Tuesday, March 17, 2009

HỮU LOAN

Tội Ác CSVN: Cải Cách Ruộng Đất Qua Lời Kể Của Nhà Thơ Hữu Loan
Nhạc sĩ Trịnh Hưng ghi
(Trích :vietnamexodus.org)

Từ một tình sử đau buồn trong đó người vợ trẻ bị chết đuối sau đám cưới có bảy ngày, một anh bộ đội vệ quốc quân đã kể cho tôi nỗi đau buồn tê tái của mối tình đầu xuất hồn khỏi con tim ra thành bài thơ bất hủ. Chính bài thơ đó đã tạo nên tên tuổi anh. Cô dâu mới vô phúc kia là Lê Đỗ Thị Ninh. Đại tác phẩm thi ca nói trên mang nhan đề “Màu tím hoa sim” thuộc về nhà thơ Hữu Loan.


Nhà thơ già kể lại cho tôi nghe tình sử ấy một cách say sưa với nét mặt hằn vết nhăn tuổi tác như sống lại với kỷ niệm xa xưa cách nay nửa thế kỷ, rồi chua chát mỉm cười hỏi tôi: - Thỏa mãn chưa, chú Hưng?
Tôi trả lời : - Thưa anh, em thật thỏa mãn, vì đã hơn năm mươi năm rồi mới gặp lại anh, lại được chính anh kể cho nghe về tình sử đó. Từ trước tới giờ, không riêng em mà nhiều người từng yêu mến bài thơ “Mầu Tím Hoa Sim” cũng chỉ hiểu sơ qua lời tâm sự chứ không biết cặn kẽ về cuộc tình tuyệt đẹp mà đau buồn đó. Bây giờ, xin anh cho em biết thêm một chuyện khác về cuộc đời riêng của anh từ cuối năm 1952, sau ngày em về Hà Nội. Khi ấy, với chiến thắng Điện Biên Phủ cùng tái lập hòa bình cho xứ sở, rồi trở về đến thủ đô, lý do gì mà anh và anh Quang Dũng, những sĩ quan trung cấp ưu tú và văn nghệ sĩ nổi danh, lại không được nhà nước ưu đãi như đối với các người có công khác.


Ngược lại, các anh còn bị bỏ rơi, gạt ra khỏi giới nhà văn nhà thơ, bị treo bút và không cho công ăn việc làm. Đến nỗi anh Quang Dũng từ ngày về thủ đô chịu đói khổ, không có được một bữa cơm ăn đơn sơ cho no lòng. Còn anh thì bị trục xuất về quê và còn bị quản thúc, không được phép liên hệ với bất cứ ai. Tại sao lại như vậy, thưa anh? Thi sĩ Hữu Loan lại mỉm cười chua chát bảo tôi; - Chú muốn biết, anh sẽ kể rõ hết cho chú nghe. Chú, anh chị Trạch, và anh Trần Chánh Thành về Hà Nội, anh nào có hay. Sau đó, anh được anh Quang Dũng cho biết là anh ấy có đi đưa tiễn gia đình chú về Hà Nội. Anh bảo Quang Dũng rằng như thế là may cho anh chị Trạch và anh Trần Chánh Thành, chứ nếu ở lại hậu phương thì khổ, vì các anh ấy vốn thuộc giới trí thức làm quan lại cho Tây hồi xưa.


Đến cuối năm 1952 đầu năm 1953, chính phủ ta đi theo đường lối chính sách của Tầu. Đó là rập theo mô hình đấu tố của Mao đề ra đang được thi hành bên Tầu. Chúng gửi cố vấn sang Việt Nam, bắt buộc chính phủ ta phải thi hành việc đấu tố như Tầu. Cố vấn Tầu đưa Trường Chinh lên làm chủ tịch và Hoàng Quốc Việt làm phó, bắt đầu mở màn phát động chiến dịch đấu tố cái mà chúng gọi là “địa chủ cường hào”. Tụi cố vấn Tầu chỉ định đưa bà Nguyễn Thị Năm, tên hiệu là Cát-Thành-Long chủ một đồn điền lớn ở Thái Nguyên ra đấu tố làm điển hình.


Trong quá khứ, bà Cát-Thành-Long là một phụ nữ rất hiền hậu, yêu nước, thương người. Bà có tiệm ở Hà Nội lấy nhãn hiệu Cát-Thành-Long và là một nhà giàu nhất nhì Hà Nội trong thời Pháp thuộc. Chính bà đã nuôi nấng, giấu giếm trong nhà nhiều cán bộ cộng sản, giúp họ khỏi bị Tây bắt. Trong số cán bộ được bà Cát-Thành-Long che chở nuôi ăn có cả Trường Chinh và Hoàng Quốc Việt. Đến khi Việt Minh có chân trong Hội Đồng chính phủ, già Hồ ngầm tổ chức Tuần Lễ Vàng lấy tiền mua súng để thành lập quân đội thì người ủng hộ nhiều vàng nhất Hà Nội bấy giờ cũng chính là bà Cát Thành Long tức Nguyễn Thị Năm.


Rồi cuối năm 1946 chiến tranh Việt Pháp bùng nổ. Dân thành phố Hà Nội bỏ nhà bỏ cửa đi tản cư khắp trong vùng quê tỉnh nhỏ. Bà Năm cùng gia đình chạy lên Thái Nguyên ở vùng Việt Bắc vì nơi đó bà có một đồn điền lớn với nhiều tá điền. Những người này được bà Năm quý mến, lại tận tình giúp đỡ khi họ gặp khó khăn, và họ cũng đều thương mến kính trọng bà. Vào những năm đầu của cuộc kháng chiến, bộ đội phải sống rất vất vả trong nghèo nàn đói khát. Gạo không có mà ăn cho đủ no. Thường thường mỗi bữa mỗi người chỉ được hai miệng bát cơm gạo mục mốc đầy thóc và sạn. Cho nên, nhiều khi bộ đội hành quân qua đồn điền của bà Năm, quân số lên cả tiểu đoàn. Bà mời họ ở lại, sai người nhà mổ bò heo, làm gà vịt để bộ đội ăn no cho có sức ra trận đánh Tây. Vì thế bộ đội ở Việt Bắc lúc đó ai cũng thương bà, gọi bà là Mẹ chiến sĩ.


Thêm vào đó, bà có hai con trai đều đi bộ đội. Người con lớn làm đến sư đoàn trưởng, người con thứ làm đến trung đoàn trưởng. Cả hai đánh giặc rất hăng. Ấy thế mà sau này tụi cố vấn Tầu lại bắt Trường Chinh phải đem bà Năm ra đấu tố làm điển hình. Tên Trường Chinh quá sợ nên y theo lệnh. Hoàng Quốc Việt còn chút lương tâm, viết thư về trình cho Hồ Chí Minh hay vì hắn tin rằng chỉ có già Hồ mới đủ sức can thiệp cứu mạng cho bà Năm mà thôi. Nhưng không ngờ già Hồ làm ngơ khi đọc thư tường trình của hắn, để mặc Trường Chinh mang bà ra đấu tố cho đến chết. Hai con trai bà cũng sợ, không dám về hoặc kiếm cách can thiệp gì cả.


Sau khi hoàn thành việc đấu tố bà Nguyễn Thị Năm, bọn họ phát động phong trào đấu tố toàn tỉnh Thanh Hóa. Từ thành phố đến huyện xuống tới xã thôn, nơi nào cũng có cán bộ đến giải thích kích động hô hào. Biểu ngữ căng đầy đường. Ngày đêm, họ tụ họp các thanh niên nam nữ, thiếu niên, nhi đồng, đi thành từng đoàn, hô to những khẩu hiệu được học thuộc “Hãy giết sạch lũ địa chủ cường hào ác bá!” “Đào tận gốc, trốc tận rễ!” “Cường hào ác bá ra tro!”... Khắp chốn, các đội cán bộ đến lôi dân chúng ra tuyên truyền nhồi sọ những lời vu oan giá hoạ dùng để áp đặt lên những người bị đem ra đấu tố. Dân chúng kinh hoảng khi thấy đội cán bộ vào làng để học tập việc đấu tố. Quyền hành sinh sát trong tay họ. Dân chúng sợ quá nói với nhau “Nhất Đội, nhì Trời”! Đội gieo tang tóc, máu đổ thịt rơi, gây kinh hoàng, làm cho từng người dân đêm nằm ngủ không yên, lúc nào cũng nơm nớp lo có người trong đội hoặc du kích rình rập bên ngoài nghe trộm. Nhà thơ Hữu Loan ngừng nói, nhấp vài hớp trà, rồi nhìn tôi đăm đăm, kể tiếp : - Lúc đó, anh còn là chính trị viên tiểu đoàn. Anh thấy tận mắt những chuyện đấu tố. Hơn nữa, mình là người có học, hiểu biết luân thường đạo lý, lại có tâm hồn nghệ sĩ, nên anh cảm thấy chán nản quá và không còn kính trọng già Hồ cũng như chủ nghĩa cộng sản nữa. Tuy nhiên, anh đã trót làm đảng viên được mấy năm rồi. Thú thật với chú, lúc đó anh thất vọng vô cùng! Trong một xã thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cách xa anh ở độ mười lăm cây số, có một gia đình địa chủ rất giầu nắm trong tay gần năm trăm mẫu tư điền. Ông địa chủ giầu lòng nhân đạo, rất yêu nước thương người. Ông thấy bộ đội sư đoàn 301 của anh thiếu ăn, nên ông thường cho tá điền gánh gạo tới chỗ đóng quân để ủng hộ bộ đội. Anh là Trưởng Phòng Tuyên Huấn và Chính Trị nên phải thay mặt anh em ra cám ơn tấm lòng tốt của ông ta, đồng thời đề nghị lên Sư đoàn trưởng trao tặng bằng khen ngợi để vinh danh ông. Riêng anh rất quý mến và luôn luôn nhớ đến ông. Thế rồi một hôm anh nghe tin gia đình ông địa chủ ấy bị đội đấu tố mang cả hai vợ chồng ra cho dân đấu tố, sỉ vả, nhục mạ, rồi chôn xuống đất để hở có cái đầu lên thôi. Xong, họ cho trâu kéo bừa qua lại hai cái đầu cho đến chết. Gia đình ông bà địa chủ xấu số chỉ còn có một cô con gái mười bảy tuổi được tha chết nhưng bị đội đấu tố đuổi ra khỏi nhà với vài bộ quần áo. Dã man hơn nữa, chúng còn ra lệnh cấm không cho ai được liên hệ, nuôi nấng hoặc thuê cô ta làm công. Thời đó, cán bộ cấm dân chúng cả việc lấy các con cái của địa chủ làm vợ làm chồng. Anh Hữu Loan chớp chớp đôi mắt nhăn nheo có hai vành mi ướt đỏ đượm mầu thương cảm. Anh mím miệng, nuốt nước bọt cho bớt nghẹn cổ, rồi kể tiếp : - Biết chuyện thảm thương giáng xuống gia đình ông bà địa chủ mà anh hằng nhớ ơn, anh trở về xã đó xem cô con gái của họ sinh sống ra sao, vì trước kia anh cũng biết mặt cô ta. Lúc gần tới nơi, may sao anh gặp cô ta áo quần rách mướp, mặt mày lem luốc, đang lom khom tìm lượm vài củ khoai mà dân bỏ sót nhét vào túi áo, rồi chùi vội một củ vào quần đưa lên miệng gặm. Anh quá xúc động, nước mắt muốn ứa ra. Anh lại gần hỏi thăm và được cô ta kể lại rành rọt hôm cha mẹ cô bị đấu tố chết ra sao. Cô ta khóc mếu nói rằng gặp ai cũng bị xua đuổi; hàng ngày cô phải đi mót khoai ăn đỡ đói lòng, tối về ngủ trong cái miếu hoang; cô rất đói khổ lo lắng, không biết ngày mai còn sống hay sẽ chết vì đói khát! Anh nghe mà lấy làm thương tâm quá, trong lòng vô cùng xúc động. Anh bèn đem cô ta về quê của anh, rồi bất chấp lệnh cấm, anh đã lấy cô ta làm vợ. Cho đến ngày nay, bà ấy đã cho anh mười người con ngoan. Khi xưa, quê anh nghèo, nhà anh cũng nghèo, anh lại còn ở trong bộ đội nên không có tiền. Nhưng hai vợ chồng cố gắng chịu đựng đùm bọc nhau bữa đói bữa no. Sau khi lấy vợ, anh trở lại đơn vị làm đơn xin bỏ ngũ và trả lại thẻ đảng, rồi về quê luôn không chờ cấp trên có chấp thuận cho anh giải ngũ hay không. Được một năm, vợ anh sinh cho anh một cháu trai rất kháu khỉnh. Năm 1954 Việt Minh thắng thực dân Pháp. Cuối năm đó, nhà nước bảo Tố Hữu đặt Nguyễn Đình Thi là một văn nô làm chủ tịch hội nhà văn miền Bắc cộng sản, quy tụ hết nhà văn vào hội. Anh ở dưới quê nhưng Nguyễn Đình Thi cho mời anh lên Hà Nội nhận chức tổng thư ký hội nhà văn Bắc Việt.


Anh thương vợ con cả năm sống ở nhà quê với mảnh vườn ba trăm thước, nên bàn với vợ anh: ”Nhân dịp hội nhà văn mời cộng tác, vợ chồng mình lên đó có lương và tiêu chuẩn gạo cũng đỡ khổ hơn là ở quê nhà.” Thế là hai vợ chồng thu xếp lên Hà Nội ngay. Anh thi hành chức vụ tổng thư ký, được cấp một căn nhà nhỏ, được lĩnh gạo cho hai vợ chồng và hai đứa con trai. Hàng tháng, anh còn lĩnh số lương khiêm tốn để mua thức ăn. Sau ít tháng, Tố Hữu ra lệnh cho Nguyễn Đình Thi tổ chức Đại hội Nhà văn toàn thể miền Bắc quy tụ tất cả anh chị em văn nghệ dân sự cũng như quân sự. Tất cả mọi người kéo về Hà Nội họp mặt đầy đủ, ai nấy hồ hởi lắm. Hội Nhà văn mời hết khách quý trong các ngoại giao đoàn.


Anh được chọn làm thư ký ngày Đại hội. Cán bộ đảng và nhân viên chính quyền tới tham dự, có Hồ chủ tịch ra đọc diễn văn khai mạc cho long trọng. Trong bài diễn văn, ông Hồ chú trọng nhất đến trách nhiệm nặng nề của nhà văn lúc đó và vạch ra đường hướng cho anh chị em nhà văn đi theo. Tựu trung, ông muốn đưa ra một chỉ thị... Nghe anh Hữu Loan kể đến đây, một ý nghĩ nảy ra trong đầu, tôi vội giơ tay ngăn anh lại, rồi ôn tồn nói: - Xin anh vui lòng kể chi tiết buổi khai mạc Đại hội nhà văn có ông Hồ chủ tọa.


Anh Hữu Loan bóp trán, rồi chậm rãi nói : - Lúc ông Hồ ra đọc diễn văn khai mạc, ông cúi chào và cám ơn các quan khách, cán bộ đảng cùng nhân viên chính quyền, và các văn nghệ sĩ (mà ông gọi bằng “các chú”). Đọc xong diễn văn, ông nói thêm: ”Các chú văn nghệ sĩ hãy nghiêm túc học tập để hoàn thành nhiệm vụ cao cả của mình.” Đoạn ông hỏi: “Ai có ý kiến gì thì cứ mạnh dạn góp lời để bổ túc thêm. Tôi rất hoan nghênh.” Trong số anh em nghệ sĩ đi họp hôm đó có nhiều vị thuộc loại nhà văn tiền chiến nhiều tuổi hơn hoặc bằng tuổi ông Hồ. Thế mà ông ta cứ ngang nhiên gọi tất cả là “các chú”. Điều này làm anh nổi tự ái và nóng mắt. Anh liền giơ tay lên xin góp ý. Ông Hồ thấy anh xung phong liền đi lại bắt tay anh cười thân mật nói: ”Chú có ý kiến gì đóng góp, cứ tự nhiên phát biểu để mọi người cùng nghe.”


Anh khoanh tay lễ phép cúi đầu: ”Dạ thưa Chủ tịch kính mến của dân tộc Việt Nam, tôi được Chủ tịch cho phép đóng góp ý kiến, do vậy tôi xin mạo muội đưa ra một đề nghị nho nhỏ thô sơ, nếu có gì sơ suất thất thố xin Chủ tịch rộng lòng tha thứ cho.” “Không sao. Chú cứ tự nhiên góp ý.” Già Hồ nói. ”Kính thưa Chủ tịch kính mến, tôi thật là vui sướng được chỉ định làm thư ký trong những ngày Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất. Đại hội này là biến cố trọng đại sẽ được ghi vào lịch sử đồng thời cũng là niềm hãnh diện cho tất cả anh chị em văn nghệ sĩ khắp nơi được về thủ đô hội họp gặp mặt cùng nhau học tập chuẩn bị cho hướng đi ngày mai như lời dạy bảo của Chủ tịch nói trong bài diễn văn khai mạc.


Vinh dự lớn lao cho anh chị em văn nghệ sĩ là được Chủ tịch anh minh kính mến làm chủ tịch danh dự của ngày Đại hội cũng như đọc diễn văn khai mạc trước các quan khách ngoại giao đoàn, các cấp lãnh đạo đảng và nhà nước ta mới độc lập và có chủ quyền. Để Chủ tịch giữ trọn vẹn cương vị và tư thế của một vị lãnh đạo anh minh có công đuổi được thực dân Pháp giành độc lập cho quốc gia, tôi xin phép Chủ tịch góp một ý kiến thô thiển là xin Chủ tịch hãy gọi các văn nghệ sĩ là “anh chị em văn nghệ sĩ” thay vì “các chú văn nghệ sĩ”.


Bởi vì đây là ngày trọng đại có đủ quan khách quý hóa chứ không phải là một buổi họp tọa đàm thân mật của văn nghệ sĩ. Nếu ở trong buổi họp thân mật mà Chủ tịch gọi chúng tôi là “các chú” văn nghệ sĩ thì anh chị em sẽ vui lắm vì đó là lời thân mật của gia đình văn nghệ.” Nói xong, anh lễ phép cúi đầu chào Chủ tịch và các quan khách cùng văn nghệ sĩ ngồi dưới. Anh nghe có một vài tiếng vỗ tay. Liền đó, ông Hồ tiến lại bắt tay rồi ôm lấy anh với nụ cười rất xã giao của nhà chính trị. Ông nói: ”Tôi thành thật khen chú đã góp ý hay cho tôi. Tôi xin ghi nhận.” Nói xong, để tỏ ra mình là người trên biết ghi nhận lời kẻ dưới, ông Hồ quay lại nói với văn nghệ sĩ cùng quan khách bên dưới: ”Kính thưa văn nghệ sĩ, tôi xin thành thật ngợi khen lời góp ý của nhà thơ Hữu Loan, và bây giờ xin anh em ai có ý kiến gì hay cứ việc mạnh dạn lên đây phát biểu. Chúng ta là văn nghệ sĩ cần phải nói thẳng nói thật để sáng tác phục vụ cho nhân dân.”


Anh đi xuống bàn thư ký. Khi bước ngang qua hàng ghế đầu, anh liếc nhìn thấy Tố Hữu và Nguyễn Đình Thi mặt lạnh như tiền, hai cặp mắt nhìn anh không một tí thiện cảm. Anh biết hai ông thầy của anh rất ghét và tức anh, nhưng anh làm lơ về chỗ ngồi tiếp tục nhiệm vụ của mình. Tiếp theo đó, là phần thảo luận các đề tài trong bài diễn văn của ông Hồ nêu ra. Đến mười hai giờ, mọi người nghỉ đi ăn, chờ buổi chiều bàn tiếp. Anh cũng rời chỗ đi ăn cơm. Khi ra phòng ngoài, nhiều bạn bè xúm lại bắt tay anh ôm anh và tỏ lời khen ngợi anh can đảm nêu ý kiến rất hay. Tuy nhiên, một số đông nhìn anh bằng cặp mắt không những tỏ ra thiếu thiện cảm mà còn khinh khi nữa. Trong số bạn bè yêu mến và ca ngợi anh, có một anh bạn vỗ vai anh bảo nhỏ: ”Cậu hay lắm! Nhưng hãy giữ mình thận trọng đó!”


http://thangtien.de/index.php?option=com_content&task=view&id=881&Itemid=323

No comments: