Friday, March 20, 2009

ĐÀI THUYỀN NHÂN TẠI ĐỨC

Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam Tại Hamburg




Tượng đài thuyền nhân ở Hamburg.

Hamburg- Vào lúc 12 giờ ngày thứ Bảy 14.10.2006, Ban tổ chức đã chính thức khánh thành Tượng Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam tại Nghĩa trang Oejendorf thuộc thị xã Hamburg.

Hơn 200 quan khách Việt-Đức với sự hiện diện của các vị lãnh đạo tinh thần như LM. Andreas (Cha Sở Giáo phận Công Giáo tại Hamburg-Steilshoop), Mục sư Nguyễn Văn Hiếu đến từ Nordhorn, các Sư Cô Tuệ Đàm Hương, Tuệ Đàm Châu, Tuệ Đàm Giác (Chùa Bảo Quang Hamburg); các vị đại diện các tổ chức như ông Carsten Siegfried và ông Braubach (Chánh và Phó Ban Quản Trị Nghĩa Trang Oejendorf-Hamburg), ông Rehkopf và bà Winter (đại diện Ban Quản Trị Nghĩa Trang Ohlsdorf, là nghĩa trang lớn nhất Âu Châu có diện tích 400 mẫu), bà quả phụ Wangnik của thuyền trưởng Cap Anamur, ông Schwenke (Chánh Sở Hochbahn Hamburg), ông Bekrater (cựu nhân viên Hội Hồng Thập Tự Hamburg), bà Leilich (cựu nhân viên Bộ Xã Hội Hamburg), ông Bùi Hoằng Thủy (Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hamburg), ông Đặng Hữu Hào (Gia đình Vovinam Việt Võ Đạo tại Hamburg), bà Nguyễn Thị Kiều Hạnh (cơ sở Việt Tân Hamburg); ông Phạm Công Hoàng (Tổ chức Sinh Hoạt Người Việt tại CHLB Đức) đến từ Toststedt, ông Nguyễn Thanh Văn (Ủy Ban Điều Hợp công tác đấu tranh của Người Việt tại CHLB Đức) đến từ Krefeld, ông Trần Văn Các (Hội Người Việt TNCS tại Bremen) đến từ Bremen, ông Đinh Kim Tân (Đài Phát thanh Việt Nam Hải ngoại tại Âu Châu) đến từ Oldenburg, đặc biệt có đài truyền hình NDR.






Sau phần nghi lễ chào cờ Đức-Việt và phút mặc niệm, ông Quách Anh Trường, chủ tịch Hội Người Việt TNCS tại Hamburg đã đọc diễn văn chào mừng quan khách và trình bày ý nghĩa của tượng đài thuyền nhân Việt Nam. Tượng đài nhằm tưởng niệm những những thuyền nhân Việt Nam từ năm 1975 (mặt trước của tượng đài) đã bỏ mình khi vượt biển và những người đã chết vì vượt thoát chế độ CS Việt Nam, (Im Gedenken an die auf umgekommenen Vietnamesen).

Tượng đài còn lưu chỉ dấu cho thế hệ con em Việt Nam hiểu lý do tại sao cha anh của chúng lại phải lìa bỏ quê hương Việt Nam thân yêu để đến tạm dung ở xứ người...




Cũng cần nói thêm, tượng đài còn để cảm ơn chính quyền và nhân dân Đức và Hamburg (Vietnamesischen Fluechtlinge danken dem Deutschen Volk und der Freien und Hansestadt Hamburg) (mặt trái và phải của tượng đài) đã mở vòng tay nhân đạo, cưu mang giúp đỡ cho người Việt tỵ nạn có cuộc sồng ổn định trên quê hương thứ hai. Tượng đài còn nhằm nói lên cho người dân bản xứ hay rằng người Việt chúng ta đến đây vì lý do chính trị chứ không phải vì tỵ nạn kinh tế!





Sau khi cắt băng khánh thành, các vị lãnh đạo tinh thần đã làm lễ theo nghi thức của tôn giáo mình.

Tiếp theo, ông bà Ngũ Thời Trọng- người khai sinh của công trình này, người đã bỏ rất nhiều công sức và tâm huyết để quyết vượt khó khăn trở ngại quyết hoàn thành công trình xây dựng tượng đài, đã ngõ lời ngắn gọn để cảm ơn những vị ân nhân của các cơ quan chính quyền, cũng như Hội Người Việt TNCS và bà con Hamburg đã nhiệt tình yểm trợ tinh thần và vật chất để hoàn thành mỹ mãn công trình xây dựng tượng đài này.





Cũng cần ghi chú thêm, Ban Quản Trị Nghĩa Trang Ohlsdorf và Oejendorf đã cống hiến 36 thước vuông đất (với trị giá trên 27.000 EUR), chưa kể công đào xới chuẩn bị địa điểm xây cất. Cơ quan Hoch Bahn đã giúp phương tiện và chính vị chỉ huy và đồng nghiệp người Đức của ông Ngũ Thời Trọng đã đích thân lái xe chuyên chở không công tượng đài (cao hơn 3,50 m; đế 3 m x 2 m) bằng xi-măng cốt sắt nặng gần 2 tấn từ Oberhausen lên Hamburg. Ngoài ra cũng cần nhắc đến gia đình ông bà Bùi Đức Mạnh, cựu Đại Tá Quân lực VNCH và nhạc mẫu và nhạc phụ của nghệ nhân Hoàng Nhật Lục (Ngân), 26 tuổi, tác giả của tượng đài và chiếc lư trầm, đã không tính công sức để hoàn thành công tác điêu khắc chỉ trong vòng 6 tuần lễ mà biểu trưng được những đường nét văn hóa Việt Nam.





Đó là chưa kể đến thời gian ông bà Ngũ Thời Trọng và Nguyễn Thị Kim Thoa, sau giờ làm việc, đã lái xe đi thu nhặt và xin những thanh sắt dư thừa của các địa điểm xây cất (Baustelle) để làm trụ đổ bê-tông cốt sắt dựng tượng đài...

Trong những lần tâm tình, ông bà Ngũ Thời Trọng cho biết, ban đầu chỉ dự tính làm một tấm bia tưởng niệm đơn giản; nhưng khi tiến hành, ông bà gặp được nhiều người góp ý và nhất là gặp được những may mắn bất ngờ khi được giới thiệu với nghệ nhân Hoàng Nhật Lục và lại được các vị đại diện của các nghĩa trang Oejendorf và cơ quan Hoch Bahn hết lòng giúp đỡ về mọi phương diện. Ông bà cho rằng, với tấm lòng chân thành thiết tha nên ông bà được những linh hồn của thuyền nhân phò trợ!

Tiếp đến là phần phát biểu cảm tưởng của các hội đoàn.


Hầu như ai cũng muốn nói nhiều để ca ngợi công lao của ông bà Ngũ Thời Trọng, ca ngợi cộng đồng người Việt địa phương đã làm được một công trình có ý nghĩa và để tố cáo tội ác của CS Việt Nam.

Riêng bà Ursulla Leilich, bà đã kể vài câu chuyện thương tâm về người vượt biển mà bà biết được trong thời gian bà còn phụ trách phần giúp đỡ cho người Việt tỵ nạn, người bị chết chìm, người bị hải tặc giết, đàn bà con gái bị hải tặc Thái Lan hãm hiếp hoặc bị bắt đi cho đến nay không có tin tức gì cả... Ôi, những câu chuyện thương tâm này người Việt hải ngoại làm sao quên được!



Được biết, đây là tượng đài tưởng niệm thuyền nhân thứ ba của Âu Châu sau Thụy Sĩ và Vương Quốc Bỉ. Ở Mỹ và Canada cũng đã có rất nhiều và sẽ còn có rất nhiều tượng đài tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam ở nhiều nơi khác nữa. Cách đây vài năm chính quyền CS Việt Nam đã làm áp lực với chính quyền Indonesia và Mã Lai để phá hũy hai bia tưởng niệm thuỳền nhân tử nạn trên biển cả tại đảo Galang và Paolo Bidong nhằm xóa sạch những tàn tích tội ác của CS Việt Nam.



Nhưng chắc chắn rằng rằng cộng sản sẽ không bao giờ phá hũy hết những tượng đài hay bia tưởng niệm, vì mỗi thuyền nhân chúng ta là một tấm bia sống tố giác tội ác của cộng sản trên khắp thế giới...

http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=45&nid=96458

No comments: