Wednesday, March 25, 2009

PHỔ TỊNH * THÔNG LUẬN

http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=609


Vĩnh quyết Thanh Tâm Tuyền
"...Vĩnh biệt nhà văn Thanh Tâm Tuyền, ngôi sao bắc đẩu của văn học tiền phong tại Sài Gòn thời chia cắt..."



Nhà thơ khai phá

Từ những ngày làm văn nghệ ở Hà Nội, Thanh Tâm Tuyền đã xướng xuất một ngôn ngữ mới cho thơ Việt Nam. Những bài thơ tự do mới lạ đó được in trong tập thơ Tôi không còn cô độc (Sài Gòn: Người Việt xuất bản, 1956). Trong khung cảnh sinh hoạt văn nghệ tại Sài Gòn những năm đó, tập thơ ra đời là một hiện tượng. Công chúng văn nghệ thì tò mò mà đón nhận nó ; những người không kịp hiểu ngôn ngữ thơ mới lạ trong đó thì bảo rằng đó là thơ hũ nút, tác giả nó là một người lập dị.

Tôi không còn cô độc



Thời gian sau ông làm báo Sáng Tạo cùng những người bạn văn đã cùng nhau gắn bó từ thời làm báo sinh viên Lửa Việt (1954) và Người Việt (1955). Chính trên tạp chí Sáng Tạo, Thanh Tâm Tuyền là người thường xuyên xuất hiện với những bài thơ tự do. Tên gọi thơ tự do không phải chỉ là thứ thơ không vần như người ta thường hiểu lầm, mà còn là công trình khai phá ngôn ngữ mới cho thơ: ngôn ngữ siêu thực. Trên tạp chí Sáng Tạo, ông thường chỉ làm thơ và viết truyện, kịch ; nhưng ông cũng góp phần vào lý luận cho Thơ Tự Do qua hai bài tiểu luận : "Nỗi buồn trong thơ hôm nay", và "Nghệ thuật đen", trình bày khá rõ quan điểm thơ của ông thời gian phất ngọn cờ đầu cho thơ tự do. Với Thơ Tự Do, Thanh Tâm Tuyền xem là một trong những người đã vào sự cách tân trong thơ Việt Nam vào lúc ảnh hưởng của thơ Tiền chiến còn rất mạnh.

Sau tập thơ Liên, Ðêm, Mặt Trời Tìm Thấy (1964), dường như Thanh Tâm Tuyền ít làm thơ mà chuyển sang viết truyện. Truyện của ông cũng mang đậm tính chất tiền phong trong ngôn ngữ và nội dung. Tân truyện Bếp Lửa ra mắt năm 1957, cũng là một hiện tượng văn nghệ lúc ấy. Phong cách ngôn ngữ truyện Bếp Lửa vừa lạnh lẽo, vừa đam mê, nhiều chỗ mang dáng vẻ một đoạn thơ xuôi. Từ đó, những truyện ngắn và truyện dài của ông nối nhau ra đời. Mỗi tác phẩm là một công phu tìm tòi làm mới ngôn ngữ văn xuôi miền Nam thời kì 1954-1975. Những tác phẩm lớn của nhà văn Thanh Tâm Tuyền phải kể đến : Bếp Lửa (1957), Khuôn mặt (1964), Dọc đường (1966), Cát lầy (1967), và Ung thư (1970).

Tập thơ Tôi không còn cô độc (1956) có một số chủ đề quyện nhau gắn bó : tình yêu, nỗi khắc khoải về phận người, khát vọng tự do. Những chủ đề này sẽ vẫn nhất quán trong thơ và truyện của Thanh Tâm Tuyền mãi mãi. Có thể nói rằng đó là những chọn lựa ban đầu của một nhà văn được không?

Khát vọng tự do

Mở tập thơ ra, người đọc đã thấy hai chữ tự do nằm ngay ở trang chữ in nghiêng ở trang đầu, như một lời đề từ của tác giả : "người hoàn toàn tự do". Câu thơ được viết hai lần trong lời đề từ ngắn ngủi ấy. Tự do ở đây là thứ tự do trừu tượng, siêu hình của triết lí hiện sinh. Tự do sẽ hiện rõ nét là một khát vọng của thế kỷ :


ta đi hôm nay ngày hai mươi
rồi hẹn rằng chưa đủ
mắt nhìn suốt ngày mai
chân đạp tung áp bức…
…nóc nhà thương và mái học đường
tường trắng sáng là màu tự do
(Phiên khúc 20, tr. 19 -20)
Bài thơ "Ôi anh em cộng hòa" là những lời thiết tha của một người yêu tự do, và mặt kia của nó là dân chủ. Ông nói với những người nghĩa binh cộng hòa ở Tây Ban Nha những năm 1930 nhưng cũng là để nghĩ đến thân phận Việt Nam của hai mươi năm sau :
chẳng bao giờ
chẳng bao giờ
các anh quên kỷ niệm buồn của thế kỷ
chắc các anh chưa đọc bài thơ nào
đời nhược tiểu
chúng tôi đến sau hai mươi năm
cuộc chiến kéo dài qua chúng tôi ở đây
thêm sự phản trắc nặng nề
cộng sản
(Ôi anh em cộng hòa, tr. 15)
Ông suy ngẫm về thân phận Việt Nam qua những người đã chết cho tự do như Khái Hưng, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm :
mỗi lần hoàng hôn chúng tôi gặp nhau
những người văn nghệ yếu đuối
mê cách mạng năng lực tựa thiên thần...
mỗi lần hoàng hôn tôi đốt lửa người tôi tới trước
và các bạn tôi
nghĩa là điệp điệp trùng trùng
có ngã xuống còn kịp nói với nhau
chúng mình chết tự do quá chừng
(Trưởng thành, tr. 18)
Bài thơ "Nhịp ba" nguyên là một lời đề bạt cho tập truyện cổ tích (tân thời) Sợ Lửa của Doãn Quốc Sỹ, cũng là một lời ngợi ca tự do không giấu giếm. Chúng ta nghe lại điệp khúc "tự do" một lần nữa trong bài thơ dài "Tôi không còn cô độc":
những ngày đã sống trói tay
những ngày đã sống tù đày
lòng tôi điên cuồng
mồm tôi khấn nguyện
tư do tự do tự do tự do tự do
(Tôi không còn cô độc, tr. 67)
Vẫn một chọn lựa ban đầu

Năm 1982, ông trở về lại thành phố, và thường lầm lũi đi trên đường phố Sài Gòn. Vẻ nhẫn nhục không thể che giấu. Tâm sự ông dường như toát ra trọn vẹn trong những lời đề tặng một người bạn trẻ :
Sớm hay khuya không biết nữa
Thời khắc tự huỷ hoại vắng tanh
Giòng nước suối chảy không tiếng vang
Giữa bờ bến đắm chìm lấp lú
Những con trốt quặn thắt huyền bí
Hắn đưa chân theo bước khôn cầm
Trên lối u mê mờ hoặc
Mọi nỗi niềm đều giấu mặt
Mọi sự thực đều lang thang
Hắn đi như thế, không thể khác
(Prelude...)
Nghe như những lời chiêu niệm tự do. Mà thật thế, ông đã hơn một lần chiêu niệm tự do, khi xe tăng bắt đầu nghiền nát khát vọng tự do Budapest :
Hãy cho anh khóc bằng mắt em
Những cuộc tình duyên Budapest
Anh một trái tim em một trái tim
Chúng kéo đầy đường chiến xa đại bác
Hãy cho anh giận bằng ngực em
Như chúng bắn lửa thép vào
Môi son họng súng
Mỗi ngã tư mặt anh là hàng rào
Hãy cho anh la bằng cổ em
Trời mai bay rực rỡ
Chúng nó say giết người như gạch ngói
Như lòng chúng ta thèm khát tương lai
(Hãy cho anh khóc bằng mắt em những cuộc tình duyên Budapest)
Có thể nói gì về sự nín lặng của người thơ ? Sự im lặng triền miên của thi sĩ trong đoạn đời sau cùng mang dáng vẻ huyền hoặc, không khác lắm với sự im lặng của Heidegger, hay như im lặng của Phan Khôi, những ngày cuối đời.

Ðó là cách thế của những người có tiết tháo trong một thời nhiễu nhương. Ðể giữ nguyên vẹn một chọn lựa ban đầu.

Vĩnh biệt nhà văn Thanh Tâm Tuyền, ngôi sao bắc đẩu của văn học tiền phong tại Sài Gòn thời chia cắt.
Phố Tịnh

Tưởng nhớ Thanh Tâm Tuyền
Thanh Tâm Tuyền, nhà thơ chủ suý của phong trào Thơ Tự Do Việt Nam, đã qua đời tại bang Minnesota, Hoa Kỳ, sáng Thứ Ba, ngày 22 tháng Ba, 2006, hưởng thọ 70 tuổi. Di cư vào Nam năm 1955, ông và một số các bạn văn lao vào làm văn nghệ mới, bắt đầu với báo Người Việt (1955).

Năm 1956, ông chủ trương tạp chí Sáng Tạo cùng với Mai Thảo, Nguyễn Sỹ Tế, Tô Thùy Yên, Doãn Quốc Sỹ, Quách Thoại, Trần Thanh Hiệp, và các họa sĩ Thái Tuấn, Ngọc Dũng, Duy Thanh.

Năm 1960, tạp chí Sáng Tạo bộ mới ra đời, cũng do Thanh Tâm Tuyền thực hiện cùng các bạn hữu như Mai Thảo, Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sỹ, Trần Thanh Hiệp, và Tô Thuỳ Yên.

Năm 1962, Thanh Tâm Tuyền nhập ngũ, học ở Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, rồi về dạy Đại Học Chính Trị Đà Lạt và phụ trách Nguyệt San Quốc Phòng.

Sau năm 1975, ông bị bắt giam và ở trại cải tạo nhiều năm, trước khi sang cư ngụ tại Hoa Kỳ theo diện HO, năm 1990.

Thanh Tâm Tuyền đã để lại nhiều tác phẩm đáng ghi nhớ:

Tôi Không Còn Cô Ðộc (thơ,1956)
Bếp Lửa (truyện, 1957)
Liên, Ðêm, Mặt Trời Tìm Thấy (thơ,1964)
Khuôn Mặt (truyện ,1964)
Dọc Ðường ( truyện, 1966)
Ba Chị Em (kịch, 1967)
Cát Lầy (truyện,1967)
Mù Khơi (truyện, 1970)
Tiếng Ðộng (truyện,1970)
Tạp Ghi (1970)
Ung Thư (tiểu thuyết, in trọn từng kì trên tập san Văn, Sài Gòn, chưa xuất bản)
Thơ Ở Ðâu Xa (thơ, Hoa Kỳ, 1990)


Trích lục bài viết của Thanh Tâm Tuyền:


Phục Sinh
tôi buồn khóc như buồn nôn
ngoài phố
nắng thủy tinh
tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ
thanh tâm tuyền
buổi chiều sao vỡ vào chuông giáo đường
tôi xin một chỗ quỳ thầm kín
cho đư"a nhỏ linh hồn
sợ chó dữ
con chó đói không màu

tôi buồn chết như buồn ngủ
dù tôi đang đứng bên bờ sông
nước đen sâu thao thức
tôi hét tên tôi cho nguôi giận
thanh tâm tuyền
đêm ngã xuống khoảng thì thầm tội lỗi
em bé quàng khăn đỏ ơi
này một con chó sói
thứ chó sói lang thang

tôi thèm giết tôi
loài sát nhân muôn đời
tôi gào tên tôi thảm thiết
thanh tâm tuyền
bóp cổ tôi chết gục
để tôi được phục sinh
từng chuỗi cuộc đời tiếp nối
nhân loại không tha thứ tội giết người
bọn đao phủ quỳ gối
giờ phục sinh

tiếng kêu là kinh cầu
những thế kỷ chờ đợi
tôi thèm sống như thèm chết
giữa hơi thở giao thoa
ngực cháy lửa
tôi gọi khẽ
em
hãy mở cửa trái tim
tâm hồn anh vừa sống lại thành trẻ thơ
trong sạch như một lần sự thật.



Cỏ
Em bao giờ là thiên nhiên
anh cúi đầu xuống ngực
giòng mưa sắc lá
đau môi

Cỏ của hoa và hoa của cỏ
những ngón tay những ngón chân những nụ cười
nắng tháng ba mưa tháng bảy sương tháng chín
cho thơm đường hôm nay đến sớm mai
hôn từ ngày dài tội lỗi
chưa quên

Gai trắng con ngươi mở mù lòa
hơi đất nằm trong tóc
thèm muốn mỗi hàm răng
từng móng vuốt
đầy đồng xanh hoa nhiều màu một người
sống sót

cỏ ơi cỏ kết thành lời
dàn nhạc huy hoàng
cô đơn

Giấc vụng về
tia nhọn sáng
đừng rơi hoàng hôn cánh rừng dầy
những ngực thương nhau
không áo
vì cỏ dại rối bời

Chúng ta ôm thời gian trong suốt
chẳng phân vân
như mặt trời chuyện trò cùng lũ cỏ
như lá cây thầm ngã phủ vai trần
như tiếng tim thốt cười ngoài dĩ vãng



Lệ Đá Xanh
tôi biết những người khóc lẻ loi
không nguôi một phút
những người khóc lệ không rơi ngoài tim mình
em biết không
lệ là những viên đá xanh
tim rũ rượi

đôi khi anh muốn tin
ngoài trời chỉ còn trời sao là đáng kể
mà bên những vì sao lấp lánh đôi mắt em
đến ngày cuối
đôi khi anh muốn tin
ngoài đời thơm phức những trái cây của thượng đế
mà bên những trái cây ngọt ngào đôi môi em
nguồn sữa mật khởi đầu

đôi khi anh muốn tin
ngoài đời đầy cỏ hoa tinh khiết
mà bên cỏ hoa quyến rũ cánh tay em
vòng ân ái
đôi khi anh muốn tin
ôi những người khóc lẻ loi một mình
đau đớn lệ là những viên đá xanh
tim rũ rượi



Bài Ngợi Ca Tình Yêu
1.

Tôi chờ đợi
lớn lên cùng giông bão
hôm nay tuổi nhỏ khóc trên vai
tìm cánh tay nước biển
con ngựa buồn
lửa trốn con ngươi

Đất nước có một lần
tôi ghì đau đớn trong thân thể
những giòng sông những đường cầy núi nhọn
những biệt ly rạn nứt lòng đường
hút chặt mười ngón tay ngón chân da thịt
như người yêu từ chối vùng vằng

Tôi chờ đợi
cười lên sặc sỡ
la qua mái ngói
thành phố ruộng đồng
bấu lấy tim tôi
thành nhịp thở
ngõ cụt đường làng cỏ hoa cống rãnh
cây già đá sỏi bùn nước mặn nồng
chảy máu
tiếng kêu

2.

Tôi chờ đợi
phổi đầy lửa cháy
môi đầy thẹn thùng
vục xuống nhục nhằn tổ quốc
nhìn gót giầy miệng uống tro than
nghe tiếng ca của một người không quen
của cuộc đời tình nhân

3.

Trang sách khởi đầu viết
mắt người cần ánh sáng
môi người cần mặt trăng
bàn tay đòi mặt trời
và ngực em tự do
của anh của anh tất cả

Em gối đầu sương xuống
chuyện trò bằng bóng hình

Tôi đẹp như hình tôi
như cuộc đời
như mọi người
như chút thôi
anh yêu lấy em

Em là lá biếc là mây cao là tiếng hát
sớm mai khuya thức nhiều nhớ thương
em là cánh hoa là sương khói
đêm màu hồng

Vòng tay dĩ vãng và bát ngát
chỗ yên nghỉ cuối cùng
dưới mắt sao dưới bàn chân những đứa con

4.

Tôi chờ đợi
một người không
nhiều người
ở thành phố thiếu thốn
ở làng mạc đọa đầy
tôi là tiếng nói là tiếng khóc
những người bỏ đi hẹn trở về
những người mím hơi thừa chịu đựng
tôi chờ đợi
tôi là tiếng thơ là tiếng cười
mai Việt Nam hỡi mai Việt Nam



Liên Những Bài Thơ Tình Thời Chia Cách
I

Sự em có mặt cần thiết như những sớm mai
(nếu đời người không có những sớm mai)
anh trở dậy
đọc thơ Nguyễn Du
những câu lục bát buồn rưng rưng
cuối đường của một ngày
chợt anh muốn viết tặng em
không thể được
em làm con tin ở một thế giới
mà lòng sầu héo là trọng tội
anh cố gắng viết những lời thơ thật tự nhiên
như câu chuyện buổi còn gặp gỡ
như khoảng trời đơn sơ sau cửa sổ
anh gọi thầm một mình
trong giấc mơ phủ làn tóc biếc
anh biết anh gọi thầm một mình

LIÊN
II

Anh nhớ em cùng một lúc với thành phố
với những con đường anh đi qua một lần
để đến nhà em anh băng ngang một vườn hoa vắng
(lần trở về anh ngồi xuống ghế dài
nếu là buổi chiều quạnh hiu mây lá mùa thu)
một phố bình dân có chợ và những quán ăn
giản dị như trang nhật ký của anh
ngày bắt đầu yêu em .



Ngã Trên Núi Việt Hồng Ở Yên Báy Khi Ði Vác Nứa
Tuột dốc té nhào trên hẻm núi
Chết điếng toàn thân trong giây lâu
Mưa rơi đều hạt mưa phơi phới
Ngày đang tàn hiu quạnh rừng sâu

Duỗi soải chân tay gối trên nứa
Ngó trời nhá nhem nghe mưa mau
Tưởng chừng thi thể ai thối rữa
Hồn viển vông chẳng chút oán sầu

Mưa giăng tấm lưới trắng dầy khít
Làng xóm dưới núi ở phương nào ?
Gió lạnh tái tê bó liệm chặt
Lả thiếp người quên bẵng sướt đau

Ðầm mình trong hạnh của ẩn mật
Mắt hoen nhòa hứng giọt thiên thâu
Dò dẫm tối về đêm tối mịt
Sông xa núi thẳm quê nhà đâu ?

Yên Báy, 9-1979

Bếp Lửa
Tựa Lần In Thứ Tư – bản chung quyết (1973)
Malraux có viết: "Người ta không thể nào viết lại một quyển tiểu thuyết."

Tôi không tin như thế. Trong nhiều năm sau khi quyển sách này được xuất bản, dường như tôi đã hì hục viết một BẾP LỬA khác. Mỗi lần sửa lỗi ấn loát để cho tái bản, tôi đều muốn viết lại nó. Kể cả bây giờ, sau mười bẩy năm.

Đây không phải là quyển tiểu thuyết đầu tay của tôi.

Quyển đầu tay tuy được một nhà xuất bản nhận in năm 1955, vào phút chót tôi đổi ý, rút lại sách, quyết định không xuất bản.

Quyển Bếp Lửa rất có thể đã chịu chung số phận của quyển đầu tay, nếu không may mắn gặp ông Nguyễn Đình Vượng [chủ báo Văn, chủ nhà in, nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng].

Được viết một hơi – khoảng đâu hai ba tháng – được in ngay sau khi viết – không có một quãng cách nào để kịp lùi, nhìn lại – quyển Bếp Lửa là quyển duy nhất của tôi chỉ có một lần bản thảo.

Trên trang đầu bản thảo có đề câu của Rimbaud: Je est un autre [Tôi là kẻ khác], nhưng khi đưa in tôi đã xóa bỏ.

Sách in lần đầu ba ngàn cuốn, chẳng rõ bán được bao nhiêu, chỉ biết ít lâu sau sách được mang bán "son". Có hai bài viết về quyển sách: một trên nhật báo Tự Do tại Sài Gòn, một trên tuần báo Văn Nghệ của Hội Nhà Văn miền Bắc ở Hà Nội.

Tiếc là tôi không có thói quen lưu giữ tài liệu để có thể in kèm vào sách khi tái bản.

Đại cương hai bài viết đều là lời chê trách giống nhau: quyển sách bi quan tiêu cực. Bài trên tờ Văn Nghệ ở Hà Nội chỉ là một cột điểm sách ngắn vài mươi giòng nhưng bấy giờ đã mang đến cho tôi hãnh diện và sung sướng. Hãnh diện là thứ có ngày nghĩ lại khiến thẹn thùng. Nhưng sung sướng lúc nào cũng vẫn là sung sướng, dù cùng với thời gian có thể lẫn vẻ bùi ngùi.

Tôi sung sướng nghĩ các bạn tôi ở Hà Nội đọc cột báo ấy, biết được tôi vẫn nhớ họ, đã viết về họ, về những ngày tháng ấy của chúng tôi. Họ có thể tức tối căm giận, nhưng chắc họ cũng cảm động bồi hồi.

Mười bẩy năm đã qua.

Kinh nghiệm dạy cho tôi là lời của Malraux đúng. Tôi đã loay hoay quá lâu với một quyển sách. Lần này tôi quyết định đề là ấn bản chung quyết.

Tôi hiểu đã đến lúc nên viết những quyển sách khác.

Tháng 3 – 73
THANH TÂM TUYỀN

Bếp Lửa,
Tựa Lần In Thứ Hai (1965)
Cuốn sách mỏng manh, non nớt và chưa thành hình này của một người mới lớn lên. Hắn lớn lên trong một thành phố đã mất, thành phố bị vây hãm như một hòn cù lao nổi chờ ngày tan rã không để lại dấu vết. Hắn đọc Marx tìm thấy giấc mộng "biến cải thế giới", đọc Rimbaud tìm thấy giấc mộng "thay đổi cuộc đời", đọc Dostoievski tìm thấy thái độ "tất cả hay không có gì hết", đọc Gide tìm thấy "đời sống thành khẩn trung thực", đọc Malraux tìm thấy hào quang của trí tuệ dối đầu với Định Mệnh, đọc Sartre tìm thấy "cuộc hiện sinh tự do và chọn lựa". Hắn lớn lên cùng bè bạn, vượt qua mau tuổi trẻ để suy nghĩ và mơ ước hành động. Mỗi đứa một lối lăn mình theo mối cám dỗ lớn lao của hư vô (1). Hắn lìa bỏ quê hương, chia tay với bè bạn, dấn mình vào lịch sử, đuổi theo giấc phiêu lưu của trí tuệ: sự thật được tạo nên từ niềm hư vô của tuổi trẻ bị tước đoạt.

Bây giờ hắn ba mươi tuổi, hắn vẫn quay tròn như một nỗi tự do trống rỗng, không làm được gì hơn, ngoài một lựa chọn – khó khăn và buồn tủi - : trở thành một nhà văn. Lúc hắn viết cuốn sách này hắn chưa phải là một nhà văn, không muốn là một nhà văn. Hắn chưa biết mình muốn gì vì hắn muốn tất cả. Hắn viết với ý nghĩ trong khi mình viết, người khác chết. Ý nghĩ làm tê liệt hứng khởi tạo tác. Nên sau cuốn sách được in tình cờ, không dự tính, hắn nằm im trong sự bất lực hổ thẹn, hắn phá phách tiêu hủy không thể hoàn thành nổi những dự thảo, phóng tưởng kế tiếp. Mỗi ngày mỗi nghiền ngẫm trong bất giác của các tình thế kinh nghiệm, hắn nhận thức hắn chỉ là một nhà văn, không thế lực và hèn mọn như mỗi người – một nhà văn bị dìm ngập trong thời đại và xã hội của mình như giới hạn tự nhiên của cõi sống và cõi chết. Hắn dứt bỏ được những mê hoặc, ảo ảnh – về vai trò của nhà văn – của thứ tiếng nói toàn năng vang động và làm biến dạng được sự vật một cách cụ thể. Tiếng nói của văn chương chỉ là những lời thầm thì giữa hỗn độn của lịch sử, lời cô đơn không sức mạnh bị lấn áp ở mọi phía.

Sự kiêu hãnh của tuổi nhỏ nhường chỗ cho sự bình tĩnh ý thức. Hắn bắt đầu cầm bút thực sự, làm việc giữa những đổ vỡ xáo trộn thách thức. Đối với hắn, cuộc chọn lựa gay go nhất đã xong, hắn biết hắn chỉ còn một tiếng nói để tìm kiếm bè bạn và quê hương.
Người được đề tặng sách này đã chết.

Hắn, tên Vũ Đạo Ánh, chết vào một buổi sáng chủ nhật đầu tháng chín năm 1964, tại một khu rừng tỉnh Bình Dương, một viên đạn xuyên ngang ngực năm mới ngoài ba mươi.

Vào buổi chiều cuối tháng tám, hắn còn đứng trước một căn nhà trong hẻm ngoại ô, nhìn qua cửa sổ, đèn trong nhà thắp sáng nhưng mọi người đi vắng, cất tiếng gọi. Như những ngày mùa thu, mùa đông nơi thành phố xa khuất cũng hơi ngửa đầu lên cao liếc mầu trời xẫm mau, hắn gọi đứa bạn của thời niên thiếu nghèo khốn, gọi những mộng phiêu lưu đã bị nghiền nát cùng tuổi trẻ như một Thiên Đường cửa đóng. Hắn lủi thủi trở về như bị bỏ rơi, chạy qua thành phố Saigon buổi tối còn ngơ ngác những âm vang của mấy ngày hỗn loạn. Có lẽ hắn nhớ tới thành phố của tuổi trẻ, như nhớ tới đứa bạn, hắn đã chạy cuồng trong đó trên chiếc xe đạp tồi tàn giữa những ngày tháng rách bươm, mơ ước cái cơ hội kết tập được ngày tháng tan rã thành một đời ý nghĩa. Có lẽ hắn muốn gặp đứa bạn để hỏi: tại sao mày không viết được gì thêm nữa ngoài cuốn sách đề tặng tao?; cuốn sách hắn nhận được vào một ngày cuối năm nào khi còn đóng đồn trên sườn núi ngoài Trung nhớ quê hương đã lìa bỏ cùng mẹ và gia đình ở lại, cuốn sách vợ hắn mang liệm theo xác như một kỷ niệm hắn muốn mang đi. Hắn không gặp đứa bạn và tự hỏi: Nó ra sao?, đã lâu không gặp, như ngày nào trong thành phố hoài nghi và khắc khoải, hắn thường tìm bạn và hỏi: Thế nào, chúng mình sẽ đi về đâu?

Hắn gục chết bên một gốc cây, mau lẹ, không đau đớn. Hắn nằm đó, đầu ngoẹo sang bên, gối lên cỏ như một người ngủ mệt sau đoạn đường hiểm trở của Định Mệnh – Định Mệnh của một thế hệ, những người còn sống là những kẻ sống sót. Hắn đã đi từ tuổi trẻ bị tước đoạt, tới nằm đó trong khu rừng giữa cuộc chiến phơi mình làm một sự thật thô sơ: ở đây, trong xứ sở khốn nạn này, cuộc chiến phải chấp nhận không phải là lối phiêu lưu trốn chạy ngông cuồng. Cái chết của hắn không phải là một huyền thoại Rimbaud, một huyền thoại Lawrence, tên bạn hắn hiểu được như vậy.

Chúng muốn gì? Người chết cho kẻ khác sống. Chúng muốn gì?

Những nhà phê bình ở Hànội đã gọi các nhân vật trong cuốn sách này là bọn tôi mọi nô lệ. Họ hỏi: trong khi họ xây dựng xã hội chủ nghĩa, bọn này đi đâu? Những người ở Hànội không khi nào tự đặt câu hỏi với mình, những câu họ thường đặt cho kẻ địch. Bọn chúng đã đi trong thống khổ của lịch sử tới cái chết, cái chết như sự từ chối quyết liệt. Tại sao? Đáng lẽ họ phải tự hỏi: tại sao? Cái chết lựa chọn không phi lý, nó sẽ làm nảy sinh sự thật, sự thật của những người chết truyền lưu cho kẻ sống sót.
Mỗi nhà văn chính là một kẻ sống sót.
Sàigòn, 1965
THANH TÂM TUYỀN


Chú thích của tác giả:
(1)... c’est que l’idéal, jusqu’à présent, a été la véritable force de dénigrement appliquée au monde et à l’homme... la grande tentation du néant. Nietzsche (La volonté de puissance).


Trang liên hệ
· Đọc thêm về Thanh Tâm Tuyền


--------------------------------------------------------------------------------

Bài được đọc nhiều nhất trong Thanh Tâm Tuyền:
Vĩnh quyết Thanh Tâm Tuyền (TL 202)



Lựa chọn

Trang in

Gởi đến cho bạn bè





"Đăng Nhập" | Log vào/Đăng ký độc giả | 0 Ý kiến

Là một diễn đàn tự do, Thông Luận không chịu trách nhiệm về nội dung của những ý kiến đóng góp từ độc giả.



Bạn đọc ẩn danh không thể đăng ý kiến của mình, xin đăng ký ở đây trước






Copyright © 1988-2009 Thông Luận
Chủ nhiệm: Đoàn Xuân Kiên
Ban biên tập: Phạm Đỉnh - Đỗ Lê Thường - Nguyễn Văn Hiệp - Phan Bá Việt
Thongluan - Address: 7 Allée Bouleau Carreau, 77600 Bussy-Saint Georges, France
ISSN 1145-9557, năm thứ 22.
Liên lạc: hopthu@thongluan.org


PHP-Nuke Copyright

No comments: