Thursday, March 26, 2009

NGUYỄN HUY


http://ngothelinh.tripod.com/ThepDen_DangChiBinh.html


Đặng Chí Bình ra mắt hồi ký "Thép Đen" tập IV

Monday, July 04, 2005

Nguyên Huy

Westminster (NV- 07/02) - Hồi ký “Thép Ðen” của người chiến sĩ gián điệp VNCH Ðặng Chí Bình vừa được tác giả và nhà xuất bản Ðại Nam cho ra mắt vào trưa hôm thứ Bảy cuối tuần qua tại phòng sinh hoạt của nhật báo Viễn Ðông. Trên hai trăm đồng hương phần lớn là cựu chiến sĩ VNCH đã đến tham dự. Trong hàng quan khách còn có cụ Cao Xuân Vỹ, dân biểu Trần Thái Văn và một số những nhân vật đấu tranh trong cộng đồng người Việt ở Nam California.

Hồi ký “Thép Ðen” tập I và tập II được phát hành từ năm 1987. Năm năm sau tập III mới ra đời và đến nay tác giả mới hoàn tất được cuốn hồi ký này.

Trong buổi ra mắt “Thép Ðen” tập IV này, tác giả và nhà xuất bản cũng cho tái bản ba tập trước. Theo tác giả Ðặng Chí Bình cho biết thì ông khởi đầu cuốn hồi ký này từ năm 1985 và mãi đến nay mới hoàn tất được vì nhiều lý do. Ông nói: “Từ khi Thép Ðen I và II được in tính đến nay đã 15 năm. Sở dĩ cho đến nay mới hoàn tất được vì trong thời gian 15 năm qua, tôi, phần vì sức khỏe, phần vì gánh nặng gia đình, nên không thể viết lách gì được, cũng không cả sinh hoạt báo chí nữa. Nhưng vì độc giả ở nhiều nơi thúc bách quá nên tôi đã hết sức cố gắng để hoàn tất cho bằng được, trả cái ơn tri ngộ với bạn đọc.”

Hồi ký “Thép Ðen” tuy chưa hẳn là một “best seller“trong thị trường chữ nghĩa ở hải ngoại nhưng đa số những cựu tù nhân chính trị, những người từng ở tù Cộng Sản đều có đọc và truyền tay nhau đọc. Do đó mà “Thép Ðen” tập I và II đã phải tái bản đến lần thứ ba.

Nhà thơ lừng danh tả về cái ác của chế độ lao tù CS, Nguyễn Chí Thiện, có mặt trong buổi ra mắt sách này bầy tỏ: “Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, “Thép Ðen” là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Ðặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó.”

Nhà văn nhà báo Ðỗ Tiến Ðức, trong phần phát biểu cảm tưởng đề cập đến giá trị văn chương của tác phẩm. Ông nói: “Tác giả cuốn hồi ký “Thép Ðen”Ðặng Chí Bình không nhận mình là nhà văn, nhưng ông đã là nhà văn thực sự qua những tập hồi ký này.”

Ông Ðỗ Tiến Ðức còn nhắc lại cái thời tác giả Ðặng Chí Bình chưa là một gián điệp viên của miền Nam, thì người học sinh tên Châu, tên đời thường của Ðặng Chí Bình, từng là một học sinh di cư sống cùng anh chị em học sinh di cư ở trại Phú Thọ, Saigon sau khi đất nước bị chia đôi. Mặc dầu chỉ mới ở tuổi đôi mươi nhưng lớp thanh niên di cư lúc đó đã ý thức được trách nhiệm của người dân Việt trước sự bành trướng của Cộng Sản Quốc Tế được nấp sau những phong trào Giải Phóng Dân Tộc. Mộng tang bồng hồ thỉ tuổi thanh xuân đã khiến học sinh tên Châu gia nhập vào ngành gián điệp mà chúng ta đều hiểu rằng đó là một công việc đầy hiểm nguy, mạng sống lúc nào cũng như chỉ mành treo chuông mà bất cứ một sơ sẩy nhỏ nào cũng có thể đưa đến cái chết âm thầm không ai biết đến. Nhưng với tuổi trẻ đầy nhiệt huyết và say mê lý tưởng, những người thanh niên ấy đã không tiếc rẻ gì cuộc sống bắt đầu có tương lai tươi đẹp ở miền Nam dưới một chế độ Cộng Hòa vừa hình thành. Ðặng Chí Bình đã ra đi và còn sống sót trở về được để vẫn còn cảm thấy trách nhiệm chứng nhân cho hậu thế về sự Ác được đội lốt Giải phóng Dân tộc.

Một cựu tù nhân chính trị có mặt trong buổi này nhận định: “Dân tộc Nga có Solzhenitsyn, tôi nghĩ Việt Nam chúng ta có Ðặng Chí Bình. Tôi không khoa trương đâu bởi nếu cuốn hồi ký bốn tập này mà được dịch ra các thứ tiếng, tôi cam đoan giá trị của nó sẽ không kém gì cuốn “Quần Ðảo Goulag” của Solzhenitsyn. Nói thật buồn chứ mình thuộc dân nhược tiểu nên tiếng nói của mình cũng nhược tiểu.”

Sau buổi ra mắt sách, tác giả Ðặng Chí Bình đã phải ngồi ký sách đến cả giờ đồng hồ để ký sách kỷ niệm cho độc giả và sau đó còn lưu lại chụp hình kỷ niệm với bạn bè thân hữu gần xa cũng như độc giả khiến cuộc Ra Mắt Sách trở thành một sinh hoạt văn học, chính trị đầy tính đặc thù hiếm khi xẩy ra.


No comments: