http://lichsuvietnam.info/index.php?option=com_content&task=view&id=54&Itemid=20
Hồi ký Kim Jin Sun (phần 2)
20/04/2007
Pon Moltke đã nói rằng: “Rồi các bạn sẽ biết là quân địch sẽ chỉ có 3 cách lựa chọn. Nhưng quân địch sẽ chọn cách thứ 4 trong số các cách đó”. Nghĩa là trong chiến tranh đối phương sẽ chọn phương án mà ta không thể ngờ tới. Trong chiến đấu, việc thắng bại phụ thuộc rất lớn vào người chỉ huy. Người VN đã có kinh nghiệm chiến tranh du kích trong mấy ngàn năm lịch sử và họ là những bậc thấy trong lĩnh vực này.
Sau khi sang VN, tôi có cơ hội được tìm hiểu một cách khá sâu sắc về cách thức tiến hành chiến tranh ở VN tại sở chỉ huy tiểu đoàn trong hai tháng. Chiến thuật thông thường của quân Hàn quốc là lập ra các căn cứ cấp đại đội ngay trước khu vực của VC. Tiếp đó dùng những trận phục kích bên đường để tiêu diệt khi VC từ căn cứ xuống để công tác chính trị, thu gom nhu yếu phẩm và tiến hành tấn công du kích.
Hai bên bờ sông từ căn cứ trên núi Đầu Voi, nơi có một đại đội đặc công của quân giải phóng xuống đến làng được che phủ bởi một khu rừng tre. Chỉ có hai con đường đi qua khu vực đấy. Đây là con đường di chuyển của VC, nhưng do nó nằm quá gần với căn cứ đối phương nên việc phục kích tại đây là rất nguy hiểm. Theo con đường này, mỗi ngày những đứa trẻ chăn trâu dắt trâu đi qua vài ba lần. Buổi sáng chúng dắt trâu đi vào khu vực do VC kiểm soát, đến chiều thì chúng đưa trâu về, vừa đi vừa kiểm tra xem có quân Hàn quốc phục kích không. Sau đó chúng sẽ báo lại cho quân giải phóng bằng cách dùng khói hoặc ánh đèn. Để có một trận phục kích thành công, điều quan trọng với chúng tôi là làm sao để những đứa trẻ chăn trâu không phát hiện ra. Và chúng tôi cũng phải nghi binh làm ra vẻ như quân Hàn Quốc không có ý định phục kích ở đó.
Một hôm tôi định dùng một trung đội lập một trận phục kích quan trọng. Để làm được điều đó, tôi ra lệnh cho trung đội 1 phải diễn tập ngụy trang trong rừng tre sao cho không bị những đứa trẻ chăn trâu phát hiện. Chúng tôi lấy sợi từ các bao đay ra, gắn lá tre vào, sau đó phủ kín lên mặt mũi, thân thể sao cho từ ngoài nhìn vào vẫn tưởng như rừng tre. Để làm cho đối phương tin rằng chúng tôi không có ý định phục kích, tôi dẫn toàn đại đội đi lùng sục dọc rừng tre bên sông Lư Diêm. Sau đó tôi bí mật cho trung đội1 đã được nguỵ trang kỹ lưỡng chia làm 2 tổđi phục kích ở cả 2 tuyến đường. Số còn lại tôi ra lệnh bắn vào xung quanh khu vực đó rồi quay về căn cứ. Điều này cốt để cho đối phương nghĩ rằng không hề có mai phục.
Khoảng 9 giờ sáng hôm sau, tổ phục kích ở một con đường do trung đội trưởng chỉ huy báo cáo về là đã bắt sống được1 nữ, còn 2 người khác đã thoát. Sau đó một lúc đã diễn ra cuộc đọ súng giữa2 tổ phục kích của tôi với quân giải phóng. Như vậy tôi đã thất bại trong trận phục kích đó. Đáng lẽ ra không nên bắt cô gái đó mà cứ để cho đi qua. Sau đó phải nhẫn nại đợi cho đến tối khi họ quay về dẫn theo VC. Tôi ra lệnh cho bắn lung tung ra xung quanh rồi rút về làm ra vẻ nhưđã rút hết tổ phục kích về. Nhưng tổ phục kích do một trung sĩ chỉ huy thì vẫn ở nguyên vị trí tại một con đường khác.
Tất nhiên, buổi sáng cũng như buổi tối, khi dắt trâu đi qua, những đứa trẻ chăn trâu đã không phát hiện được tổ phục kích. Nếu phát hiện ra, chúng sẽ lùa trâu vào để kiểm tra xem khu vực đó có phục kích hay gài mìn Clâymo không. Khoảng 19 giờ quân giải phóng dùng AK bắn vào khu rừng để kiểm tra lần cuối, nhưng tổ phục kích không hề bắn trả mà vẫn nằm im. Như vậy trận phục kích này chắn chắn thành công. Khoảng 20 giờ, VC bắt đầu xuất hiện. Ngay lập tức tổ phục kích cho nổ mìn Clâymo. Một lúc sau từ phía đó có 5 tiếng nổ lựu đạn. Khoảng 21 giờ đối phương dùng cối 60mm pháo kích vào khu vực có tổ phục kích. Bình thường đối phương không pháo kích vào nơi có phục kích. Đáp lại chúng tôi dùng cối 81mm bắn tập trung vào khu vực căn cứ của đối phương và dùng pháo15mm bắn mãnh liệt vào bờ bắc của con sông.
Sau khi trời sáng, tôi dùng xe bọc thép đi tới hiện trường, trong thời gian đó tổ phục kích báo cáo là viện hạ sĩ đã bị mất một phần ngón cái do trúng mìn. Tôi đã bị sốc. Hạ sĩ Kimlà một thuộc hạ thân tín của tôi. Tại hiện trường tôi lại một lần nữa được chứng kiến tinh thần chiến đấu ngoan cường của quân giải phóng. Một trung uý bị chết do mìn Clâymo. Nhưng người lính đó chết trong tư thế ôm một quả lựu đạn đã rút chốt vào ngực với ý định giết chết tổ phục kích đến kiểm tra xác chết. Không hiểu con người lúc gần chết trong đau đớn tột cùng như vậy có khả năng rút chốt lựu đạn ôm vào người rồi mới chết như vậy không? Chỉ cần lay nhẹ người một chút là bản thân sẽ bị tan xác ngay tại chỗ cơ mà... Để làm được điều này cần phải có một tinh thần dũng cảm vô song. Hạ sĩ Kim đã bị trúng mìn trong lúc tìm cách buộc dây vào cái xác đó kéo đi để xử lý quả lựu đạn.
Khi tôi tới nơi vẫn còn một người lính giải phóng còn thoi thóp, mỗi khi anh ta thở máu lại trào ra trên lồng ngực. Dựa vào việc họđem theo 3khẩu AK, một M16 và một khẩu súng lục Liên xô cũng như những tài liệu có trong một viên trung uý thì có thể thấy rằng họđang thi hành một nhiệm vụ rất quan trọng. Chúng tôi cho 5 cái xác chết đó lên xe thiết giáp và đem về căn cứ. Trong khi thực hiện nhiệm vụ bình định, chúng tôi nhận được sự chi viện của hai đại đội truy lùng của tiểu đoàn Mỹ và một đại đội quân nguỵ Sài gòn. Chúng tôi đã đi lùng sục và phục kích 3 ngày liền ở khu vực làng Vĩnh Long mà không phát hiện ra được một bóng VC nào. Tôi linh cảm thấy rằng nguyên nhân nằm ở chỗ chúng tôi cùng tác chiến với quân VNCH. Có lẽ trong số binh lính đó đã có người cung cấp thông tin cho VC, và điều này dẫn đến thất bại của chúng tôi.
Để trận này thành công, chúng tôi phải làm ra vẻ là trận đánh hợp đồng tác chiến với đại đội VNCH đã kết thúc, và sau đó chúng tôi sẽ tiếp tục tác chiến một mình. Nhưng trước đó tôi phải kiểm tra lại tinh thần cũng như sức lực của binh lính. Thêm vào đó, việc tiếp tế cũng cần phải được tiến hành trong bí mật. Tôi đã giải thích cho các trung đội trưởng là chúng tôi phải tiến tục trận đánh một mình nhưng đối với quân VNCH phải làm ra vẻ như chúng tôi sắp sửa rút. Sau khi chia tay, tôi đã báo cáo xin được tiếp tế lương thực và đạn dược bằng trực thăng tại một địa điểm không ai ngờ tới. Tôi đã bố trí trung đội 3 phục kích tại một địa điểm được cho là VC sẽ đi qua trong số các địa điểm mà chúng tôi đã lùng sục. Số còn lại thì di chuyển ra khu vực trống, làm các động tác nghi binh khác làm ra vẻđang rút lui về căn cứ. Nhưng trước khi chúng tôi về đến căn cứ thì đã nghe thấy tiếng nổ của mìn Clâymo từ hướng phục kích của trung đội 3. Trong những trận phục kích vừa qua, đây là lần đầu tiên VC xuất hiện giữa ban ngày.
Có lẽ quân giải phóng nhận được thông báo từ tình báo gài trong quân đội VNCH là chúng tôi đã rút hết về căn cứ rồi. Lần này họ cũng mang theo tài liệu, và trong số người chết có 1 sĩ quan. Còn một người khác bị trúng đạn vào chân. Nhưng trên chiến trường việc đem theo tù binh rất bất tiện nên anh ta đã bị bắn ngay tại chỗ. Sinh mệnh người lính cụt chân đó hoàn toàn phụ thuộc vào hoàn cảnh tại chỗ cũng như tâm trạng của viên chỉ huy. Viên trung đội trưởng chỉ nói một câu cụt lủn: “bắn bỏ” và thế là người tù binh ấy đã bị giết.
Bây giờ nghĩ lại tôi mới thấy sinh mạng của con người không cho phép ai coi thường. Và tôi tin rằng giết người là tội ác. Nếu tôi có được suy nghĩđúng đắn về giá trị cuộc sống thì người lính giải phóng đó dù có bị cụt chân nhưng vẫn được sống. Nhưng khi đó tôi đã không ngăn cản mệnh lệnh của viên trung đội trưởng.Tôi ân hận cầu xin linh hồn người chiến sĩđó tha thứ cho tôi.
Một hôm trên đường đi tuần sát, ngẫu nhiên chúng tôi ghé vào nhà xã trưởng phụ trách an ninh. Tại đó tôi thấy một cậu bé chăn trâu mặt sưng húp, chân thì cuốn băng do bị phó xã trưởng đánh. Xã trưởng giải thích rằng cậu ta đã ném lựu đạn vào căn cứ quân đội VNCH và bỏ chạy, nhưng đã bị bắt. Ông xã trưởng có thâm thù với VC nên rất căm thù cậu bé này. Thẩm vấn mãi mà cậu không khai nên ông ta đã dùng đến đòn vọt. Đòn vọt cũng không xong, cuối cùng ông ta lấy súng bắn nát chân cậu bé. Tôi đã đề nghị ông xã trưởng giao cậu ta cho tôi và đưa cậu bé về căn cứ.
Thời đó mỗi khi bắt được VC, nếu lính VNCH hoặc lính Mỹ doạ sẽ giao cho lính Hàn quốc thì tù binh, nếu hèn nhát sẽ khai báo thành khẩn ngay. Nghe như vậy cũng đủ biết lính Hàn quốc đáng sợ như thế nào. Trên đường dẫn cậu bé chưa đến 16 tuổi ấy về căn cứ, tôi cảm thấy rất thương hại cậu ta. Tại sao một đứa bé lại có thể làm những việc như vậy? Phải chăng nó cho rằng VC mạnh hơn? Trong gia đình cậu ta đã có người chết trong chiến tranh? Hay cậu bé bị VC dùng tiền mua chuộc? Tôi bắt đầu thẩm vấn cậu bé một cách thật hệ thống và khoa học.
Tôi chia quá trình thẩm vấn thành 3 giai đoạn bao gồm “bỏ mặc hoàn toàn”, “hình phạt nặng”, và sau cùng là: “thuần hoá bằng tình cảm”. Tôi thả cho cậu bé tự do trong đại đội nhưng ra lệnh bất kỳ ai cũng không được tỏ ra quan tâm đến cậu ta. Mấy ngày sau tôi bắt đầu giai đoạn 2, lúc này nếu phát hiện nói dối là tôi dùng hình phạt rất nặng như treo người lên xà nhà. Thế mà cậu ta vẫn nhất quyết không chịu tiết lộ bí mật. Tôi nói là nếu tiết lộ căn cứ hoặc con đường đi lại của VC, thì tôi sẽ cho 5 vạn đồng, nhưng cậu bé vẫn không chịu.
Người lính giải phóng bị bắt làm tù binh trong trận phục kích tại làng Thuần Phong không phải là lính cứu thương. Theo kết quả thẩm vấn của các chuyên gia thì anh ta đã nói dối. Khi đến thăm lính của tôi bị thương tại bệnh viện 106, tôi được biết là người tù binh đó cũng đang ở tại bệnh viện này. Vì tò mò tôi đã ghé qua phòng dành cho các tù binh một chút. Y tá hướng dẫn tôi đến căn phòng đó đã cho biết anh là chính trị viên kiêm đại đội phó của một đại đội đặc công.
Khi tôi bước vào phòng, anh ta đón tôi với một thái độ bình tĩnh. Mặc dù anh ta là đối phương, nhưng trước sự bình thản của người lính giải phóng, tôi rất cảm phục. Tôi hỏi:
- Có biết tôi là ai không?
- Tất nhiên rồi. Đại uý Kim, đại đội trưởng đại đội 11
- Tại sao anh lại biết rõ tôi như vậy?
- Tôi đã nhìn thấy anh 4 lần rồi.
- Nếu vậy thì trước đây anh đã thấy tôi rồi ư?
- Một lần tôi trông thấy trong làng, một lần trông thấy ông đang luyện bắn cho binh sĩ trong rừng tre cạnh trường bắn của đại đội 11.
- Thế sao anh không giết tôi?
- Đại đội 11 của ông phục kích chặn hết đường đi của chúng tôi, duy chỉ có cánh rừng đó là còn sử dụng được. Nếu nổ súng trong khu rừng đó, chúng tôi bị lộ.
Thật là sét đánh ngang tai. Con đường mà anhta nói tới đó nằm ngay cạnh trường bắn của đại đội. Chúng tôi không thể tưởng tượng được quân giải phóng lại sự dụng nó là tuyến đường đi lại. Cánh tay đã gần như đứt rời của anh ta đã được phẫu thuật và bó bột.
Về sau tôi đã mấy lần phục kích tại khu rừng tre nhưng không có kết quả. Đã thế lại xảy ra bắn nhầm với một đơn vị VNCH làm thiệt hại nặng đơn vị này. Người lính giải phóng đó chẳng bao giờ nói với tôi bí mật ấy nếu như con đường vẫn được sử dụng. Bây giờ, khi đã hiểu Việt Nam, tôi mới biết điều đó.
Khi tôi còn tham chiến ở VN, một sĩ quan VNCH đã nói với tôi rằng: Tôi không thích chủ nghĩa CS nhưng tôi kính trọng Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc VN. Mặc dù đất nước chia cắt, Hồ Chí Minh vẫn được rất nhiều người dân miền Nam yêu quý và ủng hộ.
Hồ Chí Minh là một người rất khiêm tốn, giản dị và nhất mực yêu thương nhân dân. Tính cách của Hồ Chí Minh rất thuần hậu và trong sáng như lòng trẻ thơ. Và trên thực tế, ông cũng rất yêu quý trẻ em. Trong căn phòng làm việc đơn sơ của mình, ông đã làm cho những băng ghế gỗ xung quanh để các cháu thiếu nhi ngồi mỗi khi đến chơi. Kể cả trong thời gian chiến tranh, ông cũng vẫn ngồi chơi với các cháu thiếu nhi trên bờ hồ.
Ông có cuộc sống giản dị. Mặc dù đã trở thành Chủ tịch nước nhưng ông vẫn không ỏ Phủ Chủ tịch. Thay vào đó Ông ăn ở trong một căn phòng trước đó từnglà nơi ở của người thợ điện. Đây hoàn toàn không phải là một màn kịch của một nhà chính trị tài ba. Chiếc ghế mà ông ngồi là một chiếc ghế nhỏ có tựa đến ngang lưng, chiếc bàn làm việc cũng nhỏ. Trong tâm hồn của HCM chỉ có sự hy sinh, tinh thần phục vụ và lòng yêu thương dân tộc VN.
Ông không lập gia đình, ở độc thân như vậy cho đến khi mất ở tuổi 79. Tất cả hiện vật ông để lại chỉ có chiếc mũ, những đồ dùng để viết lách, quần áo, sách vở. Ông đã đến đây chỉ với hau bàn tay trắng và tấm lòng hy sinh vì dân tộc.Và khi ra đi ông cũng không đem theo một thứ gì.
Ông là một nhân cách lớn, làm việc không phải chỉ với cái đầu mà còn với một trái tim cháy bỏng. Mấy chục năm sau khi ông mất, dòng người xếp hàng vào viếng trước cửa lăng vẫn kéo dài hàng ngày. Tất nhiên họ đến đây không phải vì mệnh lệnh của ai. Hồ Chí Minh chưa bao giờ tự nhận mình là anh hùng và nói rằng khi chết đi cũng muốn được chết như một người dân bình thường. “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào”. Đây là những lời thể hiện sự nuối tiếc vì đã không được nhìn thấy ngày đất nước thống nhất. Đúng theo Di chúc của Người, Mỹ đã phải rút quân và nguỵ quyền cũng đã sụp đổ.
Việc tranh luận ông là nhà CS hay là nhà dân tộc chủ nghĩa không có một ý nghĩa nào hết. Chỉ có chân lý là quan trọng. Đối với tất cả các nước thuộc địa thời đó độc lập và tự do dân tộc là giá trị cao nhất, là tiêu chuẩn cho mọi giá trị.
Trong hồi ký, Nguyễn Cao Kỳ đã cho rằng miền Bắc do có được một nhà lãnh đạo có khả năng thống nhất được ý chí của toàn dân nên đã chiến thắng.
Hồ Chí Minh là một trong những lãnh tụ vĩ đại nhất trên thế giới.
Còn tiếp...
Cập nhật ( 21/08/2007 )
< Trước Tiếp >
[ Quay lại ]
Các tin liên quan
* Hồi ký Kim Jin Sun (Lời nói đầu)
* Hồi ký Kim Jin Sun (phần 1)
* Hồi ký Kim Jin Sun (phần 3)
* Hồi ký Kim Jin Sun (phần 4)
* Hồi ký Kim Jin Sun (phần 5)
* Hồi ký Kim Jin Sun (phần 6)
Hình ảnh lịch sử
DeTham_01.jpg
Design by Joomlateam.com | Powered by Joomlapixel.com |
No comments:
Post a Comment