Nguyễn Hữu Đang.
http://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_H%E1%BB%AFu_%C4%90ang
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Nguyễn Hữu Đang (1913-2007) là một nhà báo, một trong những người sáng lập nên Hội truyền Bá Quốc ngữ, là thứ trưởng Bộ Thanh Niên và là người chỉ huy dựng Lễ đài Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, nơi Hồ Chí Minh và Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mắt quốc dân. Ông cũng bị kết án 15 năm tù trong vụ án Phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm.
Mục lục[ẩn] |
[sửa] Tiểu sử
Nguyễn Hữu Đang (bí danh Phạm Đình Thái) sinh ngày 15 tháng 8 năm 1913 trong một gia đình trí thức tại làng Trà Vi, xã Vũ Công, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.
Ông tham gia Hội Sinh viên thị xã Thái Bình thuộc Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội và bị Pháp bắt vào cuối năm 1930 và bị giam hai tháng rưỡi tại thị xã Thái Bình. Mùa hè năm 1931, Nguyễn Hữu Đang bị đưa ra tòa xét xử, nhưng được tha, vì dưới tuổi thành niên. Sau đó, ông lên Hà Nội theo học Trường Cao đẳng Sư phạm.
Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, Nguyễn Hữu Đang tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939) trên lĩnh vực báo chí, viết và làm biên tập viên cho các báo Thời báo, Ngày mới và Tin tức. Ông hoạt động công khai ở Hà Nội, là đồng chí thân thiết của Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Trần Huy Liệu, Phan Thanh, Nguyễn Văn Tố.
Trong thời kỳ Đảng Cộng sản Đông Dương rút vào hoạt động bí mật (1939-1945), ông hoạt động trong khối trí vận của đảng, chuyên lo việc vận động giới tư sản và trí thức, là một trong những người sáng lập ra Hội Truyền bá Quốc ngữ (do Đảng Cộng sản Đông Dương đứng đằng sau hậu thuẫn) và làm Tổng Thư ký Hội. Năm 1943, ông tham gia Ban chấp hành Hội Văn hóa cứu quốc và gia nhập Tráng đoàn Lam Sơn của tổ chức Hướng đạo sinh Việt Nam. Mùa hè 1944, Nguyễn Hữu Đang tham gia tổ chức và chủ trì Hội nghị Giáo khoa thư Toàn quốc ở Hà Nội. Mùa thu 1944, ông bị bắt và bị giam giữ một tháng tại Nam Định.
Tháng 8 năm 1945, ông được Đại hội Quốc dân ở Tân Trào bầu vào Ủy ban Dân tộc Giải phóng Trung ương (Chính phủ Lâm thời khởi nghĩa) gồm 15 ủy viên. Khi Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Hữu Đang được phân công làm Trưởng ban Tổ chức Ngày tuyên bố Độc lập 2/9/1945. Ngày nay trên sách báo người ta hay nhắc đến câu nói của Hồ Chí Minh khi giao việc dựng Lễ đài Độc lập với thời gian hết sức gấp gáp, trang thiết bị thiếu thốn: "Có khó mới giao cho chú" (tức Nguyễn Hữu Đang).
Từ 11/1945 đến tháng 12/1945, ông tham gia Chính phủ Lâm thời, lần lượt giữ chức Thứ trưởng Bộ Thanh niên, Chủ tịch Ủy ban Vận động Hội nghị Văn hóa Toàn quốc, Trưởng ban Tuyên truyền Xung phong Trung ương, phụ trách báo Toàn dân Kháng chiến (báo của cơ quan trung ương Hội Liên Hiệp). Năm 1947, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ tháng 6/1949 đến tháng 10/1954, ông được cử làm Trưởng ban Thanh tra Bình dân học vụ. Từ tháng 11/1954 đến tháng 4/1958, ông làm biên tập viên tuần báo Văn nghệ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam.
Trong Kháng chiến chống Pháp, ông trải qua nhiều chức vụ khác nhau trong lĩnh vực tuyên truyền kháng chiến. Ông cũng là một trong những người đầu tiên dũng cảm phê phán sai lầm của Cải cách ruộng đất.
Năm 1954-1958 ông làm biên tập cho báo Văn Nghệ. Cuối 1956, ông làm biên tập báo Nhân Văn và cộng tác với báo Giai Phẩm. Tháng 4 năm 1958, ông bị bắt. Cùng với nhiều văn nghệ sĩ, trí thức tham gia phong trào Nhân văn-Giai phẩm, ông bị coi là kẻ "phản Đảng", "đầu cơ cách mạng". Tại phiên tòa xét xử kín ông cùng bà Lưu Thị Yên (bút hiệu Thụy An) ngày 21 tháng 1 năm 1960, ông bị kết án 15 năm tù vì tội "phá hoại chính trị", "làm gián điệp" và bị đưa lên giam giữ tại Hà Giang. Sau khi ra tù vào năm 1973 (có tài liệu nói năm 1974), ông bị quản thúc tại quê nhà Thái Bình. Suốt thời gian trong tù ông bị cách biệt với thế giới bên ngoài và không hề biết về cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam.
Năm 1986, sau Đại hội Đảng VI, ông bắt đầu được minh oan và phục hồi danh dự và được coi là "lão thành cách mạng". Từ năm 1990, ông được hưởng lương hưu trí. Từ năm 1993, ông về sống ở Hà Nội, được cấp một căn hộ tại khu nhà B tập thể Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Ông qua đời ngày 8 tháng 2 năm 2007 tại Hà Nội. Ông không có vợ, không có con. Ban Tang lễ của Bộ Giáo dục và đào tạo, Hội Khuyến học Việt Nam, tuần báo Văn Nghệ được thành lập do GS, TS Trần quang Vĩ, Chánh Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo làm Trưởng ban. Thi hài ông được hỏa táng và đưa về quê an táng ngày 11 tháng 2 năm 2007.
[sửa] Các bài viết của Nguyễn Hữu Đang
- Cần phải chính quy hơn nữa - báo Nhân văn số 4 ra ngày 5/11/1956
- Hiến pháp Việt Nam 1946 và Hiến pháp Trung Hoa bảo đảm tự do dân chủ như thế nào? - báo Nhân văn số 5 ra ngày 20/11/1956
- Bộ Vòng Xơ Men - báo Lao Động đầu tháng 12/1993
- Truyện tiếu lâm bên lề một hội nghị văn hóa gửi đăng báo Lao Động nhưng chưa xác nhận.
- Ngày Độc lập - hồi ký 200 trang đã có hợp đồng với NXB Văn hóa.
[sửa] Nhận định
Nguyễn Hữu Đang là một người cương trực, thẳng thắn, một nhà hoạt động chính trị, văn hoá khá nổi tiếng và là một nhân cách lớn. Mặc dù bị oan khuất gần 30 năm, nhưng ông vẫn tự cho mình là người cộng sản chân chính. Trong những tác phẩm của ông, người ta không thấy sự oán giận mà chỉ thấy sự khoan dung, nhân hậu, lòng tin vào tương lai của đất nước, dân tộc. Ông không phải là người sùng bái Hồ Chí Minh, nhưng sinh thời, ông vẫn kính trọng gọi cụ là "cha già dân tộc" và tỏ sự ngưỡng mộ hết sức sâu sắc với cụ, một người mà ông đã có nhiều năm gần gũi và làm việc chung. Thực chất, ông chỉ là người cộng sản đề cao dân chủ [cần dẫn nguồn]. So với các đồng chí cùng thời thì ông là người đi trước thời đại.
[sửa] Liên kết ngoài
- Những ngày cuối năm, tìm thăm người dựng Lễ đài Tuyên ngôn Độc lập - Bài viết về Nguyễn Hữu Đang trong bút ký Ba phút sự thật của Phùng Quán
- Bài viết về Nguyễn Hữu Đang của Phùng Quán tại website talawas
- Bài viết về Nguyễn Hữu Đang của Dương Trung Quốc tại VietNamNet
- Mẩu chuyện về việc Hồ Chí Minh giao cho Nguyễn Hữu Đang nhiệm vụ lãnh đạo Ban tổ chức Lễ độc lập năm 1945 tại VietNamNet
- Tiểu sử Nguyễn Hữu Đang, có bản chụp tiểu sử viết tay.
No comments:
Post a Comment