Thursday, March 26, 2009

VŨ TỪ TRANG

VŨ TỪ TRANG
vietbao.vn/Van-hoa/Tuan-Nguyen-

Tuân Nguyễn - Phận mỏng...cánh cò Chủ nhật, 14 Tháng mười 2007, 16:55 GMT+7





Tags: Tuân Nguyễn, Phương Thúy, Mỹ Anh, không quan tâm, chắc chắn là, chúng tôi, cải tạo, phận mỏng, nhà thờ, một chút, không có, thơ, biết, cánh, làm

Tôi biết anh khi anh vừa đi cải tạo về. Tôi không quan tâm lắm vì lý do gì anh phải đi cải tạo. Chỉ biết chắc chắn là không phải côn đồ trộm cướp, mà loáng thoáng nghe anh có dính líu một chút về quan điểm nhận thức gì đó.
Tuan Nguyen Phan mong canh co
Nó là dấu tích của căn bệnh giáo điều và ấu trĩ một thời.

Khi gặp anh, tôi thấy anh gầy đến mức tội nghiệp. Dĩ nhiên thời đó xã hội còn khó khăn về miếng ăn miếng uống, nên ít người đỏ da thắm thịt và không nhiều những người đàn ông bụng khệ nệ như ngày nay. Nhưng quả thật gặp anh, ấn tượng mạnh với tôi là anh gầy yếu, xanh xao quá.

Khi ấy Phương Thúy đang chăm bẵm anh. Chăm bẵm cả về vật chất và tinh thần. Vốn là nhà thơ dạy đàn tam thập lục ở Nhạc viện Hà Nội, số phận làm sao run rủi chị đến với anh một cách nồng nhiệt thế? Phải chăng chị đồng cảm và cảm phục được phần nào về phận anh khi đó?

Tôi và mấy người bạn thơ lách người qua một gian nhà nhỏ, rồi qua một ngõ hẹp, vào căn phòng mấy mét vuông nơi trú ngụ của hai con người. Không tủ không giường phản, một cái giát giường trải bệt xuống nền nhà, một tấm vỏ chăn cũ màu cỏ úa đã bạc phủ lên làm ga thay chiếu. Một bếp dầu cháy lụp bụp. Trên bếp dầu là xoong mì sợi đang chín dở cùng mấy miếng cà chua đỏ ối. Đấy là bữa ăn bồi dưỡng quá tốt đối với chúng tôi hồi đó.

Phương Thúy và Tuân Nguyễn vồn vã mời chúng tôi ngồi xuống giường và nhất quyết giữ chúng tôi thưởng thức một chút mỳ sợi nấu cà chua. Không khách sáo, chúng tôi ăn ồn ào và nói chuyện ồn ào. Phương Thúy vừa loay hoay dọn bếp và góp chuyện. Chỉ có Tuân Nguyễn rất ít lời. Sau cặp kính dày cộp, là cặp mắt chăm chú nhìn các bạn. Anh lắng nghe anh em cười nói và đọc thơ.

Chúng tôi ồn ào đọc thơ. Những vần thơ ùng oàng súng đạn, lỉnh kỉnh xà – beng cuốc thuổng và chấp chới mấy vành mũ rơm vàng ươm… Cuộc chiến tranh chống Mỹ căng thăng vừa kết thúc, những vần thơ hầm hập nhiệt tình và thật lòng.

Tuân Nguyễn nhìn say mê và ngơ ngác. Đến khi mọi người yêu cầu đọc thơ, anh cười xòa xin lỗi. Anh chưa có thơ mới để đọc ư? Hay anh đang âm thầm nghĩ suy và trăn trở?

Căn phòng xép ngăn tạm vách cót nho nhỏ ở gần ga Hàng Cỏ mà Tuân Nguyễn và Phương Thúy ở, đêm đêm có thể nghe được tiếng còi tàu hỏa hú thổn thức ngoài sân ga. Đấy là tổ ấm đầu tiên sau bao năm trời anh chịu giá lạnh.

Trong căn phòng nghèo đó, ở bên đống chăn chiếu cũ nát, luôn có cuốn truyện của Đốtx bằng tiếng Nga. Lúc buồn vui nhất, anh vẫn có những câu chữ, những số phận nhân vật của Đốtx trò chuyện và an ủi.

Rồi một thời gian không lâu, đất nước thống nhất. Phương Thúy và Tuân Nguyễn rủ nhau vào Nam trú ngụ. Thành phố Sài Gòn sôi động, rộng lớn và choáng ngợp vẫn dành một chỗ bình yên cho họ. Đấy là căn hộ nghèo ở khu cư xá Thanh Đa xa trung tâm thành phố.

Ngày đó, Thanh Đa là nơi tá túc cho đám văn nghệ sỹ nghèo ngoài Bắc kéo vào. Nào Trần Nguyên Vấn, Thái Vũ, Phan Trác Hiệu, Bùi Quang Ngọc, Huy Lam…

Để tồn tại, Phương Thúy xin đi dạy nhạc và lo chạy chợ xoay xỏa thêm tiền mua rau thịt. “Để anh Tuân yên tâm ngồi dịch sách”, Phương Thúy nói thế. Nhưng Tuân Nguyễn làm sao yên tâm ngồi dịch, khi Thúy còn phải tất tả vậy? Anh đi làm gia sư, mở lớp học nho nhỏ dạy kèm các em học sinh cấp 1, cấp 2. Thầy giáo nghèo, học trò nghèo, nhưng ấm áp tình người.

Đời sống xem ra đã có phần dễ chịu hơn hồi ở ngoài Bắc. Phương Thúy thì hả hê, Tuân Nguyễn thì thấp thoáng cười sau cặp kính dày cộp. Nô-en năm ấy là kỷ niệm không dễ quên.

Chúng tôi gặp nhau ở nhà Tuân Nguyễn và Phương Thúy ăn uống qua loa và đọc thơ. Dạo ấy vẫn còn giữ thói quen hễ gặp nhau là đọc thơ. Rồi chúng tôi kéo nhau về nhà thờ Đức Bà để chứng kiến giờ phút thiêng liêng của Chúa ra đời.

Đi cùng bữa đó, có cô giáo Mỹ Anh người mảnh mai là cháu gọi Tuân Nguyễn bằng cậu. Tôi không rõ theo ngôi thứ họ hàng, hay là gọi theo sự tôn kính cậu giáo? Mỹ Anh ở mãi ngoài Hàm Tân (Phan Thiết) vào, vẫn còn giữ nguyên vẻ trong trẻo rất đáng yêu. Cả lũ lốc nhốc kéo nhau trên mấy cái xe máy nát, mấy cái xe đạp tòng tọc.

Mỹ Anh rất tiểu thư, xin phép cậu mợ Tuân Thúy cho vận áo dài trắng đi nhà thờ. Dù không phải người theo đạo, vậy mà bữa ấy tôi thấy Mỹ Anh như một con chiên trắng trong ngoan đạo vô cùng. Tuân Nguyễn vốn kiệm lời, nhưng bữa ấy niềm vui hiện ra mặt.

Trong lúc chờ giờ Chúa ra đời, cả bọn kéo vào uống cà phê ở một quán nhỏ bên đường cạnh nhà thờ. Tiếng người cười nói, tiếng cầu kinh và tiếng chuông nhà thờ thong thả điểm nhịp vọng tới, làm không khí cuộc gặp gỡ vô cùng ấm áp.

Tuân Nguyễn chợt thốt lên thèm viết một cuốn sách mà anh từng ấp ủ. Mọi người hỏi anh bao giờ thì viết? Anh khiêm nhường trả lời: Mình sẽ viết! Thế rồi anh nhỏ nhẹ đọc thơ, bài thơ “Cánh cò” mà anh đã từng một lần đọc riêng cho tôi nghe.

Cánh cò cánh cò bay
Trắng mờ ven rặng núi
Sông Mã nặng nề trôi
Em bay sao mà vội
Em bay về phía đó
Sông chảy ngoặt nẻo này
Riêng anh buồn đứng ngó
Phủi bụi trên bàn tay.



Em bay em chẳng đỗ
Như vỗ cánh lòng anh
Đường ổ gà lỗ chỗ
Điệp bài ca viễn hành.

Khi Tuân Nguyễn đọc xong bài thơ, cả bọn chúng tôi sững người lại. Một nỗi buồn mênh mang và trong trẻo.

… Tôi không có nhân duyên được gặp anh nhiều. Lại trong thời gian không được dài lắm. Nhưng mỗi khi nghĩ về anh, tôi lại xốn xang bồi hồi. Thời trai trẻ của anh, tôi không được biết kỹ. Chỉ biết anh đã từng đi bộ đội thời kháng chiến chống Pháp, chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên Huế. Từng là người bạn lính cùng tiểu đội với nhà thơ Phùng Quán.

Rồi hòa bình, học đại học ngoài Hà Nội. Ra trường anh được phân về làm việc ở Ban Văn nghệ Đài tiếng nói Việt Nam. Rồi anh bị liên lụy cũng trong thời điểm làm ở Đài.

Tôi không quan tâm sự liên lụy của anh ra sao. Chỉ biết khi gặp anh, thấy anh là người quá yếu đuối. Thể lực quá gày gò. Chỉ có cặp mắt kính cận quá dày. Ấy mà khát khao sống. Tôi thêm ngạc nhiên, con người ốm yếu ấy tại sao lại mê văn ông Đôt-xtôi-ep-ki đến thế? Văn của ông Đốtx là chỗ anh bám víu, hay là văn ông Đốtx đã hành hạ anh?

Ở đời không có gì buồn tẻ hơn là sống không có mẫu người mình tôn thờ, ngưỡng mộ. Nhưng lại không có gì vất vả hơn là để theo đuổi tôn thờ một mẫu người. Số phận đã bắt Tuân Nguyễn vất vả và lận đận đi theo những mẫu nhân vật của ông Đốtx? Hay nhân vật của Đốtx đã ám ảnh anh, hành hạ anh và đem hạnh phúc đến cho anh?

Hay nói theo một cách khác, ở đời, cái đẹp có thể đem hạnh phúc và bi thương đến với mỗi phận người. Tôi có thể tự chất vấn mình, rằng nếu mình chịu sóng gió, chìm nổi như anh Tuân Nguyễn, liệu có còn giữ được con mắt nhìn đời trong sáng và đắm đuối như anh không?

Có thể tôi và nhiều người như tôi sẽ gục ngã. Gục ngã vì chán chường, thất vọng. Có lẽ Tuân Nguyễn đã có những phút giây thất vọng. Bạn bè kể về anh, khi ở trại cải tạo về, loanh quanh mấy tháng trời anh không biết đi đâu, về đâu, làm gì? Cảnh và lòng người đã thay đổi. Anh buồn chán lại khoác ba-lô quay về trại.

Người quản lý trại và anh em trong trại đã khuyên anh hãy trở về với cuộc sống. Rồi anh dấn lên trở về để sống. Để làm một con người bình thường. Để biết yêu, biết trọng cái đẹp. Biết làm ra cái đẹp.

Giá như anh không va vấp, không gục ngã, thì anh đã thành đạt như bao bạn bè trang lứa mê văn chương chữ nghĩa một thời. Nhưng ngược lại, anh đã tránh xa được sự nhàm chán, tẻ nhạt và lắm khôn ngoan tới mức thủ đoạn của bao mẫu người vẫn đang sống sờ sờ quanh ta. Sự sống tẻ nhạt, giả đối, thủ đoạn còn tồi tệ hơn cả cái chết.

Cái chết của anh như một định mệnh. Một tai nạn giao thông với một con người lầm lũi sống và yêu cuộc sống. Một cái chết của một cánh cò trắng đang bay…

Ngày 23/2/2007

Nhà thơ Vũ Từ Trang
Việt Báo (Theo_Tien_Phong)
=

No comments: