Thursday, March 19, 2009

TRƯƠNG CÔNG THUẬN

=


SỰ THẬT VỀ CÁI CHẾT CỦA
THIẾU TÁ TRẦN VĂN HỢP TĐT/TĐ2/SĐTQLC


Lời nói đầu
Đọc các quyển Đặc San Sóng Thần do Tổng Hội TQLC/VN phát hành, tôi nhận thấy rất nhiều bài viết có giá trị, trình bày những chi tiết mà trước đây tôi chưa được biết. May nhờ có quý Đại Bàng, quý Niên Trưởng, những người mà trước đây đã nắm giữ những chức vụ quan trọng trong Sư Đoàn TQLC nói lên một cách đầy đủ. Có bài viết nói lên những trận chiến hào hùng của các đơn vị trong SĐ/TQLC, gợi cho tôi luyến nhớ một thời oanh liệt mà giờ đây tất cả đều thuộc về dĩ vãng.
Có một đề tài được viết nhiều lần về cái chết của Th/T Trần Văn Hợp qua các tác giả khác nhau, mỗi người viết cho tôi thấy những chi tiết rất khác xa sự thật. Dĩ nhiên là những tác giả đó không ở trong cuộc thì làm sao biết được sự thật.
Trong ĐSST phát hành năm 2006, có bài "Những TQLC/VN trong lao tù Cộng Sản" của tác giả Cần Thơ thuộc TĐ2/TQLC. Tác giả có nêu lên 6 Sĩ Quan cấp Tá đã chết trong các trại tù mà hầu hết là ở miền Bắc "xã hội chủ nghĩa". Các anh chết như thế nào thì tôi không biết rõ, chỉ là những tin tức truyền miệng mà thôi.



Cái chết của Trung Tá Nguyễn Văn Nhiều, Trưởng Phòng 4/SĐTQLC như thế nào thì chỉ có Trung Tá Đặng Bá Đạt, Chỉ Huy Trưởng PB/SĐ/TQLC là biết rất rõ vì hai vị đi chung trên chuyến tàu Sông Hương ra Bắc và hai người rất thân với nhau ở trên tàu. Cộng thêm người thứ ba nữa là Thiếu Tá Lê Hữu Thạch, Trưởng Khối Chiến Thuật của Trường Pháo Binh. Vì mục này, tôi nghĩ Trung Tá Đặng Bá Đạt nên dành một ít thì giờ để nói lên sự thật.
Riêng về cái chết của Thiếu Tá Trần Văn Hợp, TĐT/TĐ2/TQLC thì tôi là người trong cuộc, người duy nhất biết được những chi tiết bí ẩn và sự kiện đã đưa Th/Tá Trần Văn Hợp đến tử vong.






Lý do tôi viết bài này
Như tôi đã trình bày ở trên, sự thật cái chết của Th/Tá Trần Văn Hợp mỗi ngày một xa ra. Có lẽ tác giả Cần Thơ biết những chi tiết đưa ra không được chính xác cho lắm, nên trong bài viết tác giả có yêu cầu những Chiến Hữu nào biết được sự thật về cái chết của 6 vị Sĩ Quan trên thì xin viết và gửi về Ban Biên Tập ĐSST để có dữ kiện chính xác cho quyển Chiến Sử TQLC tương lai.
Điều quan trọng nhất mà tôi quan tâm tới là gia đình anh Hợp. Tôi nghĩ rằng gia đình anh Hợp rất muốn biết tất cả về Anh khi ở trong tù cho đến lúc chết. Do đó, tôi tự nghĩ rằng, tôi có trách nhiệm phải nói lên sự thật. Cổ nhân có câu:

"Biết mà không nói, là bất nhân
Nói mà không nói hết, là bất nghĩa"





Mặc dù trước đây, sau khi rời khỏi ghế nhà trường thì chỉ biết cầm súng. Chữ thì không nhiều, làm một việc mình chưa làm bao giờ nên tôi có phần e dè, ngần ngại... Nhưng nếu tôi không viết thì sự thật vĩnh viễn không được phơi bày ra.
Mục đích của tôi là muốn cho gia đình anh Hợp biết được phần nào về hình ảnh của Anh trong lao tù cộng sản.
Tôi có thời gian rất lâu để suy nghĩ, cố nhớ hết những chi tiết nếu được càng nhiều càng tốt. Những chi tiết dĩ nhiên là hoàn toàn đúng sự thật, nhưng về thời gian, địa điểm thì có thể không được chính xác. Cũng dễ hiểu vì ở trong tù đâu có ai quan tâm tới điều đó, chỉ nhớ ở một mức độ đại khái, vả lại cũng quá lâu, gần 30 năm rồi.






Một lời yêu cầu
Tôi muốn diễn tả từng chi tiết để cho câu chuyện được đầy đủ một cách trung thực, khách quan, không phán đoán, không suy diễn... Tôi không kết án ai, cũng không bênh vực hoặc biện hộ cho ai. Có thể liên quan đến nhiều lỉnh vực hết sức là nhạy cảm gây ra ngộ nhận. Do đó, xin quý chiến hữu thông cảm bỏ qua cho.




Trong lao tù Cộng Sản
Ngày 15 tháng 5 năm 1975, theo thông báo của Ban Quân quản Sài Gòn, tôi làm đầy đủ theo thông báo là đem quần áo, lương thực và tiền bạc để ăn trong vòng 1 tháng. Vợ chồng chúng tôi đón xe bus từ Thủ Đức đến trường Nguyễn Tri Phương ở Chợ Lớn, hành trang chỉ có 1 vali. Trên xe, vợ tôi hỏi bà bán vé là trường Nguyễn Tri Phương ở đâu? Bà ta chỉ đường và còn nói thêm là không biết tại sao từ sáng tới giờ rất nhiều người hỏi về địa điểm đó.



Tới nơi vào khoảng 11 giờ trưa, thấy còn sớm và quyến luyến không nỡ rời tôi và muốn kéo dài thêm thời gian, vợ tôi dẫn tôi vào quán bán hủ tiếu dùng cơm trưa. Tới lúc từ giã để vào trình diện, tôi thật sự rất xúc động mà trước đây chưa hề có.
Mặc dầu thông cáo đi học 1 tháng, nhưng tôi cũng nói trước với vợ tôi rằng 1 tháng thì ít quá, không chắc đâu, thôi thì mình cho là 6 tháng đi. Dù cho 6 tháng đi nữa thì cũng chưa bằng một cuộc hành quân. Tôi còn an ủi thêm là ở nhà ráng nhẫn nhục nuôi con vì sau lần xa cách này thì chúng ta sẽ gần nhau mãi mãi. Vợ tôi ôm tôi mà khóc, tôi xúc động lắm nhưng cố dằn lòng chia tay bước vào trường.
Ngày ra đi, tôi để lại người vợ thương yêu rất yếu đuối cùng 4 đứa con thơ mà đứa lớn nhất chỉ 9 tuổi, kế là 7 tuổi, 5 tuổi và đứa út là 18 tháng.




Sự thật chúng ta không ai lường trước được những gì mà chúng ta phải bước qua, những gì vợ con chúng ta gánh chịu ... Tâm trạng của tôi chắc không khác gì tâm trạng của những người cùng cảnh ngộ.
Khuya hôm đó, chúng tôi được đưa lên xe Molotova, mui vải bạt phủ kín người, ngồi chật như nêm làm mọi người muốn ngất xỉu vì thiếu không khí để thở. Đến sáng thì tới nơi. Xuống xe, chúng tôi biết đây là doanh trại cũ của Quân Đội VNCH, nhưng không biết là đâu? Có vài người cho biết đây là Thành Ông Năm.




Thành Ông Năm ở Quận Hốc Môn, đây là doanh trại của một Đại Tá người Pháp sau này là Bộ Chỉ Huy của LĐ5 Công Binh Kiến Tạo. Thời gian này chúng tôi không làm gì cả, đi chơi lòng vòng qua các phòng khác. Tôi gặp Th/Tá Lê Văn Huyền, Phan Minh Hùng, Chu Trọng Ngư, Hà Tiến Chương ... Ở đây có một công việc mà ai cũng làm là lược chải đầu để khi về tặng cho vợ. Lá nhôm ở đây rất nhiều, nên có người làm tới 4, 5 cái lại còn chạm trổ và khắc tên vợ trông đẹp mắt lắm.
Không biết ở ngoài họ thông báo thế nào mà Noel năm 1975, chúng tôi ai cũng nhận được 1 gói quà 5kg và tiền mặt (đã đổi thành tiền HCM). Riêng tôi nhận được 1 gói quà và 10 đồng tiền mặt mà không sao cầm được nước mắt. Tôi biết rằng quà và tiền này là do sự hy sinh của vợ con tôi. Ở nhà chắc chắn vợ con tôi phải nhịn ăn mới có được, khi tôi đi ở nhà không có tiền vì tháng lương cuối cùng tôi chưa được lãnh.




Tháng 3 năm 1976, chúng tôi được chuyển lên Suối Máu. Đây là trại giam giữ tù binh Việt Cộng trước tháng 4/75. Tuần lễ cuối cùng của cuộc chiến, tôi có đến nơi này với nhiệm vụ là Sĩ Quan phối hợp hỏa lực cho Lữ Đoàn 258/TQLC. Tôi gặp lại người bạn là Th/Tá Quân Cảnh Phạm Văn Có, hiện đang làm chỉ huy trưởng của trại này. Sau này khi ra ngoài Bắc, tôi cũng gặp lại ông ta ở trại Nam Hà.
Trại tôi ở là trại 2, nằm trong khu vực của trại tù binh Suối Máu. Nơi đây họ nhốt các sĩ quan cấp Tá. Khi chúng tôi đến thì được chúng phân chia mỗi toán là 10 người nhập vào mỗi dãy, 11 dãy chứa người, 1 dãy trống để làm hội trường, nơi đây có 1 cái TV dùng để cho tù nhân xem.
Đầu tháng 5 năm 1976, trên TV có công bố 1 sắc lệnh về tù cải tạo. Theo sắc lệnh này thì sĩ quan học tập cải tạo thời gian là 3 năm, sau đó những thành phần mà họ gọi là ác ôn thì sẽ bị đem ra toà án xét xử.
Từ lúc đầu có lệnh đi 1 tháng, rồi bây giờ là 3 năm, chúng tôi ai cũng đều thất sắc nói không ra lời. Càng lúc càng thấy sự xáo trá của chúng nên chúng tôi cũng không còn tin ở con số 3 năm này.



Khi vào trại được hơn 1 tháng, trong những lần họp hoặc học tập, nhiều người hỏi tại sao bảo chúng tôi đi học 1 tháng mà bây giờ đã 4, 5 tháng rồi chúng tôi chưa được về. Bọn chúng tráo trở trả lời rằng: "Chúng tôi kêu gọi mấy anh mang theo lương thực, tiền bạc để ăn trong 1 tháng, chứ đâu có nói là đi học 1 tháng". Lúc này chúng tôi mới biết bị chúng chơi chữ để luờng gạt.
Trở lại cái sắc lệnh đi học tập 3 năm của chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam do Thủ Tướng Huỳnh Tấn Phát ký. Chúng tôi rất nghi ngờ mới hỏi cán bộ CS bây giờ nước nhà đã thống nhất rồi mà sắc lệnh này lại do Huỳnh Tấn Phát ký có hiệu lực không, sau này có ai thi hành hay không? Chúng chỉ trả lời bâng quơ: "Ai ký cũng vậy thôi, đều có hiệu lực hết". Nói như vậy để thấy rằng chúng ta lại bị lừa 1 lần nữa vì sau này khi đủ 3 năm chúng tôi có thắc mắc thì họ trả lời rằng: "3 năm chỉ là một cái mốc để các anh phấn đấu mà học tập cho tới khi nào tiến bộ thì các anh được Đảng và nhà nước cho về". Chúng tôi hỏi: "Thế nào là tiến bộ, tiến bộ đặt theo tiêu chuẩn nào?". Không ai trả lời được.
Kể từ đây thì tù cải tạo chỉ biết hát lại bản "Đường trường xa ..." mà chúng ta đã từng hát ở quân trường, còn ngày về chắc ông Trời cũng không biết được.





Ra miền Bắc
Sau cái sắc lệnh do Huỳnh Tấn Phát ký, các sĩ quan lần lượt chuyển ra Bắc trên chiếc tàu Sông Hương. Có lẽ tôi đi vào chuyến thứ 3. Xuống tàu ở Tân Cảng khoảng 10 giờ đêm. Trước khi xuống hầm, mỗi người được lãnh 1 phần lương khô của Trung Quốc ăn giống như là bánh in, ăn ít xong uống nước nhiều thì nó nở ra. Tất cả đều ở dưới hầm tàu, người nằm chật ních như cá mòi, không còn một khoảng trống nào để đi lại. Công việc đầu tiên đi xuống tàu là bàn tán đoán xem mình sẽ đi đâu. Nhiều người khẳng định là sẽ ra đảo Phú Quốc, vì nơi đó là đảo nên tù nhân không thể trốn được, vả lại ở đó đã có trại tù cũ có thể chứa được nhiều người. Dĩ nhiên ai muốn đoán gì thì đoán mà cho tới thời điểm đó thì chỉ có bọn VC biết mà thôi. Cho tới khi trời sáng, nắng chiếu xuống hầm tàu thì chúng tôi mới có đáp số chính xác là chúng tôi được chuyển ra Bắc. Căn cứ vào hướng tàu chạy, ánh nắng chiếu từ bên phải vào bên trái mạn tàu, do đó hướng tàu chạy là hướng Bắc.
Ăn thì có lương khô, nước thì hàng ngày được bơm từ bong tàu xuống, duy chỉ có một điều mà chúng tôi sợ nhất là đi vệ sinh. Gần 2000 người mà chỉ có 1 cầu tiêu duy nhất làm bằng thùng phuy, do đó ai cũng phải tranh thủ. Từ sáng dù có muốn hay không muốn đều phải xếp hàng, có người thì chưa kịp tới phiên, còn có người tới phiên mình lại không muốn đi. Giờ đây ngồi nhớ lại mà kinh hoàng.



Rồi cuối cùng thì tàu cũng cập bến. Một ông Đại Úy CS khom đầu xuống hỏi: "Các anh có biết hiện giờ các anh ở đâu không?". Tên Đại Úy có vẽ hãnh diện tuyên bố tiếp: "Các anh được hân hạnh đến miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa". Khu vực này trông có vẽ nghèo nàn lắm, ngoài cây cầu tàu thì rải rác có những đống than đá rất lớn và một đường rầy xe lửa. Những sĩ quan QLVNCH người miền Bắc lớn tuổi cho biết đây là bến Sáu Kho, một bến nhỏ thuộc cảng Hải Phòng, bến này dùng để chuyển than đá xuất khẩu. Chúng tôi được tập trung lại ở một bãi đất trống, chung quanh rào kẽm gai và nhiều công an dẫn chó nhiệm vụ đi vòng ngoài kiểm soát. Tại đây, mỗi người được chích một mũi thuốc và uống một viên thuốc. Chúng tôi ai cũng đều lo sợ, không biết rằng hậu quả của thuốc ra sao? Tôi còn nhớ lại khi nhỏ đã nghe những người lớn tuổi nói lại là thời Pháp thuộc, sinh viên Việt Nam được qua Pháp du học, khi thành tài về nước đều bị chích thuốc làm cho tê liệt hoặc điên khùng để không còn dùng tài học mà chống lại họ.
Sau đó họ chia chúng tôi thành từng toán 30 người nằm dọc từng khoảng theo đường rầy xe lửa.
11 giờ đêm tàu tới, mỗi toán lên một toa, toa xe được quét dọn qua loa, than đá vẫn còn nằm đen kịt dưới sàn, dầu vậy chúng tôi vẫn trải chiếu cá nhân lên mà nằm.



Các chuyến trước cũng được di chuyển bằng xe lửa, nhưng sợ anh em trốn chạy nên họ bịt kín hết các cửa, vì vậy mà đã có nhiều người chết. Có lẽ rút kinh nghiệm ở các lần trước, lần này các cửa sổ đều được mở nhưng ở cửa chính thì được đóng lại một nửa và có một anh vệ binh ngồi cầm AK canh gác. Trên toa còn có 2 can nước để uống.
4 giờ sáng tàu tới Hưng Yên rồi dừng tại ga để nhận tiếp tế. Ga nghèo nàn xập xệ, chỉ là một căn nhà trệt bằng gạch có lẽ xây từ hồi Pháp và cho tới nay cũng chưa sơn phết lại lần nào. Có đèn điện nhưng không sáng, tuy vậy cũng đủ nhìn thấy cảnh vật chung quanh. Cuộc tiếp tế đã được chuẩn bị từ trước, nên khi tàu vừa ngừng thì có nhiều phụ nữ gánh hàng tới. Mỗi người nhận lãnh 3 ổ bánh mì (cở bánh mì ở đây bán 1 đồng 3 ổ), 2 quả chuối già, 1 gói đường, 1 gói chà bông to bằng bao thuốc lá xong là tàu chạy ngay. Tới sáng thì tàu lần lượt chạy qua cầu Việt Trì vào thành phố Việt Trì, một tỉnh lỵ mà tôi có thể so sánh bằng một cái chợ xã ở miền Nam. Tàu qua Phú Thọ và tới khoảng 12 giờ trưa thì dừng lại ở ga Yên Báy.





Yên Báy

Ga nằm ở ngoài bải trống, chúng tôi được lệnh xuống xe, xếp hàng và có rất nhiều bộ đội đứng chờ sẵn để dẫn đi. Đi khoảng 1 cây số thì đến địa điểm đã được chuẩn bị sẳn, có những hố để đi vệ sinh, có những bà già đầu chít khăn mỏ quạ ngồi nấu nước lá vối cho tù nhân uống, ai muốn uống, muốn lấy bao nhiêu cũng được, nhưng có một điều là không ai dám nói với ai một lời nào. Cạnh đấy là bến phà Âu Lâu nằm trên sông Hồng, bên này là thành phố Yên Báy, bên kia có một con đường trải đá dẫn tới Nghĩa Lộ và Sơn La. Ngày xưa Yên Báy, Nghĩa Lộ, Lào Kai là tỉnh nhưng sau này VC nhập chung lại thành một tỉnh tên là Hoàng Liên Sơn. Chúng tôi xuống phà và qua sông, phà nhỏ chỉ chở người mà thôi, mỗi chuyến chở vào khoảng 6,7 chục người. Bờ bên kia đã có xe Molotova chực sẳn, cứ mỗi xe là 20 người. Khoảng 2 giờ chiều đoàn xe bắt đầu lăn bánh, kỳ này đi xe mui trần nên chúng tôi dễ chịu hơn, nhưng lại có một cái khổ khác đó là tình trạng đường xá. Đường gồ ghề, người ngồi thì tưng lên tưng xuống, nhiều khi tôi nghĩ nếu mình không nắm chặt vào thành ghế ngồi thì khi mình tưng lên có thể rới xuống đất ở phía sau xe. Không biết đoạn đường này dài bao nhiêu? Đường xá thì xấu mà lại còn phải lên đèo, đèo khá dài.




Sau này chúng tôi đi bộ ngược trở lại mới biết đây là đèo Lũng Lô. VC đã tạo ra một huyền thoại ở đèo này: “Một chiến sĩ pháo tên Tô Vĩnh Diện cùng đơn vị kéo pháo qua đèo để lên Điện Biên Phủ tham gia trận tấn công vào các cứ điểm của quân Pháp. Dây bị đứt, pháo lao xuống đồi, Tô Vĩnh Diện nhảy vào lấy thân mình chặn lại, pháo ngừng lại nhưng anh ta thì chết”. Huyền thoại này được đưa vào sách giáo khoa và sau năm 1975 ở miền Nam các em học sinh đều có học. Chắc chắn rằng cuộc kéo pháo này có rầt nhiều người chết nhưng VC cố tạo ra một kịch bản như vậy để anh hùng hoá người này.
6 giờ tối thì chúng tôi tới nơi. Đây là một bãi đất trống, ẩm ướt mà chúng tôi đã dựng tạm 3 lán trại làm bằng nứa lộp tranh, không có nền, không có vách. Những cán bộ đón tiếp chúng tôi tại đây rất hách dịch, nạt nộ, đe dọa đủ điều khi chúng lấy lý lịch. Những ngày ở đây mới bắt đầu đi vào cải tạo. Lạo động cực nhọc, ăn uống thiếu thốn, rừng thiêng nước độc, không có thú dữ nhưng có một con vật rất nhỏ mà chúng tôi ai cũng sợ đó là con vắt. Nó nhỏ bằng hột đậu xanh, nhưng khi bị nó chích thì máu chảy ra hoài không dứt, có anh bị chích máu chảy nhiều quá nên bị ngất xỉu. Chúng có đầy rẫy ở trong rừng, dưới đất, trên cành cây... khi có hơi người là lập tức chúng búng tới bám vào người và hút máu.



Sơn La

Đây là địa phận của tỉnh Sơn La, trại của chúng tôi nằm ở huyện Phú Yên. Nơi đây có một trại tù rất kiên cố do Pháp xây dựng để nhốt những cán bộ cộng sản cao cấp. Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh ... đều đã có ở đây.
Khoảng 4 tháng sau, chúng tôi đi ngược lại con đường cũ nhưng lần này thì đi bộ, đi 2 ngày thì tới Nghĩa Lộ lập trại ở huyện Văn Chấn ngay sát bên một đồn điền trà rất lớn, sau này đi lãnh thực phẩm khi đi qua chỗ cơ sở chế biến thì thấy một nhà máy rất lớn có đề một hàng chữ màu đỏ “Nhà máy chè Trần Phú do Trung Quốc xây dựng”. Trại này chỉ có 2 SQ/TQLC là tôi và Thiếu Tá Nguyễn Hữu Lạc TĐT/TĐ1/PB. Ông ta ở lán khác làm trưởng ban nhà bếp, sống no đủ và an nhàn lắm. Ăn cái Tết thứ hai trong tù ở nơi đây, sau đó toàn bộ di chuyển bằng xe lên Kiên Thành, tôi được phân chia về trại 5. Trại đánh số theo thứ tự từ đường cái đi vào, các trại đều nằm dọc và sâu vào trong một con đường nhỏ. Trại 5 là trại nằm sâu trong cùng. Đây là vùng đất cư ngụ của dân thiểu số người Dao và Tày. Trại 5 có 5 lán do tù nhân tự xây dựng lên mà ở, chính nơi đây tôi mới gặp Thiếu Tá Trần Văn Hợp.


Những ngày sống chung với Th/Tá Trần Văn Hợp
Ở đây mỗi đội gồm 3 tổ ở chung một lán, chúng tôi ở đội 3 mà không gọi là đội 3 mà gọi là lán 3. Trại này có 4 SQ/TQLC, ngoài tôi ra còn có anh Trần Văn Hợp, anh Đinh Long Thành, anh Trần Quang Duật. Anh Duật ở bên lán khác nằm trong tổ thợ mộc, còn 3 người chúng tôi thì ở chung 1 đội (lán). Lán trưởng là anh Huỳnh Vinh Quang khoá 14TĐ, Chi Đoàn Trưởng Thiết Giáp ở vùng 4, con rễ của Đại Tá Vũ Quốc Gia. Lán phó là anh Đinh Long Thành. Tôi làm tổ trưởng, anh Hợp nằm trong tổ của tôi.
Trước đây khi còn phục vụ trong SĐ/TQLC, mặc dù có nhiều lúc gặp nhau nhưng chưa bao giờ nói chuyện với nhau. Tôi thấy Anh có một cái vẻ gì đó mà tôi không thích, tính tình lầm lầm, lì lì, không thân thiện. Nhưng khi vào đây gặp Anh, tôi mới thấy những nhận xét của tôi là sai lầm. Anh và tôi nằm kế bên, ban đêm thường hay tâm sự với nhau, tôi nhận thấy Anh là con người rất thành thật và cởi mở. Có đôi lần chúng tôi đem chuyện gia đình ra nói, tôi thì phân vân lo lắng không biết vợ và 4 đứa con nhỏ dại của tôi ở nhà sống bằng cách nào, nhà cửa có bị chúng tịch thu và đuổi đi không? Phần Anh thì anh cho tôi biết là riêng gia đình Anh cũng bấp bênh lắm, nhà thì nằm ở trong trại gia binh, hôm trước Anh nhận được tin là ở nhà vợ Anh đi bỏ mối bột Bích Chi, nhận được mấy kỳ thư rồi thì bặt tin.




Người Anh mình dây, cao ráo nhưng không khoẻ trong người. Anh có chứng bệnh kinh niên là đau bao tử, có lẽ do trong thời gian chiến đấu ăn uống không điều độ gây ra! Người Anh trông xanh xao và lại nổi lang-ben đầy mình. Anh nghiện thuốc lào nặng lắm. Mỗi tháng một người lãnh 2 gói thuốc lào Tiên Lãng, tôi thì không hút nên tặng Anh 1 gói, còn 1 gói tặng các bạn thân khác. Ở đây Anh là người bạn thân nhất của tôi, vì cùng là TQLC và cùng ở trong một tổ nữa. Ngoài việc lao động đi chung với nhau và khi chiều về lãnh cơm xong, chúng tôi ngồi chung với nhau vừa ăn vừa nói chuyện.



Phần ăn thì không có bao nhiêu, một người ăn bình thường thì cao lắm là 5 phút, nhưng vì đây là lúc thần tiên nhất của tù cải tạo do đó chúng tôi tìm mọi cách để kéo dài thời gian cho một bữa ăn. Nhiều người ăn vài miếng lại ngừng, uống nước để thêm một cái gì đó vào bao tử hầu có được cái cảm giác no bụng, người thì ngừng lại hút 1 bi thuốc lào ngồi lim dim vài phút rồi ăn tiếp. Làm như vậy một bữa ăn có thể kéo dài được 1 tiếng đồng hồ, có người kéo dài đến 2 tiếng. Trong tổ của tôi có anh Khúc Hiếu Liên, khóa 5TĐ, TĐT/CB ở Vĩnh Long. Một bữa ăn của anh kéo dài 3,4 tiếng đồng hồ. Thời gian trại cho ăn bắp hột, anh ngồi nhai từng hột một cho tới khi chấm dứt, sau đó anh tuyên bố cho anh em biết là bữa nay phần ăn của mỗi người được 578 hột. Tôi thì thuộc diện kéo dài thời gian bằng uống nước, anh Hợp thì bằng thuốc lào. Anh tuyên bố có thể nhịn ăn chứ không thể nhịn hút được. Có nhiều khi hết thuốc, Anh lấy lá khoai mì phơi khô mà hút. Nhìn thấy Anh ghiền thuốc ngồi lờ đờ mà tôi thấy tội nghiệp. Có một lần trại lấy 10 người đi vào rẫy của người Dao để gánh rơm về trét vách. Khi gom rơm để bó lại, tôi phát hiện ở đây có trồng cây thuốc lào (cây thuốc lá thường thì lá hơi tròn còn cây thuốc lào thì lá hơi dài) tôi ăn cắp khoảng 20 lá bỏ vào trong bó rơm gánh về. Nhận được lá thuốc Anh mừng vô kể, tôi cũng thấy vui trong lòng. Anh không chờ phơi khô, đốt lửa hơ cho héo xong thì hút ngay, lúc đó tôi thấy Anh vui vẻ, tỉnh táo lắm.



Tôi ăn cái Tết thứ 3 ở trại này, mỗi người được nhận quà Tết là 2 cái bánh chưng lớn bằng bàn tay cũng do tù cải tạo tự gói. Hôm gói bánh chưng, Anh rủ tôi xuống hội trường xem anh em gói. Chúng tôi thấy không có ai có tay nghề hết nên chúng tôi xin vào gói thử. Hai chúng tôi cùng gói, không đẹp lắm nhưng cũng khá hơn mấy anh em khác. Anh trưởng toán thấy vậy mới yêu cầu chúng tôi gói tiếp, khi xong tôi về lán để ngủ, Anh còn ở lại coi người ta nấu. Khoảng 30 phút sau, Anh về trên tay bưng một cái chén và gọi tôi dậy. Anh kêu tôi uống một nửa, Anh một nửa, thì ra đây là nước nếp còn lại anh Trưởng toán mới đổ chung vào chảo nấu nóng lên và chia cho những người có công gói bánh để bồi dưỡng. Ngoài Anh và anh Đinh Long Thành ra thì tôi cũng có nhiều bạn thân khác trong ngành Pháo Binh cùng chung một tổ như anh Nguyễn Ngọc Triệu khoá 11TĐ, TĐT/TĐ2/ND, anh Nguyễn Đảnh khoá 7TĐ, Chỉ Huy Trưởng PB Tiểu Khu Khánh Hòa. Những việc gì nhẹ nhàng tôi đều chỉ định cho anh Hợp. Một lần lán được điều động đi trét vách ở ngoài Bộ Chỉ Huy Liên Trại cách đó khoảng 8 cây số. Lán trưởng chỉ thị mỗi tổ để lại 1 người làm nhà bếp và đan lồng bàn cho cán bộ trại, nhiều anh em tới xin tôi cho ở lại nhưng tôi chỉ định anh Hợp. Việc này làm 2 anh bạn Pháo Binh của tôi bất mãn lắm!




Đi tù dĩ nhiên là khổ rồi, nhưng cực khổ vì lao động thì anh em có thể chịu đựng được, duy chỉ cái đói là cái đau khổ, cái ưu tư của tù cải tạo. Những người to con tốt tướng đi lao động nặng, người nhỏ con ốm yếu làm việc nhẹ nhưng khẩu phần ăn thì bằng nhau, do đó những anh em nhỏ con thì không ảnh hưởng nhiều còn những người to lớn thì càng ngày sức khỏe càng suy sút. Để bù vào cái phần chênh lệch đó, anh em phải tìm một cái gì đó để đưa vào miệng mà danh từ của VC gọi là “cải thiện”. Bất cứ cái gì ăn được anh em đều ăn. Con sùng, con rắn, trùng đất, cào cào, châu chấu, chuồn chuồn, cóc, nhái, ểnh ương, bù tọt kể cả con đỉa ở ruộng nữa. Rau quả cũng vậy, rau tàu bay, đọt khoai mì, măng tre, củ chuối, bắp chuối. Trái cây thì vải rừng, nho rừng, sung rừng ... Riêng trái mà chúng tôi gọi là sung rừng bên ngoài giống như trái ở đây có bán là trái Kivi, khi chín thì ăn ngọt, mùi vị giống như trái sa-bô-chê.



Lúc còn xanh, ở trong giống như ruột trái sung, cơm màu trắng, ăn dòn, nhưng lại có nhiều mủ. Trái này anh em thường ăn lắm, có nhiều ở trong rừng và ăn cũng ngon miệng nữa. Nhưng nó lại là thủ phạm gây cái chết cho khoảng 5 người. Có người giải thích là chính cái mủ của nó đã làm nghẽn mạch máu trong người gây đến tử vong.


Riêng anh Hợp có cái gì ăn được là Anh ăn ngay, không bao giờ để dành. Khi trại phát cho 2 cái bánh chưng để ăn Tết, Anh ăn liền ngay 1 cái và ngày hôm sau ăn một cái nữa, nghĩa là tới sáng mồng một Tết là hết. Phần lớn các anh em khác thì hay để dành vì ăn thì hết, mà để thì còn. Ngày ngày nhìn thấy cái bánh nó tạo cho mình có cái cảm giác đầy đủ không sợ đói. Thật là một nghịch lý, khi đói thì thèm ăn, có cái để ăn thì lại không dám ăn.



Tháng 7 năm 1978, lán 3 được đi khai thác rần để bán cho nhà máy giấy Việt Trì. Cây vầu là 1 loại tre thân cao thẳng nhưng mềm, đặc biệt là không cây nào mọc gần cây nào, cây này cách xa cây kia cả thước tây, măng của nó đắng, không ăn được. Dân chúng ở đây người ta bảo như vậy, nhưng chúng tôi không tin, cứ chặt đem về ăn. Luộc 1 nước đem ra ăn thấy đắng quá, luộc tiếp 2,3 nước nữa ăn cũng không được. Có một cách để ăn được là tìm coi cây nào vừa lú lên khỏi mặt đất thì đào lấy về, luộc 1 nước là ăn được. Lá cây vầu cũng là một vị thuốc bổ, anh bạn tôi có một toa thuốc toàn là lá cây nấu lên để uống thay trà gọi là trà bát bửu, lượng trà trong đó có lá vầu. Ai đã từng phim võ thuật Hồng Kông thì sẽ thấy các cao thủ thường đánh nhau ở rừng tre mà cây này mọc cách xa cây kia khá xa. Trong miền Nam thường thì chúng ta thấy tre mọc thành từng bụi to, muốn đốn nó rất là khó khăn.
Kỳ này đi nguyên cả toán, không để lại ai. Chúng tôi phải đi bộ vào khoảng 7 cây số để ra đường lớn và được bố trí cho ở ngay trong cơ sở của hợp tác xã Nông Nghiệp. Ngày hôm sau thức dậy sớm, lãnh lương thực xong l
à toàn bộ lên đường.





Ngày định mệnh
Trước đi lên đường, chúng tôi được quản giáo Lâm cho biết chỉ tiêu phải làm trong ngày là chặt 20 cây vầu đường kính 15cm và dài 6m50. Mỗi người được trang bị một con dao phai gọi là dao tông của Trung Quốc viện trợ. Dao cán bằng sắt, cùn mà lại nặng, thường phải ra ngoài suối tìm hòn đá mài cho bén. Nhiều khi dao cùn quá bằm cây vầu te tua hết mà nó không ngả, chỉ dập chứ không đứt. Từ hợp tác xã (HTX) mà lên tới chỗ khai thác mà ở đây dân gọi là "Cổng Trời". Đường leo dốc đi chừng 2 tiếng thì tới. Những ngày đầu chúng tôi hoàn tất chỉ tiêu khá dễ dàng vì vầu còn gần. Từ ngày thứ năm trở đi thì có khó khăn, phải đi ra xa, vầu thì có nhưng vác về để giao nộp thì căng lắm, vì mấy tay bộ đội đứng nhận hàng nó hay làm khó dễ. Đường kính 15cm ta không đo đường kính được thì ta đo chu vi cv = 2πR tính ra vào khoảng 4 tấc 7, thường thì ai cũng sợ thiếu tấc nó không nhận phải đốn cây khác, do đó thường phải đo trừ hao 5 tấc 7 đo khoảng 3 gang rưởi dài 6m 5 thì đo 7m. Nếu cây chặt đúng thước tấc thì nó nặng ít, vì phải đo trừ hao nên cây nặng thêm. Thường mỗi lần vác chỉ được một cây, phải đi tới đi lui 20 lần mới đủ số. Bãi giao nộp ngay cạnh đường, nơi khu vực khai thác để dễ vận chuyển. Có những anh làm không đủ chỉ tiêu, ngày hôm sau phải làm bù. Chỉ tiêu trong ngày đã làm không nổi mà ngày hôm sau phải đốn thêm số cây thiếu của ngày hôm trước thì làm sao có thể đốn cho đủ được. Tôi nhớ có 2 anh đốn không đủ chỉ tiêu là anh Nguyễn Xuân Quí, TĐT thuộc SĐ25/BB và anh Nguyễn Lệ, Công Binh ở Quảng Nam bị vệ binh còng lại trước khi về chỗ HTX.



Khai thác như vậy được chừng 10 ngày. Một hôm, tôi và anh Hợp đang ngồi nghỉ ăn trưa thì anh Nguyễn Đảnh người cùng tổ tới ngồi nói chuyện chơi, anh Đính có đưa cho chúng tôi coi một cái hột giống như hột mít vậy. Anh Đính chặt làm đôi, anh ăn một nửa còn tôi và anh Hợp thì mỗi người ¼ hột. Ăn thấy béo và bùi giống như hột mít vậy, thấy ngon cũng muốn ăn thêm lắm nhưng không có. Chiều đó, trên đường về đi qua một đoạn đường thì có rất nhiều hạt nó rụng nằm đầy trên mặt đất, anh em mạnh ai lượm bỏ vào cái bị mang cơm của mình. Từ đó về nhà vừa đi đường vừa ăn, tôi ăn vào khoảng 5 hột thì tới chỗ đập tràn. Đập tràn là đoạn đường mà con suối chảy ngang qua, người ta không bắc cầu mà chỉ đổ đá xuống để cho xe và người đi bộ qua, nước ở đây sâu vào khoảng 3 tấc. Tới đây thì anh vệ binh cho anh em dừng lại chừng 20 phút để tắm giặt trước khi về chỗ nghỉ. Tất cả mọi người xuống tắm, nhưng tôi không tắm vì tôi cảm thấy chóng mặt, buồn nôn và mồ hôi thì chảy ướt cả người. Tôi ngồi xuống đất mà không biết tại sao, thì thấy anh Hợp lạng quạng đi tới mặt mày xanh mét ngồi xuống cạnh tôi nói:
- Sao moa chóng mặt và buồn nôn quá.



Thấy Anh giống như triệu chứng của tôi, lúc này tôi mới nghĩ tới là mình bị trúng độc, tôi mới nói với anh Hợp:
- Chúng ta bị trúng độc rồi, phải móc họng để cho nó ói ra ngoài mới được.
Chúng tôi làm ngay, tôi ói ra thật nhiều, nhưng anh Hợp thì không ói được. Lúc này tôi thấy hơi dễ chịu, tôi hỏi anh Hợp:
- Anh thấy trong người như thế nào?
Anh nói hơi mệt:
- Không sao đâu! về nằm nghĩ một lát sẽ khỏi thôi.


Anh em tắm xong, chúng tôi tiếp tục đi về chỗ HTX cách đó vào khoảng 500m. Đi được vài bước thì anh Hợp đi không nổi nữa, Anh cập cổ tôi để tôi dìu Anh, đi được vài bước thì Anh quỵ xuống làm hai đưá cùng té nhào xuống đất. Lúc này anh vệ binh chạy tới hỏi xem chuyện gì. Tôi bảo cho anh vệ binh biết là chúng tôi trúng độc. Anh vệ binh ra lệnh cho anh em phải chạy ngay về HTX lấy 2 cái mền và 2 cây tre để làm cáng mà chuyển chúng tôi tới trạm xá. Có 2 anh em cầm 1 cái mền vá 1 cây tre tới trước, tôi thấy anh Hợp mệt quá nên bảo chuyển anh Hợp đi trước, còn tôi thì chờ chuyến sau.


Anh em trong tổ họ nhiệt tình lắm, lập tức họ khiêng anh Hợp lên cáng mà chạy về trạm xá cách đó chừng 1 cây số, nghĩa là qua chỗ HTX chừng 500m. Tôi đi cáng thứ hai sau đó chừng 5 phút, tới nơi được đưa vào phòng cấp cứu, nhìn quanh không thấy anh Hợp đâu tôi mới hỏi nhân viên trong đó thì biết rằng anh Hợp đã chết khi vừa tới cổng trạm xá. Tôi đã mệt mà lại nghe tin dữ này làm tôi xỉu luôn. Bác sĩ và y tá cấp tốc lo cấp cứu cho tôi. Tôi ngất đi nhưng vẫn còn cảm nhận được là họ đã chích cho tôi 2 mũi thuốc, tôi đóan chừng 15 phút sau thì tôi tỉnh lại.


Bác sĩ hỏi tôi thấy trong người như thế nào, tôi trả lời là đã đỡ buồn nôn nhưng trong người còn mệt lắm, ông ta cho biết là mặc dầu tôi tỉnh lại nhưng chất độc còn nằm trong người, vẫn còn hết sức nguy hiểm. Ông ta ra lệnh cho nhà bếp nấu cho tôi một nồi cháo trắng để ăn cho có sức mà chống lại chất độc. Tôi thấy ông ta lại kêu một anh nào đó lên ra lệnh nấu một nồi thuốc giải độc và cho tôi uống càng nhiều càng tốt để tống chất độc ra ngoài.



Tối đấy thì bệnh xá có tiếng ồn ào, lúc này có lẽ vào khoảng 7 giờ tối. Tôi thấy có nhiều người đi vào bệnh xá, khi họ vào tới nơi thì tôi thấy toàn là anh em mình cũng bị trúng độc như tôi và anh Hợp nhưng nhẹ hơn. Toán này vào khoảng 15 người, khi ăn cơm thì bị ói ra do đó họ cũng được đưa tới đây. Vì họ còn tỉnh táo nên Bác sĩ cho ăn cháo và uống nước giải độc thôi. Chúng tôi ăn cháo, uống thật nhiều nước thuốc giải độc để cố gắng đi tiểu cho nhiều, nhưng tiểu ra rất ít. Có lẽ chất độc nó ức chế không cho nước tiểu sản sinh ra chăng?


Ngày hôm sau các anh em bị nhẹ được cho về, còn tôi thì nằm ở lại thêm một ngày nữa. Vì tôi và anh Hợp nằm cạnh nhau nên khi chôn cất anh Hợp, (lúc đó tôi còn nằm ở bệnh xá) anh em đã lấy nhầm cái mền còn rất mới, màu olive của Mỹ mà tôi mang từ nhà đi mà chôn theo anh Hợp. Tôi không buồn vì nghĩ rằng tôi có phần làm cho anh bớt lạnh lẽo khi phải yên giấc nghìn thu nơi rừng thiêng nước độc này.
Công tác đốn vầu được đình chỉ sau khi anh em bị trúng độc.



Không biết anh Hợp đã ăn bao nhiêu hột mà bị nặng như vậy. Tôi nghĩ Anh ăn không nhiều nhưng vì bị bệnh bao tử nên chất độc dễ và mau thấm vào máu hơn chúng tôi. Sau này có dịp tiếp xúc với người dân tộc Tày ở đây thì được biết trái này gọi là trái “trẹn”, nó rất độc, ở đây ai cũng biết nên không ai ăn.


Khi trở về trại thì anh Duật ở toán mộc cho biết là đêm hôm đó lúc 12 giờ, anh em toán thợ mộc bị trên trại gọi thức dậy bảo đóng ngay 2 caí quan tài để chở ra trạm xá, nhưng sau đó thì được đổi lại chỉ đóng 1 cái mà thôi.
Đây là toàn bộ sự thật về những ngày mà tôi ở chung với anh Hợp cho tới khi Anh ngộ độc qua đời. Những tác giả đã viết về cái chết của Anh tôi không biết họ lấy những chi tiết đó ở đâu? Trong bài viết được đăng trong ĐSST 2006, khi nói đến cái chết của anh Trần Văn Hợp, tác giả Cần Thơ có trích một đoạn trong cuốn hồi ký của ông Phan Xuân Thìn nơi trang 34 có đoạn tôi không hiểu được.


Anh Thìn ở khác K (K là trại) với anh Hợp điều đó có thể đúng vì tôi không biết anh Thìn, nhưng tôi không hiểu sao anh Thìn lại ở chung với anh Đinh Long Thành được. Anh Thành là lán phó của tôi, tôi là tổ trưởng, còn anh Hợp là tổ viên. 3 chúng tôi cùng ở chung với nhau 1 lán gặp nhau nói chuyện hàng ngày. Vậy thì anh Phan Xuân Thìn ở đâu? Các Chiến hữu nào còn nghi ngờ những gì tôi viết có thể kiểm chứng với anh Đinh Long Thành.


Giữa tôi và anh Thành cũng có nhiều kỷ niệm lắm, chúng tôi cùng đi lao động chung và cùng nhau bò vào rương rẫy của dân ở đây ăn cắp ớt. Tôi nghĩ những kỷ niệm này anh Thành không thể nào quên được.
Còn chuyện anh Hợp trúng độc cố bò được ra đường, nhưng anh em mình thấy mà không cứu có lẽ đây là phần hư cấu mà tác giả cố nhét vào để cho quyển hồi ký được thêm phần hấp dẫn! Tác giả còn phang thêm một câu tôi xin ghi nguyên văn: “Cái không hiểu được là thấy người sắp chết mà không cứu của đồng tù...” Câu này không chỉ là một lời trách móc mà còn có ý khinh miệt anh em nữa. Theo tôi, chúng ta phải kêu gọi những người trong cuộc viết ra trước để cho người đọc phê bình đánh giá tính xác thực của nó, nếu không có thì chúng ta mới đăng những tin tức mà ta thu lược được. Một bài viết trước luôn luôn gây một ấn tượng mạnh mẽ, sâu đậm hơn bài viết sau. Một tin tức sai và một khi đã đọc thì nó đã nằm trong óc của người đọc rồi, sau này chúng ta có viết đúng sự thật như thế nào đi nữa chắc gì họ đã tin.




Hậu quả của việc trúng độc
Hậu quả nặng nề nhất là anh Hợp phải chịu tử vong, những người còn lại phải chịu trách nhiệm là anh lán trưởng Huỳnh Vinh Quang, anh lán phó Đinh Long Thành và tôi vừa tổ trưởng vừa là nạn nhân. Sau 2 ngày nằm điều trị ở trạm xá, sáng ngày thứ 3 có một anh vệ binh tới dẫn tôi về chỗ HTX. Khoảng 1 giờ chiều, sau khi ăn trưa xong thì anh Quang và anh Thành lại chỗ tôi nằm gọi tôi dậy để đi ra gặp quản giáo. Chúng tôi đều lo lắng sẽ phải chịu một cơn thịnh nộ về việc “Cải thiện linh tinh gây hậu quả đặc biệt quan trọng”. Tới một gốc cây lớn bên bờ suối thì tôi thấy quản giáo Lâm đã đứng sẳn ở đó rồi, chúng tôi đến chào và đứng bên cạnh ông ta rồi chúng tôi ngồi theo ông ta. Quản giáo Lâm người gốc Nghệ Tỉnh, mang quân hàm Trung Úy, người nhỏ con, trắng trẻo, ít nói, bình thường ông ta nói nhỏ như tiếng con gái vậy. Hôm nay trước một sự việc quan trọng như vậy mà chúng tôi thấy nét mặt ông không có vẻ gì giận dữ làm chúng tôi hơi an tâm. Ông ta vào đề ngay: “Tôi đã tin tưởng nhiều vào các anh, bây giờ các anh đã để xảy ra sự việc như thế này thật làm cho tôi thất vọng quá. Các anh có biết rằng ngày hôm qua, ban chỉ huy trại họp và đã khiển trách tôi rất nặng nề. Các anh về phải tự kiểm thảo và rút kinh nghiệm đi”. Chúng tôi ra về mà cũng chưa hết lo sợ, chẳng biết sau này còn có sự việc khác xảy ra cho chúng tôi hay không?



Không có sự trừng phạt rõ rệt nào đến với tôi. Khoảng 1 tháng sau, trại chọn lựa khoảng 50 người trong đó có tôi để chuyển sang trại 2 với lý do là tăng cường người để thu hoạch lúa. Không biết đây là sự trừng phạt hay ngẫu nhiên. Có lẽ chất độc chưa được tống ra hết cho nên sức khỏe tôi càng ngày càng yếu dần. Từ một người hết sức khỏe mạnh nay trở thành một người ốm yếu, bước đi cũng không muốn nổi. Cũng còn có chút may mắn hay là nhờ có linh hồn anh Hợp phù trợ cho tôi. Khi đến trại 2 thì toán thợ mộc ở đây cần thêm 1 người, anh trưởng toán là Thiếu Tá Trần Văn Hai, Trung Đoàn Phó Trung Đoàn 12 thuộc SĐ7/BB, mà trước đây anh và tôi có dịp cùng ở chung một trại. Anh biết tôi cũng có một chút tay nghề nên chọn tôi vào toán mộc. Chúng tôi chuyên đóng bàn ghế, do đó cũng được ở trong mát và công việc thì tương đối nhẹ. Tại đây tôi lại gặp 1 người nổi tiếng ở SĐ/TQLC và cũng rất nổi tiếng ở trại này là Thiếu Tá Trần Ngọc Toàn. Tôi biết ông mà ông không biết tôi, vì tế nhị nên tôi cũng không nhìn ông. Mỗi đêm sau khi họp xong thì tới phần đọc báo, phần này thì thuộc về ông. Phải công nhận ông là người kiên nhẫn và có thiện chí, ai ngủ thì ngủ ông vẫn tiếp tục đọc cho tới chỗ giá bán rao vặt thì ông mới nghỉ.



Ở đây được 2 tháng thì toàn thể chuẩn bị chuyển trại, chúng tôi được đi xe về thị xã Yên Báy, xe chạy về hướng Hồ Thác Bà và dừng lại ở một bến phà. Một chiếc phà chở vào khoảng 70 người đưa chúng tôi đi. Gọi là hồ nhưng nó lớn lắm, người ta xây đập giữ nước lại để sử dụng cho nhà máy thủy điện Thác Bà. Phà chạy khoảng 4 tiếng thì cập bến. Đây là một trại do anh em tù cải tạo lập ra, một số lớn tù cải tạo ở đây vừa mới di chuyển đến trại khác, chúng tôi tới để lấp vào chỗ trống đó. Những người cũ còn ở lại có 2 người cùng ở chung TĐ1/PB/TQLC với tôi. Đó là Thiếu Tá Nguyễn Hữu Lạc TĐT/TĐ1/PB và Đại Úy Lưu Văn Phúc Pháo Đội Trưởng PĐ/B. Th/Tá Lạc thì tôi có ở chung với ông ta ở Văn Chấn còn Đ/U Phúc thì đây là lần đầu tiên gặp nhau ở trại cải tạo. Ông Lạc và Phúc ở chung 1 lán nằm gần bên nhau, tôi nghĩ rằng 2 người bằng mặt chứ không bằng lòng, vì khi ở đơn vị 2 người đã không hợp nhau cho lắm.


Ông Phúc siêng năng, chịu khó, làm việc giỏi có lẽ do đó mà trại giữ lại để sản xuất của cải cho trại! Ông Phúc nằm trong tổ làm vôi, hàng ngày phải dùng mảng chèo qua bên kia núi để vác đá xấp vào lò, chặt củi để đun mấy ngày như vậy mới ra được một mẻ. Tôi nằm trong lán 3, ngày nào cũng ra ngoài nếu không phải đi đốn nứa thì cũng ra đồi trồng khoai mì và làm cỏ. Chưa đầy 1 tháng thì tôi yếu quá không còn đi được nữa, vài ba ngày thì ông Phúc có qua thăm tôi, không mang cho cái này thì cho cái kia. Tôi nhớ có 2 lần ông cho tôi bánh bột mì luộc, mỗi cái lá một phần ăn cho 1 buổi, vậy mà mỗi lần ông cho tôi 2 cái. Có lẽ ông phải nhịn và đi kiếm những thức ăn bên ngoài, còn tiêu chuẩn thì để cho tôi. Đây là một điều lạ chưa từng được nghe, được thấy trong trại cải tạo, có người lấy khẩu phần của người khác ăn chứ chưa có ai lấy khẩu phần ăn của mình cho người khác. Có lẽ chất độc lại phát tán ra do đó bệnh tôi một ngày một nặng, người thì nóng như lửa, mồ hôi ra ướt hết cả quần áo. Anh y tá trại đến thăm bệnh cho tôi và đề nghị cho tôi đưọc ăn cháo. Cả cháo tôi cũng không ăn được, anh ý tá thấy vậy mới cho tôi 2 tán đường, đây là quà của gia đình gửi ra cho anh. Bệnh kéo dài nhiều ngày như vậy cho đến một hôm tôi bị mê man đi. Có lẽ anh y tá đã có đề nghị lên bộ chỉ huy trại nên cán bộ quản giáo xuống bảo tôi chuẩn bị mang hết tư trang để ngày mai đi bệnh viện. Bệnh viện xây cất dọc theo bờ hồ nên anh Cát cũng là tù cải tạo chèo ghe đưa tôi tới đó.



Bác sĩ duy nhất của bệnh viện này là 1 SQ cải tạo chỉ học hết năm thứ 4 y khoa, nhưng chuẩn đóan bệnh khá lắm. Ông khám cho tôi và cho biết là tôi bị lao phổi, sau đó ông chích ngay cho tôi 1 mủi Streptomicine, đến chiều thì tôi thấy đở nhiều nên đi loanh quanh bệnh xá gặp Cao Khắc Minh, Chỉ huy hậu cứ TĐ2/PB cùng khóa với Lưu Văn Phúc. Được 1 tháng tôi được đưa lên bệnh viện của đoàn 776 gần Yên Báy. Tại đây tôi được gọi X quang với kết quả là phổi bị thủng nhiều lỗ và được cho ra nằm trong 1 căn nhà đã có 2 người bị lao và 3 người bị cùi đang nằm đó. Thời gian sau này, đời sống của tôi được gắn liền với bệnh viện. Từ bệnh viện 776 chuyển lên trại Đồng Vải, Hoành Bồ tỉnh Quảng Ninh, rồi về trại Mễ và cuối cùng là trại C thuộc Hà Nam Ninh.
Sở dĩ tôi phải nói hơi dài dòng một chút để các bạn hiểu được chất độc nó đã hoành hành cơ thể tôi như thế nào. Nhưng ở trong cái rủi lại có cái may, tới năm 1981 thì được tha về. Sáu năm tù là khoảng thời gian quá dài nhưng so sánh với anh em khác thì cũng còn tương đối ngắn.


Nhận xét của cá nhân tôi về những việc xảy ra trong trại tù CS
Sáu năm tù chưa phải là dài nhưng cũng đủ để nói lên cảm nghĩ riêng tư của mình để đóng góp vào một cái chung là vạch trần cái xảo quyệt của Cộng Sản Bắc Việt.



1. Câu nói của người xưa:

“Bệnh tòng khẩu nhập” là hoàn toàn đúng trong trường hợp của chúng ta. Thật ra nếu chúng ta chịu đói với một khẩu phần ít ỏi đó, chúng ta cũng có duy trì được mạng sống. Kinh nghiệm ở trong trại cho chúng ta thấy những anh em không "cải thiện" thì thân thể gầy gò ốm yếu, nhưng ít bệnh và không chết, còn những người kiếm được vài món ăn thêm nào đó mặc dù nhất thời có thấy no bụng nhưng rồi càng ngày càng tàn tạ đi, người thì bị chết, người thì bị các cơn bệnh hành hạ liên miên.
“Họa tòng khẩu xuất” Cái họa do miệng mà ra. Trường hợp của Đại Úy Vũ Quang Vinh PĐT/PĐI/TĐ3PB/TQLC cùng khóa với Mũ Xanh Lưu Văn Phúc là một điển hình. Trong trận đánh ở Chính An, PĐ1 bị tấn công và anh em trong pháo đội chống cự mãnh liệt lắm, cũng đóng góp một phần nào cho sự chiến thắng vẻ vang này. Vài tháng sau khi nhập trại. VC có tổ chức nhiều đợt học tập và sau đó cho các tù cải tạo phát biểu, nói lên những chiến công của mình coi như đây là một lời thú tội. Trên bàn chủ tọa có chính trị viên Trung Đoàn, Trung Đoàn Trưởng, Trại Trưởng … họ luôn miệng khuyến khích các cải tạo viên lên nói. Anh Vinh lên nói về chiến công của anh trong trận đánh ở Chính An. Anh Vinh nói rất hào hùng và cho biết số thương vong của VC và số Thiết Giáp bị bắn cháy. Anh em cải tạo viên ngồi phía dưới vỗ tay hoan hô nhiệt liệt, anh càng nói càng hăng say, mặt đỏ bừng bừng trong khi đó trên bàn chủ tọa đoàn bộ mặt của các cán bộ càng tái xanh đi. Có lẽ vì hăng máu quá nên anh Vinh không nhìn thấy bộ mặt chúng. Sau phần phát biểu, anh em cải tạo dĩ nhiên là vỗ tay không dứt, cán bộ cũng vỗ tay khen ngợi anh là can đảm và thành thật. Vài ngày sau, giữa anh và người cùng phòng có chuyện xích mích dẫn đến đánh nhau, cán bộ trại xuống dẫn cà hai người lên làm kiểm điểm. Anh kia thì được cho về nhưng anh Vinh thì mất tích luôn từ đó.
Ngay ở Việt Nam bây giờ, hai vế này áp dụng vẫn còn rất hữu hiệu.


2. Luôn luôn phải cảng giác về thảm hoạ đâm sau lưng chiến sĩ.
Ở trong tù chúng ta sợ nhất là ăng-ten, chúng ta hay chửi mấy thằng cán bộ VC nhưng chúng đâu có nghe được, thế mà chúng nó lại biết hết. Là do những anh em cùng cùng cảnh ngộ đã bí mật báo cáo lên cho chúng. Dĩ nhiên những người này được chúng hứa hẹn như cứu xét cho về sớm, cho thăm nuôi lâu hơn, hoặc cắt đặt làm những công việc béo bở như nhà bếp … VC thường hay dùng người của ta đánh lại ta, rất thâm độc và rất có hiệu quả.
Ngày nay ở hải ngoại cũng vậy, chỗ nào cũng có bàn tay dơ dáy của chúng thọc vào. Ngoài mặt là Quốc Gia để lôi cuốn đồng bào nhưng lại hoạt động có lợi cho Việt Cộng.


3. Phải có kỷ luật
Chấp hành những quy định do chúng đặt ra, không phải là hèn nhát mà là chúng ta tự bảo vệ mình nếu không thì chúng ta lại mang họa vào thân. Ở trong trại chúng ta không làm được gì hết ngoài bảo vệ mạng sống. Còn sống thì còn hy vọng. Giờ đây đồng bào trong nước đã nghe tiếng nói chúng ta. VC rất lo sợ sự lớn mạnh của chúng ta, con cháu của chúng ta có người dìu dắt, hướng dẫn để nói gót chúng ta trong cuộc chiến trường kỳ chống lại chế độ CS. Anh em chúng ta chắc cũng từng có một lần xem phim ‘Cầu sông KWAI’. Một Đại Tá người Anh và binh lính dưới quyền của ông bị quân Nhật bắt làm tù binh ở Miến Điện. Trong tù ông luôn luôn giữ kỷ luật và bắt binh lính của ông làm như vậy. Họ không chịu và tỏ ra khinh bỉ ông và cho ông là hèn nhát. Nhưng chính nhờ tính kỷ luật mà ông được yên thân nghĩ ra kế hoạch sau đó thành công trong việc đánh sập cây cầu bắc qua song KWAI trong ngày khánh thành.
4. Xét lại một quan niệm cũ
a) Chúng ta luôn luôn quan niệm và chủ trương
Lấy bạo nghĩa mà thắng hung tàn,
Lấy chí nhân mà thay cường bạo

Đây là một quan niệm rất nhân đạo để thu phục nhân tâm, thay đổi tâm tính của địch, biến họ thành người tốt để họ quay về với mình. Bản chất của cộng sản là ngoan cố, xảo quyệt, tàn ác không có nhân tính. Những thay đổi của chúng chỉ là hiện tượng còn bản chất của chúng thì không bao giờ thay đổi.
Tôi không nhớ là Gorbachev hay Yelsin đã nói: “Đối với CS là chỉ có thay thế chứ không có thay đổi”. Do đó muốn cảm hoá một người CS là một việc làm không tưởng.
b) Đối với cộng sản họ luôn luôn quan niệm: “Dễ dãi với kẻ thù là tàn nhẫn với bản thân mình”. Do đó họ không bao giờ có chuyện hợp tác hay nhượng bộ.
Chúng ta có nên duyệt xét lại quan niệm cũ để có một quan niệm mới chính xác và hữu hiệu hơn chăng?

Đoạn kết
Cái chết của Thiếu Tá Trần Văn Hợp cũng từ nguyên nhân đói mà ra. Ngoài cái đói anh em còn phải lao động khổ sai, mùa lạnh không có áo lạnh mà mặc, phải dầm mình dưới những cơn mưa tầm tả lạnh buốt xương, phải băng qua suối, phải leo lên mấy ngọn đồi để đốn tre, đốn gỗ… cố làm sao cho đủ chất lượng, đủ chi tiêu mang về nạp cho chúng để rồi đổi lấy một cái bánh bột bằng nắm tay hoặc là một chén bắp hột. Đã thế còn chưa được yên thân, đêm nào cũng phải ra trời lạnh lẽo ngồi hàng giờ để nghe những đứa ngu dốt nó dạy cho mình. Cái đau khổ, cái nhục nhả của anh em tù cải tạo nó như thế nào tôi xin mượn câu nói của một Phi Công Mỹ bị VC bắt làm tù binh. Sau hiệp định Paris, các tù binh Mỹ đều được hồi hương. Một phóng viên hỏi anh Phi Công:
- Sau một thời gian bị cầm tù bây giờ được trở về, anh có gì để phát biều không?
Anh trả lời:
- Nếu có kiếp sau thì tôi muốn được thành một người lính CS.
Phóng viên yêu cầu anh giải thích câu nói đó. Anh nói:
- Nếu tôi là người lính CS bị Đồng Minh bắt làm tù binh thì tôi sẽ được sung sướng.


Ngày 19 tháng 2 năm 2007
Mũ Xanh 306 Nỏ Thần
Trương Công Thuận
http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=16457

#11
Old 10-30-2007

No comments: