Sunday, January 25, 2009

261. TÁC PHẨM TRẦN Y DU

3. NHÂN VĂN SỐ 2 * PHẦN II




Trần Y Du
Địa ngục miền Nam [3]

1. Mùa tựu trường đã đến. Ở miền Nam cũng có mùa tựu trường, nhưng đa số học sinh không có trường đề tề tựu.

Một tờ báo Sài Gòn than: Trên 80% học trò bậc tiểu học bị loại trước ngưỡng cửa trung học – và một số đông các em từ 7 đến 14 tuổi chỉ lo giúp đỡ cha mẹ trong các việc lặt vặt, hoặc đi chơi giỡn ngoài đường không biết làm gì cả, hầu hết đều không biết…!

Một tờ báo khác viết: Có trường để học! Có lớp để học! Nửa vạn học sinh nghèo Cần Thơ đang mong đợi! Đó là tiếng kêu tha thiết của đa số thiếu niên, đó là nhu cầu cấp bách không thua các thứ nhu cầu khác của cơ thể.

Diệm nghe những tiếng kêu ấy chắc nghĩ bụng: “Quái! Thế xây thêm nhà tù, và các trại giam tập trung không phải là nhu cầu cấp bách à?”


2. Lại nói đến chuyện thanh niên học sinh. Một cô giáo phải kêu: Vào lớp giảng bài, chúng có thèm nghe đâu, cứ lén lút đọc những thơ tình.

Ở những góc phố người ta hiếp một em bé lên chín… em bé chết, giết người giữa ban ngày, cướp ô tô, bắn súng lục v.v…

Báo Lẽ sống viết: “Ảnh hưởng tai hại của những loại sách ba xu ca tụng những ái tình lãng mạn của phim ảnh khiêu dâm, loã thể khoái lạc những cái hôn nồng cháy trên màn ảnh, khiến các học sinh bắt chước rập khuôn trên màn ảnh những cao bồi, đã tạo nên nạn cao bồi lô-can ngoài phố quấy rối xóm giềng…”

Diệm trông thấy và hốt hoảng kêu: Đó, tàn tích thực dân phong kiến thối nát sau tám mươi năm đô hộ…

Đế quốc? Phong kiến? Đồng ý – Nhưng Diệm chỉ còn quên có Diệm thôi!


3. Ông Nguyễn Xuân Hách ở xóm Bình Địa (Phú Nhuận) mới 9 giờ tối, hai tên lạ mặt xông vào nhà bắn ông ngã gục, “viên đạn trúng vào vai ông Hách trổ ra ngoài ghim vào vách. Sau khi thi hành thủ đoạn, hai hung thủ tẩu thoát trong bóng tối”.

Các báo đăng chữ lớn: Án mạng rùng rợn! Một thiếu phụ bị thọc cây vào họng chết thê thảm!

Bà Hoàng Thị Khoá chủ đại lý Rượu Nam Hương giữa đêm bị kẻ lạ mặt đâm trúng ngực!

Một ngôi nhà số 33 đường Nguyễn Huệ, cạnh đội võ trang tuyên truyền của Diệm đã bị cướp kéo vào nhà đâm chết hai người và hai người bị thương!

Cướp đeo mặt nạ, có bọn trang bị bằng tiểu liên chặn cả một chuyến xe đi cướp của hành khách.

Nhà 509 Phan Đình Phùng giữa ban ngày bị cướp liệng lựa đạn hoả mù vào nhà để cướp - ở 1 phố đông một thiếu nữ bị bắt cóc lên tắc-xi lột hết nữ trang - một thiếu nữ khác bị hiếp và hai nhát dao “kết liễu”!

Ăn cắp ôtô có tổ chức như ở Xi-ca-gô.

Diệm lại kêu: Đó là tại tàn tích của thực dân phong kiến.

Đồng ý! Nhưng ở đây Diệm lại chỉ còn quên có Diệm thôi!


4. Diệm nghĩ mọi cách để bảo vệ “thuần phong mỹ tục” phát triển những truyền thống tốt đẹp!

Có đưa ra mấy phương pháp: Chính quyền cấm lưu hành những hình ảnh loã thể! Nhưng sách báo và phim Mỹ lại nhiều những thứ ấy. Thế là một mâu thuẫn.

Cấm chiếu phim cao bồi và tiêu diệt nạn cao bồi… Nhưng phim cao bồi lại là của Mỹ.

Thế là hai mâu thuẫn.

Phát triển văn hoá lành mạnh, nhưng báo Lẽ sống lại viết: vì thiếu điều kiện và phương tiện hơn nữa ít sự nâng đỡ cho nên việc xuất bản sách báo ấy cũng chết dần chết mòn!

Ở miền Nam chỉ còn hai thứ mà Ngô Đình Diệm không thể chết dần, chết mòn được: đó là đế quốc Mỹ và Ngô Đình Diệm.

==


Y Du
Địa ngục miền Nam [11]

Quốc hồn quốc tuý

Ngày 26 tháng 10, Diệm sẽ tổ chức ở miền Nam lễ kỷ niệm tết Cộng hoà có ăn chơi, có đại biểu các nước, có duyệt binh đủ cả hải, lục, không quân. Nhưng ăn chơi thì ăn chơi lối Mỹ. Đại biểu thì đại biểu Mỹ, duyệt binh thì binh lối Mỹ... và hải, lục, không quân thì cũng của Mỹ nốt.

Như thế e rằng là không có tính chất dân tộc độc lập chăng? Vắt óc ra, Diệm chợt nhớ đến cái áo dài đen. Nó là “nghi thức cổ truyền thích hợp để tỏ lòng ngưỡng mộ và suy tôn các anh hùng cứu quốc!!!”

Các vị anh hùng cứu quốc nằm trong các lăng tẩm đền điện chỉ vào Diệm đồng thanh quát lớn:

"Thằng phản quốc đừng bán đứng tên tao!"

"... Mặc bộ quốc phục uy nghi người dân sẽ có dịp nhớ lại nguồn gốc của mình, tưởng niệm đến ông cha, nhớ ơn các vị anh hùng liệt sĩ, đã gây dựng nên giang sơn tươi đẹp ngày nay!!!"

Phạm Quỳnh nghe thấy hiện về bảo Ngô Đình Diệm:

"Ngài ăn nói quả có khéo hơn tôi thật!"

Đài Sài Gòn của Diệm còn triết lý:

“Âu phục tuy có gọn ghẽ, thuận tiện, nhưng chưa thể đánh đổ được bộ quần áo dài của ta... Vì với tinh thần yêu nước tha thiết, người Việt Nam lúc nào cũng tôn trọng những cái gì là Quốc hồn quốc tuý của mình, kể cả đồ trang phục. Tuy nó là hình thức bề ngoài nhưng rất quan hệ và ảnh hưởng đến việc duy trì nền văn minh dân tộc!!!”

Phường giá áo túi cơm bàn chuyện văn hoá dân tộc trên cái áo!

Áo dài nên màu gì?

“Màu lam tượng trưng sự vui mừng chế độ cộng hoà và hoan hô biện pháp”.

Cái màu lam bị buộc tội đồng loã với Diệm một cách oan uổng!

“Nhưng nếu không tiền may áo lam thì mặc áo dài đen cũng được.”

Đài Sài Gòn không phân tích về màu đen! Chính vì màu đen thường là mầu tượng trưng cho tang tóc, đen tối và buồn thảm...


*




*

No comments: