Thursday, January 22, 2009

239. NGUYỄN MINH CẦN * NVGP

==

Chặng đường 50 nămTừ Nhân Văn đến Tổ Quốc
Nguyễn Minh Cần




"...chặng đường gian khổ từ Nhân Văn đến Tổ Quốc dài dằng dặc suốt 50 năm qua đã được tiếp nối không ngừng để góp phần vào cuộc đấu tranh hoà bình, bất bạo động nhằm chuyển hoá Đất nước ta từ chế độ độc đảng toàn trị sang chế độ dân chủ đa nguyên..."Để kỷ niệm 50 năm ngày báo Nhân Văn ra số 1 Một buổi sáng sớm mùa thu đẹp trời tại Hà Nội, khi công nhân, viên chức đang tấp nập đi làm, sinh viên, học sinh đang rộn rã đến trường... thì trên bờ Hồ Gươm bỗng vang lên tiếng rao lảnh lót của một em bán báo vừa vui tai, vừa có vẻ nghịch ngợm: “Báo Nhân Văn số 1 mới ra lò đây! Tờ báo rất hay, rất mới lạ, xin bà con cô bác mua ngay kẻo hết!”


Một người đang đi bỗng dừng lại hỏi: “Cái gì? Nhân Dân à? Nhân Dân thì có gì là hay, là mới lạ?!” Em đáp lại: “Không phải “Nhân Dân” mà là Nhân Văn cơ! Tờ báo mới ra mà! Còn thơm mùi mực”. Người kia bước lại gần: “Ừ, đưa đây, ta mua một tờ xem sao”. Rồi hai, ba người nữa mua... Hôm đó, tôi từ bờ Hồ tập thể dục buổi sáng trở về nhà tôi gần đấy, thấy vậy cũng mua một số. Chẳng mấy chốc xấp báo trên tay em bé đã vợi đi một nữa, và em chạy vội đến trường đại học cách không xa...Đến bây giờ – vừa đúng 50 năm sau – tôi vẫn còn nhớ như in buổi sáng hôm đó. Báo Nhân Văn số 1 ra ngày 20.09.1956 tại Hà Nội, trên báo có ghi rõ tên người chủ nhiệm Phan Khôi, thư ký toà soạn Trần Duy.


Xem xong tờ báo, tôi cảm thấy thằng bé bán báo nói không sai, tờ báo quả là mới lạ thật. Rất mới lạ so với thời thế hiện tại – cái thời cực kỳ khắc nghiệt còn âm vang cuộc cải cách ruộng đất “long trời lở đất” ở nông thôn, cái thời của chế độ đăng ký hộ khẩu ngặt nghèo mới du nhập vào miền Bắc từ “các nước bạn” đàn anh, cái thời mà mọi người dân chỉ dám nói thầm trong xó bếp những nỗi bất bình của mình mà thôi, “...cái thời/đến nghĩ ngợi cũng cần xin phép”, như nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã viết sau này trong bài “Nhớ Nguyễn Bính”. Và cũng vì thế mà thật đáng lo cho những người dám cất cao tiếng nói...Ngay trên trang đầu, toà soạn đã tuyên bố rõ ràng: “...báo Nhân Văn đứng dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, theo chủ nghĩa Mác-Lênin với tinh thần thực tiễn, để xúc tiến công cuộc củng cố miền Bắc, thống nhất nước nhà, để đi đến thực hiện chủ nghĩa xã hội, theo như ý muốn của Đảng cũng là ý muốn của nhân dân cả nước” (nguyên văn).


Trong số 1 có một bài ngắn mang tựa đề: “Ý kiến của Luật sư Nguyễn Mạnh Tường, Giáo sư đại học”, trong đó ông Tường trình bày ý kiến của ông về mở rộng tự do và dân chủ. Thực ra, bài này cũng không có gì “ghê gớm”, nhưng ông nói thẳng thắn. Một bài khác với tựa đề: “Chống bè phái trong văn nghệ” của Trần Công có phần “gây cấn” hơn: tuy lời lẽ nhẹ nhàng, lịch sự, nhưng tác giả dám đề cập đến sự độc đoán của nhóm lãnh đạo văn nghệ. Những chuyện này thời đó ít ai dám nói công khai. Chắc bài này đã “chạm nọc” ai đấy trong số các quan chức văn nghệ hồi đó. Một bài thơ của Lê Đạt nhan đề “Nhân câu chuyện mấy người tự tử” có một câu giống như lời kêu gọi tinh thần nhân văn mà tờ báo mang tên: “Phải hiểu, phải yêu, phải quý trọng con người”.



Đặc biệt nhất trong số 1 là bài ký dài của Hoàng Cầm, với tựa đề: “Con người Trần Dần” đã kể lại bi kịch tình yêu của Trần Dần, việc Trần Dần đã hai lần bị bắt và có lần đã tự cắt cổ mình, những lần bị “kiểm thảo” (nói theo từ ngữ thời ấy) vì bài thơ “Nhất định thắng” của ông. Qua bài ký đó, Hoàng Cầm đã hé tấm màn bí mật về sự đàn áp tự do tư tưởng, tự do sáng tác.



Một bức ký hoạ của Nguyễn Sáng gây ấn tượng mạnh cho người đọc để minh hoạ bài của Hoàng Cầm, trên đó vẽ chân dung Trần Dần với vết thương chéo ngang cổ. Trong ngày báo Nhân Văn ra mắt số đầu tiên - theo tôi được biết - vào khoảng 9 - 10 giờ sáng, ở Hà Nội người ta đã kịp truyền tin cho nhau, rồi rộn ràng chạy đi tìm mua báo, và số báo hôm đó “bán chạy như tôm tươi”. Nhiều người mua hai, ba số để gửi cho bạn bè các nơi khác. Tờ báo mới ra đời đã gây dư luận sôi nổi ở Hà Nội, rồi lan xuống Hải Phòng, Nam Định và truyền đi nhiều nơi khác.



Năm ngày sau, 25.09.1956, báo “Nhân Dân” của Đảng Lao động Việt Nam tung ra một bài dài của Nguyễn Chương, phó trưởng ban tuyên huấn trung ương, cố tình ghép tội chính trị cho báo Nhân Văn là “muốn nhân việc phê bình lãnh đạo văn nghệ hẹp hòi, mệnh lệnh mà làm cho người ta tưởng rằng toàn bộ sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam và toàn bộ chế độ chính trị ở miền Bắc là độc đoán, độc tài, chà đạp con người, không có nhân văn” (nguyên văn). Những ngày sau, các báo khác của Đảng đồng loạt đăng nhiều bài phê phán kịch liệt Nhân Văn với giọng điệu buộc tội tương tự: đánh vào đảng lãnh đạo, đánh vào chế độ. Người đọc tinh ý thấy ngay rằng chúng được cho ra từ một “lò sản xuất”.Nhưng những bài trên báo chí “chính thống” thường ít hấp dẫn người đọc, kém tính thuyết phục đối với đông đảo dân Hà Nội, vì họ cảm thấy bằng kinh nghiệm bản thân là báo Nhân Văn nói thật. Ai chứ những ông Nguyễn Mạnh Tường, Phan Khôi, Đào Duy Anh, Trương Tửu, Nguyễn Hữu Đang, Trần Đức Thảo... thì chẳng lạ gì với dân Hà Nội và họ thành thực có cảm tình. Vì thế, dù bị công an doạ dẫm, các cán bộ đảng ở cơ sở răn đe, nhiều trí thức, sinh viên, giáo viên vẫn cứ công nhiên cổ động cho báo Nhân Văn, phản bác lại những điều báo Đảng viết. Hăng nhất là sinh viên, nơi các giáo sư Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Trương Tửu, Nguyễn Mạnh Tường giảng dạy.



Một hiện tượng nữa cho thấy ảnh hưởng của “Nhân Văn-Giai Phẩm” đối với thanh niên là hồi đó họ thường ngâm nga, như lời cửa miệng, mấy câu thơ nổi tiếng“Đem bục công an đặt giữa trái tim người/Bắt tình cảm ngược xuôi/Theo luật đi đường nhà nước” (Lê Đạt), “Tôi bước đi/không thấy phố/không thấy nhà/Chỉ thấy mưa sa/trên màu cờ đỏ” (Trần Dần). Tôi còn nhớ một chuyện làm dư luận ở Hà Nội hồi đó rất phẫn nộ, là theo lệnh “trên”, Sở Báo chí của Thủ tướng phủ đã phái cán bộ của Sở, tên là Thiết Vũ, đưa một bài phê phán báo Nhân Văn đến cho tờ Trăm Hoa của nhà thơ Nguyễn Bính và yêu cầu đăng, Nguyễn Bính không chịu nhận bài. Thiết Vũ nài ép không được, thế là anh chàng vũ phu kia đã hành hung nhà thơ. Dư luận phản đối ầm lên một dạo.Vượt qua bao khó khăn do nhà cầm quyền gây ra, báo Nhân Văn ra được năm số. Đến số 6, khi nhà in đã lên khuôn, thì ông Tố Hữu hô hoán ầm lên rằng trong số 6, Nguyễn Hữu Đang trắng trợn xúi giục dân chúng biểu tình trong dịp Quốc hội họp, âm mưu gây bạo loạn...



Rồi những tuyên bố đồng loạt được tung lên, đặc biệt là tuyên bố của “235 văn nghệ sĩ Nam Bộ” (nhiều người biết, đây là tác phẩm nguỵ tạo của báo “Thống Nhất”) đăng trên báo “Nhân Dân” ngày 15.12.1956 buộc tội cho báo Nhân Văn để cho kẻ địch lợi dụng, gây chia rẽ Bắc Nam, gây sự hiểu lầm về chế độ tốt đẹp của miền Bắc, nguy hại cho sự nghiệp thống nhất Tổ quốc. Cùng ngày đó, Chủ Tịch Uỷ ban Hành chính Hà Nội đã ra lệnh cấm báo Nhân Văn, Chủ Tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Hồ Chí Minh ra sắc lệnh báo chí. Thế là những tờ khác, như Trăm Hoa, Đất Mới, Giai Phẩm... đều bị bóp chết không kèn không trống.Về sau, số phận những người tham gia vào trào lưu “Nhân Văn-Giai Phẩm” này như thế nào thì chắc nhiều người đã biết: nhà văn nữ Thuỵ An chẳng dính dấp gì đến báo Nhân Văn cũng bị ghép vào nhóm Nhân Văn và đưa ra xử trong “vụ án gián điệp” cùng với các ông Nguyễn Hữu Đang, Trần Thiếu Bảo (nhà xuất bản Minh Đức) và hai ông Phan Tài và Lê Nguyên Chi bị coi là tòng phạm. Bà Thuỵ An và ông Nguyễn Hữu Đang mỗi người lĩnh án 15 năm tù ngồi, ông Minh Đức – 10 năm tù ngồi, tịch thu tài sản, hai tòng phạm – mỗi ông lĩnh 5 năm tù.



Đây chỉ mới là mặt nổi của tảng băng mà thôi. Số còn lại thì người ta không công khai xét xử tại toà án nhưng lại ngấm ngầm tống vào tù, như các ông Phùng Cung, Trần Duy, Phan Tại, Hoàng Công Khanh, Tuân Nguyễn... Ông Phùng Cung “âm thầm” ngồi tù đến 12 năm – từ tháng 12.1961 đến tháng 11.1972, qua nhiều nhà tù độc ác nhất trên miền Bắc, bị biệt giam nhiều lần với cùm kẹp man rợ. Nhà văn Phan Khôi, các giáo sư đại học Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh đều bị cách chức, bao vây kinh tế và quản thúc cho đến cuối đời. Các văn nghệ sĩ có dính đến “Nhân Văn-Giai Phẩm” đều bị “kỷ luật” – trên văn bản ghi hai, ba năm nhưng thực tế thì kéo dài đến 30 năm, trong thời gian đó họ bị đưa đi lao động cải tạo, bị cô lập, bị “treo bút”, nghĩa là suốt 30 năm không một tác phẩm nào được phép xuất bản, như Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Hoàng Cầm, Đặng Đình Hưng, Hữu Loan, Quang Dũng... Khốn khổ nhất là những người gọi là “Nhân Văn phường”, “Nhân Văn xã”, “Nhân Văn huyện”... tức là những người có cảm tình với Nhân Văn ở khắp nơi, đã từng ủng hộ, bênh vực, chuyền tay báo, thậm chí chỉ đọc hay lưu giữ báo Nhân Văn, đều bị công an địa phương ghép tội “liên quan với Nhân Văn, thế là suốt đời bị kỳ thị, bị nghi ngờ. Mà “cái án” này thì không bao giờ được xoá cả.



Đó là khổ nạn của người dân có chút đầu óc suy nghĩ.Một điều cần nhấn mạnh, dù đảng cầm quyền đàn áp tàn bạo trào lưu dân chủ đến thế nào đi nữa, nhưng trong lòng Dân tộc, hồn tự do bất diệt vẫn sống mãi, khát vọng dân chủ mãnh liệt vẫn sục sôi, khi có điều kiện thì lại bùng lên không thể dập tắt được. Hồi năm 1987, “Câu lạc bộ Những người Kháng chiến cũ” được thành lập, do nhà cách mạng lão thành Nguyễn Hộ làm chủ nhiệm. Câu lạc bộ đã phát huy tinh thần tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, và dù không được phép vẫn cho ra báo Truyền Thống Kháng Chiến với 2 ngàn bản in. Câu lạc bộ đã dám thảo luận những vấn đề chính trị rất hóc búa, như yêu cầu Bộ chính trị và Ban bí thư kiểm điểm công việc của mình trước Trung ương, yêu cầu thi hành kỷ luật những bộ trưởng, thứ trưởng phạm sai lầm để cho 10 triệu dân miền Bắc bị đói năm 1987, yêu cầu Trung ương đừng “độc diễn” khi Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng mà để cho Quốc hội được bầu cử dân chủ... Đến khi đảng cầm quyền đàn áp những người tham gia Câu lạc bộ thì ông Nguyễn Hộ – người đảng viên với 50 tuổi đảng – đã tuyên bố ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam (1990). Cũng trong năm 1987, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tuyên bố “cởi trói” cho văn nghệ sĩ – sự thật thì chỉ tạm thời nới lỏng dây trói thôi – nhưng giới trí thức, văn nghệ sĩ đã biết nhân cơ hội đó vươn lên. Ông Nguyên Ngọc đã đưa ra bản “Đề cương đề dẫn thảo luận ở hội nghị đảng viên bàn về sáng tác văn học”, một lần nữa đặt lại quan hệ giữa văn học và chính trị, phản đối dung tục hoá mối quan hệ này, phản đối sự “tuyệt đối hoá chính trị, tuyệt đối hoá sự chi phối tất yếu của chính trị đối với văn học” (nguyên văn), nói một cách khác văn học đòi “tự do”, đòi thoát khỏi sự đè đầu cưỡi cổ của “đảng tính”. Thật ra cũng không khác mấy yêu cầu đòi Đảng “trả văn nghệ cho văn nghệ sĩ” mà ông Trần Dần đã đưa ra hồi cuối năm 1954 đầu năm 1955, khởi đầu cho trào lưu “Nhân Văn-Giai Phẩm”. Trí thức văn nghệ sĩ, các nhà báo hồi đó đã không bỏ lỡ dịp dấy lên một phong trào sáng tác mạnh mẽ. Nhiều tác phẩm có tiếng vang một thời, như Thời Xa Vắng của Lê Lựu (1986), Bên Kia Bờ Ảo Vọng của Dương Thu Hương (1987), Lời Khai Của Bị Can của Trần Huy Quang (1987), Cái Đêm Hôm Ấy Đêm Gì của Phùng Gia Lộc (1988), Tiếng Đất của Hoàng Hữu Cát (1988), Mùa Lá Rụng Trong Vườn của Ma Văn Kháng (1985), Tướng Về Hưu của Nguyễn Huy Thiệp, nhiều truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu, nhiều bài thơ của Nguyễn Duy, Bùi Minh Quốc... đã để lại những dấu ấn đẹp cho thời kỳ đó. Những đổi thay của báo chí cũng tương đối tích cực, nổi bật là tuần báo Văn Nghệ dưới thời tổng biên tập Nguyên Ngọc, Sông Hương với tổng biên tập Tô Nhuận Vĩ, Lang Bian với tổng biên tập Bùi Minh Quốc, Tuổi Trẻ với tổng biên tập Kim Hạnh. Cũng cần nhắc đến vai trò của ông Trần Độ, hồi đó là trưởng Ban Văn nghệ Trung ương đã có công thuyết phục Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Bộ chính trị ra nghị quyết 05 (công bố đầu tháng 12.1987) với tinh thần nới rộng tự do cho văn nghệ sĩ, phần nào đã có tác dụng mở đường cho các tác phẩm tốt ra đời.



Về ấn phẩm bí mật thì phải kể đến tờ Diễn Đàn Tự Do do Giáo sư Đoàn Viết Hoạt chủ trương. Một thời gian sau thì đảng cầm quyền hoảng sợ, lại siết chặt dây trói, lại bày ra “vụ án Câu lạc bộ Những người Kháng chiến cũ”, đưa vào tù các ông Tạ Bá Tòng, Hồ Hiếu, Đỗ Trung Hiếu, Đỗ Đình Mạnh... cuối cùng là ông Nguyễn Hộ, “vụ án Lang Bian” với việc khai trừ khỏi ĐCS và quản chế hai ông Bùi Minh Quốc, Bảo Cự và đàn áp Hội Văn nghệ Lâm Đồng. Ông Nguyên Ngọc, bà Kim Hạnh đều bị gạt ra khỏi cương vị tổng biên tập các báo họ đã phụ trách. Các nhà trí thức, tu hành từng ủng hộ ĐCS trong cuộc chiến tranh miền Nam, đến khi họ cất tiếng nói chính nghĩa cũng bị đàn áp, tù đày, quản chế, như Linh mục Chân Tín, ông Nguyễn Ngọc Lan... Đó là không nói đến vụ án Nguyễn Đan Quế, Đoàn Viết Hoạt với mức án cực kỳ nặng.Trong tình hình khó khăn đó, cuộc đấu tranh đòi dân chủ hoá vẫn tiến tới không ngừng. Các nhà cách mạng lão thành Hoàng Minh Chính, Nguyễn Hộ, Lê Giản, La Văn Lâm, Nguyễn Văn Trấn, Ngô Thức, Trần Độ, Nguyễn Văn Đào, Hoàng Hữu Nhân, Lê Hồng Hà... đã cất cao tiếng nói chính nghĩa của mình. Ông Nguyễn Hộ đã cho ra tập luận văn Quan Điểm Và Cuộc Sống, ông Nguyễn Văn Trấn – tập tạp luận Viết Cho Mẹ Và Quốc Hội, ông Hà Sỹ Phu (Nguyễn Xuân Tụ) – ba tập sách Dắt Nhau Đi Dưới Những Tấm Biển Chỉ Đường Của Trí Tuệ, Đôi Điều Suy Nghĩ Của Một Công Dân và Chia Tay Ý Thức Hệ, Trần Thư – Người Tù Bị Xử Lý Nội Bộ, Hoà Thượng Thích Quảng Độ – Nhận Định Những Sai Lầm Tai Hại Của Đảng Cộng Sản Việt Nam Đối Với Dân Tộc Và Phật Giáo Việt Nam, ông Trần Độ – Hồi Ký, Tiêu Dao Bảo Cự – Nửa Đời Nhìn Lại... Nhiều người khác, như Nguyễn Kiến Giang, Nguyễn Thanh Giang... cũng đã công bố những luận văn, những nghiên cứu của mình để chỉ rõ con đường tất yếu phải dân chủ hoá Đất nước. Cũng chính trong thời gian này, một tờ báo bí mật nhỏ nhắn viết rất hay mang tên Người Sài Gòn mà người ta đồ rằng do Ông Già Chợ Đệm Nguyễn Văn Trấn làm. Tờ báo được những người dân chủ đón nhận rất nồng nhiệt. Mở đầu thế kỷ mới, nhà văn Bùi Ngọc Tấn đã cho ra Chuyện Kể Năm 2000, nhưng bị thu hồi ngay, ông Nguyễn Thanh Giang đã tự xuất bản Suy Tư Và Ước Vọng cũng bị tịch thu. Tướng Trần Độ định cho ra Nhật Ký Rồng Rắn nhưng bị tước đoạt ngay khi sắp đưa đi photocopy...Nhiều người đã phải trả giá rất đắt cho quyền tự do phát biểu của mình bằng nhiều năm tù, nhiều năm quản chế, bằng những sách nhiễu thường xuyên của nhà cầm quyền...Ngày 8.4.2006, 118 nhà đấu tranh cho dân chủ trong nước đã tung ra Bản Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ 2006. Tuyên Ngôn đó được nhiều người trong nước hưởng ứng, tính đến nay đã có trên 2 ngàn người can đảm ký tên và được người Việt ở hải ngoại hoan nghênh nồng nhiệt. Tuyên Ngôn 2006 cũng được dư luận thế giới biết đến và ủng hộ. Mười mấy ngày sau, vào ngày 15.04.2006, tờ bán nguyệt san Tự Do Ngôn Luận do Linh mục Têphanô Chân Tín làm tổng biên tập đã ra số đầu tiên từ trong nước mà không cần xin phép. Đây là một tờ báo giấy được phổ biến ở khắp ba miền đồng thời được đưa lên mạng lưới điện tử. Cho đến ngày 15.09.2006, tờ Tự Do Ngôn Luận đã ra được 11 số. Và cũng trong ngày 15.09.2006, tờ bán nguyệt san Tổ Quốc, tiếng nói từ suy tư và ước vọng của nhân dân Việt Nam, cũng đã ra số 1 từ trong nước do những cây bút trong nước với sự cộng tác của một số cây bút ngoài nước. Đây cũng là báo giấy đồng thời là báo điện tử. Anh chị em cố gắng ra số đầu tiên vào ngày này chính là để kỷ niệm 50 năm ngày báo Nhân Văn ra số 1.Thế là chặng đường gian khổ từ Nhân Văn đến Tổ Quốc dài dằng dặc suốt 50 năm qua đã được tiếp nối không ngừng để góp phần vào cuộc đấu tranh hoà bình, bất bạo động nhằm chuyển hoá Đất nước ta từ chế độ độc đảng toàn trị sang chế độ dân chủ đa nguyên, đem lại tự do, hạnh phúc cho toàn thể dân ta. Mong sao mọi cố gắng, mọi hy sinh của những người con của mẹ Tổ Quốc Việt Nam, của những công dân thành tâm yêu nước, thương dân, khao khát tự do, dân chủ sẽ làm cho việc dân chủ hoá nước ta sớm thành tựu.
Moskva, 20.09.2006Nguyễn Minh CầnNguồn: báo TỔ QUỐC số 2 (1/10/2006)

No comments: