http://xaydungqh.blogspot.com/2008/11/linh-mc-phr-phan-vn-li.html
Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi
TA SINH RA LÀM NGƯỜI ĐỨNG THẲNG Ta sinh ra vốn làm người đứng thẳng Giữa đất bằng bao la,Dưới trời cao lồng lộng.Với một khối óc để trông xa nhìn rộng,Một quả tim để yêu ghét nhiệt tình!Ta có miệng để nói không phải để lặng thinh,Đôi tai để nghe chẳng phải để bưng bít,Đôi mắt để nhìn đâu phải để nhắm tịt,Hầu hoa công lý sự thật qua ta nở rạng ngời!Và ta chỉ muốn sống như một con người,Tìm ý nghĩa trong cuộc xoay vần sinh tử,Nỗ lực yêu thương, tránh nẻo đường hưởng thụ,Bênh đỡ công lý, chẳng gây chuyện bất bằng.
Khốn khổ thay, vẫn có những thế lực thất nhânNgồi choán hết cả bàn tiệc nhân thế,Biến đổi anh em ta thành bầy đàn nô lệ,Cho chúng ngất ngưởng bên chén rượu đỏ hồng.Chúng hứa xây nên một thế giới đại đồng,Nhưng khép mình hưởng thụ trong pháo đài ích kỷ.Chúng tuyên bố những ngày mai hát ca hoan hỉ,Nhưng hiện tại gây cảnh oán thán khổ sầu!Chúng, mặt ngựa đầu trâu,Chà dân như cỏ rác.Chúng, dối gian khoác lác,Lừa đảo khắp nhân quần!Lòng sôi sục, ta không thể như vại bình chân,Dạ xốn xang, ta không thể tựa bình thủ khẩu.Bỏ cuộc đời yên ả, lao mình vào chiến đấu,Tạm gác chuyện sách đèn, ta nhất định đứng lên!* * *Thế là chúng tống giam ta vào ngục,Nhốt tấm thân ta giữa bốn bức tường,Cách ly ta khỏi thế giới những thân thương,Còn muốn ta phải nhục nhằn xấu hổ!Nhưng bầu trời tự do trong trái tim ta đó!Ta đã đứng hiên ngang dưới gầm trờiĐã ung dung mở miệng giữa trần đời,Không một chút hoảng kinh trước quyền lực!Mang gông xiềng, ta vẫn cứ bất khuất,Tâm hồn luôn thẳng đứng, dẫu thân xác bị đè quỳ,Giữa tăm tối, lòng vẫn sáng tựa sao Khuê,Đời tù ta giữa lặng im là tiếng thét!Bịt mồm ta ư? Cảnh ấy càng vang khốc liệt,Bẻ bút ta ư? Chữ nghĩa ta bay khắp cùng trời,Tách bạn ta ư? Càng thêm bằng hữu ở mọi nơi,Tước mạng ta ư? Ta lại trở thành bất diệt!Bởi lẽ tình yêu muôn đời không thể chết,Sự thật trường tồn mãi thiên thu,Công lý sao có thể bị nhốt tù?Mà đời ta đã gắng theo đòi ba thực thể đó!!! Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi( Nhân kỷ niệm hai năm thành lập Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam 27/10/2006-27/10/2008)* Tự do tôn giáo hay là chết !Cuối năm 2000, khi bắt đầu phát động tại Huế cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo và dân chủ nhân quyền tại Việt Nam, linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý đã tung ra một câu khẩu hiệu nổi tiếng, mãi mãi đi vào lịch sử đấu tranh hiện đại của dân tộc. Chúng tôi muốn nói đến câu khẩu hiệu "Tự do tôn giáo hay là chết !"
Trong quá khứ, nơi này nơi nọ, nhiều nhà đấu tranh, nhiều nhà cách mạng đã tung ra khẩu hiệu "Tự do hay là chết !". Đấy là lời hiệu triệu của thủ lãnh, là tiếng thét xung trận của chiến sĩ, là mục tiêu thành đạt của những con người bị áp bức, của những dân tộc bị đọa đày quyết tìm lại danh dự và nhân phẩm. Nay với khẩu hiệu "Tự do tôn giáo hay là chết !", linh mục Nguyễn Văn Lý muốn nói lên một cái gì mới mẻ, độc đáo và sâu xa hơn nữa.
Để hiểu rõ hơn khẩu hiệu mới mẻ này, thiết tưởng chúng ta cần xét hai điểm: trước hết, tự do tôn giáo là gì trên định nghĩa lý thuyết; tiếp đến, nó như thế nào trong thực tế Việt Nam hôm nay.
1- Định nghĩa lý thuyết về tự do tôn giáo.
Để đưa ra một định nghĩa lý thuyết chính xác và đầy đủ về tự do tôn giáo, có lẽ không gì bằng nghe các văn kiện quốc tế căn bản và các văn kiện tôn giáo chính thức.
Công ước Quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị của LHQ năm 1966 (mà Việt Nam ký gia nhập năm 1982) viết ở điều 18 như sau: "1- Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo. Quyền tự do này bao gồm tự do có hoặc theo một tôn giáo hoặc tín ngưỡng do mình lựa chọn, tự do bày tỏ tín ngưỡng hoặc tôn giáo một mình hoặc trong tập thể với nhiều người khác, một cách công khai hoặc thầm kín dưới hình thức thờ cúng, cầu nguyện, thực hành và giảng đạo. 2- Không một ai bị ép buộc làm những điều tổn hại đến quyền tự do lựa chọn một tôn giáo hoặc tín ngưỡng" (Các văn kiện quốc tế về quyền con người. Nhà xuất bản Tp HCM. Bản dịch của Trung tâm nghiên cứu về quyền con người, 1996, trang 116-117)
Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo do Giáo hội Công giáo đưa ra năm 1965 trong Công đồng Vaticanô II cũng viết tại số 3 rằng: "Không ai bị cưỡng bách hành động trái với lương tâm, cũng như không ai bị ngăn cấm hành động theo tiếng lương tâm, nhất là trong lãnh vực tôn giáo. Vì việc hành đạo, tự bản chất, trước hết ở tại những hành vi ý chí và tự do bên trong, hướng con người thẳng tới Thượng Đế. Những hành vi này không thể bị một quyền bính thuần nhân loại nào ép buộc hay ngăn cản. Đàng khác, chính bản tính xã hội của con người đòi họ phải diễn tả những hành vi tôn giáo bên trong ra bên ngoài, thông truyền cho nhau trong lãnh vực tôn giáo, tuyên xưng đạo của mình dưới hình thức cộng đoàn. Vậy chối bỏ quyền tự do hành đạo của con người nơi xã hội, trong trường hợp trật tự công cộng vẫn được bảo đảm, tức là nhục mạ con người và trật tự mà Thượng Đế đã ấn định cho con người".
Số 4 của Tuyên ngôn nói tiếp: "Các cộng đoàn tôn giáo phải được tự do để hoạt động theo những quy luật riêng, công khai phụng thờ Đấng Tối Cao, giúp đỡ các tín hữu trong việc thực thi đời sống tôn giáo, nuôi dưỡng họ bằng giáo lý, phát triển các tu hội, trong đó các phần tử cộng tác với nhau để tổ chức đời sống riêng theo những nguyên tắc tôn giáo của họ... Các cộng đoàn tôn giáo cũng có quyền đòi các cơ quan lập pháp, hành pháp dân sự không được ngăn cản việc chọn lựa, đào tạo, bổ nhiệm và thuyên chuyển các viên chức riêng của mình, việc liên lạc với giáo quyền và những cộng đoàn tôn giáo ở những nơi khác trên hoàn cầu, việc thiết lập các cơ sở tôn giáo cũng như thu hoạch và quản trị những tài sản thích hợp. Các cộng đoàn tôn giáo cũng có quyền công khai giảng dạy và minh chứng đức tin của mình bằng lời nói và chữ viết mà không bị cấm cản... Ngoài ra, tự do tôn giáo còn có nghĩa là các cộng đoàn tôn giáo không bị ngăn cản trong việc biểu lộ các hiệu năng riêng của giáo thuyết mình trong việc tổ chức xã hội và làm cho toàn thể sinh hoạt nhân loại được sống động. Sau hết, theo bản tính xã hội của con người, cũng như theo bản chất của tôn giáo, con người có quyền tự do hội họp hay thành lập những hiệp hội giáo dục, văn hóa, từ thiện và xã hội do cảm thức tôn giáo thúc đẩy".
Cuối cùng, số 6 của Tuyên ngôn kết luận: "Quyền bính dân sự phải bảo vệ cách hữu hiệu quyền tự do tôn giáo của mọi công dân bằng những đạo luật chính đáng và những phương tiện thích hợp khác, phải tạo nên những điều kiện thuận lợi giúp phát triển đời sống tôn giáo... Do đó, công quyền không được phép dùng bạo lực, đe dọa hay những phương tiện khác để bắt buộc người dân phải tuyên xưng hay chối bỏ một tôn giáo nào, hoặc ngăn cản không cho họ gia nhập hay rời bỏ một cộng đoàn tôn giáo. Công quyền sẽ đi ngược với ý định của Thượng Đế và những quyền lợi thiêng liêng của cá nhân cũng như của gia đình các dân tộc, nếu dùng bạo lực dưới bất cứ hình thức nào để tiêu diệt hay cấm đoán một tôn giáo trong toàn thể nhân loại, trong một miền hay một nhóm người nào đó" (Công đồng chung Vaticanô II. Bản dịch của Phân khoa Thần học Giáo hoàng học viện Piô X, Đà lạt, 1972. Trang 579-584)
Những điều vừa nói trong Công ước quốc tế và Tuyên ngôn Công giáo trên đây cho thấy tự do tôn giáo là một trong những nhân quyền quan trọng và có thể nói là thiêng liêng nhất. Quả thế, xét như là một hữu thể có tương quan với ba thực tại: thiên (Thượng Đế), nhân (loài người), địa (thiên nhiên), bất cứ ai (ngoại trừ những kẻ thực sự vô thần từ trong tâm khảm) cũng muốn thực thi các tương quan này trong tự do cũng như thấy trong ba mối tương quan này thì tương quan với Thượng Đế là quan trọng hơn cả. Nó chi phối cả cuộc đời mình và còn ảnh hưởng lên hai mối tương quan kia (bằng chứng -thê thảm- của điều này là thái độ cuồng tín với những hậu quả tai hại lên xã hội như chúng ta vừa chứng kiến tại Mỹ!). Tự do tôn giáo thành thử là nhân quyền căn bản, làm nền tảng cho mọi nhân quyền, và là tự do chủ yếu, làm cơ sở cho mọi thứ tự do. Chính vì thế mà mọi tổ chức nhân quyền quốc tế hôm nay chỉ cần tìm hiểu tự do tôn giáo tại một quốc gia nào đó trên hành tinh là biết có hay không mọi tự do khác, vì hễ quyền tự do tôn giáo đúng nghĩa, trọn vẹn được tôn trọng thì tức khắc mọi quyền tự do khác được bảo đảm.
Đây là thứ quyền bao gồm rất nhiều khía cạnh, vì con người quan hệ với Thượng Đế Tối Cao như một hữu thể có hồn xác và có xã hội tính. Ngoài ra, đó là thứ quyền xuất phát tự bản tính con người chứ không do thừa nhận của tha nhân, lại càng không do sự ban phép của quyền bính dân sự. Nhưng trong thực tế Việt Nam thì sao?
2- Tự do tôn giáo trong thực tế Việt Nam
Kể từ lúc nắm quyền cai trị đất nước, đảng Cộng sản Việt Nam đã lập tức dành cho các tôn giáo nhiều biện pháp rất đặc biệt. Vốn là một chủ nghĩa vô thần tranh đấu (athéisme militant), Cộng sản luôn xem tôn giáo như kẻ thù không đội trời chung. Là một chế độ độc tài toàn trị, Cộng sản luôn chống lại nguyên tắc của tôn giáo đặt luật Đấng Tối Cao lên trên luật loài người, tiếng lương tâm lên trên mệnh lệnh của quyền lực trần gian. Do đó, Cộng sản luôn tìm cách tiêu diệt tôn giáo. Nhưng trong thời đại này không thể áp dụng biện pháp chém giết như chế độ phong kiến ngày trước -vốn chỉ khiến tôn giáo mạnh mẽ hơn và phát triển hơn-, Cộng sản Việt Nam đã và đang tìm cách tiêu diệt tôn giáo bằng các thủ đoạn tinh vi mà thực tế của hơn nửa thế kỷ qua ngày càng cho thấy rõ.
a- Cộng sản triệt tiêu ảnh hưởng của tôn giáo trên nhân quần xã hội.
Trước hết bằng cách tịch thu tất cả các cơ sở văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội to lớn mà các tôn giáo sở hữu một khi Cộng sản lên nắm quyền; bằng cách đóng cửa hay cấm đoán mọi tạp chí và nhà xuất bản riêng của các giáo hội. Các tờ "Giác Ngộ" cũng như "Công giáo và Dân tộc" tại Việt Nam hiện nay chẳng hạn đều là công cụ của CS. Tiếp đến, bằng cách không cho các tôn giáo lên tiếng trên các phương tiện truyền thông đại chúng công cộng hay sở hữu các phương tiện truyền thông đại chúng tư nhân; bằng cách cấm các tôn giáo tổ chức bất cứ hội đoàn nào, dẫu thuần túy tôn giáo, nhất là tổ chức đảng phái chính trị theo tinh thần và đường lối của tôn giáo; bằng cách giới hạn mọi sinh hoạt đạo trong khuôn viên nhà thờ, chùa chiền, thánh thất; bằng cách loại trừ các tín đồ thuần thành khỏi các chức vụ cao trong bộ máy hành chánh, quân đội, giáo dục... CS còn ghi rõ mục tôn giáo lên thẻ chứng minh nhân dân và mọi giấy tờ hành chánh để dễ kỳ thị các tín đồ hơn nữa.
b- Cộng sản biến các giáo hội trở thành công cụ ngoan ngoãn.
Trước hết qua việc tự quyền ra nhiều văn kiện pháp lý để kiểm soát, giới hạn mọi tôn giáo: nghị quyết 297/CP năm 1977, chỉ thị 379/TTg năm 1993, nghị định 26/CP năm 1999, rồi mới đây, tháng 12/2000 là Dự thảo Pháp lệnh Tôn giáo. Thứ đến, CSVN lập ra Ban Tôn giáo từ trung ương cho tới địa phương nhằm kiểm soát hoạt động của mọi giáo hội. Ngành công an cũng có phòng A16 đặc trách gián điệp đồng thời với tôn giáo. CS còn lập ra những "giáo hội quốc doanh" hay "ủy ban đoàn kết" nhằm dò xét nội bộ giáo hội, lèo lái hàng giáo phẩm và gây chia rẽ giữa khối giáo đồ. CS đặc biệt tìm khống chế cơ cấu điều hành của các giáo hội bằng cách kiểm soát các hội nghị tôn giáo cao cấp, thao túng việc bổ nhiệm hàng lãnh đạo. CS cũng luôn rình rập các chức sắc tôn giáo, chộp cho được những lỗi lầm của các vị hay gài bẫy cho các vị sa vào thế kẹt để biến các vị thành những tay sai. Rồi để khống chế hàng lãnh đạo của các giáo hội ngay từ xa, từ đầu, Cộng Sản kiểm soát chặt chẽ việc tuyển mộ và huấn luyện các ứng viên; đó là chưa kể việc móc nối một số trong thành phần này làm báo cáo viên mật cho CS. CS còn tìm cách gài người vào hàng ngũ những giáo đồ đang cộng tác với các chức sắc lãnh đạo. Cuối cùng, CS chen mình vào việc thu hoạch và quản trị các tài sản dùng để sinh hoạt của các tôn giáo.
c- Cộng sản làm tôn giáo mất hẳn bản chất bằng sự dối trá giả hình.
Đây là thủ đoạn tàn phá tôn giáo cách thâm độc, đáng sợ hơn cả. Quả thế, ngoài việc quy hướng tín đồ về với Thượng Đế như Sự Thiện tự tại, tôn giáo nào cũng dạy Sự Thật và khuyên nhủ người ta sống theo lương tâm đã được giáo dục, đối xử với nhau trong niềm tôn trọng chữ tín, chân thành phát biểu cảm nghĩ của mình. Thế nhưng, CS Việt Nam đã và đang sử dụng sự dối trá tràn lan và thành thạo, làm cho dối trá trở nên nguyên tắc trong mọi sinh hoạt nhân dân, ở mọi lãnh vực đời sống, tại mọi cơ quan nhà nước, đưa đến hậu quả là hầu hết mọi người dân Việt hiện nay đều phải biết dối trá để tồn tại, để xuôi thuận công việc. Điều này khiến các tôn giáo cũng bị ảnh hưởng mà biến đổi bản chất, chẳng còn nguyên tuyền thánh thiện, khiến các tín đồ cũng bị ảnh hưởng mà hư hỏng lương tâm, chẳng còn đáng tin được nữa. CS tiến hành công việc gian dối hóa đáng sợ này bằng ba phương tiện:
- Một là hệ thống tuyên truyền: trên lãnh vực giáo dục, thông tin và luật pháp. Mọi học sinh sinh viên đều được dạy rằng những gì liên hệ tới CS là tuyệt hảo, là ưu việt, còn mọi cái khác, đặc biệt các tôn giáo, phần lớn chỉ có xấu xa, mê tín, phản văn hóa, phản khoa học, phản cách mạng. Mọi người dân, qua tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng vốn là của Đảng, chẳng bao giờ được trình bày sự thật mà chỉ được nghe thấy toàn những tô vẽ về Đảng, về chế độ, hay ngược lại là những vu khống, mạ lỵ đối với những ai tranh đấu cho tự do tôn giáo và dân chủ nhân quyền. Mọi công dân đều thấy Hiến pháp có vẻ dân chủ (trừ những ai thật sự nghiên cứu tìm hiểu). Nhưng đi vào các văn bản pháp luật bên dưới, thì có rất nhiều điểm ngược Hiến pháp hoàn toàn, ví dụ Nghị định 31/CP về quản chế không xét xử hoặc Nghị định 26/CP về tôn giáo. Việc giải thích luật pháp trong thực tế lại rất tùy tiện, luôn có lợi cho CS, đặc biệt trong các vụ việc liên quan đến tự do tôn giáo và dân chủ nhân quyền. Nói tóm, một bầu khí gian dối bao trùm toàn xã hội, phủ lên các tâm trí.
- Hai là thủ tục hành chánh. CS dùng thủ tục này để buộc người ta làm ngược lại với lương tâm. Bất cứ công dân Việt Nam nào, đặt bút xuống mọi giấy tờ, đều phải cúi đầu viết những công thức mà mình thấy rõ là dối trá: "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc"; và dù muốn hay không vẫn phải viết, để bản thân khỏi rắc rối, công việc được xuôi thuận. Chuyện bầu cử Quốc hội cả nước và Hội đồng nhân dân các cấp cũng chỉ là một hình thức dân chủ bịp bợm. Dân bị buộc đi bầu những ai đảng CS đã chọn. Việc thường xuyên thực hiện những chuyện gian dối này làm cho lương tâm - vốn là nền tảng của tâm tình tôn giáo- ra cùn mằn, hết bén nhạy, chẳng còn phân biệt thực giả trên phương diện luân lý.
- Ba là mạng lưới theo dõi. Với một mạng lưới công an chuyên nghiệp khổng lồ, một thế trận công an nhân dân rộng lớn, CS theo dõi từng người dân ngày đêm, khiến ai nấy sống trong sự cảnh giác, nghi ngờ, sợ hãi, chẳng dám nói thật, chẳng dám chân thành trình bày cảm nghĩ của mình về xã hội, về chế độ, kẻo gặp rắc rối cho bản thân hay hiểm nguy cho mạng sống. Điều này tạo nên thái độ che giấu, hai lòng, nước đôi, nói tóm là thái độ dối trá, giả hình. Hậu quả tai hại là lương tâm cá nhân bị băng hoại, các quan hệ xã hội bị đầu độc, bầu khí cộng đoàn thành khó thở. Tai hại càng ghê gớm hơn nữa trong các cộng đoàn tôn giáo, là nơi mà đúng ra, mọi thành viên phải sống với nhau trong tình yêu thương, sự chân thành và lòng tín nhiệm. Con người có tôn giáo đã như thế thì chính tôn giáo cũng dễ đánh mất ý nghĩa, khó thực hiện vai trò mang lại chân thiện mỹ cho xã hội. Rốt cục, nhiều ngôn sứ của sự thật lại im tiếng trước lường gạt, dối trá, nhiều chứng nhân của sự thiện lại lặng câm trước áp bức, bất công của bạo quyền. Người ta im lặng vì đồng lõa hay vì hãi sợ. Hay có nói lên tiếng nói của tôn giáo thì cũng nói cách vô thưởng vô phạt; lời dạy của tôn giáo chẳng còn sắc bén, tác động thực sự. Người ta phát biểu ngược lại lòng mình để được thí ban vài ân huệ, để được xuôi thuận trong công việc, để được an thân trong cuộc sống, bỏ mặc những anh em đồng đạo của mình tranh đấu cho tự do tôn giáo và dân chủ nhân quyền.
Nói tóm, gian dối hóa để làm mất hẳn bản chất tôn giáo chính là hiểm họa lớn lao hơn cả mà CS gây ra cho mọi giáo hội tại Việt Nam hôm nay. Điều này nằm trong yếu tính của chủ nghĩa và chế độ cộng sản. Một văn hào Nga từng nói: Cộng sản không phải là một thất bại kinh tế cho bằng là một băng hoại tâm linh, một sự dữ tinh thần (un mal spirituel).
***
Chính vì ý thức được mối nguy do ba thủ đoạn tinh vi nói trên gây ra cho các tôn giáo - mối nguy vốn đã, đang và sẽ tác động lên toàn xã hội Việt Nam (tình trạng suy thoái đạo đức và đánh mất lương tâm hiện nay tại quê nhà là những bằng chứng rõ rệt) - linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý đã tung ra khẩu hiệu "Tự do tôn giáo hay là chết" vừa như một lời hiệu triệu, vừa như một lời báo động.
Khẩu hiệu đó, nhiều vị trong các tôn giáo tại Việt Nam không nói nhưng đã sống. Họ đã dám chết vì quyền tự do thiêng thánh này: ông Hồ Thái Bạch của Giáo hội Cao đài, cụ bà Nguyễn Thị Thu của Giáo hội Phật giáo Hòa hảo, anh Hồ Tấn Anh của Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất, tổng giám mục Nguyễn Kim Điền của Giáo hội Công giáo là những thí dụ tiêu biểu. Ngoài ra còn hằng hà sa số vị tử đạo vô danh trong các tôn giáo tại Việt Nam nữa. Tất cả các ngài đã lấy máu đào để minh chứng cho chân lý và quyết tâm mà cha Lý đã nêu ra.
Như để phụ họa thêm cho lời hiệu triệu lẫn báo động của vị linh mục công giáo, trong thông điệp Vu lan 2001 mới đây, Hòa Thượng Thích Huyền Quang đã viết: "Phải biết đem cái chết của mình để thánh hóa cái sống của Phật Pháp". Ngài tha thiết dặn dò: "Đối với hàng Cư sĩ, hãy tổ chức lễ nghi hiếu hạnh tại nhà để giáo dục con cháu về chữ Hiếu trước cuộc khủng hoảng xã hội và đạo lý trầm trọng ngày nay. Đối với chư Tăng Ni, thì sự truyền thừa Chánh Pháp và sự sống còn của Dân tộc là đạo Hiếu đối với Đức Phật: phải biết đem cái chết của mình để thánh hóa cái sống của Phật Pháp!"
Như thế, không có tự do tôn giáo thì không thể làm con người đúng nghĩa, không thể làm tín hữu đích thực, không thể làm công dân xứng danh. Không có tự do tôn giáo thì xã hội con người sẽ biến thành quần thể thú vật, đạo đức con người sẽ trở nên luân lý bầy đàn. Và chỉ còn có nước lấy cái chết để phục hồi mọi giá trị đích thực.
Viết tại Huế ngày 16-10-2001Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi90/13 Phan Chu Trinh Huế
*Trả lại cho ta
Trả lại cho ta cái quyền được sốngCác người đã tước khi ta mới tượng hình!Cha ta phải đành lòng vì kế hoạch khiếp kinhMẹ ta chịu cắn răng bởi kiếp đời khốn khổ.Các người đã đẩy thế hệ trẻ xuống hốSống sa đọa, vô lý tưởng, chẳng ngày mai.Khiến cha ta vội quất ngựa chạy dài.Mẹ ta chẳng muốn nhìn giọt máu đỏ hỏn.Trả lại cho ta cả khung trời mơ mộng,Thế giới tuổi xanh ngà ngọc hồn nhiên,Nhởn nhơ bay những bóng dáng dịu hiền:Chim trời, cỏ hoa, mẹ hiền, tiên nữ.Các người thay chi vào đó dạng hình hung dữ:Thần tượng giả trá (1), cáo đội lốt người!Măng non nhú dưới trời máu đỏ tươi (2)!Trái tim ngập trong căm hờn thù hận (3).Trả lại cho ta tinh thần phấn chấn,Trí lòng rộng mở, mong đón nhận không ngơi!Than ôi với kiểu bắt học nhét học nhồi,Dạ ta phải hãi hùng, óc ta mụ mẫn.Trả lại cho ta tâm hồn trong sángNhững ước mong sống chân thật đơn thành.Nhưng các người với tâm địa lưu manh.Đã sớm đầu độc uốn nắn ta gian dối (4).Trả lại ta những ngày hè như lễ hội,Nhảy nhót vui chơi dưới biển trên rừng.Tuổi xanh mơn mởn sao cấm cản tung tăng?Còn đâu tất cả mùa xuân trong mùa hạ! (5)Trả lại cho ta những gương đời cao cả:Anh hùng, liệt nữ, chí sĩ, thánh nhân.Sao các người dám trắng trợn tráo trângĐặt dưới tên gian ác siêu cao thủ (6).Trả lại ta những chân trời rộng mở,Bao tiến bộ chân chính, giá trị trường tồn.Đáng gì cái chủ nghĩa, chế độ thối omCác người cứ nói nhăng: quý cao, ưu việt!?Trả lại cho ta cái quyền bất diệt:Được sống xứng phẩm giá con người,Xây đắp cuộc đời phúc hạnh thắm tươiTrong bàn tay của pháp luật liêm chính.Cớ sao các người mang ta đi bánLàm nô tì, đĩ điếm ở phương xa?Bần cùng hóa cuộc sống mẹ cha ta,Để dễ bề đẩy ta vào động chứa!Sao nhẫn tâm chơi trò đem con bỏ chợ ?Hứa hẹn việc khấm khá ở xứ người,Cấu kết bọn đầu gấu, lũ đười ươi,Biến ta thành bầy lao công nô dịch.Trả lại cho ta khu vườn, mảnh đấtTưới đẫm mồ hôi nước mắt của gia tiên.Với mưu đồ quy hoạch thâm hiểm đảo điên,Một sớm một chiều các ngươi cướp trắng.Cha-con-cháu ta tức tưởi cay đắngSống đọa đày bởi khiếu kiện trường chinh.Lửa thân ta bay tới tận trời xanh (7),Sao các người vẫn lòng chai dạ đá?Trả lại ta những nhân quyền cao cả:Hội họp, bầu cử, phát biểu tự do,Ung dung vạch mặt, tố cáo mưu đồ,Thoải mái tham gia, thông phần quốc sự.Các người là ai mà dám giành quyền hành xử,Nghĩ suy, bàn bạc, quyết định thế cho ta?Độc quyền ăn nói để dối gạt gian tà,Sống chết mặc dân, thịnh suy kệ nước!!!Trả lại cho ta những phần đất tổ quốcCha ông tạo lập, chiến sĩ bảo toàn:Hoàng Trường Sa, Bản Giốc, Ải Nam QuanCông xương máu, khối tự hào, nguồn sinh sống!Ai cho phép các người đem tiến cống,Dâng kẻ thù truyền kiếp tận Bắc phương?Những mong dựa thế, giữ chặt ngai quyềnĐang đến hồi bị toàn dân lật đổ.Trả lại cho ta tên Sài gòn thương nhớ,Dấu tích cuộc Nam tiến oai hùng,Niềm tự hào Hòn ngọc Viễn đông,Biểu tượng cho một thời tự do dân chủ.Kiêu căng ngạo mạn, các người đã thay vào đóTên của kẻ gây máu đổ xương tan,Đẩy đất nước đến suy kiệt điêu tàn,Gieo hận thù giữa con dân tộc Việt.Trả lại cho ta tính chất thuần khiết,Siêu phàm, độc lập, tự trị, sáng ngời,Sức cảm hóa lẫn giải cứu cuộc đờiCủa tôn giáo rất thánh thiêng mầu nhiệm.Sao các người âm mưu cưỡng hiếp,Biến đạo ta thành công cụ trong tay,Bức bách cộng đoàn ta mãi tháng ngày?Khiến ta phải lấy thân mình làm ngọn đuốc! (8)* * *Trả lại cho ta, hỡi chế độ tàn khốc,Đức can đảm vô uý của niềm tin.Do ngươi áp bức bách hại quá triền miên,Ta đã bị liệt kháng tinh thần xâm nhập!Trả lại cho ta tâm hồn siêu thoát,Chẳng mong phú túc, thành đạt, an thân.Miệng ngôn sứ lại ăn tiền ngậm câm,Mặc bạo quyền chà đạp nhân dân mãi.* * *Trả lại cho ta, hỡi chủ nghĩa độc hại,Cái ý thức về phẩm giá con người,Một lương tâm biết liêm sỉ hổ ngươi,Lòng yêu chuộng nhân nghĩa lễ tín trí.Ngươi đã giết nơi ta muôn vàn điều cao quý:Niềm thương cảm, tình tự dân tộc, nghĩa đồng bào.Mối âu lo trả lẽ trước Đấng Tối cao,Khiến ta mãi chìm sâu vào tội ác!!!Huế, kỷ niệm 60 năm đảng CS tước đoạt mọi sự của con người và đất nước Việt Nam.Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi, 21-11-2005Chú thích(1) Anh hùng tuổi trẻ không bao giờ có thật như Lê Văn Tám thời kháng Pháp và chẳng hề lập thành tích như Nguyễn Bá Ngọc thời gọi là chống Mỹ.(2) Huy hiệu Đội thiếu niên Tiền phong: hình tròn, nền trời đỏ, nụ măng xanh hướng lên ánh sao vàng!?! Khẩu hiệu của Đội: Vì lý tưởng bác Hồ vĩ đại, hãy sẵn sàng!(3) Một bài hát thiếu nhi vốn còn được hát sau 1975: Em mua một cây bút chì. Vẽ lên một tên giặc Mỹ. Đôi mắt nó xanh le lè. Cái mồm trông thật gớm ghê.(4) Nhân ngày mất của Hồ Chí Minh năm 2004, trường Quốc học ở Huế đã tổ chức một cuộc thi đối vui để học về "thân thế sự nghiệp Bác Hồ" (chiếu trên truyền hình) cho các em học sinh cấp ba. Ngoài hai đội tranh tài mang tên Trần Lực, Lý Thụy (2 bí danh của HCM), đội thứ ba lại được đặt tên Trần Dân Tiên, tác giả cuốn "Những câu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch" (bán tràn lan tại các hiệu sách thành phố). Ta qua đó hiểu được ý đồ của các giáo viên.
No comments:
Post a Comment