Thursday, January 22, 2009

242. NGUYỄN THIÊN THỤ * VĂN CAO

==



VĂN CAO ( 1929- 1995)


Văn Cao tên thật là Nguyễn Văn Cao, sinh ngày 15-11-1923 tại Hải Phòng, chánh quán tại làng An Lễ, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.. Thuở nhỏ ông theo gia đình sống ở Hải Phòng, học tiểu học tại trường Bonnal, sau học trung học tại trường dòng Saint Joseph. Sau lên Hà Nội học Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương, và tự học âm nhạc, sau trở thành nhạc sĩ với các bản Thiên Thai, Suối Mơ, Trương Chi và Bến Xuân. Các tài liệu đều ghi Văn Cao sinh trưởng trong gia đình công nhân nghèo, nhưng trước 1945, học trường dòng thì rất tốn tiền, và học đến trung học và cao đẳng Mỹ Thuật thì không phải là gia đình nghèo, cho dù về sau bị phá sản!



Ông theo Việt Minh, ở trong Hội Văn Hóa Cứu quốc, Đội Danh dự trừ Gian của Hà Nội và 'tham gia những công tác đặc biệt của bộ Nội vụ . Ông được Võ Nguyên Giáp tặng một khẩu súng lục.Nhiều người cho rằng ông là một tay ám sát đã giết bao đồng bào lương thiện và chiến sĩ quốc gia như ông Phin ở Hải Phòng, Hoàng Sĩ Nhu , Cai Long và ông Phán Linh ở Hà Nội . Ông cũng là một tay gián điệp của cộng sản.


Ông viết bài Tiến Quân Ca, Sông Lô, Chiến Sĩ Việt Nam, Tiến Về Hà Nội. Bài Tiến quân ca được chọn làm quốc ca cho nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Trong thời gian Việt Nam, ông được cử vào ban thường vụ hội Văn Hóa Việt Nam. Lúc này, nhà in Rạng Đông phụ trách đã tái bản các bản nhạc của ông, và ông đã yêu Nghiêm Thúy Bằng, con gái của một ông chủ nhà in, nhưng đảng không tán thành việc ông lấy con gái tư sản. Văn Cao vẫn cương quyết lấy người mình yêu, sau này là bà Văn Cao, người đàn bà đau khổ nhưng rất tự hào về người chồng của mình! Hai bên làm lễ cưới và về ở tại Chương Mỹ, Hà Đông.Khi chiến tranh bùng nổ, hai vợ chồng ông tản cư lên Lao Kay, rồi dời về Tuyên Quang, sau nữa thì về Vĩnh Yên. Thấy hai vợ chồng này càng ngày càng tiến về Hà Nội, đảng liền gọi Văn Cao lên Đại Từ, giao công tác trong hội Âm Nhạc Việt Nam. Lúc này Văn Cao sáng tác bản Trường ca Sông Lô và được kết nạp đảng.



Năm 1952, ông đưộc cử sang Mạc Tư Khoa trong phái đoàn Trần Huy Liệu, khi về ông tỏ ý chán nản về cái thiên đường cộng sản Sô Viết! Khi về nước, ông chứng kiến những cảnh đãu tố dã man, nhất là việc đãu nhạc phụ của Nguyễn Khánh Toàn ở Thái Nguyên, ông càng ghê tởm bộ mặt thật cộng sản!Năm 1956, ông tham gia nhóm Nhân Văn, nhưng đảng vẫn im lặng vì không muốn làm hại đến người viết quốc ca cho cả nước. Nhưng đến 1958, họ thấy Văn Cao không những viết bài chống đảng mà còn vận động một số nhạc sĩ chống đảng nên họ đem Văn Cao vào trại khổ sai (lao động cải tạo), và sau đó cấm Văn Cao sáng tác và cấm in các tác phẩm của ông.


Xuân Diệu lúc này bộc lộ rõ vai trò văn nô, hùa theo Tố Hữu, Trần Độ hại Văn Cao. Xuân Diệu viết bài Những tư tưởng nghệ thuật của Văn Cao trên tờ Văn Nghệ số tháng 7-1958 tố cáo Văn Cao là con người gian ác hai mặt giả dối như con mèo, là một tên phù thủy toan dùng âm binh chọI nhau với đảng. Sau khi bị trừng phạt ông vẫn có lương hàng tháng và sống với nghề vẽ bỉa sách cho các nhà in. Đến 1987, do quần chúng đòi hỏi, người ta mới phục hồi danh dự cho Văn Cao và nhạc của Văn Cao mới được công khai trình bày. Văn Cao mất lúc 4 giờ sáng ngày 10-7- 1995 tại bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội, hưởng thọ 72 tuổi.

Tác phẩm:Thơ:Cái Hầm Sông (1948)Những Người Trên Cửa Biển (Trường ca, 1956)Lá Thơ(1988)Tuyển tập Văn Cao (1994)Ông còn để lại một số bản nhạc rất giá trị và một số tranh vẽ.

Năm 1945, ông viết bài thơ Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc để tả lại cảnh dân chết đói trong năm 1945:
-Ai vạc xương đổ sọ xuống lòng xe,
Chiếc quỷ xa qua bốn ngả ê chề
Chở vạn kiếp đi hoang ra khỏi vực
Ma, ma hằng thao thức
Trong phố lội đìu hiu
Ma, ma tràn trên vực
- Hang tối gục tiêu điều
Mang linh hồn cô liêu
Tiếng xe càng ám ảnh
Tiếng xa lần xa lánh
Khi gà đầu ô kêu.
Kiếp người tang tóc . . .

Sự thực, trong bài thơ này, Văn Cao tố cáo xã hội ăn chơi, trụy lạc hơn là nói về cảnh chết đói của đồng bào ta lúc này. Ở đây, tính giai cấp ở đây cao hơn lòng ái quốc và tình yêu nước, yêu đồng bào. Và cũng chính bài thơ này cho ta biết trong thời gian 1945, tâm hồn ông đã nặng đầy tư tưởng cộng sản thù ghét cảnh ăn chơi trụy lạc của xã hội cũ. Ông tấn công những sinh hoạt của xã hội cũ như là hát ả đào, hút thuốc phiện nhảy đầm.. .

Mở đầu ông viết:

Ngả nghiêng, nghiêng đốm lửa
Chập chờn ảo hóa tà ma. . .
Đôi dãy hồng lâu cửa mở phấn sa
Rũ rượi tóc những hình hài địa ngục
Lạnh ngắt tiếng ca nhi phách giục
Tình tang. . .
Não nuột khóc tàn sương
Loạn lạc đồi xương chất lên xương.
Một nửa kêu than, ma đói sa trường
Còn một nửa lang thang tìm khoái lạc.. .. ..
Khoảng giữa tuổi thanh xuân nghe loạn trùng hút tủy
Ai hủy đời trên tang trống nhỉ?
Hay ác thần gõ quách nạo mồ khuya!
Đảo điên. . . mê say. . .
Thể phách chia lìa
Nghe reo mạnh chuỗi tiền cười lạnh lẽo!
Tiền rơi!
Tiền rơi!
Chùm sao huyền diệu
Lấp lánh hằng hà gạo rơi!
Tiền rơi!-
Vàng mấy lá thừa đãi mây phủ chiếu. . .

Văn Cao hăng hái kết tội xã hội cũ, và nhiều người đã hưởng ứng bởi vì trong những ngày đầu 1945, người ta chưa thấy rằng cái xã hội đỏ sắt máu hơn xã hội cũ, và xã hội chủ nghĩa cũng mang màu sắc của một xã hội trụy lạc, và con người cuồng điên chạy theo kim tiền!

Văn Cao đã tả lại những ngày ông hoạt động trong bóng tối cho cộng sản trước 1945 trong tác phẩm Những Người Trên Cửa Biển, là tập thơ chung của bốn người là Hoàng Cầm, Văn Cao,Trần Dần, và Lê Đạt, do nhà xuất bản Văn Nghệ ấn hành năm 1956:

Trong những ngày đen tối ấy
Không thể cúi đầu
Đi hết cuộc đời cùng khổ
Tôi nhớ lại đôi mắt từng đồng chí
Nhìn lại thềm nhà lỗ chỗ vết giọt gianh
Như tìm dấu chân vợ con lần cuối
Sẽ là những giọt ánh sáng
Trong ngục tối âm u
Những đêm chìa tay hành động. .
( Những ngày động biển)

Ông tự hào về những thành tích đó:
Chúng tôi nhớ hết những bàn tay
Những bàn tay sần sùi của đồng chí thơ rèn
Những bàn tay run run của những người thơ điện
Những bàn tay rắn chắc của côm ben.
Những bàn tay ram ráp của xi măng
Những bàn tay mịn màng của máy chỉ
Ngày mai dù thiếu một hai người
Thiếu một mùi hôi quen thuộc
Con mắt nhìn nhau thấy đời nhau dĩ vãng.
Những bàn tay không nói dặn dò
Mỗi ngày mồng một tháng năm
Hải Phòng thuộc về tay chúng tôi.
Tàu đứng chết trên bến
Máy nằm im rĩ dầu trên mặt đất
Mỗi ngày mồng một tháng năm
Hải Phòng, Nam Định, Hòn Gay, Uông Bí
Tay chúng tôi
Làm thành những ngày động biển
Rồi cửa biển về ta
Những năm đầu chính quyền cách mạng
Giấc mơ của Hải Phòng
Như bóng cò trắng bay về lòng tôi thuở nhỏ. . .
( Những ngày động biển)

Sau khi về Hà nội, năm 1956 ông thay đổi nhãn quan. Trở về Hà Nội, Văn Cao nhận thấy rằng giặc Pháp đã hết nhưng một loại giặc mới xuất hiện ở trong hàng ngũ cộng sản, chúng tàn hại tương lai dân tộc, đục khoét hy vọng nhân dân. Đó là những tên cộng sản thi hành những chính hại nước hại dân và bọn tham nhũng, trộm cắp của công:

Lẩn trong hàng ngũ
Những con bói cá.
Đậu trên những chiếc giây buồm
Đang đo mực nước
Những con bạch tuộc
Bao nhiêu chân tay dìm chết một con người
Đất nước đang lên da, lên thịt,
Đất nước còn đang nhỏ máu ngày ngày.
Ta muốn gói cuộc đời gọn gàng như trái vải
Đã thấy loài sâu bọ nằm tròn trong cuống.
Chúng muốn các em nhỏ mới biết đi phải rụng
Mòn mỏi dần sức vỡ đất khai hoang
Làm rỗng những con người, lùi dần niềm hy vọng.
Héo dần mầm sáng tạo, mất phẩm giá con người.
Chúng nó ở bên ta, trong ta lén lút
Đào rỗng từng kho tiền, gạo, thuốc men
( Những ngày báo hiệu mùa xuân, 1956)

Ông quyết tâm trừ khử bọn này, vạch mặt bọn này và hy vọng dân tộc ta sẽ thấy ánh mặt trời:

Tôi đã thấy từng mặt, từng tên sâu chuỗi
Tôi sẽ vạcgh từng tên, từng mặt
Hãy dừng lại
Những tên muốn ôm cây mùa xuân không cho mọc
Những tên muốn làm cây to che cớm mầm non
Con đường ta đi tự hào lực lượng
Con đường nước nguồn thành sông, thành biển
Con đường ta đi tự hào duy nhất
Con đường trái đất quanh mặt trời. ..
( Những ngày báo hiệu mùa xuân, 1956)

Bài thơ này ở trong tập trường ca Những Người Trên Cửa Biển, và cũng đăng trên Giai Phẩm Mùa Thu tập II tháng 10-1956. Bài thơ sau đây của Văn Cao in trong Giai Phẩm Mùa Xuân ngày 8-10-1956, Văn Cao vẫn tiếp tục chỉ trích đảng bằng những lời thơ nhẹ nhàng, kín đáo nhưng sâu cay.

Ông gọi bọn cộng sản là kẻ thù của dân tộc, không phải là đồng chí của ông:
Những con người không phải của chúng ta

Ông cho rằng khi nào hết lũ cộng sản thì đất nước mới thật sự thanh bình:
Bao giờ nghe được bản tình ca
Bao giờ bình yên xem một tranh tĩnh vật
Bao giờ
Bao giờ chúng nó đi tất cả
Những con người không phải của chúng ta
Vẫn ngày ngày ngang nhiên sống
Chúng nó còn ở lại
Trong những áo dài đen nham hiểm
Bẻ cổ, bẻ chân đeo tội ác cho người. . .
( Anh có nghe không?)

Văn Cao nghĩ rằng hết thực dân Pháp nhưng tai họa cộng sản vẫn còn:
Bây giờ không còn những tiếng nổ to
Nhưng còn những tiếng rạn vỡ
Có thể thu hết những khẩu súng phản động
Nhưng vẫn còn
Những khẩu chúng cho người tự tử
Chỗ nào cũng có tiếng chua nói lên
( Anh có nghe không?)

Văn Cao kêu gọi mở 'một cuộc đãu tranh mới' cho dân tộc:
Những người của chúng ta
Đang lờ mờ xuất hiện. . ... . .
Vào một cuộc đãu tranh mới
Với những người không phải của chúng ta
Anh có nghe thấy không?
Vào một cuộc đấu tranh mới
Để mở tung các cánh cửa sổ
Mở tung cả cửa bể
Và tung ra hảng loạt, hàng loạt
Những con người thật của chúng ta.
( Anh có nghe không?)


Văn Cao làm thơ tranh đãu, Văn Cao cũng làm thơ suy tư. Những ý tưởng của ông rất thâm sâu khó mà hiểu rõ. Trong thời gian bị đảng trừng phạt, ông đã bỏ nhiều ngày tháng nghĩ về nhiều vấn đề.

Ông suy nghĩ về những nẽo đường ngoằn ngoèo trong rừng:

Nếu không có đường mòn
Ai biết mà tìm nhau
Người đi đâu về đâu
Nhìn chòm sao Bắc Đẩu
Những người lạc rừng sâu
Tìm về theo dòng suối
Như lửa và cây cối
Che chở những con người
Chỉ từ những đường mòn
Rừng mở ra vạn lối
( Đường rừng, 1975 )


Văn Cao cũng có lúc nhớ đến rừng khuya:

Có lúcmột mình một dao giữa rừng đêm không sợ hổ,
có lúc ban ngày nghe lá rụng sao hoảng hốt
có lúcnước mắt không thể chảy ra ngoài được
( Có lúc, 1963)

Bài thơ sau đây là một sự bí hiểm. Phải chăng ông suy nghĩ về việc ông đã giết hại nhiều người theo lệnh đảng mà ông không hề biết gì về họ:

Một người cho tôi con dao găm
Không biết dùng làm gì
đêm nhìn qua cửa sổ
một khoảng trống đen
tôi ném vào khoảng trống con dao ấy
có phải đấy là sự nghịch ngợm
bỗng nhiên nghe tiếng ngã ngoài sân
một người trúng tim đã chết
tôi không hề biết người ấy
tôi là kẻ không muốn giết người
chỉ biết bóng tối
mà tôi đã ném dao. . .
(Bải biển khóc tuổi 65)

Phải chăng ông cũng nghĩ đến những ngày sóng gió Nhân Văn, Giai Phẩm mà ông và các bạn hữu đã bị săn đuổi:

Tôi đi trên phố
Bỗng nhiên mọi người nhìn tôi
Một ai đó kêu lên:
thằng ăn cắp
tôi chạy
tôi chạy
tại sao tôi chạy?
tôi không hiểu tôi
cả phố đuổi theo tôi
tôi chạy bạt mạng
gần hết đời
tới chỗ chỉ còn gục xuống
tỉnh dậy mồ hôi chảy
tôi lại thấy tôi là người chưa phạm tội
(Bải biển khóc tuổi 65)

Ông cho rằng ông đã bị hoàn cảnh bên ngoài vây phủ cuộc đời ông, và ông như một con sâu nhỏ đã rơi vào lưói nhện, hay một con tằm nằm yên trong tổ kén của chính nó và không tìm ra lối thoát:

Tôi rơi vào mạng nhện
mạng nhện cuộn lấy tôi
không còn cách gì gỡ được
tôi nhu con sâu tằm
cuộc đời cứ như thế
muốn phá cái mạng nhện
tôi không đủ tay
(Bãi biển khóc tuổi 65, 1988)


Và một chủ đề cuối trong thơ Văn Cao là tình yêu. Những nhà thơ khác thường ca tụng mối tình thuở ấu thơ, riêng Văn Cao ca tụng mối tỉnh già của ông. Đó là mối tình vợ chồng chung thủy. Ông thương yêu người vợ của ông đã yêu ông từ ngày đầu và vẫn còn yêu ông trong những ngày người đời hất hủi ông. Bài thơ sau đây ông viết vào năm 1974:

Giữa những ngày dằng dặc
Chỉ còn khuôn mặt em
Sáng trong và bình lặng
Dù hai đứa chúng ta
Chua lúc nào sung sướng
Những ngày đau khổ ấy
Khuôn mặt em
Như mảnh trăng những đêm rừng cháy
( Khuôn mặt em)

Bài thơ sau đây Văn Cao viết vào năm 1987 cũng là để vinh danh người vợ hiền của ông:

Thời gian qua kẽ tay
Làm úa những chiếc lá
Kỷ niệm trong tôirơi như tiếng sõi
trong lòng giếng cạn
Chỉ những câu thơ là vẫn còn xanh
Chỉ những bài hát là vẫn còn xanh
Và đôi mắt emhai giếng nuớc. . .
( Thời gian)

Thật vậy, Văn Cao mất đi nhưng những bài thơ, những câu hát của ông vẫn còn xanh mãi với thời gian và dân tộc.
VĂN HỌC HIỆN ĐẠIhttp://www.sontrng.com
SƠN TRUNG THƯ TRANGhttp://www.sontrung.blogspot.com




Năm 1997, tôi có viết một tiểu luận “Nhìn lại vụ án Nhân Văn Giai Phẩm cách đây 40 năm”. Dưới con mắt của người nghiên cứu, tôi đặt ra một vấn đề: trên cái bề mặt nổi của đấu tranh giai cấp về quan điểm tư tưởng vô sản và quan điểm tư tưởng tư sản trong văn nghệ, giấu một cái mạch ngầm là lòng đố kỵ tài năng, là sự đố kỵ của Tố Hữu với những tài năng trong văn nghệ. Ðó là cách nhìn của tôi về vụ án văn học kỳ dị nhất trong lịch sử văn chương xứ ta, với mức án không thành văn kéo dài hàng 30 năm. Ðến khi được cởi trói (1986 Ðại Hội Ðảng lần VI) thì nhiều người tóc đã bạc phơ, nhiều người đã chết. Cách nhìn nhận ấy đúng hay không đúng, mong được bàn bạc. Chính vì vậy trong tiểu luận tôi phải chỉ ra được những yếu kém trong thơ Tố Hữu, điều mà lâu nay như cấm kỵ; và đi theo nó phải chứng minh được những cái hay của các nhà thơ bị đánh trong vụ án Nhân Văn. Phần phụ lục trích mỗi nhà thơ Nhân Văn hai bài, nhằm cung cấp tư liệu để độc giả tự đánh giá.
Bạn bè thân quen bảo: “Ông Tố Hữu tuy bây giờ nghỉ làm việc, nhưng thế lực còn mạnh lắm, ông ấy vẫn có thể bóp chết anh bất cứ lúc nào”.
Tôi đã trả lời: “Tôi hiểu điều ấy. Chính đấy là lý do khiến tôi phải viết khi ông ấy còn sống”. Bạn cứ lắc đầu hoài. Tôi phải nói thêm: “Nếu không thì trả lời thế nào với câu hỏi của người sau: “Sao khi ông ấy sống không thấy ai viết gì?”.
Tôi đã chính thức gửi bài viết đến tạp chí Văn Học của Viện Văn Học và vài tờ báo khác, cũng như gửi đến nhà thơ Tố Hữu. Không thấy đâu đăng, cũng không thấy đâu trả lời.
Không sao! Không đăng là quyền của họ, trách nhiệm phải viết là quyền của tôi.
Cho nên khi Tố Hữu mất, tôi đã không viết gì nữa, cho rằng trách nhiệm của mình đã xong. Nhân đọc trên báo Lao Ðộng thấy nhà thơ Hoàng Cầm, người bị điêu đứng trong vụ án Nhân Văn, có bài thương cảm viếng nhà thơ Tố Hữu, gây cảm xúc mà bật ra mấy câu sau:
Tố Hữu mất đi
Hoàng Cầm viết lời ai điếu
Ðăng đầu tiên, báo Lao Ðộng, trang 5.
Ông trời xanh rõ thật oái oăm
Khiến dân đen bật cười khúc khích.
Hoàng Cầm vị thuốc đắng
Nên giã tật rất tài.
Chuyện thế gian,
thôi, gác bỏ ngoài tai
Phất tay áo,
đến Trúc Lâm:
“Ðối cảnh vô tâm mạc vấn thiền
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên”(*)
Tạm dịch: Trước cảnh, tâm không, hỏi gì thiền
Ở đời vui đạo cứ tùy duyên
Xin được nối thêm: Lòng không thù hận, hồn trong sáng
Mở rộng yêu thương tới mọi miền.
(12 - 12 - 2002)
Gần đây, trong dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Ðiện Biên Phủ, tôi có được đọc bản thảo “Nhà thơ Tố Hữu tâm sự” của Nhật Hoa Khanh ghi, và các báo Quân Ðội Nhân Dân, Tiền Phong, Người Hà Nội.... trích đăng vài phần, nhất là phần nói về Ðại Tướng Võ Nguyên Giáp (báo Quân Ðội Nhân Dân đăng 3 số liền), bỗng lại thấy rằng mình chưa thể thôi viết được. Với góc độ của người nghiên cứu đã viết về Tố Hữu, tôi thấy cần phải bàn cho ra sự thật.
Tâm sự Tố Hữu của Nhật Hoa Khanh ghi hoàn toàn khác với Tố Hữu đã sống trước đây.
Bản thảo được hoàn thành tháng 2 - 2004, đã được thông qua bà Vũ Thị Thanh, vợ ông Tố Hữu, được tung ra vào dịp cả nước kỷ niệm Ðiện Biên Phủ, nhằm cái gì? Muốn thanh minh với Ðại Tướng Võ Nguyên Giáp chăng? Võ đại tướng trong kỷ niệm 50 Ðiện Biên Phủ, có thể nói ông đã lại thắng một trận Ðiên Biên Phủ thứ hai. Cả nước ghi ơn ông. Tên tuổi ông và đức độ của ông sống lại, chói ngời trên cả nước.
Một câu hỏi được đặt ra với người nghiên cứu, bản thảo thực sự đã viết xong từ tháng 5-1997 (theo Nhật Hoa Khanh), nghĩa là gần 6 năm sau Tố Hữu mới mất.
Sao không công bố trong chuỗi thời gian ấy, lại để đến tận bây giờ? Liệu có sâu xa tính toán gì như thơ di cảo của Chế Lan Viên?
Ðã từ lâu nhiều người rất mong muốn nhà thơ Tố Hữu hãy xin lỗi anh em “Nhân Văn Giai Phẩm” lấy một tiếng. Như nhà viết kịch Bửu Tiến đã làm trong một đại hội nhà văn. Như nhiều anh em văn nghệ khác đã hùa theo đánh anh em “Nhân Văn Giai Phẩm” hồi ấy, nay đã nhận sai lầm, đã đến xin lỗi từng cá nhân. Cho lòng mình nhẹ nhõm, cho lòng bạn nhẹ nhõm. Nhưng Tố Hữu đã không làm.
Nhà thơ Hoàng Cầm kể rằng, nhà văn tướng quân Trần Ðộ trưởng ban Văn Hóa Văn Nghệ của Ðại Hội Ðảng lần VI, tổng bí thư lúc ấy là ông Nguyễn Văn Linh; người đã giúp Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh tuyên bố những câu đáng ghi vào lịch sử văn nghệ: “cởi trói cho văn nghệ sĩ” “các văn nghệ sĩ hãy tự cứu lấy mình” “không bẻ cong ngòi bút” “dũng cảm trình bày sự thật” v.v...
Trong cái không khí cởi mở ấy của Nghị Quyết 5/BCT về văn học nghệ thuật, nhà văn Trần Ðộ có đến gặp Tố Hữu và hỏi ông về thái độ đối với anh em “Nhân Văn Giai Phẩm” bây giờ. Nhà thơ Tố Hữu với giọng trọ trẹ xứ Huế đã nói: “Rất tiếc! Rất tiếc! Hồi ấy tôi đã không tiêu diệt hết chúng nó đi”! Trên đường về ông Trần Ðộ có rẽ vào thăm ông Hoàng Cầm, có kể lại câu chuyện trên. Ông Hoàng Cầm đến nay còn sống, yếu lắm rồi, hiện ở số nhà 43 phố Lý Quốc Sư, Hà Nội. Ai có thắc mắc, xin đến đấy hỏi, kẻo rồi ông Hoàng Cầm đi mất, lại thành tam sao thất bản.
(*) Bài “Cư trần lạc đạo”của Trần Nhân Tông (Ðệ Nhất Tổ Trúc Lâm thiền phái). Người viết xin phép đảo câu đầu và câu cuối.
Chuyện rỉ tai văn nghệ sĩ về Tố Hữu thì nhiều lắm. Nhất là cái hồi ông Tố Hữu làm phó thủ tướng phụ trách giá - lương - tiền, rồi đồn thổi có thể làm tổng bí thư. Cái bả vinh hoa ấy của ông Duẩn và ông Thọ đưa ra, có thể đã làm nhà thơ choáng váng trong hy vọng, và có thể hồi ấy đã phải biểu lộ những cư xử với Võ đại tướng để chứng tỏ lập trường của mình đứng về phía bên nào, nên sau này hối hận, cứ phải thanh minh trong lời tâm sự với Nhật Hoa Khanh, nói khá kỹ về lòng yêu quý Ðại Tướng Võ Nguyên Giáp, chiếm khá nhiều trang giấy, hai lần viện đến vợ là bà Vũ Thị Thanh làm chứng, không tin xin cứ đến hỏi.
Chuyện rỉ tai từ Ðại Hội Ðảng III (1961), phía ông Duẩn ông Thọ thuộc phái dùng bạo lực quân sự giải phóng miền Nam, được Tố Hữu ủng hộ, thắng thế. Ông Duẩn làm tổng bí thư. Cụ Hồ và ông Giáp là phía chủ trương hòa bình thống nhất đất nước, bị thiểu số, phải phục tùng theo đa số. Ðiều thực hư diễn biến ra sao thì sau này các nhà nghiên cứu lịch sử Ðảng sẽ phải làm rõ. Ðây chỉ là chuyện rỉ tai, ngoài lề cuộc họp. Nhưng nhờ đó có căn cứ để nhìn nhận được thái độ chuyển biến của từng người.
Chuyện rỉ tai về Tố Hữu nói tổng tư lệnh thực sự công cuộc đánh Mỹ giải phóng miền Nam là đồng chí Lê Duẩn chứ không phải Võ Nguyên Giáp.
Chuyện rỉ tai Tố Hữu xóa câu thơ về Võ Nguyên Giáp trong bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Ðiện Biên”.
Có lần trên tivi, quay cảnh đón Phó Thủ Tướng Tố Hữu nhân một chuyến công cán ở nước ngoài về. Nhiều cán bộ cao cấp có mặt ở sân bay. Lần lượt Tố Hữu đi bắt tay từng người. Ðến Võ Nguyên Giáp, khi ông Giáp giơ tay thì Tố Hữu lại quay đi chỗ khác như mải nói chuyện với ai. Những người ngồi xem cùng tôi bình phẩm: “Quá lắm! Thiếu lịch sự quá lắm!”.
Tổng tấn công Mậu Thân (1968) ông Duẩn điều ông Giáp đi Ðông Âu, điều cụ Hồ sang Trung Quốc nghỉ ngơi, để rảnh tay tổng tiến công nổi dậy đồng loạt bao vây Khe Sanh (định tái diễn Ðiện Biên Phủ) và đánh vào Sài Gòn dứt điểm giải phóng miền Nam. (Thất bại. Sự việc này rồi lịch sử sẽ định giá).
Kỷ niệm 30 năm chiến thắng Ðiện Biên Phủ, có vài bài trên báo, nhưng chỉ nói đến sở chỉ huy chiến dịch chung chung, không nhắc đến tên ông Giáp. Ðến Chúc văn giỗ tổ vua Hùng cũng bỏ đi hai câu nói về Ðiện Biên Phủ và Giải phóng Sài Gòn 30/4, thành ra bài Chúc văn 100 câu để ứng với huyền thoại 100 trứng 100 con, chỉ còn 98 câu.
Ông Giáp hồi ấy được phân công phụ trách sinh đẻ kế hoạch. Bỗng lưu truyền những câu ca dao trôi nổi: “Ngày xưa đại tướng cầm quân. Ngày nay đại tướng cầm quần chị em”, “Người đi từ cây đa Tân Trào đến cây đa Nhà Bò” (Cây đa Nhà Bò – cơ sở hộ sinh của quận Hai Bà, ở phố Lò Ðúc, Hà Nội).
Rồi những chuyện ông Giáp sợ Mỹ, sợ bom nguyên tử, ông Giáp với Khơ-rúp-xốp, ông Giáp lý lịch mờ ám, chuyện Năm Châu - Sáu Sứ khai báo vu vơ... Lại tin rỉ tai, đảo Tuần Châu tỉnh Quảng Ninh đã được chuẩn bị để ông Giáp ra sống biệt lập, giống Napoléon ở đảo Sainte Hélène. Có cả một cuốn hồi ký của ông phó thủ tướng thời ông Duẩn, khen ông Duẩn hết lời, chê ông Giáp quá đáng được in phô tô chuyền tay nhau v.v...
Thái độ ông Giáp là im lặng. Ông ngồi thiền. Lấy chữ nhẫn của người xưa di dưỡng tinh thần.
Và bây giờ thì ông sống lại, như một ngọn đèn rực sáng giây phút cuối, ông đã 94 tuổi trời, lá thư ông viết gửi Hội Nghị Trung Ương 9 Khóa IX đầu năm 2004, có thể coi là những lời tâm huyết cuối đời của vị tướng tài ba lỗi lạc; trong đó về đề mục an ninh nội bộ, ông khẩn thiết đề nghị trung ương giải quyết dứt điểm vụ T4, một vụ án chính trị siêu nghiêm trọng từ trước đến nay, và yêu cầu kỷ luật những ai vi phạm bất kể ở cương vị nào (không biết Bộ Chính Trị sẽ giải quyết ra sao trước khi đại tướng về trời?).
Ông Tố Hữu chỉ sau thất bại cuộc bầu vào Trung Ương Khóa VI (1986), mới tỉnh ra, thấy bơ vơ, và sau này mới có bài “Một tiếng đờn”. Nghe kể, khi biết mình không trúng cử, ông thất thần, mất hồn, đến mức xe ô tô của ông đến đón, đỗ trước mặt, ông không nhận ra, cứ ngơ ngơ ngác ngác.
Một tiếng đờn
Mới bình minh đó đã hoàng hôn
Ðang nụ cười tươi lệ bỗng tuôn
Ðời thường sớm nắng chiều mưa vậy
Khuấy động lòng ta biết mấy buồn.
Ôi kiếp trăm năm được mấy ngày
Trời xanh không gợn áng mây bay
Thủy chung son sắt nên tình bạn
Êm ấm lòng ta mỗi phút giây.
Còn khổ đau nào đau khổ hơn
Trái tim luôn xát muối oán hờn
Còn đây một chút trong đêm lạnh
Ðầm ấm bên em một tiếng đờn.
Bài thơ trên được giải thưởng văn học ASEAN. Họ trao giải cũng không phải là vô cớ. Có nhiều bài họa lại, vô danh, xin trích một bài trong số đó để bạn đọc được nghe nhiều tiếng chuông:
Nắng hè sao đã vội hoàng hôn?
Sao nụ cười tươi lệ bỗng tuôn?
Mới hay nhân quả là như vậy,
Vui lắm thì ra cũng lắm buồn.
Danh lợi đua chen được mấy ngày?
Phù vân một thoáng gió xua bay.
Thủy chung không có, đâu bè bạn?
Êm ấm làm sao được phút giây?
Ðúng vậy còn gì đau khổ hơn!
Ðời luôn khơi dậy những oán hờn,
Còn đây một chút trong cô lạnh,
Mới thấm Nhân Văn một tiếng đờn.
Ông Tố Hữu về nghỉ. Sống cô đơn. Giấc mộng quyền lực không thành. Tôi tin là ông đã hối hận. Cho nên trong Lời tâm sư,ỳ Nhật Hoa Khanh ghi, ông nói nhiều về ông Giáp, ca ngợi ông Giáp hết lời, như muốn thanh minh những điều gì không phải trước đây đã cư xử với ông Giáp. Ðúng như một câu châm ngôn của phương Tây: Qui s'excuse s'accuse (Kẻ nào tự thanh minh là tự thú nhận).
Ðối với anh em “Nhân Văn Giai Phẩm” cũng như thế. Qua “Lời tâm sự” Nhật Hoa Khanh ghi thì tất cả đều là tốt, là đáng ca ngợi, là không ai đáng phải chê trách điều gì cả. Xin trích vài người:
1) Về cụ Phan Khôi “Không thể quên được hình ảnh gương mẫu và nồng nhiệt của cụ trong đội quân văn nghệ kháng chiến chống Pháp. Không thể bỏ qua được những kết quả của cụ trong việc đổi mới thơ Việt Nam trước khi xuất hiện phong trào thơ mới. Phan Khôi còn là một học giả về văn học Trung Quốc. Muốn hay không, cụ cũng đã có một vị trí xứng đáng trong lịch sử văn học nước ta thế kỷ 20” (trg 39. Lời tâm sự).
2) Về ông Trương Tửu “Trương Tửu có năng lực đặc biệt về phê bình và lý luận văn học. Không thể tùy tiện quy kết anh là cơ hội, là tờ-rốt-kít. Ðến bây giờ chúng ta đều rõ: anh sống thẳng thắn, sống lương thiện và hết lòng với các công trình nghiên cứu của mình. Cần khẳng định những đóng góp độc đáo của anh đối với phê bình và lý luận văn học” (trg 39. Lời tâm sự).
3) Về ông Trần Ðức Thảo được Tố Hữu dùng cụm từ người trí thức yêu nước lỗi lạc, rồi tiếp: “Anh Thảo vừa nổi tiếng trong phong trào chống thực dân Pháp vừa nổi tiếng trên lĩnh vực nghiên cứu triết học Mác-xít ngay từ hồi anh đang học Ðại Học Sorbone và làm việc tại Paris. Anh Thảo suốt đời bảo vệ chủ nghĩa Mác, kể cả khi Liên Xô đã sụp đổ. Anh Thảo là một nhà nghiên cứu triết học tài giỏi nhất ở nước ta. Anh Thảo có công lớn nhất trong việc phát triển ngôn ngữ lý luận Việt Nam, phát triển ngôn ngữ triết học Việt Nam, phát triển tư duy triết học và tư duy luận lí (tức tư duy lô gích) Việt Nam. Trần Ðức Thảo là một mẫu mực của lòng say mê nghiên cứu và sáng tạo vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên lĩnh vực triết học” (trg 51. Lời tâm sự).
4) Về ông Nguyễn Hữu Ðang “người được Bác Hồ trao cho nhiệm vụ trọng đại Trưởng Ban Tổ Chức Lễ Tuyên Ngôn Ðộc Lập mồng 2-9-1945. Anh Ðang suốt đời trung thành với Bác Hồ và với lý tưởng Ðộc lập - Tự do của dân tộc. Anh Ðang đóng góp nhiều cho cách mạng nhưng đóng góp lặng lẽ. Anh Ðang có nhiều hy sinh đáng quý. Những hy sinh ấy chính là tấm gương sáng ngời treo cao trước mắt chúng ta” (trg 54. Lời tâm sự).
5) Về ông Ðào Duy Anh “Tôi sẽ thiếu sót rất nặng nếu không bày tỏ cảm nghĩ của mình về học giả lớn và nhà yêu nước Ðào Duy Anh. Từng là tổng bí thư và sau đó, là một trong những người thuộc bộ phận tiên tiến của Tân Việt Cách Mạng Ðảng, Ðào Duy Anh đã lặng lẽ và bền bỉ hiến dâng toàn bộ tài năng và nhiệt huyết của mình cho độc lập và tự do của dân tộc đến hơi thở cuối cùng. Hàng chục tác phẩm của ông bao gồm các loại từ điển và các công trình nghiên cứu về văn học Việt Nam... trở nên một hạt ngọc trong chuỗi ngọc di sản văn hóa dân tộc. Hồi ký của ông là hình ảnh trung thực của chính ông và của các đồng chí, đồng nghiệp cùng thế hệ ông suốt mấy chục năm bão táp đấu tranh cứu nước. Trên mặt trận văn hóa và tư tưởng Việt Nam thế kỷ 20, Ðào Duy Anh được nhìn nhận như một nhà yêu nước, một nhà đạo đức, một bậc hiền tài” (trg 55. Lời tâm sự).
6) Nhắc đến các văn nghệ sĩ “Nhân Văn Giai Phẩm” bị đánh tơi bời Trần Dần, Lê Ðạt, Hoàng Cầm, Phùng Quán, Hữu Loan, Quang Dũng, sau khi khen từng người cùng những tác phẩm của từng người, Tố Hữu nhận xét: “Tất cả 6 anh đều góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng một nền văn học Việt Nam giàu tính hiện thực, tính phê phán, tính hiện đại và tính truyền thống. Tất cả 6 anh đều bền bỉ tiến bước dưới ngọn cờ cách mạng. Tất cả 6 anh đều là những nhà văn nghệ luôn luôn giữ vững phẩm vàng đạo đức của người cầm bút. Tất cả 6 anh đều xứng đáng được trao tặng những giải thưởng cao quý và những huân chương cao quý” (trg 34. Lời tâm sự).
Ông Tố Hữu còn nói về nhiều anh chị em khác, toàn khen là khen, với những lời rất tốt đẹp. Tôi chỉ xin trích vài trường hợp, để làm một việc so sánh, với những nhận xét của Tố Hữu trước đây, khi ông còn đương quyền đương chức, đang chỉ đạo cuộc đánh phá anh em “Nhân Văn Giai Phẩm”.
Tài liệu sau đây lấy trong báo cáo tổng kết cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại “Nhân Văn Giai Phẩm”, do chính Tố Hữu viết, với tiêu đề “Qua cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại “Nhân Văn Giai Phẩm” trên mặt trận văn nghệ”, đã in thành sách, nhà xuất bản Văn Hóa,1958, trong thư viện quốc gia.
Nhận định tổng quát về “Nhân Văn Giai Phẩm” Tố Hữu viết:
+ Lật bộ áo “Nhân Văn Giai Phẩm” thối tha, người ta thấy ra cả một ổ phản động toàn những gián điệp, mật tham, lưu manh, trốt-kít, địa chủ tư sản phản động, quần tụ trong những tổ quỷ với những gái điếm, bàn đèn, sách báo chống cộng, phim ảnh khiêu dâm (trg 9. Sđd).
+ Trong cái công ty phản động “Nhân Văn Giai Phẩm” ấy thật sự đủ mặt các loại “biệt tính”: từ bọn Phan Khôi, Trần Duy mật thám cũ của thực dân Pháp đến bọn gián điệp Thụy An, từ bọn trốt-kít Trương Tửu, Trần Ðức Thảo đến bọn phản Ðảng Nguyễn Hữu Ðang, Trần Dần, Lê Ðạt. Một đặc điểm chung là hầu hết bọn chúng đều là những phần tử thuộc giai cấp địa chủ và tư sản phản động, và đều ngoan cố giữ lập trường quyền lợi giai cấp cũ của mình, cố tình chống lại cách mạng và chế độ (trg 17. Sđd).
+ Với sự thuyết phục của Trần Ðức Thảo, báo Nhân Văn cũng “chuyển mạnh sang chính trị”, nghĩa là đi đến “hành động quần chúng”. Những bài đánh vào nền chuyên chính, đòi phát triển tự do tư sản, đòi cho hoa độc, hoa thối tự do đua nở và đả kích từ quân đội, công an, mậu dịch, sở báo chí, cho đến cả quốc hội cũng không đủ nữa [....]Chúng muốn gì? Trương Tửu, Trần Ðức Thảo, Nguyễn Hữu Ðang và cả bọn họ luôn luôn tuyên truyền “sẽ có biến động lớn”. Rõ ràng chúng không muốn gì khác hơn Mỹ - Diệm: lật đổ chế độ dân chủ cộng hòa và Ðảng lãnh đạo (trg 18. Sđd).
+ Chúng phân công nhau: Trần Dần, Lê Ðạt, Hoàng Cầm ở Hội Nhà Văn, Sĩ Ngọc ở Hội Mỹ Thuật, Chu Ngọc, Hoàng Tích Linh ở Hội Nghệ Sĩ Sân Khấu, Tử Phác, Ðặng Ðình Hưng ở Hội Nhạc Sĩ .... Còn Nguyễn Hữu Ðang, hắn vẫn tiếp tục làm vai trò của kẻ tổ chức phá hoại cùng bọn gián điệp Thụy An, bọn trốt-kít Trương Tửu, “quân sư”Trần Ðức Thảo, và những kẻ khác... (trg 21. Sđd).
+ Không thể che giấu được cái lịch sử phản cách mạng của Phan Khôi một đời những 5 lần phản bội, phá hoại phong trào cách mạng; không thể che giấu được cái dã tâm của tên đầu cơ cách mạng Nguyễn Hữu Ðang hơn 10 năm trời vì cái đầu óc cường hào xôi thịt như cái gốc của hắn, mà luôn luôn bất mãn, kèn cựa, hằn học, dần dần đi vào con đường làm phản, bán mình cho kẻ địch, đánh lại nhân dân, tổ quốc, đánh lại chế độ chúng ta; không thể che giấu được cái chân tướng trốt-kít thâm căn ngót 20 năm nay của Trương Tửu và cái cốt cách đen tối của Trần Ðức Thảo “đứa con nuôi của đế quốc” như y đã tự nhận; cũng không thể che giấu được chân tướng của bọn gián điệp như Thụy An, mật thám như Trần Duy, trước kia đã từng “lập công” với bọn chủ Pháp, nay lại ngựa quay về đường cũ; và những phần tử phản động trong giai cấp tư sản tích cực ủng hộ bọn chúng như Trần Thiếu Bảo (nhà xuất bản Minh Ðức)... (trg 43. Sđd).
Cũng xin trích dẫn một số đề mục của bản báo cáo tổng kết để bạn đọc thấy cuộc đấu tranh chống “Nhân Văn Giai Phẩm” dữ dội đến thế nào:
[...]Những tư tưởng chính trị thù địch
1. Kích thích chủ nghĩa cá nhân tư sản, bôi nhọ chủ nghĩa cộng sản.
2. Xuyên tạc mâu thuẫn xã hội, khiêu khích nhân dân chống lại chế độ và Ðảng lãnh đạo.
3. Chống lại chuyên chính dân chủ nhân dân, chống lại cách nạng xã hội chủ nghĩa.
4. Gieo rắc chủ nghĩa dân tộc tư sản, gãi vào đầu óc sô-vanh chống lại chủ nghĩa quốc tế vô sản.
Những quan điểm văn nghệ phản động
1. Nhóm “Nhân Văn - Giai Phẩm” phản đối văn nghệ phục vụ chính trị, thực tế là phản đối văn nghệ phục vụ đường lối chính trị cách mạng của giai cấp công nhân. Chúng đòi “tự do, độc lập” của văn nghệ, rêu rao “ sứ mạng chống đối” của văn nghệ, thực ra chúng muốn lái văn nghệ sang đường lối chính trị phản động.
2. Nhóm “Nhân Văn Giai Phẩm” phản đối văn nghệ phục vụ công nông binh, nêu lên “con người” trừu tượng, thực ra chúng đòi văn nghệ trở về chủ nghĩa cá nhân tư sản đồi trụy.
3. Nhóm “Nhân Văn Giai Phẩm” hằn học đả kích nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa, nhất là văn nghệ Liên Xô, đả kích nền văn nghệ kháng chiến của ta. Thực ra, chúng phản đối chế độ xã hội chủ nghĩa, chúng đòi đi theo chế độ tư bản chủ nghĩa.
4. Nhóm “Nhân Văn Giai Phẩm” phản đối sự lãnh đạo của Ðảng đối với văn nghệ, chúng đòi “trả văn nghệ cho văn nghệ sĩ”, thực ra chúng đòi đưa quyền lãnh đạo văn nghệ vào tay bọn phản cách mạng. [...]
Còn có thể trích dẫn nhiều nữa, nhưng thiết tưởng đã đủ để bạn đọc nhận ra: đã có hai Tố Hữu, khác hẳn nhau như nước với lửa, như lòng bàn tay với mu bàn tay.
Vậy Tố Hữu nào mới là thật Tố Hữu?
Trong bản báo cáo tổng kết về “Nhân Văn Giai Phẩm” (1958), Tố Hữu có hai lần trích lời Lê Duẩn. Mặc dù lúc ấy Lê Duẩn chưa làm tổng bí thư, nhưng chiều hướng đang lên, rồi sẽ làm. Những câu trích ấy cũng bình thường, chưa phải lời vàng ý ngọc gì - nhưng Tố Hữu cứ trích, vì ông là người khôn ngoan, tính được nước cờ.
Ví dụ 1: Ðúng như đồng chí Lê Duẩn nhận xét: “Trong kháng chiến chủ nghĩa cá nhân chưa bị đánh tan, nó mới bị dồn ép lại một góc, nên đến khi có điều kiện, thì nó vùng dậy một cách hờn giận” (trg 31. Sđd).
Ví dụ 2: Như đồng chí Lê Duẩn nói: “Phải biết thấy cái chồi xanh mọc lên dưới chân cây chuối úa vàng. Nếu không, sẽ chỉ thấy những lá úa che lấp mà không thấy chồi non, sẽ bi quan thất vọng” (trg 33. Sđd).
Trong Lời tâm sự Tố Hữu Nhật Hoa Khanh ghi năm 1997, không thấy trích dù một lời của ông Lê Duẩn nữa. Vì ông Duẩn (và cả ông Thọ) đã mất, để lại nhiều tai tiếng. Còn ông Giáp vẫn sống, uy tín ngày càng cao, nhất là trong dịp kỷ niệm nửa thế kỷ chiến thắng Ðiện Biên Phủ, tên tuổi ông lại rực sáng lên như một ngọn hải đăng.
Con người biết sám hối là điều rất đáng được trân trọng. Biết sám hối, biết hối hận làm con người trong trắng hơn lên, cao đẹp hơn lên. Nhưng cần sám hối thành thật và sòng phẳng với những sai lầm trước đây của mình.
Trong Lời tâm sự Tố Hữu Nhật Hoa Khanh ghi không thấy lời nhận lỗi hoặc xin lỗi những nạn nhân trước đây của mình, ai cũng được ông Tố Hữu đánh giá rất cao, rất tốt đẹp, chỉ thấy khen là khen. Những thế hệ bây giờ không biết chuyện cũ, cứ tưởng ông Tố Hữu rất tốt với mọi người, rất đáng kính và rất đáng yêu, ông không thù ghét ai, làm sao ông Tố Hữu lại có thể đánh những tài năng văn nghệ như anh em “Nhân Văn Giai Phẩm” được? Ông Tố Hữu đã viết trong Lời tâm sự:
“Bất cứ một người nào, nếu tìm cách này hoặc cách khác “đánh” đồng đội và đồng nghiệp thì người đó sớm muộn sẽ chết trong trái tim của thế hệ cùng thời hoặc các thế hệ mai sau” (trg 64. Sđd).
Rất tiếc là ông Lê Duẩn và ông Lê Ðức Thọ đã mất rồi. Nếu các ông sống lại và được đọc những dòng trên, và tự liên hệ bản thân, thì phải khen ông Tố Hữu nói giỏi, nói rất giỏi.
Phần viết thêm:
Chúng tôi phải cảm ơn anh Nhật Hoa Khanh, vì biết công sức anh bỏ ra thật là không nhỏ cho bài viết “Gặp Tố Hữu tại biệt thự 76 Phan Ðình Phùng” dài 67 trang vi tính khổ A4. Tôi hình dung anh phải gỡ những băng ghi âm cuộc hỏi chuyện kéo dài 7 tiếng đồng hồ (từ 2 giờ chiều đến 9 giờ tối) vất vả đến thế nào, sắp xếp lại câu chữ gọn gàng cho lọt mắt người đọc, vì văn viết khác với văn nói.
Và như vậy phải thấy là ông Tố Hữu có một trí nhớ phi thường. Người già 77 tuổi, lại đau ốm, cứ ho luôn trong buổi hỏi chuyện, mà nhớ được như vậy, các sự việc, tên người, rất nhiều tên người và tên tác phẩm của từng người, ông Tố Hữu nhớ lại được hết trong một buổi nói chuyện, mạch lạc, đâu ra đó. Thật khó mà tưởng tượng nổi (người có trí nhớ như vậy hẳn ông Tố Hữu khó có thể quên những gì ông đã kết tội anh em “Nhân Văn Giai Phẩm” trước đây).
Qua lời văn mà lột tả được tính cách con người, tôi thấy anh Nhật Hoa Khanh thành công ở đoạn Tố Hữu nói về Phạm Duy:
(Xin trích một chút) Nhật Hoa Khanh hỏi Tố Hữu:
- Thưa anh, trong hồi ký về thời kháng chiến chống Pháp của mình, nhac sĩ Phạm Duy có kể: tại hội tranh luận văn nghệ tại Việt Bắc (1948) Tố Hữu bác bỏ vai trò của mấy thể loại kịch thơ, chèo, tuồng và cải lương trong nền văn học nghệ thuật thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Thực hư ra sao, xin được biết ý kiến của anh.
Với gương mặt đượm vẻ không hài lòng, Tố Hữu trả lời:
- Tôi chưa biết việc nhạc sĩ Phạm Duy đã xuất bản hồi ký. Ðiều nhạc sĩ Phạm Duy nói về tôi như anh vừa mới cho biết, tôi thấy không cần phải trả lời. Tôi không cãi nhau với Phạm Duy. Tôi đã mười năm ở trong Bộ Chính Trị, tôi không cãi nhau với Phạm Duy” (trg 4. Lời tâm sự).
Một đối thoại nhỏ vậy, bộc lộ hết tính cách của Tố Hữu. Một con người rất dựa vào quyền lực. Khá lạnh lùng với anh em. Có thể Nhật Hoa Khanh không cố ý nhưng anh đã lột tả đúng chân tướng của Tố Hữu. Thật tài tình. Thời xưa là khuyên đỏ, bây giờ thì rất đáng điểm 10.
Chúng tôi còn phải cám ơn anh Nhật Hoa Khanh, vì nhờ bài viết của anh mà tôi lại có dịp được bàn thêm về Tố Hữu và anh em “Nhân Văn Giai Phẩm”. Ở bài viết này tôi chỉ xin cung cấp một ít tư liệu xưa về “Nhân Văn Giai Phẩm”, để độc giả ngày nay tự phán xét.
Cuối cùng, điều tôi muốn nói là ông Tố Hữu sám hối thật hay chưa thành thật, điều ấy không quan trọng, sự thực là ông đã thanh minh với ông Giáp và với anh em “Nhân Văn Giai Phẩm”, có nghĩa là trong thâm tâm ông đã nhận ra cái sai của mình trước đây.
Cái sai của cải cách ruộng đất thì Ðảng đã nhận ra, Hồ Chủ Tịch đã thay mặt Ðảng và Chính phủ xin lỗi nhân dân (1956). Công tác tiến hành sửa sai được thực hiện ngay sau đó.
Cái sai của vụ án “Nhân Văn Giai Phẩm”, 30 năm sau Ðảng đã nhận ra, với lời tuyên bố của cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh: “Cởi trói cho văn nghệ sĩ” (1986). Tuy không chính thức xin lỗi, nhưng đã sửa sai, anh em “Nhân Văn Giai Phẩm” được phục hồi công việc, được xuất bản những sáng tác phẩm.
Thế mà phải 40 năm sau (1997) ông Tố Hữu mới có lời tâm sự để Nhật Hoa Khanh ghi, đã không nhận lỗi phần mình mà chỉ ra sức thanh minh. Thế mới biết tư tưởng con người thay đổi chậm chạp, nhất là những người một thời có quyền lực lớn.
Còn vụ án Xét Lại - Chống Ðảng những năm 1966-1968, thì sau này ông Nguyễn Trung Thành người phụ trách công tác bảo vệ Ðảng hồi bấy giờ, người đứng vị trí thứ hai sau ông Lê Ðức Thọ thụ lý vụ án Xét lại - Chống Ðảng, đã chính thức gửi đơn minh oan cho 38 cán bộ Ðảng trung cao cấp bị kết tội oan.
Vậy là trong quá trình cư xử với nhau chúng ta đã có những sai lầm. Ðã làm tổn hại đến những thành phần tinh hoa của đất nước.
Tôi tha thiết đề nghị các vị lãnh đạo Ðảng và Nhà nước hiện nay nên rút những kinh nghiệm xưa, để đừng mắc phải những sai lầm đáng tiếc bây giờ. Trước mắt là vụ bắt bớ giam cầm những người lên tiếng về dân chủ, về chống tham nhũng, về đất đai biên giới v.v..., vu cho họ tội gián điệp, kết án nặng nề như các ông: cựu chiến binh quân giải phóng miền Nam Nguyễn Khắc Toàn, cử nhân luật Lê Chí Quang, bác sĩ Phạm Hồng Sơn, nhà báo Nguyễn Vũ Bình; và đang giam giữ chờ xét xử là các ông: nhà nghiên cứu văn hóa Hán Nôm Trần Khuê, đại tá tổng biên tập tạp chí Lịch Sử Quân Sự, nhà báo Phạm Quế Dương, nhà đấu tranh dân chủ nổi tiếng bác sĩ Nguyễn Ðan Quế v.v...
Những con người ưu tú kể trên mà bị quàng tội là gián điệp thì thật không thể nào hiểu nổi.
Chúng ta đã nhận ra phần dân chủ của đất nước còn yếu kém. Nên Ðại Hội Ðảng IX đã phải đưa hai chữ dân chủ vào nghị quyết. Có nghị quyết rồi thì phải thi hành. Hiểu đơn giản về dân chủ là phải biết lắng nghe những ý kiến khác với chủ kiến của mình. Nên chấm dứt dùng bạo lực đàn áp những người khác chính kiến. Nên tạo một thói quen bàn bạc, tranh luận, tìm ra sự đồng thuận. Kẻo rồi sau này lại phải hối hận, rằng, bước vào thế kỷ thứ 21, nước ta sao mà lắm gián điệp đến thế???
Nói lại chuyện “Nhân Văn Giai Phẩm” xưa kia, để rút kinh nghiệm cho công việc đất nước hôm nay, như thế gọi là ôn cố tri tân (ôn cũ biết mới), nó là điều cần thiết để đất nước đi lên vậy.
Tôi kính chuyển bài viết này tới các vị lãnh đạo Ðảng - Nhà nước, và kính chuyển tới tất cả bạn đọc. Có điều gì không phải, mong được thứ lỗi trước.
Hà Nội ngày 6 tháng 6 năm 2004
Hoàng Tiến, nhà văn
Ðịa chỉ:
Nhà A 11 Phòng 420
Thanh Xuân Bắc – Hà Nội.
Nơi gửi:
- Các vị lãnh đạo Ðảng và Nhà nước
- Ban Tư Tưởng - Văn Hóa
- Bộ Văn Hóa
- Bộ Công An
- Hội Nhà văn Việt Nam
- Hội Nhà Văn Hà Nội
- Các cơ quan báo chí, thông tấn
- Bè bạn văn nghệ sĩ
- Các bạn đọc quan tâm
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=5756&z=12


==

No comments: