=
Hoàng Tích Linh
Xem mặt vợ [4]
(kịch ngắn một hồi)
Thời gian
Mùa thu, sáng chủ nhật
Nhân vật
Nguyện, ngoài 30 tuổi, công nhân
Chị Nguyện, ngoài 30, bán hàng xén, tổ trưởng phụ nữ khu phố
Tấn, 25 tuổi, cán bộ công trường
Lan, 20 tuổi, bán hàng ở mậu dịch
Dung, 18, y tá 1 cơ quan
Bài trí
Nhà Nguyện ở một ngõ lao động. Căn buồng vuông vắn có mảnh vải hoa bạc ngăn đôi. Cửa phía trong, trông ra mảnh vườn nhỏ và bếp. Đồ đạc sơ sài mấy tấm phản, tràng kỷ, bàn ghế. Đồ chơi trẻ con bày khắp nhà. Tường treo nhiều ảnh chụp và tranh "Công nhân kiến thiết", tranh "Thống nhất", tranh "Bác Hồ với thiếu nhi".
Màn mở lên
Cửa sổ và cửa trông ra phố mở tung. Nắng tràn vào trong nhà, những bức tranh màu sáng rực rỡ. Ngoài phố cảnh tấp nập một sáng chủ nhật.
Trên giường, anh Nguyện chăm chú chữa radio. Chị Nguyện nhanh nhẹn vắt lại cất màn, chiếu, quét giường.
CHỊ NGUYỆN, dáng vội vã – 7 rưỡi rồi. Cô ấy cũng sắp đến, nhà cửa lủng củng thế này, cô ấy lại chẳng cười cho (vui vẻ thu dọn bàn ghế, một chiếc ghế đổ).
NGUYỆN vẫn lúi húi chữa, không ngửng đầu lên – Cái gì thế?
CHỊ NGUYỆN nhìn chồng – Anh ngồi sù sù từ sáng đến giờ cũng không biết bảo con để nó bày bừa ra nhà (thu dọn đinh ốc, bóng đèn trên giường). Con bày, bố cũng lại bày, ai chịu được. Để tôi mang vào trong nhà mà chữa nhá!
NGUYỆN – Cái gì?
CHỊ NGUYỆN – Cô ấy hẹn sáng nay đến chơi đấy! Ai lại nhà cửa luộm thuộm thế này trông sao tiện?
NGUYỆN – Cô ấy đến xem mặt chú Tấn, chứ xem mặt nhà mình đâu mà sợ. Rõ dở hơi lắm!
CHỊ NGUYỆN – Phải, chẳng biết ai dở hơi. Lúc anh hỏi tôi anh đòi đến xem nhà hàng chục lần thì sao?
NGUYỆN – Thì lúc ấy người ta cũng vờ thế mới xem mặt cô được kỹ chứ. Ai đòi xem nhà làm quái gì!
CHỊ NGUYỆN – Bây giờ việc trăm năm của chú Tấn phận mình là anh chị phải trông nom. Cảnh nhà mình lao động chẳng có gì, lại càng phải giữ thể diện cho chú ấy. Anh cứ để mặc tôi thu xếp… Tôi đã dạm hỏi cả thẩy mấy đám. Chỉ có đám cô Dung này ưng ý nhất cả. Ít tuổi, tiến bộ, mẫu mực, lại có công tác tự túc được rồi. Chú Tấn nhà ta mà lấy được thì đẹp đôi lắm!
NGUYỆN – Biết vậy, còn tuỳ chú ấy chọn.
CHỊ NGUYỆN – Ai không biết là tuỳ chú ấy. Nhưng cũng phải biết ba bảy đường tuỳ. Giá chú ấy công tác ngay Hà Nội thì cũng còn dễ. Đằng này chú ấy công tác xa mới về, mình phải chọn nơi nào đích đáng nơi ấy, chú Tấn với người ta chỉ gặp mặt nhau có một lần là xong việc rồi chứ!
NGUYỆN – Xem mặt xong rồi cưới ngay…
CHỊ NGUYỆN – Chứ lại dề dà như anh ấy à. Tôi tính chú ấy được nghỉ phép ba tuần. Lỡ dịp này lại xin phép khó khăn ra. Bên nhà người ta mới xem ảnh cũng đã thuận ý rồi. Sáng nay chú cô ấy gặp gỡ nhau xong là cưới phắt ngay được.
NGUYỆN – Cô cứ nói như mai cưới ngay được rồi ấy! Việc lấy nhau bây giờ người ta còn tìm hiểu nhau chán ra kia rồi mới đặt thành vấn đề hẳn hoi được.
CHỊ NGUYỆN – Ấy gặp nhau khắc hiểu nhau ngay chứ khó gì. Giai chưa vợ, gái chưa chồng bắt duyên nhau lắm. Con gái đang ế chồng khối kia!
NGUYỆN – Đã chắc chú ấy bằng lòng chưa?
CHỊ NGUYỆN – Sao lại chẳng bằng lòng. Tôi đến chơi dò hỏi tính nết cô ta kỹ lắm rồi.
NGUYỆN bật cười – Thế ngộ nhỡ chú ấy không thích thì mình cũng bắt chú ấy phải thích à?
CHỊ NGUYỆN – Chẳng còn đám nào hơn đám này đâu. Được cả hai chị em. Nhưng cô em là cô Dung mới có 18 tuổi. Trẻ măng mà ăn nói đã chững chạc ra vẻ cán bộ lắm rồi. Tôi xem ý chú Tấn cũng tán thành món cô Dung đấy (gọi với trong sân) chú Tấn, chú Tấn ơi! Hãy nghỉ tay ra đây nói chuyện.
Tiếng Tấn ngoài vườn.
NGUYỆN – Này, thế còn cô chị?
CHỊ NGUYỆN – Cô Lan hơn em hai tuổi. Nhà ấy được cả hai đều xinh xắn cả.
NGUYỆN – À … thế để chú ấy gặp cả hai rồi thuận ý ai thì lấy.
CHỊ NGUYỆN – Sao anh lại cứ bàn lằng nhằng thế. Giới thiệu cô chị làm gì thêm nhiễu chuyện ra. Cô chị tự nhiên lắm. Còn cô em nền nếp hơn lại có nghề trong tay. Tôi đã cân nhắc chán rồi. Chú Tấn công tác trên rừng trên rú phải tính lấy người biết thuốc men trong nom săn sóc mới được. Chú Tấn mà không lấy được cũng hớ.
NGUYỆN – Ờ, cứ kể thế thì lấy được đấy!
CHỊ NGUYỆN cười – Anh rõ thật "quan bẩy cũng gật, quan tư cũng ừ" chẳng ra làm sao. Chú Tấn còn tinh hơn anh nhiều.
Tấn ra, nét mặt hí hửng.
TẤN – Anh chị nói xấu gì em thế?
CHỊ NGUYỆN – Chú ra đây. Tôi đang nói xấu chú đây này. Người đến là đoảng. Bàn chuyện cứ hay bàn ngang. Việc của chú có dở dang, chú cứ bắt đền anh đấy.
TẤN – Em bắt đến cả chị nữa.
CHỊ NGUYỆN – Tôi tính đâu vào đấy rồi. Chú nghỉ chẳng được bao ngày. Nhân tiện chú cần tiêm cho dứt nọc sốt rét đi. Tôi sẽ mách cô ấy từ mai ngày ngày đến trông nom thuốc men cho chú. Chú, cô tha hồ có cớ đi lại nói chuyện bàn bạc với nhau, thế có phải tiện cho mọi đường không?
NGUYỆN – Cô bàn cách ấy được đấy.
CHỊ NGUYỆN – Bây giờ xem mặt nhau cũng đã dễ dàng lắm đấy. Trước kia hồi xem mặt tôi, anh chú long đong hàng mấy tháng mà có được tích sự gì đâu. Ngày ngày đi qua hàng tôi, tiền đã chẳng có lại còn vờ hỏi hết thứ này đến thứ khác. Được thế, tôi càng trêu dấn. Lắm lúc nghĩ đến tức cười. Còn việc của chú tôi tính như thế, chú thấy thế nào?
TẤN – Cũng còn phải xem ý tứ cô ấy thế nào đã chứ.
CHỊ NGUYỆN sốt sắng – Tôi biết cả đôi bên. Từ hoà bình được học tập cô ấy tiến bộ nhanh lắm, gương mẫu nhất cơ quan đấy. Đôi bên hợp lắm rồi. Chú chẳng phải đắn đo gì nữa đâu.
NGUYỆN – Ấy… việc này không hấp tấp được. Chú phải tìm hiểu cho thật chắc chắn đi. Thời buổi này phải hợp tình hợp ý, đôi bên thoả thuận cả mới nên lấy nhau. Sau này còn ăn đời ở kiếp với nhau không phải thắc mắc mảy may gì nữa có hơn không?
TẤN – Có thế nào cũng còn phải hỏi ý kiến anh chị nữa.
NGUYỆN – Cứ ý chú là chính. Anh chị có ý kiến chỉ là phụ thôi. Việc này dân chủ bơn bớt mới được. Bàn quá là nát. Lúc tôi lấy chị cũng vậy. Hai đứa ưng thuận nhau là lấy ngay, giá lại đưa cho ông anh, bà chị, ông chú bà thím bàn ra tán vào thì cũng chẳng xong đâu.
CHỊ NGUYỆN – Việc chú chẳng khó đâu. Người ta cũng dễ tính thôi. Chỉ cần chú với cô Dung quyết định nữa là xong.
NGUYỆN – Chú được nghỉ ba tuần phải tiến hành thế này mới chóng vánh được. Tuần đầu tìm hiểu, hai tuần sau cưới. Còn mọi việc cưới xin ra sao, chú chẳng phải lo. Đã có chị, chị làm tổ trưởng phụ nữ khu phố tổ chức tập thể quen rồi.
CHỊ NGUYỆN – Mọi việc tôi đã tính toán đâu vào đấy. Chính quyền mời ai, khu phố mời ai, ban văn nghệ liên hoan thế nào đã sẵn sàng cả rồi chú không ngại việc đó.
NGUYỆN – Thôi phiên phiến thôi. Người ta đến dự cưới chứ có đi họp đâu. Cô đã dự nhiều đám rồi về kêu ca mãi mà bây giờ lại còn bày vẽ ra…
Cô Lan đỗ xe đạp ngoài cửa.
CHỊ NGUYỆN, thấy trước, giục chồng – Đấy các cô ấy đã đến kia. Nhanh tay lên anh (Nguyện mang vội đồ chữa ra-đi-ô vào trong nhà. Chị Nguyện vui vẻ bảo Tấn) Kìa chú, chú cũng vào thay quần áo đi. Ai mặc áo lót thế kia mà lại định xem mặt vợ bao giờ?
Chị Nguyện đon đả ra tận cửa đón.
LAN nhanh nhẹn vui tính – Chị! Lần đầu đến chơi chị lại đến muộn để chị phải đợi lâu quá.
CHỊ NGUYỆN – Cô ngồi đây. Các cô đã hẹn hôm nay chủ nhật lại chơi, tôi yên trí không sáng thì chiều thế nào rồi các cô cũng đến.
LAN – Sợ chị đợi em phải đến trước đấy. Dung bận tí việc đến sau chị ạ.
CHỊ NGUYỆN – Ấy, cứ thấy cô Dung là thấy bận. Công tác của cô ấy vất vả thật. Có lẽ chủ nhật cũng không được rỗi mấy cô nhỉ.
LAN – Em Dung không bận lắm đâu. Công tác như em thôi. Chủ nhật cũng được nghỉ cả ngày. Có hôm nay Dung tạt qua cơ quan báo cáo chắc cũng sắp lại đây.
CHỊ NGUYỆN – Ra thế… tôi lại cứ tưởng… Hôm nay cô lại chơi. Chỗ cô tự nhiên cứ coi như người nhà mới nói thẳng thắn ngay vào việc được…
LAN cười tinh ý – Em biết loáng thoáng rồi. Hôm nọ bác Phúc có đưa cho chúng em xem ảnh của anh Tấn. Nếu hợp tình hợp tính thì càng tốt. Đằng em với bên nhà chị lại thành chỗ người nhà chị nhỉ?
CHỊ NGUYỆN – Thế còn gì bằng nữa. Chú em nhà tôi năm nay 24 tuổi rồi đấy. Nói chuyện vợ con cứ chối đây đẩy. Tính người cũng dễ dãi. Là người kháng chiến thật đấy mà ăn nói còn lúng túng lắm.
LAN – Bây giờ phụ nữ chúng em mong lấy chồng hay chứ chẳng cần người nói hay, chị ạ.
CHỊ NGUYỆN – Vẫn biết thế… nhưng cách thức Hà Nội ta biết ăn nói vẫn hơn có phải không cô?
LAN hóm hỉnh – Chúng em đã bảo nhau rồi. Chồng con không cùng một chí hướng cũng cắt đứt. Không chồng suốt đời cũng được.
CHỊ NGUYỆN cũng cười – Cô nào cũng nói như vậy mà chả cô nào cứng rắn mãi được đâu. (Tấn ra) cô Lan đến chơi… Chú ngồi đây.
LAN tự nhiên – Anh công tác ở công trường.
TẤN – Vâng, ở công trường cầu cống.
LAN – Vui lắm phải không anh?
Chị Nguyện lặng lặng mang ấm nước vào.
TẤN tự nhiên hơn – Thích nhất chỗ công trường tôi làm là công trường động. Ở chỗ này vài tháng xong việc lại chuyển đi nơi khác. Hai năm nay chuyển ba lần. Hết Bắc Giang lại Việt Trì rồi Lao Kay. Rồi sắp vào Thanh, xuống Vinh.
LAN – Công tác của anh được đi nhiều nơi thích nhỉ.
TẤN sôi nổi – Sau này thống nhất, con đường còn dài, còn nhiều cầu cống, còn khai phá nhiều đường mới. Chỉ sợ chân mình không đi hết được. Tính tôi quen từ nhỏ như hòn bi, ngồi lì ở một chỗ không chịu nổi.
LAN – Thế những người ngồi lì mãi Hà Nội thì anh bảo sao?
TẤN – Tại mỗi người một tính, một nết. Hợp đâu, thích đấy.
LAN – Thế chắc anh không thích Hà Nội.
TẤN – Hà Nội lại khác. Năm 50 tôi còn học kỹ nghệ, sau thích hoạt động mới bỏ học ra kháng chiến. Công tác xa Hà Nội thực, nhưng vẫn nhớ chứ. Tôi thích công tác liên miên vài tháng mới lại về Hà Nội một lần.
LAN – Nghe anh nói cũng thích rồi, công tác hợp mới phấn khởi được (hơi buồn) công tác tôi lại khác hẳn anh.
TẤN – Tưởng chị làm ở mậu dịch đông người mua bán chắc phải tấp nập suốt ngày.
LAN – Bề ngoài thế thôi, trông vui mắt nhưng buồn lắm, anh ạ. Ngày hai buổi lại bán hàng, lại ghi sổ, lại thu tiền. Mà khách hàng khó tính không chịu được. Lắm lúc bực gắt lại bị phê bình.
TẤN – Tại chị chưa quen đấy.
LAN – Không phải quen đâu. Phê bình không đúng mới bực mình chứ.
TẤN đùa – Chị nói thế chẳng ma nào muốn xin vào mậu dịch bán hàng nữa.
LAN cười – Thì anh vừa bảo, tại mỗi người một nết, hợp đâu thích đấy, (nghĩ ngợi) chỉ tại cần phải đi làm để đỡ cho mợ tôi ở nhà quấn chỉ kiếm không đủ nuôi các em đi học. Tính tôi lại thích bay bổng, nhưng bay bổng khác anh kia. Tôi đang học thêm nhạc. Rồi tôi sẽ hát ở đài phát thanh. Lúc ấy tiếng hát của tôi sẽ vang đi khắp nơi, tôi sẽ hát cho mọi người nghe… Tôi tin là tôi phục vụ được nhiều hơn bây giờ.
TẤN – À… lúc ấy tôi công tác xa mà nghe được tiếng hát của người mình quen biết chắc thích hơn cả.
LAN – Anh cũng thích hát à?
TẤN – Tôi không biết hát nhưng thích nghe hát. Tính tôi như ngựa lồng thế này không thích ca hát sao được. Tôi cho chỉ có bụt là không thích nghe hát mà thôi.
Hai người cùng cười thân mật hơn. Chị Nguyện mang nước ra, chợt thấy, hơi khó chịu, lại lẳng lặng quay vào.
LAN – Nhiều người không thích hát chứ. Mợ tôi, cả Dung cũng thế. Chỉ có mấy em nhỏ là nó thích bắt tôi hát luôn. Mợ tôi bực lắm, nhưng tôi lại hát để tập dượt nhân thể.
TẤN – Thế chị hát cho tôi nghe một bài. Lần đầu gặp chị lại được nghe chị hát.
LAN tự nhiên ngượng nghịu – Ai lại thế bao giờ. Lần khác, anh ạ.
Yên lặng, Tấn suy nghĩ nhìn Lan.
LAN – Ờ, sao mãi Dung không lại? (lảng sang chuyện khác) Anh còn nghỉ, mời anh lại chơi nhà.
TẤN – Tôi mong thế lắm. Cũng muốn đến luôn. Chỉ sợ phiền…
LAN – Có gì là phiền đâu. Anh cứ đến chơi. Tối nào Dung cũng có nhà. Quen chị ở đây là được biết anh, mà tính anh tự nhiên càng dễ gần hơn chứ.
TẤN vui vẻ – Thế tôi sẽ đến luôn. Và chị phải hát nhé. Rồi tôi sẽ cho chị xem nhưng kỷ niệm kháng chiến của tôi.
LAN – Ờ… thế anh phải cho tôi xem trước rồi tôi mới hát.
TẤN – Mà chị phải hát thật hay kia.
LAN cười – Nhất định thế. Tiện bây giờ anh lấy cho xem trước đi.
TẤN thân mật – Nhưng chị cũng phải hát ngay đấy nhé. (Chạy vào trong đem túi dết ra) Công tác nay đây mai đó rất cần kỷ niệm (giở túi dết, tư lự) giở cho chị xem, chị hiểu được hết đời tôi đấy.
Hai người sát vai nhau.
TẤN – Đây, chiếc túi gấm thêu và con dao là của mẹ nuôi người Thổ, chợ Chu, hồi bà cụ còn con gái. Hôm bà cụ sắp chết, không chôn theo, bà cụ cho đứa con nuôi người Kinh làm kỷ niệm. Cứ một vật này hôm nào lại chơi tôi kể cho chị nghe cũng nhiều chuyện rồi. Có lẽ để tôi giở cho chị xem trước tập ảnh thì hơn.
Hai người cùng nhau giở chung ảnh. Anh Nguyện ra lấy cái dùi ở giường đằng sau. Cả hai cùng không biết.
TẤN – Ra kháng chiến tôi vào ngay bộ đội. Ảnh này chụp ở cầu Hàm Rồng sau chiến dịch Hà Nam Ninh, đây là những ảnh dân công khi tôi chuyển sang công tác ở Sông Đà. Đây, ảnh mẹ nuôi tôi. Và ảnh tôi mới chụp.
LAN xem kỹ – Ảnh này đẹp hơn ảnh bác Phúc cho xem trước (nhìn Tấn). Trông trẻ mà giống anh hơn (cười). Thế mà anh lại định giấu diếm.
Dung vào, áo cán bộ màu xanh. Cả hai vẫn không biết. Dung ngập ngừng không đánh tiếng.
CHỊ NGUYỆN vừa ra trông thấy – Kìa cô Dung. Cô vào đây. Đợi mãi cô.
DUNG – Chị mặc em.
LAN – Sao chậm thế, hở Dung?
CHỊ NGUYỆN kéo ghế vồn vã – Cô ngồi đây… Chú Tấn lấy hộ chị ấm nước.
DUNG với LAN – Bực quá, chị ạ. Công đoàn gì mà chủ nhật đi chơi hết. Em đợi hơn nửa giờ, chẳng gặp ai.
LAN – Chẳng vội. Lúc nào báo cũng được.
DUNG – Nên báo cáo ngay chị ạ. Công đoàn còn theo rõi giúp đỡ ý kiến chứ.
CHỊ NGUYỆN bảo LAN – Cô Lan này, ra chợ xem gian hàng của tôi đi. Không lại bảo biết nhà mà không biết cửa hàng.
LAN – Vâng… đi đi chị.
Cả hai cùng ra. Tấn và Dung yên lặng.
TẤN – Cô vẫn làm việc?
DUNG – Vâng, tôi làm việc ở Bộ. Ở Bộ bận hơn các cơ quan khác.
Yên lặng.
TẤN – Tôi mới về hôm qua. Được nghỉ hơn 20 ngày.
DUNG – Chỗ anh công tác, y tế phục vụ có báo đảm lắm không?
TẤN – Cũng khá.
DUNG – Công trường càng cần phải tích cực chống sốt rét mới thực hiện được kế hoạch 56.
Lại yên lặng.
TẤN – Tôi về cũng có ý định lập gia đình. Thấy chị tôi nói chuyện nhiều về cô. Trong thời gian nghỉ mong được trao đổi với cô.
DUNG – Vâng, … Việc này anh hãy thư thả. Mợ tôi cũng đã biết rồi. Nhưng tôi chưa báo cáo Công đoàn. Tôi định đến nhưng không gặp.
TẤN – Trước hết là chúng ta tìm hiểu nhau đã.
DUNG – Theo ý tôi trước hết là tổ chức cơ quan phải biết đã. Như vậy đảm bảo hơn.
TẤN – Vâng, thế cũng được.
DUNG – Bộ không định hẳn nguyên tắc đó. Nhưng chính bây giờ tôi lại thấy cần phải có tổ chức xây dựng cho mình. Mợ tôi cũng thấy thế là đúng.
TẤN – Tôi cũng không phản đối việc đấy.
DUNG – Như vậy chỉ có lợi mà không ảnh hưởng đến sau này phải không anh? Về điểm này tôi và anh cùng giống ý nhau rồi đấy.
TẤN bắt đầu khó chịu – Vâng.
DUNG – Còn khó khăn nữa là tôi với anh công tác không những xa mà lại khác ngành nhau. Ăn ở với nhau rồi khó.
TẤN – Sau này sắp xếp công tác cùng một cơ quan cũng dễ thôi. Cái khó là sợ không cùng một chí hướng, tình cảm.
DUNG – Tôi tưởng chúng ta cùng phục vụ cho cách mạng là cùng một chí hướng rồi. Hơn nữa, anh lại là gia đình công nhân, thế càng tốt.
TẤN – Vâng.
DUNG – Tôi về, anh ạ. Tôi báo cáo với Công đoàn rồi lại gặp anh. Đến tối… à tuần này tôi mắc học cả. Có gì, lại sáng chủ nhật sau, anh nhé.
Lan vào hơi ngạc nhiên.
LAN – Dung đã về à? Ngồi đây chơi đợi chị Nguyện.
DUNG – Chị về sau.
LAN – Này, Dung đi đâu vội thế?
Dung vẫn đứng cửa.
LAN – Anh Tấn nghỉ phép không lâu đâu. Công tác xa ốm yếu xanh lắm, cũng cần tiêm cho khoẻ. Có thuốc sẵn rồi. Dung xem giờ nào tiện, ngày ngày đến tiêm cho anh Tấn.
DUNG nghĩ ngợi – Cũng hơi phiền, chị nhỉ (một lát). Thế chưa tiện đâu. Để em báo cáo với cơ quan đã. Sáng chủ nhật sau, chị ạ…
LAN băn khoăn – Dung, Sao Dung phải để đến tuần lễ sau mới lại được? Dung nghĩ xem: Anh Tấn được nghỉ phép có ít ngày. (Không tiện nói hết ý mình, như nằn nì với em) Dung đến vào buổi tối thôi mà.
DUNG thản nhiên – Tuần lễ này buổi tối em bận mà vấn đề của em với anh Tấn nên nghiên cứu kỹ về mọi mặt… Em không thể làm hơn được. Đến chủ nhật sau chưa muộn. Thôi em về đây, chào anh nhá.
Dung ra vội, Lan cũng lúng túng đứng dậy.
TẤN – Chị cũng lại định về ?
LAN – Không… không… Phiền quá nhỉ! Hay là, chiều anh lại chơi với mẹ em? Dung có nhà đấy.
TẤN – Tôi không cần tiêm và cũng không cần…
LAN sốt sắng – Cần lắm chứ. Anh cần phải khoẻ. Anh còn phải công tác nhiều.
TẤN – Không, tôi không muốn (tha thiết nhìn Lan) Tôi mong cô hiểu…
LAN cảm động – Để tôi bảo Dung.
TẤN – Không, Không! (càng tha thiết) Cô Lan!
LAN thêm lúng túng – Anh bảo gì em kia?
TẤN cũng lúng túng – Tôi muốn nói chuyện với cô… cô Lan!
LAN ngượng – Vâng.
TẤN sôi nổi âu yếm – Lan! Biết Lan, tôi thấy mến Lan hơn, tôi không thể…
LAN thẹn nhưng sung sướng – Em không… Ai lại thế bao giờ? Em về đây (bỏ chạy ra cửa).
TẤN – Cô Lan, Lan (chạy vào trong nhà, dắt xe đạp ra, nói với) Anh cho em mượn xe đạp một lát nhé.
Đến cửa gặp chị Nguyện về.
CHỊ NGUYỆN ngạc nhiên – Chú vội đi đâu đấy!
Tấn không kịp trả lời, lên xe hấp tấp. Anh Nguyện cũng vừa ra.
CHỊ NGUYỆN – Cô Dung đâu?
ANH NGUYỆN – Ai biết đâu đấy!
CHỊ NGUYỆN – Sao chú Tấn lại đi với cô Lan?
ANH NGUYỆN – Lạ thật! Sao mình lại hỏi tôi? Chú Tấn chọn vợ chứ mình chọn vợ à? Dở hơi lắm! Thôi mình vào khiêng giả lại tôi cái radio ra chữa đây.
Hai người cùng cười. Vào phía trong.
Màn từ từ khép theo.
2-9-56
*
Tranh châm biếm, ký tên Pha Y, vẽ hai người. Một người cầm hai chiếc mũ, trên mũ ghi "Bất mãn, tiêu cực", hỏi: “Sao ‘trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng’ mà anh cứ lầm lỳ và không sáng tác được gì?”
Người kia đội một chồng mũ, trên mũ ghi "Địa chủ, phản ứng, tả khuynh, hữu khuynh, tiểu tư sản, mất cảnh giác, mất lập trường", trả lời: “Anh cứ trông đầu tôi thì biết”.
_________________________
[1] Trang 2
[2] Mất mấy chữ vì báo rách, chưa khôi phục được
[3] Trang 2, với hai minh hoạ
[4] Bài chiếm toàn bộ trang 3, xem tiếp ở trang 4
3. NHÂN VĂN SỐ 2 * PHẦN II
==
HOÀNG TÍCH LINH
Mùa xuân ngoài cửa sổ(kịch)
Nhân vậtPhượng: 30 tuổi, cán bộ, goá chồng
Tú: 8 tuổi, con gái Phượng
Bà Vĩnh Lợi: ngoài 40 tuổi, chủ nhà.
Bích Liên: 19 tuổi, con bà Vĩnh Lợi.
Sơn: 30 tuổi, cán bộ, thuê gian gác bên.
Thời gian
Những năm cuối năm.
Nhưng thời tiết đã sang xuân.
Nắng mới ấm áp, không gian trong sáng.
Bài trí
Căn gác của Phượng thuê: một gian phòng nhỏ, xinh xắn. Cửa ra vào trông thấy cầu thang gác và hành lang thông sang căn gác của Sơn. Cửa phía phải ra bao lơn trông xuống đường phố, cửa sổ trước mặt trông thẳng sang cửa sổ gác Sơn. Gian phòng kê được một giường, một bàn con, mấy ghế dựa, một tủ con đựng sách, quần áo, chăn màn. Trên mặt tủ để phích, cốc, bát Mậu dịch và chéo một góc, ảnh chồng Phượng. Trên cao ảnh Lê-nin màu sáng. Thấp hơn, trên đầu giường, ảnh Phượng và Tú chụp chung.Cửa sổ và cửa trông xuống đường phố đều đóng kín. Căn nhà tối và lạnh.Mở mànVào khoảng tám, chín giờ sáng. Tiếng ồn do dưới phố rộn rịp chuẩn bị tết. Qua cửa sổ thấy nắng rực rỡ bên ngoài.Gian gác Sơn đang dọn nhà đi. Thỉnh thoảng ngừng tiếng dọn đồ, lại thấy tiếng hát. Cứ như thế đến lúc đóng màn.
TÚ (đứng ở hành lang chuyện với sang buồng Sơn) – Anh dọn nhà xong, em sang nhá!
BÀ VĨNH LỢI (ở chân cầu thang gác hướng lên) – Mẹ cháu đâu?
TÚ – Mẹ cháu họp Hội nghị kia mà.\
BÀ VĨNH LỢI - À… (ra vẻ thông thạo) Phải rồi. Hội nghị phụ nữ toàn thành họp hôm kia, hôm qua, sáng nay bế mạc đấy mà! (bước vào trong nhà, nhìn quanh, buột miệng) Chết chửa! ai lại để nhà cửa tối om thế này bao giờ! Nhà lúc nào cũng vắng vẻ lạnh lẽo cứ như nhà… (nhớ ra, ngừng lại). Căn nhà có gian gác xinh nhất nhường cho bà ấy thuê, mà bà ấy cũng chẳng thiết kê dọn sửa sang cho ra mẽ. Nhà một mẹ một con có khác…Bà Vĩnh Lợi ra mở cửa trông xuống đường. Ánh sáng ùa vào trong phòng. Tiếng ồn ào dưới phố vọng lên vui vẻ.
BÀ VĨNH LỢI (ngắm phố) – Có phải sáng sủa, vui mắt không nào? (định ra mở nốt cửa sổ trông sang gác bên)
TÚ (vội kêu) – Bác đừng mở cửa phía ấy!
BÀ VĨNH LỢI – Mẹ cháu mắng phải không? (cười) Mẹ về cứ mách là bác mở cho thoáng, mẹ chẳng mắng bác đâu mà sợ.Bà Vĩnh Lợi mở cửa sổ phía trước mặt. Ánh nắng tràn vào. Trông thấy cửa sổ buồng Sơn, bóng Sơn đi lại dọn đồ. Cách hai cửa sổ, giàn giây leo tím ở hành lang. Mấy cành cây ở đường phố vắt ngang cửa sổ, lá non xanh rờn. Trên cao, một mảnh trời xanh biếc.
BÀ VĨNH LỢI (hớn hở) – Thế có phải gian phòng ấm áp hẳn lên không nào? (nhìn cửa sổ buồng Sơn) Mẹ cháu không muốn mở cửa này là phải. Trông cứ thông thống sang buồng bác Sơn coi sao tiện. Ấy thế mà nói mãi bác ta mới chịu dọn đi đấy. Từ giờ mẹ cháu tha hồ mở cửa phía này chẳng phiền phức gì nữa nhé (đi lại ngắm gian phòng) Ừ… Tính nước mời bác ta dọn đi chỗ khác lại hoá hay kia đấy. Bây giờ nhà đã hiếm, cán bộ lại ra ở ngoài nhiều, hai buồng này ấy à…cứ tính bỏ rẻ cũng phải hơn một vạn một gian chứ chẳng kém được. (nhìn Sơn dọn đồ, lẩm bẩm tính). Từ trước vẫn chỉ tính có bẩy nghìn một buồng. Bảy nghìn…rẻ ối ra. Phải lần này cho thuê ta cứ tính dứt khoát buồng kia một vạn rồi tự khắc bà Phượng buồng này cũng phải theo giá lên nốt thôi. Nhà sáng sủa, tĩnh mịch, cửa đi riêng biệt tiện lợi thế này, tính gọn có một vạn một gian cũng là nể nang chán ra rồi.Bà Vĩnh Lợi ngồi yên suy tính.
BÀ VĨNH LỢI – Biết đến bao giờ bà Phượng mới về (đi lại quanh phòng trông thấy ảnh ở tủ đến nhắc lên xem) Chắc ảnh ông ấy đây. Ông này không mất sớm thì bây giờ cũng vào hàng chức to kia đấy. (một lát) Đằng đẵng tám chín năm giời ở vậy được. Ra cán bộ người ta cũng gan góc thật. Chỉ có mê mải công tác chẳng thiết gì hết. (trông thấy Tú ngồi chơi một mình ở hành lang) Nói chứ cán bộ cũng là người thôi, công tác đến mấy cũng chẳng quên được, mà đêm có khuya, ngày có rạng, bà ấy mới ba mươi, con lại lớn khôn rồi, chẳng lẽ chịu ở vậy mãi được à? (bật cười với mình) Tìm lại được người như ông ta bây giờ cũng khó chứ! Bà ấy lại là cán bộ, kín đáo, nghiêm trang như thế thì có mà giời hiểu được.Tiếng dọn đồ bên buồng Sơn. Bà Vĩnh Lợi đi lại sốt ruột.
BÀ VĨNH LỢI – Cháu Tú này, bác chẳng đợi được mẹ cháu đâu. Mẹ về bảo xuống chơi bác ngay nhé!
TÚ – Vâng.
BÀ VĨNH LỢI – Cháu nói là việc cần lắm! Việc thuê nhà… Việc rất cần là mẹ cháu khắc biết ngay.
TÚ – Nhà cháu cũng phải dọn đi hả bác?
BÀ VĨNH LỢI (cười) – Không… nhà cháu việc gì phải dọn đi đâu. Ở đây với bác chứ! Cứ bảo bác gặp có việc cần lắm nhé.Bà Vĩnh Lợi xuống gác. Tiếng Sơn hát buồng bên. Tú đem ghế ra cửa sổ đứng lên trông sang.
TÚ (nghịch nấp bên cửa gọi to): Anh Sơn!SƠN (ở cửa sổ bên kia) - Tú đấy à? Này, anh để dành cho Tú món quà Tú thích lắm.
Ú – Cái gì hở anh?
SƠN – Để anh dọn xong đây rồi anh đưa cho Tú nhé!TÚ – Không… anh cho Tú ngay bây giờ cơ.SƠN – Lát nữa anh đưa cho Tú cũng được. Chiều tối anh mới dọn đi kia mà.
TÚ – Đừng… anh đừng đi đâu, cứ ở đây.
SƠN – Tú nói dễ yêu nhỉ? Nhưng Tú có phải là bà chủ nhà này đâu? Tú muốn anh ở lại mãi với Tú cũng không được. Bà ta hẹn anh hai tháng phải dọn đi chỗ khác, hôm nay hết hạn rồi anh phải dọn đi chứ.
TÚ – Thế sao mẹ em không phải dọn nhà?
SƠN – Mẹ em khác, mẹ em là cán bộ.Phượng ở cầu thang bước vào, dáng mệt nhọc.
TÚ – Thế anh cũng là cán bộ đấy thôi. Anh cứ ở đây với mẹ em không được à?
SƠN (cười) - Anh ở đây chỉ phiền cho mọi người. Trước hết, cửa sổ nhà Tú phải đóng lại này. Hay là anh phải che hoặc đóng chặt cửa bên anh. Gác anh có mỗi một cửa, nếu đóng nó lại suốt ngày như thế này (nghịch khép cửa sổ vào rồi lại ấn ra) thì anh đến chết ngạt mất, mà anh lúc nào cũng cần gió và ánh sáng.
TÚ – Em không thích anh dọn đi đâu.
SƠN – Tú không thích nhưng bà chủ nhà lại thích anh dọn đi ngay mới rắc rối chứ! Hôm nay anh cứ dọn tạm xuống ô ở với người quen ít lâu vậy. Xa phố một thời gian. Bao giờ tìm thuê được nhà khác, anh sẽ đến nói với mẹ cho Tú lại chơi với anh nhé.
TÚ - Ờ nhé. Tết anh cũng phải lại chơi với em đấy! Anh kèm xe em đi chơi khắp phố như mọi khi, anh Sơn nhé! Anh phải nói thật kia? Anh nói dối thì anh làm sao nào? Anh không đến em bắt đền đấy. Em không thèm chơi với anh nữa đâu.Phượng từ lúc nãy vẫn lặng yên, vội gọi: Tú! –
Tú quay lại, thấy mẹ, vội khép ngay cửa sổ lại, lúng túng xuống ghế.
TÚ – Mẹ (muốn khóc), không phải con mở cửa sổ đâu.
PHƯỢNG – Tú! mẹ dặn con thế nào?
TÚ (oà lên khóc) – Không, không phải con.
PHƯỢNG (kéo Tú vào lòng) – Mẹ mắng có mắng con đâu. Tú ngoan nào. Đừng khóc nữa. Bêu! Con gái ngoan của mẹ sao lại khóc. Con gái mẹ có lỗi thì nhận với mẹ chứ sao lại mếu máo thế. Xấu lắm!
TÚ – Bác Vĩnh Lợi, bác ấy lên đây… bác ấy mở… không phải con.
PHƯỢNG – À… bác ấy mở à. (âu yếm vuốt tóc Tú) Cửa sổ này lộng gió; sợ con lạnh, mẹ vẫn phải đóng lại, bác ấy mở ra cũng được. Mẹ có cấm đâu.TÚ (ôm lấy mẹ) – Mẹ.
PHƯỢNG (yên lặng)… – Mẹ chỉ thương con… Mẹ thường dặn Tú thế nào nào? Mẹ vẫn dặn nhà trên gác không được chạy, được nhảy, được trèo lên ghế. Mẹ đi vắng luôn, nhà có mình con, nhỡ ngã thì sao. Vừa rồi con trèo lên ghế cao thế, mẹ không bằng lòng đâu.
TÚ – Vâng.
PHƯỢNG – Mẹ bảo nhé. Nói chuyện với người lớn, con phải ngoan chứ. Con không được nói “nói dối thì làm sao nào, bắt đền đấy, không thèm chơi nữa”, không được nói như lúc nãy nữa nhé. Con gái quý của mẹ phải ăn nói dịu dàng, không xấc láo như trẻ con đường phố được.
TÚ – Mẹ à, con nói với anh Sơn chứ! Anh ấy yêu Tú lắm, anh ấy không nghiêm như mẹ đâu!PHƯỢNG – Tú! Ai dạy Tú nói thế?TÚ (lo lắng nhìn mẹ) – Không.PHƯỢNG – Ai dạy? Mẹ có dạy Tú nói thế không?TÚ (lúng búng) – Anh Sơn. Anh ấy bảo mẹ nghiêm, anh ấy không dám sang đây với con.PHƯỢNG (nghĩ ngợi) – Nhưng mẹ không muốn Tú nói như vậy. Mẹ có mình Tú. Mẹ nghiêm là muốn Tú ngoan. Mẹ thương Tú. Mẹ đã dặn điều gì con phải biết nghe lời mẹ chứ!TÚ (ôm mẹ) – Nhưng mẹ đừng buồn nữa kia.PHƯỢNG – Tú biết nghe lời mẹ, mẹ chẳng buồn nữa đâu. (như nói với mình) Đi có công tác, về lại có con bên cạnh này, mẹ chẳng thiết gì nữa, thật mẹ vui lắm chứ (thoáng buồn, nhìn nắng ngoài cửa).TÚ – Mẹ vui thật mẹ nhé!PHƯỢNG (vẫn thế) – Mẹ vui chứ. (lơ đãng trông xuống đường phố). Lại gần hết một năm nữa rồi. Tú lớn thêm một tuổi đấy.TÚ – Tết này con lên chín, mẹ nhỉ.PHƯỢNG – Ồ… Con lên chín (hơi buồn)… Lại thêm một tuổi nữa rồi! (thoáng nhìn ảnh chồng). Chín năm rồi đấy… Chẳng mấy lúc mà chóng già thật…TÚ – Thế Tết mẹ cho con đi chơi nhé!PHƯỢNG – Có chứ! Tết mẹ cho con đi chơi.TÚ – Phải đấy! Mẹ đưa con đi chơi với anh Sơn. Mẹ này, anh Sơn này, con này, cùng đi chơi, thế mà lại thích kia đấy. Cả mẹ cũng đi chơi mới vui nữa mẹ nhỉ (định chạy đi). À thế con chạy sang con bảo cho anh Sơn anh ấy biết mẹ nhé…PHƯỢNG (tự nhiên thấy ngượng, giữ con lại) – Tú hay nhỉ. Ngồi xuống đây mẹ bảo. Mẹ quên mất. Mẹ mới sắm tết được cho con cái này!TÚ – Thế hả mẹ? Cái gì thế? Thế mà mẹ không đưa cho con xem ngay! Đâu hả mẹ?PHƯỢNG (vội túm lấy áo) – Con vẫn thích cái áo khoác ngoài như con bác Phúc dưới nhà. Mẹ cố mua được cho con đây này, (Dở bọc lấy áo mặc cho con). Đẹp không? Con mẹ mặc vào mẹ xem nào?TÚ – Vừa quá mẹ nhỉ?PHƯỢNG – Mẹ chọn thế mà tài! Con mẹ mặc vừa xỉnh vừa xinh.TÚ (đi lại ngắm áo) – Con mặc luôn mẹ nhé! Hay để dành đến tết hở mẹ?... Thế áo mẹ đâu? Mẹ không mua áo cho mẹ à?PHƯỢNG (ôm lấy Tú) – Con mẹ ngoan quá. Mẹ mua áo cho con là đủ rồi, mẹ cần gì đến áo!TÚ – Không… Mẹ cũng phải mặc đẹp cơ, Tết cơ mà!PHƯỢNG – Tết cũng vậy thôi. Tết mà làm gì! (gượng cười). Bao năm rồi, mẹ chỉ vui với công tác, với con mẹ. Mẹ mặc đẹp làm gì nữa…Con mẹ cũng biết làm dáng cho mẹ đấy, lại định bắt mẹ mặc áo hoa màu à? Hoa thật mẹ còn chả thích nữa là hoa trên áo. Mẹ chỉ thích con mặc đẹp. Con mặc đẹp là mẹ đẹp rồi (một lát). Bây giờ Tú để mẹ nghỉ. Vừa họp xong mẹ cần nằm yên đỡ mệt.TÚ – Vâng.PHƯỢNG – Con chạy chơi nhé, chơi quanh quẩn trên gác thôi đấy!TÚ – Mẹ cho con sang anh Sơn nhé. Con báo tết đi chơi cho anh ấy thích.PHƯỢNG (cười) – Con mẹ thích cái gì là muốn làm ngay thôi. Để lúc khác sang chơi con ạ. Anh ấy đang bận dọn nhà… Hay là con xuống chơi với con bác Phúc vậy. Đừng rủ nhau ra đường chơi đấy!TÚ – Chúng nó không có nhà! Hai bác ấy kèm chúng nó đi chơi từ sáng kia. Con chẳng có chỗ nào chơi nữa. Con chơi một mình chán lắm!PHƯỢNG (nghĩ ngợi) – Mẹ cũng chịu, mẹ biết làm thế nào cho con khỏi chán được… À, con ngồi xuống đây, con đọc báo cho mẹ nghe vậy…TÚ (cầm báo uể oải đọc một đoạn ngắn) – Con chẳng hiểu gì cả… Chán chán là…PHƯỢNG – Thế con lấy hộp “kiến thiết” ra dựng nhà cho mẹ xem. Mẹ cùng chơi với…TÚ (mang hộp ra) – Con chịu thôi. Con chơi mãi rồi.PHƯỢNG – Thế này mẹ còn biết làm thế nào cho con vui được nữa.TÚ (buồn sỉu) – Mẹ chẳng thích dẫn con đi chơi phố!PHƯỢNG (kéo Tú đến gần) – Con mẹ đừng trách oan mẹ! Mẹ có muốn thế đâu…(nhìn quanh buồng vắng vẻ). Nhà chỉ có mẹ với con. Con phải tìm cách con chơi cho mẹ nghỉ chứ!... (một lát) Tú, mẹ bảo này, con ra đây ngồi. Mẹ mang đồ chơi cho con (ấn cửa trông xuống đường). Ngoài phố rộn rịp đi sắm tết có vui mắt không? Con vừa chơi, vừa ngắm phố, rồi chiều mẹ dắt con đi chơi như bác Phúc nhé.Tú xếp đồ chơi một cách uể oải. Phượng nhìn con lặng lẽ. Tiếng đập mạnh ở cửa.PHƯỢNG (khẽ hỏi) – Ai?TÚ – Bác Vĩnh Lợi đấy! Con quên mất. Bác dặn con muốn gặp mẹ đấy!PHƯỢNG (ra mở cửa, kéo ra mấy lần không được. Cửa như bị giữ ở ngoài. Phượng kéo mạnh cửa, gắt) – Ai? Sao lại nghịch thế?Cửa mở tung.SƠN (đứng ở hành lang, thấy Phượng, lúng túng) – Xin lỗi bà. Tôi tưởng bà chưa về, chỉ có mình Tú, tôi mới…TÚ (láu táu chạy đến) – À…anh Sơn, em bảo này nhé!PHƯỢNG (thấy ngượng, giữ Tú lại) – Tú, con để yên xem anh hỏi gì?...SƠN – Anh hẹn cho Tú tập tranh ảnh đây (đưa tập tranh cho Tú rồi vội vàng chào, về gác mình) Xin lỗi bà, vừa rồi… tôi thật vô tình.Phượng ngượng khép cửa lại.TÚ (giở lung tung tập ảnh) – Mẹ xem ảnh có đẹp không? Ồ nhiều thiếu nhi không? Mẹ này, người gì đây hở mẹ?PHƯỢNG – Người Mông Cổ…TÚ – Thích không? Mẹ bảo con xem với. Lại cái gì thế này hở mẹ… Mẹ xem với con đi…PHƯỢNG (miễn cưỡng) - Ảnh gia đình công nhân nước bạn. Đây là cảnh bố, mẹ, con ở nhà riêng này. Đây là cảnh gia đình đi xem hát. Đây là cảnh bố mẹ dắt con đi chơi phố đây… (yên lặng) Thôi mẹ chịu không chỉ cho con xem được nữa đâu. Mẹ mệt rồi. Bây giờ mẹ cho con sang anh Sơn chơi. Mang cả ảnh sang anh ấy chỉ cho con xem.TÚ (mắt sáng lên) – Thế con sang mẹ nhé (ù té chạy ra hành lang sang gác bên).PHƯỢNG (nhìn theo con lặng lẽ) – Chỉ có trẻ con nó sướng thật.Phượng thẫn thờ. Tiếng cười của Sơn và Tú rầm rĩ phía cửa sổ bên kia. Phượng ra cửa sổ. Định nghé nhìn sang một lát thôi. Lặng lẽ nhìn đường phố.BÀ VĨNH LỢI (bô bô từ dưới cầu thang) – Bà Phượng có nhà đấy phải không? …Gớm, đợi bà từ sáng tới giờ… Chào bà (Phượng kéo ghế mời ngồi). Bà mặc tôi. Mang tiếng chủ nhà, nhưng cũng như người nhà cả thôi. Bà cứ tự nhiên thế hơn.PHƯỢNG – Cháu Tú vừa nói sáng ngày bà có lên tìm tôi.BÀ VĨNH LỢI – Cô cháu ngoan thế đấy. Mẹ bận công tác suốt ngày, con lại chịu khó trông nhà. Giá phải con nhà khác thì đã bỏ đi chơi văng mạng rồi đấy.PHƯỢNG – Việc gì cần thế bà?BÀ VĨNH LỢI – Cứ kể cần, cũng cần lắm. Cũng chỉ định tâm gặp bà mấy lần để nhắc bà về cái gác bên kia đấy thôi.PHƯỢNG – Làm sao hả bà?BÀ VĨNH LỢI – Gác bên kia hôm nay ông Sơn dọn đi bà ạ… Nhiều người đã mối lái đến hỏi thuê. Nhưng tôi không nhận. Trước sau đã có ý muốn để dành cho bà, chỗ quen thuộc với nhau hai năm nay rồi, dễ ăn dễ ở hơn.PHƯỢNG – Ấy chết! Tôi thuê làm gì nữa.BÀ VĨNH LỢI (cười) – Bà có hỏi thuê đắt gấp mấy tôi cũng chẳng cho bà thuê nữa thật. Hai mẹ con ở căn buồng này rộng rãi quá rồi còn gì nữa. Có hỏi là để nhắc bà hồi trước bà có nhờ tôi thuê hộ cho vợ chồng ông gì… làm trưởng phòng ở Bộ Thương nghiệp ấy mà.PHƯỢNG – À..vợ chồng bác Yến.BÀ VĨNH LỢI – Phải rồi, vợ chồng ông Yến. Ấy, nói từ hồi ấy mà tôi vẫn nhớ tìm hộ mãi, may bây giờ mới lấy lại được căn gác này dành cho ông bà ấy.PHƯỢNG – Thôi thế tốt quá rồi. Hai vợ chồng bác ấy đang cuống lên về nhà. Hôm qua còn giục tôi đi tìm hộ đấy.BÀ VĨNH LỢI – Chuyện nhà cửa bây giờ khan hiếm lắm. Mà người ta chẳng ai muốn bỏ nhà cho thuê nữa kia, bà ạ… Ngay gian gác này, khối người đến đặt tiền thuê trước tôi cũng kiếu hết đấy. Bà tính có người cứ nằng nặc trả ngay hai vạn một tháng, lại chồng tiền trước cả năm, ấy thế mà tôi cũng chẳng thiết cho thuê nữa. Định bụng là cho ông bà ấy thuê thôi. Chỗ người lớn với nhau. Sau này đỡ lằng nhằng tiền nhà tiền cửa, thêm phiền ra, có phải không bà?
PHƯỢNG – May thật…thế để tôi báo cho hai bác ấy biết.
BÀ VĨNH LỢI – Tối mời ông bà ấy đến chơi. Có gì mai kia dọn ngay được. Ông bà ấy ở đây cũng tiện thôi. Nhà tôi có việc đi lại với trên Bộ luôn rồi cũng thành chỗ thân tình cả đấy mà.
PHƯỢNG – Được hai bác ấy ở đây càng vui cho tôi thêm.
BÀ VĨNH LỢI – Ấy tôi cũng nghĩ thế. Có gia đình bà Yến dọn đến đây rồi bà cũng đỡ cảnh một mẹ một con thui thủi trên gác.PHƯỢNG – Vâng.
BÀ VĨNH LỢI – Chẳng phải nói khoe với bà chứ! Lấy lại được gian gác ấy khó khăn lắm. Bác Sơn dùng dằng có muốn dọn đi đâu. Tôi phải thúc sớm thúc chiều mới được đấy.
PHƯỢNG – Nhưng nghe đâu bác ấy chưa tìm được nhà khác.
BÀ VĨNH LỢI – Biết đợi đến bao giờ hở bà! Cứ hết hạn là phải dọn đi thôi. Bà còn lạ gì nữa. Không thúc không được. Tôi phải bảo có người nhà, em ruột ông nhà tôi cũng là cán bộ mới ở xa đổi về Hà Nội cần nhà ở ngay, nói cấp bách thế bác ấy mới chịu dọn đi ngay chứ!
PHƯỢNG – Bà tính lại xem. Bác ấy chưa có nhà ở, mình làm thế sợ không tiện chăng… Có khác gì mình hất người ta ra đường để lấy lại nhà…
BÀ VĨNH LỢI – Chẳng làm khác được, bà ạ. Bây giờ lấy lại nhà cũng khó lắm kia… Không làm cách thế, không lấy được nhà. Bà bảo không nói lấy cho người nhà ở thì có ai chịu đi.
PHƯỢNG (ngẫm nghĩ) – Bà làm thế không được. Như vậy là kiếm cách đuổi nhà người ta đang ở mất rồi…
BÀ VĨNH LỢI (cười khéo) – Có phải thế đâu. Bà đừng ngại điều đó. Cần đến mới lấy lại nhà, không dưng ai lấy lại làm gì?PHƯỢNG – Cần thì cần lắm đấy. Nhưng giá bà cho người nhà thực sự ở thì cũng còn được. Đằng này lấy lại cho người khác thuê là việc nhất thiết không nên.
BÀ VĨNH LỢI (lo lắng) – Cứ kể ra cũng không phải. Nhưng tôi cho ông bà Yến ở, là chỗ quen với bà chứ có để cho ai đâu mà sợ. Có ai hỏi, tôi bảo lấy cho bà. Cũng là cán bộ ở cả. Chẳng ai nói vào đâu được nữa.
PHƯỢNG – Bà để cho ai ở cũng đều không đúng. Vô cớ lấy lại nhà có phải chuyện thường đâu. Đang lúc này nhà cửa sinh thêm khó khăn là vì thế đấy.
BÀ VĨNH LỢI (vội xuê xoa) – Bác ấy có một thân một mình, ở đâu chẳng được. Chỉ các bà có gia đình mới cần nhà hơn chứ!PHƯỢNG – Bà làm thế chính tôi cũng không yên tâm. Có khác gì đuổi bác ấy đi cho bạn mình ở. Xử sự như vậy không tốt với nhau.
BÀ VĨNH LỢI – Có điều bác ấy ở đây cũng lắm cái phiền… Phiền cho cả bà nữa.
PHƯỢNG – Dù phiền cũng chẳng có cớ đuổi người ta đi.
BÀ VĨNH LỢI – Nhà rặt đàn bà con gái, cháu Bích Liên nó lại lớn rồi.
PHƯỢNG (cười) – Thế thì bà phải bảo cô Liên chứ sao lại ẩy người ta đi.
BÀ VĨNH LỢI – Nhà có con gái lớn, hàng phố hay dị nghị điều ra tiếng vào thêm khó khăn ra.
PHƯỢNG – Khó tại mình chứ có phải tại bác ấy đâu. Mà đã biết thế sao bà còn đồng ý cho người ta thuê từ trước?
BÀ VĨNH LỢI – Ấy thế nó mới rầy rà.
PHƯỢNG – Trừ phi bác ấy muốn dọn đi, đằng này bà chẳng có lý do gì xác đáng bảo người ta đi cả.
BÀ VĨNH LỢI – Rõ thật là rắc rối.
PHƯỢNG – Chính bà sinh rắc rối cho bác ấy tự nhiên không có nhà ở. Mà tết nhất đến nơi rồi.BÀ VĨNH LỢI – Thế bây giờ tính thế nào cho êm việc hở bà?PHƯỢNG – Khó gì đâu. Bà cứ để bác ấy ở lại đến khi tìm được nhà khác.
BÀ VĨNH LỢI – Ấy chết… biết đến bao giờ.
PHƯỢNG – Việc này, tuỳ bà…
BÀ VĨNH LỢI (băn khoăn) – Cháu Liên nó vẫn bảo tôi thế… nhưng mà… Hay là cứ để bác ấy dọn đi. Đằng nào cũng đã nhỡ rồi.
PHƯỢNG – Chết một nỗi, việc này không phải là chuyện riêng của bà với bác Sơn, mà lại dính dáng đến quyền lợi của những người thuê nhà khác. Rồi người ta biết người ta cũng trách cả tôi nữa
BÀ VĨNH LỢI (bối rối) – Vâng… Bà có bảo tôi mới vỡ lẽ ra…Vâng, thế để tôi thu xếp cho bác ấy ở lại vậy
.PHƯỢNG – Bây giờ dân chủ, cốt ăn ở với nhau cho phải nhẽ. Sau này bác ấy có dọn đi chỗ khác cũng không thắc mắc gì nữa, đôi bên thoả thuận, không điều tiếng gì với nhau, thế có tốt hơn không bà?
BÀ VĨNH LỢI (đứng dậy) – Thôi xin phép bà (dùng dằng). Nói đi rồi lại nói lại… nó thế nào ấy… Có lẽ thế này tiện hơn, bà gặp bác ấy nói giúp tôi.
PHƯỢNG – Vâng… thế cũng được.
BÀ VĨNH LỢI – Có gì bà nói kheo khéo cho bác ấy hiểu.
PHƯỢNG (cười) – Được… bà cứ an tâm, tôi khắc có cách nói được lòng cả đôi bên.Bà Vĩnh Lợi tất tả xuống gác. Phượng định sang gác bên, nghĩ thế nào lại thôi.
PHƯỢNG – Lôi thôi… Tự nhiên mua việc vào mình (băn khoăn đứng ở hành lang). Thôi mặc bà ấy… Bà ấy khắc nói lấy. Ai nói giúp được (gọi sang gác bên) Tú ơi, về mẹ bảo.TÚ – Mẹ gọi con?
PHƯỢNG – Con xuống nhà mời bà Vĩnh Lợi lên mẹ nói chuyện.Tú chạy xuống gác. Phượng bứt rứt đi lại. Tiếng hát của Sơn gác bên. Đến cửa sổ, Phượng ngượng ngùng lại quay đi, có lúc lặng yên đứng nhìn nắng đường phố. Bích Liên trẻ, đẹp, ở dưới nhà lên.BÍCH LIÊN – Chị.PHƯỢNG – Cô Liên đấy à? Bà đâu cô?
BÍCH LIÊN – Mẹ em có việc ra phố, em mới lên gặp chị.
PHƯỢNG – Có việc gì thế cô?
BÍCH LIÊN – Không (ngập ngừng). Thôi…cũng chẳng có việc gì chị ạ… (mở cửa sổ) Em mở cửa sổ cho sáng chị nhé.Nắng đầy phòng. Bóng lá nhảy múa trên sàn.
BÍCH LIÊN (nắng hắt vào mặt, bàng hoàng nhìn sang buồng Sơn) – Ồ… nắng mới đẹp quá, chị nhỉ? Anh Sơn dọn nhà hôm nay hở chị?
PHƯỢNG (cười) – Cô là chủ nhà còn lại phải hỏi tôi
.BÍCH LIÊN (bực bội) – Em có biết gì đâu! Em cũng chẳng muốn biết nữa…!PHƯỢNG – Có chuyện gì thế cô?
BÍCH LIÊN – Em lên gặp chị cũng chẳng định nói chuyện gì đâu… Em lên chơi thôi…PHƯỢNG (tinh ý) – Chị em với nhau cả, cô cứ nói.
BÍCH LIÊN – Thôi… em chẳng nói nữa, sợ chị cười… Em nói nó cứ thế nào ấy…
PHƯỢNG (cười) – Có gì mà ngại. Cô không nói tôi mới cười cô là không mạnh dạn, kém tự nhiên chứ.
BÍCH LIÊN – Chuyện riêng của em với mẹ em.
PHƯỢNG – Thế cô cứ nói… may ra tôi giúp được cô.
BÍCH LIÊN – Chị ạ, chuyện cũng chẳng có gì đâu. Em định lên nhờ chị. Chắc chị nói mẹ em phải nghe. Em nói mãi rồi… Nhờ chị, chị can mẹ em đừng lấy lại nhà.
PHƯỢNG (cười) – Gian gác bác Sơn đang ở đấy phải không cô?
BÍCH LIÊN – Vâng... Mẹ em đến hay lôi thôi… Người ta đang ở thì bảo dọn đi. Không hợp lý có phải không chị?
PHƯỢNG – Nhà riêng của bà, bà không muốn cho người ta ở nữa cũng được.
BÍCH LIÊN – Không được chị ạ. Nhà riêng của mẹ em thật đấy, nhưng không muốn cho ở nữa cũng phải thế nào chứ! Như bây giờ chị đang ở chẳng có chuyện gì, tự nhiên bảo chị dọn đi chỗ khác thế là không chính đáng.
PHƯỢNG – Chắc cần nhà bà mới không muốn cho người ta ở đây nữa chứ!BÍCH LIÊN – Mẹ em định cho người khác thuê. Mẹ em sợ… lắm chuyện phiền phức. Em phản đối, mẹ em lại mắng là bênh. Em bênh gì kia chứ?PHƯỢNG – Nhưng sao cô lại thiết tha cho người ta ở lại đây?
BÍCH LIÊN (lúng túng) – Ồ… anh ấy cũng như người khác thôi. Em thấy dọn đi như vậy không đúng… Anh ấy thì tốt, đứng đắn. Bảo đi là đi cũng chẳng có ý kiến gì…
PHƯỢNG – Thế là cô bênh người ta ra mặt rồi còn gì nữa…
BÍCH LIÊN (đỏ mặt) – Vâng… em bênh thật. Em cứ nghĩ, em bênh cũng được, có sao đâu chị nhỉ.PHƯỢNG – Cô Liên, cô nhớ cô còn đang tuổi đi học kia đấy.
BÍCH LIÊN – Em cũng muốn nghĩ thế, nhưng em không cấm em được. Em cũng không hiểu tại làm sao em lại… cứ nghĩ đến anh ấy…PHƯỢNG – Tốt hơn hết là cô chưa nên nghĩ đến những chuyện ấy.
BÍCH LIÊN – Chị nói đúng. Em vẫn thường bảo với em như vậy. Nhưng làm sao ấy, chị ạ… Em không hiểu cả em nữa. Em biết là em làm một việc vô ích. Anh ấy có yêu em đâu. Dù anh ấy ở đây cả đời nữa, anh ấy cũng không bao giờ yêu em.
PHƯỢNG – Thế cô lại càng không nên nghĩ đến những chuyện ấy làm gì nữa.
BÍCH LIÊN – Em biết thế lắm…
PHƯỢNG – Bây giờ cô đang tuổi học. Cô nên nghĩ đến học là hơn. Cô tham gia thêm công tác nhà trường nữa, rồi khắc quên dần đi. Chuyện đời vẫn là thế cả.
BÍCH LIÊN – Em không như chị được… Học thì em vẫn học, mà lại càng ham học. Nhưng bảo quên thì không tài em quên được. Em cũng muốn quên lắm chứ. Nghe thấy anh ấy dọn đi chỗ khác, nhiều lúc em mừng thầm muốn anh ấy đi ngay. Nhưng cuối cùng em vẫn chỉ mong anh ấy ở lại. Anh ấy yêu ai thì yêu. Em không cần. Em chỉ cần trông thấy anh ấy là đủ rồi. Em rắc rối quá, có phải không chị. (một lát) Chị là cán bộ, chắc chị buồn cười lắm nhỉ. Tâm trạng chúng em rắc rối quá!
PHƯỢNG (như nói với mình) – Ai cũng rắc rối cả thế thôi, cô ạ.
BÍCH LIÊN – Không, chị khác chứ! Nhiều lúc em mong được như chị. Em muốn đóng cửa buồng em lại, yên tâm học tập. Em không muốn yêu, không muốn nghĩ gì hết. Em muốn sống bình yên, vui trong công tác như chị. Có lẽ sung sướng hơn. Nhưng em không làm nổi. Em phải mở cửa buồng em ra. Em phải trông người đi đường phố. Em phải xem nắng ngoài cửa sổ, em phải sống bồng bột. (thấy Phượng nhìn ra xa suy nghĩ) Ồ… em xin lỗi chị. Mà sao em lại nói chuyện này làm bận tâm chị nhỉ?
PHƯỢNG – Cô cứ nói… tôi cũng chỉ như cô thôi.
BÍCH LIÊN – Như em thế nào được! Em chẳng nói nữa, không phải là chuyện công tác, chị không cần thiết nghe. (định xuống gác). Mẹ em về, em mời mẹ em lên gặp chị… Thế nào, chị cũng cứ nói giúp em.
PHƯỢNG – Bà đồng ý để bác ta ở lại đây rồi.
BÍCH LIÊN (sung sướng) – Thế hở chị!
PHƯỢNG – Cô mời bà lên ngay để bà sang báo cho người ta biết. Không phải mất công dọn đồ nữa.
BÍCH LIÊN – Ồ… có thế chứ! Em tưởng là không bao giờ được gặp anh ấy nữa!
PHƯỢNG – Bà có nhờ tôi sang giúp, nhưng tôi không tiện sang.
BÍCH LIÊN (hớn hở) – Thế để em sang báo cho… À, mà thôi, có lẽ em mời anh ấy sang đây với chị, không có mẹ em biết mẹ em lại mắng em (hấp tấp sang gác bên).
PHƯỢNG (nhìn theo Bích Liên thở dài) – Chuyện đời rắc rối thật!... Đến mình cũng chẳng hiểu cả mình nữa. (Lặng lẽ thu xếp đồ đạc cho gọn)
BÀ VĨNH LỢI (bước vào) – Bà gọi tôi? Thế nào hở bà? Ổn thoả rồi chứ?
PHƯỢNG – Tôi chưa kịp nói. Cô Liên mời bác ấy sang đây bây giờ, bà lên vừa gặp.
BÀ VĨNH LỢI – Chết… sao bà lại bảo cái Liên… Thôi thế bà nói giúp, lúc khác tôi gặp cũng được…Ở cửa sổ bên kia, tiếng Bích Liên, Sơn và Tú. Bà Vĩnh Lợi trông thấy con gái, khó chịu, lật đật xuống gác.TÚ (vẫy mẹ rối rít) – Mẹ ơi! mẹ sang đây.
PHƯỢNG (đỏ bừng mặt, như không nghe thấy tiếng con. Quay lại, nhìn thấy ảnh chồng trên tủ. Bâng khuâng nhìn ra ngoài bao lơn: trời xanh thẳm, gió và nắng càng rực rỡ. Phượng nhẹ nhàng khép cửa sổ trông sang buồng Sơn lại) – Mở cửa, nắng mới mà vẫn lành lạnh.Màn từ từ khép.
Cuối năm 1956*
==
SACH TẾT 1957
==
No comments:
Post a Comment