Friday, March 27, 2009

VIET HÀ * CÁC HỒI KÝ CHIẾN TRANH

http://www.sggp.org.vn/phimsachnhac/nam2004/thang12/29795/


SGGP>Phim sách nhạc
Hồi ký - hồi ức về chiến tranh đang “ăn khách”
0:5', 26/12/ 2004 (GMT+7)

Một người quen của tôi ở tận Nice (Pháp) qua thông tin trên mạng đã gởi mail về nhờ tìm mua đầy đủ bộ hồi ký của các tướng lĩnh Việt Nam. Anh đang làm một công trình nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam. Một vài người quen của anh cũng tìm đọc. Và thế là lô sách được gửi đi nặng đến vài chục ký…

*

Đi tìm tư liệu chiến tranh

Có lẽ, phải gần 30 năm sau của cuộc chiến, trải qua bao biến động của xã hội thời bình, những vị tướng- những người mộÙt thời gánh vác vận mệnh của dân tộc- mới có thời gian để nhìn lại, suy ngẫm về cuộc đời binh nghiệp của mình gắn liền với những dấu ấn trong lịch sử của đất nước.

Ảnh: MINH TÚ

Có những con người từng hy sinh cả cuộc đời mình cho cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước, nay không còn, nhưng cũng phải vài chục năm sau, đồng đội mới phác thảo được chân dung của họ qua những hồi ức. Sự ra đời của bộ sách hồi ký, hồi ức về các tướng lĩnh Việt Nam đã góp phần rất lớn trong việc khắc họa lại chân dung các tướng lĩnh Việt Nam - qua hai cuộc chiến tranh: chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Cuộc đời của những con người cụ thể, trong bức tranh mang tính khái quát về chiến tranh Việt Nam được thể hiện rõ qua hơn 20 cuốn sách hồi ức, hồi ký của các vị tướng: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đại tướng Lê Trọng Tấn, Đại tướng Nguyễn Quyết, Đại tướng Hoàng Văn Thái, Đại tướng Chu Huy Mân, Thượng tướng Nguyễn Hữu An, Thượng tướng Hoàng Cầm, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, Thượng tướng Phùng Thế Tài, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên… Để có được bộ sách quý này, NXB QĐND đã dày công tìm kiếm, thẩm định, đối chiếu tư liệu lịch sử.

Có một cái nhìn cận cảnh về con người và lực lượng vũ trang Nam bộ- nơi đầu sóng ngọn gió của hai cuộc chiến tranh nhân dân, NXB TP Hồ Chí Minh đã tập trung thực hiện mảng sách này với nhiều đề tài phong phú: Về kháng chiến chống Pháp có cuốn: Tướng Nguyễn Văn Vịnh- Như anh còn sống - cuộc đời binh nghiệp thăng trầm của một vị tướng gắn liền với sự hình thành và phát triển của lực lượng vũ trang Nam bộ khu 8; Hồi ký của Phạm Văn Chiêu về Cuộc kháng chiến chống Pháp của đồng bào Gia Định.

Về đề tài kháng chiến chống Mỹ có: Người của chiến trường - hồi ký của nhiều cán bộ, chiến sĩ về Đại tá Minh Tâm- Sư đoàn trưởng Sư đoàn 9 anh hùng; Đường chiến đấu - hồi ký của thiếu tướng Phạm Hoài Chương; Đường sáng trăng sao của Nguyệt Tú; ký sự lịch sử: Suối nhung reo, Tình khúc miền Đông của Lê Bình… Những bộ sách ảnh về đề tài chiến tranh cũng đặc biệt được quan tâm như: Đồng bằng sông Cửu Long - Nơi chiến tranh đi qua, Điện Biên Phủ hình ảnh và sự kiện, Khoảnh khắc của Bùi Công Tính…

*

Hấp dẫn vì sự chân thực lịch sử

Nửa thế kỷ đã qua kể từ khi dân tộc ta giành chiến thắng Điện Biên Phủ và gần 30 năm chiến thắng đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn đất nước. Thế nhưng, với bạn bè quốc tế, đất nước Việt Nam vẫn còn nhiều bí ẩn cần lời giải đáp. Và tư liệu về con người, về cuộc chiến tại Việt Nam luôn là đề tài nóng, tư liệu hấp dẫn bạn đọc.

Hiện nay, không chỉ có những người nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam, những nhà sử học người Pháp, người Mỹ mà còn rất nhiều bạn đọc nước ngoài bình thường khác quan tâm đến các loại sách này. Theo chị Ku Soo Jeong (Hàn Quốc) đang bảo vệ luận án thạc sĩ sử học về đề tài chiến tranh Việt Nam tại trường ĐHKH - XH &NV TPHCM “Đây là những tư liệu quý giá giúp tôi nghiên cứu, đối chiếu so sánh để có một cái nhìn toàn diện, khách quan và chân thực về đất nước và con người Việt Nam”.

Theo ông Trần Đình Việt - Giám đốc NXB TPHCM, sách về đề tài chiến tranh của NXB phần lớn đều bán hết và còn được tái bản bởi những tư liệu về chiến tranh rất chân thực và sống động. Những hồi ức, hồi ký này do những con người cụ thể viết lại từ cuộc sống, chiến đấu của chính mình, với tình cảm thiêng liêng của nghĩa tình đồng đội, sự tri ân với người đi trước và với người đã khuất nên đậm đà tính nhân văn.

Mặt khác, sách về đề tài này được xuất bản, phát hành đúng đối tượng, đi vào đời sống. Sau chiến tranh, ngàn ngàn độc giả tìm đọc sách với cảm xúc của người trong cuộc và có ngàn ngàn gia đình liệt sĩ tìm lại bóng dáng con em, người thân của mình qua những trang viết đầy tình cảm xúc động. Đặc biệt, nhiều bạn trẻ tìm đến với những trang sách với mong muốn tìm hiểu lại quá khứ của cha anh. Lớp trẻ luôn ước mong tiến về phía trước, nhưng họ không thể tiến nhanh, tiến xa nếu như quên đi truyền thống hào hùng của chính dân tộc mình.

No comments: