Sunday, January 25, 2009

272.TAC PHẨM HUY PHƯƠNG

==

68. HUY PHƯƠNG * PHÊ BÌNH & ĐẢ KÍCH

===

Huy PhươngPhê bình và đả kích, một mặt của chủ nghĩa hiện thực xã hội


==

Văn nghệ hiện thực nhằm miêu tả chân thực cuộc sống. Trong việc miêu tả đó có bao hàm thái độ của nhà văn nghệ đối với xã hội. Thái độ ấy gồm có hai mặt: khen và chê, hoặc nói một cách khác, ca ngợi và phê bình. Tác dụng tích cực của văn nghệ chính là ở chỗ đó. Chính vì chỗ đó mà chúng ta thường nói: văn nghệ là một vũ khí đấu tranh sắc bén.Trước đây chúng ta thường phân biệt hai thứ hiện thực: hiện thực phê bình hoặc đả kích, xem như là một loại riêng của xã hội tư bản; và hiện thực xã hội chủ nghĩa có biểu hiện hướng đi lên, (v.v…) xem như là một kiểu hiện thực riêng của xã hội chủ nghĩa. Nếu do đó mà hiểu rằng hai thứ hiện thực ấy khác hẳn nhau về phương pháp và tính chất, hiểu rằng trong chủ nghĩa hiện thực xã hội không có yếu tố phê bình, đả kích thì đó là một nhận thức không đúng. Sự thực, hiện thực xã hội chủ nghĩa gồm có hai mặt: một là ca ngợi cuộc sống mới, con người mới, đề ra triển vọng và hướng đi lên của xã hội, v.v… đó là mặt tạm gọi là xây dựng và lãng mạn cách mạng; thứ hai là: phê phán những tàn tích của xã hội cũ, đả kích những tệ tục còn tồn tại hoặc mới nảy nở ngay trong quá trình phát triển của cách mạng v.v…, đó là mặt phê bình hoặc gọi là phê phán, đả kích.Điều này hoàn toàn không phải do những người văn nghệ muốn hay không muốn, không phải do ý định tô hồng hay bôi đen này nọ của tác giả. Nó là một đòi hỏi của thực tế xã hội; thực tế ấy là sự đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, giữa cái tiến bộ và cái thoái hóa, giữa cái tốt và cái xấu, một cuộc đấu tranh rất quyết liệt diễn ra hàng ngày trong cuộc sống. Cuộc đấu tranh ấy đã bắt đầu từ nghìn năm về trước qua các chế độ xã hội và sẽ còn tiếp tục lâu dài sau này nữa.Do đó chúng ta thấy trong những tác phẩm hiện thực của xã hội phong kiến và tư bản không phải chỉ đơn thuần có một mặt vạch cái xấu, đả kích, phủ nhận mà không xây dựng gì. Hài kịch của Mô-li-e bên cạnh những nhân vật phản diện cũng có cả những nhân vật chính diện; tác phẩm của Ban-dắc vạch những tội lỗi của bọn địa chủ, bọn tư sản hãnh tiến nhưng đồng thời cũng bênh vực cho những nạn nhân của đồng tiền, ca ngợi những tâm hồn trong trắng bị xã hội vùi dập… Chỉ có một điều, tác dụng chủ yếu của các tác phẩm ấy vẫn là đả kích, vẫn là phủ nhận, không những chỉ là những thói hư tệ xấu của những con người mà thôi mà có khi còn gián tiếp lên án cả một chế độ, phủ nhận cả một thực tế xã hôi. Một mặt khác, hoàn cảnh lịch sử và ý thức tư tưởng của nhà văn lúc bấy giờ cũng chưa cho phép nhà văn có thể nêu lên một lối thoát nào, một hướng đi nào cho cái xã hội đương thời.Trong hoàn cảnh xã hội chúng ta, mặc dầu đã có chế độ tốt đẹp, đã có một lý luận cách mạng soi đường cho bước tiến của quần chúng, như thế không có nghĩa là mọi thói hư tật xấu của xã hội và của con người đã có thể tự khắc chấm dứt ngay. Chế độ không phải là một đạo bùa linh nghiệm một lúc có thể cải lão hoàn đồng cả một xã hội. Vì xã hội và con người là một sự tiếp tục ; xã hội cũ, và xã hội mới cũng là một sự tiếp tục, một khối thống nhất đang phân hóa, đang biến đổi. Cho nên không có lý do gì nhà văn khi nhìn vào cuộc sống chỉ thấy toàn những điều tốt đẹp, thanh bình như ở một thời Nghiêu, Thuấn lý tưởng nào đó. Cái khác căn bản của hiện thực mới chỉ là ở chỗ chúng ta chỉ đả kích phê bình những thói hư, tệ xấu của xã hội nhưng vẫn tán thành chế độ, vẫn ca ngợi chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.Nói như vậy, tôi muốn trình bày một điều: cần phải phân biệt phê bình xã hội với phê bình chế độ. Xã hội là thực tế của cuộc sống và con người có tốt, có xấu. Chế độ là một hình thức chính trị, một chủ nghĩa, một phương hướng cách mạng… Chế độ ta đang đấu tranh và tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho việc cải thiện xã hội. Nhưng không nên nghĩ rằng có chế độ tốt là hoàn cảnh xã hội đã tự khắc tốt ngay (ngay bản thân chế độ trong quá trình phát triển và trưởng thành của nó cũng không phải là không có những khuyết điểm sai lầm tạm thời). Hiện nay qua các cuộc tranh luận văn nghệ hoặc các bài phê bình trên mặt báo (nhân một số bài vở trong Giai phẩm mùa thu và báo Nhân văn), nhiều khi chúng ta vẫn còn lầm lẫn ở chỗ đó.Theo ý tôi có phân biệt được điều này mới hiểu được tại sao dưới chế độ phong kiến và tư bản vẫn có thể xuất hiện một số tác phẩm đả kích vào một tập đoàn phong kiến hoặc một bộ phận nào đấy của giai cấp tư bản. Điều đó chính vì ngay bọn cầm quyền chính trị trong xã hội phong kiến và tư bản cũng không tán thành một số bộ phận thuộc tầng lớp phong kiến và tư bản. Những bộ phận này trong khi lộng hành, trong khi phát triển đến cao độ những thủ đoạn ngang ngược, trắng trợn của chúng chính cũng làm mất "nhân tâm" và có khi xâm phạm ngay đến cả cái trật tự an ninh của chế độ thống trị đương thời. Chính vì lẽ đó mà trong nhiều trường hợp và ở một mức độ nhất định, ta thấy hình như trong xã hội phong kiến và tư bản, nhà văn vẫn được hưởng một quyền tự do tư tưởng và tự do sáng tác nào đấy. Tất nhiên, ngoài ra còn nhiều lý do phức tạp khác nữa bắt nguồn từ cái cơ cấu đầy rẫy mâu thuẫn của bản thân chế độ phong kiến, tư bản mà chúng tôi chưa thể phân tích đầy đủ trong phạm vi bài này.Lại nói đến xã hội ta. Trong hoàn cảnh hiện tại của xã hội chúng ta, bên cạnh những thành tựu lớn lao đã thu được trong sự nghiệp giải phóng con người, cải thiện cuộc sống tinh thần và vật chất của quần chúng, ngay trong lòng cuộc sống tươi vui đang trên đà phát triển và nẩy nở, vẫn song song tồn tại những tệ tục, những khuyết điểm nghiêm trọng luôn luôn tấn công và đe doạ sự phát triển của Cách mạng. Những tệ tục khuyết điểm ấy là những tàn tích của xã hội cũ để lại, hoặc là những hiện tượng mới do trình độ ấu trĩ của Cách mạng mà sinh ra, hoặc là những bệnh tật − theo ý tôi − nó là những bệnh kinh niên của con người của mọi thời đại, những bệnh tật mà loài người còn phải đấu tranh lâu dài lắm mới khắc phục được.Sự phát triển của những tệ tục, những thói hư tật xấu ấy có khi công khai, có khi bí mật, khi tinh vi, khi trắng trợn. Người văn nghệ cần phải thật dũng cảm, cần phải kiên nhẫn đi sâu vào thực tế cuộc sống của quần chúng, mới lật được nó ra trong những ngóc ngách phức tạp của cuộc đời và của tâm hồn con người. Thái độ của nhà văn trước tác phẩm của mình phải là thái độ kiên quyết bảo vệ chân lý. Có như vậy thì nhà văn mới có được lòng yêu thương, giận ghét rành mạch, mới có được nhiệt tình cách mạng đầy đủ để tăng thêm chất đấu tranh cho tác phẩm của mình. Và cũng chỉ có như vậy thì nhà văn mới xứng đáng là người viết sử trung thực của thời đại và người kỹ sư tâm hồn, dùng con mắt của mình rọi chiếu vào mọi góc cạnh bí ẩn nhất của cuộc sống. Ở trên, tôi có nói đến tinh thần dũng cảm của nhà văn. Đúng như vậy, nhà văn nếu muốn làm được cái sứ mệnh phát hiện lên những vấn đề xã hội, tất nhiên không thể nào không phải đương đầu với những sóng gió của cuộc đời, đương cầu với sức phản ứng của những lực lượng phản tiến bộ, có khi ngụy trang dưới hình thức của công lý, và của chính nghĩa.Ngay đến nhà thơ lớn Mai-a-cốp-ski ở Liên Xô, trong một chế độ dân chủ, cũng đã phải phấn đấu vô cùng gian khổ trong bao nhiêu năm với những tập quán, những tệ tục, những điều vu cáo, sỉ nhục của một số người xung quanh để bảo vệ lấy chân lý và bảo vệ những tác phẩm của mình.Ở nước ta, trong 10 năm qua, có thể nói chúng ta đã thiếu cái tinh thần dũng cảm đó. Do chỗ thiếu cái tinh thần dũng cảm đó trước cuộc sống, cho nên chưa nói đến việc phê bình những phía đen tối trong xã hội, ngay đến việc ca ngợi chế độ này, cuộc sống mới này, chúng ta cũng chỉ làm được một cách hời hợt, sơ lược, và công thức. Tiếng nói của chúng ta chẳng những chỉ là tiếng nói một chiều, mà còn là một tiếng nói yếu đuối, vụng về. Cỗ xe văn nghệ thiếu hẳn một bánh xe đi từng bước dò dẫm, khập khểnh trên con đường khúc khuỷu của cách mạng. Biết bao nhiêu lần mỗi khi viết trọn một bài thơ, hoàn thành một tập truyện − tất nhiên cũng có cái thỏa mãn nói được một phần nào cái sự thực tốt đẹp của cuộc sống mới và những con người mới mà chúng ta yêu tha thiết − nhưng chúng ta không khỏi có lúc thấy nặng trĩu trong lòng một nỗi băn khoăn: bài viết hôm nay đã có những gì khác với bài viết hôm qua, đã đề xuất ra được một vấn đề gì mới cần phải suy nghĩ cho những người sẽ đọc chúng ta. Và khi buông bút, trở về với cuộc sống hàng ngày, chúng ta không khỏi thấy một cái gì gần như là một nỗi thất vọng, bực bội với chính mình, thấy rằng hình như chưa nói được những gì đang nóng bỏng trong lòng, những bất bình, những thắc mắc đối với cuộc sống còn nhiều bất công vô lý chung quanh. Nhưng nghĩ như thế nhưng chúng ta vẫn không dám làm, không dám viết như ý nghĩ. Mỗi lúc cầm bút ta lại vẫn không đủ can đảm nói lên sự thực: ngọn bút lại hiền lành đi vào cái nếp một chiều, lắm khi giả tạo, như một con cừu lười biếng quen theo lối cũ.Và cứ như thế, qua tác phẩm của chúng ta, cuộc sống như không có gì đáng băn khoăn nữa cả, trong khi trong lòng chúng ta và ngay trong lòng cuộc sống, bao nhiêu va chạm, xung đột, bao nhiêu lo âu, thắc mắc, đang sục sôi.Những tác phẩm một chiều ấy không thể đi sâu vào lòng quần chúng. Người đọc chép miệng thấy tác phẩm xa lạ với mình. Một mặt khác nó gieo rắc một tâm lý thỏa mãn và dễ dãi đến mức lười biếng, một tâm lý bưng bít và sợ hãi sự thực, tạo điều kiện cho những tệ tục càng mạnh mẽ phát triển trong bóng tối của công luận.Lác đác gần đây trên báo Văn nghệ có thấy đăng một số thơ của Mai-a, truyện của Sê-khốp đả kích những kẻ nịnh hót, đạo đức giả. Rồi đến những mẩu châm biếm nhỏ trong mục Nụ cười. Những "nụ cười" này chỉ mới là những cái cười hiền lành cũng đã gây phản ứng trong một số người đọc. Phản ứng đối với một số bài vở trong Giai phẩm mùa thu và báo Nhân văn càng rộng rãi và kịch liệt hơn. Tôi không nói đến những khuyết điểm bản thân của những nụ cười, và những bài vở đó. Sự phản ứng của một số chúng ta đôi khi hơi khe khắt, thiếu độ lượng, thậm chí đi đến chỗ qui kết, chụp mũ cho nhau chứng tỏ chúng ta đã "mất thói quen" đối với loại văn đó.Theo tôi quan niệm, hiện nay chúng ta cần chú ý nhiều hơn nữa đến yếu tố "phê bình" khi nói đến hiện thực xã hội chủ nghĩa và nên đặt thành vấn đề tranh luận rộng rãi để đi đến chõ thống nhất ý kiến.Về cụ thể, trong tác phẩm chúng ta nên chú ý nhiều hơn đến những hiện tượng đấu tranh tư tưởng trong xã hội, sự xung đột giữa cái cũ và cái mới, cái xấu và cái tốt. Trước đến nay, nhân vật phản diện trong tác phẩm thường chỉ là đế quốc với phong kiến. Còn trong hàng ngũ nhân dân thì cơ hồ như đã đại đoàn kết cả rồi, không còn người nào, không có việc gì cần phê bình công kích nữa. Đó là một trong những nguyên nhân làm cho tác phẩm nào cũng ửng một màu hồng vô tội vạ mà người đọc đã bắt đầu không chịu được nữa.Lại có những trường hợp, trong tác phẩm chúng ta chỉ nêu một hiện tượng xấu, một nhân vật xấu mà không cần giải quyết, không cần xây dựng hướng đi lên, có được không? Điều này gần đây chúng ta đã tranh luận nhiều và còn nhiều ý kiến đang phân tranh. Theo ý của tôi cái đó tùy theo tài năng, cá tính của tác giả và hoàn cảnh xã hội. Nếu bản thân tác giả thấy việc "xây dựng hướng đi lên" ấy giả tạo, gò ép đối với mình, hoặc ngay trong xã hội vấn đề mình đặt ra thực tế còn chưa được giải quyết thì cũng không cần thiết phải có một cái đuôi "vui vẻ cả, dĩ hòa vi quí" cho tác phẩm. Như thế, thì tác dụng giáo dục của tác phẩm sẽ như thế nào? Thiết nghĩ rằng: bất cứ một sự thực nào − dù là một sự thực xấu − khi đã dựng lên được một cách trung thực sinh động và có lý lẽ thì đều có tác dụng giáo dục. Nếu đưa lên một hiện tượng xấu bằng một cách nào đó làm cho người đọc phải phỉ nhổ nó, lên án nó và thấy rằng nó không thể có lý do tồn tại ở xã hội này nữa thì tác phẩm vẫn có tác dụng giáo dục sâu sắc. Loại truyện "đặt vấn đề" và không giải quyết này không ít ở Liên Xô. Một vài truyện ngắn của Ô-vet-kin chúng ta đã được đọc gần đây cũng thuộc về loại này.Ngoài ra, còn có thể phát triển những loại văn thuần túy phê bình và đả kích. Theo ý tôi, vẫn có thể có một nhà thơ yêu tha thiết chế độ, yêu tha thiết cuộc sống này, nhưng suốt đời chỉ làm thơ đả kích, làm nhiệm vụ của "người công an và người y sĩ tinh thần", phòng ngừa những thói bất lương và bệnh tật cho xã hội. Nói như vậy, chúng ta không lo rằng rồi đây sẽ sinh ra một khuynh hướng chỉ toàn đi tìm những ngóc ngách tối tăm của cuộc đời, trong tác phẩm chỉ toàn thấy một giọng đả kích châm biếm. Cuộc sống hiện tại của chúng ta căn bản vẫn là một cuộc sống tốt đẹp, phong phú tình yêu và hy vọng, lớn lao và cũng phức tạp vô cùng, khả năng và cá tính của văn nghệ sĩ chúng ta cũng trăm hình muôn vẻ, mỗi người mỗi khác, nhất thiết chẳng phải vì có năm bảy người đả kích mà không còn ai muốn ca ngợi những phía tốt đẹp của xã hội nữa.Trong vấn đề văn nghệ đả kích còn có một vấn đề phụ thuộc thường làm cho chúng ta suy nghĩ nhiều. Đó là vấn đề thái độ, phương pháp. Thái độ thế nào cho đúng "mức"? Phê bình thế nào cho sâu sắc mà vẫn còn giữ được tình nghĩa bạn bè? Đả kích thế nào để khỏi lầm lẫn giữa ta và địch?Đó là một vấn đề phức tạp và khó khăn cần phải trao đổi nhiều giữa chúng ta. Chỉ có một điều đã gọi là phê bình đả kích thì về mặt thái độ cũng nên cho phép nhà văn được thật rộng rãi. Có điều chỉ đáng phê bình thân ái, vừa nói vừa mỉm cười với nhau, nhưng cũng có những điều cần mỉa mai, châm biếm, gay gắt, đập một cách không thương xót. Cái đó tùy theo trường hợp và tùy theo cá tính của nhà văn.Truyện Sê-khốp có cái mỉa mai chua chát "càng lắng càng đau". Nhưng thơ Mai-a lại có cái khí thế giận dữ, sát phạt, khi Mai-a đánh vào những tên nịnh hót thì ai cũng thấy đó quả là "đánh một cái chết tươi"! Kẻ chết tươi đây không phải là cá nhân ai, nhưng chính là những tệ tục, những thói xấu thù địch của chủ nghĩa cộng sản. Cái khác nhau khi ta đả kích vào "ta" và đả kích vào "địch" cũng là ở chỗ ấy. Đả kích vào ta chỉ là đả kích vào bộ phận, vào cá nhân, vào hiện tượng cá biệt hoặc đột xuất của xã hội ; đả kích vào địch là nhân một trường hợp mà lên án cả một chế độ, một bản chất xã hội.Chúng ta sẽ lại nghĩ nếu phát triển lối văn phê bình và đả kích có sợ địch lợi dụng không? Tất nhiên kẻ địch sẽ không từ chối chộp lấy bất cứ một cơ hội nào để xuyên tạc, vu cáo và nói xấu chế độ ta. Nhưng vấn đề là sự vu cáo, nói xấu của chúng có tác dụng bao nhiêu, có tác dụng thế nào trong quần chúng. Về chỗ này có thể nói rằng nhân dân miền Nam yêu chế độ miền Bắc nhất thiết không phải hoàn toàn chỉ vì họ nghĩ rằng ở miền Bắc tuyệt đối không còn có một tệ tục, một con người nào xấu xa, lầm lỗi nữa. Họ yêu chế độ miền Bắc chủ yếu vì họ tin rằng dưới ánh sáng của chế độ dân chủ nhân dân, xã hội miền Bắc đang đấu tranh để bài trừ mọi tệ tục và cải tạo những người xấu trở nên những người tốt. Còn miền Nam thì trái lại, đó là nơi chế độ phát xít của Mỹ Diệm đang khuyến khích mọi thứ bóc lột, đàn áp, bất công và vô lý, đó là nơi con người càng ngày càng bị đẩy vào trụy lạc, sa ngã, bóng tối đang có đủ điều kiện để chồm lên ngự trị hết mọi ngóc ngách của cuộc đời. Nếu chúng ta phê bình những sai lầm của ta một cách cụ thể, chính xác, quang minh chính đại, thì điều đó chỉ càng chứng tỏ cho mọi người rằng xã hội chúng ta đang lớn mạnh và chế độ chúng ta ngày càng tốt đẹp. Điều đó cũng là điều làm cho chúng ta càng phải suy nghĩ, phải thận trọng mỗi khi cầm bút để làm thế nào cho tác phẩm của chúng ta không trở thành chiếc gậy đánh con chuột nhắt mà làm vỡ cả chiếc lọ quí, trở thành "viên đá tảng của con gấu" vô tình giết chết cả bạn mình.*Vấn đề hiện thực xã hội chủ nghĩa là một vấn đề bao la, rộng rãi, vấn đề phê bình, đả kích cũng là một vấn đề rất lớn cần được tranh luận tập thể và lâu dài.Nhân mấy vấn đề thời sự văn nghệ nóng hổi, và cũng nhân một số băn khoăn cá nhân tôi xin trình bày lên ở đây một số ý kiến lẻ tẻ, chưa đủ điều kiện sắp xếp thành lý luận, tạm gọi là nêu thắc mắc và đặt vấn đề. Mong các bạn chung quanh có nhiều kinh nghiệm hơn, cùng góp ý kiến.Nguồn: Báo Văn nghệ, Hà Nội, s. 142 (11.10.1956), tr. 7, 9. Lại Nguyên Ân biên soạn.==



==


Huy Phương
Đêm cuối năm của nhà thơ họ Đỗ
(truyện ngắn)

Mến tặng những bạn đã từng biết những lần dũng cảm “lại bắt đầu”

Lần này nữa không biết là lần thứ bao nhiêu - nhưng chắc là lần cuối cùng trong một năm - người thi sĩ già họ Đỗ lại ngồi vào bàn viết. Chiếc đèn trên bàn viết, cũng như mọi ngày, vẫn cúi cái lưng kiên nhẫn soi xuống tờ giấy trắng trước mặt gã. Nhưng hôm nay sao gã thấy tờ giấy rộng mênh mông một cách khác thường, và ánh đèn trăm nến quen thuộc ấy cũng lạnh lẽo một cách khác thường. Tất cả cái thứ mênh mông lạnh lùng ấy làm cho gã như ngợp đi, chơi vơi trong một cảm giác bàng hoàng, mỏi mệt…

Minh hoạ của Bùi Xuân Phái
Nhưng gã nhất định chấm ngòi bút vào lọ mực viết mấy chữ đầu tiên lên trang giấy. Vì gã biết nếu đêm nay gã không nhất định viết thì gã không bao giờ còn có cái can đảm lại bắt đầu nữa. Nhưng nắn nót viết xong cái đầu đề lên trang giấy, gã lại thấy bực bội, hối hận như vừa làm xong một việc hấp tấp, liều lĩnh. Ôi! Một năm nay biết bao nhiêu lần gã đã từng viết những cái đầu đề trịnh trọng như vậy lên trang giấy! Để rồi lại xoá đi, xoá đi rồi lại viết, mà những bài thơ gã dự định làm vẫn mãi mãi chỉ là… những cái đầu đề dự định!

Gã đặt bút xuống bàn và như lệ thường, chống tay lên thái dương mắt lim dim nhìn ra khung cửa sổ. Ngày xưa những lúc thấy khó viết, gã vẫn thường có cái thói quen (đã trở thành kinh nghiệm) ngồi đợi cảm hứng như vậy.

Nhưng lần này, ngồi lim dim mắt nhìn qua khung cửa sổ, gã chỉ thấy tâm hồn mình càng lênh bênh, trăm mối dọc ngang, truớc đêm tối mênh mông. Trong ánh đèn chiếu hắt qua cửa sổ, mưa phùn đổ xuống, trông như một lớp sương bạc bồng bềnh. Một thứ buồn khó tả như làn mưa bụi nhè nhẹ thấm vào lòng nhà thơ họ Đỗ và gã bất giác cất tiếng thở dài.

Mưa phùn đã rây bụi, là một năm sắp qua. Thế là đời gã sắp nặng thêm một tuổi. Gã nhớ những thuở còn trẻ tuổi, mỗi mùa xuân đến là mỗi lần làm cho gã như cảm thấy mình càng khoẻ hơn, khối óc chắc hơn và ngòi bút cũng càng sắc thêm. Gã chờ mùa xuân như một kẻ si tình chờ đón người yêu. Vì với gã, mùa xuân có nghĩa là một sự bắt đầu, có nghĩa là một năm sắp đến, với bao nhiêu tác phẩm mà gã sẽ ném tung vào đời như những đàn chim mỗi năm qua, lại càng vững cánh chắc lông…

Nhưng trong cái đêm cuối năm hôm nay, sao gã lại thấy ngậm ngùi. Mùa xuân của đất trời đang đến, sao gã chỉ có cái cảm giác xót xa như bao nhiêu những mầm non tươi đẹp nhất trong lòng gã đang theo những cái đêm cuối cùng của một năm từ biệt gã mà ra đi. Cái cảm giác ấy, thực ra chỉ hơn một năm nay gã mới dần dần cảm thấy, một ngày một thấm thía hơn. Không, gã biết chắc rằng sức sống trong người gã không phải đã hoàn toàn khô cạn. Gã vẫn thường tự nhắc với mình câu nói của Ê-ren-bua:

“Con người mỗi lúc mỗi già, tình cảm và sức khoẻ suy nhược đi… nhưng riêng nhà văn, nhà văn không hề biết tuổi già…”. Và mấy năm trời nay gã tin như thế. Một người đã từng vào sinh ra tử hơn hai mươi năm như gã trong nghề thơ, dễ đâu mỗi một lúc mà buông cán bút đầu hàng trước cuộc đời!

Nhưng hôm nay, trong cái đêm cuối năm này, sao câu nói của Ê-ren-bua chẳng những không làm cho gã phấn khởi mà chỉ càng làm cho gã chua xót, như một câu an ủi vô tình của một người bạn quá độ lượng và xã giao.

Lòng tin của gã thực đã mềm yếu đi từ một năm nay rồi ư? Tấm nhiệt tình của gã đối với cuộc đời thực đã suy yếu hẳn đi rồi ư? Thật quả gã chưa đủ sức để tìm ngay được chân lý trong một lúc này, nhưng gã mang máng thấy nhất định chưa phải là như thế. Suốt một năm nay, gã không viết được một dòng nào, không phải vì gã đã mất cái đức tính cần cù, nhẫn nại của hai mươi năm làm thơ đã qua. Càng không phải gã không còn giữ được tình yêu tha thiết đối với con người, đối với cuộc đời như trước nữa. Gã thấy rõ rằng nhất định không phải vì như thế.

Nhưng chính trong lúc này, ngồi đây, cố sức lục lọi tất cả những ngóc ngách của cái tâm hồn phức tạp của gã, gã cũng không thể nào tìm được cái nguyên do gì đã làm cho gã không viết được dễ dàng như trước nữa. Gã đi tìm cái nguyên do bí ẩn đó đã dằn vặt, hành hạ gã suốt một năm nay như anh chàng Sác-lô đi tìm hạnh phúc, mênh mông biển trời, càng đi xa càng lạc lối…

Gã chỉ biết chưa bao giờ gã sống những ngày căng thẳng, chưa bao giờ trong con người của gã lại có nhiều xao động như trong một năm vừa qua. Những biến chuyển lớn lao, những sự việc vĩ đại của cái năm 1956 này như một cơn gió lốc thổi tung tất cả những lần cửa thâm nghiêm của cái tâm hồn vốn giàu nghị lực của gã, và làm rung chuyển tất cả những gì sâu kín nhất trong con người gã. Bây giờ nghĩ lại những ngày đã qua ấy gã còn cái bàng hoàng ngơ ngác của một người vừa vượt qua một cơn giông bão bất ngờ…

Thực ra, ở cái tuổi của gã, cuộc đời chẳng có cái gì đáng gọi là bí ẩn hoặc khó hiểu nữa. Gã đã sống gần nửa đời người trong chế độ của thằng Tây… Cái quãng đời ấy không hề làm cho gã phải hối hận. Trái lại gã cho rằng chính cái quãng đời rẫy rụa để mà sống ấy đã đẽo sắc cái nhìn của gã, đã cho gã biết rõ nhân tình thế thái, hiểu thế nào là những cái buồn cháy ruột, những nỗi tủi nhục ê chề, làm cho tình cảm trong con người của gã càng phong phú, già dặn hơn.

Gã nhớ lại cái ngày gã ra đời bằng cái nghề kế toán ở một sở Lục lộ nọ. Trong cái xã hội đen bạc ấy, gã cho cái nghề nhỏ mọn của mình là một nghề thanh bạch, ngoài vòng cương toả. Huống hồ gì gã lại còn vừa làm việc vừa viết báo, làm thơ. Viết báo để chửi đời, làm thơ để gửi gắm cái tâm sự u uất của mình. Thơ gã không xuất sắc lắm, nhưng cũng đăng hết báo này sang báo khác, ba kỳ cũng chẳng ai lạ gì cái tên nhà thơ họ Đỗ. Và gã cho rằng như vậy là đã thừa sức hơn đời. Những lúc cao hứng, trước mặt vợ con và các bạn bè đồng sự thân tín, gã thường tự ví mình như Cao Bá Quát. Tuy rằng không có cái khí phách khởi binh làm việc nghĩa như Chu Thấn, nhưng ít nhất cùng giữ được cho mình cái chí khí của một nhà thơ chân chính. Cái lối sống “kẻ sĩ”của gã đưa đến cái kết quả là gã bị mất việc và phải về làm thầy giáo hồ lơ ở một huyện xép. Giữa lúc cuộc đời của gã tưởng chừng như đã rơi vào chốn u tì, không còn hi vọng gì nữa thì cách mạng bùng nổ. Gã vác bút đi tham gia cách mạng. Gã gặp cách mạng chẳng khác gì hàn sĩ gặp hộ rồng mây: mười năm kháng chiến, lúc phong trần, khi vinh hiển, dù có những phen áo một manh, quần một chiếc, xót dạ ăn rau trừ bữa, lội suối trèo đèo, gã vẫn một lòng một dạ trung thành với lý tưởng.

Lúc bấy giờ, gã làm công tác ở một cơ quan tuyên truyền nọ, vừa lãnh đạo phong trào, vừa sáng tác. Thơ gã làm ra, chính gã cũng không lấy gì làm hài lòng cho lắm. So với trước, gã xét ra tuy có thạo tay, dễ viết hơn: một việc đóng thuế, một câu chuyện dân công… cái gì phút chốc cũng có thể thành thơ tất cả. Nhưng không khỏi có lúc gã đột nhiên thấy có một cái gì vướng mắc trong lòng, có một cái gì gượng gạo trên lời thơ. Thậm chí có khi đọc thơ mình gã lại có cái cảm tưởng như đọc thơ ai, chẳng phải là mình. Nhưng rồi gã lại tự nhủ:

“Ôi! Chẳng qua đó là cái nghiệp chướng còn xui ta lưu luyến những tàn tích cũ, phải đấu tranh vứt bỏ nó đi!”

Thế rồi gã đấu tranh được, vất bỏ được những tàn tích cũ. Gã sống những ngày thư thái, thấy như trên đời này không có điều gì đáng phải suy nghĩ, phải băn khoăn nữa. Thấy những cấp lãnh đạo khen gã “lập trường dứt khoát… thơ phục vụ được phong trào”, mỗi ngày mỗi được trên “tín nhiệm”, giao cho nhiều trọng trách, gã thấy mình quả là sung sướng hầu như đã đạt được mọi ý nguyện bình sinh.

Mười năm kháng chiến và một năm hoà bình, chầy chật, vất vả rồi cũng qua. Tóc gã đã hoa râm, sức đã yếu, chân thận cũng đã suy, đêm thức khuya đã thấy nhức lưng lắm rồi. Nhưng nhìn vào cuộc đời xung quanh gã thấy toàn một cảnh tượng “bốn bề âu ca thái bình”, con đường đi đến tương lai toàn là một vẻ “thênh thang tám thước” chỉ đi là đến. Và lòng gã nhẹ lâng lâng, vô cùng lạc thú, cơ hồ không có gì đáng phải băn khoăn nữa.

Thế mà không ngờ cái tâm hồn yên tĩnh của gã giữa cái tuổi 50 này lại phải trải qua một trận biến thiên như thế này nữa.

Đầu năm nay, gã được cơ quan phái đi cải cách. Hôm ra đi, vị đại diện cơ quan ân cần căn dặn: đi là một cơ hội tốt để lấy tài liệu sáng tác, nhưng chủ yếu là để cải tạo tư tưởng. Đã hai thứ tóc trên đầu mà lại còn phải đi “cải tạo”, gã không lấy gì làm phấn khởi. Nhưng nghĩ đến ý thức tổ chức, nghĩ đến nhiệm vụ vĩ đại mà cấp trên giao cho, gã lại hăng hái từ biệt vợ và bà con lên đường. Bốn tháng ở nông thôn, tuy công tác không có gì xuất sắc, nhưng gã tự xét đã tận tuỵ làm tròn nhiệm vụ. Sổ tay sáng tác của gã cũng chẳng ghi được một dòng nào. Nhưng gã kiêu hãnh vì đã làm đúng như lời dặn của cấp trên: cải tạo tư tưởng là chính. Gã còn kiêu hãnh vì được tham gia một trận đấu tranh long trời lở đất chưa từng có trong lịch sử mà gã là một chiến sĩ trong đoàn quân chiến đấu. Gã lại còn kiêu hãnh được sống những phút cảm động chưa từng có trong đời gã. Ôi, biết bao nhiêu lần gã đã rơi nước mắt khi dự những buổi tố khổ của nông dân, bao nhiêu lần gã đã bồi hồi xúc động khi đi ba cùng với cốt cán. Tất cả những cảm xúc mới mẻ ấy làm cho gã thấy con người của mình gắn bó với cuộc đời, với cách mạng hơn lên. Nhưng một mặt cũng làm cho gã ngợp đi, cuộc sống vươn lên những chiều vĩ đại quá tầm con mắt bé nhỏ của gã…Và cứ như thế, dù không ghi được một dòng tài liệu nào (gã tự nhủ: ghi làm thế nào cho chứa hết được tất cả cái vĩ đại và thiêng liêng của cuộc đời!) gã vẫn thấy trong lòng vô cùng yên ổn. Có những đêm không ngủ, gã nằm lơ mơ nghĩ đến bài thơ thật là vĩ đại ca ngợi những cái vĩ đại của cách mạng mà gã sẽ viết gần đây… Gã phấn khởi sống với mộng tưởng êm đềm ấy.

Nhưng đùng một cái giữa bước ba đợt công tác, gã đọc báo và lần đầu tiên được biết những tin tức về đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng Sản Liên Xô. Lão bồi hồi đọc những nhận định của đại hội về Stalin. Bình sinh, đó là lần đầu tiên gã thấy có một sự đổ vỡ trong lòng. Chẳng phải chỉ là bàng hoàng, kinh ngạc, gã còn thấy đau xót như có ai đó xúc phạm đến ngay chính con người của gã. Ôi! Stalin vĩ đại đến như thế mà còn có sai lầm, thì đến cái thân phận bé nhỏ như của gã thì phỏng còn có nghĩa lý gì ở trong trời đất?

Mang cái tâm sự ngậm ngùi ấy, nhà thơ họ Đỗ trở về cơ quan. Chân ướt chân ráo gã bước vào trụ sở, tay bắt mặt mừng, chuyện đấu tranh anh dũng chưa kịp giở ra, một anh bạn đã chỉ ngay vào cái huy hiệu gã đeo ở ngực mà quắc mắt cười:

“Đánh bao nhiêu người, bắt bao nhiêu người, khai thực với anh em rồi anh em tha cho!”

Câu nói đùa của ông bạn làm gã giận tái người đi. Nhưng gã vẫn mỉm cười, kiêu hãnh nghĩ thầm:

“Bốn tháng long trời lở đất, chúng nó ngồi đáy giếng đâu biết được trời cao.”

Nhưng thái độ quân tử của gã cũng không đi đến đâu hết, và sự thực vẫn cứ nhất định là sự thực. Khắp nơi người ta bàn tán xôn xao về những sai lầm của đợt 5 cải cách ruộng đất. Gã đi chỗ này chỗ khác lắng nghe, ngạc nhiên như nghe những chuyện cổ tích ly kỳ, vô cùng mới lạ…

Nói của đáng tội, thực ra cái cảm tính của một nhà thơ lâu năm như gã không phải là không nhạy thính. Ngày còn ở xã, chính gã cũng đã đôi khi cảm thấy có những điều “không được tốt”, những điều ngang trái. Nhưng gần mười năm nay, gã đã trót vô tình tạo lấy cho mình cái triết lý lạc quan không điều kiện, phục tùng vô điều kiện (ôi! biết bao nhiêu là thứ tuyệt đối vô điều kiện trong đời gã!) mất rồi! Gã sợ phải thấy cái xấu, sợ suy nghĩ, sợ động chạm, sợ đổ vỡ. Gã như người đi đêm, nơm nớp không dám quay lại đằng sau, luôn luôn sợ một bóng ma hiện hình trong bóng tối. Gã như con đà điểu chui đầu vào hốc đá khỏi nhìn thấy những cảnh đau lòng xảy ra trước mắt.

Minh hoạ của Bùi Xuân Phái
Và lúc này đây, khi sự thực đã trở nên hiển nhiên trước mắt, bên tai gã, sau cái phút choáng váng đã qua, gã bỗng vụt thấy hằn học như có ai lừa dối gã, có ai chơi xỏ gã, và cả cái cuộc đời “âu ca thái bình” này xưa nay vẫn hiền lành, phúc đức đối với gã nay cũng vùng cả dậy để xoay gã, không còn chiều ý gã một tý nào nữa. Lần thứ hai, gã lại thấy có một cái gì rạn vỡ trong lòng. Những đêm không ngủ, gã ngồi trước bàn viết, không viết nổi một dòng. Gã cầm bút mà có cái chán ngán của người thí sinh trước giờ đánh chuông, hết hạn nộp bài, thử lại một cách tuyệt vọng bài tính đã biết là sai bét của mình. Gã biết rõ rệt với cái lối nhìn đời tươi đẹp vô điều kiện của gã, bài thơ vĩ đại của gã về cải cách ruộng đất tuy chưa viết cũng đã căn bản thất bại rồi!

Giữa lúc ấy, những tin ở đâu trên thế giới ùn ùn kéo về, thế sự mỗi ngày chừng lại thêm rắc rối. Gã cố làm ra vẻ bình tĩnh nhưng thật trong thâm tâm, gã chưa bao giờ thấy bối rối bằng lúc này. Gã ít nói, nét mặt lầm lì, bí mật. Nhưng thực ra, gã không lúc nào ngồi yên được một chỗ, trong bụng dạ như có cái gì rạm rực, không ra buồn, cũng không ra lo, một thứ sốt ruột vô duyên cớ. Trước kia, muốn quên sự đời gã thường vùi đầu vào sách. Bây giờ gã nhìn vào sách như để nhìn quảng cáo, chữ nghĩa loang loáng truớc mắt, nhạt nhẽo vô vị lạ thường. Đêm đêm gã lại kiên nhẫn ngồi vào bàn viết làm thơ… Không viết về cải cách ruộng đất thì gã đã có sẵn trong óc từ một năm nay hàng chục đề tài khác nhau, nào là đấu tranh thống nhất, nào là kiến thiết miền Bắc… và cả sự ái tình thơ mộng nữa, đề tài nào cũng phơi phới hướng đi lên, phấn khởi và quyến rũ như nhau. Nhưng cái hồn thơ của gã dạo này nó bất thường như một chiếc săm xe đạp hỏng van. Cảm xúc dồn dập, ứ đầy là như thế, nhưng cứ hễ gã cầm bút định viết thì vụt một cái nó đã xẹp đi và tiêu tan đi đằng nào tất cả. Nhưng dòng chữ dập xoá chết ngay trên trang giấy như những cái thai non ngày non tháng. Gã có cái cảm tưởng trong tâm hồn gã như có một cái gì khập khễnh, một cái gì thiếu hụt… Cái gì ấy, gã nghĩ mãi vẫn không hiểu được nó là cái gì.

Cứ như thế gã sống những ngày dằn vặt, khổ sở, mắt sâu, má tọp hẳn đi. Đêm đêm vợ gã giật mình thức giấc hoảng hốt thấy chồng ú ớ nói mê, miệng lầm bầm những câu nói kỳ dị chẳng rõ là đọc thơ, hay cãi cọ với ai… Và gã nhất định không đi đâu, ngoài hai buổi đến cơ quan. Hễ về đến nhà là gã đóng chặt cửa buồng nằm sù sụ một mình trên chiếc ghế vải, y hệt một cuồng sĩ xa lánh cuộc đời.

Nhưng cuộc đời không buông tha gã. Cuộc đời đến đấm cửa buồng gã, đấm vào mắt, vào tai, dựng gã dậy. Gã đọc tất cả các thứ báo, chăm chú ngấu nghiến như một người bệnh thèm ăn của độc. Những bài phê bình, tranh luận trên báo làm gã lặng người đi. Nhưng dạo này, đã quen với những “biến cố” ở trên đời, gã đã bình tĩnh hơn – gã lẩm nhẩm lý luận để tự xác định cho mình một thái độ. Từ ngày cảm thấy cái triết lý “lạc quan vô điều kiện” của gã lung lay quá lắm rồi, gã đã bắt đầu tập suy nghĩ, tập lý luận một cách “tự lực cánh sinh” như thế. Nhưng lý luận cũng không đưa gã đến một chân lý nào hết. Gã thấy ghét cả những người làm ra sai lầm lẫn những người phê bình sai lầm.

“Ôi! Làm sai lầm là xấu, những nỡ đem khuyết điểm mà bô bô lên trên báo thế kia thì còn xấu gấp mười.”

Gã ghét cả đôi bên, vì gã cho rằng hai bên đều làm cho cuộc đời trở nên xấu xa, rắc rối; cả hai cùng là thủ phạm làm tổn thương đến cái triết lý lạc quan tuyệt đối cao thượng của gã. Và với cái ý nghĩ ấy gã chép miệng tự đặt cho mình một lập trường “ngoài vòng cương toả chân cao thấp” mà lúc này gã cho là hợp thời hơn bao giờ hết.

Khốn nỗi cái “lập trường” ấy của gã cũng chả đứng vững được bao lâu. Vì trong khi gã “ngoài vòng” như thế thì những người xung quanh gã vẫn cãi nhau, vẫn làm thơ. Ừ thì họ cãi nhau mặc họ. Họ bàn trăm hoa đua nở cũng mặc họ (cái năm làm thơ này của gã chỉ mong được một hoa cũng là quá đủ rồi!) Nhưng cứ nghĩ rằng trong khi gã đang bí như trẻ con ăn phải chuối chát như thế, mà thiên hạ vẫn có thể nhơn nhơn làm thơ như bổ củi thì gã không tài nào chịu được. Mà làm thơ thế nào? Toàn là một loạt thơ không vần, thơ tự do, thơ leo thang cứ rối như nếp lộn tẻ, rặt là một giọng thơ ngông nghênh, bố láo, xem trời bằng vung! Thế mà gọi là trăm hoa ư? Thế mà gọi là hiện thực phê bình ư? Mệt quá, mệt quá lắm. Thà rằng cứ một hoa, cứ văn nghệ một chiều, cứ là “tô hồng” như cũ, cứ sùng bái cá nhân cho nó đơn giản cái sự đời!

Và ghét thơ, ghét cả đến người, gã đâm ra giận cá chém thớt. Gã chưa lúc nào dám nói ra miệng – ôi chào, bây giờ cái phong trào nó thế, được mưa thì cóc nhái gẩy đàn – nhưng trong thâm tâm, gã chúa ghét mấy cái thằng làm thơ ít tuổi nhâng nháo ấy. Cái sắp trẻ tuổi ấy đi đến đâu thì ăn to, nói bạo, hoa chân, múa tay, toàn một bọn lấc cấc “vào chùa gọi bụt bằng anh”, cơ hồ chẳng còn biết kiêng nể ai! Nói của đáng tội, cũng có khi gã thấy thinh thích cái lối ăn thật nói thẳng của chúng nó. Chúng nó bây giờ sống như cái mũi tên bắn ra khỏi dây là cứ lao đi vun vút, chẳng đắn đo e dè gì cả. Gã vẫn nghĩ: giá như được sống như thế thì mới thật là thoả chí. Nhưng rồi suy hơn tính thiệt, nhất là lúc ngồi vào bàn, vợ kêu con khóc, thơ chẳng viết thành câu, gã lại cáu với chúng nó, gã tự nhủ:

“Không, không thể được, chúng nó còn trẻ. Mà tuổi trẻ thường thì khinh bạc, xốc nổi, phũ phàng. Ta không thể bắt chước chúng nó được.”

Hừ, đành rằng bây giờ như sức gã mà mơ tưởng viết nên những cái gì thật là vĩ đại ca ngợi cho hết cái vĩ đại của cuộc đời, thì nghĩ cho cùng tay với cũng chẳng đến nơi nữa. Nhưng mà lại hạ mình đi theo thời thượng làm thơ triết lý, thơ tư tưởng, thậm chí lại còn những là phê bình với đả kích thì thôi thôi, thà rằng không viết lách gì nữa thì thôi. Chẳng gì gã cũng đã hai thứ tóc trên đầu, mang trên vai hơn hai mươi năm sáng tác, theo đuôi “chúng nó” thì còn ra cái thể thống gì.

Nhưng thế tất gã cũng phải có một con đường thứ ba chứ? Con đường thứ ba ấy là gì?

Người thi sĩ già họ Đỗ, trong cái đêm cuối cùng của một năm này, vẫn chưa tìm ra được câu trả lời cho cái câu hỏi nó đang định đoạt cả một cuộc đời sáng tác của gã.

Nhưng lần đầu tiên, hôm nay gã đã thấy rõ ràng rằng nếp sống, nếp nghĩ, nếp cảm xúc và cả con đường nghệ thuật của gã ngày mai không thể giống như hôm qua nữa. Nó không thể là con đường ve kêu, chim hót êm đềm, bằng phẳng, rợp bóng mát của chính sách và “ấm áp ánh mặt trời của vị thủ trưởng” nữa. Ôi! Từ giã nếp tâm hồn cố hữu, từ giã con đường cũ thân yêu ấy, một lần này nữa, gã không thể nào không thấy lòng đau như cắt, không thể nào không bàng hoàng như vừa trong gian phòng kín cửa bước ra giữa ánh mặt trời, đột nhiên thấy mình quá đỗi tự do, quá đỗi bơ vơ và lạc lõng.

Nhưng dầu sao, trong đêm nay gã đã thấy từ đây gã không thể nào sống dễ dãi như trong mười năm qua được nữa. Chính gã, vâng chính gã, một khi hiểu rõ mình, gã cũng đã thấy chán ngán với tất cả các thứ “tuyệt đối vô điều kiện” nó đã ràng buộc gã trong bao nhiêu lâu. Cái triết lý đơn sơ và dễ dãi ấy đã cho gã được sống bao nhiêu năm trờì mơ ước êm đềm quyến rũ. Chính những mơ ước ấy thực cũng đã góp phần nâng đỡ cho hai bàn chân gã đủ sức bước theo cách mạng. Thực cũng đã đem đến cho gã nhiều ước vọng khao khát làm cho cuộc đời của gã so với cuộc đời tẻ nhạt, ngạt thở xưa kia, trở nên đáng sống và đẹp đẽ gấp nghìn lần. Tin tưởng đã cho gã sức mạnh và làm cho gã lớn lên. Nhưng một mặt khác chính lòng tin một chiều, lâu ngày trở nên một thứ mê tín ấy đã làm cho gã bé đi và gây cho gã một tâm lý lười biếng, ỷ lại. Gã bước theo cuộc đời, như một chú bé ngoan nắm vạt áo mẹ hiền. Là một nhà thơ, “kỹ sư của tâm hồn”, gã đã biến thành một người cung văn ê a chỉ ca ngợi cuộc đời một cách vô tư dễ dãi.

Ôi trong cái đêm cuối cùng của cái năm thứ năm mươi của đời gã, cái chân lý ấy đến với gã một cách đột ngột làm sao! Gã thấy hình như gã đã khám phá được nguyên nhân những khó khăn của mình trong sáng tác hơn một năm gần đây. Đó là sự mâu thuẫn giữa sự thực của cuộc đời với cái triết lý quá đơn sơ của gã, cái nhìn sai lệch của gã trước cuộc đời. Và cái điều thiếu hụt mà gã thường cảm thấy từ lâu trong con người của gã phải chăng đó chính là lòng tự tin, tự mình làm chủ lấy mình, dám suy nghĩ, dám phê phán, dám nói lên những tiếng nói sâu kín nhất của lòng mình, nói lên sự thực để góp phần tích cực vào cuộc đời.

Điều khám phá ấy làm cho gã ngậm ngùi xót xa. Lại bắt đầu một nếp sống, bắt đầu xây dựng một tâm hồn vào cái tuổi năm mươi này, điều đó có thể nào không làm gã buồn cho được. Nhưng đồng thời gã cũng thấy tràn ngập trong lòng một niềm tự hào, kiêu hãnh, gã tự nhủ:

“Bắt đầu cuộc đời vào tuổi hai mươi chỉ là một việc thường tình. Lại bắt đầu cuộc đời vào tuổi năm mươi, đó mới là dũng cảm.”

Và tự nhiên gã cảm thấy mình quả là dũng cảm. Câu nói của Ê-ren-bua: “Người viết văn không biết tuổi già…” lúc này dội lên kiêu hãnh trong lòng gã, và gã thấy như đó là lời nói của chính mình.


Ngoài cửa sổ mưa mùa xuân vẫn đổ bụi một màu trắng bạc. Nhà thơ họ Đỗ nhìn đồng hồ, kim đã chỉ 4 giờ sáng. Cái đêm cuối năm này sao mà ngắn ngủi lạ. Trên bàn viết, tờ giấy vẫn trơ trọi một giòng chữ “Bài thơ cuối năm”; cái đầu đề tô đậm nét hằn lên trang giấy như một rặng núi giữa chân trời bao la.

Nhưng lúc này gã không thấy trong lòng còn có cái cảm giác chênh vênh, mờ mịt nữa.

Gã đã có một cái nhìn mới đối với cuộc đời, một thái độ mới đối với chính con người của gã. Cái “triết lý” mới ấy của gã chưa có gì là rõ rệt, chỉ mới mờ nhạt như ánh bình minh một đêm về sáng, nhưng cũng đủ để cho gã yên tâm và tìm một hướng đi ngày mai.

Bài thơ cuối năm của gã trong cái đêm cuối năm này vẫn chỉ là một dòng chữ trên giấy, như một con tàu cạn nước nằm trơ trên bãi. Nhưng gã đã bắt đầu cảm thấy tâm hồn gã phơi phơi, dập dồn cái hơi thở rạo rực của biển khơi. Ôi! Đã lâu lắm hôm nay gã mới thấy tâm hồn mình có cái say sưa rạo rực hôm nay.

Bài thơ cuối năm đã chết trên tờ giấy. Nhưng những bài thơ của một năm sắp đến, gã đã thấy như đang bắt đầu trong tâm hồn gã. Gã tắt đèn, đi ra ngoài hiên. Một thứ hương trầm quyện trong gió sớm làm cho gã nhớ đến cái tết trước mắt.

Một năm sắp bắt đầu. Người thi sĩ già ấy đưa bàn tay gầy gò lên vuốt nhẹ làn tóc hoa râm, và như thấy mình trẻ lại một nửa cuộc đời trong buổi sáng đầu tiên báo hiệu mùa xuân này.

Một đêm cuối năm
Nguồn: Sách Tết 1957, Nhà xuất bản Minh Đức, 1957

==

No comments: