Sunday, January 25, 2009

256. TÁC PHẨM TRẦN CÔNG

Trần Công



Một vài ý nghĩ



Tôi bước dần vào lòng Hà Nội

một sáng đầu thu nắng lên

chưa bao giờ

nắng chiều như hôm nay

trên ngực em gái quàng khăn đỏ.



Tôi bước dần vào lòng Hà Nội

gió vút lên cao tiếng máy

nhà diêm, nhà rượu, nhà bia

sở thuộc da, nhà máy nước, máy điện

trời ta càng ngợp khói

những nhà máy đó

dân ta càng dễ thở hơn.



Nắng rất nhiều

chưa bao giờ nắng nhiều

như hôm nay

trên ngực em gái quàng khăn đỏ



Tôi bước vào hàng sách

thấy buồn buồn

ít quá

cô hàng chống cằm ngồi mơ đi đâu?



Ôi! người yêu tôi đang buồn tủi

bao giờ cho em vui

sao mà chất nghèo

giá lại đắt.

cửa hàng quốc văn bé quá

so với những thứ khác

cũng gọi là hàng

bao giờ ở nước ta

có một Pie Xê-gơ [2]

kính cẩn in sách cho

A-ra-gông, Béc-tôn Bờ-rét [3]

Tôi bước vội ra tai ù lên

Như nghe tiếng nhiều người hỏi tội

Tôi thấy những đôi mắt nghiêm khắc

Của Lỗ Tấn, Goóc-ki, Rô-lăng

Ban-dắc, Sét-spia, Hao-va Phốt [4]

trừng lên: “Bao giờ các anh mới chịu

đọc sách chúng tôi”.



Nhưng may thay

nắng hôm nay nhiều quá

nắng vẫn sáng trên ngực

em gái quàng khăn đỏ

tôi rẽ vào một nhà in

ngửi thấy mùi giấy

tôi say như thèm hơi thở

trên ngực người yêu

nhưng lật đống giấy

lại thấy quảng cáo hoá đơn của mậu dịch

còn nhiều hơn tiểu thuyết



Tôi bước ra đường

lại ngồi cạnh một em bán báo

báo lèo tèo cùng một khuôn

giống nhau như một hàng quân phục

có tờ số xuất bản ra

không cao bằng số bao thuốc lá

bán ở một hàng Bờ Hồ

trong những tờ báo Đảng

các anh quên mất phần con người

thỉnh thoảng còn sống sượng

xếp nên những dòng chính sách trên giấy

các anh có biết rằng

một bộ ngực vừa nhú lên đôi vú

là đời sắp thêm một chuyện mới

của hai người yêu nhau

và Đảng phải lo cho họ

nhưng một số nhà văn ta

vì thích vỗ tay hiếu hỷ

cũng quên mất nốt

trong đó có những kẻ

nằm ngoan như cục xà-phòng

có mùi thơm và nhiều bọt



Tôi vào hàng cà-phê

một anh thương binh Nam bộ

tập tễnh đi

chiếc chân Đức mới lắp

hớn hở như trẻ lên hai

tập đi bên tay mẹ

thế mà không ai nói tới

trong lúc đó trên màn ảnh

phim ta nhiều diễn thuyết và vỗ tay

mà một số người quan trọng

vô tình đã trở nên tài tử

của Xưởng phim Thời sự



Nhưng may thay

nắng hôm nay nhiều quá

nắng sáng rực

trên ngực em gái quàng khăn đỏ



Có người chỉ đường

miệng rít còi

mắt mải nhìn theo một tà áo tím

để đọng lại một số xe

nhưng khách qua đường

đã vui vẻ cười

dễ tính



Vải vóc muôn mầu

nhiều lắm

hoa muôn mầu

nhiều lắm

nhưng bao giờ sách báo cũng nhiều

như hoa

tôi sẽ cao giọng

hát một bản tình ca

tặng các nhà xuất bản.



Giai phẩm mùa Thu 1956 I


Hà Nội, 9-1956

==

Trần Công
Chống bè phái trong văn nghệ [12]
(Tiếp theo kỳ trước)

II. Nguyên nhân và tai hại

Nói đến văn nghệ, người ta thường nghĩ tới học phái này học phái nọ. Người ta nghĩ đến những cuộc bút chiến, tranh luận nảy lửa mục đích là càng ngày càng làm giầu thêm kho tàng văn học của nhân loại. Chính ra phải nói đến bè phái là cả một sự đau lòng. Có phải chuyện “vụn vặn giải quyết vài ngày trong nội bộ” như lời gần đây của Thúc Đại không? Sự thực nó không dễ như anh nghĩ đâu. Hiện tượng bè phái trong văn nghệ nghiêm trọng vì bè phái đó lại là một số lớn những người lãnh đạo văn nghệ có vị và có quyền.

Trong kháng chiến, trái tim của con người gần gũi nhau hơn. Cũng mặc áo nâu ngồi bên vỉa đường hút chung điếu thuốc lào, con người văn nghệ hiểu nỗi khổ của nhau thấm thía hơn. Hôm tổng kết học tập, đồng chí Tố Hữu cũng có nhận khuyết điểm là hai năm nay ít gần gũi anh em. Đấy là một hiện tượng xa rời quần chúng. Xa rời quần chúng thì nhất định không rõ tâm lý quần chúng, không rõ tâm lý quần chúng thì những điều chỉ thị xuống chỉ mơ hồ, máy móc không thích hợp. Huống chi bên cạnh mình lại có thêm một số cá nhân hẹp hòi, thiển cận thì đồng chí Tố Hữu bây giờ có thấy anh em phê bình là bè phái, cũng chỉ cho là lời đả kích của “mấy thằng bất mãn”.

Một nguyên nhân của bè phái là kém lý luận. Những người lãnh đạo văn nghệ sở dĩ đã phải cố kết thành một khối để củng cố địa vị, chống đỡ với quần chúng, là vì không có cơ sở lý luận. Do đó, họ đã không “đem trả về cho quần chúng những cái của quần chúng”. Người kém lý luận thường nhìn sự đời bằng con mắt chủ quan, một lối chủ quan duy tâm. Lối nhìn chủ quan duy tâm này nguy hiểm vì nó chỉ dựa trên cảm tính vu vơ, không biện chứng. Tôi xin lấy một đoạn của Hoài Thanh tự phê bình về vụ Trần Dần đăng trong Văn nghệ số 139 để dẫn chứng lối nhìn đời bằng con mắt chủ quan duy tâm đó: “Trong trí tôi nẩy ra ý nghĩ: Trung Quốc có Hồ Phong, biết đâu chúng ta lại không có một Hồ Phong”, và rồi Hoài Thanh suy diễn: “Lúc đầu đọc bài ‘Nhất định thắng’ tôi chỉ cảm giác đây là một tâm trạng âm u... Nhưng chẳng mấy chốc tôi đã chuyển sang nghĩ đây là một sự cố tình vu khống”.

Cũng có những người lãnh đạo vốn không bè phái, nhưng do chỗ ở một cương vị lãnh đạo phải giải quyết những yêu cầu của quần chúng văn nghệ sĩ, mà năng lực thì đuối nên rốt cuộc cũng phải dựa vào bè phái để chống chế đối với anh em. Đó là trường hợp đấu tranh chính sách ở Phòng Văn nghệ Quân đội 1955. Lúc anh em văn nghệ sĩ đưa ra thảo luận một bản đề án về chính sách văn nghệ, đại cương có ba điểm lớn:

* Quan hệ giữa văn nghệ và chính trị
* Chủ trương sáng tác rộng rãi, trăm hoa đua nở
* Những điều kiện cần yếu về sinh hoạt của văn nghệ sĩ.


thì một số những người lãnh đạo Văn nghệ Quân đội (trong đó có cả văn nghệ sĩ) luống cuống. Luống cuống vì nhìn không rõ bước tiến tất nhiên của thực tế, không nhìn được xa rộng vấn đề sẽ đi tới đâu. Về sau, khi kiểm điểm sai lầm, một trong những nhà lãnh đạo đó đã thành khẩn nói: “Khi thấy anh em đề ra chính sách tôi thấy là đúng; nhưng khi thấy cấp trên bảo là sai, tôi cũng lại thấy lời cấp trên là đúng”. Rồi đàn áp, chia để trị, bằng mọi biện pháp như kiểu Hoài Thanh: “Ý thức của tôi trong khi tham gia điều khiển cuộc họp là muốn cô lập Trần Dần và tranh thủ những người khác có bài trong Giai phẩm. Cái lối cô lập tranh thủ ấy dựa trên ý định lấy nhiều người đàn áp một người...”

Nguyên nhân thứ hai của bè phái, quan trọng hơn là đầu óc sùng bái cá nhân. Khi đã kém lý luận, suy nghĩ theo lối chủ quan duy tâm thì phải dựa vào ý kiến của cấp trên. Do đó mà một câu hỏi vu vơ hay nhẹ dạ của một cán bộ cấp trên cũng được những người nặng đầu óc sùng bái cho là một chỉ thị. Và cứ thế áp dụng. Cũng anh cán bộ lãnh đạo văn nghệ trong Quân đội trên kia nói: “Trong tình thế ý kiến anh em và ý kiến cấp trên mâu thuẫn thì bao giờ tôi cũng làm theo ý kiến cấp trên chứ không cần suy xét gì nữa”. Cũng cần nói đến đầu óc địa vị của một số văn nghệ sĩ trong Quân đội đã nhẩy lên ghế lãnh đạo phong trào, thừa thế kết bè “làm láo, báo cáo hay”, kìm hãm phong trào văn nghệ trong Quân đội đang lớn mạnh. Tại sao, khi có lệnh gửi ra nước bạn những tác phẩm giá trị của Quân đội để giới thiệu Quân đội Việt Nam anh dũng lại thiếu hai cuốn chuyện Người người lớp lớp của Trần Dần và Vượt Côn Đảo của Phùng Quán mà chỉ thấy một số sách mà toàn quân ít hưởng ứng của một số bè phái văn nghệ sĩ trong Quân đội? Nên xét lại xem việc Tú Nam tự động đóng dấu, lấy quyền ký tên hạ lệnh cho nhà xuất bản Quân đội in hàng vạn cuốn Mất con mất cháu của mình có phải là một hành động lũng loạn không? Trước đó, nhà xuất bản của Hội đã không nhận in vì Mất con mất cháu dở quá. Bài “Một vài sai lầm của lãnh đạo văn nghệ” của Nguyễn Đình Thi (Văn nghệ số 140) không công nhận có bè phái. Nhưng cũng trong bài đó, anh viết: “Số ít người nắm quyền quyết định trở thành tự mãn, độc đoán”, “Bộ phận lãnh đạo trở thành một nhóm đóng cửa, hẹp hòi, cô độc, nể nang lẫn nhau; khi có khuyết điểm thì xuê xoa không thẳng thắn đấu tranh nội bộ và mạnh dạn tự phê bình trước quần chúng”.

Đành rằng tình trạng bè phái của lãnh đạo văn nghệ không xuất phát từ một âm mưu lũng loạn từ đầu. Nhưng trên hiện tượng do anh Thi tự thú và hàng mấy trăm anh em văn nghệ sĩ đã vạch ra trong đợt học tập tháng tám vừa qua, tôi tưởng không cần phải chứng minh thêm gì nữa tính chất bè phái cũng đã quá rõ rệt rồi. Bây giờ đã đến lúc vấn đề không còn là nhận hay không nhận một danh từ nữa mà phải bắt cho đúng mạch, tìm cho đúng bệnh để cứu người ốm. Đừng kéo dài nữa mà tốn tiền, tốn thuốc, lại hại người.

Đảng ta giầu kinh nghiệm đấu tranh. Trung ương ta bao gồm những người con ưu tú của dân tộc. Tại sao xảy ra tình trạng rối ren này? Một phần lớn của vấn đề là do bè phái trung gian đã ngăn cách Trung ương với quần chúng. Đành rằng vì Đảng ta chưa có một chính sách văn nghệ cụ thể. Nhưng giá những người trung gian cứ làm việc đúng công tâm con người cách mạng, rộng rãi, biết nâng đỡ mọi người, thẳng thắn không bao che khuyết điểm thì đâu đến nỗi! Giá thử những năm vừa qua họ trung thành với quần chúng, được quần chúng tín nhiệm, đừng gạt bỏ ý kiến xây dựng của những người tốt, đừng sống giả dối, thích nghe những lời nịnh hót hay tâng bốc lẫn nhau, thì chúng ta đã có thể cống hiến nhiều sáng tác tốt hơn cho nhân dân và góp cả phần giúp Trung ương xây dựng chính sách văn nghệ nữa.

Cũng do đó mà phong trào văn nghệ chúng ta ì ạch, một chiều, tình thân giữa văn nghệ sĩ với nhau sút kém nặng nề, nhiều văn nghệ sĩ vẫn bị coi rẻ, đời sống văn nghệ sĩ không được bình thường. Văn nghệ là của quần chúng. Phải trả về cho quần chúng. Đảng chỉ khơi nguồn, giúp cho khả năng quần chúng dễ phát huy. Người chịu trách nhiệm lãnh đạo văn nghệ phải lắng nghe ý kiến quần chúng đặng thi hành chính sách của Đảng đúng đường lối quần chúng.

Anh em không cầu mong gì hơn một thái độ thành khẩn của những người lãnh đạo văn nghệ, để sẵn sàng cùng nhau xây dựng một nền văn nghệ phong phú cho dân tộc. Cơn sóng gió hiện nay có yên đi thì mới nói chuyện sáng tác và tiến hành chuẩn bị Đại hội tốt được. Nhưng muốn được thế, những người lãnh đạo văn nghệ phải có thái độ rõ rệt hơn, đừng úp mở nữa; bè phái phải giải thể đi, thì mới tạo nên điều kiện tốt cho Trung ương gần gũi văn nghệ sĩ hơn để lãnh đạo họ bằng một đường lối sát đúng và một chính sách cụ thể.

4. NHÂN VĂN 2 * PHẦN III



==

Trần Công và Trần ThịnhĐã tiến thêm được một bước, cần tiến thêm bước nữa [7]Từ đợt học tập tháng tám, giới văn nghệ vẫn chờ đợi giải quyết những vấn đề đã được nêu ra sôi nổi trong các tổ và trong buổi tổng kết.Cụ thể ra, anh chị em công tác văn nghệ đòi thực hiện trước Đại hội Văn nghệ Toàn quốc những việc này.1. Xét lại vụ Giai phẩm mùa Xuân2. Xét lại vụ Giải thưởng Văn học 1954-19553. Mở rộng tự do và dân chủ, công bố và áp dụng ngay những nguyên tắc cơ bản của đường lối “trăm hoa đua nở”4. Chấp nhận và thực hiện bốn đề nghị kết thúc bản tham luận của Tổ văn II (do Nguyễn Hữu Đang đọc) hôm tổng kết (26-08-56) đã được tuyệt đại đa số tán thành, gồm có:- Anh chị em được học tập nữa, hướng vào yêu cầu của Đại hội và sửa đổi đường lối và chấn chỉnh tổ chức.- Anh chị em được gặp Trung ương Đảng với mục đích trực tiếp phản ánh tình hình phong trào và hiểu rõ chủ trương của Đảng để căn cứ vào đó mà tiến hành kiểm điểm những việc cũ và chuẩn bị những việc mới.- Bổ sung vào Thường trực Ban trù bị Đại hội một số đại biểu do anh chị em bầu ra. (Số đại biểu này phải đông hơn số người được chỉ định trước), đồng thời nếu trong Ban Trù bị có những người bị anh em chỉ trích nhiều thì cũng phải rút lui.- Trong thời gian chuẩn bị Đại hội, Thường vụ Hội cùng với Thường trực Ban trù bị (đã được bổ sung) tích cực giúp đỡ cho việc anh chị em ra thêm báo được dễ dàng và Nhà Xuất bản Văn nghệ dành ưu tiên cho những tài liệu của anh chị em viết bàn về lý luận hay tổ chức văn nghệ.Sau một tháng trời im lặng một cách nặng nề, gần đây chúng ta đã thấy Thường vụ Hội làm bốn việc:- Anh Hoài Thanh đã tự phê bình bằng một cuộc nói chuyện và một bài báo về những sai lầm nghiêm trọng trong vụ Giai phẩm mùa Xuân.- Anh Nguyễn Tuân đã viết một bài báo nhận những thiếu sót trong việc chấm giải văn học 1954-1955 mà anh phụ trách.- Anh Nguyễn Đình Thi đã viết một bài báo nêu những khuyết điểm trong sự lãnh đạo văn nghệ nói chung.- Thường vụ Hội ra một thông cáo công nhận những sự việc chính đã nêu ra trong ba bài báo nói trên. Ngoài ra, bản thông báo nói rõ: “Ban Thường vụ còn tiếp tục kiểm điểm và tích cực sửa chữa”, “Ban Thường vụ đã đề đạt những ý kiến và đề nghị của anh chị em lên Chính phủ” và “Ban Thường vụ đã đề nghị Ban Trù bị Đại hội bổ sung thêm một số đại biểu”.Bốn việc này đã giải quyết được gì?Công bằng mà nói, những sự kiện đó đã là một cố gắng làm dịu đôi chút tình hình sóng gió hiện nay của ngành văn nghệ và làm cho những quan điểm nhiều chỗ đối lập giữa bộ phận lãnh đạo và anh em nhích lại gần nhau hơn.Chúng tôi thành thật hoan nghênh kết quả đó và mong rằng những cố gắng như thế sẽ được tiếp tục và đẩy mạnh để phong trào chóng thoát ra khỏi cơn khủng hoảng.Nhưng một mặt khác, phân tích kỹ bốn sự việc trên, ta thấy một số ý định mới tương đối tiến bộ của Thường vụ Hội vẫn còn bị nhiều yếu tố bảo thủ kìm hãm lại.Anh Hoài Thanh tự phê bình chưa thành khẩn, nghiêm chỉnh; ý kiến của hai bạn Hữu Tâm và Thanh Bình trình bày trong số báo này sẽ vạch rõ.Anh Nguyễn Tuân nhận xét công việc chấm giải văn học 1954-1955 một cách đứng đắn hơn, gây cho anh chị em văn nghệ một ấn tượng tốt về thái độ của một người có trách nhiệm với phong trào, tôn trọng dư luận quần chúng và thật tâm muốn đi đến giải quyết hợp lý. Tuy vậy anh cũng chưa nói được toàn bộ sự thật.Anh Nguyễn Đình Thi kiểm điểm “một vài sai lầm khuyết điểm trong sự lãnh đạo văn nghệ”, nhận “sự lãnh đạo của Hội và các đồng chí chỉ đạo ở Hội có nhiều khuyết điểm” và nêu ra ba cái dở cần chú ý là:- Non kém trầm trọng về lý luận;- Thủ công nghiệp, du kích, tuỳ tiện;- Hẹp hòi, độc đoán cá nhân, thiếu dân chủ và tập thể.Nhưng anh Thi lại chối cãi tinh thần bè phái, cho rằng chỉ có nể nang, xuê xoa và nếu có bè phái thật thì chỉ là cá biệt mà thôi. Hơn nữa, để cắt nghĩa tình trạng bị kìm hãm và những tệ hại hiện nay trong ngành văn nghệ, anh đổ gần hết cho khách quan: nào là “chúng ta vướng mắc với bản thân chúng ta khá nhiều”, nào là “những bệnh ấu trĩ của một nền văn nghệ vừa mới thoát thai từ một chế độ thực dân và phong kiến”... Còn phần chủ quan? Anh Thi đắn đo, dè dặt nói:“Có thể là trong lãnh đạo có những sai lầm, khuyết điểm kéo dài”.Rồi anh xoá nhoà luôn cái điều mà anh cho là chưa chắc (!) đó bằng cách gài nó vào một hiện tượng quá phổ biến ở nước ta đến nỗi không còn biết nên coi là lý do chủ quan hay khách quan:“Những sai lầm đó có nhiều quan hệ đến tư tưởng sùng bái cá nhân”.Chúng ta lấy làm lạ sao anh Thi lại nói như một người ở ngoài bộ phận lãnh đạo, như chính mình không chịu trách nhiệm gì về những sai lầm khuyết điểm kia. Và chúng ta lấy làm tiếc rằng bài kiểm điểm của anh nêu ra nhiều vấn đề, đều đáng chú ý cả, nhưng không làm nổi bật lên được cái then chốt. Với một thái độ mạnh dạn hơn, thẳng thắn hơn, anh sẽ có thể thống nhất nhận định với anh em để cùng tìm một giải pháp.Còn bản thông cáo của Thường vụ Hội, nhờ có tính chất tập thể nên mặc dầu vẫn còn nói chưa bằng lòng đối với vài trường hợp chỉ trích mạnh (gọi là đả kích), cũng đã tỏ rõ một thái độ thật thà tiếp thu phê bình và sẵn sàng hợp tác với anh chị em để sửa chữa. Song chúng ta không thể nào đồng ý với bản thông cáo ở chỗ nó, chỉ nêu nguyên nhân là phương pháp sai, tác phong xấu mà bỏ quên hẳn tư tưởng và động cơ.Tất cả những điều chưa thoả đáng nói trên biểu hiện sự rụt rè của lãnh đạo, một sự rụt rè rất không hợp thời. Quần chúng mong đợi một thay đổi lớn chứ không muốn chứng kiến một cuộc vá víu.Và trên tình thân đó, anh chị em văn nghệ rất phấn khởi đón tin Trung ương Đảng sẽ gặp đoàn đại biểu của anh chị em trong một cuộc toạ đàm sắp tới.Để gần nhau, chúng ta đã tiến được một bước đầu. Chúng ta sẽ cố gắng tiến thêm bước nữa.

5. NHÂN VĂN 3 * PHẦN 1


=
====Trần CôngKhi ấy xuân sắp về(truyện ngắn)Những ngày tàn thu. Đường Lý Thường Kiệt dài, heo hút. Rặng cây đã đổi màu, lá úa rơi rơi trước từng cơn gió nhẹ. Sương mù nặng trĩu trên những tấm áo bông đang cúi đầu bước run rẩy.Minh hoạ của N.Ở một góc đường, Linh đang vẽ. Người anh dong dỏng cao, mặt gầy, mắt sáng, tuy đượm vẻ buồn xa xăm nhưng vẫn có tí tinh nghịch. Da hơi xám vì lạnh và cũng vì sốt nhiều trong những năm kháng chiến. Chiếc áo khoác bằng vải bạt mua chợ giời đã bạc màu, lấm tấm bẩn những vết mực vẽ. Bên lề đường, Lân, người học vẽ, ngồi co rúm vì lạnh, mải ngắm những cô nữ sinh. Lân còn trẻ lắm, mắt nhỏ, ngây thơ như mắt trẻ con, tóc hơi quăn, một mảng nhỏ rớt trên trán.Xung quanh Linh, dừng lại một số người hiếu kỳ. Đây là một ông công chức vẫn hay đến sở muộn giờ. Người đeo kính trẻ tuổi kia là một ông giáo ở trường bên cạnh. Cả một anh công an. Anh hơi nhíu mày, phóng xe lại định hỏi, nhưng lại thấy một hoạ sĩ đang vẽ nên lại thôi và cũng tò mò đứng xem.Xa Việt Bắc hơn một năm nay, anh nhớ những đồi sim dại, tím ngát trong chiều hoàng hôn, những đồi sim đã vỗ về Linh sống trong những ngày gian khổ. Linh nhớ những ngưòi con gái đẹp nghèo trong xóm, chiều chiều lên đồi sim tìm củi rồi hát véo von. Từ khi về Hà Nội, đề tài của anh tản mạn, nhiều vướng mắc. Anh vẽ nhiều nhưng kết quả ít được như ý muốn. Rồi mùa thu về. Ngồi đếm lá vàng rụng, anh sực nhớ ra mình đã hai mươi tám. Mải mê với nghệ thuật, đâu sẽ là mảnh nắng ấm lòng để sưởi khi trời trở lạnh. Anh thèm khát nhìn theo những tà áo. Có một chiều nắng vàng, gió nhẹ lất phất những tà áo tím quất vào hồn anh lùi về dĩ vãng: màu tím hoa sim dại trên núi đồi Việt Bắc, bóng người con gái nghèo nhặt củi mỗi buổi hoàng hôn xuống.Linh tần ngần bảo Lân:"Lân ơi, tôi sẽ vẽ một người thôn nữ trong những bông sim tím."Lân hồn nhiên:"Đúng đấy anh Linh ạ. Anh vẽ người đẹp đi, Lân thích lắm."Thế rồi, có một sáng sớm, trời lành lạnh, Linh và Lân xách giá ra góc đường ngồi vẽ. Linh muốn ngồi ngay góc ngã tư này để tìm gợi cảm hứng ở những màu áo tím của các cô nữ sinh.Đã một tuần rồi, vẽ rồi lại xoá, màu tô lại đổi. Linh ôm trong hồn hình bóng một cô thôn nữ mộc mạc mà vẽ mãi không giống lắm: “Đẹp đấy nhưng trông vẫn giống nữ sinh Hà Nội anh Linh ạ!”. Linh nghĩ: “Ồ! Mới có hơn một năm mà cuộc sống thành thị đã ám ảnh mình nặng thế ư?”. Anh nhẫn nại cố chữa, cố tưởng tượng trong ký ức những nét giản đơn, cái đẹp tự nhiên thanh thoát của người thiếu nữ đồi sim. Có một vài nữ sinh đi ngang, ngừng xe đạp tấm tắc khen đẹp làm Linh ngường ngượng. Linh hơi buồn về ký ức kém cỏi của mình.Nhưng, có một sáng, khi kẻng vào lớp đã kéo hết học sinh đi, khi chỉ còn sót một vài “công chúng” tí hon học buổi chiều ôm bóng đi đá thì bỗng Linh ngừng bút ngửng đầu. Anh thần người đứng nhìn: Từ trước mặt đi lại một cô hàng hoa. Cô mặc áo dài nâu, yếm trắng, chít khăn mỏ quạ, đi chân không, người cô dong dỏng cao, khuôn mặt trái xoan, mắt to mà đen, hai gánh đầy hoa: lay-ơn hồng, tím, cúc trắng, vàng, hồng nhung. Giữa những màu rực rỡ xen vài lá xanh ướt đọng ít giọt sương mai.Tưởng có cơ bán được, cô gái hàng hoa ngừng bước, nhè nhẹ đặt gánh xuống. Người hoạ sĩ đứng nhìn, đánh rơi cả bút, vui sướng thốt lên:"Đây rồi!"Đám trẻ nhìn theo cười ròn rã rồi hò nhau đi đá bóng. Thôi phải rồi! Đây mới thực là người cần cho tranh của Linh. Thoạt mới nhìn, anh có cảm giác là lạ. Thấy như một đêm trăng nào đó, rờn rợn như trong Liêu trai, bóng người đẹp hiện về trong thư phòng người hàn sĩ. Linh thấy như đã tìm ra thìa khoá của nghệ thuật, linh hồn của bức tranh. Bây giờ chỉ còn cách lồng nó vào giữa đám hoa vẽ xong từ bao giờ nhưng còn thiếu hồn hoa. Thì nay hồn hoa đây rồi…Linh bước lại gần người bán hoa. Anh cầm lấy một vài chùm hoa, lơ đễnh hỏi giá và chăm chú nhìn người chủ của chúng. Anh giơ lên một bó lay-ơn tím rồi tưởng tượng một cái khung vô hình mà cạnh bó hoa là khuôn mặt cô gái. Thấy vừa ý, anh tấm tắc: “Đẹp quá!”.Cô hàng hoa nhanh nhảu: "Ông mua đi, loại ấy hiếm lắm. Tôi chỉ có một ít thôi!"Linh vội vàng giả tiền.Và cô gái bán hoa cũng đứng dậy, thoăn thoắt rảo bước.Linh thấy như hụt mất trong tay một vật quý, định gọi với lại nhưng lại thôi. Anh đứng nhìn theo cho đến khi Lân đến vỗ vai anh, anh chợt tỉnh quay lại giá vẽ, phóng bút vẽ nên một đôi mắt rất đen....Và cứ thế, trong sương mù của những buổi sáng cuối thu, khi ánh mặt trời dậy muộn vội vã từng tia, xen qua sương mai phơn phớt vạch trên cây lá, khi sương lách tách nhẹ rớt trên lưng người hoạ sĩ đang say mê vẽ, thì cô gái hàng hoa cũng nhanh nhẹn quẩy gánh đi ngang. Người hoạ sĩ lại tươi cười dừng bút mua một chùm hoa tím, nói vài câu chuyện. Chủ hàng ý chừng đã quen tính vui vẻ hồn nhiên của ông khách lạ nên cũng thành thói quen. Mỗi buổi sáng đi ngang đều có dừng lại. Nhưng có một lần, thấy hoạ sĩ lúng túng móc túi mãi không đủ 300, cô ái ngại. Và nhìn lại quần áo lôi thôi cũ kỹ thì chợt hiểu nỗi nghèo của người hoạ sĩ. Thầm kín, cô hàng hoa mở bó hoa chọn một nhành hoa tím tươi nhất đưa cho Linh:"Nhà tôi còn nhiều, ông cầm lấy mà vẽ."Nói rồi quẩy hàng đi.Ở đời xét cho cùng thì nghệ thuật là cái dễ thấm hồn người nhất. Chỉ có cái là người nói ra được, người chỉ cảm thông thôi. Linh cho là những người bán hoa nhất định có người có tâm hồn đẹp như hoa và người mua hoa cũng có ngưòi hiểu hoa, quý hoa.Ngày hôm sau, như thường lệ, cô gái hàng hoa tới, lúc kẻng trường đã dồn ông giáo, học sinh vào lớp, lúc đám trẻ em đã phân tán đi chơi bóng. Lần này, Linh chưa kịp lại thì cô gái hàng hoa đã tới trao cho anh một chùm hoa tím. Linh đem cắm nó lên giá rồi hí húi vẽ. Cô hàng hoa đứng trông anh vẽ. Cô chợt hỏi Linh:"Ông vẽ ai đấy?"Linh nhìn cô:"Tôi vẽ cô đấy. Có giống không?"Cô hàng hoa ngượng ngùng:"Bao nhiêu người đẹp mà ông vẽ tôi. Tôi có ra gì."Linh nói rất nhiều, rất say mê giải thích bức tranh của anh. Nhưng nghe một lúc cô hàng hoa e lệ bỏ đi.Linh vẫn thấy tranh mình chưa vừa ý lắm. Thỉnh thoảng một chiếc ô tô vù bụi, khét mùi xăng rầm rộ chạy qua… Thỉnh thoảng nhiều tiếng còi, tiếng chuông, tiếng rao làm anh rộn óc. Khung cảnh ồn ào chung quanh chi phối anh, anh bực tức. Thế rồi, có một sáng, trời lạnh hơn, sương xuống nhiều hơn, anh không thấy cô hàng hoa qua đây nữa. Anh giục Lân thu xếp đồ vẽ, bỏ đi tìm.Ngoài Hà Nội. Một trại hàng hoa. Chập chờn trên các mô đất chỗ cao chỗ thấp, điểm xuyết giữa những ngôi nhà nhỏ xinh xắn là những vườn hoa rực rỡ.Đào còn lạnh gió heo may chưa buồn nảy nụ. Linh, Lân cắp giá vẽ bút đi theo con đường mòn vào làng.Ánh sáng ban mai dìu dịu. Qua một dãy rào nứa dài, Linh, Lân bước vào một mảnh vườn dài trồng toàn cúc và lay-ơn tím. Linh chợt thấy cô hàng hoa của mình đang hái hoa. Anh định rẽ hoa chạy tới nhưng sợ kinh động người hái hoa, sợ mất đi một cảnh rất quý, anh quay lại lấy bút ghi lại hình ảnh đó. Đây mới thực là bức tranh anh mong muốn. Đây mới thực là nguyên chất của sự phối hợp giữa cảnh và người. Cô hàng hoa giữa vườn hoa. Hồn hoa không còn lạc lõng nữa. Hồn nghệ sĩ không còn lạc lõng nữa.Một lát sau, cô hàng hoa rẽ hoa, ôm một bó lớn đi về nhà. Linh, Lân lặng lẽ ôm tranh đi theo. Đến một ngôi nhà tranh gần đó, cô hàng hoa đẩy cửa bước vào. Linh bước vào theo. Một bà cụ trên 40 bước ra hỏi:"Thưa hai ông hỏi ai ạ?"Linh lúng túng chưa biết đáp thế nào cho tiện, ấp úng:"Thưa cụ, tôi..."Thì may quá cô hàng hoa đã bước ra:"Ồ, hai ông, mời hai ông vào nhà."Và nhanh nhẩu bảo bà cụ:"Thưa đẻ, đây là hai ông hoạ sĩ vẽ tranh dưới phố, khách quen của con đấy ạ."Gian nhà thấp nhưng sáng sủa. Giữa nhà một hương án nhỏ đã long lở sơn trên có tấm ảnh một người đàn ông khoảng 50. Một bàn gỗ tạp có bộ ấm chén cổ. Trong góc nhà một chiếc phản gỗ. Cánh liếp bên trái để hở một tấm cửa phên nhỏ vào buồng trong. Bà mẹ dáng hiền lành, gọi con:"Lan ơi, lấy nước mời hai ông."Mải ngắm gian phòng, Linh để Lân tiếp bà cụ. Anh bước ra quanh quẩn nhìn những cây hoa phong lan, lan tiêu, cái bể cạn nhỏ có mấy con cá vàng. Anh nghĩ: “Sao mảnh đất nhiều tình ý thế này, tĩnh mịch gợi hứng nhiều thế này, mảnh đất của hồn hoa mà đám nghệ sĩ mình ít người chịu ra đây mà sống. Và anh thấy mến cái yên tĩnh thơ mộng của trại hàng hoa, thấy sờ sợ cái ồn ào của Hà Nội. Anh thấy như ở đây mỗi thứ hoa đều có hồn riêng, có đời sống riêng, có lịch sử riêng…Đang suy nghĩ liên miên, Linh bỗng có cảm giác như có ai đang nhìn mình. Anh ngửng đầu lên, kinh ngạc thấy Lan đứng trước mặt.Lan ra mời anh vào nhà uống nước, Linh hỏi:"Này chị Lan, cây phong lan này giồng từ bao giờ?" [1]Lan đáp:"Tôi cũng không rõ nữa. Nghe đâu từ khi thầy tôi còn sống, tôi lớn đã thấy nó rồi."Rồi Lan dẫn Linh ra phía sau nhà, chỉ vào một hàng lay-ơn tím:"Đã sáu năm nay tôi vẫn giồng lay-ơn tím ở đây. Thường tôi vẫn cho ông đấy."Linh nhìn màu tím, dịu mắt, anh thấy đời mình cần một chỗ dừng chân. Anh hoa mắt nhìn đôi mắt Lan. Người nghệ sĩ đã bước từ tình nghệ thuật vào tình yêu: Anh đã yêu Lan....Đêm hôm đó, Linh trằn trọc mãi. Ngọn đèn đêm le lói toả mờ mờ gian phòng bừa bộn của người hoạ sĩ. Lâu rồi, anh lại thấy những tác phẩm của anh không còn đủ để làm người yêu duy nhất. Cạnh nàng nghệ thuật, anh đã thấy cần một người có con tim. Lâu nay thắc mắc nhiều cho nghệ thuật, anh sợ nó ghen tuông, anh không dám san sẻ nó với ai cả. Ngày đêm, anh thủ thỉ tâm tình với nó và nghĩ rằng như thế là “trọn nghĩa”. Nhưng cô đơn vẫn là cô đơn. Hồn tranh đã tụ lại thành hồn người đòi anh tìm tình yêu. Hồi Linh nghĩ biết đâu được yêu lại chẳng giúp nhiều cho nghệ thuật. Biết đâu tình yêu lại chẳng là chuyện mất thì giờ như anh thường nghĩ mà là cả một đề tài lớn cho anh, mặc dầu nó có thể lại chua xót!Linh với tay cầm bông hoa tím nhổm người ngắm bức tranh một lúc rồi áp bông hoa lên ngực ngủ thiếp đi trong nụ cười trên môi.Linh không ngờ: Lan lại là gái có chồng. Mấy hôm sau tình yêu lại đẩy Linh lên trại hàng hoa tìm Lan. Lan chưa về. Lý, em Lan, cũng một cô hàng hoa xinh xắn, ngồi nói chuyện với Linh.Một lát sau, Lý đưa Linh chạy tung tăng quanh nhà, bứt một chùm nhiều thứ hoa cho Linh. Rồi lúc vào nhà ngồi, chợt Linh thấy trên liếp một tấm bảng “Gia đình vẻ vang”, Linh hỏi Lý:“Anh cô đi bộ đội đấy à?”Lý rí rủm:“Anh, nhưng không phải cả hai đều là anh ruột cả đâu. Một người là chồng chị Lan đấy.”Linh bàng hoàng:“Ồ! Anh cứ tưởng chị Lan chưa chồng.”Lý bưng miệng cười khúc khích:“Nhiều ông con giai cũng đều tưởng thế. Rồi lại khổ thôi.”Linh hỏi:“Sao lại khổ?”Lý đáp:“Khổ chứ còn khổ thế nào nữa. Người ta có chồng rồi thì còn lấy thế nào được nữa.”Nhưng bỗng Lý đổi nét mặt, buồn rầu:“Nhưng mà chắc gì anh ấy về nữa. Anh ấy đi bộ đội 6 năm nay bặt tin bặt tức. Từ khi hoà bình, bao nhiêu người ta về nhà, mà anh ấy chẳng có thư từ gì cả. Người ta đồn là chết rồi. Khổ chị Lan nhỉ, chị ấy còn trẻ, mới 22 tuổi đầu."Linh nhìn tấm bảng “gia đình vẻ vang” thấy tiếc thương người bộ đội và thấy buồn lây:"Ừ mà thế đâm khổ cả đôi."Lý mở to mắt, ngơ ngác:"Chắc gì anh ấy còn sống để đủ cả đôi mà khổ."Dần dần, lòng người thiếu phụ cô quạnh, càng cô quạnh, lúc đông đang về lạnh buốt, thấy mến Linh. Vẫn mong chồng, vẫn quý người bộ đội, nhưng mà thấy nó xa xăm quá đỗi, hầu như tuyệt vọng. Linh hiền lành, dễ mễn, lại biết quý người, quý lao động. Thường anh đến nhà, cũng biết gánh nước tưới hoa. Anh vui vẻ nhưng lại đứng đắn, không cợt nhả bao giờ. Không riêng gì Lan, mà mẹ Lan cũng quý anh. Nhất là Lý. Lý càng nhìn Linh lại càng thương chị.Có một chiều, hoàng hôn xuống ủ lên hàng lay-ơn tím đang đổi sang màu xám đen, Linh ngồi nói chuyện với Lan trước thềm."Trước kia tôi chỉ muốn tìm ở Lan một người đẹp để vẽ vào tranh, nhưng gần đây tôi yêu Lan, tuy biết Lan đã có chồng… Thế có sai không hở Lan?"Lan cúi đầu, lặng thinh một hồi lâu. Bỗng cô ngửng đầu lên, giương to mắt ngơ ngác, sợ hãi lùi lại, giơ tay như che đỡ."Thôi anh đừng nói nữa. Tôi là gái có chồng."Nhưng nói gì thì nói, đào đã bắt đầu chớm nụ. Tình yêu vẫn âm thầm, sôi nổi.Có một hôm, Linh đến chào gia đình Lan đi vắng một thời gian.Bà cụ hiền từ bảo Linh:"Em Lan và em Lý đều rất mến anh. Tôi cũng rất quý anh. Con rể tôi nếu không may đã mệnh hệ đi rồi thì tôi cũng không cản con tôi đi bước nữa. Tết này anh về nhà tôi chơi, cứ coi như người nhà cả thôi mà. Anh đừng ngại gì cả."Và đông đã sống những ngày cuối, tàn tạ. Từng đàn em nhỏ tung tăng theo mẹ đi may quần áo Tết. Cây cối xanh dần hứng sương mai long lanh.Vài chùm đào sớm đã nở miệng cười hàm tiếu.Lòng người đang thắm lại.Và những ngày ấy, xuân sắp về thì Lễ cũng về. Anh khập khễnh đi giữa đồng hoa, hớn hở. Nụ cười trên môi tuy còn đọng tý lạnh lẽo của đau xót, da tuy có xám, trán tuy có nếp nhưng người bộ đội đó vẫn trẻ. Anh đã thắng nổi Thần chết. Sau hoà bình, đơn vị anh vẫn tiếp tục đi tiễu phỉ vùng Tây Bắc. Vẫn những ngày đèo heo hút gió, nằm trời gối đất. Anh đi miên man trên những vùng Cha Pa, Phong Tổ, Bát Xát. Rồi anh bị thương nặng ở chân. Lạc đồng đội trong rừng, anh cố lê mãi ra đầu ngọn suối. Đồng bào Mèo gặp đưa anh ấy về chạy chữa. Và trên giãy núi cao ngất, trong một bản Mèo heo hút, anh đã sống 8 tháng trời. Anh bị hỏng một chân. Sau khi bắt được liên lạc với đơn vị, anh được ra ngoài phục thuốc, lắp chân giả.Và chiều nay, một chiều cuối đông, khi xuân sắp về thì Lễ về nhà.Thấy chồng về, Lan vui mừng khôn xiết. Nàng quên hết chuyện cũ, quên hoa, quên Linh, chạy ra đón Lễ. Người chồng trao cái túi dết cho vợ, tuột tay để rơi xuống đất. Lan vội cúi xuống nhặt, tình cờ chạm phải cái gì cưng cứng ở chân chồng mình. Nàng vén quần chồng lên thì thấy chiếc chân gỗ mới lắp, còn thơm mùi sơn. Lan bàng hoàng đau xót, nửa thương chồng, nửa tủi phận. Mẹ Lan mừng mừng tủi tủi rớt nước mắt đứng nhìn con rể. Lý ngơ ngác, người con gái mới nhớn lên này thương hay mừng cho chị?Dần dần, Lễ biết chuyện. Anh không trách Lan mà thấy thương vợ. Đau khổ nhưng anh không muốn ghen tuông vì nghĩ cũng chẳng lợi ích gì. Có lúc anh nghĩ: “Giá mình chết đi thì họ đẹp đôi lắm nhỉ”. Ghen một tý thì nghĩ thế thôi nhưng anh thấy cần phải sống, cần phải xây dựng lại hạnh phúc của mình. Vì anh đã tranh đấu, đã thắng nổi cái chết, thì lúc này anh không thể mềm yếu thế được. Tuy vậy anh vẫn bình tĩnh. Thỉnh thoảng thấy vợ buồn buồn, đêm đôi khi quay đi ôm mặt khóc, anh để yên cho vợ khóc. Và khi Lan muốn cất bức tranh của Linh đi thì Lễ ngăn cản lại bảo cứ treo đó cho đẹp.Nhưng ngày ấy, xuân sắp về. Vài chùm đào sớm đã nở miệng cười hàm tiếu, màu đỏ dần dưới nắng ấm. Chợ họp đông dần, những bức tranh làng Hồ thắm thiết màu dân tộc trong đám cưới chuột, tranh hứng dừa, đang ngự trị dưới những túp lều mái rạ thơm phức.Và trong một ngày đó, Linh trở về nhà Lan. Cuộc gặp gỡ với Lan những tháng trước đã giúp anh dựng một câu chuyện đẹp. Nhưng còn đoạn cuối sẽ kết ra sao, bản thân anh cũng chưa rõ. Chỉ biết rằng dù sao thì tâm hồn anh vẫn là của nghệ thuật, yêu con người, yêu cuộc sống. Anh cũng chẳng nghĩ tới kết quả của cuộc tình duyên mà anh chỉ thấy nó đẹp lắm, trong trắng lắm.Linh tới nhà Lan. Vào nhà, anh thấy một người đang đóng khung lại bức tranh của anh. Linh hỏi:"Chị Lan đâu hở anh?"Linh vẫn ngỡ trước mặt mình là một bà con hàng xóm. Lễ mỉm cười:"Chắc anh là anh Linh phải không?"Linh ngạc nhiên:"Sao anh biết?""Từ hôm tôi ở đơn vị về, các em gái tôi vẫn nhắc tới anh luôn.""Ồ! Thế ra anh là anh ruột Lan. Thế chồng cô Lan có ở với anh không?"Lễ trầm ngâm chậm rãi đáp:"Tôi với Lễ ở cùng đơn vị. Lễ bị thương nặng mất một chân… nhưng nay khỏi rồi… và cũng sắp về đây."Linh bàng hoàng, nói bâng quơ:"Thế à! May quá nhỉ."Trên mảnh vườn đầy đào nở, bóng Linh đi. Anh ngắt một bông đưa lên trước mắt ngắm nghía. Có khi anh dừng bước dưới một cành đào suy nghĩ hồi lâu. Rồi lại đi.Bỗng trước mắt anh hiện lên một dãy lay-ơn tím. Màu tím đập vào mắt anh, đau xót. Anh lặng người một hồi lâu. Rồi ngửng đầu nhìn trời xanh, nhếch mép cười, nói một mình:"Âu cũng là một chuỗi ngày rất đẹp. Hồn hoa đâu, có nghe lời nghệ sĩ chăng?"Đêm 27-12-1956*

SACH TẾT 57


*

No comments: