Tuesday, March 17, 2009

BÙI TÍN

=



Nhìn lại cuộc Cải cách ruộng đất: Những bài học còn nóng hổi

Cuộc Cải cách ruộng đất (CCRĐ) được thực hiện trên miền Bắc nước ta đã hơn một nửa thế kỷ. Sau 3 năm thực hiện, do sai lầm nặng nề và phổ biến, Đảng Cộng sản (ĐCS) buộc phải nhìn nhận sai lầm (tháng 10-1956) và sửa sai. Họ không thành tâm và cũng không thể sáng suốt để nhìn thật rõ và thật đủ những sai lầm, do đó họ không sửa được sai lầm.


Bi kịch CCRĐ kéo dài trong không gian và thời gian, chồng chất ngày càng nhiều những đau khổ và tàn phá cho đất nước và dân tộc. Lúc này, những người dân chủ và yêu nước nhìn lại bi kịch ấy và phân tích cho sâu sắc hơn là một việc làm cần thiết, có ích. Nhân dịp này, những bài viết của anh Nguyễn Minh Cần, anh Trần Gia Phụng và những buổi phát thanh chuyên đề của Đài Châu Á Tự do RFA rất có giá trị. Có người bảo CCRĐ đã diễn ra hơn nửa thế kỷ, đi sâu vào dĩ vãng rồi, hay ho gì mà bới móc ra. ĐCS đã sửa sai, đã đổi mới hơn 20 năm rồi, nhắc lại chuyện xưa cũ làm gì! Không! Vẫn cần nhắc lại và rút ra những bài học sâu sắc hơn, giúp ích cho con đường đi lên và hòa nhập của đất nước, để chia tay dứt khoát với những sai lầm trong quá khứ, để mạnh bước trên con đường đổi mới thật sự.



Cần nhìn lại cuộc CCRĐ với con mắt thực tiễn, tôn trọng sự thật lịch sử, trên tinh thần nghiên cứu khoa học cũng như trên lập trường đấu tranh cho dân chủ, tự do. Từ đó cũng nên nhìn rộng ra vấn đề chiến lược: quan hệ giữa ĐCS với nông dân Việt Nam. Sau khi có thời gian nửa thế kỷ để nhìn lại và suy nghĩ, chúng ta nên tập trung chú ý đến những vấn đề và bài học dưới đây: 1. Cục diện mới dẫn đến Cải cách ruộng đất Những ai từng sống những năm giữa thế kỷ 20 ở Việt Nam có thể nhớ lại không khí lãng mạn nhẹ nhàng trong cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp, với những bài hát sôi nổi "Bao chiến sỹ anh hùng…", "Nào ta đi hùng binh…", "Diệt phát xít…". ĐCS rút vào bí mật, các cuộc thanh trừng diễn ra kín đáo, tuổi trẻ sẵn sàng xông ra trận để bảo vệ nền độc lập. Từ cuối năm 1949, năm 1950 và 1951 một cục diện mới mở ra. Đảng Cộng sản Trung Quốc thắng to và rất nhanh, chiếm cả lục địa Trung Hoa, lập nên nước Cộng hòa Nhân dân, Quân giải phóng Trung Quốc đến biên giới Trung-Việt; Việt Nam chấm dứt thời kỳ bị cô lập, quan hệ Việt–Trung về mọi mặt mở ra rất rộng rãi về ngoại giao, kinh tế, quân sự, văn hóa…




Ảnh hưởng của Trung Quốc tràn vào Việt Nam như nước lũ, từng đoàn cố vấn Trung Hoa nhập Việt, cùng với viện trợ quân sự đủ trang bị mới hoàn toàn cho 6 sư đoàn bộ binh và 1 sư đoàn pháo binh; rồi gạo, vải, đường, thuốc men, xe Giải phóng…; hàng ngàn cán bộ quân sự, kinh tế, giáo dục, y tế, văn hoá sang Trung Quốc học tập; mọi người nô nức học tiếng Tàu và tiếng Nga. Khắp nơi nhảy ương ca, "đồ đồ đồ sol đồ, đồ đồ đồ sol rê, rê rê rê mí xì rê, rê rê mí rê đô là…"; những đoàn văn công Trung Quốc sang biểu diễn…; sách đỏ Mao tuyển và huy hiệu hình Mao tràn ngập. Cuối năm 1949, ông Hồ Chí Minh đi Bắc Kinh và Moskva, gặp Mao Trạch Đông và Stalin. Tháng 2–1950 La Quý Ba, đại sứ Trung Quốc cùng đoàn chuyên gia đến Việt Bắc. Tháng 9–1950 Chiến dịch Biên giới, được đoàn chuyên gia quân sự cầm đầu bởi tướng Trần Canh làm quân sư, mở rộng biên giới Việt-Trung từ Cao Bằng, Lạng Sơn đến Tiên Yên, Móng Cái.




Có thể nói lý luận Trung Quốc, kinh nghiệm Trung Quốc, hàng hóa Trung Quốc, vũ khí Trung Quốc, phim ảnh Trung Quốc, sách báo Trung Quốc… trở thành cuộc sống bao trùm các vùng giải phóng, còn gọi là "vùng tự do". Vì vùng giải phóng là vùng tự túc, khép kín, cách biệt với vùng tạm chiếm nên cũng là cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài; hàng phương Tây đều gọi là hàng địch, hàng lậu, hàng cấm. Chính trong không khí ấy, trong những điều kiện ấy mà cuộc Cải cách ruộng đất là một sản phẩm Trung Quốc, mang nhãn hiệu thuần Trung Quốc, từ mục tiêu đến cách tiến hành theo các bước cụ thể; có thể khẳng định đây là một đặc sản Trung Quốc. 2. Đặc sản Trung Quốc Từ chủ trương đến phương châm và biện pháp: tháng Giêng năm 1950, khi ông Hồ gặp Mao Trạch Đông ở Bắc Kinh và Stalin ở Moskva, cả 2 lãnh tụ cộng sản này đều thúc giục ông Hồ phải về làm ngay cải cách ruộng đất để còn đi đến xóa bỏ tư hữu ở thành thị và nông thôn. Stalin còn phân công cho ĐCS của Mao việc giúp đỡ cho cách mạng vô sản ở châu Á, trước hết là Việt Nam. Ông Hồ luôn coi Stalin và Mao là hai bậc thầy của mình, những người không bao giờ phạm sai lầm, nên khi về nước là thực hiện.




Cũng theo thúc giục của Stalin và Mao, đầu năm 1951 Đại hội II của ĐCS họp ở Tuyên Quang, ra công khai trở lại dưới tên mới Đảng Lao động Việt Nam và ra Nghị quyết về Cải cách ruộng đất. Từ Á–Phi sang Âu-Mỹ, xưa nay đã có biết bao nhiêu cuộc cải cách ruộng đất. Các cuộc cách mạng tư sản dân quyền đều đặt vấn đề chia lại ruộng đất cho nông dân. Thế nhưng khi các Đảng Cộng sản Liên Xô và Trung Quốc đặt ra vấn đề CCRĐ thì mục đích không phải là chia ruộng cho nông dân, mà là một mục đích khác, đó là thiết lập và củng cố sự thống trị còn mới mẻ của ĐCS lên toàn xã hội, điều mà họ công khai tuyên bố: thiết lập nền chuyên chính vô sản, một nền chuyên chính đầy máu và nước mắt.



Ở Trung Quốc, sau cuộc Vạn lý Trường chinh (từ tháng 10-1934 đến tháng 10-1935) ĐCSTQ bị mất đến 9/10 lực lượng. Quốc dân Đảng của Tưởng Giới Thạch phát triển mạnh; sau khi phát xít Nhật thua trận, Quốc dân Đảng củng cố chính quyền trên toàn quốc theo hướng quân phiệt. Cuối năm 1945, được Stalin chuyển cho toàn bộ số vũ khí tước được của đội quân Quan Đông Nhật ở quân khu Mãn Châu, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc lớn mạnh rất nhanh và chỉ trong 2 năm, từ 1948 đến 1949 đã Nam hạ, chiếm toàn lục địa Trung Quốc. Đột nhiên chiếm được một vùng đất lạ mênh mông lâu năm dưới sự cai trị của Quốc dân Đảng, nên ĐCSTQ cần làm gấp cuộc CCRĐ để quét sạch tàn dư còn khá nặng nề và nguy hiểm ấy. Điạ chủ Quốc dân Đảng bị bắn, giết, chôn sống như rạ.

Cần nói rõ rằng các cố vấn Trung Quốc về CCRĐ sang Việt Nam đều dự "thổ địa cải cách" ở Trung Quốc, có khá nhiều kinh nghiệm thực tế ở vùng Hoa Nam; nhưng họ có trình độ văn hóa rất hạn chế, hầu hết xuất thân từ thành phần cơ bản bần cố nông nghèo khổ thất học, lần đầu tiên đi ra nước ngoài, lại mang nặng tư tưởng nước lớn Đại Hán tộc, nên luôn có thái độ trịch thượng, tự coi mình là giỏi giang, cái gì cũng biết để dạy bảo người khác.


Về phía Việt Nam, các cấp đoàn ủy (chỉ đạo một vùng) và đội (chỉ đạo một xã) cũng đều được tuyển lựa trong lớp bần cố nông - 3 đời nghèo khổ -, nên thường là dân mù chữ, đi làm thuê, mới được học bình dân học vụ và bổ túc văn hóa, không có khả năng lãnh đạo, càng không có tư duy độc lập, nên chỉ còn biết vâng dạ trước các đồng chí cố vấn, "phái viên quý báu" của "Mao chủ tịch vĩ đại", dù cho các vị này - từ tổng cố vấn Kiều Hiểu Quang trở xuống - chỉ chuyên mang thực tế Trung Quốc thay cho thực tế Việt Nam. Máu đổ rùng rợn từ đó. Vậy mà năm 1956, khi nhìn ra sai lầm, thú nhận sai lầm và đề ra sửa sai ở Hội nghị Trung ương 10, những người lãnh đạo ĐCSVN không một ai dám nói gì đụng đến Trung Quốc. Tất nhiên trách nhiệm trước hết là ở thái độ chủ quan, giáo điều, xa rời thực tế của ĐCSVN, nhưng không thể bỏ qua cội nguồn của những sai lầm ấy là thái độ sùng bái Trung Quốc, sùng bái Mao, sùng bái ĐCSTQ, sùng bái đoàn cố vấn CCRĐ, sùng bái kinh nghiệm Trung Quốc.


Những người lãnh đạo ĐCSVN đã từ nhiệm vai trò chủ nhân ông đất nước mình, từ nhiệm vai trò làm chủ trong lãnh đạo đất nước, tự biến mình thành kẻ tay sai ngay trên đất nước mình. Chính do thái độ mù quáng, sùng ngoại, tê liệt trong tư duy và suy luận, thiếu bản lĩnh tự hào dân tộc mà Bộ Chính trị ĐCSVN suốt trong năm 1954 và đến cuối 1955 vẫn tin và truyền bá công khai rằng: địa chủ Việt Nam ta rất ma quái, phần lớn giấu thành phần giai cấp để chỉ là phú nông và trung nông; rất nhiều địa chủ giả bộ, đóng kịch làm địa chủ kháng chiến; rất nhiều tên địa chủ giả vờ hăng hái ủng hộ cách mạng, góp vàng bạc, tiền, hiến nhà chỉ để che giấu tội ác; nhiều tên chui vào ĐCS, không ít tên còn chui sâu, leo cao…; phần lớn Đảng bộ và chi bộ Đảng vùng đồng bằng Bắc bộ là do Đơ Bê - deuxième bureau, Phòng nhì quân viễn chinh Pháp - tổ chức...


Theo thôi thúc của cố vấn Tàu, các tôn giáo bị diệt thẳng tay, sư sãi cha cố bị đi làm khổ sai, tiếng chuông chùa im bặt, tượng Phật, ảnh Chúa bị liệng xuống ao. Tôi nhớ lại, giữa năm 1955, khi "địa chủ cường hào ác bá kiêm Việt gian" bị bắn la liệt và bừa bãi - suốt từ Thái Nguyên về Hưng Yên, Thái Bình, Kiến An, từ Hà Đông, Ninh Bình vào Nghệ An, Hà Tĩnh, gây xôn xao dữ dội, các tờ thông tin và đặc san về CCRĐ vẫn đưa tin về chỉ thị của Bộ Chính trị là "tỷ lệ 5% dân số là địa chủ là tỷ lệ chính xác (!) trên thực tế", và "mỗi xã phải có ít nhất 2 đến 3 địa chủ ác bá để chịu tội tử hình là đúng đắn’’. Nơi nào không đạt những tỷ lệ ấy là đã bị nhiễm căn bệnh hữu khuynh, phải làm lại; phải luôn nhớ đây là "cuộc cách mạng long trời lở đất’’, phải nắm vững phương châm "phóng tay phát động quần chúng, nghĩa là làm mạnh, dù có tả khuynh đôi chút cũng không sao, còn hơn là hữu khuynh’’; "đừng e ngại các biện pháp mạnh, như đấu tố, dùng đông đảo quần chúng áp đảo địch và kẻ lừng chừng, dùng tòa án và các cuộc xử tử tại chỗ để gây khí thế’’. Chính lãnh đạo ĐCS đã thôi thúc cuộc tàn sát, đến tận giữa năm 1956 khi xã hội đã phản ứng mạnh mẽ. Rõ ràng tình hình Trung Quốc và Việt Nam khác hẳn nhau về chính trị, kinh tế, về chiếm hữu ruộng đất, về các giai cấp và tầng lớp ở nông thôn, về các đảng phái chính trị. Áp dụng máy móc kinh nghiệm Trung Quốc vào Việt Nam rõ ràng là sai lầm cơ bản nhất, là nguyên nhân của những nguyên nhân sai lầm kéo dài dai dẳng hơn 2 năm trời qua cả 5 đợt cải cách, đến năm 1956, sau khi Đại hội 20 của ĐCS Liên xô (tháng 2-1956) công khai công nhận sai lầm về sùng bái cá nhân Stalin, cuộc họp Trung ương lần thứ 10 Đảng Lao động Việt Nam (tháng 9-1956) mới dám làm theo để công khai công nhận sai lầm của mình. Cần chỉ ra thật rõ rằng cuộc kiểm điểm sai lầm này vẫn còn rất hời hợt, không sâu sắc triệt để, sửa sai do đó vẫn chỉ sơ sài hình thức, vin cớ là trong thời kỳ chiến tranh, "phải tránh không cho địch lợi dụng’’, "phải chiếu cố miền Nam, tránh làm cho bà con trong Nam giảm niềm tin, kẻ địch trong Nam lợi dụng…’’.



Do thái độ sùng bái Trung Quốc, e sợ ĐCSTQ, kiểm điểm sai lầm không dám đụng đến Trung Quốc nên từ đó ĐCSVN vẫn kéo dài căn bệnh cúi đầu trong ứng xử với Trung Quốc, với những hệ quả tai hại lâu dài cho đất nước và dân tộc, kéo dài cho đến tận ngày nay mà vẫn chưa biết bao giờ mới chấm dứt. 3. Bàn tay của Trung Quốc trong chia đôi Việt Nam Tuy không trực tiếp liên quan đến cuộc CCRĐ, nhưng chuyện này không thể bỏ qua khi nói đến CCRĐ vì nó xảy ra ngay khi CCRĐ đang ở cao điểm tại Việt Nam và nó cũng bắt nguồn từ thái độ sùng bái Trung Quốc, ở thái độ từ nhiệm quyền tự chủ, quyền độc lập của Việt Nam. Chuyện này khá dài. Chỉ xin nói rất gọn để rõ do đâu mà nước ta vốn liền một dải bỗng nhiên bị chia làm hai, hai chế độ, hai nhà nước, hai chính phủ, hai phe…; vết thương chia cắt đến nay vẫn chưa thành sẹo, sự chia cắt đã tác động sâu sắc đến cuộc sống của mỗi gia đình, mỗi con người Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua.



Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập ngày 1-10-1949, đến những năm 1953, 1954, vị trí quốc tế còn rất thấp (mãi đến năm 1971 Bắc Kinh mới được vào Liên Hợp Quốc). Mao và Chu Ân Lai đã sử dụng cuộc chiến tranh Pháp-Việt như một phương tiện để tìm kiếm một tư thế ngoại giao trên trường quốc tế. Moskva đã tiếp tay cho Bắc Kinh, đề xướng cuộc họp quốc tế ở Genève (Thụy Sỹ) đầu năm 1954 nhằm tìm giải pháp cho hai cuộc chiến tranh ở Triều Tiên và ở Việt Nam. Mỹ, Anh và Pháp đều tán thành. Đây là cuộc ra mắt quốc tế đầu tiên của nước Trung Hoa cộng sản. Đoàn đại biểu Trung Quốc do Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Chu Ân Lai dẫn đầu. Qua kể lại, văn kiện hội nghị và hồi ký của những nhân vật tham dự như Molotov (Ngoại trưởng Liên Xô), Chu Ân Lai (Ngoại trưởng Trung Quốc), Phạm Văn Đồng (Ngoại trưởng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), Tạ Quang Bửu (Thứ trưởng Quốc phòng miền Bắc Việt Nam)… thì thoạt đầu đoàn miền Bắc chỉ có một dự kiến là ngừng bắn tại chỗ, trong khi chờ thời hạn cuộc tổng tuyển cử tự do trên toàn quốc.



Đó là ngừng bắn theo kiểu "da báo’’, từng vùng xen kẽ với nhau, không chia đôi, không cắt ngang đất nước qua một vĩ tuyến nhất định. Trong tư tưởng quân sự của các tướng Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Lê Trọng Tấn, Trần Văn Trà… hồi ấy, lập trường "ngừng bắn tại chỗ’’ dựa trên thế trận đang thuận lợi trên toàn quốc, và nhìn rộng hơn, là thế trận trên toàn chiến trường Đông Dương. Trên chiến trường chính là miền Bắc, chiến thắng vang dội Điện Biên Phủ đã được sự phối hợp và hỗ trợ khá mạnh của các chiến trường Trị Thiên, Tây Nguyên (nơi cả GM 100 bị tiêu diệt trên đường 13 và 14), Đông Nam bộ và đồng bằng sông Mêkông, cũng như ở gần Luang Prabang, Phong Saly, Paksé-Sénô ở Lào. Vùng giải phóng rộng lớn ở đồng bằng Liên khu 5 là nguồn nhân lực và vật lực quan trọng cho cuộc chiến.



Người đề ra việc chia cắt Việt Nam làm hai miền chính là Chu Ân Lai, nhằm làm cho cuộc họp kết thúc nhanh, được phía chính phủ Pháp tán thành ngay giữa thái độ sửng sốt, ngỡ ngàng của trưởng đoàn Phạm Văn Đồng và tất cả đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đầu tháng 7-1954, Chu Ân Lai từ Genève trở về Bắc Kinh báo cáo với Mao rồi ghé qua Liễu Châu ở Quảng Tây, gần biên giới Trung- Việt, triệu tập ông Hồ Chí Minh và tướng Giáp sang gặp tại đó, ép buộc chấp nhận giải pháp chia cắt. Chu ép rằng "Mao chủ tịch đã tán thành ý kiến này; chia cắt chỉ tạm thời thôi, trong khi chờ tổng tuyển cử toàn quốc; phải giải quyết sớm không thì Mỹ sẽ can thiệp…’’. Ông Hồ băn khoăn đành cúi đầu, tướng Giáp cay đắng vẫn phải vâng lời. Chu còn ngỏ ý việc chia cắt sẽ ở vào quãng vĩ tuyến 16, nơi hồi 1945 các nước Đồng minh quy định ranh giới cho việc giải giới quân phát xít Nhật (quân Anh ở phía Nam, quân Trung Hoa Tưởng ở phía Bắc). Ngày 20/7/1954, ngay trước ngày ký Hiệp định Genève, chính cũng lại Chu Ân Lai ép Phạm Văn Đồng chấp nhận việc chia cắt ở vĩ tuyến 17, dọc theo sông Bến Hải, viện cớ rằng Thừa Thiên-Huế là Cố đô, có nhiếu lăng tẩm nhà Nguyễn nên Pháp và ông Bảo Đại không chịu nhượng bộ.



Lại một quả đắng phải nuốt vì trước đó Phạm Văn Đồng, Tạ Quang Bửu nhận điện của tướng Giáp từ Hà Nội… đã cò kè với phía Pháp đường chia cắt phải ở vĩ tuyến 13 (qua đèo Cả) rồi lùi về vĩ tuyến 14, 15, rồi cố giữ ở vĩ tuyến 16 (phía Nam đèo Hải Vân) như Chu Ân Lai từng hứa hẹn, mà cũng không được. Chỉ thị trước đó của Phạm Văn Đồng cho Tạ Quang Bửu khi mặc cả với phía Pháp: "không được để mất vùng Nam Ngãi Bình Phú (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên)’’ chỉ là ý muốn hão huyền. Chính con dao Bắc Kinh trong bàn tay của Mao và Chu Ân Lai đã cắt đôi đất nước ta với sự đồng thuận của nhóm lãnh đạo cộng sản ở Hà Nội. Sự chia cắt độc ác ấy nằm trong chiến lược chia để trị truyền thống của các thế lực bành trưởng cũng như của thực dân, để lại những di hại lâu dài. Bắc Kinh là kẻ hưởng lợi lớn nhất tại Genève năm 1954, được nâng cao vị trí quốc tế, được tiếng là có "đóng góp nổi bật cho hòa bình ở châu Á’’, được đóng vai cường quốc thế giới. Thái độ cam chịu làm chư hầu cho Trung Quốc là đường lối chiến lược nhất quán xưa nay của ĐCSVN, được khẳng định trong điều lệ của Đảng kể từ năm 1960 (Đại hội III, ghi rõ lấy tư tưởng Mao làm nền tảng lý luận).



Đường lối ấy chỉ tạm ngưng một thời gian ngắn khi bùng nổ mâu thuẫn Xô–Trung và chiến tranh biên giới Việt–Trung (1979), nhưng ngay sau khi ĐCS Liên xô tan vỡ (tháng 8-1991), đường lối ấy lại được khôi phục, còn mặn mà chặt chẽ hơn trước, suốt từ sau Đại hội VII (1991) đến Đại hội X, được Đỗ Mười và Lê Đức Anh bảo kê, còn kéo dài chưa biết đến bao giờ mới hết! Chính hai nhân vật này một mặt phải chịu trách nhiệm trong việc để Bắc Kinh lấn đất, lấn biển nước ta qua hai Hiệp định Việt–Trung 1999 và 2000, mặt khác trong việc trì hoãn ký kết Hiệp định Việt- Mỹ, cản bước Việt Nam sớm gia nhập WTO theo thâm ý của các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh. Nhắc đến thái độ bạc nhược của nhóm lãnh đạo cộng sản ở Hà Nội trước thế lực bành trướng Trung Quốc, xin nhớ ông cha ta vẫn căn dặn là phải cứng cỏi về nguyên tắc, dựa vào ý chí độc lập của toàn khối dân tộc, không thể chia rẽ, yếu đuối để họ lấn lướt "được đằng chân lân đằng đầu’’, đồng thời không khiêu khích, khôn khéo giữ hòa khí để duy trì quan hệ láng giềng bình thường và bình đẳng. Nhiều nhà trí thức dởm bênh che cho thái độ quỵ lụy dai dẳng của Bộ Chính trị ĐCSVN thường viện vị trí địa lý Việt Nam ở sát nước khổng lồ nên phải có thái độ biết thân phận mình, theo học thuyết địa lý-chính trị; họ lý giải: người ta không thể chọn láng giềng, đây là định mệnh (!), phải biết sống để tồn tại, cứ phải chờ, Trung Quốc đổi mới đến đâu ta đổi theo đến đấy. Song chẳng phải một loạt nước sống cạnh Trung Quốc, có biên giới với Trung Quốc: Ấn Độ, Miến Điện, Mông Cổ... vẫn giữ vững độc lập tự chủ đó sao? Họ đâu có thúc thủ chịu đựng cái bất hạnh địa lý–chính trị là có một nước láng giềng khổng lồ.



Bản thân dân tộc Hán lớn đến vậy, luôn tự hào là Đại Hán tộc, sống từ ngàn xưa trên đất Trung Quốc, thế mà từng bị những dân tộc nhỏ bé ở Mông Cổ và Mãn Châu tràn sang thống trị thời Nguyên Mông và Mãn Thanh. Ngày nay, với khoa học kỹ thuật và công nghiệp quốc phòng phát triển cao, không gian và thời gian bị thu lại rất hẹp, quan hệ quốc tế trên cơ sở những giá trị của thời đại được toàn cầu hóa với tổ chức Liên Hợp Quốc, không phải dễ gì mà một nước lớn lấn áp, thống trị được một nước láng giềng, trừ phi nhóm lãnh đạo của chính nước đó dại dột tự nguyện làm chư hầu cho nước lớn. 4. Món nợ lưu cữu của Đảng Cộng sản đối với nông dân Việt Nam Trong CCRĐ nông dân Việt Nam đã chịu bao nhiêu tổn thất? Theo thống kê nội bộ của ĐCS (chưa được công khai hóa), ở những vùng đã làm CCRĐ:
Số "địa chủ thường’’: 82.777, số quy sai: 51.480, tỷ lệ sai: 62%
Số "địa chủ kháng chiến’’: 586, số quy sai: 290, tỷ lệ sai: 49%



Số "địa chủ cường hào ác bá’’: 26.453, số quy sai: 20.493, tỷ lệ sai: 77% Như vậy là đã có hơn 80 ngàn gia đình địa chủ đã bị bắt bớ, đấu tố, hành hạ; mỗi gia đình có trung bình 4 đến 5 người, bị liên quan, nên số bị nạn lên đến 400 ngàn người. Họ mất nhà, mất tiền của, một số tự sát, còn sống cũng đói khổ, ốm đau, suy kiệt; khá đông gia đình bị tan vỡ, con cái thất học, bơ vơ… Số "cường hào ác bá’’ (bị coi là oan hay không oan) bị tù đầy, đánh đập, tra tấn rồi bị bắn lên đến hơn 26 ngàn, tính cả gia đình bị điêu đứng theo thì con số bị nạn có thể lên đến hơn 100 ngàn. Vậy là tính sơ sơ, số nạn nhân trực tiếp nói chung lên đến nửa triệu con người. Chưa hết, theo thống kê nội bộ, trong chỉnh đốn tổ chức được tiến hành ở 2.876 chi bộ ĐCS gồm có 15 vạn đảng viên, đã có đến 84.000 đảng viên bị xử trí (bị tù, tra tấn, xỉ vả, bị giết) chiếm 47%. Con số khủng khiếp này - nhiều hơn số địa chủ bị đấu tố - đã được giữ rất kín. Tôi có những bạn thân, đồng đội cấp trung đoàn (hồi ấy chưa có quân hàm) là trung đoàn trưởng, tỉnh đội trưởng… bị đánh rụng hết răng, mù mắt, gẫy chân; một số khi sửa sai thì đã bị lao phổi nặng do phải nằm đất ẩm, chỉ có manh chiếu rách. Số đảng viên bị tra tấn còn tàn khốc hơn dân thường vì bị coi là phần tử thù địch chui vào Đảng để phá từ bên trong. Hầu hết là đảng viên trí thức, có trình độ học vấn khá. Những biện pháp sửa sai đều hời hợt qua loa vì phần lớn của cải đã bị chia chác rơi vãi tan nát hết, còn người chết, tật bệnh hiểm nghèo, đau khổ không thể khôi phục nổi.


Cần chỉ rõ thái độ vô trách nhiệm, đạo đức giả của lãnh đạo khi ba hoa về sửa sai "kịp thời’’, "thành khẩn’’, "hoàn thành sửa sai". Với thời gian nửa thế kỷ, nhìn lại cho sâu sắc, thế là cả một lớp nông dân thuộc tầng lớp trên ở nông thôn, có văn hóa và kiến thức, am hiểu sâu nghề làm ruộng truyền thống đã bị tiêu diệt nhân danh cách mạng vô sản. Món nợ của ĐCS vẫn chưa hết. Ngay sau CCRĐ, chưa kịp sửa sai xong, ĐCS đã ép nông dân đi vào con đường tập thể hóa nông nghiệp, theo chỉ thị của Stalin và Mao.


Hợp tác xã từ bậc thấp lên bậc cao, từ hợp tác xã từng xóm thôn đến hợp tác xã toàn xã theo kiểu Công xã nhân dân Trung Quốc và nông trường xô viết ở Nga. Máu không tuôn chảy nhưng đó là con đường nghèo đói rã họng, chết dần chết mòn, suốt 25 năm từ 1960 đến 1985, nông dân chỉ sống cầm hơi nhờ mảnh đất 5% để lại cho từng hộ, trong khi 95% diện tích đưa vào tập thể không sản xuất nổi sản phẩm ngang bằng 5% kia. Mặc cho nông dân nghèo đói đến cùng cực, mặc cho vô vàn đảng viên kêu trời lên về sự phi lý ngu muội, như bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú Kim Ngọc bị vùi dập không thương tiếc; nông dân nhiều nơi bị dồn đến thế khốn cùng đã xé rào, tự cứu lấy mình, lúc ấy Đảng mới "sáng suốt’’, chịu mở mắt theo. Ngay sau khi nông dân thoát khỏi chiếc gông cùm tập thể hóa của ĐCS, được tự do sản xuất trên đồng ruộng mình sau năm 1986, lập tức sản lượng gạo nhảy vọt để Việt Nam trở thành nước sản xuất gạo hàng đầu; điều này càng chứng tỏ ĐCS đã tận tình tàn phá và bần cùng hóa nông nghiệp đến mức nào trong suốt gần 30 năm trời mụ mẫm và mù quáng.


Cùng với tai họa khủng khiếp tập thể hóa nông ngiệp, ĐCS huy động hàng triệu thanh niên nông thôn vào quân đội nhân dân, không ít tuổi trẻ đã phải sinh Bắc tử Nam, và ngay sau đó hơn 50 vạn lính nông dân đã bỏ mạng trên đất Cambốt (với 20 vạn bị thương). Và hiện nay Đảng đang đền ơn đáp nghĩa nông dân ra sao? Biết bao mẹ anh hùng, mẹ liệt sĩ nối đuôi nhau trước các nhà "tiếp dân’’ vì ruộng đất, nhà cửa đã bị quan chức Đảng, cường hào cộng sản cướp đoạt. Vậy thì câu hỏi ĐCS đã trả hết nợ với nông dân hay chưa vẫn còn nguyên tính chất nóng bỏng. Đồng ruộng đất đai là sinh mạng của nông dân. Hiến pháp vẫn khẳng định ruộng đất thuộc quyền sở hữu của toàn dân.


Nhà nước do ĐCS dựng nên, thay mặt toàn dân nắm quyền sở hữu ấy. Cuối cùng là ĐCS lộng quyền, tự tung tự tác, chia chác ruộng đất tùy tiện, để đến nay quan chức Đảng các cấp phần lớn trở thành những địa chủ tư sản mới, chủ nhà đất mới, phú nông mới, làm chủ đất, ruộng, rừng, hồ ao… ở khắp mọi nơi. Nông dân, người dân Việt ngày nay gọi các quan chức Đảng là lũ "địa tặc’’, lũ giặc cướp đất của dân; những kiện cáo, khiếu kiện về ruộng đất, nhà cửa ở khắp mọi nơi ngày càng chồng chất, một vụ chưa giải quyết đã lại nổ ra trăm ngàn vụ khác, oan khiên oán giận ngút trời, không có cách gì giải quyết nổi. Nhìn chung nông dân nước ta như con bò cái khỏe mạnh đã bị vắt kiệt sữa, bỏ đói dài dài, nay trơ xương, cay đắng nhìn về thành phố ra vẻ sung túc phồn vinh, ngậm ngùi về sự lạc hậu bất công, về sự phản bội lời hứa xây dựng một nông thôn xã hội chủ nghĩa tiên tiến giàu sang của ĐCS.



Đây là món nợ cực lớn. Kết luận Nhìn lại cuộc CCRĐ và mối quan hệ giữa nông dân Việt nam và ĐCS trong hơn nửa thế kỷ qua, có thể kết luận đó là mối quan hệ tuyệt hảo, tốt đẹp hay chỉ là một bi kịch kéo dài. Câu hỏi nóng bỏng rút ra từ thực tế lịch sử là: Đến bao giờ ĐCSVN mới trả lại quyền tư hữu ruộng đất đầy đủ cho nông dân, những người đã và đang khai khẩn, lao động làm ra nông sản cho xã hội, và trả lại cho mọi tầng lớp xã hội quyền tự do đầy đủ về kinh tế, chính trị, văn hóa và tôn giáo, như trong một xã hội dân chủ văn minh? Đến bao giờ ĐCSVN mới trở về với nền độc lập tự chủ của dân tộc, từ bỏ thái độ thần phục nước lớn, khôi phục các vùng đất và vùng biển đã mất, để cùng nhân dân mình theo con đường phát triển đúng đắn gắn bó với thời đại dân chủ văn minh?


Trên đây là hồi tưởng và suy nghĩ của một người từng ở trong lòng cuộc CCRĐ để quan sát và thuật lại, nhân dịp nửa thế kỷ cuộc sửa sai (tháng 10-1956). Xin chớ vội cho là tôi đã cố tình thổi phồng sự kiện, phóng đại tình hình vì cay cú không còn ở trong Đảng. Tôi đã cố giữ tinh thần trung thực của một chiến sĩ dân chủ, lấy sự thật và chỉ có sự thật làm mục tiêu và động lực tinh thần, nhằm làm cho bà con nông dân ta, tuổi trẻ và cả những người cộng sản nhìn lại một cách tỉnh táo và lương thiện về những vấn đề chiến lược: nền độc lập dân tộc và quan hệ giữa nông dân Việt nam và ĐCSVN. Người viết mong được nhiều ý kiến nhận xét, đối thoại và tranh luận từ mọi hướng, từ các nhà nghiên cứu ở trong nước, các viện sĩ, giáo sư, sinh viên ngành chính trị, lịch sử, triết học, kinh tế, văn hóa của Học viện Chính trị Quốc gia và Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn, đặc biệt là từ tuổi trẻ trong và ngoài nước và bà con nông dân quý mến. Paris tháng 10-2006 © 2006 talawas

No comments: