Wednesday, January 28, 2009

THẢO LUẬN THƠ VIỆT BẮC XIII

==


48. Trọng Anh

Ðồng bào miền Nam với thơ Tố Hữu


Qua nhiều chuyến công tác cơ sở ở Liên khu 5, tôi thấy đồng bào rất hoan nghênh và ham thích thơ Tố Hữu. Từ anh bộ đội, anh cán bộ đến nhân dân lao động đều quen với thơ Tố Hữu, ngâm thơ Tố Hữu. Ở một vùng sau lưng địch tỉnh Quảng Nam, trên một quãng đường dài không quá 5 cây số, đầu trên đầu dưới là đồn bốt địch, đoạn giữa chi chít những lô cốt địch, đồng bào trong thôn rủ nhau đi phá đường. Trong khi ra sức đào, cuốc, đập, họ hát đủ bài, đủ điệu. Xen vào, có giọng lanh lảnh vang lên: Thằng Tây mà cứ vẩn vơ, Có hố này chờ chôn sống mày đây. Ớ anh ớ chị nhanh tay, Nhanh tay ta cuốc chôn thây quân thù. Hết anh này đến chị kia, mỗi người tiếp nhau mỗi đoạn trong cả bài thơ “Phá đường”. Họ ngâm, hò, hát, quên cả mệt nhọc. Họ khúc khích cười trong câu hát: Hì hà hì hục, Lục cục lào cào, Anh cuốc em cuốc, Ðá lở đất nhào… Rồi nhường cho một chị kết thúc bằng giọng hò khoan trong trẻo: Ðêm nay gió rét trăng lu, Rộn nghe tiếng cuốc chiến khu phá đường. Cũng ở vùng sau lưng địch, có những anh du kích đánh giặc rất tài, sản xuất rất giỏi, luôn luôn đọc lên “Bài ca của người du kích” mà Tố Hữu đã dịch của dân ca Nam-tư. Hôm ấy, một đêm trăng, tôi đi họp với mấy tổ du kích ở Ð.H.. Vừa đến địa điểm đã nghe mấy câu đối đáp theo điệu giã gạo: Anh ơi mau trở về quê, Vợ anh vò võ một bề canh suông. Tức thì một giọng khác đáp lại: Thương chồng em hãy theo chồng, Ở đây chiến đấu, anh không thể về! Mỗi người lắp vào một câu. Hết ngâm đến hò, hết hò đến hố, bài thơ dứt, lại được lắp lại nhiều lần. Anh em nói: - Khi nào mệt, hát bài này lên là đánh giặc cứ hăng như thường. Năm 1952, xã T. H. đang ra sức cứu đói. Một đội văn công về công tác ở xã. Bài “Bầm ơi!” do đội văn công trình bày làm cho đồng bào cảm xúc mạnh. Những giọt nước mắt chảy ướt gò má của các mẹ, các chị. Chưa dứt cuộc biểu diễn đã có người đến xin và nhờ chép hộ bài thơ. Qua hết xóm này đến thôn kia, trên chuyến về, đội công tác đã được nghe lại những câu thơ thốt ra từ miệng các mẹ: Con đi trăm núi nghìn khe, Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm, Con đi đánh giặc mười năm, Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi Một bà cụ nói với chúng tôi: - Rõ ràng là con tôi cũng nhớ, cũng hiểu nỗi khổ của cha mẹ, của bà con xóm làng, nhưng mà nước tan thì nhà phải mất, cho nên nó gắng công đánh giặc, thì mình cũng phải ra sức tăng gia sản xuất. Ngày 16-5-1955 là ngày bộ đội ta hoàn thành việc chuyển quân, tập kết ở Liên khu 5. Trước đó mấy hôm, tôi xuống công tác ở một xã. Ðồng bào ngỏ ý xin những bài thơ nói về Hồ Chủ tịch. Ðồng bào muốn có thơ nói về Bác để mừng Sinh nhật Bác một cách thân thiết, kín đáo. Tôi chép bài “Sáng tháng 5” tặng đồng bào. Khi nhận được bài thơ, nét mặt mọi người tươi hẳn lên: Bác bảo đi là đi! Bác bảo thắng là thắng! Việt Nam có Bác Hồ, Thế giới có Stalin. Việt Nam phải tự do, Thế giới phải hòa bình! Chúng con chiến đấu hy sinh, Tấm lòng son sắt đinh ninh lời thề Ðồng bào nói: - Ðúng y như vậy, chúng tôi xin coi đó là một lời thề. Cho đến bây giờ, tuy đồng bào sống dưới chế độ phát xít của Mỹ - Diệm, tôi tin rằng lời thơ vẫn ghi trong lòng mọi người. Một số bài thơ khác như “Em bé Triều Tiên”, “Nếu thầy mẹ chết”, được học sinh rất thích. Họ dùng làm bài học, biểu diễn trong các buổi họp, liên hoan, để nâng cao lòng yêu nước, chí căm thù giặc. Những bài “Ðợi anh về”, “Bắn”, được phổ biến rộng rãi. Cũng như những đồng chí chiến sĩ của Quân đội Liên Xô, người cán bộ và chiến sĩ của ta ở miền Nam đã ghi bài “Ðợi anh về” trong cuốn sổ tay hoặc học thuộc lòng. Một bạn văn nghệ đem phổ nhạc bài thơ ấy và trình bày trong nhiều đêm văn nghệ; bài ấy được quần chúng hoan nghênh và xin chép lại. Sau ngày hòa bình được lập lại, bài “Ta đi tới” là bài đồng bào biết nhiều hơn cả. Ở đâu cũng nghe đọc, nghe ngâm, cũng chuyền tay nhau chép lại.


Trên những chuyến đò dọc, trên sông Thu Bồn, ở Quảng Nam, anh lái đò say sưa cất giọng hát: Dù ai nói ngả nói nghiêng, Lòng ta vẫn vững nhu kiềng ba chân. Dù ai rào dậu ngăn sân, Lòng ta vẫn giữ là dân Cụ Hồ. Ðến đầu tháng 9-1954, đối phương tiếp thu toàn tỉnh Quảng Nam, anh chị em cán bộ bề bộn công việc. Thế mà đi đến đâu, đồng bào cũng "yêu cầu đọc cho nghe bài ‘Ta đi tới’ rồi hãy đi", hoặc năn nỉ: "Anh chép lại cho chúng tôi bài thơ ấy." Ngày tạm giao càng đến gần, đồng bào càng học bài thơ cho thật thuộc. Tôi nhớ khi tôi còn công tác ở Phòng thông tin Quy Nhơn, đồng bào thường đến mua tập thơ Việt Bắc hay xin chép lại bài “Ta đi tới”. Tập thơ Việt Bắc gửi vào không đủ bán. Riêng một ngày đầu, đồng bào chen nhau mua hết 200 cuốn. Người ở Cực Nam ra mua, người ở Quảng Nam, Quảng Ngãi vào mua. Họ mua đủ thứ sách báo, nhưng cuối cùng thì "yêu cầu đồng chí cho tập thơ Việt Bắc". Trong các đêm phát thanh, người nghe thường yêu cầu chúng tôi trình bày nhiều lần bài “Ta đi tới”. Họ bảo: "Càng nghe càng thấm thía". Ðến khi biết chúng tôi để đĩa hát, có người đến yêu cầu mua cho được đĩa hát đó. Một chị từ Cực Nam ra thăm bà con ở Bình định, ghé ngủ nhờ ở đồn công an, mượn tập thơ Việt Bắc đọc suốt một đêm. Sáng ngày, chị ấy nài mua lại cho được tập thơ. Chị trao đổi ý kiến với các đồng chí công an về tập thơ Việt Bắc và cuối cùng đọc thuộc một đoạn dài trong bài “Ta đi tới”: …Bắc Nam liền một biển Lòng ta không giới tuyến Lòng ta chung một Cụ Hồ Lòng ta chung một thủ đô Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam. Chị nói: - Thật là đúng y như lòng dạ chúng tôi. Ðó là lòng người dân miền Nam cảm thông với tác giả tập thơ Việt Bắc.

Tôi nghĩ rằng: Hiện nay miền Nam là vùng đối phương tạm thời kiểm soát, nhưng trong ấy ngoài này vẫn là một, sống chung trên một lãnh thổ, không sức nào chia cắt được. Dù hiện nay, bè lũ Mỹ - Diệm thực hiện một chế độ phát xít đầu độc nhân dân miền Nam bằng một thứ văn hóa ngu dân, dâm ô, đồi trụy, thì những bài thơ của Tố Hữu nói đúng tâm tình và nguyện vọng tha thiết của nhân dân, vẫn giữ mãi trong lòng đồng bào miền Nam, có một sức mạnh thúc giục mọi người ra sức đấu tranh để mau làm cho Nam-Bắc "liền một biển" và đất nước Việt Nam không có giới tuyến ngăn đôi. Nhân dân, 7.8.1955 49. Hoàng Trung Thông


Ý kiến kết thúc cuộc thảo luận về tập thơ Việt Bắc Cuộc thảo luận về tập thơ Việt Bắc là cuộc phê bình rộng lớn đầu tiên trong phong trào văn nghệ nước ta. Ðã mấy tháng nay nhiều cuộc họp trong trường học, trong xí nghiệp, trong đơn vị bộ đội, thảo luận về thơ Tố Hữu. Hàng trăm bài phê bình từ khắp nơi gửi về báo Nhân dân và báo Văn nghệ. Ðã đến lúc chúng ta có thể rút ra những nhận định chính về tập thơ Việt Bắc đồng thời đánh giá những ưu khuyết điểm của cuộc phê bình vừa qua. I. Nhận định về tập thơ Việt Bắc Yêu nước trên cơ sở giai cấp: Lòng yêu nước là tình cảm nổi bật trong thơ Tố Hữu ngót hai chục năm nay từ khi anh mới bước chân vào con đường cách mạng và con đường thơ ca. Trong tập thơ Việt Bắc, lòng yêu nước mạnh mẽ đó có những phát triển mới. Ðó là giai đoạn thơ Tố Hữu đi sâu vào đời sống thực của quần chúng lao động. Lòng yêu nước trong thơ anh có một nội dung giai cấp rõ rệt.


Nhận định này về căn bản trái ngược với ý kiến một số bài phê bình cho rằng bản chất thơ Tố Hữu là bản chất tiểu tư sản cách mạng, chủ nghĩa ái quốc trong tập thơ Việt Bắc là chủ nghĩa ái quốc lãng mạn tiểu tư sản. Ðây là điểm mấu chốt của bao nhiêu ý kiến khác nhau. Con người mới hay không mới, thực hay không thực, tình cảm yếu đuối hay lành mạnh, tư tưởng sai hay đúng, tất cả bấy nhiêu vấn đề của một số bài phê bình nêu ra đều xoay xung quanh vấn đề lập trường giai cấp. Qua tập thơ Việt Bắc, ta nhận thấy rõ lòng yêu nước và lòng yêu nhân dân là một. Lòng yêu nước trong thơ Tố Hữu trước hết là lòng yêu những người lao động và chiến đấu của đất nước. Hầu hết những nhân vật được biểu hiện lên trong tập thơ đều là những người nông dân lao động, từ anh bộ đội nghỉ chân trên lưng đèo Nhe, anh pháo binh vác voi ra trận, bà mẹ trên nhà sàn Việt Bắc đến bà bủ nằm ổ chuối khô, hay chị phụ nữ phá đường. Ngay từ đầu kháng chiến, trong khối toàn dân đoàn kết giết giặc, Tố Hữu đã nhận rõ nông dân là lực lượng trụ cột. Anh đem hết nhiệt tình biểu hiện họ lên thành những nhân vật chủ yếu của thơ anh. Tố Hữu không tô vẽ lên nhân vật quần chúng những nét sơn hào nhoáng, giả tạo.

Tình cảm của nhân vật thơ anh được biểu hiện lên từ bản chất giai cấp, từ đời sống thực. Người bộ đội chiếm một địa vị quan trọng trong tập thơ Việt Bắc chính là người nông dân nghèo khổ Bữa đói bữa no Chạy ăn chẳng đủ Ngày hai bát ngô Lên rừng đào củ Vào bộ đội được sự rèn luyện của Ðảng của giai cấp công nhân, những người nông dân mặc áo lính đó chan chứa tình yêu nước, yêu nhân dân. Quyền lợi giai cấp và quyền lợi dân tộc nhất trí, đời họ gắn chặt với cách mạng và kháng chiến. Từ nhân dân mà ra, họ anh dũng vì nhân dân mà chiến đấu. Gian khổ bao nhiêu cũng quyết tâm vượt qua. Càng gian khổ càng hăng hái tin tưởng. Con đường gieo neo Là đường Vệ quốc Tha hồ đèo dốc Ta hò ta reo Chỉ có một quân đội như thế mới lấy thân làm giá súng đầu bị lỗ châu mai, anh dũng hy sinh không bờ bến. Những tình cảm người bộ đội trong thơ Tố Hữu không phải máy móc, một chiều chỉ biết đạn lửa chiến trường, một đi không trở lại. Khi Tố Hữu nói: Chắc có lúc lòng anh Nhớ nhà anh nhớ lắm là Tố Hữu đã thấu hiểu nỗi lòng người chiến sĩ. Tình cảm đó diễn tả sâu sắc trong bài “Bầm ơi!” Ở đây tình yêu gia đình, yêu đồng chí, yêu nước đã quyện lấy nhau. Phải chăng đó là "những tình cảm nhỏ bé của những nhân vật bộ đội nhỏ bé?" hay chính là những nét tình cảm sâu sắc cao quý của người chiến sĩ Việt Nam đã được biểu hiện rõ rệt trong thơ Tố Hữu. Những bà mẹ lao động Việt Nam cũng được Tố Hữu biểu hiện lên với lòng kính yêu đằm thắm. Ðó là những bà mẹ nông dân nghèo khổ, cần cù, chất phác, thắt lưng buộc bụng nuôi con.




Ðó là những bà mẹ ở hậu phương lòng luôn luôn hướng về tiền tuyến, theo rọi từng bước chân của những đứa con đi giết giặc. Bà mẹ Việt Bắc, bà bầm, bà bủ, những hình ảnh bà mẹ nông dân nghèo khổ đã được vẽ lên bằng những nét đậm đà không thể nào phai nhạt. Chính vì biểu hiện lòng yêu nước thiết tha của những người lao động nghèo khổ mà lòng yêu nước trong thơ Tố Hữu thật vững chắc và có sức rung động mạnh mẽ. Lòng yêu giai cấp và lòng yêu nước đó kết hợp chặt chẽ trong lòng yêu lãnh tụ. Tố Hữu đã viết nhiều về Hồ Chủ tịch và đã gợi lên những tình cảm sâu sắc của nhân dân đối với lãnh tụ. Bà mẹ Việt Bắc thiết tha yêu kính Cụ Hồ là vì Cụ Hồ mở nước, chia thóc cho dân. Anh chiến sĩ Ðiện Biên ra trận lòng hướng về Bác là vì biết rằng: Ta đi, Bác vẫn nhìn theo từng ngày. Người dân Hà Nội đêm đêm nhìn ảnh Cụ, mặt Người nhìn ấm lòng, và: Ở đâu u ám quân thù Nhìn lên Việt Bắc: Cụ Hồ sáng soi Hồ Chủ tịch là quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ, lời của Bác là lời non nước, tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau. Người đã gắn chặt với lòng chị dân công tải đạn, anh thợ má vàng thuốc pháo và anh chiến sĩ xung kích diệt đồn. Lãnh tụ từ quần chúng mà ra, kết tinh cao nhất trí tuệ thông minh của quần chúng. Những hình ảnh về lãnh tụ trong bài “Sáng tháng Năm” có khi còn trừu tượng, khó khăn chưa biểu hiện được những tình cảm kính yêu giản dị mà thắm thiết của quần chúng. Nhưng không phải vì vậy mà cho rằng lãnh tụ ở đây đã bị "thần thánh hóa", "tách rời ra khỏi quần chúng", "làm cho quần chúng bé nhỏ đi". Cũng như nói Bác Hồ ung dung yên ngựa bên đường suối reo không phải là "đẩy lùi lãnh tụ vào quá khứ". Lòng yêu nước và yêu giai cấp, yêu lãnh tụ trong thơ Tố Hữu nhất định không thể là lòng yêu nước của giai cấp tiểu tư sản, mà chính là lòng yêu nước của giai cấp công nhân. Nhưng một số anh em lại cho rằng: Lòng yêu nước trong thơ Tố Hữu căn bản là đúng, "thật khó mà tìm thấy một khuyết điểm về ý nghĩa chính trị", thơ Tố Hữu "tuyên truyền chính sách tốt" thật, nhưng đó chỉ mới là đề tài, là chính sách, là chính trị. Một người "tiểu tư sản cách mạng" cũng có thể viết đúng về nông dân, về lãnh tụ, về quốc tế v.v... Cũng những anh em đó nói: Ðiều quan trọng là phải xét xem cái "hồn thơ" cái "điệu tâm hồn" của thi sĩ đã là của giai cấp chưa? Ðó mới thật là cốt tủy của thơ, là chỗ rung động sâu kín nhất mà nhà thơ không thể tự dối mình hay dối người được. Ðó là sự chân thành của người cầm bút. Thực tế khách quan (chính sách, chính trị) có thể tốt đúng, nhưng điệu tâm hồn của nhà thơ vẫn có thể yếu đuối lệch lạc như thường. Ðiệu tâm hồn mới thật quyết định nội dung tình cảm của nhà thơ. Mới nghe thì lý luận đó có vẻ tinh tế và cũng dễ xuôi tai. Nhưng đi sâu mới thấy đó là một lý luận chủ quan, siêu hình nấp sau những danh từ "hồn thơ" "điệu tâm hồn" rất bóng bảy, rất kêu, dễ choáng tai, nhưng rất lầm lạc. Thứ lý luận này đã lấy điệu cảm xúc riêng của mỗi thi sĩ (hừng hực, bừng bừng...) thay thế cho lập trường và quan điểm giai cấp. Nó tách rời hiện thực khách quan phản ảnh trong tác phẩm với tình cảm chủ quan của thi sĩ, và coi tình cảm chủ quan là quyết định. Hoàng Cầm cho rằng: "thật khó mà tìm thấy một khuyết điểm về ý nghĩa chính trị trong tập thơ Việt Bắc" nhưng lại cũng cho rằng "hồn thơ Tố Hữu là hồn thơ yếu đuối". Chúng ta càng khó hiểu khi Lê Ðạt cho rằng thơ Tố Hữu "giải thích chính sách tốt" (tức là nguyện vọng cao nhất của công nông) biểu hiện "chính sách có rung cảm" và "được số đông trong quần chúng hoan nghênh" mà lại là không phải là thơ công nông, chỉ là mức tiểu tư sản cách mạng! Ðối với các đồng chí đó, thì có lẽ chính trị, chính sách, và thực tế đều chỉ là cái vỏ mà tất cả các thi sĩ đều có thể biểu hiện lên giống nhau. Ðiệu tâm hồn mới thật là tình cảm thực của thi sĩ. Mà điệu tâm hồn của Tố Hữu là "rơi rớt nhiều tính chất ngậm ngùi buồn buồn ít hành động". Bản chất thơ Tố Hữu vì thế là bản chất tiểu tư sản cách mạng. Các đồng chí đó đã cắt đứt chính sách với tình cảm, lập trường tư tưởng với tâm hồn, lấy ngọn làm gốc, lấy hiện tượng làm bản chất. Từ sai lầm căn bản đó một số bài phê bình càng ngày càng đi xa hơn: Bà mé vừa kể chuyện vừa khóc rưng rưng cũng là tiểu tư sản, cảnh phá đường giữa đêm gió rét trăng lu cũng là tiểu tư sản. Rồi “Việt Bắc”, “Lại về” và cả “Ta đi tới” nữa cũng đều là những cuộc hẹn hò, những lời gặp gỡ, những tình cảm lạc quan tiểu tư sản! Bản chất tiểu tư sản là gì? Dù là tiểu tư sản cách mạng đi nữa thì bản chất giai cấp tiểu tư sản vẫn là bấp bênh, dao động, khi thuận chiều thì bốc anh hùng rơm, khi khó khăn thì nghiêng ngả, buồn nản hoài nghi; Cái gốc của nó vẫn là tự do. Chỉ nhìn thấy mình mà không nhìn thấy quần chúng, lấy cái lợi ích của cá nhân mình mà đánh giá cả thế giới. Phải chăng thơ Tố Hữu chứa đựng bấy nhiêu yếu tố của bản chất tiểu tư sản? Trái lại, từ căn bản giai cấp công nhân đang lãnh đạo cách mạng, Tố Hữu đã nhìn người nhìn cảnh sâu sắc. Những nét hình ảnh của quê hương đất nước được Tố Hữu biểu hiện lên, nhất là trong bài “Ta đi tới” và “Việt Bắc”, đều mang sức sống mãnh liệt của dân tộc, của những người lao động làm ra lịch sử. Những con người trong tập thơ Việt Bắc đều luôn luôn lo lắng đến vận mạng của giai cấp và dân tộc, gắn chặt quyền lợi của giai cấp và dân tộc, đời sống riêng và vận mệnh chung trong một tình cảm tin tưởng và lạc quan cách mạng. Bà bủ nằm nhớ con suy nghĩ: Năm xưa cơm củ ngon chi Năm nay cơm gié nhà thì vắng con là đã hiểu sự khác nhau giữ hai chế độ cũ và mới mặc dầu nông thôn chưa phát động. Anh bộ đội ra trận diệt thù: Con đi đánh giặc mười năm


Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi. đã hiểu rằng giết giặc cũng là đập tan được một ách nặng đè trên đầu giai cấp. Ðến người mẹ trong bài “Ðời đời nhớ ông”: Ngày mai dân có ruộng cày Ngày mai độc lập ơn này ơn ai Thì ý thức giai cấp đã rõ rệt. Ruộng đất và độc lập gắn chặt vào nhau trong tình cảm người nông dân lao động. Chính từ căn bản giai cấp đó mà trong toàn bộ tập thơ Việt Bắc toát lên một tinh thần tự hào dân tộc rất cao. Lòng tự hào dân tộc đó biểu hiện sảng khoái nhất trong hai bài “Hoan hô chiến sĩ Ðiện Biên” và “Ta đi tới”. Ðó không thể là lòng tự hào của tiểu tư sản mà nhất định là lòng tự hào của một giai cấp đang giữ chắc được đất nước và cầm chắc vận mạng của mình. Giai cấp tính và đảng tính trong thơ không phải chỉ là có một số bài thơ nói về công nhân hay về Ðảng. Chúng ta rất yêu cầu các nhà thơ viết về công nhân và Ðảng. Nhưng điều trước tiên, điều cần thiết là tư tưởng tình cảm trong thơ phải có lập trường của giai cấp và của Ðảng. Tố Hữu chưa có một bài thơ về công nhân, nhưng tư tưởng công nhân đã chỉ đạo cho tình cảm thơ ca của Tố Hữu. Tư tưởng công nhân đã soi rọi cho tư tưởng, tình cảm của những nhân vật trong thơ Tố Hữu. Trong tập thơ Việt Bắc thỉnh thoảng còn một ít tình cảm bùi ngùi (“Bao giờ hết giặc”), heo hút (“Lên Tây Bắc”), lạnh lẽo (“Những thành phố trụi”) v.v... Những tình cảm này một phần nào đã hạn chế bản chất hiện thực của thơ anh, nhưng nó không đến độ làm cho tập thơ biến chất thành tiếng nói của tình cảm "tiểu tư sản cách mạng". Cái khuyết điểm chủ yếu của tập thơ Việt Bắc là ở chỗ cuộc đấu tranh chống phong kiến chưa được biểu hiện lên rõ, nhất là trong những bài thơ sau này của Tố Hữu. Tố Hữu nhìn thấy sâu sắc cuộc đời của người nông dân dưới ách đế quốc và lòng yêu nước thiết tha của họ. Nhưng trong thực tế cách mạng Việt Nam, cuộc đấu tranh chống phong kiến không thể nào thiếu sót được trong đời sống của người nông dân lao động. Tố Hữu hiểu nhiều cảnh đời đói cực của người nông dân nhưng chưa thông cảm hết nỗi khổ của người nông dân trong cái tròng tô tức. Anh thấy kẻ thù đế quốc rất rõ và anh đã tập trung ngọn lửa căm thù vào nó. Nhưng đối với giai cấp địa chủ anh chưa nhìn thấy rõ hình thù và chưa đập thẳng vào nó. Không phải chúng ta đòi hỏi Tố Hữu phải có những bài thơ về cải cách ruộng đất từ những ngày đầu kháng chiến. Nhưng đến một giai đoạn phát triển của cách mạng, khi vấn đề tô tức đặt ra, nhất là khi có cuộc phát động quần chúng cải cách ruộng đất thì lòng căm thù đế quốc và căm thù địa chủ gắn chặt vào nhau trong thực tế tình cảm những người nông dân lao động Việt Nam. Tố Hữu biểu hiện những người chiến sĩ Ðiện Biên ngày đêm anh dũng hy sinh không dựa trên cơ sở tình cảm đó, là một thiếu sót. Ngay cả trong bài “Việt Bắc” là bài thơ Tố Hữu gửi gắm nhiều tình cảm thiết tha mặn nồng nhất của mình với người nông dân lao động miền núi, những hình ảnh, những tình cảm về cải cách ruộng đất cũng không có. Ðó là khuyết điểm chủ yếu của tập thơ Việt Bắc. Chính sách và nghệ thuật: Tố Hữu tha thiết đem nghệ thuật thơ ca phục vụ chính sách của Ðảng. Chính sách không phải là những mệnh lệnh chính trị ngăn cản người nghệ sĩ nói lên tình cảm chân thực của mình và thực tế của cuộc sống. Chính sách vừa là lý trí nhưng cũng vừa là tình cảm. Chính sách là đường lối kết tinh lại từ nhiều mặt của sự sống. Nhà thơ không phải tự khép chặt mình trong những khẩu hiệu của chính sách mà biết nhìn thấy chính sách trong cuộc đấu tranh dồi dào và sâu sắc của quần chúng. Ðọc thơ Tố Hữu người ta ít nghĩ đến chính sách, nhưng thực tế thì tư tưởng của chính sách, tình cảm của chính sách vào sâu trong chúng ta.



Cuộc đời của bà mẹ, hình ảnh chị phá đường hay em bé liên lạc, những cảnh vác voi ra trận hay cuộc chiến đấu anh dũng trên chiến trường đều là những nhân vật, sự việc và hình ảnh biểu hiện lên từ sự sống. Những con người thực, việc thực đó đã lần lượt hiện lên trong tập thơ Việt Bắc, có máu có thịt, và có suy nghĩ, có tâm hồn. Cuộc sống cơm áo, mồ hôi nước mắt của quần chúng lao động không còn là những danh từ trừu tượng khô khan, mà đã thành những hình ảnh rất thực. Bàn tay cấy mạ, tiếng hát ru con, ổ chuối khô, vạt áo tứ thân phai bạc, những tiếng nói câu cười, nỗi đau thắt ruột hay niềm tin tưởng vui tươi cùng với những khóm tre, bụi lúa, con đường gốc đa, tất cả những hình ảnh thực của cuộc sống đã được nhào nặn lại để sáng tạo nên những bài thơ chứa chan tình cảm: “Cá nước”, “Bầm ơi”, “Phá đường”, “Lượm”, “Voi”... Tố Hữu không từ chính sách suy luận ra nhân vật và sự việc. Anh từ cuộc sống dựng lên những con người, những sự việc tự nó bật lên những tư tưởng, tình cảm có chính sách. Nhiều bài phê bình đều nói thơ Tố Hữu giàu tình cảm: Mến thương và thắm thiết. Giàu tình cảm, thực chất cũng là giàu sự sống. Ngay cả những bài thơ sau này của Tố Hữu “Hoan hô chiến sĩ Ðiện Biên”, “Ta đi tới”, “Việt Bắc”, mà nhiều người cho là những bài thơ có nhiều tư tưởng tính đánh dấu sự lớn lên của thơ Tố Hữu, thì tính chất trữ tình cũng rất mạnh rất sắc. Có thể nói những bài thơ đó mang nhiều tư tưởng tính mà ít sự sống được không? Có thể nói những bài thơ tổng hợp nhiều mặt của sự sống rồi nâng lên trình độ tư tưởng rộng lớn là kém hiện thực hơn những bài thơ nói một góc cạnh của tình cảm hay một mẩu của cuộc đời không? Không nên so sánh như vậy và cũng không nên coi đó là một khuyết điểm của người làm thơ. Vấn đề chính là tìm xem từ trong những bài thơ đó sự sống đã được biểu hiện lên đến mức độ nào, cảm xúc, tình cảm, tư tưởng của bài thơ có bắt nguồn từ thực tế cuộc sống hay không, hay chỉ là những khẩu hiệu chính trị. Thơ trữ tình không phải chỉ gợi lên những tình cảm trong phạm vi đời sống bình thường. Ngày nay trong cuộc đấu tranh chính trị gay gắt chúng ta còn cần có những bài thơ thay cho những bài diễn văn bốc lửa.


Chúng ta vừa muốn có những bài thơ đi sâu vào một mẩu nhỏ của cuộc sống, chúng ta vừa thèm đọc những bài thơ rộng rãi bao la "có những cái vỗ cánh hùng mạnh của tư tưởng". Tập thơ Việt Bắc đã có cả hai phương diện đó. Nhưng trong một số bài thơ của Tố Hữu sự sống còn nghèo, sức rung cảm chưa mạnh, tình cảm của nhân vật chưa gắn chặt với thực tế cuộc sống. Những bài này đã hạn chế phần nào tính chất hiện thực của tập thơ Việt Bắc. Tình cảm nhớ thương con trong bà bủ rất thực nhưng chưa gắn được với tình yêu nước mạnh mẽ cũng rất thực trong lòng bà mẹ cố nông. Người chiến sĩ đi lên Tây Bắc lặng lẽ quá. Hình ảnh anh hiện lên rất đẹp giữa núi rừng. Nhưng tình cảm anh đối với quê hương đất nước ra sao? - chưa được nhà thơ biểu hiện. Bước chân nhà thơ vắng vẻ giữa thành phố trụi chưa hòa nhịp được lời ca xây dựng mai sau. Tình cảm của nhà thơ với nỗi lòng người chiến sĩ trong bài “Bắn” cũng vẫn còn xa nhau dù hai người cùng đứng bên nòng súng nhằm thẳng vào mặt quân thù. Những bài thơ phản ảnh bước chuyển vĩ đại của kháng chiến sau này của Tố Hữu đều là những bài thơ mang hơi thở nóng hổi của cuộc sống. Thực tế đấu tranh vĩ đại bên ngoài đã xô vào thơ Tố Hữu những luồng sóng lớn. Ðó là những bài thơ tổng hợp sự sống trong những nét tình cảm điển hình.



Nhưng nó còn "ít những hình ảnh dựng ngay lên một con người, một hành động, một phong cảnh cụ thể đang sống trước mắt chúng ta". Nhất là bài “Hoan hô chiến sĩ Ðiện Biên”. Nhưng không phải vì vậy mà tập thơ Việt Bắc đã rơi vào chủ nghĩa công thức nặng nề như một số nhà phê bình đã phân tích. Những nhà phê bình này muốn thơ phải xuất phát từ thực tế cuộc sống và không rơi vào lối biểu hiện một chiều. Ðó là một yêu cầu rất đúng. Nhưng từ yêu cầu đó mà bắt Tố Hữu phải biểu hiện tâm trạng bà bủ từ năm 1947 "trằn trọc suốt đêm là vì căm thù thằng địa chủ cướp mất ruộng", bắt Tố Hữu làm bài thơ “Ta đi tới” ngay khi hiệp định Giơ-ne vừa ký kết xong phải biểu hiện được "lòng tin cụ thể vào từng bước đấu tranh gay go gian khổ" như Hoàng Cầm, thì thật là những yêu cầu quá xa thực tế. Hình thức dân tộc: Thơ Tố Hữu gần gũi với quần chúng, rung động sâu sắc trong lòng quần chúng vì nội dung tư tưởng tình cảm của nó, và một mặt nữa, vì ngôn ngữ và nhịp điệu của thơ Tố Hữu nằm trong truyền thống thơ ca của dân tộc. Cốt cách dân tộc hiện lên rất rõ. Càng là những bài lấy lời của quần chúng biểu hiện lên tâm trạng và đời sống của quần chúng, Tố Hữu càng chú ý đến thể thơ dân tộc, âm điệu dân tộc (“Phá đường”, “Bà mẹ Việt Bắc”, “Bầm ơi”, “Voi”, “Việt Bắc”, “Ðời đời nhớ ông”, v.v...) Và cũng vì vậy tình cảm thơ Tố Hữu càng chan chứa thiết tha mang được cái giản dị tự nhiên của tâm hồn quần chúng. Thơ Tố Hữu vì vậy rất dễ vào quần chúng. Và ai đã đọc thơ Tố Hữu nếu không nhớ cả bài cũng nhớ vài câu.



Có những bài thơ đã thành tiếng hát ru em của các mẹ già, em nhỏ ở nông thôn. Vì thế chúng ta không ngạc nhiên khi thơ Tố Hữu vang xa trong những làng xóm nhỏ tít mũi Cà Mau hay những trạm liên lạc xa xôi trên đỉnh núi Cực Nam Trung Bộ. Ở các nông thôn Liên khu 4 giữa các cuộc nhóm họp cán bộ thường đọc thơ Tố Hữu. Anh du kích ở địch hậu, anh bộ đội ở đồn biên phòng đều coi thơ Tố Hữu là người bạn chiến đấu. Tố Hữu thường dùng nhiều nhất là thể thơ lục bát mà câu thơ lục bát của anh rất giàu có. Nó vừa kết hợp được điệu lục bát rất cổ của bình dân Nhà em con bế con bồng, Em cũng theo chồng đi phá đường quan vừa phảng phất lối đối từng vế của những câu thơ cổ điển trong Kiều hay Chinh phụ: Anh về cối lại vang rừng Chim reo quanh mái, gà mừng dưới sân. Và đây là một câu thơ mà một chữ "thương" láy đi láy lại tạo nên cái dáng điệu chỉ thơ ta mới có: Thương cha, thương mẹ, thương chồng Thương mình thương một thương ông thương mười. Trừ một số câu thơ kém mà nhiều bạn đã trích trong bài “Lại về” phần lớn là câu thơ lục bát của Tố Hữu đều uyển chuyển. Những câu thơ lục bát hay nhất của Tố Hữu tiếp tục được cái truyền thống của ca dao và thơ ca cổ điển Việt Nam. Trong những thể thơ bốn chữ, năm chữ Tố Hữu cũng có nhiều sáng tạo. “Bà mẹ Việt Bắc”, “Lượm”, “Voi”, cùng một thể thơ mà mỗi bài có những nhịp điệu khác nhau do sự việc, hình ảnh và tình cảm của từng bài quyết định. Ðọc những bài thơ đó, ta phảng phất nhớ lại những bài vè kể chuyện của quần chúng. Nhưng ở đây, Tố Hữu đã phát triển và nâng cao nhịp điệu và ngôn ngữ lên, làm cho những bài thơ đó còn giữ hơi vè mà đã thành thơ phong phú, súc tích. Những bài thơ của Liên Xô, Nam Tư... đã được Tố Hữu Việt Nam hóa thành những bài thơ rất quen thuộc với nhịp điệu tình cảm của nhân dân ta. Tuy nhiên, hình thức trong những bài “Những thành phố trụi”, “Hoan hô chiến sĩ Ðiện Biên” hãy còn lúng túng chưa ổn định. Tố Hữu muốn phá vỡ thể thơ, uốn cho nhịp thơ rung động theo nhịp tình cảm của mình. Nhưng những bài thơ đó của anh có nhiều chỗ chưa đạt. Chúng ta mong đợi Tố Hữu cố gắng nâng cao hơn nữa tiếng nói và hình thức dân tộc trong thơ anh. Sự chuyển biến về hình thức nghệ thuật dân tộc rất rõ rệt trong thơ Tố Hữu từ tập thơ trước kháng chiến đến tập Việt Bắc. Sự chuyển biến đó chứng tỏ Tố Hữu ngày càng đi sâu vào con đường phục vụ quần chúng, đi sâu vào con đường hiện thực của thơ ca. Vì nói đến chủ nghĩa hiện thực không thể không nói đến hình thức dân tộc. II. Vài nhận xét về cuộc phê bình Lần đầu tiên chúng ta mở một cuộc phê bình rộng lớn về một tác phẩm văn nghệ. Cuộc phê bình đã được sự hưởng ứng nhiệt liệt của bạn đọc các nơi và sự tham gia đông đảo của giới văn nghệ. Trên báo chí, trong các hội nghị, chúng ta cũng đã đề cao được tinh thần mạnh dạn phát biểu ý kiến. Chúng ta cũng có thể nói: trong cuộc thảo luận lần này ngòi bút phê bình của chúng ta lần đầu cũng đã đụng chạm đến những vấn đề lớn của thơ ca: Tập thơ Việt Bắc có hiện thực không? Giai cấp tính trong tập thơ Việt Bắc. Nhân vật điển hình trong tập thơ Việt Bắc, v.v... Ngòi bút phê bình không còn vờn quanh vấn đề, phát biểu ý kiến hời hợt, trốn tránh những góc cạnh gay go nữa. Nhiều bài báo, nhiều ý kiến phát biểu có khi thống nhất có khi trái ngược nhau đều có thể giúp cho tác giả và những người làm văn nghệ suy nghĩ thêm được nhiều vấn đề. Ðó là thắng lợi tốt đẹp của cuộc phê bình. Tuy vậy, cuộc phê bình tập thơ Việt Bắc vừa qua bộc lộ nhiều khuyết điểm lớn, mà ban Văn của Hội có nhiệm vụ hướng dẫn cuộc phê bình phải chịu trách nhiệm chính. Phê bình văn nghệ tức là đấu tranh tư tưởng trong văn nghệ, không thể tách rời khỏi đấu tranh chính trị trước mắt của chúng ta. Trong khi mở ra cuộc phê bình tập thơ Việt Bắc ban Văn đã không nắm vững được nguyên tắc đó để đề ra những mục đích yêu cầu thích đáng. Cuộc thảo luận kéo dài đã nhiều khi rơi vào những tranh cãi vụn vặt, chiếm rất nhiều thì giờ và trang báo. Ban Văn đã không hướng dẫn cho cuộc thảo luận đi vào những ưu điểm và thiếu sót của tập thơ, trực tiếp giúp ích cho những nhiệm vụ đấu tranh hiện thời của nhân dân ta.


Bọn đế quốc và tay sai đang muốn thổi vào phong trào văn nghệ của chúng ta một luồng gió độc: "Văn nghệ tách rời chính trị". - Một số đồng chí chúng ta trong khi phê bình tập thơ Việt Bắc ít nhiều đã rơi vào khuynh hướng đó, ban Văn không kịp thời đề ra và tích cực đấu tranh lại. Ðó là khuyết điểm chủ yếu của cuộc phê bình. Ngoài ra còn một khuyết điểm nữa không kém phần quan trọng là: thái độ phê bình. Thái độ phê bình trong văn nghệ cũng không thể nào khác được thái độ phê bình và tự phê bình trong đời sống chính trị hằng ngày của chúng ta. Phải biết phân biệt bạn, thù, kiên quyết đấu tranh chống lại những tư tưởng phản nhân dân nhưng thành khẩn và ái hộ [1] vạch ra những sai lầm của bạn và tìm hết sức biểu dương những cái hay cái đúng. Cái nguyên tắc căn bản đó, nhiều lúc cuộc phê bình đã bỏ rơi mất. Nhiều bài phê bình, nhiều ý kiến phát biểu đã rơi vào lối tranh cãi tư sản lỗi thời, có khi đã dùng những lời độc ác hoặc thô bỉ để mạt sát lại ý kiến của người khác. Ðó không phải là thái độ xứng đáng của những ngòi bút phê bình văn học của chúng ta. Thái độ đó đã biểu lộ nhiều lần trong các cuộc phê bình, nhưng ban Văn không kịp thời uốn nắn và hướng dẫn, tưởng rằng cứ để phát biểu lung tung như vậy mới là đảm bảo "tự do tư tưởng". Những khuyết điểm trên đây đã hạn chế nhiều những kết quả tốt đẹp của cuộc phê bình. III. Kết luận Cuộc thảo luận về tập thơ Việt Bắc đã mang lại cho chúng ta những bài học lớn. Bài học đó là con đường đi của thơ Tố Hữu, con đường phục vụ lợi ích của cách mạng của quần chúng. Người làm thơ phải đem hết nhiệt tình đi vào thực tế cuộc sống, biểu hiện lên những con người chính yếu của xã hội, những con người lao động và chiến đấu trong những tình cảm chân thực và sâu sắc. Người làm thơ phải nắm vững chính sách của Ðảng, lấy ánh sáng của chính sách Ðảng soi rọi vào cuộc sống và tình cảm tư tưởng mình. Người làm thơ phải đi sâu vào hình thức dân tộc, phát triển và nâng cao tiếng nói và hình thức dân tộc để cho nhịp điệu của thơ mình gần gũi quần chúng, chứa đựng được nội dung tư tưởng tình cảm của thời đại. Và trong khi đi vào phương hướng dân tộc, nhà thơ không phải tự xóa mờ mình đi mà chính là để tạo một cá tính cho mình. Ðó là con đường hiện thực của tập thơ Việt Bắc mà cũng là con đường hiện thực mà thơ ca Việt Nam đã mạnh mẽ đi theo.


Văn nghệ, số 81 (11.8.1955) Nhân dân, 11.8.1955; 12.8.1955
[1]ái hộ: thương yêu và che chở (theo Ðào Duy Anh: Hán Việt từ điển, 1932).



=="

No comments: