==
Minh Hoàng
Minhhoàng tên thật là Vũ Tuyên Hoàng, năm nay mới 28 tuổi, là một sinh viên du học ở Tiệp Khắc về. Vì biết tiếng Tiệp Khắc nên anh được làm thông ngôn cho phái đoàn chuyên viện Tiệp Khắc ở Hà Nội. Vì thường có dịp đi thăm các xưởng máy mới thành lập với các chuyên viên kỹ thuật Tiệp Khắc, nên anh có dịp quan sát tình hình sử dụng máy móc của ngoại quốc viện trợ. Anhviết bài "Đống máy" mà chúng tôi trích sau đây để tố cáo đời sống cơ cực của công nhân và thái độ quan liêu của giai cấp lãnh đạo.
Đống máy Trưa nào cũng vậy, cứ lúc vầng thái dương còn đang gay gắt cúi gầm mặt phả sức nóng xuống những chiếc hòm gỗ chồng chất ở trước cửa nhà máy, là y như rằng Thang, chỉ huy trưởng công trường xây dựng nhà máy, cũng đương ở đó, hai ngón tay gõ cốc cốc lên những nắp ván, thành gỗ, hoặc dán mắt vào một khe hở, hoặc ghé mũi qua một lỗ hổng đen ngòm, hai cánh mũi căng ra khịt khịt. Nắng quá. Nắng như dội lửa. Nắng cháy da cháy thịt. Những chiếc hòm gỗ ngất ngưởng bắt đầu rạn nứt. Cứ cái đà này, những khe rạn nứt kia ngày một toang hoác mãi ra, nắng xuyên vào, những lớp sắt bắt đầu hoen rỉ, thế là đi đứt tất cả số máy. Mà đi đứt thật chứ chả chơi đâu! Đứng gió thế này chưa biết chừng mưa ập xuống lúc nào không biết, nước rỏ tong tong vào hòm, hơi ẩm tha hồ xông lên, luồn vào khắp các ngóc các ngách mà ra sức xoắn xuýt chòng ghẹo những khối sắt tròn trĩnh, sáng choang kia, thì có mà ăn cứt cho giời!
Đời thuở nhà ai, vô duyên vô cớ cho khuân ầm ầm một lô một lốc tinh những máy đắt tiền về chất một đồng sù sụ giữa trời nắng chang chang thế kia, rồi phó thác cho Thang với hai bàn tay trắng hoàn toàn cai quản. Nói cho cùng thì đây cũng là một nhiệm vụ. Một nhiệm vụ hết sức khó khăn. Thang đã phải cúi rạp mình xuống để đỡ lấy cái nhiệm vụ nặng nề ấy lên vai, như mỗi lần cấp trên trao cho anh bất cứ một nhiệm vụ gì. Công việc của Thang đang gặp nhiều khó khăn: cấp trên không chịu xuất tiền mua bạt che máy. Thang giục thì bảo là: “Nay mai khuân máy vào nhà rồi, mua làm gì". Đến lúc Thang hỏi: "Ai khuân? Khuân bằng cách nào?" thì chỉ ừ ừ ào ào: "Đến lúc đó hẵng hay". Bực dọc, Thang trở nên cáu kỉnh, nét mặt sa xì. Về đến công trường, anh em hỏi, Thang chỉ văng ra một tiếng gọn lỏn: "Trên không cho", rồi lại cúi đầu trầm lặng. Bây giờ Thang đấm bôm bốp lên một cái nắp ván vênh, cảu nhảu một mình: "Mẹ kiếp! Hôm đếch nào cũng hết réo điện thoại lại vác mặt đến, hết vác mặt đến lại réo điện thoại mà ông ấy cứ lờ đi.
Khắc phục! Khắc phục cái mẽ gì! Cứ nắng, mưa, mưa, nắng ngập ngụa mãi thế này, đến lúc máy móc mọc thành cứt sắt cả, ngồi trơ mắt ếch một lũ với nhau, mới chạy đến đây mà khắc phục chắc? Là máu là thịt của nhân dân mà sao các "bố" ấy cứ nhởn nhơ như không, chả thấy xót xa là gì, chỉ lúc nào cũng "khắc phục... chịu đựng... thông cảm!" Khổ cái lỗ tai lắm rồi. Xin tiền mua bạt thì đôi co kỳ kèo từng nghìn bạc một, mà việc quái gì cũng thúc như trống vật ấy, bố thằng nào còn biết mở mắt vào đâu. Trăm dâu đổ đầu tằm. Làm thằng cán bộ thời này ai bảo dễ? Thang miên man theo đuổi ý nghĩ của mình, mặc cho mổ hôi lã chã rơi xuống cổ, xuống ngực. Những ngày mới bắt tay xây dựng công trường, anh chị em công nhân ở đây chưa được cấp trên chăm sóc tới đầy đủ, nên đời sống còn eo hẹp, lẻ tẻ, chui rúc; nhưng nào họ có biết cấp trên là ai, chỉ biết nọc Thang ra mà mổ xẻ. Có người phản ứng mạnh, đập bàn đập ghế nói toang toang: "Các anh coi mạng người không bằng cục sắt của các anh phỏng? Con trâu con bò ngủ còn có chuồng, ăn còn có máng, chứ chúng tôi bảy tám mạng người không có nổi miếng đất trong nhà, tối phải cắp chiếu ra ngủ ngoài hiên, ỉa cũng cắp đít ra bờ ruộng, cả tháng không họp lần nào...
Thế đấy phỏng?" Mười lăm cây số từ cơ quan đến công trường, chả ngày nào là Thang không chạy long tóc gáy, cứ đến cơ quan là y như rằng: "Đồng chí phải về đả thông cho anh em, nước nhà hiện còn gian khổ thiếu thốn nhiều... Phải khắc phục khó khăn! Phải... Phải... Đồng chí hiểu chưa? Khắc phục khó khăn! Khắc... phục... khó khăn...!" Rồi cứ về đến công trường là y như rằng: "Khắc phục cái chó gì. Tay rớm máu đau bỏ mẹ đây, găng chả có, cấp trên nào biết?" Những phút xốc nổi, có anh thợ trẻ không ghìm nổi bồng bột ghé sát tai bạn thì thầm: "Phải 'cự’ một trận nên thân các bố ấy mời chịu để vào lỗ tai". Kỳ thực, lần nào lên gặp ông Bảo, tổng công trình sư của công trường, Thang chẳng phản ảnh cho nát nước ra đấy chứ. Rốt cục đâu vẫn vào đấy. Nhiều khi ông ấy còn xạc cho Thang một trận cẩn thận và rồi Thang lủi thủi ra về. Những là "nhu nhược", "dựa dẫm cấp trên", "dốt",...
Một lần, hai lần, ba lần, Thang bắt đầu cảm thấy mình hơi khép nép trước khuôn mặt bầu bầu, hai má hơi xị xuống, đôi mắt ti hí và hai càng ria mép vểnh cong luôn động đậy, nổi lên một vẻ lành lạnh, sắc sảo, hà khắc khác thường của người tổng công trình sư ấy. Đứng về danh nghĩa, ông Bảo là người được cơ quan giao phó trông nom toàn bộ công trình xây dựng nhà máy này, tức là người chỉ huy trực tiếp của Thang. Song Thang không hề nhận được một sự chỉ huy nào gọi là có, trái lại càng cảm thấy ngài ngại muốn xa lánh sự chỉ huy ấy. Thang vẫn đấm bôm bốp lên cái nắp ván vênh, bên tai vẫn văng vẳng giọng nói hùng hồn và không kém phần trống trải của người tổng công trình sư ngồi ở văn phòng kia, trực tiếp chỉ huy Thang. "Phải khắc phục khó khắn chứ". Nắp ván không suy suyển.
Thang ngẩng đầu lên gạt mồ hôi, Bỗng anh thấy từ đằng xa, một chiếc xe com-măng-ca bon bon lầm bụi xốc tới. Nhác trông Thang đã nhận ra ngay đó là xe của ông tổng công trình sư, có lẽ do linh tính báo cho biết trước. Ông tổng công trình sư khoan thai bước xuống, niềm nở bắt tay Thang. Hai càng ria mép vểnh cong, động đậy. "Hề hề, máy móc để những đâu, đồng chí?" Không đợi Thang trả lời, ông ta đã chỉ tay vào đống hòm gỗ kêu lên: "Đây à? Chết! Chết! Để thế này đấy hở? Chậc chậc. Rỉ hết, rỉ hết mất!" "Dạ thưa anh, tôi đã nhiều lần viết đơn xin tiền mua bạt để căng lều che, nhưng anh vẫn bảo là… chưa có. Mà nhà máy thì… chưa khô." "Phải kiếm cách chứ. Chậc chậc. Sao không chuyển bớt vào những gian đã khô rồi? Sao không dồn bớt nhà ngủ, dành ra một gian xếp bớt những hòm nhỏ kia vào? Chậc chậc. Rỉ hết. Rỉ hết mất. Đồng chí loan báo anh em đến họp ngay nhé, ta bàn luôn vấn đề này một thể." "Vâng." Họ bắt đầu ngồi vào bàn họp. Gần chục cánh tay nhao nhao vung qua đầu: "Tôi có ý kiến!" "Ý kiến!" "Ý kiến!" "Tôi" "Tôi xin phát biểu."
Một anh thợ trẻ không đợi chủ toạ chỉ định, nói phăng phăng: "Mình còn lần khân đợi cái quái gì nữa. Theo tôi, cứ là khuân. Gì thì gì cũng phải khuân. Không có ô-tô thì có người. Thiếu người thì phải nặn đủ người mà khuân. Nhất định khuân." Một anh thợ trẻ khác nhỏm dậy tiếp lời, mặt sần sùi trứng cá: "Và nếu chưa tìm được con lăn, ta có thể tạm dùng đòn bẩy kia mà." "Máy móc đâu có phải cục sắt cục thép mà cứ một nắng hai sương mãi thế này, e sau này chỉ còn là một đống sắt mùn đem đánh tà vẹt thôi!" "Tôi hỏi, đồng chí chỉ huy có thể đứng phơi nắng suốt mười bốn hôm liền không? Huống hồ máy?" "Đồng chí Thang lãnh đạo còn lờ mờ lắm. Tôi lấy thí dụ: Như hôm qua họp chuyên môn, anh em đề nghị xin thêm ba mươi dân công khuân máy vào nhà, đồng chí Thang độc bàn rùn: ‘Không có phương tiện. Khiêng như thế xảy ra tai nạn chết người ai chịu trách nhiệm…’ khiến cho công việc cứ đọng lại mãi.
Đồng chí khăng khăng không chịu khuân, nói là sẽ xin bạt đậy lên nóc máy rồi chờ vài hôm nữa dọn đường cho ô-tô chuyển. Mười bốn hôm rồi, bạt ở đâu ?" Từ góc giường, một đôi mắt sáng trợn tròn dưới hàng mi rậm long lên, rọi thẳng vào mắt Thang, gịong nói như liên thanh rào rào nhả đạn: "Tôi thấy là phải khuân. Khuân ngay chiều nay. Và tôi cũng xin nói toạc ra rằng: lãnh đạo như thế thì đồng chí Thang chưa đủ tư cách lãnh đạo chúng ta. Tôi xin hết." Mắt người than niên đỏ ngầu long lanh. Câu nói ngắn gọn, đập bôm bốp vvào mặt Thang như những cái bạt tai vô hình. Từng mạch máu trong cơ thề Thang rung mãnh liệt. Vấp phải ánh mắt lầm lầm như tổ lửa của người thanh niên ấy, Thang vội lảng sang dò thái độ của ông tổng công trình sư. Ác thay, râu mép ông càng vểnh cong như một dấu chấm hỏi khổng lồ trên vẻ mặt càng lạnh lùng hơn, nghiêm hơn, đáng sợ hơn. Những bàn tay khác lại đã vung lên không ngớt: “Tôi thêm ý kiến.” “Ý kiến đây…” Những tiếng quát hằn học bắt Thang phải giật mình. Sợ? Thang cũng chẳng biết tại sao mình lại sợ? Sợ cái gì?
Có một thứ đáng sợ hơn cả là những tiếng quát hằn học ấy hôm nay được lọt vào tai một người mang cái chức vụ mà Thang chỉ biết là cấp trên mình. Ông Bảo mà tai tái mặt thế kia là khéo lại có chầu! Hình như hai tiếng “khắc phục… khắc phục” đã rình sẵn bên tai Thang, suốt đêm ngày ong ong, văng vẳng. Thang liếc càng râu mép một lần nữa. “Trong việc này…” Thang giật mình ngẩng đầu lên. À, thì ra bác thợ tiện phát biểu. Thang trấn tĩnh ngay. Bác là một người đĩnh đạc, đứng đắn, làm nhiều hơn nói, lại hiểu Thang, thường bào chữa cho Thang khi những anh em thợ trẻ hiểu lầm đâm cự Thang. Tỷ dụ trong việc khuân máy vào nhà máy chẳng hạn. Thang không dám để ba bốn mươi người xúm vào kích những hòm máy khổng lồ từ trên cao trượt xuống bằng ba tấm ván đặt dốc, vì sáu bảy năm kinh nghiệm khuân vác trên bến Sáu Kho đã dạy anh: Làm thế không xuôi đâu, chết người như bỡn đấy! Bác là người đầu tiên ủng hộ Thang. Thang hồi hộp chờ sự ủng hộ của người thợ cả ấy. “… Đồng chí Thang chỉ huy còn mơ hồ lắm. Đồng chí chuyên gia dặn đi dặn lại là phải xin bạt căng lều che ngay đi, kẻo nắng này mục hết máy đấy. Thế mà đồng chí Thang rặt chạy những chuyện đâu đâu. Cứ như tôi nghĩ thì ta nên thúc vào đít các ông giữ ‘két’ ấy mới được. Người chỉ huy là người cầm càng, chúi mũi vào một việc là hỏng bét cả.” Thang điếng người. Thật không ngờ bác thợ tiện cũng “trù” Thang đến như thế. Ý kiến càng ngày càng chảy theo dòng liên miên dài vô tận.
Người đến lượt nói thì lại nói một thôi một hồi, thao thao bất tuyệt. Quanh đi quẩn lại chỉ những: “Đồng chí Thang lãnh đạo vụng về, thiển cận, nhu nhược”, và cuối cùng là “Yêu cầu xét lại chỉ huy trưởng”. Rõ ràng là Thang không được số đông tin cẩn nữa. Thang gục đầu đau đớn, máu sôi lên trong tim, những âm thanh lao xao, ù ù, nhức nhối. Bao nhiêu tháng ngày cặm cụi làm việc, dốc hết sức lực ra để sự cặm cụi của mình đem lại nhiều cống hiến hơn nữa cho đất nước kiến thiết, bao nhiêu gian truân cực nhọc đã vượt qua, việc gì Thang cũng xông vào làm hăng hái không quản ngại. Việc gì người khác kêu khó bỏ dở là Thang lại nhặt lấy làm, làm say mê. Bây giờ chỉ còn lại đây, ong ong bên tai Thang, hai chữ “xét lại”.
Xét lại ban chỉ huy, xét lại chỉ huy trưởng, xét lại Thang. Có lẽ họ chưa hiểu Thang? Thang nghĩ: người cặm cụi không phải chỉ để phô trương rằng ta cặm cụi đây? Song, Thang vẫn khó hiểu, có khi nào người ta càng cặm cụi, thì quần chúng lại càng xa lánh người ấy không? Như Thang chẳng hạn. Thế mà chỉ trong việc xin bạt che máy, Thang đã mất hẳn uy tín trong quần chúng. Thang thở dài. Đôi mắt thiếu ngủ lừ đừ, đỏ ngầu những tia máu. Hội nghị vẫn xôn xao. Những người chưa được nói vẫn nhăn mặt giơ tay xin phát biểu. Ông tổng công trình sư từ nãy độc hý hoáy ghi ghi chép chép, thỉnh thoảng liếc sang ban chỉ huy một cái, lại cúi xuống trang sổ, lật đi lật lại tờ giấy, gạch gạch xoá xoá. Hai lỗ mũi không ngừng thả ra hai dòng khói trắng vằn vèo.
Hai càng râu mép đôi cụp xuống cum cúp như hai cái gọng ô. Một chàng thợ trẻ vui tính đã ghi vọi hai càng râu mép ấy trên mảnh giấy trắng. Mải phát biểu quá anh đã bỏ quên mảnh giấy ấy ở giữa bàn. Mấy cậu khác trông thấy tờ tranh bấm nhau cười khúc khích. Bấy giờ ông ta mới gãi gãi vầng trán hói, giọng khàn khàn chậm rãi: “Đủ rồi đấy. Các đồng chí nói đến thế là đủ. Có phải không? Có nhiều ý kiến hay. Chúng tôi sẽ nghiên cứu. Việc xét lại ban chỉ huy cũng cần nghiên cứu thêm. Việc khuân máy, theo đồng chí chuyên gia cho biết, máy của ta nguy ngập rồi đấy. Hề hề, ông bảo ‘máy mọc râu’ rồi. Tôi thấy là phải khuân. Nhưng khuân bằng cách nào? Một vấn đề. Ai khuân? Hai vấn đề. Khuân đi đâu? Ba vấn đề. Ban nãy có đồng chí hơi nóng nảy đòi thuê ngay ba bốn chục dân công, tưởng dễ dàng có thể xúm đông xúm đỏ lại ghé vai vào nhấc bổng lên là đi? Không phải. Mà lại tốn kém nữa.
Ta thử làm con tính nhẩm xem trong hai ngày, mỗi ngày ba mươi dân công, phải chi hết bao nhiêu tiền?… Hơn bảy vạn.” Ông tổng công trình sư lắc đầu. “Không. Chi bằng… theo tôi là dựa trên ý kiến của đồng chí chuyên gia bạn thì ta nên chuyển bằng ô-tô, nghĩa là phải dọn một khúc đường từ đống máy đến cửa nhà máy. Già lắm là mất bốn công dọn đường với tám người bốc vác một buổi sáng là xong. Vả lại máy để ngoài trời đã nửa tháng nay, chậm lại hai ngày cũng chửa thành vấn đề lắm. Như vậy ta không cần mua bạt căng lều che máy nữa. Các đồng chí thấy thế nào? Một phút suy nghĩ. Cán bộ ngồi im phăng phắc. Mãi bác Ba thợ điện mới uể oái cất tiếng: “Nhưng mà nền xi măng ướt nhẹp, xếp vào đâu? Cứ cái thái độ khăng khăng không cho khuân máy vào nhà của Ban Nhà cửa là tôi tức điên ruột.” Ông tổng công trình sư tháo cặp kính trắng đặt xuống bàn gãi gãi vầng trán hói theo một thói quen. “Không sao, không sao.
Tôi hạ lệnh cho các anh cứ vác máy xếp vào những phòng đã khô đó. Việc nhà nước cả, không cho là cái quái gì. Cứ khuân đi. Có thế nào tôi chịu tất." "Thế thì được" "Được mê đi chứ lỵ." "Ta khuân ngay chiều nay chứ đồng chí?" Ông tổng công trình sư nghiêm nét mặt đổi giọng: "Công trình xây dựng nhà máy của chúng ta đang gặp nhiều khó khăn trắc trở. Theo tôi và dựa trên ý kiến các đồng chí chuyên gia, thì lực lượng lãnh đạo của ta quả là non. Có thể nói chúng ta chưa biết lãnh đạo. Tôi cũng thế. Ban chỉ huy công trường bảo thủ dựa dẫm vào cấp trên. Chúng ta còn vấp, còn ỳ ạch, còn mệt nhiều. Song càng vấp, càng thất bại, ta càng phải tin vào mình, tin người lãnh đạo, tin Đảng. Cấp trên đề ra phương án tác nghiệp, thiết kế tiến độ thi công, để chúng ta dựa theo quy trình và đơn phái công làm đúng quy cách, chứ không phải đế chúng ta ỷ vào thiết kế đó không chịu động não. Có thế thôi. Các anh làm được không?”
Có những khuôn mặt đực ra như vịt nghe sấm. Những khuôn mặt sạm cháy chất phác cố căng óc ra suy nghĩ về những cái chữ “quy trình, tiến độ thi công” mơ hồ như lạc vào chốn nào xa lạ. Đáng lạ thay họ vẫn đồng thanh trả lời ông tổng công trình sư rằng: “Làm được!” Hai chữ “làm được” đặt phịch xuống óc Thang như một mồi lửa đốt bùng lớp không khí bị ép đến cao độ. Những câu hỏi theo nhau ùa ra trong óc Thang: “Ai làm? Làm từ đâu? Làm bằng cách nào?” Rồi Thang tự kết luận: không làm được! Thang nghĩ, ông Bảo chỉ được khoa bẻm mép. Nói như thánh tướng. Hơi tý là đồng chí bạn nói thế này, đồng chí bạn nói thế kia. Mai có réo điện thoại lên xin bạt lại “đồng chí thông cảm” cho mà xem.
Trăm tội đổ cho nợ, lúc ấy làm thế nào? Giơ đầu chịu lỗi cả với cấp trên ư? Không. Nếu vậy thì hèn quá. Thang toan giơ tay phân trần những khó khăn cụ thể của công việc với cấp trên trước hội nghị, nhưng hình như cánh tay Thang nặng nề đến nỗi không nhắc lên nổi. Phải biết rằng bao nhiêu cái mũ “nhu nhược”, “hoài nghi lực lượng quần chúng”, “không biết lãnh đạo”, “dốt”, “dựa dẫm cấp trên”… lúc nào cũng lăm le chực úp xuống đầu Thang. Thang lúng túng. Hai lòng trắng mắt đỏ ngàu những tia máu đảo đi đảo lại, hớt hải như tìm kiếm một cái gì. Hay là Thang muốn tìm đường chạy ra khỏi hội nghị? Không. Thang đã giơ thẳng cánh tay: “Tôi… tôi xin có ý… kiến”, Thang ấp úng. “Theo tôi, dọn con đường từ đống máy vào kho ít ra cũng phải mười hôm. Trời lại sắp mưa… Và không thể dùng hai bàn tay không lăn ập những thùng tố lô như thế xuống đất được đâu. Phải làm cái giá ba chân cất lên như cần trục cất nhịp cầu ấy mới đỡ nguy hiểm. Làm giá ba chân thì phải mất tám ngày. Trời lại sắp mưa….
Không! Không thể lần khân nấn ná mãi…” Từng câu từng câu nói như trút cho Thang thêm nghị lực. Giọng điệu càng trở nên cả quyết: “Tôi yêu cầu giải quyết ngay vấn đề bạt. Bằng không, tôi xin trao lại hoàn toàn trách nhiệm về số máy này cho cấp trên. Tôi không thể hứa hão. Tôi không thể nhắm mắt làm những việc tôi không muốn làm…. Tôi yêu cầu… Tôi… hết!” Mặt người chỉ huy trưởng đỏ gay, bừng bừng. Thang hình dung lại vẻ mặt đồng chí bạn không giữ nổi bình tĩnh khi đứng nhìn đống máy rạn nứt dưới trời nắng chang chang, nói với Thang: “Nếu anh có một cái ra-đi-ô tốt, anh có cam tâm quẳng nó ở một xó vuờn kia không?” Và ông vỗ vai Thang: “Anh Thang ạ, máy của chúng mình còn tinh vi hơn cá những cái ra-đi-ô tinh vi ấy chứ?” Thang lạnh người. Thế mà bây giờ ông tổng công trình sư lại hạ lệnh: “Cứ để đấy dăm bảy hôm nữa!” Buổi họp vẫn ồn ào. Có tiếng động cơ rì rì xa xa, rõ dần, rồi tiếng còi toe toe thét lên ba tiếng. Một chiếc xe ô-tô bóng lộn chạy thẳng vào địa hạt công trường, dừng lại trước cửa nhà máy. Ông tổng công trình sư xin phép hội nghị ra yết kiến các đồng chí chuyên gia về vấn đề này. Cái cặp da đen dày cồm cộm bây giờ lại dày thêm một mớ giấy ghi chép tình hình công trường trong suốt ba tháng vừa qua.
Ông sửa lại ngay ngắn chiếc mục kỉnh cho hơi sệ xuống sống mũi, châm một điếu thuốc, gật gật đầu chào mọi người rồi ra đi. Ba bốn đồng chí chuyên gia đứng nhìn đống máy, chỉ trỏ cười nói líu lô. Thấy ông Bảo và Thang ra, họ niềm nở đi lại bắt tay, bập bẹ nói bằng tiếng Việt Nam. Một đồng chí vỗ vai ông Bảo, cố sức vận dụng tiếng Việt Nam, vừa nói vừa khua tay ra hiệu. Không cần qua phiên dịch Thang cũng hiểu được ý nghĩa của câu nói. Vẫn những câu nói hôm nọ lại lạo xạo bên tai Thang: “Khuân chứ?”. Câu hỏi sao mà oái oăm. Những cái thùng tố lô ấy ba bốn chục người xúm vào đã chắc khuân nổi. Vô phúc phải cái hòm đầu nặng đầu nhẹ, nó lộn tùng phèo một cái thì chẳng những vỡ máy mà còn đi đứt bảy tám nhân mạng như chơi. Nhưng vẫn không thấy ông tổng công trình sư nói lại hay bàn bạc gì cả. Ông chỉ gật đầu. Và rồi Thang, người chỉ huy công trường, vẫn cứ phải lãnh đạo một công việc mà theo ý Thang việc đó nhất định không thành. Thang lại thấy những làn gai ốc nổi dựng lên ở sau gáy, những thớ thịt run bắn lên, như sắp phải làm một công việc tội lỗi, và, đôi mắt như tung toé những đốm lửa nhảy nhót, vì tức giận. Thang ngửa cổ, xoáy mắt vào những khe hòm gỗ hở nứt toác và những cái nắp cong tớn như cặp môi bĩu ra sều sệu mai mỉa. Những miếng nước dãi cứ ừng ực trong cổ Thang. Sao những lớp sơn mịn màng óng mượt kia bỗng chốc trở nên mốc rêu mốc thếch thế kia? Sao ta có thể bàng quan khi thùng máy yêu quý, máu thịt của ta sắp sửa nát rỉ ra như bùn đất được? Sao? Choáng váng cả người, Thang hấp tấp chạy vào nhà máy tìm ông tổng công trình sư để trình bày ý kiến dựng giá ba chân và yêu cầu xin bạt của mình. Bước chân Thang lạo xạo đạp trên cát sỏi… Nhưng rồi những bước chân hăm hở ấy bỗng như vấp phải một bức tường vô hình, đứng sững lại, ngẩn ngơ: cánh cửa ô-tô bắt đầu khép lại, liền với tiếng rú ga ù ù, tiếng động cơ bành bạch. Xe “pho” đi trước, xe “com-măng-ca” rượt theo, nối đuôi nhau vun vút ra khỏi công trường.
Bụi lầm xoáy một vòng đỏ lự xoắn theo đít xe. Thang rút mùi xoa đắp vào mũi che bụi, thở khỏ khè. Một đám mây đen ở đâu lù lù ập đến. Gío thổi lên lồng lộng. Những tầu lá chuối điên cuồng quật lên quật xuống rối tít như những bàn tay xoè ra khua giữa không trung. Một tia chớp dài nhằng loé lên ở tận chân trời xa tít, điểm theo những tràng sấm ù ù có lúc sôi lên ùng ục. Thang có cảm giác đó là những tràng liên thanh đang xả đạn không từ một xó xỉnh nào trên khắp cả công trường. Hạt mưa bắt đầu quất lên mái nhà và nóc hòm lộp độp. Những nắp ván vênh vổng ra như những cặp môi nhăn nhó giữa cơn cuồng phong khủng khiếp và trong làn mưa xối xả, phũ phàng. Những hạt mưa quất đen đét lên mặt Thang. “Máy! Máy ôi!” Người chỉ huy trưởng buột miệng thốt lên. “Anh em ơi khuân máy! Khuân máy đi các đồng chí ơi!” Nhưng mà ai khuân? Khuân vào đâu bây giờ? Dưới làn mưa, người chỉ huy trưởng cung cúc chạy về nhà, lột cái áo mưa của mình, lại cung cúc chạy ra hối hả đắp lên thân máy. Mưa vẫn xối xả, phũ phàng.
(Trích báo Văn số 34 ngày 27-12-57)
*
No comments:
Post a Comment