GIAI PHẨM MÙA THU 1956 * TẬP I
==
Trương Tửu
Bệnh sùng bái cá nhân trong giới lãnh đạo văn nghệ
“Phê bình và tự phê bình đúng nguyên tắc và công khai là con đường đúng nhất để củng cố Đảng hơn nữa, để nhanh chóng khắc phục khuyết điểm…
… Quần chúng càng tham gia đông đảo vào cuộc đấu tranh chống các khuyết điểm thì khuyết điểm lại càng bớt đi.
… Mở rộng hơn nữa phê bình và tự phê bình, dũng cảm phát hiệt khuyết điểm trong tất cả các lĩnh vực xây dựng kinh tế và văn hoá”.
(Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương, Đảng Cộng sản Liên Xô tại Đại hội Đảng lần thứ XX, Khơ-rút-sốp trình bày)
Hiện giờ, chính phủ và Đảng lãnh đạo đang phát động và tổ chức một phong trào quần chúng rộng rãi phê bình xây dựng chính sách và cán bộ ở mọi địa hạt chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá v.v… Các đại hội đại biểu nhân dân ở các khu phố Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hoá; hội nghị tổng kết đợt 5 cải cách ruộng đất, hội nghị mở rộng của Mặt trận Tổ quốc ở các tỉnh; hội nghị học tập văn kiện của Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ XX ở các cấp bộ Đảng; những cuộc kiểm điểm công tác ở các cơ quan nhà nước, phong trào học tập như Hồ Chủ tịch gửi nông dân ở các thôn xã; các buổi họp phê bình ban lãnh đạo ở các nhà máy và công trường; các buổi chuẩn bị đại hội văn nghệ toàn quốc; các cuộc thảo luận chính trị ở nhiều trại hè giáo viên v.v… đã cổ võ và phát huy đến cao độ tự do dân chủ, tự do tư tưởng, trong nhân dân cũng như trong hàng ngũ cán bộ.
Phong trào phê bình và tự phê bình có tính cách quần chúng ấy chứng tỏ rằng: Chính phủ ta thực sự là của nhân dân, Đảng Lao động thực sự là một đảng cách mạng chân chính, nhân dân dưới chế độ dân chủ cộng hoà thực sự là chủ nhân ông đất nước. Chính phủ và Đảng không sợ sự thực, muốn biết sự thực, cần nắm vững sự thực, yêu cầu nhân dân nói thực. Và nhân dân đã nói thực.
Sự thực ấy là gì?
Sự thực là: chế độ dân chủ nhân dân của chúng ta, trên đường phát triển, hiện đang vướng phải những mâu thuẫn khá gay go đòi hỏi một giải quyết hợp lý và cấp bách. Những lực lượng sản xuất dân tộc, được cách mạng giải phóng thoát khỏi ách đế quốc và phong kiến, đang vấp phải, trong bộ máy quan hệ sản xuất mới, những chính sách, những tổ chức, những tác phong lãnh đạo, những cán bộ chấp hành cản đường phát triển của nó. Những sai lầm nghiêm trọng trong đợt 5 cải cách ruộng đất cản trở lực lượng sản xuất của nông thôn, những khuyết điểm nhiều mặt của mậu dịch quốc doanh, của chính sách thuế khoá cản trở lực lượng sản xuất của thành thị; những tệ lậu của bộ phận lãnh đạo văn hoá cản trở sức phát triển của mọi lực lượng sáng tạo tinh thần (khoa học, nghệ thuật v.v…).
Những lực lượng sản xuất của chế độ dân chủ nhân dân đang yêu cầu chỉnh lý cấp bách những quan hệ sản xuất mới để tự do tiến triển: đó là ý nghĩa cơ bản của phong trào quần chúng phê bình rầm rộ đang diễn ra chung quanh chúng ta.
Chính phủ và Đảng phát động phong trào ấy là có ý muốn tạo ra điều kiện tốt để nhận thức đúng nội dung của mâu thuẫn nói trên một cách cụ thể và toàn diện. Có nhận thức đúng mới giải quyết đúng. Chính phủ và Trung ương Đảng đang chăm chú lắng nghe tiếng nói của nhân dân…
Cho nên, lúc này hơn lúc nào hết, nhiệm vụ của mỗi người công dân chúng ta là nói thực, “dũng cảm phát hiện khuyết điểm ở mọi lãnh vực xây dựng kinh tế và văn hoá”, nhiệt liệt tham gia cuộc đấu tranh chống các khuyết điểm ấy, để giúp các nhà lãnh đạo nhìn rõ toàn bộ sự thực. Trong cuộc đấu tranh này, riêng người trí thức phải can đảm tự gánh lấy một trách nhiệm xứng với cương vị xã hội của mình. Thẳng thắn phê bình những sai lầm thiếu sót của lãnh đạo, của chính sách, của cán bộ là thiết thực góp sức vào sự nghiệp hoàn thành Cách mạng tháng Tám, giữ vững hoà bình, củng cố miền Bắc, thực hiện thống nhất trên cơ sở độc lập và dân chủ thực sự. Lúc này hơn lúc nào hết, nói thực, nói thẳng, nói hết là cái thước đo lòng trung thành của người trí thức đối với chế độ dân chủ nhân dân. Không mạnh bạo phát hiện khuyết điểm và đề nghị sửa chữa là không tin chế độ, không tin Đảng, là tự mình tước bỏ cái nhân cách trí thức của mình, là phụ cái lòng kỳ vọng của nhân dân và chính phủ vẫn đặt vào giới mình.
Nghĩ như vậy nên tôi viết bài này, nối gót nhà văn lão thành dũng cảm Phan Khôi, góp ý kiến phê bình lãnh đạo văn nghệ, đặc biệt sự sùng bái cá nhân trong giới lãnh đạo văn nghệ.
Sùng bái cá nhân là một bệnh phổ biến trong giới lãnh đạo văn nghệ nước ta và đã tác hại khác nhiều đến toàn bộ sinh hoạt văn nghệ. Tôi nói đó là một bệnh phổ biến trong hàng ngũ lãnh đạo văn nghệ. Tôi không nói đó là bệnh của văn nghệ sĩ; vì rằng, hôm qua cũng như hôm nay, người văn nghệ sĩ tự trọng không bao giờ thừa nhận sự sùng bái cá nhân. Nghệ thuật là sáng tạo, là tự do. Sùng bái cá nhân là phục tùng mù quáng, là nô lệ. Hai thứ đó như nước với lửa; có cái này thì không có cái kia được.
Bởi vậy, không phải đợi đến sau Đại hội 20 Đảng Cộng sản Liên Xô, văn nghệ sĩ Việt Nam mới chống sùng bái cá nhân. Ai cũng còn nhớ, năm 1948, cố hoạ sĩ cố Tô Ngọc Vân đã tranh luận khá gay gắt với ông Trường Chinh về vấn đề: quần chúng phê bình nghệ thuật. Ngòi bút tranh luận của Tô Ngọc Vân chứng tỏ một khối óc độc lập, một tâm hồn có cá tính không vì uy quyền của lãnh tụ này hay lãnh tụ khác mà thủ tiêu ý kiến riêng của mình. Cũng năm 1948, nhân đi công tác qua Thanh Hoá, ông Trường Chinh có đến câu lạc bộ của Đoàn Văn nghệ Kháng chiến Liên Khu IV nói chuyện với anh chị em văn nghệ về chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hoá Việt Nam. Trong bài nói, có đoạn ông Trường Chinh lớn tiếng mạt sát hoạ phái lập thể chủ nghĩa (của Picasso). Ông cho hoạ phái ấy, cũng như các phái nghệ thuật Đa đa, Dã thú v.v…, chỉ là những cái nấm độc mọc trên trạng thái thối tha của chế độ tư bản chủ nghĩa ở Âu châu đầu thế kỷ 20. Sau buổi nói chuyện, anh em hoạ sĩ mạn đàm với nhau và nhất trí cho rằng ông Trường Chinh vì không am hiểu chuyên môn hội hoạ nên đã nhận định sai lầm về chủ nghĩa lập thể. Hoạ sĩ Sỹ Ngọc có viết một bài nói về chủ nghĩa lập thể trong tạp chí Sáng tạo số 4 (cơ quan ngôn luận của Đoàn Văn nghệ Kháng chiến Liên Khu IV) để gián tiếp bác ý kiến của ông Trường Chinh.
Ở đây, không nói đến chỗ sai hay đúng của các ý kiến Tô Ngọc Vân, Sỹ Ngọc; chỉ một việc tự do và mạnh bạo phát biểu quan điểm riêng của mình trái hẳn với quan điểm của một nhà lãnh tụ cũng đủ cho ta thấy rõ các bạn đó không có thói quen sùng bái cá nhân, hễ lãnh tụ đã đề ra một ý kiến gì là phải nhắm mắt tuân theo, ca tụng.
Đối với các nhà lãnh đạo bậc dưới, ở các khu hoặc tỉnh, anh em văn nghệ sĩ cũng thường xuyên giữ thái độ tự do tư tưởng như vậy. Tôi còn nhớ, trong Khu IV, nhiều lần văn nghệ sĩ đã xung đột kịch liệt với thiếu tướng Nguyễn Sơn lúc đó (1948-1949) làm Khu trưởng Liên Khu IV. Nhà quân sự này có tham vọng lãnh đạo cả văn nghệ trong phạm vi đất đai thuộc quyền mình. Vì thiếu học thức chuyên môn về nghệ thuật, Nguyễn Sơn đã phải dùng đến uy quyền Khu trưởng để đàn áp tư tưởng của văn nghệ sĩ, bắt anh em phải theo ý kiến chủ quan của ông, gây ra hết mâu thuẫn này đến mâu thuẫn khác giữa ông và văn nghệ sĩ suốt mấy năm trời, làm hại khá nhiều đến phong trào văn nghệ kháng chiến Liên Khu IV. Một lần, đoàn kịch Tiền tuyến, do một số kịch sĩ, hoạ sĩ và diễn viên phụ trách và công tác trong quân đội Liên Khu IV, diễn vở Dứt áo của Chu Ngọc. Kịch vừa hạ màn, quần chúng còn đang vỗ tay hoan nghênh thì ông Khu trưởng Nguyễn Sơn nhẩy ngay lên sân khấu, đả kích vở kịch, đả kích tác giả, đả kích đoàn kịch, đả kích cả khán giả trong hơn nửa tiếng đồng hồ. Theo lệnh của ông, vở kịch ấy không được phép tái diễn nữa. Vở kịch Dứt áo, lập trường đúng hay sai ở đây không bàn đến; chỉ biết rằng lối lãnh đạo “quân phiệt” ấy đã bị anh xem văn nghệ sĩ phản ứng lại mạnh mẽ: đoàn kịch Tiền tuyến tự giải tán.
Khoảng cuối năm 1948, trong trụ sở Xưởng hoạ Liên Khu IV ở Thanh Hoá, có một buổi sinh hoạt toạ đàm về lý luận văn nghệ. Hôm ấy, anh em thảo luận về vấn đề hiện thực xã hội chủ nghĩa. Ông Đặng Thai Mai, Bí thư thứ nhất Đoàn Văn nghệ Kháng chiến Liên Khu IV, Hội trưởng Hội Văn hoá Việt Nam, đưa ra ý kiến cho rằng ở xứ ta chưa thể áp dụng hiện thực xã hội chủ nghĩa trong sáng tác văn nghệ được. Theo ý ông thì xứ ta chưa kiến thiết xã hội chủ nghĩa nên chưa có cơ sở để vận dụng hiện thực xã hội chủ nghĩa. Rồi ông dẫn những lời nói của Maxime Gorki để chủ trì rằng văn nghệ Việt Nam chỉ nên sáng tác theo phương pháp lãng mạn cách mạng. Mặc dầu lúc đó có ông Mai ở cương vị một người lãnh đạo văn nghệ toàn Liên Khu IV, quan điểm của ông cũng không nhờ được uy thế đó mà khiến anh em văn nghệ sĩ phải rắp rắp tuân theo. Các bạn dự buổi toạ đàm, sau một hồi thảo luận, đều không tán thành ý kiến ông Bí thư thứ nhất của Đoàn Văn nghệ Kháng chiến Liên Khu IV.
Năm 1949, trên Liên khu Việt Bắc, Hội Văn nghệ có tổ chức một hội nghị tranh luận về thơ, tiểu thuyết, kịch, hoạ, nhạc, nhiếp ảnh. Trong những buổi thảo luận, anh chị em văn nghệ sĩ đều hoàn toàn tự do đề xuất và bênh vực ý kiến riêng của mình. Ông Tố Hữu cũng tham gia nhiều cuộc tranh luận. Nhưng không có một văn sĩ nào lại nghĩ rằng ông Tố Hữu đã đưa ra một quan điểm thì không ai được bàn cãi nữa. Tôi thiết tưởng nếu trong hội nghị có kẻ nào xu nịnh nhà lãnh đạo định đàn áp tự do dân chủ khi thảo luận thì chắc là kẻ ấy sẽ bị anh em công kích và khinh bỉ.
Người văn nghệ sĩ kháng chiến đi tìm chân lý, đi tìm chính nghĩa, đi tìm tự do chứ không đi tìm cuộc đời nô lệ dưới hình thức này hay hình thức khác. Lấy sáng tạo nghệ thuật để phục vụ cách mạng làm lẽ sống chủ yếu, họ không thể sùng bái bất cứ cá nhân nào, không thể thừa nhận bất cứ uy quyền độc đoán nào, chống lại bất cứ sức áp chế tư tưởng nào.
Với những văn nghệ sĩ yêu chuộng tự do như thế, hễ lãnh đạo độc tài, bè phái thì tất yếu sự phản kháng nẩy ra ngay. Đó là tình trạng văn nghệ của ta từ sau 1949.
Một mặt, cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc mỗi ngày một tôi luyện tâm hồn văn nghệ sĩ thêm cứng cáp, rèn rũa lập trường tư tưởng họ một ngày một thêm chính xác; đồng thời cuộc kháng chiến đã làm nở dần ra trong bản thân họ những xúc cảm mới, phong phú, mạnh mẽ và một ý chí phục vụ cách mạng mỗi ngày một thêm sắt đá. Họ muốn đem tất cả tài năng, tất cả cuộc đời hiến cho nhân dân. Họ muốn tiến hành những thí nghiệm sáng tạo nghệ thuật táo bạo phù hợp với yêu cầu của tâm tư súc tích những căm thù và yêu nước. Như đoàn chim đã có lông cánh, họ muốn bay vút lên tầng mây xanh thắm của lý tưởng xã hội chủ nghĩa, mỗi người theo một hành trình độc đáo. Như trăm hoa đầy nhựa sống, họ muốn nở tung ra, mỗi người một hương sắc riêng, giữa thanh thiên bạch nhật của cuộc đời dân chủ tự do. Họ muốn tạo ra một nghệ thuật xứng với một chế độ mà họ yêu quý như yêu quý vận mệnh bản thân. Họ đòi những điều kiện thuận lợi tối thiểu để phục vụ…
Một mặt khác, bộ phận lãnh đạo văn nghệ - cụ thể là Ban Thường vụ Hội Văn nghệ Việt Nam và các ban thường vụ chi hội ở các khu – càng ngày càng tiến sâu vào con đường mệnh lệnh, độc tài, quan liêu, bè phái, hẹp hòi…, càng ngày càng trắng trợn căng lưới trên khắp các nẻo đường sáng tác văn nghệ, định biến những văn nghệ sĩ nhiều chất sống và cá tính thành những con cừu ngoan ngoãn, sợ sệt chịu để cho bọn chăn dắt lùa đi ngả nào cũng được. Giống như bọn thầy bùa phong kiến, các nhà lãnh đạo văn nghệ của chúng ta muốn “yểm” tất cả các tâm hồn cứng rắn và tự do cho đến trở thành những hòn đất thó “tròn méo mặc dầu tay kẻ nặn”. Những lá bùa của họ chế tạo ra kể cũng đã khá nhiều: mất lập trường, phạm chính sách, phá đoàn kết, phá tổ chức, vô kỷ luật, chống Đảng, địch lợi dụng, có vấn đề, bất mãn cá nhân, óc địa vị, v.v… còn gì nữa?
Và phải nói ngay rằng ngần ấy lá bùa yểm cũng đã linh nghiệm ít nhiều. Một số văn nghệ sĩ non gan (số ít thôi) ngã vào tay bọn thầy bùa biến thành những tên thư lại văn nghệ xu nịnh trục lợi. Một số khác trốn vào thái độ tiêu cực, chán nản công tác, tâm tư nặng trĩu hờn oán và uất ức. Một số khác nữa “cất kín” cá tính và nghệ thuật xuống “đáy ba lô”, yên lặng làm bổn phận một người công dân kháng chiến bằng bút, bằng màu sắc, bằng dây đàn, bằng sân khấu – “đánh giặc đã!”. Còn một số không khuất phục, kịch liệt phê phán tác phong và đường lối lãnh đạo của thường vụ Hội thì bị chụp mũ, bị chèn ép, bị “trù”, bị hành hạ, bị gạt sang một bên…
… Cho đến hôm nay: sự phải xẩy ra đã xẩy ra. Nhân đã đẻ ra quả. Cuộc đấu tranh âm ỷ dai dẳng chống lãnh đạo độc đoán, quan liêu, bè phái, trong những năm cuối kháng chiến, khi hoà bình trở lại, đã bùng nổ. Khởi điểm là ở trong Phòng Văn nghệ Quân đội. Trần Dần, Phùng Quán, Trần Công, Tử Phác, Hoàng Cầm v.v… đề đạt nguyện vọng lên ban lãnh đạo yêu cầu một chế độ công tác hợp với tính chất đặc biệt của sự sáng tạo văn nghệ, yêu cầu trao trả quyền điều khiển văn nghệ cho văn nghệ sĩ, yêu cầu tự do trong sáng tác và sinh hoạt văn nghệ. Các nhà lãnh đạo văn nghệ quân đội, chủ quan và độc đoán, cương quyết đàn áp phong trào đấu tranh chính đáng ấy [1] . Kết quả là cuộc đấu tranh càng ngày càng lan rộng. Điểm cuối cùng của nó là lớp học tập lý luận văn nghệ tháng Tám vừa qua ở trụ sở Hội Văn nghệ. Suốt mười tám ngày, anh em văn nghệ sĩ trong Đảng cũng như ngoài Đảng đã đứng dậy đồng thanh tố cáo những hành động và thái độ độc tài, bè phái của ban lãnh đạo văn nghệ. Học tập văn kiện của Đại hội 20 Đảng Cộng sản Liên Xô (đặc biệt bản tham luận của Cholokov), học tập văn kiện “Bách khoa tề phóng, bách gia tranh minh” của ông Lục Đỉnh Nhất, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, anh em văn nghệ sĩ càng phấn khởi và mạnh bạo nêu cao khẩu hiệu tự do tư tưởng, trăm hoa đua nở, lấy đó làm mục tiêu đấu tranh chủ yếu. Hôm tổng kết học tập, ông Nguyễn Hữu Đang, đại diện giới văn nghệ sĩ, đã đọc một bản tham luận lên án đường lối lãnh đạo độc tài bè phái của thường vụ Hội, sự việc thật là cụ thể, lời lẽ thật là tha thiết. Ông Tố Hữu, người có trách nhiệm chính về phong trào văn nghệ từ thời kháng chiến đến giờ, đã đứng lên sơ bộ tự kiểm thảo về tác phong quan liêu trong lãnh đạo văn nghệ. Anh em văn nghệ sĩ chưa thoả mãn về những lời tự kiểm thảo của ông Tố Hữu và có yêu cầu được gặp Trung ương Đảng để trình bày nguyện vọng. Cuộc đấu tranh còn tiếp tục… [2] .
Nguyên nhân nào đã xô đẩy các nhà lãnh đạo văn nghệ của chúng ta vào con đường, quan liêu, độc đoán, bè phái tai hại ấy? Nguyên nhân chính là bệnh sùng bái cá nhân. Nó phát sinh từ lúc một số người của Đảng nắm lấy độc quyền lãnh đạo văn nghệ bằng tổ chức.
Thực ra, Đảng lãnh đạo văn nghệ là một tất yếu lịch sử, anh chị em văn nghệ sĩ ai cũng thừa nhận với tất cả nhiệt tình thành thực của họ đối với Bộ Tham mưu Cách mạng đã lãnh đạo toàn dân làm ra tháng Tám 1945, đem quyền độc lập đến cho dân tộc đang quằn quại dưới gót phát xít Nhật, Pháp. Trông cậy vào sự giúp đỡ của Đảng để tự cải tạo, tin tưởng vào chủ nghĩa Mác-Lênin để phát triển tài năng, vui vẻ đứng dưới lá cờ Đảng để giết giặc cứu nước: đó là nguyện vọng tha thiết của tuyệt đại đa số văn nghệ sĩ kháng chiến.
Văn nghệ sĩ tin ở Đảng và mong mỏi được Đảng lãnh đạo là bởi họ hiểu rằng Đảng đấu tranh để giải phóng dân tộc, giải phóng con người, giải phóng sự lao động trong đó có cả lao động nghệ thuật. Họ biết rằng chủ nghĩa Mác-Lênin là ngọn cờ tiền phong của tự do tư tưởng. Họ biết rằng một Đảng theo chủ nghĩa Mác-Lênin là sứ giả trung thành và hăng hái nhất của tự do tư tưởng. Họ biết rằng cái chế độ mà Đảng đang cùng nhân dân xây dựng bằng xương máu là thiên đường của tự do tư tưởng.
Văn nghệ sĩ kháng chiến hào hứng tiến bước theo lá cờ của Đảng tiền phong. Nhưng trên đường đi, họ đã vấp phải một số người của Đảng trong bộ phận lãnh đạo phong trào văn nghệ. Số người ấy đã làm họ thất vọng. Nói cho đúng, anh em văn nghệ sĩ cũng không bao giờ phản đối sự trạng: đảng viên nắm quyền lãnh đạo. Nếu quả là những đảng viên tốt, ưu tú, giỏi chuyên môn lãnh đạo văn nghệ thì anh em hết sức hoan nghênh. Nhưng sự thật những “đảng viên” ấy thế nào?
Năm 1950, chúng tôi ở Khu IV lên Việt Bắc dự Đại hội Văn nghệ Toàn quốc. Một buổi tối, gặp ông Tố Hữu và ông Lưu Trọng Lư ở trụ sở Hội, nhân nói đến cái trường văn nghệ nhân dân mới lập ở Việt Bắc, một bạn nhà văn Liên khu IV có phát biểu ý kiến cho rằng: Hội Văn nghệ Việt Nam, từ ngày thành lập đến giờ, rất ít chú ý đào luyện cán bộ chuyên môn cho ngành mình, ít chú ý bồi dưỡng trí thức nghiệp vụ cho văn nghệ sĩ. Rồi anh bạn kết luận: “Lúc này mới mở trường văn nghệ nhân dân kể cũng hơi muộn so với nhu cầu của phong trào văn nghệ. Nhưng muộn còn hơn không”. Anh vừa nói dứt lời thì ông Lưu Trọng Lư sừng sộ nói như thét: “Anh bảo muộn là thế nào? Bây giờ mới làm là đúng lúc lắm chứ! Sao lại muộn?” Chúng tôi bình tĩnh nhìn Lưu Trọng Lư “đảng viên” không trả lời. Riêng đối với tôi thì tâm lý và thái độ của ông Lư không làm tôi ngạc nhiên chút nào vì tôi đã gặp tâm lý và thái độ ấy ở một số đảng viên khác, khá nhiều lần. Đó là tâm lý của những kẻ “bảo hoàng hơn cả nhà vua”.
Phần lớn, nếu không muốn nói là tất cả, những người của Đảng phụ trách lãnh đạo văn nghệ, trong kháng chiến cũng như sau khi hoà bình lập lại, đều có thứ tâm lý nói trên. Ở cửa miệng họ, bao giờ ta cũng bắt gặp cái điệp khúc bất di bất dịch này: Đảng không bao giờ sai lầm. Rồi từ chỗ nói: Đảng không bao giờ sai lầm, họ tiến đến chỗ nói: các cá nhân lãnh đạo Đảng không bao giờ sai lầm. Đứng trước một người “quần chúng” nào phê bình những điểm thiếu sót hoặc sai lệch của Đảng, nếu họ không bịt tai chạy trốn được thì thế nào họ cũng phải phản ứng lại kiểu Lưu Trọng Lư.
Những đảng viên “bảo hoàng hơn cả nhà vua” ấy cũng thừa biết câu nói bất hủ của Lênin: “Chỉ có hai hạng người không bao giờ phạm sai lầm: hạng người còn nằm trong bụng mẹ và hạng người nằm trong quan tài”.
Họ cũng biết rằng xét theo một thời gian lịch sử dài thì Đảng không sai lầm – điều này đúng – nhưng xét theo từng giai đoạn nhỏ, từng chính sách, từng kế hoạch cụ thể thì một đôi khi Đảng vẫn mắc sai lầm; - lắm lúc sai lầm nghiêm trọng là đằng khác nữa.
Họ cũng biết rằng một đảng theo chủ nghĩa Mác-Lênin không bao giờ yêu cầu hoặc dung túng, ở người đảng viên, sự nhắm mắt phục tùng tuyệt đối cấp trên đến cái mức hủy diệt cả trí suy xét phê phán cá nhân; trái lại lúc nào Đảng cũng đòi hỏi ở người đảng viên tính sáng tạo tích cực, tinh thần dũng cảm phê bình và xây dựng mọi chính sách của Đảng.
Họ cũng biết rằng chân giá trị của Đảng Mácxít-Lêninít không phải ở chỗ không bao giờ phạm sai lầm - điều này không thể có được - mà chính là ở chỗ khi nào phạm sai lầm thì can đảm công bố cho quảng đại quần chúng biết là mình sai lầm, phân tích đúng nguyên nhân của sự sai lầm và quyết tâm sửa chữa sai lầm.
Các đảng viên lãnh đạo văn nghệ của chúng ta biết tất cả những điều sơ đẳng ấy. Họ đã học tập những văn kiện của Đảng, đọc sách báo Đảng, được theo lớp chỉnh Đảng. Họ lại là những người có điều kiện đọc được tác phẩm của Mác, Lênin, Mao Trạch Đông. Làm gì họ không biết những chân lý phổ thông ấy! Nhưng họ vẫn gào to vào tai quần chúng: Đảng không bao giờ sai lầm; lãnh tụ này hay lãnh tụ khác không bao giờ sai lầm. Và họ hành động, nói năng y như là họ tin thành thực rằng Đảng, lãnh tụ, các cấp ủy không bao giờ sai lầm cả.
Tại sao họ lại tự lừa dối như vậy? Không có gì lạ cả. Họ làm ra như vậy là vì làm thế có lợi cho bản thân họ. Đó là những đảng viên cơ hội chủ nghĩa điển hình. Họ theo phương châm sống: “khuất nhất nhân thân vạn thặng”. Họ sùng bái một người (cấp trên) để vạn người (cấp dưới) sợ cá nhân họ. Nhờ phương châm ấy, họ bám vào gót giầy cấp ủy ban này, cấp ủy ban khác, leo dần lên thang danh lợi, oai quyền hống hách, đàn áp cấp dưới, khinh miệt quần chúng, báo cáo lên trên thì xuyên tạc sự thực có dụng ý, lãnh đạo anh em thì mệnh lệnh độc tài. Họ sùng bái cá nhân là để trục lợi. Họ chỉ có thể tiến thân bằng đường lối ấy.
Cho nên, khi vị lãnh tụ văn nghệ Tố Hữu chỉ thị bỏ những tranh tĩnh vật trong một cuộc triển lãm tranh hội hoạ (1955) thì họ bỏ hết những tranh tĩnh vật; khi ông Tố Hữu tấm tắc khen bức tượng "Hướng điền" của Song Văn thì họ xô nhau vào tấm tắc khen theo; khi ông Tố Hữu chê hai bức sơn mài "Trăng lên" và "Niềm vui" của Nguyễn Sáng trong kỳ triển lãm năm ngoái thì họ ùa vào chê theo mặc dầu họ đã khen Nguyễn Sáng lúc ông Tố Hữu chưa cho ý kiến; khi ông Tố Hữu viết về bản thảo tập Thơ chiến sĩ của Hồ Khải Đại: “Đây là một tài năng mới cần cổ võ và biểu dương” thì họ nhấc tập thơ ấy từ giải khuyến khích lên giải ba [3] . Khi ban lãnh đạo văn nghệ quân đội biên thư cho thường vụ Hội Văn nghệ đề nghị (hay ra chỉ thị?) bỏ cuốn Người người lớp lớp của Trần Dần “phản động”, không chấm giải, thì họ ném Người người lớp lớp và cả nhà văn Trần Dần vào sọt giấy; khi mở ra cuộc phê bình tập thơ Việt Bắc thì họ chỉ rắp tâm hướng dư luận đến chỗ ca tụng ông Tố Hữu v.v… Suy xét, hành động họ nhất nhất rập theo đúng ý kiến và sở thích của cấp trên. Họ tự tước bỏ hết cá tính, tước bỏ trí phán đoán độc lập, tước bỏ luôn nhân cách văn nghệ sĩ. Và do đó họ cũng đã tự tước bỏ luôn cái tư cách cần phải có của một người cộng sản.
Phàm đã sùng bái cá nhân “cấp trên” thì tất nhiên có tâm lý và muốn bắt những người “cấp dưới” sùng bái cá nhân mình. Do đó sinh ra lối lãnh đạo độc đoán và bè phái. Trong số báo Nhân dân ra ngày 8-9-1956, ông Phượng Cầu có lôi ra ánh sáng vụ Nọc rắn, bằng chứng của thứ lãnh đạo văn nghệ độc đoán bè phái.
Vụ Nghệ thuật giao cho Đội kịch Trung ương tập vở Nọc rắn. Khi đi nghiên cứu nông thôn về và bắt đầu diễn tập, các diễn viên đã có ý kiến là vở kịch này nó thế nào ấy diễn không được, nó không đúng thực tế, nó gượng gạo, chắp vá v.v… Nhưng đồng chí Vụ trưởng xoa tay, dõng dạc bảo:
"Căn bản vở kịch này bảo đảm là tốt rồi đấy! Không cần bàn cãi nữa!" Người ta còn phê lên trán đội kịch ba chữ: Thiếu tin tưởng. Lúc đem diễn thử thì ai cũng thấy là vở kịch hỏng về căn bản. “Thế là công lao ăn tập hơn một tháng trời và gần ba triệu đồng của kế hoạch nhà nước biến thành mây khói”. Ông Phượng Cầu thuật xong câu chuyện có viết: “Vở kịch như người bị Nọc rắn nằm lăn ra đây.” Không! Bị Nọc rắn không phải là vở kịch. Bị Nọc rắn không phải là ông Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật. Bị Nọc rắn chính là kế hoạch nhà nước 1956. Ba triệu đồng, mồ hôi nước mắt của nhân dân đóng góp để củng cố miền Bắc, phút chốc bị cái nọc mệnh lệnh bè phái – nguy hại hơn Nọc rắn –của ông Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật làm cho tiêu tán.
Những con người khinh bỉ quần chúng như thế, phá đoàn kết như thế, hách dịch độc đoán như thế, nịnh trên chèn dưới như thế mà bao lâu nay vẫn lãnh đạo văn nghệ, vẫn được cấp trên khen là tốt – lại còn tuyên dương nữa! – thì không cần nói cũng biết cái không khí văn nghệ nghẹt thở đến mức nào!
Thêm vào tư cách lãnh đạo ấy sự hiểu biết nông cạn và lệch lạc về văn nghệ, sự áp dụng máy móc phương châm phục vụ kịp thời, sự bắt buộc lồng một cách công thức chủ trương chính sách vào tác phẩm nghệ thuật, sự độc quyền và bè phái trong việc xuất bản báo, sự áp chế có tính cách hành chính hoặc quân sự đối với những văn nghệ sĩ dám nói thực, nói thẳng, nói hết… là ta có tất cả cái tình trạng văn nghệ ngột ngạt năm sáu năm nay. Bao nhiêu năng lực sáng tạo văn nghệ vì thế mà quằn quại không phát triển mạnh được.
Tôi nói không phát triển mạnh được vì rằng, mặc dầu bị các nhà lãnh đạo kìm hãm, văn nghệ Việt Nam suốt thời kháng chiến và sau khi hoà bình lập lại vẫn theo đà phát triển lịch sử của Cách mạng tháng Tám mà phát triển, không sức bảo thủ nào ngăn lại được. Vả lại, đường lối văn nghệ của Đảng, tuy chưa có hệ thống và chưa được thể hiện ra một chính sách cụ thể, cũng vẫn là kim chỉ nam cho sự hoạt động văn nghệ. Những phương châm dân tộc hoá, khoa học hoá, đại chúng hoá, những khẩu hiệu thâm nhập quần chúng: khai thác vốn cũ dân tộc, mặc dầu thực hành thiếu sót, lệch lạc hay máy móc, cũng vẫn là hướng tiến của văn nghệ Việt Nam. Với đường lối đúng ấy, nếu lại có một chính sách cụ thể và một tổ chức lãnh đạo tốt thì không biết những khả năng sáng tạo của văn nghệ sĩ còn phát triển tưng bừng mạnh mẽ đến thế nào! Tiếc thay! Các nhà lãnh đạo văn nghệ đã kìm hãm sức phát triển ấy bằng một lề lối bè phái, độc đoán quan liêu, sùng bái cá nhân, bằng những thói quen tâm lý còn sót lại của thời thực dân phong kiến.
Họ đã làm trái hẳn ý muốn tốt của Đảng. Họ đã làm giảm sút phần nào uy tín của Đảng trong một số quần chúng văn nghệ quen đánh giá Đảng qua tư cách và hành động của những đảng viên. Họ không đủ tiêu chuẩn một cán bộ cách mạng chứ đừng nói đến tiêu chuẩn một đảng viên cộng sản.
Đã đến lúc phải sa thải những “nhà lãnh đạo” thiếu tư cách mà quần chúng tuyệt đối không tin tưởng nữa để quần chúng văn nghệ tự tay mình điều khiển công việc chuyên môn của mình một cách thực sự dân chủ.
Đã đến lúc phải thanh toán lối đàn áp tự do tư tưởng, khinh miệt quần chúng, mệnh lệnh, độc đoán, bè phái chủ nghĩa do bệnh sùng bái cá nhân đẻ ra, để mở đường cho trăm hoa đua nở, trăm nhà đua nói.
Đã đến lúc Đảng phải nghiên cứu, xây dựng và tuyên bố một chính sách văn nghệ đúng đắn, cụ thể, sát thực tế, để tạo cho văn nghệ dân tộc một cái đà phát triển mạnh mẽ và tự do trên chiều hướng tiến đến xã hội chủ nghĩa, để cho các nhà văn nghệ có đủ điều kiện khách quan làm tròn sứ mạng của họ là “kỹ sư của tâm hồn”.
Đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên xô đã rọi ánh sáng tưng bừng vào các tâm hồn khao khát tự do tư tưởng, tự do sáng tác, tự do phê bình. Đại hội đã đánh thức dậy ở họ tinh thần dũng cảm chiến đấu vì chân lý, vì tương lai cộng sản chủ nghĩa, vì giá trị chân thực của con người. Những tâm hồn rạo rực ấy đang đòi hỏi những điều kiện tốt để hiến dâng phần cao quý nhất của họ cho cách mạng, cho tổ quốc, cho nhân dân. Đừng ai nghĩ thiển cận rằng hiện nay toàn thể anh em văn nghệ sĩ đấu tranh cho tự do tư tưởng, vạch trần những sai lầm nghiêm trọng của Hội, yêu cầu Đảng đề ra một chính sách lãnh đạo văn nghệ đúng đắn, chỉ là vì bất mãn cá nhân, vì óc địa vị, vì lương ít, vì muốn phá uy tín Đảng, vì có người xui dục, vì chịu ảnh hưởng xấu của giai cấp tư sản, muốn đòi tự do bừa bãi v.v…
Không! Văn nghệ sĩ (trừ một tối ư thiểu số) đấu tranh không phải vì những động cơ ấy. Họ đấu tranh vì họ yêu chế độ, yêu Đảng, yêu nghệ thuật, yêu con người. Họ đấu tranh là để cho chế độ tươi đẹp hơn, Đảng vững mạnh hơn, nghệ thuật phục vụ Cách mạng đắc lực hơn, con người có nhân cách cao quý hơn.
Họ muốn gì?
Họ muốn tiêu diệt bệnh sùng bái cá nhân trong việc lãnh đạo văn nghệ đã cản trở sức phát triển nghệ thuật, làm đau khổ con người văn nghệ sĩ, làm rã rời tình đoàn kết thân ái trong mặt trận văn nghệ.
Họ muốn chấm dứt lề lối mệnh lệnh, độc đoán, quan liêu, bè phái, chụp mũ, trong sự lãnh đạo văn nghệ, giành lại quyền tự do tư tưởng bị chà đạp bấy lâu nay; vì thiếu tự do tư tưởng thì nghệ thuật sẽ co quắp, mòn mỏi như cụm hoa thiếu ánh sáng mặt trời.
Họ muốn công việc lãnh đạo văn nghệ phải trả lại cho những văn nghệ sĩ – bất kể trong Đảng hay ngoài Đảng – được quần chúng văn nghệ tự ý lựa chọn và tín nhiệm; họ đề ra khẩu hiệu: quyền điều khiển chuyên môn trả lại cho người công tác chuyên môn vì họ đã thấy rõ nếu không nắm được chuyên môn mà cứ chủ quan lãnh đạo chuyên môn thì tất yếu sẽ phạm những sai lầm làm hại đến phong trào văn nghệ.
Đề ra khẩu hiệu ấy, họ không bao giờ có ý nghĩ muốn tách chuyên môn ra khỏi chính trị. Họ vẫn chủ trì rằng mọi công tác chuyên môn đều phải phục vụ một đường lối chính trị chung có lợi cho quảng đại nhân dân, nhưng họ muốn trả lại cho người chuyên môn quyền điều khiển công việc thuộc về phạm vi chuyên môn của họ. Có như thế, chuyên môn mới phục vụ chính trị một cách đắc lực được.
Họ muốn Đảng có một chính sách văn nghệ “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua nói”, tạo ra những điều kiện tinh thần và vật chất cần thiết để họ đem hết tài năng phục vụ cho chế độ dân chủ nhân dân tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa. Họ muốn sáng tạo ra một nền văn nghệ xứng với Cách mạng tháng Tám, xứng với dân tộc anh hùng.
Họ muốn cùng với toàn thể nhân dân, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, nỗ lực củng cố miền Bắc để làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh giành thống nhất nước nhà bằng đường lối hoà bình trên cơ sở độc lập thực sự, dân chủ thực sự.
Những ước muốn ấy đã nổi bật lên qua mười tám ngày học tập, thảo luận, liên hệ sôi nổi tháng Tám vừa rồi, qua bản tham luận đọc hôm tổng kết. Đó là những ước muốn chính đáng, xây dựng.
Vấn đề chống sùng bái cá nhân, chống lãnh đạo quan liêu độc đoán bè phái, hiện nay, là một vấn đề rộng lớn, quan trọng. Mong rằng tất cả anh chị em nghệ sĩ nói riêng và anh chị em trí thức nói chung đem kinh nghiệm bản thân góp sức vào công cuộc tiễu trừ óc sùng bái cá nhân độc tài mệnh lệnh bất cứ ở lãnh vực nào. Đó là một cách xây dựng chế độ của chúng ta hiệu nghiệm nhất.
Để kết luận, tôi xin nhắc lại lời nói của ông Khờ-rút-sốp vang động ở Đại hội thứ XX của Đảng Cộng sản Liên Xô: “dũng cảm phát hiện khuyết điểm trong tất cả các lãnh vực xây dựng kinh tế và văn hoá”.
10-9-1956
------------------------------------------------------------------
[1]Xem báo Nhân văn số I, bài "Con người Trần Dần" của Hoàng Cầm
[2]Xem báo Nhân văn số I. Bài "Đợt đầu học tập và đấu tranh của giới văn nghệ".
[3]Xem bài: “Một vài sự thật chung quanh vụ giải thưởng văn học 1954-1955”, của Yến Lan, Văn nghệ số 139.
***
No comments:
Post a Comment