=
CÁI TẾT CUỐI CÙNG CỦA NGUYỄN BÍNH
=
Chiều 27 Tết, tranh thủ thời khắc máy bay Mỹ thường nới nhẹ việc ném bom, từ nơi sơ tán tôi về thăm ngôi nhà đã đóng cửa nhiều ngày nay. Chiều hôm ấy, tôi đang đứng trước cửa, thì thấy Nguyễn Bính lọang chọang đạp chiếc xe Phượng Hòang - Trung Quốc, một thứ xe cao cấp ở thời kỳ này chạy tới. Chiếc xe mới toanh, chưa có biển dăng ký kiểm sóat treo ở sau yên. Chỉ tay vào chiếc xe, Nguyễn Bính bảo đó là do vừa qua đi mua sách ở hiệu sách, ông may mắn được trúng thưởng phiếu mua xe. Còn tiền mua xe thì ông vay của bạn bè, người thân. Vì thế lát nữa xe này sẽ thuộc quyền sở hữu của người khác, vì ông đã bán đi rồi. Tôi không lấy làm lạ về chuyện này. Vì không bán thì Nguyễn Bính không lấy đâu ra tiền mà trả nợ gốc. Mua hàng theo giá cung cấp rồi bán ra ngoài để hưởng tiền chênh lệch là cách làm quen thuộc với mọi người. Với lại chuyện Nguyễn Bính cầm đồ mới hoặc bán đỗ cũ cho đồng nát, đã là chuyện “thường ngày ở huyện” với những người thân quen tại Nam Định.Hôm đó Nguyễn Bính hẹn tôi, mùng 2 tết sẽ đến nhà chơi rồi cùng nhau lên chúc tết họa sĩ Nguyệt Hồ, người tâm giao với Nguyễn Bính. Sau đó mấy ngày liền do bân bịu công việc, điện thọai lại chẳng có như ngày nay, nên chúng tôi chả sao liên lạc được với nhau.Sang mùng 2 tết, tôi cứ ra ra vào vào chờ mãi mà chả thấy Nguyễn Bính đến.
Sau đó, Nguyệt Hồ chắc là do sốt ruột cũng chạy lại hỏi tôi sao hẹn mà không tới. Chúng tôi bắt đầu cảm thấy có điều gì chẳng lành nên lòng cứ như lửa đốt. Chờ đến trưa thì thấy Huy Vinh, cán bộ của Ty văn hóa Nam Hà hớt hải chạy tới hốt hỏang báo tin: “ Thôi, cỗ làm đón bạn dành phải để cúng bạn thôi! Nguyễn Bính mất rồi” Chúng tôi sửng sốt, rụng rời chân tay. Thì ra, chiều 27 từ nhà tôi về, Nguyễn Bính bị sốt phải đi bệnh viện, lúc này sơ tán ở huyện Lý Nhân. Ông đi một mình và nằm điều trị cũng chỉ có một mình. Sáng 29 tết, Tân Thanh, bạn vong niên, người rất ngưỡng mộ thơ Nguyễn Bính, biết tin đã chạy đến thăm . Thấy nhà thơ nằm một mình, bệnh xá ngày tết vắng như chùa bà đanh, Tân Thanh xin bệnh viện đón Nguyễn Bính về nhà anh ở gần đó.Về đến nhà, Tân Thanh vội vã để Nguyễn Bính lại, còn mình thì chạy đi chia thịt lợn đụng. Do từ hôm qua đến giờ chưa có một miếng cơm lót dạ, Nguyễn Bính đói bụng liền bảo đứa con của Tân Thanh nấu cơm (mẹ cháu đi vắng) cho ông ăn, nhưng đứa cháu 9,10 tuổi đành lắc đầu vì “xoong nồi, gạo nước đều để cả trong buồng, chìa khóa thì bố cháu đem theo”.
Gần trưa 29 tết, Tân Thanh mang thịt về . Anh vội vã làm đồ nhắm uống rượu. Hai anh em đang rượu chè vui vẻ thì Nguyễn Bính bỗng bị ho, rồi thổ huyết. Ông vội ra cầu ao rửa mặt rồi đã ngã xuống bất tỉnh. Tân Thanh đặt Nguyễn Bính lên gabaga xe đạp chở trở lại bệnh xá. Giữa đường nhà thơ đã tắt thở. Người bạn của nhà thơ chỉ còn biết báo tin cho ông bí thư xã, một người cũng yêu thơ Nguyễn Bính. Nhờ ông này can thiệp Nguyến Bính đã có được cỗ áo quan và hơn mười mét vải ka ki Trung Quốc khâm niệm (do cuối năm hợp tác xã hết hàng nên không còn vải trắng). Sau đó Tân Thanh báo tin về về Ty văn hóa Nam Định, nơi Nguyễn Bính đang làm việc. Huy Vinh đã được cử đi lo chuyện hậu sự cho nhà thơ.Nguyễn Bính là cư dân đầu tiên của nghĩa trang Câu Họ (Nam Định) vừa được đưa vào sử dụng những ngày đầu năm 1966!
NGUYỄN KHOA ĐĂNG ghi
==
No comments:
Post a Comment