn sân Lòng ta vẫn giữ là dân Cụ Hồ. Nội mấy câu trên, Tố Hữu đã nêu lên được khẩu hiệu đấu tranh trước mắt của toàn dân ta hiện nay: đấu tranh đòi thực hiện thống nhất đất nước. Ðồng chí Trường Chinh trong bản báo cáo về "Chủ nghĩa Mác với vấn đề văn hóa Việt Nam", có nói "Tuyên truyền cao tới một mức nào đó thì trở thành nghệ thuật. Nghệ thuật thiết thực tới một mức nào thì nghệ thuật có tính chất rõ rệt tuyên truyền… Một điều chắc chắn là nếu nhà văn nghệ đó thiết thực và trung thành với thời đại thì tác phẩm của họ, nghệ thuật càng cao, càng có ý nghĩa tuyên truyền mạnh." Chúng tôi xin lấy câu trên để nhận xét bài “Ta đi tới” của Tố Hữu. Ðến bài “Việt Bắc”. Về căn bản chúng tôi đồng ý với Xuân Trường, Xuân Diệu, bài thơ nói lên tình nghĩa mặn nồng của người cán bộ cách mạng đối với quê hương cách mạng, nơi đã dựng nên chế độ dân chủ cộng hòa của chúng ta. Chúng tôi xin thêm: bài “Việt Bắc” lại nói lên được tương lai của mối quan hệ tốt đẹp giữa nông thôn, thành thị, nói cách khác là tình thân yêu vững chắc đằm thắm giữa công nhân và nông dân. Chúng tôi hiểu chủ đề của bài thơ là như thế. Do đó chúng tôi cho rằng Hoàng Yến đi lạc chủ đề đó, là chủ đề mà thi sĩ định nói, để nêu lên một chủ đề khác là: "Cái việc từ Việt Bắc tiến về thủ đô là một sự kiện lịch sử lớn lao, đánh dấu bước thắng lợi vĩ đại của dân tộc…" và "tôi quan niệm cái việc tiến về thủ đô là cả một khí thế xuất sơn tiến về đồng bằng, cái khí thế "Nam hạ" mạnh mẽ, bừng bừng không sức gì cản nổi". Hoặc"...Chưa dựng được trong lòng ta cái Việt Bắc tôn kính, khởi điểm của cách mạng, chủ não của kháng chiến, miếng đất lịch sử đã ghi những chiến thắng lịch sử quyết định bước chuyển biến của cả một giai đoạn chiến tranh". Sau khi dựng lên cái khuôn như thế, Hoàng Yến lắp bài thơ “Việt Bắc” vào mà nhận xét là không đạt được, hay chỉ đạt được ở chỗ tả tình "thương người mến cảnh nồng nàn thủy chung". Chúng tôi cho rằng mọi người có thể có một cách đặt vấn đề, một cách nhìn các khía cạnh tình cảm khác nhau, miễn là đạt được yêu cầu chung: phản ánh được sự thật khách quan, những nét điển hình của nó và quá trình tiến lên của nó. Nhìn một cảnh phá đường, Hoàng Yến thấy cái khía "đau xót đào con đường thân yêu của mình", nhưng Tố Hữu lại nhìn vào khía "gian khổ, vất vả và vui lao động tập thể" của tình cảm phá đường, nhưng cả hai đều nói lên được: lòng yêu nước của người nông dân Việt Nam, ý thức chấp hành chính sách của Ðảng của nhân dân ta. Hoàng Yến còn tách riêng "tình thương mến nồng nàn thủy chung" với "quê hương cách mạng".



Chúng tôi nghĩ rằng nhớ Việt Bắc chính là nhớ nơi quê hương cách mạng. Nhớ những đồng bào ở những nơi vắng vẻ nhất, vẫn một lòng nuôi cán bộ. Nhớ phong cảnh, nhưng chủ yếu là phong cảnh: Mình về có nhớ núi non Nhớ khi kháng Nhật thuở còn Việt Minh Mình đi mình có nhớ mình Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa? Nhớ người, chủ yếu là nhớ những đồng bào nông dân rất nghèo khổ nhưng rất thương yêu cán bộ, bộ đội: Ta đi ta nhớ những ngày Mình đây ta đó đắng cay ngọt bùi Thương nhau chia củ sắn lùi Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng Nhớ người mẹ nắng cháy lưng Ðịu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô Trong bài thơ của Tố Hữu những cái nhớ "cách mạng" như thế rất nhiều, đọc lên ai cũng thông cảm, nhất là những người công tác cách mạng đã từng ở Việt Bắc. Những chiến công lịch sử kéo qua trước mắt ta: hồi Việt Minh kháng Nhật, Phủ Thông, Ðèo Giàng, sông Lô, Phố Ràng, Cao Lạng, Hòa Bình, Tây Bắc, Ðiện Biên, v.v... làm ta càng thêm nhớ. Và ta thấy rõ rằng nhân dân Việt Bắc đã góp phần xứng đáng của mình vào thắng lợi cách mạng. Những hình ảnh đó gắn chặt vào lòng chúng ta. Không cần phải kể lể nhiều lời, dùng nhiều chữ cho mạnh, oai hùng, mới nói lên được những chiến công đó, lại càng không cần kể lại tỉ mỉ từng chiến công một. Cho nên, thơ Tố Hữu đặc sắc ở chỗ nói ít gợi nhiều, dùng chữ giản dị mà tả vẫn đúng. Việt Bắc cũng là đất nước chúng ta. Việt Bắc rồi đây cũng sẽ được vui tươi, đầm ấm trong mối tình giúp đỡ lẫn nhau giữa miền xuôi và miền ngược, giữa thành thị và nông thôn, mối tình công nông ngày càng chặt chẽ. Ðọc bài thơ “Việt Bắc” chúng ta càng yêu, càng nhớ Việt Bắc và càng muốn sao cho việc giao lưu hàng hóa giữa thành thị và nông thôn ngày thêm phát triển, để cho đời sống nhân dân lao động Việt Bắc được tươi đẹp. Còn như "khí thế xuất sơn, tiến về Nam hạ…" chúng tôi tìm thấy trong bài “Ta đi tới rồi”. Do tất cả những nhận xét trên, dựa trên chỗ chúng tôi hiểu về chủ nghĩa hiện thực đã nêu từ đầu, chúng tôi đi đến kết luận: Nói chung, tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu có tính chất hiện thực. Những chỗ thiếu sót của thơ Tố Hữu (tập thơ Việt Bắc):
Thơ Tố Hữu một vài chỗ còn buồn quá. Ví như bài “Ðời đời nhớ Ông”. Nghe tin đồng chí Stalin, người bạn vĩ đại của nhân dân ta, mất, nhân dân ta không ai là không đau xót, không ai cầm được nước mắt. Ðó là một tổn thất không gì bù lại được, mọi người đều đau thương. Về mặt đó, Tố Hữu đã diễn tả rất đúng. Nhưng bài thơ không biến đau thương thành sức mạnh, và không nói lên được tuy Người đã khuất nhưng tinh thần của người vẫn còn, tư tưởng của Người vẫn đang chỉ đạo chúng ta đi. Tuy Tố Hữu có nói: Thương ông mẹ nguyện trong lòng Yêu làng yêu nước yêu chồng yêu con Ông dù đã khuất không còn Chân ông còn mãi dấu son trên đường. Nhưng những câu ấy còn yếu đuối quá. Mà ngay dưới bốn câu đó, lại có mấy câu cuối cùng: Ngàn tay trắng những băng tang Nối liền khúc ruột nhớ thương đời người Thành ra vừa gợi lên được một cái hướng đi lên, lại chìm xuống. Ðọc xong bài thơ, buồn quá. Tố Hữu chưa động viên được chúng ta chiến đấu tích cực, hăng hái hơn nữa theo lời đồng chí Stalin thường dạy chúng ta. Cái buồn đó còn rớt lại trong một số bài thơ khác. Tố Hữu hay dùng những hình dung từ như phân ly, không nguôi nhớ, hắt hiu, mắt buồn sắp nhắm, nhớ thương, lối cũ, rừng xưa… Ðọc những bài thơ Tố Hữu thỉnh thoảng ta lại vấp một vài câu buồn như thế. Nhân sinh quan của giai cấp tiểu tư sản còn rớt lại trong thơ Tố Hữu.
Một đôi lúc trở lại cầu kỳ, khó hiểu, nhất là bài “Giữa thành phố trụi”. Sau bài “Việt Bắc” là bài rất giản dị, tha thiết dễ hiểu, đến bài “Lại về”, nhiều chỗ khó hiểu rắc rối, đọc lên có cảm tưởng không phải thơ Tố Hữu. Cách sắp xếp cũng cầu kỳ: Hà Nội ơi Hà Nội! Bao giờ Giữa thủ đô Cụ Hồ về Bộ đội Tiến vào năm cửa ô. v.v…
Không có bài nào nói về cuộc cách mạng ruộng đất long trời lở đất ở nông thôn.
Không nêu được một hình ảnh điển hình của thời đại là "anh cán bộ". Trong thời đại chúng ta, hình ảnh người cán bộ là một hình ảnh điển hình, cũng như hình ảnh anh bộ đội. Ở địch hậu, ở vùng tự do, miền xuôi, miền ngược, từ Nam chí Bắc, đâu đâu cũng có cán bộ. Cán bộ với quần chúng như bóng với hình. Tình cảm quần chúng đối với anh cán bộ rất thắm thiết, thân mến. Chúng ta tin rằng tất cả các cán bộ đoàn thể, chính quyền chúng ta đều mong Tố Hữu sẽ nói lên tình cảm của chúng ta, sẽ nêu lên được hình ảnh người cán bộ trong thơ của anh sau này.Tố Hữu là nhà thơ của thời đại: Những bài thơ trong tập thơ Việt Bắc đã nói lên một phần tình cảm tốt đẹp nhất của con người mới, của một thời đại mới, dưới một chế độ mới. Cụ thể là: tình yêu tổ quốc, yêu quê hương, lòng yêu lãnh tụ, yêu nhân loại cần lao và dũng cảm, lòng tin tưởng vững chắc vào thắng lợi đấu tranh. Thơ Tố Hữu là loại thơ thời sự, phục vụ quần chúng rất kịp thời, Tố Hữu có công trong việc xây dựng, hướng dẫn tình cảm cho quần chúng tiến lên theo kịp những biến cố lớn của thời đại, nhất là trong bài “Hoan hô chiến sĩ Ðiện Biên” và “Ta đi tới”.



Thơ Tố Hữu được đông đảo quần chúng ưa thích nhất. Riêng trong anh em cán bộ chúng tôi, anh nào yêu văn nghệ là y như có ít nhất một bài thơ Tố Hữu trong sổ tay của mình. Do những lẽ trên, mặc dầu Tố Hữu còn nhiều thiếu sót nhưng những thiếu sót đó là chi tiết, phụ thuộc vào bộ phận, mà ưu điểm thì nhiều hơn, lớn hơn, căn bản hơn, Tố Hữu vẫn là nhà thơ của thời đại, và trong hàng ngũ các nhà thơ Việt Nam, Tố Hữu vẫn giữa vững vị trí tiền phong của mình. Nhân dân, 21.4.1955; 22.4.1955
[1]Tất cả những đoạn trích dẫn in ngả và đặt trong ngoặc kép trong bài này đều là của Mai-a. (nguyên chú của Lê Ðạt).[2]Ðăng trong tạp chí Văn học Xô viết (Nguyên chú của Lê đạt). Có lẽ là muốn nói tới bản tiếng Pháp “Lettre Sovietique” của tạp chí này, do Hội nhà văn Liên Xô xuất bản (NST).[3]Ý câu này nói những tư tưởng tình cảm đã cũ (nguyên chú của Lê đạt).[4]Khẩu hiệu "bình cũ rượu mới “không chống lại mà chỉ bổ sung ý kiến này của Mai-a. "Bình cũ rượu mới" là những trường hợp đặc biệt, ở đó lợi dụng hình thức cũ để diễn đạt tư tưởng tình cảm mới có lợi hơn. "Bình cũ rượu mới" không thể là phương châm cho toàn bộ một nền văn nghệ được (nguyên chú của L.Ð.)[5]En-xa Tờ-ri-ô-lê (Elsa Triolet) viết trong quyển Mai-a-kôp-ski, nhà thơ Nga (nguyên chú của L.Ð.)[6]“Tôi thêm”: chỗ này báo Nhân dân in sai, đúng ra là “Tôi thèm”.


=

No comments: