Trương Như Tảng là anh ruột của KQ Trương Minh Duệ. Sau năm 1975, tôi và Trương Như Tảng đã vượt biên tới đảo Kuku của Indonesia. Tôi đã can thiệp với Cao uỷ Quốc tế để cho Tảng được tị nạn tại Pháp, sau khi trì hoãn đám thanh niên hận Cộng sản muốn thủ tiêu Tảng. Việc này hỏi tôi là ai, Tảng sẽ trả lời
Ván bài bốn bên
Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng
Viết riêng cho BBCVietnamese.com từ London
Nhiều nước khi đó sững sờ khi hai nước cộng sản trở thành thù địch
Tháng tư năm 1975, phó thủ tướng Trung Quốc Lý Tiên Niệm tổ chức một buổi tiếp tân tại Bắc Kinh để chào mừng chiến thắng của Cộng Sản tại miền Nam Việt Nam.
Lờ phái đoàn Hà Nội như không hiện diện, Lý tuyên bố Trung Quốc đã dành sẵn một chiếc tầu chở đầy thuốc men, thực phẩm và các đồ nhu yếu khác sẵn sàng cập bến Đà Nẵng hoặc Sài Gòn ngay sau khi giải phóng.
Trương Như Tảng, người cầm đầu phái đoàn chính phủ Cộng Hòa miền Nam thuật lại:
- Hàm ý của tuyên bố trên tất cả những ai có mặt đều hiểu rõ. Trong suốt thời gian chúng tôi ở Bắc Kinh, Trung Quốc đã đối xử với chúng tôi một cách thân thiện hơn nhiều so với phái đoàn của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Rõ ràng họ đã dùng cơ hội này để tỏ thái độ của họ với việc Hà Nội ngả hẳn theo Liên Xô và báo hiệu cho Chính phủ Lâm Thời Cộng Hòa miền Nam Việt nam rằng họ sẵn sàng ủng hộ một chính sách độc lập với miền Bắc.
Chuyến thăm Bắc Kinh
Nhưng nếu Bắc Kinh đặt hy vọng rằng phe cộng sản miền Nam có thể có một độc lập nào đó với Hà Nội, họ đã thất vọng lớn. Trong một tiến trình vội vã, ngay từ tháng sáu 1975, Hà Nội đã thanh trừng các phần tử miền Nam nào có ý muốn độc lập với miền Bắc. Toàn bộ chính quyền miền Nam nằm trong tay những người từ miền Bắc gởi vào.
Mặc dầu vậy, ngày 22 tháng 9 năm 1975, Lê Duẩn và Lê Thanh Nghị vẫn cầm đầu một phái đoàn sang Bắc Kinh cầu viện.
Đây là lần đầu tiên Lê Duẩn sang Bắc Kinh với tư cách lãnh tụ của một nước Việt Nam thống nhất.
Cuộc gặp gỡ này là một thất vọng cho cả hai bên. Đối tác chính của Lê Duẩn là Đặng Tiểu Bình, mới được phục hồi sau 4 năm bị quản thúc tại gia.
Trong bài diễn văn đón mừng Lê Duẩn, Đặng nhấn mạnh đến nguy cơ của chủ nghĩa bá quyền và kêu gọi Duẩn hãy đi cùng với Trung Quốc chống lại Liên Xô.
Trả lời lại Đặng, Duẩn tuyên bố nếu không có sự giúp đỡ của toàn khối xã hội chủ nghĩa anh em thì chiến thắng tại Việt Nam là một chuyện không thể có được. Nói một cách khác, Duẩn từ chối không chịu đi với Trung Quốc chống lại Liên Xô.
Mặc dầu vậy, Duẩn vẫn năn nỉ xin Bắc Kinh viện trợ như trước năm 1973. Cố nhiên là điều này bị Trung Quốc từ chối.
Hiện nay các bạn không phải là đất nước nghèo nhất. Chúng tôi mới là đất nước nghèo nhất.
Mao Trạch Đông nói với Lê Duẩn
Năm 1973, khi Chu Ân Lai yêu cầu Lê Duẩn ngưng cuộc chiến tại miền Nam trong mấy năm tới, Chu đã hứa sẽ viện trợ cho Hà Nội ở mức độ năm 1973 trong vòng năm năm, nhưng lần này khi Duẩn nhắc lại lời hứa đó, phía Trung Quốc đã từ chối thẳng thừng. Trong cuộc gặp gỡ với Lê Duẩn vào ngày 24 tháng 9, Mao nói thẳng với Duẩn:
- Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã để lại cho các bạn những khối lượng lớn vũ khí, kho tàng, máy bay, tầu chiến. Hiện nay các bạn không phải là đất nước nghèo nhất. Chúng tôi mới là đất nước nghèo nhất. Chúng tôi có 800 triệu người phải nuôi.
Chu Ân Lai lúc này đã bị bệnh nặng, mọi việc điều hành hàng ngày đều nằm trong tay Đặng Tiểu Bình. Khác với Chu, Đặng không có những quan hệ cá nhân chặt chẽ với Việt Nam như quan hệ của Chu với Hồ Chí Minh, chính vì vậy mà Đặng có một thái độ cứng rắn hơn là các lãnh tụ Trung Quốc khác đối với Việt Nam.
Chủ quyền hai đảo
Trong cuộc gặp gỡ ngày 24 tháng 9, Đặng và Duẩn đã đụng mạnh trong vấn đề chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa.
Năm 1958 khi Trung Quốc tuyên bố lãnh thổ của họ bao gồm cả các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Hà Nội đã không phản đối. Ngược lại Phạm văn Đồng trong một giác thư gởi cho Chu Ân Lai đã viết là nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa "công nhận và ủng hộ" tuyên bố của Trung quốc về lãnh thổ và lãnh hải và "tôn trọng" quyết định này.
Năm 1974, khi Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa từ trong tay chính phủ miền Nam Việt Nam, Hà Nội đã yên lặng không phản ứng. Nhưng sau khi tiến chiếm xong miền Nam, Hà Nội đã công khai tuyên bố đòi chủ quyền trên hai quần đảo này.
Khi gặp gỡ Lê Duẩn vào ngày 29 tháng 9, Đặng đã giận dữ trách Duẩn về những luận điệu tuyên truyền chống Trung Quốc của báo chí Hà Nội:
- Chúng tôi không thoải mái chút nào khi đọc báo chí Việt Nam. Các bạn cứ nhấn mạnh đến nguy cơ từ phương Bắc. Nguy cơ phương Bắc của chúng tôi là sự hiện diện của quân đội Sô Viết ở biên giới phía Bắc chúng tôi nhưng đối với các bạn điều này có nghĩa là Trung Quốc.
Rõ ràng ngay từ lúc đó Đặng Tiểu Bình đã có một mối căm hận lớn đối với cái mà Đặng gọi là "sự vô ân bạc nghĩa" của chính quyền Hà Nội.
Lê Duẩn kết thúc chuyến đi thăm Bắc Kinh mà không có một thông cáo chung nào được đưa ra. Duẩn còn hủy cả một bữa tiệc trả lễ các lãnh tụ Trung Quốc trước khi ra về, một hành động được coi là đặc biệt bất thường trong các quan hệ ngoại giao quốc tế. Hà Nội và Bắc Kinh đã chính thức cho thấy sự chia rẽ của họ.
Quan hệ 'đặc biệt' ở Đông Dương
Tháng 11 năm 1975, Hà Nội tổ chức Hội nghị Hiệp Thương toàn quốc để thống nhất hai miền Nam Bắc đồng thời tìm cách kéo Lào và Campuchia vào trong một quan hệ đặc biệt dưới sự lãnh đạo của Việt Nam.
Tháng 2 năm 1976, Kaysone Phomvihane tổng bí thư đảng Cộng Sản Lào sang thăm Hà Nội. Một bản thông cáo chung ký giữa Kaysone và Lê Duẩn vào ngày 12 tháng 2 tuyên bố hai nước Lào Việt có một quan hệ đặc biệt về hợp tác và hứa sẽ có những hành động chung chống lại "bọn đế quốc và phản động tay sai".
Bản thông cáo chung cũng hứa sẽ tăng cường "tình hữu nghị giữa Lào, Campuchia và Việt Nam".
Đối với Pol Pot, bản thông cáo này là một cảnh cáo rằng Hà Nội sẽ không để cho Campuchia đồng minh với Trung Cộng chống lại Việt Nam.
Với cái chết của Chu Ân Lai vào đầu năm 1976 và cái chết của Mao vào cuối năm đó, Trung Quốc rơi vào trong cảnh tranh quyền hỗn loạn.
Mặc dầu tháng 10 năm 1976 nhóm "bốn người" bị Hoa Quốc Phong thanh trừng nhưng một cuộc tranh chấp mới lại diễn ra giữa Hoa Quốc Phong, người được Mao chọn làm thừa kế, và Đặng Tiểu Bình.
Trong thời gian đó quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam nằm trong một tình thế nửa vời. Hai bên vẫn giữ quan hệ ngoại giao và Trung Quốc còn tiếp tục viện trợ cho Hà Nội nhưng ở một mức độ thấp hơn nhiều so với trước. Tuy nhiên các cuộc đụng độ tại biên giới vẫn nổ ra ngày một nhiều hơn.
Thăm dò Mỹ
Kẹt ở giữa cuộc tranh chấp của hai nước đàn anh, và nhận thức khả năng viện trợ thấp kém của cả Liên Xô lẫn Trung Quốc, Hà Nội tìm cách bắt lại liên lạc với các nước phương Tây nhất là Mỹ.
Chiến thắng của Jimmy Carter trong cuộc bầu cử 1976 mở cho Hà Nội hy vọng là có thể kiếm được viện trợ của Mỹ mà Nixon đã hứa trong hiệp định Paris.
Những cuộc tiếp xúc đầu tiên được mở ra tại Paris vào đầu năm 1977 giữa Richard Holbrooke và Phan Hiền nhằm bình thường hóa quan hệ ngoại giao nhưng không đi đến đâu vì, say men chiến thắng, Hà Nội nhất định đòi Mỹ phải bồi thường chiến tranh trước khi nói đến chuyện bình thường hóa.
Trong khi đó quan hệ giữa Hà Nội và Phnom Penh môt ngày một xấu đi. Việc "cáp duồn" những người Việt còn ở lại Campuchia và việc thanh trừng những phần tử cuối cùng thân Việt Nam bên trong đảng Cộng Sản Campuchia vào tháng 4 năm 1977 đã dẫn đến những cuộc tấn công bằng các đại đơn vị của Khmer Đỏ vào vùng biên giới.
Trong khi đó một đợt lạnh giá bất thường đã làm tiêu hủy một phần lớn mùa màng tại miền Bắc dẫn đến việc Hà Nội phải kêu gọi Liên Hiệp Quốc và các nước thân hữu trợ giúp cứu đói. Nhưng những lời kêu gọi của Hà Nội không gây được phản ứng bao nhiêu.
Việc vội vã sáp nhập miền Nam vào với miền Bắc và chính sách đưa các người có liên hệ với chính quyền miền Nam đi "học tập cải tạo" đã làm các chính phủ phương Tây dội và tách rời với Hà Nội.
Đi theo Liên Xô
Một lính Trung Quốc viết khẩu hiệu bằng tiếng Việt tại Lạng Sơn
Cuối tháng sáu 1977, hội nghị trung ương đảng Cộng Sản Việt Nam quyết định chuyển hướng. Đối nội, một kế hoạch tập thể hóa công nông nghiệp tại miền Nam được đưa ra. Đối ngoại, Hà Nội quyết định đi sát theo Liên Xô và sửa soạn tiến đánh Campuchia.
Tháng 10 năm 1977 Lê Duẩn bay sang Liên Xô. Tại Moscow, Duẩn đạt được một thỏa hiệp mới với Brezhnev trong đó Liên Xô nhận cung cấp cho Hà Nội hai tầu ngầm, một khu trục hạm, một số tầu tuần tiễu và bốn phi đội Mig 21.
Đổi lại, Hà Nội bắt đầu chuyển các vũ khí của Mỹ để lại tại miền Nam cho Ethiopia, một đàn em mới của Liên Xô.
Mười ngày sau khi ở Liên Xô về, Duẩn bay sang Bắc Kinh để tìm cách thuyết phục Trung Quốc ngưng ủng hộ cho Khmer Đỏ.
Cuộc gặp gỡ trở thành một cuộc cãi nhau tay đôi bằng những lời bóng gió. Tuyên bố trong bữa tiệc khoản đãi Lê Duẩn, Hoa Quốc Phong nói:
- Trung Quốc kiên quyết đồng minh với mọi nước có nguy cơ bị xâm lược hoặc can thiệp lật đổ bởi những thế lực đế quốc hoặc đế quốc núp dưới chiêu bài xã hội chủ nghĩa, và sẽ thành lập một mặt trận thống nhất rộng rãi nhất chống lại chủ nghĩa bá quyền.
Lê Duẩn cũng trả lời lại Hoa Quốc Phong bằng tuyên bố:
- Việt Nam nhất định không cho phép một lực lượng đế quốc hoặc thế lực phản động nào xâm phạm vào nền độc lập tự do của đất nước.
Cái vỏ ngoài lịch sự trong bang giao giữa hai nước càng ngày càng tiêu tan. Chuyến đi của Lê Duẩn sang Bắc Kinh có hậu quả là khiến cho Trung Quốc quyết định ngả hẳn về phía Pol Pot mà trước đó sau khi phe cực tả "bốn người" bị lật đổ Trung Quốc đã từ từ tách ra.
Đụng độ
Quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh trở nên căng thẳng hơn vào năm 1978. Ngày 20 tháng 3, Hà Nội bắt đầu chiến dịch đàn áp người Hoa tại Việt Nam. Mượn cớ đánh tư sản mại bản, hàng ngàn công an vũ trang và bộ đội bao vây khu vực của người Hoa tại Chợ Lớn và lục soát từng nhà một để kiếm vàng và kiểm kê tài sản.
Chính cái đòn mở đầu chống lại tư bản miền Nam cũng là phát súng mở đầu cho cuộc đụng độ công khai với Trung Quốc.
Trong những ngày sau, hàng ngàn người Hoa bắt đầu bị áp lực phải rời khỏi Việt nam. Bắt đầu từ mùa hè năm 1978, Công An tại nhiều tỉnh miền Nam bắt đầu tổ chức nhũng cuộc vượt biên lớn công khai cho những người Hoa (và những người Việt tự nhận là người Hoa) mở đầu cho một cuộc di dân vỹ đại mà trong hai năm đưa gần một triệu người Việt ra khỏi xứ.
Chiến tranh 1979 dẫn tới hơn 10 năm căng thẳng trong quan hệ Việt - Trung
Như trong một bi kịch Hy lạp, Việt Nam, Trung Quốc và Campuchia càng ngày càng xích lại gần hơn vào một cuộc chiến mà các bên đều không muốn.
Điều mỉa mai là bây giờ chính Hoa Kỳ, nước mà trước kia Bắc Kinh và Hà Nội liên minh để tìm cách đẩy ra khỏi Đông Dương nay lại được chính hai nước này mời trở lại.
Ngày 5 tháng 7 Mỹ và Trung cộng họp mật tại Bắc Kinh để thảo luận việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Ngày 7 tháng 7 Hà Nội xin mở lại thương thuyết với Washington và chính thức bỏ điều kiện đòi Mỹ viện trợ trước khi đi đến bình thường hóa.
Tháng chín Nguyễn Cơ Thạch sang New York và xin gặp Richard Holbrooke. Trong cuộc gặp gỡ lần này Thạch không đặt một điều kiện tiên quyết gì mà chỉ xin Mỹ đồng ý ra một tuyên bố chung là sẽ bình thường hóa quan hệ giữa hai bên.
Tuy nhiên trong cuộc tranh chấp nội bộ giữa phe chủ trương nghiêng về phía Việt Nam, Cyrus Vance và Richard Holbrooke, và phe chủ trương nghiêng về phía Trung Quốc do Brzezinski chủ xướng, tổng thống Jimmy Carter ngả theo Brzezinski và việc bình thường hóa quan hệ giữa Washington và Hà Nội bị dẹp bỏ.
Thất bại tại Washington, Hà Nội quyết định đi sát thêm với Moscow.
Ngày 3 tháng 11 năm 1978 Lê Duẩn ký với Brezhnev một hiệp ước tương trợ kinh tế quân sự 25 năm và gia nhập khối Comecon. Ngày 15 tháng 12, Jimmy Carter tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Và ngày 25 tháng 12 Việt Nam mở cuộc tấn công xâm lược vào Campuchia.
Trái với những hy vọng của Trung Quốc, lực lượng Khmer Đỏ đã tan rã nhanh chóng trước sự tấn công của Hà Nội.
Chỉ trong vòng hai tuần, ngày 7 tháng giêng năm 1979, Phnom Penh thất thủ. Trước tình thế đó, ngày 14 tháng giêng, Trung Quốc gởi một phái đoàn sang Thái Lan để họp bàn về việc tổ chức một hệ thống tiếp tế cho Khmer Đỏ tiếp tục chiến tranh du kích chống lại Việt nam tại Campuchia.
Đồng thời ngày 28 tháng giêng năm 1979 Đặng Tiểu Bình sang Mỹ gặp Jimmy Carter.
Được sự đồng tình ngầm của Carter, ngày 17 tháng 2 Trung Quốc mở ra cuộc chiến biên giới chống lại Việt Nam mở đầu cho một chu kỳ mới trong quan hệ giữa hai nước Việt Trung.
Về tác giả: Ông Lê Mạnh Hùng lấy bằng tiến sĩ ở trường SOAS, London năm 2000 với luận án về Ảnh hưởng của Thế chiến Hai đối với kinh tế Việt Nam. Hiện sống ở London, ông vừa xuất bản tác phẩm mới nhất, "Nhìn Lại Sử Việt: Từ Tiền Sử đến Tự Chủ" (Virginia: Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông, 2007).
Tell the whole story with photos, right from your Messenger window. Learn how!
No comments:
Post a Comment