Monday, March 30, 2009

HOÀNG VĂN HOAN * WIKIPEDIA

Hoàng Văn Hoan

http://vi.wikipedia.org/wiki/Ho%C3%A0ng_V%C4%83n_Hoan
Hoàng Văn Hoan (1905–1991) là một chính trị gia của Việt Nam, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó chủ tịch Quốc hội Việt Nam.

Mục lục [ẩn]
1 Tiểu sử
2 Chú thích
3 Xem thêm
4 Liên kết ngoài



[sửa] Tiểu sử
Ông sinh trong một gia đình nhà nho nghèo ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ông học tiểu học tại quê nhà, sau đó tham gia hoạt động cách mạng [1] lúc 19 tuổi.
Năm 1926, ông dự lớp huấn luyện chính trị do Hồ Chí Minh chủ trì tại Quảng Châu.
Năm 1928, ông hoạt động cách mạng [2] ở Thái Lan, gia nhập Đảng Cộng sản Xiêm (1930) và năm 1934 được cử làm Ủy viên Trung ương lâm thời của Đảng Cộng sản Xiêm (gọi tắt là Xiêm ủy).
Năm 1936, tham gia lập Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội (bấy giờ gọi tắt là Đồng Minh Hội) ở Nam Kinh.
Năm 1941, ông được phái đi Long Châu lập Biện sự xứ của Đồng Minh Hội ở Long Châu, rồi lại về Tịnh Tây, cùng Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Lê Thiết Hùng, Cao Hồng Lĩnh và một số người trong nước ra công khai hoạt động với danh nghĩa Việt Minh, mới được thành lập trong nước.
Tháng 5 năm 1941 về Pác Bó tham gia Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ tám và được chỉ định làm Ủy viên Tổng bộ Việt Minh.
Đầu năm 1945, tại hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào (Tuyên Quang), ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bí thư Khu giải phóng Việt Bắc. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông làm thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Chính trị viên Vệ quốc quân toàn quốc.
Năm 1946, được cử làm Bí thư Khu ủy, Đại biểu Chính phủ Trung ương và Chủ nhiệm Việt Minh tại Liên khu 4. Theo Sắc lệnh SL53 ngày 24 tháng 4 năm 1946, ông thay Hoàng Đạo Thúy làm Cục trưởng Cục Chính trị cho tới cuối năm đó.
Từ năm 1950 đến năm 1957 làm Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Trung Quốc kiêm Đại sứ tại Triều Tiên và Mông Cổ.
Năm 1951 ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và từ năm 1956 đến năm 1976 là Ủy viên Bộ chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tại kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa I (1958) được bầu làm Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời làm Chủ nhiệm Ủy ban dự thảo Pháp luật Quốc hội. Ông làm Phó Chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội cho đến năm 1979.
Năm 1961, ông làm Bí thư Thành ủy Hà Nội một thời gian ngắn, rồi giữ chức Trưởng Ban liên lạc đối ngoại Trung ương Đảng, Trưởng Ban pháp chế Trung ương Đảng, đồng thời phụ trách chỉ đạo Ban CP 38 về công tác Lào, Miên..
Năm 1976, ông không được bầu vào Bộ Chính trị. Có người cho rằng việc này là do phe cánh của Lê Duẩn và Lê Đức Thọ không ưa ông [cần dẫn nguồn]. Theo một số nguồn tin khác [cần dẫn nguồn], ngay từ đầu những năm 1970, tuy là ủy viên bộ Chính trị được bầu tại Đại hội Đảng, nhưng ông không được tham dự nhiều cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị (theo đúng quy chế làm việc của Bộ Chính trị, trước mỗi cuộc họp của Bộ Chính trị, những người được coi là đủ tư cách tham gia sẽ được nhận giấy mời tham dự cuộc họp; như vậy, những ai không nhận được giấy mời thì trên thực tế đã bị gạt ra ngoài cuộc họp, qua đó mất luôn cả quyền phát biểu cũng như tham gia quyết định công việc của Bộ Chính trị).
Năm 1979, trong một chuyến đi sang Đông Đức chữa bệnh, ông đã bỏ trốn tại sân bay Karachi (Pakistan) ngày 11 tháng 6 năm 1979 rồi sang Trung Quốc. Tại Bắc Kinh, ông tố cáo chính quyền Việt Nam đã đối xử với người Việt gốc Hoa còn "tệ hơn cả cách Hitler đối xử với người Do Thái" [3]. Sau sự kiện bỏ trốn, ông bị Việt Nam kết án tử hình vắng mặt và trở thành biểu tượng của sự phản bội, đài báo Việt Nam so sánh ông với Lê Chiêu Thống.[4] Đó là thời điểm quan hệ Việt Nam - Trung Quốc căng thẳng và chiến tranh biên giới Việt-Trung vừa xảy ra hồi đầu năm.
Năm 1988, ông xuất bản hồi ký Giọt nước giữa biển cả
Hoàng Văn Hoan mất tại Bắc Kinh năm 1991, Trung Quốc tổ chức lễ tang cấp nhà nước dành cho ông, thi hài được chôn tại nghĩa trang Bát Bảo Sơn, nơi chôn cất của các quan chức cao cấp của Trung Quốc.[4] Gần đây một phần hài cốt của ông đã được chuyển về quê hương tại Việt Nam.[5]

[sửa] Chú thích
^ [1]
^ [2]
^ “Hanoi's Push”, TIME, 20 tháng 8 năm 1979. Truy cập 16 tháng 2 năm 2009.
^ a b “Nhìn lại nhân vật Hoàng Văn Hoan”, BBC Việt ngữ, 16 tháng 2 năm 2009. Truy cập 16 tháng 2 năm 2009.
^ “Số phận ông Hoàng Văn Hoan”, BBC Việt ngữ, 14 tháng 2 năm 2009. Truy cập 16 tháng 2 năm 2009.

[sửa] Xem thêm
Lê Duẩn
Trường Chinh
Lê Đức Thọ

[sửa] Liên kết ngoài
Hồi ký "Giọt nước trong biển cả" - Hoàng Văn Hoan
Số phận ông Hoàng Văn Hoan
Nhìn lại nhân vật Hoàng Văn Hoan

No comments: