Trần Trọng Kim
http://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%A7n_Tr%E1%BB%8Dng_Kim
Chân dung Trần Trọng Kim trong quyển Việt Nam Sử Lược
Trần Trọng Kim (chữ Hán: 陳仲金; 1883 – 1953) là một học giả danh tiếng, thủ tướng của Đế quốc Việt Nam (1945) và đầu tiên của Việt Nam, tác giả của Việt Nam Sử Lược.
[sửa] Tiểu sử
Trần Trọng Kim, nhà giáo dục, nhà biên khảo văn học và sử học Việt Nam, bút hiệu Lệ thần, sinh năm 1883 (Quý Mùi) tại làng Kiều Linh, xã Đan Phố, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Xuất thân trong một gia đình Nho giáo, ông học chữ Hán từ nhỏ. Năm 1897, ông học Trường Pháp-Việt Nam Định, học chữ Pháp. Năm 1900, ông thi đỗ vào Trường thông ngôn và đến 1903 thì tốt nghiệp. Năm 1904, ông làm Thông sự ở Ninh Bình. Năm 1905, ông qua Pháp học trường Thương mại ở Lyon, sau được học bổng vào trường Thuộc địa Pháp. Năm 1909, ông vào học trường Sư phạm Melun và tốt nghiệp ngày 31 tháng 7 năm 1911 rồi về nước. Ông lần lượt dạy Trường trung học Bảo hộ (Trường Bưởi), Trường Hậu bổ và Trường nam Sư phạm.
Ông giữ nhiều chức vụ trong ngành giáo dục thời Pháp thuộc như: Thanh tra Tiểu học (1921), Trưởng ban Soạn thảo Sách Giáo khoa Tiểu học (1924), dạy Trường Sư phạm thực hành 1931, giám đốc các trường nam tiểu học tại Hà Nội (1939). Trần Trọng Kim còn là Phó trưởng ban Ban Văn học của Hội Khai trí tiến đức và Nghị viên Hội đồng Dân biểu Bắc Kỳ. Một năm sau khi ông về hưu (1943), Nhật Bản kéo vào Đông Dương và bí mật đưa ông cùng Dương Bá Trạc ra nước ngoài. 1945, ông được đưa về nước. Từ thập niên 1910 đến thập niên 1940, ông cũng viết nhiều sách về sư phạm và lịch sử.
Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, độc chiếm thuộc địa Đông Dương. Để tranh thủ sự ủng hộ của người Việt, Nhật tuyên bố trao trả độc lập cho Việt Nam. Ngày 11 tháng 3 năm 1945, triều đình Huế tuyên bố hủy bỏ Hòa ước Patenôtre ký với Pháp năm 1884, khôi phục chủ quyền Việt Nam. Trần Trọng Kim được giao thành lập nội các vào ngày 17 tháng 4 năm 1945. Đây là chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam độc lập và Trần Trọng Kim trở thành Thủ tướng đầu tiên của Việt Nam.
Tháng 6 năm 1945, chính phủ Trần Trọng Kim đặt quốc hiệu là Đế quốc Việt Nam; đặt quốc thiều là bài "Đăng đàn cung"; quốc kỳ có "nền vàng hình chữ nhật, giữa có hình quẻ Ly màu đỏ thẫm".
Chính phủ Trần Trọng Kim thực chất vẫn nằm dưới sự bảo hộ của quân đội Nhật chiếm đóng Đông Dương, vì vậy có nhiều người cho rằng đây chỉ là một chính phủ bù nhìn thân Nhật và không có được sự ủng hộ của dân chúng. Khi quân Nhật đầu hàng Đồng Minh, chính phủ Trần Trọng Kim cũng chỉ tồn tại được đến ngày 23 tháng 8 năm 1945 thì sụp đổ. Tuy nhiên, trong thời gian ngắn ngủi, chính phủ này cũng đã làm được một việc quan trọng là thống nhất về mặt danh nghĩa đất Nam Kỳ vào đất nước Việt Nam; và thay chương trình học bằng tiếng Pháp sang chương trình học bằng tiếng Việt, do học giả Hoàng Xuân Hãn biên soạn. Bộ trưởng Bộ thanh niên Phan Anh đã thành lập đoàn Thanh niên Tiền tuyến, Thanh niên Xã hội. Trường Thanh niên tiền tuyến đã đào tạo ra nhiều tướng lĩnh, sĩ quan của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau này.
Sau khi Việt Minh giành được chính quyền và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, Trần Trọng Kim lưu vong ra nước ngoài. Sau nhiều năm tháng long đong ở Quảng Châu và Hồng Kông, ngày 6 tháng 2 năm 1947, ông trở về Sài Gòn và sống tại nhà luật sư Trịnh Đình Thảo. Năm 1948, ông qua Nam Vang và sống với người con gái. Sau đó, ông lại trở về Việt Nam sống thầm lặng và mất tại Đà Lạt vào ngày 2 tháng 12 năm 1953, thọ 71 tuổi.
Trần Trọng Kim được đánh giá là một học giả uyên thâm cả tân và cựu học, là người tận tụy cho ngành giáo dục Việt Nam đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên, ông là người có tư tưởng bảo thủ và dân tộc - bảo hoàng. Tác phẩm Việt Nam sử lược được đánh giá là một trong những quyển sử Việt Nam có phong cách ngắn gọn, súc tích và dễ hiểu, được tái bản nhiều lần.
[sửa] Tác phẩm
Trước năm 1945, Trần Trọng Kim có nhiều tác phẩm nổi tiếng thời bấy giờ về các lĩnh vực sử học, nghiên cứu và sư phạm gồm:
Sơ học luân lý (1914),
Vương Dương Minh (1914),
Sư phạm khoa yếu lược (1916),
Việt Nam sử lược (1919),
Nho giáo (1930),
Phật Lục (1940),
Quốc văn giáo khoa thư, 3 tập: lớp Đồng ấu, Dự bị, và Sơ đẳng (soạn cùng Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc, Đỗ Thận; Nam Sơn Nguyễn Văn Thọ vẽ)
Việt Nam văn phạm (cùng Bùi Kỷ, Nguyễn Mạnh Tường) (1941).
Sau năm 1945, ông viết hồi ký:
Một cơn gió bụi (1949)
Trước:không có
Thủ tướng Đế quốc Việt Nam1945
Sau:không có
[sửa] Liên kết ngoài
No comments:
Post a Comment