Thursday, January 22, 2009

243. VIỆT CHIẾN.* HOÀNG CẦM

=


Hoàng Cầm chuyện tình kể lúc hoàng hôn


==
Hoàng Cầm không thiết làm thơ nữa. Ông tâm sự như vậy trong lần tôi đến thăm ông một ngày cuối năm 2007. Hai năm nay đôi chân ông gần như bị liệt.

Thi sĩ Hoàng Cầm (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)
Hoàng Cầm nửa nằm, nửa ngồi trên chiếc nệm đặt ở góc nhà. Thấy có bạn thơ đến thăm, ông nửa mừng, nửa ngơ ngác. Mừng là bởi quanh năm suốt tháng, ngoài mấy tờ báo Văn Nghệ do Hội Nhà văn biếu cho các hội viên, ông không còn sự giao tiếp văn chương nào khác nếu không có các bạn văn đến chơi. Ngơ ngác là bởi "đã hai năm nay không còn ham muốn gì nữa, không mơ ước gì cả, tuổi già không thiết một cái gì hết, khi con người ta sức lực gần cạn kiệt thì cảm giác yêu đương hầu như cũng tắt, vì thế không làm thơ được nữa" - ông nói. Hoàng Cầm năm nay đã 85 tuổi, tuy thể chất đã vào độ tiều tụy nhưng khí sắc vẫn khá tinh anh. Ông có thể ngồi trò chuyện liên tục cả giờ đồng hồ mà dường như không thấy mệt.
Trong buổi chiều hôm ấy, ngoài đàm đạo thi ca, Hoàng Cầm đã kể cho tôi nghe những chuyện tình chưa mấy người biết trong cuộc đời thi sĩ rất tài hoa và đầy thăng trầm của ông. Đã có nhiều người đẹp đi qua cuộc đời nhà thơ và để lại dấu ấn trong không ít bài thơ làm nên tên tuổi Hoàng Cầm - ông hoàng của thơ tình. "Người đẹp thứ nhất xuất hiện khi tôi mới lên... tám tuổi, và tôi phải gọi bằng chị vì tôi ít hơn cô ấy sáu tuổi. Đấy là mối tình đầu, tôi yêu chị ấy lắm, nhưng không phải như tình yêu chị - em đâu, mà yêu như là yêu người tình, tôi thấy chị đẹp quá nên mê mẩn, không gặp nhau một buổi là ruột nóng cồn cào, phải tìm đến bằng được, chị ấy cũng biết tôi mê mẩn chị, lạ thế đấy!" - nhà thơ tâm sự.
Mối tình đầu kể trên đã để lại dấu ấn trong bài thơ Cỗ bài tam cúc của Hoàng Cầm với những câu: "Cỗ bài tam cúc mép cong cong/ Rút trộm rơm nhà đi trải ổ/ Chị gọi đôi cây trầu cay má đỏ/ Kết xe hồng đưa chị đến quê em/ Nghé cây bài tìm hơi tóc ấm/ Em đừng lớn nữa chị đừng đi/ Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa/ Ổ rơm thơm đọng tuổi đương thì/ Đứa được/ chinh chuyền xủng xoẻng/ Đứa thua/ đáo gỡ ngoài thềm/ Em đi đêm tướng điều sĩ đỏ/ Đổi xe hồng đưa chị đến quê em/ Năm sau giặc giã/ Quan đốc đồng áo đen nẹp đỏ/ Thả tịnh vàng cưới chị/ võng mây trôi/ Em đứng nhìn theo, em gọi đôi". Cô gái ấy là con một bà chủ quán nước chè ven đường số 1 chạy qua Từ Sơn, Bắc Ninh. Bốn năm sau, cô gái đó lấy chồng là một ông quản khố xanh. Ông này vào quán uống nước gặp người đẹp, năm sau lên hỏi làm vợ, rồi đưa về Phủ Lý. Hai người có với nhau một mặt con, rồi không hiểu vì sao, ông quản khố xanh thường xuyên hành hạ vợ, đuổi cô ta về quê, chỉ giữ lại đứa con. Hoàng Cầm lúc ấy đã 17 tuổi, gặp lại người yêu xưa, cô ấy chỉ khóc, dẫu có thương đến mấy cũng không thể lấy làm vợ được vì cô ấy đã có chồng...
Hoàng Cầm chậm rãi rút cái điếu cày ở cạnh chỗ nằm, làm một mồi thuốc. Ông thẫn thờ nói về mối tình thứ hai. Người ấy nhà thơ cũng phải gọi bằng chị (nhưng là chị họ xa, con một người bác), đỗ tú tài, nhà ở ấp Thái Hà (Hà Nội). Năm 18 tuổi, Hoàng Cầm bắt đầu lên Hà Nội học thi diploma và trú tại nhà người bác này. "Cô ấy đẹp lắm, mắt thăm thẳm dường như không vui bao giờ, cứ nhìn hai con mắt là thấy buồn. Không hiểu vì nguyên cớ gì mà chị ấy lại yêu mình trước, tỏ tình trước. Nhưng trong hoàn cảnh một gia đình nhà nho phong kiến như thế thì làm sao có thể sống với nhau được. Thời gian sau, có người đến hỏi chị về làm vợ và chị được gia đình gả cho người ta" - nhà thơ buồn bã nói. Cô gái ấy về nhà chồng nhưng vẫn mang mãi một uẩn ức vì đã trót yêu Hoàng Cầm, nên khoảng một năm sau thì đổ bệnh, ốm rồi qua đời khi tuổi còn rất trẻ.
"Với mối tình thứ hai này, mình có hẳn một tập thơ tựa đề là Mắt thiên thu (tập hợp gần 40 bài thơ viết trong thời gian đó), chép cẩn thận vào một cuốn vở học trò, chữ nắn nót rất đẹp. Sau này, nhà thơ Thế Lữ lên chơi nhà mình ở Bắc Giang có mượn tập thơ này đem về đọc rồi làm thất lạc. Đến giờ mình không còn nhớ nổi bài nào trong tập thơ đầu tay ấy. Mối tình nào của mình cũng buồn, thơ toàn nhớ nhung da diết và đau đớn. Nói như nhà thơ Pháp Alfred de Musset: đau khổ lớn làm lên những thi sĩ lớn" - Hoàng Cầm tiếc nuối bảo vậy.
Mối tình thứ ba đến với nhà thơ khi ông về trọ học ở Bắc Ninh. Cô con gái chủ nhà trọ đem lòng thầm yêu trộm nhớ chàng trai tài hoa vùng Kinh Bắc. Cô này thường gánh gạo quê lên nhà trọ để mẹ nấu cơm cho các học sinh trọ học. Hoàng Cầm xuýt xoa: "Cô này đẹp lắm, vẻ đẹp mộc mạc tươi tắn của con gái vùng nông thôn. Chúng tôi say mê nhau bất chấp người nhà ngăn cấm. Hôm nhà cô ấy có tang, thấy cô ấy cứ quẩn quanh suốt bên chỗ tôi trọ học, người nhà tức quá lôi về đánh cho một trận. Nhưng hôm sau cô ấy lại quấn lấy tôi. Sau này tôi thi đỗ về quê, cô gái ấy đi lấy chồng, còn tôi cứ ngơ ngẩn mãi...".
Chiều xuống muộn, Hoàng Cầm chậm chậm đọc cho tôi nghe mấy câu thơ trong bài Lá Diêu Bông: Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng/ Chị thẩn thơ đi tìm/ Đồng chiều/ Cuống rạ/ Chị bảo/ Đứa nào tìm được Lá Diêu Bông/ Từ nay ta gọi là chồng/ Hai ngày em tìm thấy lá/ Chị chau mày/ Đâu phải Lá Diêu Bông/ Mùa đông sau em tìm thấy lá/ Chị lắc đầu/ trông nắng vãn bên sông/ Ngày cưới chị/ Em tìm thấy lá/ Chị cười xe chỉ ấm trôn kim/ Chị ba con/ Em tìm thấy lá/ Xòe tay phủ mặt/ Chị không nhìn/ Từ thuở ấy/ Em cầm chiếc lá/ đi đầu non cuối bể/ Gió quê vi vút gọi/ Diêu Bông hời.../...ới Diêu Bông...!". Ông đọc thơ như hát, trông ông lúc đó như một người tình mộng du, đang lang thang trên cánh đồng ngôn ngữ đi tìm chiếc lá-diêu-bông-thi-ca phía cuối cuộc đời thi sĩ của mình.
Việt Chiến

Nguồn: http://www2.thanhnien.com.vn/TNXMT/2008/2/4/225235.tno
==

No comments: