Wednesday, March 25, 2009

VIETWEEKLY

Nói chuyện với tác giả “Đại Học Máu” HÀ THÚC SINH
http://65.45.193.26:8026/cms/acct/vietweekly/issues/vw3n20/vanNghe/haThucSinh.html
°NGƯỜI GHI CHÉP

Nhạc sĩ Hà Thúc Sinh
NGC: Đã có bao nhiêu sách, bao nhiêu phim ảnh về tù ngục, như “Quần đảo Goulag” hay “Một ngày của Ivanovich” tác phẩm của văn hào Solzhenitsin, nước Nga. “Le Papillon”; “Người tù khổ sai”; “Nhật ký của Anne Frank”, người tù nhỏ nhất thế giới; hay “Giờ thứ 25” của linh mục Chính thống giáo, người Lỗ Ma Ni, Georghin. Và mới đây nhất, cuốn phim “Pianis”t, có những hình ảnh về nhà tù giam người Do Thái thời Đức quốc xã. Thưa anh Hà Thúc Sinh, anh thấy tác phẩm “Đại học máu” của anh có gì khác với những cuốn sách, cuốn phim ở trên?
HTS: Cho đến nay, “Đại học máu” tròn 20 tuổi. Thú thật, quá bận rộn, nên tôi cũng không có thời gian đọc lại trong nhiều năm qua. Nhưng tôi vẫn còn nhớ rõ, trong lời tựa của cuốn sách tôi đã từng khẳng định, “Đại học máu” không phải là tác phẩm văn chương và không phải là Hồi ký chính trị. “Đại học máu” chỉ là sự ghi nhận hình ảnh bởi một photographer, chụp nhanh quang cảnh, cho nên nó thô và thực. Các tác phẩm như anh nhắc ở trên, tất cả là những tác phẩm văn chương. Còn “Đại học máu”, thô và thực, tôi chụp được cái gì tôi ghi cái đó, từ ngôn ngữ, thái độ, hành vi, lối sống của những người tù dưới chế độ cộng sản. Đó là sự khác biệt.
NGC: Anh viết cuốn sách trong thời gian anh đã ra khỏi trại hay anh viết lén trong thời gian còn ở trong trại tập trung?
HTS: Như anh biết ở trong trại tù làm sao mà viết được. Nhưng khi sang tới Bidong, ngày 17 tháng 10 năm 1980, tôi bắt đầu ngay lập tức và viết. Vì lúc đó, mình mới sang, còn nóng lắm, mới có 39-40 tuổi, còn khỏe lắm.
NGC: Anh đã viết cuốn sách trong khoảng thời gian bao lâu?
HTS: Tôi nghĩ là với một người có sức khỏe bình thường chỉ cần một năm là có thể viết xong cuốn sách. Nhưng hơi buồn cho tôi, là khi sang tới Mỹ, tôi đau ốm quá nhiều. Tôi nằm bệnh viện liên miên, liên tu bất tận. Tôi chỉ nặng có 87 pounds thôi, quá gầy, còn thêm một bầy con thơ. Nhà tôi phải lo hết mọi chuyện, còn tôi phải nằm bệnh viện. Thành thử ra, phải đến gần bốn năm, tôi mới viết xong cuốn sách.
NGC: Những ca khúc tù ngục của anh, có phải để minh họa cho cuốn sách “Đại học máu”?
HTS: Nếu nói thế cũng không có gì là sai. Nhưng đúng ra, mỗi bộ môn có một nhiệm vụ riêng. Trong âm nhạc không thể ghi lại hết những chi tiết trong cuốn sách “Đại học máu”, dày hơn 800 trang. Nhưng “Đại học máu” không thể đóng vai trò của âm nhạc bằng cách có thể chuyển tải lời hát vào ngay trong tim óc của người nghe. Cho nên, không thể so sánh cả hai với nhau.
NGC: Nếu chọn giữa tình ca và tù ngục ca, anh chọn loại nào?
HTS: Khi một nhà văn, một nhạc sĩ hay một thi sĩ viết một tác phẩm có ý thức, nó tùy thuộc hoàn toàn vào một động lực nào đó. Nếu tôi không gặp hiểm họa cộng sản, không lao tù, làm sao tôi biết nó như thế nào để có thể viết “Đại học máu”, viết tù ngục ca. Riêng về tình yêu, lúc nào chúng ta cũng có sẵn trong lòng, lúc nào cũng có thể viết được.
NGC: Với 12 ca khúc trong CD mới nhất Người Em Quận Cam, chẳng lẽ anh có mối tình ở Quận Cam, con rơi ở Quận Cam?
HTS: Anh quên mất một điều, tôi là một thi sĩ, một người làm thơ. Ngày xưa, cách đây 40 năm, tôi đã đọc cho anh nghe một bài thơ, được đăng trên tạp chí Văn
Ta vốn sinh ra với nhiều cảm nghĩ
Thích được yêu và thích được yêu người
… Ta vượt cả 5,000 cây số
để hẹn hò cùng một kẻ chưa quen
Tôi đâu có nhiều tình cảm…
NGC: Xin anh nói về CD Người Em Quận Cam?
HTS: CD này gồm 12 tình khúc. 100% tình ca. Bạn bè đã nghe nhiều, phần lớn đều ca ngợi, nhưng những lời ca ngợi của bạn bè thường là chủ quan. Tôi vẫn muốn nghe lời phê bình của khán giả, nó sẽ thích thú hơn.ª

No comments: