Thursday, March 19, 2009

ĐỖ VĂN PHÚC

=






<>Ai Cũng Đáng Tội Chết

>Những Ngày Đầu ở Trại Cải Tạo Long Khánh: Mười Bài

Đỗ Văn Phúc




Sau khoảng 2 tháng, từ Trại Lê Lợi, vốn là khu Tiếp vận của Tiểu khu Long Khánh, chúng tôi được di chuyển qua một khu gia binh cũ của Trung đoàn 48, Sư đoàn 18 BB. Nơi đây có danh số là Trại 2, Liên trại 2, đoàn 775.
Trại mới này chỉ có một hai hàng rào đơn sơ bên ngoài. Có nhiều dãy nhà xây táp lô chia từng căn cho các gia đình binh sĩ trước đây. Chúng tôi được phiên chế thành 4 Đội (C), Mỗi đội có 4 B, mỗi B có 4 A. Mỗi A 10 người ở một căn. Căn nhà có một phòng phiá trước bề ngang chừng 3 mét, sâu khoảng 10 mét. Tiếp đến là khoảng trống làm nơi gia đình giặt rưả, sau đó là cầu tiêu và bếp. Chúng lót một sạp gỗ bào thô sơ suốt chiều dài căn phòng chính làm chỗ nằm cho chúng tôi. Lấy lý do dân miền Nam ăn ở dơ dáy “Các anh iả cả trong nhà”, Chúng ra lệnh đập phá hết các cầu tiêu, rồi ra bên ngoài vòng rào thứ nhất của trại để đào các hố cầu có gác hai thanh sắt dùng để ngồi. Thế là chúng tôi học được bài học thứ nhất: chế độ CS đưa miền Nam từ văn minh cơ giới (nhà cầu con thỏ giật nước) xuống hàng văn minh trung cổ (nhà cầu hố lộ thiên)


Chúng tôi phải tự đào giếng mà dùng. May thay, chỉ đào khoảng 5 mét là có nước. Thật không ngờ anh em sĩ quan - trước khi đi lính chỉ là sinh viên, học sinh – mà lại tháo vát vô cùng. Với hai bàn tay không, chúng tôi đã tự chế ra các công cụ như dao chặt thép, cưa bào, đục, gàu múc nước, ròng rọc để kéo nước giếng… Chúng tôi cắt được cả những tấm vĩ hợp kim nhôm pha magnesium dày 4 5 cm mà ngày xưa dùng lót các phi đạo nó cứng đến độ nào. Mà đường cắt lại thẳng băng như cắt bằng máy. Chúng tôi làm gàu múc, thùng chứa nước bằng bất cứ thứ vật liệu gì có thể kiếm được. Chúng tôi lượm các đai niềng các kiện hàng. Khi bằm một mặt dẹp thì dùng làm dũa, khi băm phần cạnh thì dùng làm cưa. Mấy tay cán bộ miền Bắc thấy thế, hỏi: “Các anh trước đây là kỹ sư à?”




Tại trại tù này, chúng tôi được trấn an rằng: “Các anh không phải là tù. Các anh là “học viên” được tập trung ngắn hạn để “học” chính sách đường lối của “cách mạng”. Hoặc: “Các anh phải tỏ ra “hồ hởi, phấn khởi”, Cách mạng đã đưa các anh vào đây cho ăn học. Cớ gì mà phải lo âu, buồn bả. Học tiến bộ rồi thì về với gia đình, xã hội tạo cuộc sống mới ấm no hạnh phúc.” Khi có người cắc cớ hỏi rằng: “Trường học sao kẽm gai giăng đầy?” Một tên cán trả lời: “Các anh vẫn có tự do chứ. Tự do đi lên xuống từ nhà đến nhà bếp, quanh quẩn trong khu của mình. Các anh được tự do nói lên những điều sai trái của Mỹ Ngụy, hay nói những điều hay đẹp của bác Hồ, của “cách mạng”. Đừng tự cho mình là tù nhé!”



Tuy thế, chúng tôi đã sớm chứng kiến những hành vi dã man của tên Trưởng trại hung ác như Thượng úy Lê Tranh, và một tên Đội trưởng đội 6 – đã rút súng bắn chết tươi một anh em chúng ta trên đường đi lấy củi từ chân núi Chứa Chan về; chỉ vì anh bạn xấu số chưa kịp đứng lên theo lệnh y. Chỉ mới trong thời gian 6 tháng đầu, đã có vài anh trốn trại. Khi bị bắt lại, các anh đã bị đánh đập dã man. Bọn cai tù treo ngươc các anh trong conex trong nhiều tuần lễ. Đêm nào cũng có vài tên vào đánh đập các anh. Phiá sau dãy nhà đội 8, có một căn phòng u ám. Chúng tôi thường nghe tiếng rên rỉ mỗi ngày một yếu dần của một người nào đó. Một hôm, chúng tôi đánh bạo mon men lại gần và đã thấy một người bị cùm cả hai tay hai chân vào vách tường. Anh ta lê lết như một con thú trên đống nhầy nhụa vừa phân, vừa nước tiểu trộn với cơm nước vương vãi. Sau này, mới biết đó là một quân nhân VNCH bị bắt tại mặt trận Long Khánh và bị đối xử như một tội nhân đại hình.



Vì là thời gian đầu, vói thông cáo lừa bịp kêu gọi tập trung cải tạo trong 15 ngày, anh em sĩ quan vẫn còn tin tưởng chắc cũng vài tuần, vài tháng; nên rán chờ đợi. Bên cạnh đó, bọn quản lý trại giam không ngừng đưa ra những lời đồn đại nhằm gây cho anh em tù càng tin rằng ngày về chẳng còn xa. Một thí dụ, là khi anh em trồng những loại rau quả; các cán bộ đội trưởng chép miệng “Chớ trồng làm gì, mất công. Các anh không kịp ăn đâu.”




Trong thời gian học tập 10 bài đầu tiên, mỗi bài được ấn định thời lượng là một tuần. Lên lớp một ngày, còn lại 3 ngày để thảo luận trong tổ, một ngày để viết “thu hoạch”, và một ngày để đọc bản “thu hoạch” để anh em trong tổ phê bình, bổ túc. Thời lượng này được áp dụng đúng cho đến bài thứ 4 thì cán bộ triệu tập các đội trưởng tù ra lệnh vận động anh em tù góp tiền mua bóng đèn để học đêm vì: “thời gian GẤP RÚT lắm, các anh phải “tranh thủ” học mỗi bài 3 ngày thôi. Vì thế phải học và thảo luận ngày đêm cho kịp.” Đến bài thứ 6, thì: “Mỗi bài chỉ một ngày tôi. Sáng lên lớp, chiều và tối thảo luận. “Khẩn trương” lên nào.”



Đối với hầu hết anh em, thì đó là dấu hiệu sắp “mãn khoá”. Vì thế ai nấy vui hẳn lên, bàn tán, chuẩn bị tư trang cho ngày về đã kề cận!
Chúng tôi không rõ là bọn vệ binh cấp thấp có biết đến chính sách lừa bịp hay không; nhưng đã có anh vệ binh còn rỉ tai than mật: “Mai mốt đây rồi các anh về sẽ gia nhập vào bộ đội nhé!”
Chương trình học 10 bài xong. Hoàn tất trong khoảng một tháng thay vì hơn ba tháng như dự trù. Sắp về rồi, anh em lại tỏ ra rất hân hoan hơn bao giờ hết. Các nhà, đâu đâu cũng là những lời chào hỏi, trao đổi địa chỉ, nhắn tin. Cứ như là ngày mai sẽ xách khăn gói ra khỏi trại.
Thế nhưng!


Một buổi sáng đầu tuần, chúng tôi thấy rất nhiều bộ đội lạ mặt, áo quần mới toanh. Mỗi anh vào một căn nhà dành cho một A (tiểu đội gồm 10 người). Anh ta tự giới thiệu là cán bộ cấp trên về để tham dự phần thảo luận “tổng kiểm điểm, tổng thu hoạch” sau khoá học.


Mười anh trong tiểu đội ngồi xếp bằng trên sạp gỗ, mỗi người có một bản tổng thu hoạch vừa hoàn tất đêm trước. Lần lượt từng người đọc bản thu hoạch của mình trong đó có phần nhận thức cũ và mới (trước và sau khi đợt học tập) về “Mỹ Ngụy” về “Cách Mạng” và cuối cùng là tự xác định tội lỗi của bản thân đối với đất nước và dân tộc.



Dĩ nhiên có vài anh rán viết thật hay để khoe tài văn chương. Nhưng tựu trung, nội dung vẫn là các luận điểm mà bọn Việt Cộng đã lên lớp; cứ như các bản in chép từ một cái máy photocopy. Anh Đào Hoàng Đức – Bác Sĩ Quân Y tại Quân Y Viện Vũng Tàu - độc đáo với bản spreadsheet một trang với ba cột: vấn đề, nhận thức cũ, nhận thức mới. Câu trả lời gọn lõn, không văn chương hoa bướm, không thành câu thành cú. Ai phê bình gì thì anh vẫn cứ bào chữa rằng anh làm đúng yêu cầu rồi, không cần sửa đổi.


Đến mục nhận tội mới thật căng thẳng. Đối với các anh tác chiến thì dễ dàng thôi. Tỷ như :”tôi đã hành quân giết chết mấy chục, mấy trăm chiến sĩ cách mạng…” Hay các anh Pháo binh thì: “đã bắn mấy trăm mấy ngàn trái pháo…” Tội nghiệp các anh Nha, Dược, Bác sĩ suốt đời chỉ cứu người làm sao khai ra tội ác. Thế là anh cán bộ trung ương bèn gợi ý: “Các anh cứu chữa cho lính ngụy là làm tăng cường thêm quân số của địch để giết hại đồng bào.” “Cho tải thương quân sĩ thì bị tội là cứu chữa để phục hồi quân số ‘“ngụy’”; “mà không cho tải thương thì lại bị tội bảo tồn quân số chiến đấu của ‘nguỵ’”.


Đàng nào cũng là tội ác cả. Các anh nguyên là sĩ quan biệt phái qua nghành giáo chức thì có tội làm an ninh theo dõi, cùm kẹp các học sinh và thầy giáo khác. Các anh Quân tiếp vụ thì có tội bán nhu yếu phẩm để nâng cao đời sống binh sĩ, như thế là tăng cường tinh thần và sức chiến đấu của “ngụy”. Nói chung, làm gì cũng là tội ác. Nhiều anh cố sử dụng ngòi bút thần tình để viết một cách khéo léo, nói chung chung mà không tự quy tội cho mình hay tự ghép mình là có “nợ máu”, là đáng chết. Vì dụ như câu: “Tôi biết các tội phản bội tổ quốc và nhân dân là trọng tội.” Nhưng dứt khoát không cho rằng mình mang tội phản bội. Sau một đêm không kết quả, đến hơn 10 giờ khuya, tên cán bộ cho giải tán và hẹn hôm sau sẽ tiếp tục làm việc: “Cho đến khi nào các anh thấy được tội lỗi mình.”



Sáng sớm hôm sau, có lệnh tập họp toàn trại lên hội trường. Bọn VC huy động một lực lượng vệ binh lớn, súng ống đầy người. Chúng đứng thành từng hàng bao quanh anh em tù để tạo sự uy hiếp tinh thần. Mấy chục tên cán bộ trung ương kéo vào ngồi kín các băng ghế hai bên bục gỗ. Nhiều tên ngồi xổm lên ghế, bàn tay móc móc các móng chân sần sùi đầy cáu bẩn. Đối mắt cú vọ không ngừng đảo qua đảo lại nhìn gườm guờm vào anh em tù nhân. Sau khi có vài lời tự giới thiệu, một tên cán - có lẽ là cán bộ chính trị hay an ninh cao cấp - đã đọc một bản tự kiểm điểm của một ông cựu Đại tá X. nào đó tự kết cho mình tội CHẾT để rồi lại xin “cách mạng” khoan hồng. Y nói: “Các anh phải theo gương Đại tá X. này để viết cho thành khẩn. Cách mạng đánh “dá” các anh có thành khẩn khai báo, nhận tội thì mới khoan hồng cho. Còn cứ ‘noanh’ quanh ‘rấu riếm’ sẽ thêm tội ‘lặng’ hơn. Ngày về của các anh hoàn toàn tùy thuộc vào bản kiểm điểm ‘lày’.” Lần này chúng cho anh em đến ba ngày tròn để viết lại bản tự kiểm cho “đạt yêu cầu”.


Anh em rời hội trường mà lòng nặng trĩu lo âu. Các cuộc thảo luận trong tổ căng thẳng đến độ có nhiều anh đổ mồ hôi, mặt tái mét vì lo âu không biết tội như thế có bị xử bắn không. Anh Nguyễn Văn Bộ, vốn dân di cư năm 1954 nói một cách quả quyết: “Bắn thì chúng nó đã bắn ngay rồi. Tớ nhớ hồi Cải Cách Ruộng Đất, chúng nó lôi ra chặt đầu có cần phải học tập, tự khai tự kiểm gì đâu.” Tội nghiệp đa số anh em trong tổ là sĩ quan phục vụ tại trường Truyền Tin Vũng Tàu, nặn mãi chẳng ra tôi gì cả. Họ phải cắn răng bịa ra những thứ tôi không hề làm để lên án mình gay gắt, rằng nợ máu với nhân dân, rằng tội đáng chết…


Viết ra rồi, đọc đi đọc lại, sửa tới sửa lui mà vẫn cứ áy náy trong lòng. Chỉ riêng anh Nguyễn Văn Sơn thì ỷ có bà mẹ vợ là cơ sở của thị ủy Vũng Tàu. Anh khoe rằng nhà anh là nơi chú Ba Thu – Bí thư Thị úy Vũng Tàu - thường về trú ẩn. Ngày vào trại, anh thường mặc bộ bà ba đen có khăn rằn quàng quanh cổ ra dáng một du kích miền Nam. Tuy nhiên, với đôi kính cận trên khuôn mặt trắng trẻo, thân hính gầy gầy; trông anh ra vẻ một nhà giáo hơn là một người lính - dù là một người lính văn phòng. Trong bài tổng kiểm điểm, anh khai: ”Tôi đã nhiều lần được vợ móc nối, nhưng vì yếu đuối nên không dứt khoát theo cách mạng. Tuy nhiên tôi đã có nhiều lần giúp đỡ cách mạng bằng cách cung cấp pin hoặc che dấu không khai báo khi chú Bí thư về trú ẩn trong nhà.” Chúng tôi nhớ các bài “thu hoạch”, anh Sơn viết rất dài. Có bài dài cả chục trang giấy kiểu giấy viết đơn ngày trước, nắn nót từng dòng chữ. Bài nào anh cũng bắt đầu bằng một đoạn lung khởi văn hoa bóng bẩy rồi mới đi vào phần chính của vấn đề. Tôi nằm sát anh nên cũng hơi e ngại. Tuy nhiên anh là một người hiền lành và vui vẻ, nhiều nghệ sĩ tính không hề có ý gì hại bạn bè nên tôi vẫn cứ thân với anh.


Loay hoay nhất là anh Lưu Văn Ngôi, sĩ quan tài chánh trường Truyền Tin. Vì anh chẳng có gì để khai và nhận tôi cả. Anh em bèn góp ý: “Thôi anh cứ viết rằng mình phát lương cho binh lính là giúp họ có tiền tiêu xài, ăn uống no đủ để ra sức đánh phá cách mạng.” Anh cải lại: “Lính ở trường Truyền Tin thì đánh phá ai?” Anh Nguyễn Văn Bộ bực mình: “Thì phải kiếm cái gì mà khai cho chúng nó thông qua chứ.” Sau cùng rồi anh Ngôi cũng nhận tội chống phá cách mạng, đáng tôi chết.


Lần cuối này thì các bài viết nghe nổ đôm đốp. Cả người đọc lẫn người nghe đều thấy rợn người, dù rằng có quá nhiều điều khôi hài, mỉa mai.
Bài của tôi có lẽ là bài chứa đầy bom đạn, máu me nhất; vì tôi là đơn vị trưởng tác chiến độc nhất trong 40 anh em trong B (trung đội) mà đại đa số là sĩ quan văn phòng.. Phần vì tự ái của một người lính tình nguyện, phần vì e rằng hồ sơ của mình ở Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 BB tại Lai Khê, hay ở Bộ Tổng Tham Mưu vẫn còn nguyên vẹn; dễ gì mà khai láo với chúng nó. Vì thế, tôi viết đủ, trận nào, giết bao nhiêu “anh cách mạng” trên cả địa bàn ba tỉnh miền Đông Nam Phần lẫn chiến trường Kampuchea. Tên cán bộ nghe đọc, hai môi nó bặm lại. Ai cũng lo cho tôi. Sau này, Lê Cảnh Sao (Trung Đoàn 9 BB, hiện ở Santa Ana) gọi điện thoại qua thăm, anh có nhắc lại chuyện cũ: “ Nghe bạn đọc mà tôi cũng rợn tóc gáy giùm bạn. Nghĩ sao anh này liều mạng thế.”


Anh Bộ là người vui tính nhất, lại có óc khôi hài. Vì thế, khi anh đọc bản Tổng kiểm điểm của anh với giọng lên xuống như đọc sớ, ai nấy phải rán bấm bụng nín cười dù rằng trong tình thế rất căng thẳng, gay go. Anh Bác sĩ Đức thì vẫn tờ spreadsheet ba cột như cũ. Riết rồi tên cán bộ cũng phải chấp nhận.

http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=16457


Chuyện rồi cũng qua. Bọn cán bộ trung ương hí hởn thu góp hết các bài viết, các cuốn vở ghi chép của tủ trong gần hai tháng học tập rồi đi mất. Sau đó khoảng một tuần, bọn cán bộ trại lại gọi các đội trưởng lên họp. Chúng phát các xấp giấy và ra lệnh đem về đội để làm lại bản “lý lịch trích ngang” với nhiều chi tiết hơn. Kể từ ngày vào trại, không nhớ đây là lần thứ bao nhiêu chúng tôi phải khai đi khai lại bản lý lịch này. Có ngờ đâu, lần này chính chúng tôi đã chuẩn bị cho mình bản án tù cải tạo mà sẽ kéo dài từ 3 năm cho đến 6, 10, 12, 15 năm tùy theo các tiêu chuẩn mà bọn CS đã dựa vào các chi tiết lý lịch.


Anh em vẫn tiếp tục lao động thường nhật. Mơ ước ngày về lại thấy viễn vông hơn. Vì suốt cả mấy tháng sau đó, chẳng nghe tin tức gì mới. Vẫn hàng ngày các đội đi vào chân núi Chứa Chan, chặt gỗ vác về làm củi cho trại. Vẫn có vệ binh súng ống đầy người đi kèm hai bên. Vẫn ngày hai bữa chia nhau đi nhà bếp để lãnh cơm nước mà càng ngày càng teo lại vừa về phẩm vừa về lương.
Đỗ Văn Phúc



Lịch Sử Sang Trang

Oái Oăm của Lịch Sử: Man Dã Hung Tàn Lại Thắng Văn Minh, Nhân Nghĩa
Khi trời rạng sáng, tiếng súng lớn nhỏ từ các ngoại ô, nhất là hướng phi trường Tân Sơn Nhất đã rời rạc dần và chấm dứt hẳn vào khoảng xế trưa; sau khi đài Phát thanh Sài Gòn loan truyền lệnh buông súng của Tổng thống ba ngày Dương Văn Minh. Dân chúng bắt đầu rời các nơi trú ẩn ùa ra đường. Người ta đã thấy các binh sĩ Cộng sản miền Bắc tràn vào các ngỏ nghách. Khi chạy lúp xúp qua những xóm nhà dân, họ chỉa súng quát tháo om sòm để biểu lộ quyền uy của kẻ thắng trận. Bên ngoài đường phố, đã thấy những đoàn xe đủ loại: từ xe buýt chở khách đến các xe đò đường dài, xe tải lẫn trong những chiếc xe Molotova màu cứt ngựa. Trên xe là các du kích, lính địa phương miền Nam. Sự phân biệt lính Việt Cộng miền Nam và bộ đội miền Bắc rất dễ dàng, vì lính Việt Cộng miền Nam thì ăn mặc lộn xộn, đủ kiểu đủ màu.


Từ bộ bà ba đen cho đến chiếc quần ka ki xanh cũ, cái áo người thì trắng đã ngả sang màu cháo lòng, người thì xanh, đỏ tím vàng… Họ đội những chiếc nón tai bèo và quàng quanh cổ chiếc khăn rằn hoặc xanh hoặc đỏ; chân mang đôi dép cao su cắt từ vỏ xe hơi và đặc biệt là họ có cùng một khuôn mặt đầy sát khí. Lính Bắc Việt thì khác hẳn. Họ là những thanh thiếu niên còn rất trẻ; khuôn mặt có vẻ ngờ nghệch, nhưng trang bị vũ khí đầy người. Họ mặc những bộ binh phục xanh lá cây thùng thình cắt may vụng về, quá khổ so với thân thể ốm đói nhỏ thó của họ.


Thỉnh thoảng, người ta thấy vài chiếc xe díp mui trần còn nguyên vẹn huy hiệu của quân đội miền Nam chạy qua. Trên xe là các thanh niên bặm trợn, và các thầy tu mặc áo nâu sồng. Họ mang băng đỏ bên cánh tay và cầm những khẩu súng Mỹ mới lượm được bên đường do quân miền Nam vứt bỏ. Đó là bọn đón gió trở cờ mà người ta gọi là bọn “cách mạng 30 tháng tư”




Hoà bình! Hoà bình!

Như một dòng nước trong mát đối với những kẻ lữ hành trên sa mạc đã nhiều ngày và sắp quỵ gục. Như một chấm xanh xanh phiá chân trời đối với người thủy thủ đang lạc hướng ngoài biển khơi. Đó là ước vọng sâu sắc nhất của những người Việt Nam cả hai bên bờ vĩ tuyến 17 sau gần 30 năm chiến tranh điêu linh, nếu tính từ khi chiến tranh Pháp Việt bắt đầu. Hoà bình! Trên quê hương vốn đã điêu tàn sẽ không còn nghe tiếng súng nổ, bom rơi. Vành khăn sô sẽ ngưng quấn trên mái đầu xanh các thiếu phụ. Những người cha chinh chiến bao năm sẽ trở về săn sóc dạy dỗ đàn con. Các bà mẹ sẽ không phải nhòa mắt đứng trước cửa ngày ngày ngóng tin con từ những chiến trường mờ mịt nào đó..



Sau một cuộc chiến dài đăng đẳng và quá tàn khốc, người Việt Nam đã quá kiệt lực. Họ mong mỏi hoà bình, và sẵn sàng chấp nhận trả với bất cứ giá nào. Đối với người dân thường miền Nam, họ biết sẽ có cuộc đổi thay sâu sắc dẫn đến nhiều mất mát. Nhưng ở mức độ nào thì họ không thể đoán ra được. Những người miền Bắc đã di cư vào Nam năm 1954 thì biết là sẽ khốn khổ, khốc liệt có thể đổ nhiều máu. Những quân nhân, cán bộ chính quyền miền Nam thì đau đớn biết rằng từ đây sẽ mất tất cả. Một tương lai ảm đạm đang chờ đón họ và gia đình. Nhưng họ chẳng còn sự lựa chọn nào khác. Họ đã mất các cơ hội leo lên những chuyến bay vội vàng hay những con tàu nêm kín người rời bến trong những giây phút hỗn loạn cuối tháng tư. Những người cầm đầu đã nhanh chân tẩu thoát. Giờ này không ai chỉ bày cho họ phương hướng nữa. Họ chờ đợi một cách bi hùng những gì sắp xảy đến cho đời mình.



Khi chiếc xe tăng của Nga sô chế tạo cán sập chiếc cổng sắt của dinh Độc Lập và đám quần thần Dương Văn Minh ríu rít buớc ra sắp đứng sắp hàng như những tù nhân chờ giải giao thì coi như “Lịch sử đã sang trang!”
Một trang tương đối huy hoàng của chế độ Cộng hoà đã được xếp lại.
Một trang u tối ảm đạm của chế độ Cộng sản đang được mở ra.
Đó là cảm nhận đau xót của tôi, một người lính có nhiều kinh nghiệm thực tế về cuộc chiến và những kiến thức về lý thuyết, sách lược Cộng sản được trang bị trong bốn năm ở Đại học vừa dân chính, vừa quân sự.


>Tuy nhiên, nhiều người miền Nam – trong đó, than ôi!, có cả chúng tôi – rán nuôi một ảo tưởng rằng sau chiến tranh, những người Cộng sản của cuối thế kỷ 20 khi có chính quyền sẽ xử sự công chính và độ lương hơn những tên Cộng sản man dã của thập niên 1950. Cuộc tắm máu mà báo chí phương Tây dự đoán chắc sẽ không xảy ra. Mà dù có xảy ra, thì âu cũng là số phận vậy.



Lệnh Tập Trung: 15 Ngày Học Tập

Vài ngày sau, trong lúc thành phố Sài Gòn vẫn còn hoang mang và hỗn loạn, tôi thu xếp đưa vợ và 4 cháu về lại Vũng Tàu. Cầu Cỏ May bị đánh sập trước đó khoảng một tuần, phải xuống xe dùng đò qua sông. Hai vợ chồng tôi và bốn cháu bé – có một cháu sơ sanh - vất vả vô cùng loay hoay với mớ tài sản thu gọn trong hai chiếc vali lớn. Đến nhà, gặp lại Mẹ tôi mừng rỡ vì thấy con cháu đều bình yên. Những đêm 28, 29 tháng 4, Việt Cộng pháo kích bằng hoả tiễn vào khu nhà thờ Tân Sa Châu, là nơi tiểu gia đình chúng tôi đang thuê nhà trú ngụ trong thời gian tôi làm việc cho hãng thầu LSI chuyên bảo trì phi cơ C-130 của Không Đoàn 52 Chiến Thuật. Đã quá quen với bom đạn, tôi bảo vợ con cứ ngủ yên trên giường. Bom rớt trúng chỗ thì núp đâu cũng chết; còn rớt xa thì còn mảnh văng theo vòng cầu đã có vách tường cản bớt sức công phá.



Tuy ở Vũng Tàu đã lâu, nhưng tôi ít bạn. Thời còn bộ binh thì mỗi năm về phép có một lần, ru rú ở nhà. Thời Không quân thì cả gia đình di chuyển theo ra Phan Rang. Vì thế, tôi chẳng có ai để hỏi han tình thế và bàn chuyện. Ông Sáu Khương, một người thợ hớt tóc gần nhà đến thăm, khuyên lơn an ủi. Hoá ra ông là cán bộ cơ sở của Việt Cộng tại địa phương. Ông biết quá nhiều về tôi, từ cá tính đến quan điểm lập trường. Bây giờ ông là khóm trưởng khóm Rẫy, phường Thắng Tam rồi. Sẽ phải vất vả vì ông này thôi.




Loanh quanh ở nhà được gần một tháng thì bắt đầu nghe có thông cáo gọi anh em hạ sĩ quan binh sĩ đi học tập 3 ngày tại địa phương. Lớp này vừa về thì có lệnh cho sĩ quan cấp tá đi “học tập” một tháng. Kế đó là sĩ quan cấp úy trong 15 ngày. Xét ra cũng hợp lý thôi. Cấp nhỏ “học” ít ngày; cấp trung “học” nhiều hơn một chút; cấp cao thì “học” dài ngày. Thế là giải toả hết âu lo về việc “tắm máu”; ai nấy thở phào như cất bớt một gánh lo âu. Bây giờ chỉ còn câu hỏi của bản thân tôi. Thế thì những người đã giải ngũ “học” bao lâu? Sao không thấy nhắc đến trong thông cáo?
Ông Sáu Khương nhanh nhẩu góp ý: “Đã tham gia quân đội ‘ngụy’ thì bề gì cũng phải “học” thôi. Đi sớm thì về sớm.Đi trễ thì về trễ” Thế là tôi thu xếp một túi hành trang gọn, bọc theo một ít tiền vừa đủ chi dùng trong 15 ngày; tạm biệt mẹ, vợ, hôn các con rồi quay quả ra đi. “Mười lăm ngày cũng nhanh. Em rán tiêu xài dè xẻn chút tiền còn lại, chờ anh về.”



Tuy đã quen nếp sống xa nhau từ những năm tôi đi chiến đấu xa nhà, vợ tôi cũng cảm thấy ái ngại. Có một điều trùng hợp ngẫu nhiên. Trước đó mấy hôm, rảnh rang không làm gì, tôi lôi cuốn “Giờ Thứ Hai Mươi Lăm” của C. V. Georghiu ra đọc. Câu chuyện anh chàng Ian Moritz ở xứ Romania cũng từ giã người vợ đang mang bầu để theo lệnh tập trung đi làm lao động trong 15 ngày ở phòng tuyến biên giới Romania và Hungaria. Rồi biền biệt 15 năm, anh phải trải qua hàng chục trại tù khổ sai của nhiều nước khác nhau trước khi được quân đội Mỹ cứu thoát ở Đức khi Thế Chiến thứ 2 kết thúc. Tôi vô tâm không hề suy nghĩ và so sánh đến hoàn cảnh của mình. Vì nếu thật biết vậy, ai trong trường hợp này cũng thà trốn đi chứ có ngu gì đút đầu vào cái bẫy gian dối kia!



Ngày 1/15 - Trại Lê Lợi - Long Khánh


Chúng tôi được những chiếc xe đò dân sự đưa về hướng Bắc trên con đường tỉnh lộ. Xe dừng ở “Trại Lê Lợi” trên một ngọn đồi nhỏ, nơi trước đây là căn cứ Tiếp Vận của Tiểu Khu Long Khánh. Tên trại vẫn còn là tên cũ của Quân Lực VNCH mà Việt Cộng chưa kịp thay đổi. Mấy trăm con người được đưa vào trong 4 dãy nhà tôn tiền chế trước đây làm nhà kho; nhưng nay đã trống trải ngoại trừ 4 dãy sạp gỗ mới làm xong để làm chỗ ngủ cho “cải tạo viên”. Nơi đây có một đơn vị quân chính quy Việt Cộng trú đóng. Bao bì, thùng bọng của quân Cộng hoà vương vải đó đây,



nhưng hàng hoá, quân dụng chắc đã bị cộng quân thanh toán gọn gàng hết rồi. Một sĩ quan Cộng sản đọc tên từng 100 người, phiên chế thành tiểu đội, trung đội và đại đội và huớng dẫn vào từng căn nhà. Mỗi đại đội chiếm một căn. Nhiều người tìm những bạn bè quen biết để chiếm các chỗ ngủ kế nhau. Riêng tôi, không quen ai, nên chẳng bận tâm máy. Nằm đâu cũng thế; chỉ mười lăm ngày thì cũng nhanh thôi. Trong đoàn chúng tôi có một nữ Trung Úy, - chị Lê Thị Huệ - phục vụ ở Đặc Khu Vũng Tàu. Chị Huệ là vợ của anh Hồ Văn Khởi, năm 1971 là trưởng ban 2 kiêm Trung đội trưởng Quân Báo của Tiểu đoàn 4/8 nơi tôi đang chỉ huy Đại đội 15. Sau trận Snuol, anh được chuyển về trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu. Tôi không quen với chị Huệ, nên cũng không tiện tiếp xúc. Chị thu vén một góc cuối căn nhà để làm chỗ ngủ vì biết chắn sẽ không có chỗ nào khác đặc biệt cho phụ nữ tại một nơi mà chỉ toàn nam giới. Trên chiến trường Miền Đông Nam Phần, tôi đã nhiều lần phát giác các căn cứ mà quân đội Cộng sản từng sống chung đụng gái trai như thế (hai nam một nữ trong một hầm), Vì thế nên họ không nhìn thấy một tình huống rất khó khăn cho những nữ binh miền Nam, và cho ngay cả mấy trăm bạn nam đồng cảnh.



Buổi chiều đầu tiên, mấy anh lính Bắc Việt nhìn chúng tôi có vẻ dò xét; và một phần nào e sợ. Có lẽ vì ngoài Bắc đã nhồi nhét vào đầu óc họ hình ảnh người lính miền Nam chuyên giết người để ăn gan uống mật, “cực kỳ” hung ác. Có anh, khi bất ngờ chạm mặt chúng tôi, đã tỏ ra hốt hoảng. Sau này mới biết là họ tưởng quân nhân miền Nam ai cũng giỏi võ nên họ sợ bị tấn công.


Một anh, có lẽ là hậu cần, cầm một cuốn sổ đến gặp chúng tôi. Anh lính này trong có vẻ cục mịch, nhưng hiền lành. Anh hỏi anh em chúng tôi cần mua thức ăn, thức uống hay món linh tinh gì không, thì anh sẽ đạp xe xuống phố mua ngay. Thế là anh em chúng tôi lấn tới, hỏi anh có thể ra Bưu điện gửi giùm thư của chúng tôi về gia đình không. Anh bối rối trả lời: “Chúng tôi chưa có lệnh gì về việc liên lạc với gia đình các anh.” Chừng hơn một giờ sau, anh lọc cọc đạp xe trở về. Sau yên xe là một bao tải to lớn mà anh cột chằng chịt những loại dây khác nhau, kể cả cọng dây tước từ cây chuối tươi. Trên áo anh mồ hôi nhễ nhải; anh thở dốc từng cơn ra vẽ râấ nhọc nhằn vì phải đạp xe lên đồi. Chúng tôi thấy ái ngại và phần nào cũng tự an ủi rằng: “họ cũng đối xử tốt với chúng ta.”


Trong lúc chờ anh bộ đội đi mua hàng về, chúng tôi được lệnh cử mỗi tiểu đội một người để đi lấy nước. Họ chỉ cho chúng những thùng đạn đại liên 30 và ồng đạn 105 ly chất đống trong sân để làm vật liệu chuyển nước. Chúng tôi đi theo hai anh bộ đội võ trang đi ra khỏi trại, vào một khu vườn lớn của dân cách đó chừng một cây số, nơi có một giếng nước. Đi về như thế nhiều chuyến, chúng tôi đã đổ đầy các thùng phuy ở mỗi góc nhà và tại nhà bếp của trại.
Người ta đã đào sẵn hai dãy nhà cầu bên ngoài giữa hai lớp hàng rào. Không có cách ngăn giữa các hố xí, chỉ có một tấm bình phong che phía trước làm bằng tre và lá chuối. Hai dãy hố, phiá trên có các thanh sắt - lọai cọc sắt ấp Chiến lược – làm chỗ ngồi. Lần đầu tiên trong đời chúng tôi phải làm công tác vệ sinh trong loại nhà cầu như thế này và cũng không cần che đậy nhau thứ gì! Trước còn ngượng ngập, rồi cũng quen dần đi.



Đêm cải tạo đầu tiên. Ít ai ngủ được dù rất mệt mỏi. Tâm tư còn bao vương vấn về gia đình. Chúng tôi chưa thấy quá lo lắng cho tương lai mình, nhưng ưu tư về cách nào mà các bà vợ chân yếu tay mềm có thể bươn chải sống qua những ngày đổi đời sắp tới. Trong cái yên ắng của một đêm không trăng nơi xứ lạ, tôi nghe nhiều tiếng thở dài và âm thanh của những người đang trăn trở trên cái sàn gỗ còn mới với những vệt bào nham nhở.
Đâu ngờ rằng đó là cái “thiên thu” đầu tiên của hàng ngàn cái “thiên thu” dằng dặc của những người càng ngày càng đi sâu vào những tầng địa ngục trần gian!
>Đỗ Văn Phúc


Trại Cải Tạo A-20, Xuân Phước- Các Hung Thần Trại Giam<>
Ðời có gian lao mới rạng danh hào kiệt,
Tù không đày đọa sao rõ mặt anh hùng.Lê Đồng Vũ (Xú danh Lê Văn Nhừ)Chuyện là như thế này. Tên phân trại trưởng là Lê Ðồng Vũ, người miền núi Thanh Hoá có lẽ thuộc sắc dân Mường. Khuôn mặt y bèn bẹt vô tri vô giác, trên đó có đôi mắt lèm nhèm và cái miệng mỏng dính, thâm sì trông vô cùng nham hiểm. Chúng tôi đặt tên nó là Lê Văn Nhừ. Nó đúng thuộc con cháu ba đời của Chí Phèo, (cha đẻ của Chí Minh), tượng trưng cho loại người hạ đẳng của xã hội, mang đầy mặc cảm thân phận đớn hèn, nên khi có chút quyền thế là ra tay sinh sát thậm tệ với đồng bào đồng loại. Tên này ít nói, vô học đến nỗi đọc lại lời trong trang sách cũng sai bét sai be. Có lần nó đọc đoạn viết về phát triển nhà ở bên Liên sô. thay vì: “năm nay, có 10000 căn hộ đủ tiện nghi được đưa vào sử dụng,” nó đọc thành “có 10000 cán bộ đầy đủ tiện nghi...” Cũng có lần, vì không biết ngừng đúng nơi dấu chấm câu, nó đã đọc một đoạn văn như sau: “ Nhân dân ta, sau khi chiến thắng đế quốc Mỹ, đã trở thành biểu tượng anh hùng của nhân loại.” thành: “ nhân dân ta sau khi chiến thắng, đế quốc Mỹ đã trở thành biểu tượng anh hùng của nhân loại.”Thấy không trị nổi đám tù quân đội bướng bỉnh, Lê Ðồng Vũ dùng cái ăn để lung lạc. Ban đầu, nó bày ra ban văn nghệ, hứa hẹn có cháo gà, có chè bồi dưỡng. Ngày đầu tiên, chúng gọi một số anh em có chút máu văn nghệ lên họp, nấu sẵn một nồi lỏng lỏng mấy cục bột khoai mì với đường mật gọi là chè. Ngoại trừ vài anh vì thiếu quyết liệt đã tham gia để có được một tô chè đầy, còn đa số đều bỏ về, tẩy chay văn nghệ, trong đó có ca sĩ Duy Trác và Tăng Ngọc Hiếu. Ðội văn nghệ phải lấy chủ lực là đám tù hình sự và Việt Nam Thương tín.Dương Đức Mai, tên Judas Phản Bội

Khi anh em chúng tôi còn ở trong xà lim, phong trào chống đối lên rất cao. Lê văn Nhừ bèn đưa một con chiên ghẻ là cựu Trung tá Dương Ðức Mai từ phân trại B ra làm trưởng ban Thi đua trật tự. Người này có một cuộc đời binh nghiệp đầy hào hùng, trên đầu từng đội ba màu nón: màu đỏ của Nhảy dù, màu xanh Lực lượng đặc biệt và màu nâu Biệt động quân. Người này từng làm quận trưởng Ninh hoà, từng làm Liên đoàn trưởng BÐQ. Người này trên cánh tay phải còn vết xâm hình cánh dù và dòng chữ SKY WARRIOR. Nhưng người này đã sớm bán linh hồn cho quỷ đỏ

Hiểu rõ tâm lý và sinh hoạt của anh em, Dương Ðức Mai thiết lập một hệ thống kìm kẹp tinh vi, với những chủ đề thi đua, sắp xếp nội vụ. Mai tổ chức một mạng lưới ăng ten, tuyển lựa bọn người yếu kém tinh thần sẵn sàng vì miếng ăn và chút ưu đãi mà phản bội anh em. Khi có người phàn nàn rằng bọn trật tự cư xử mất dạy, Dương Ðức Mai không ngại ngùng tuyên bố: “đối với các anh, thế vẫn chưa đủ.

Có thể nói Dương Ðức Mai từng bước đã thành công trong việc đàn áp tù nhân. Anh em đành phải thu lại, chỉ âm thầm chịu đựng; vì rõ ràng ngày tù thì lê thê, không biết kéo dài bao nhiêu năm, không còn tia hy vọng gì ở sự hưng phục. Còn giữ được tinh thần đấu tranh là vì có chính nghĩa và lòng căm hận, khinh bỉ đối với kẻ thù, chứ khó mong ngày lật ngược thế cờ. Cũng trong giai đoạn này, tin tức bùng nổ về việc Việt cộng bằng lòng cho tù nhân cải tạo ra đi do Hoa kỳ tranh đấu và sẵn sàng đón nhận. Ðó là niềm hy vọng độc nhất và cao nhất của chúng tôi. Nhưng đó cũng là điều làm cho nhiều anh vì quá lạc quan mà gây ra những việc làm ngây thơ, để cho Việt cộng có dịp truy ra hết mầm mống chống đối



Dương Ðức Mai đã làm cho không khí trại tù ngột ngạt như tôi vừa nói ở đoạn trên. Anh em không còn dám ngồi gần nhau trên hai người. Chẳng ai dám ăn chung với ai, chẳng ai tâm sự với ai. Buổi tối, ở góc phòng chỗ cửa vào nhà cầu, có một ngọn đèn dầu và bóng dáng một tên ăng ten ngồi rình mò. Trong giờ sinh hoạt, có đứa nhìn tận mồm anh em xem thử có hát thiệt hay chỉ mấp máy đôi môi. Một người bị đội trưởng nêu ra là loại xấu, thì không ai dám bào chữa dùm. Chế độ ăn uống cũng được Dương Ðức Mai sáng kiến ra làm 5 thành phần: Loại tích cực 21 kí khoai, loại khá 18 kí, loại trung bình 15 kí, loại kém 12 kí, và tù biệt giam chỉ có 9 kí thôi. Thực tế đã tính luôn vỏ khoai, đất cát mà lại không cân đong đủ như thế. Chiếc bánh bột khoai mì gồm cả vỏ, tim, đất cát... nhỏ bằng bao thuốc lá là phần ăn cho loại trung bình. Người tích cực được thêm nửa cái, khá được thêm một phần tư; loại kém thì cái bánh bị cắt đi một góc mà chúng tôi gọi đùa là cây súng lục. Chế độ ăn như thế phần nào có hiệu quả trong việc đàn áp sự chống đối. Có ai ở tù, chịu đói mới thấy miếng ăn nó quan trọng ra sao. Nó hành hạ cơ thể và tâm lý con người đến mức nào. Nó đày con người xuống tận cùng của lòng tự trọng.

Ngoài những anh có gia đình thăm nuôi đều hoặc gửi bưu kiện hàng tháng, đa số đều ở trong tình trạng dân con bà phước, nghĩa là sống nhờ vào chút thực phẩm của trại và lòng thuơng của anh em khác. Vì thế, nhiều người đã lợi dụng miếng ăn để sai khiến anh em mình, và cũng có kẻ ngày xưa uy quyền nay đã phải hạ mình làm một thứ đầy tớ để đổi lấy miếng đường, chút cơm khô. Tình trạng thiếu chất rau thật thậm tệ. Ngoài đồng, anh em trồng đủ loại rau; nào cải bẹ xanh, nào rau muống, củ cải... Nhưng trại chỉ cắt nấu khi rau đã già, cải đã lên ngồng, trổ hoa, chín hạt. Mỗi người đuợc phát ra vài cọng rau muống già. Ngày tết có chút củ cải dai như bao gạo chỉ xanh, nhai mỏi miệng rồi nhổ ra như các bà già ăn trầu nhả bã. Mỗi năm chúng tôi được ăn thịt ba lần, mỗi lần một chút xương có dính tí thịt, nước váng chút mỡ. Họ cắt da bò thành từng miếng như lát mứt dừa, nấu lên phát ra cho chúng tôi, ăn vào tưởng như đang nhai vỏ xe đạp. Vì thế, trong khi ra ngoài lao động, anh em phải tìm cách cải thiện. Bất cứ con vật gì nhúc nhích, dù nhỏ đến đâu cũng là tí chất tươi cho vào miệng sau khi nướng sơ qua trên than hồng. Có anh ăn cóc, nhái, ểnh ương; có anh ăn sâu đất, bọ. Thậm chí có anh lượm cả bộ lòng chó mà bọn cán bộ vứt đi đã sình thối về ăn. Hậu quả là ói tận mật xanh, tưởng đã đi luôn về bên kia thế giới.

Trại qui định mỗi ngày, mỗi đội chỉ được hai người khai bệnh. Trong trại có một trạm thuốc với Bác sĩ Lịch trông coi, nhưng chẳng có thuốc men gì ngoài một vườn cỏ cây mà họ gọi là thuốc dân tộc. Bọn cán bộ tịch thu thuốc tây do gia đình gửi vào để xài cho chúng. Anh em ta bệnh gì cũng “giảm thống, xuyên tâm liên”. Sáu năm ở A-20, chúng tôi đã chứng kiến cảnh ra đi đau lòng cuả bao nhiêu bè bạn chỉ vì những chứng bệnh thông thường mà không có sự chăm sóc thuốc men. Những vị từng nổi tiếng như cụ Võ Văn Hải (nguyên Chánh văn phòng của cố Tổng thống Ngô Ðình Diệm), Cụ Lê Kiên, bí danh Bùi Lượng (nguyên Tổng thư ký Tổng công đoàn Tự do), cụ Bùi Ngọc Phương (nhà tỉ phú từng ra tranh cử Tổng thống), Những vị này tuổi trên 70, đáng ra phải được ở nhà giữa sự săn sóc của con cháu trong những ngày cuối đời. Việt cộng đã giam giữ họ và bắt phải lao động khổ sai mà không thuốc men khi đau ốm. Trước khi chết, con cháu bên ngoài chờ không được vào thăm, cụ Phương thèm một cục đường mà không ai dám cho, vì cụ bị cách ly, theo dõi. Các cụ khi chết được bỏ vào trong một quan tài đóng bằng mấy miếng ván giường, sơ sài vài chiếc đinh, hở đầu hở chân, chở trên chiếc xe ba gác lọc cọc trên con đường gập ghềnh đến một nấm mồ không bia gỗ, không thân nhân, bạn bè đưa tiễn, không chút khói nhang cho ấm lòng lúc ra đi về bên thế giới bên kia. Năm 1980, chúng đưa ra xử bắn hai anh sau khi đã biệt giam hàng năm trời. Hai anh như đã chết thật từ lâu, được bạn tù dìu đi như hai bộ xương khô. Khi những viên đạn thù đâm vào cơ thể, dường như hai anh không có cảm giác gì; từ vết đạn chẳng ứa ra nổi một giọt máu. Thiếu Tá cảnh sát Quách Văn Trung cháu gọi chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ bằng cậu ruột, dù thuộc thành phần ngoan ngoãn trong tù, chết vì áp huyết cao. Gia đình ra thăm sau đó hai ngày cũng chẳng được thông báo. Họ chỉ biết được nhờ sự linh cảm khi trên đường về đi qua nơi chôn cất, thấy ngôi mồ mới đắp và trong tâm linh rộn lên tiếng thôi thúc huyền bí nào đó. Phân trại B, nơi tôi được chuyển vào cuối năm 1982 cho đến ngày về 1985, có một số quý vị tu sĩ Công giáo, các chức sắc Cao đài, có Thiếu tướng Lê Văn Tất, có nhà báo Nguyễn Tú. Cụ Tú năm đó đã 72 tuổi, râu tóc bạc phơ, nhưng tinh thần vẫn còn minh mẫn. Dù không ai thăm nuôi trong cả chục năm tù, cụ vẫn giàu nghị lực chống chỏi cơn đói thèm và giữ gìn tư cách cao quý. Cộng sản bắt cụ đi lao động khổ sai, nhưng cụ cứ khai bệnh nằm lì ở nhà. Sau cùng chúng đưa cụ ra trước toàn trại kiểm điểm. Cụ đã đứng lên nhận lỗi như sau: “Tôi thực có tội, đã già đến bảy mươi hai tuổi đầu mà không biết lao động là vinh quang, không chịu đi lao động khổ sai ...”

Cụ Nguyễn Văn Tú, hiện còn sống và vẫn tích cực hoạt động Cộng đồng, báo chí… tại Washington DC.

Đỗ Văn Phúc

http://www.hahtncttg.org/modules.php?name=News&op=viewst&sid=431

No comments: