Wednesday, March 18, 2009

NGUYỄN THÀNH TY

=


NGUYỄN THANH TY

Chị Bẩy Tu Bông, Vạn Giả...


Contributed by: Admin Views: 2.904Nguyễn Thanh TyTrong cuộc đời, nhiều khi có những chuyện bất chợt đến, rồi đi, trong một khoảnh khắc, hoặc trong một thời gian ngắn, nó không phải là biến cố lớn lao gì để cho ta phải suy nghĩ hay lưu tâm ghi nhớ. Nó cũng chỉ là một trong muôn vàn sự kiện xảy ra trong quá trình đời sống hàng ngày, như nước chãy qua cầu, khiến ta không tài nào nhớ hết trong trí nhớ nhỏ hẹp.
Ấy vậy mà chuyện sau đây nó chỉ thoáng qua có mấy ngày trong đời tôi, tôi tưởng nó đã mờ nhạt theo thời gian và ký ức xói mòn của mình, nhưng không ngờ mỗi năm khi trời bắt đầu trở lạnh, thì nó lại trở về trong tôi với nổi buồn man mác. Nhân vật trong chuyện tôi sắp kể ra đây là chị Bảy. Chị là người Tu Bông, Vạn Giả. Tôi chỉ biết có vậy. Còn chị tên thật là gì, ở làng nào, thôn nào ở Tu Bông, cuộc đời chị ra sao, tôi không hề biết. Và cũng chưa có dịp để hỏi chị hay tìm hiểu về chị. .....
Tôi gặp chị trong những ngày cuối năm 1991, khi tôi đưa gia đình vào Saigon để chờ Sở Ngoại Vụ sắp xếp chuyến bay đi định cư ở Hoa Kỳ.
Tại nhà trọ, đúng như đã hẹn nhau trước ở Nha Trang, tôi đã thấy gia đình anh Sanh có mặt nơi đây rồi. Địa chỉ thuê ở tạm này do một anh bạn đi trước giới thiệu lại. Ngoài gia đình anh Sanh ra, tôi rất ngạc nhiên khi gặp lại một người bạn đồng tù ở A30, mà khá nhiều người trong trại biết đến anh. Đó là anh Phạm Đình. Anh cùng đi với một người đàn bà khác, không phải vợ anh.
Được giới thiệu là chị Bảy. Anh Đình cũng như hàng ngàn người tù khác trong trại, sáng uể oải vác cuốc đi, chiều thất thểu vác cuốc về, không có gì đặc biệt để mọi người biết đến tên, đến mặt. Nếu như không có trục trặc đặc biệt xảy ra cho anh khiến mọi người chú ý.
Sự cố trong trại thường xảy ra có hai loại khiến ai cũng đều biết, bàn tán để khen và chệ Lưu danh và Lưu xú.
Khen như trường hợp Thiếu Tá Hải quân Đặng hửu Thân, có chân trong tổ chức Phục Quốc bị kết án chung thân, vượt ngục cùng ba bạn đồng hành. Một người trong bọn bị té núi, gãy chân không đi được, Thân ở lại chăm sóc bạn, hối thúc người kia mau thoát thân. Mấy ngày sau, Thân và người bạn gãy chân bị Công an bắt lại dưới chân đèo Hảo Sơn. Chúng đã bắn anh ngay trong trại A30, sau một buổi xử vội vã gọi là Toà Án Nhân Dân. Đó là lưu danh. Chê là trường hợp cả ba đều là Thiếu Tá Cảnh Sát: Đức, Bửu, Lập cũng là tù nhân mà đã ra sức cứu thoát một tên cán bộ quản giáo VC tên là Lẫn. Tên này khét tiếng đánh đập, hành hạ tù nhân. Khi tên này bị một tù nhân thừa cơ giựt súng giết hắn, để vượt trại, trong lúc đang cuốc đất nơi bãi lao động.
Cứu thoát tên Lẫn xong, mấy vị Thiếu tá này còn chỉ cách bắn với thế quì, để tên Lẫn bắn chết ngay người tù vừa bỏ chạy tới bờ sông. Đó là lưu xú.
Trường hợp của Đại Úy Phạm Đình lại đặc biệt, có một không hai, không giống hai trường hợp trên, nhưng khiến anh em trong trại đều thương cảm và đau xót cho anh.
Người vợ đầu ấp, tay gối bao nhiêu năm trời của anh đã dẫn bầy con năm đứa, bốn gái một trai, đứa gái lớn nhất mười hai tuổi, đứa trai nhỏ nhất bốn tuổi, bỏ lại tại nhà thăm nuôi rồi đi biệt tăm. Khi được gọi ra để nhận con, cha con anh ôm nhau mà khóc ngất. Phải làm sao đây? Anh bất lực, vô phương giải quyết. Thân tù tội còn lo chưa xong, làm sao lo cho bầy con bây giờ. Trong trại cũng có tiếng xầm xì nghi ngờ bình phẩm: - Vợ chồng ông Đình mưu cao thật! Giả vờ đem con đến bỏ tại trại để Giám thị trại thương hại hoàn cảnh mà tha cho về. Nếu quả đúng như vậy thì vợ chồng Đại Úy Đình bị hố to. Có lẽ ông bà Đình bị chuyện Phạm Công Cúc Hoa hồi xưa làm cho mê ảo, cứ tưởng ai ai cũng có lòng nhân như tướng giặc Sầm Hưng (*) thấy Phạm Công ra chiến trường đánh giặc mà tay thì bồng con, lưng đeo quách vợ. Sầm Hưng cảm động, tự tay chặt đầu mình, giao cho Phạm Công đem về lập công.
Đối với CS làm gì có lòng nhân như thế ! Nếu mưu của vợ chồng anh Đình cao, thì vỏ quýt dầy có móng tay nhọn, chước cuả Ban Giám thị trại lại thâm hơn. Vừa được tiếng giải quyết theo "chính sách nhân đạo" của Đảng, vừa xích chân anh Đình kỹ hơn, khỏi lo trốn trại, Trung Tá Hạnh Trưởng trại, con cáo già xảo quyệt, cho phép cha con anh Đình trùng phùng, sum họp tại làng Mai Liên. Làng này do trại A30 lập nên, nằm trong khu vực trại, trên một triền đồi khô cằn sỏi đá, để quản thúc lỏng những tù nhân được tha nhưng không cho về nhà. Như các vị Thiếu Tá Đức, Bửu, Lập...
(Một trong những người ở làng này là anh Phạm đình Phủ, trưởng ban Đội Văn nghệ A30, đã đề cập trong truyện Sáu Lục Xít) Cha con anh Đình được cấp cho một mái nhà tranh 12 mét vuông, tuyềnh toang, không có gì bên trong. Đêm, anh Đình được về cùng các con. Ngày, theo tiếng kẻng, anh Đình trở lại đội để đi lao động như mọi người. Những đứa con anh Đình lấy gì để sống khi anh Đình chỉ có tiêu chuẩn ăn với mấy củ sắn mì và hai chén cơm chưa đầy của trại phát hằng ngày?
Những đứa con anh Đình đã sống còn là nhờ anh em trong trại Bình Sơn lén lút nuôi nấng. Đội năm tôi ở, do Nguyễn Thanh Thao cũng là Thiếu Tá Cảnh sát, làm đội trưởng mà anh em cứ gọi anh ta là Mã bá Thao, (một nhân vật nịnh trong tuồng hát bội của trại hay diễn, nhan đề là Mã bá Thao, Mã bá Thành) phụ trách khu vực lao động mấy chục mẫu đất gần làng Mai Liên, đã góp phần nuôi năm em bé đáng thương ấy.
Thời gian đó, tôi được đội giao nhiệm vụ cày và bừa, để thu hoạch khoai lang và khoai mì. Khi cày để vỡ những luống khoai, tôi cố tình cho lưỡi cày ăn cạn để xới tung những củ khoai nằm bên trên luống. Những củ nằm sâu dưới đất còn sót lại để anh em trong đội có cơ cải thiện khi đi mót ngày hôm sau. Và chúng tôi, tôi và anh Tiến, đã cho cha con anh Đề nhiều bao cát nặng trĩu những củ lang, củ mì. Một lần mưa lớn, khi trở về trại, băng ngang con suối nhỏ, tôi thấy hai chị em con anh Đình đang vớt một đùm ruột gan, phèo phổi heo hay chó của ai vất bỏ, đã sình chương, bốc mùi hôi. Tôi ngăn không cho chúng lấy. Chúng nói với tôi :
- Chú ơi ! Tụi con thèm thịt, cá quá ! Mấy tháng nay chỉ ăn khoai với muối hoài ngán lắm !
Thật là thương cảm. Tôi cầm lòng không đậu. Còn mấy con cá khô trong lon "ghi gô" định nấu canh lá dang trưa nay, trời mưa không nấu được, tôi cho hết các em. Ánh mắt chúng nói lên biết bao nhiêu sự thèm thuồng. Có điều lạ, có lẽ là nhờ trời thương, những đứa trẻ ấy suốt cả thời gian tôi còn ở trại Bình Sơn gần hai năm, chúng không những không đau ốm lặt vặt mà lại mạnh cùi cụi. Đứa nào cũng đen nhẽm, chắc nụi, tròn vo như những củ lang.
Tháng sáu năm tám mươi mốt tôi được thả. Từ đó, tôi không còn có dịp gặp lại cha con anh Đình và cũng không biết anh được tha lúc nào. Hoàn cảnh gia đình anh sinh sống ra sao.
Duy có lần ở NhaTrang, có người chỉ cho tôi thấy bà vợ anh Đình. Đó là bà Hồng, người Huế, ăn mặc, phấn son rất diêm dúa, đang chạy mánh chợ trời, bán buôn phụ tùng xe đạp ở tại Chợ Đầm. Người ta xầm xì về người đàn bà này nhiều câu không được tốt. Tôi không dám tìm hiểu nhiều chuyện của anh Đình. Vì chuyện của gia đình tôi không khác gì của anh. Và hơn năm mươi phần trăm những người tù cải tạo đều có hoàn cảnh tương tự. Nhiều khi còn bi thảm hơn. Bởi đó là chủ trương và mục đích của Đảng CS miền Bắc, khi tiến chiếm Miền Nam.
Bây giờ thình lình gặp lại anh, tôi vừa vui, vừa ngạc nhiên. Vui là bất ngờ gặp lại bạn đồng tù trong cảnh ngặt nghèo nay vẫn còn khoẻ mạnh. Ngạc nhiên là thấy anh xuất cảnh một mình với một người đàn bà khác mà không có một đứa con nào đi theo. Nhưng anh không biết tôi là ai. Khi được giới thiệu tôi cũng ở A30 thì anh chỉ ừ hử xã giao, chứ không lấy gì làm ân cần vồn vả như gặp người đã từng cùng cảnh ngộ. Có lẽ anh sợ tôi biết và nói ra quá khứ anh chăng ? Vì vậy suốt mấy tuần ở chung, tôi cũng không nhắc gì đến những ngày ở A30 và chuyện anh ở Mai Liên.
Gia đình anh Sanh một vợ năm con, đến trước, nên chọn được một phòng ở dưới. Gia đình tôi, một vợ bốn con và hai ông bà Đình ở trên tầng gác, sát mái tolet. Chúng tôi chia nhau hai góc, trãi chiếu, nằm lăn ra ngủ. Buổi sáng, Sanh, Đình và tôi kéo nhau lên Sở Ngoại Vụ ngóng cổ vào các thông cáo xem có tên mình trong danh sách chưa. Chưa có thì tán gẫu cùng các anh em khác một lúc rồi về nhà. Thỉnh thoảng các bà cũng đòi đi theo để xem cho biết cái không khí rộn ràng vui vẻ lẫn cái thắc thõm lo âu của mọi người trước cổng Sở Ngoại vụ.
Những ngày chờ đợi được bước chân lên máy bay để vượt thoát ra khỏi sự kềm kẹp của CS, lòng chúng tôi rất phấn khích nôn nao mà cũng không kém phần hoang mang lo lắng. Chỉ một chút lầm lỡ, hay một thiếu sót nào đó về giấy tờ hoặc một bệnh tật nào đó thình lình xuất hiện là chuyến bay sẽ bị hủy bỏ.
Phải chờ chuyến khác. Chuyến khác có thể là sáu tháng hay một năm. Có khi không có chuyến nào nữa. Như thế là chết. Là đi ăn mày. Là không có cơ ngóc đầu lên được. Của nã có bao nhiêu đều gom hết cho chuyến đi sanh tử. Ăn ở, tiêu pha hàng tháng trời chờ chực. Đùng cái, hủy bỏ chuyến bay, phải trở về quê quán chờ đợi. Những ngày tiếp đó sẽ đen tối biết chừng nào?
Chúng tôi ăn cơm quán. Gần nhà trọ có quán bán cơm bình dân. Đa phần khách là cán bộ độc thân và giới xích lô, ba gác. Chúng tôi lựa giờ ít khách mới đi ăn để đủ chổ ngôì cho ba gia đình. Chiều tối vắng khách, quán bán đồ nhậu. Thứ bảy, chủ nhật chúng tôi khề khà vài ba chai bia. Chị Bảy uống cũng khá. Vào tới chai thứ hai, chị trở nên hoạt bát, nói năng dòn dã. Chị kể chuyện rất bình dân mà nghe hấp dẫn. Cười nôn ruột.
Chúng tôi ngồi nhâm nhi nghe chị kể chuyện. Từ chuyện làm sở Mỹ, đến chuyện buôn trầm kỳ. Sau bảy mươi lăm, buôn gạo, buôn cà phê chui. Chuyện nào cũng gian nan, bi thảm mà qua miệng chị kể lại thành ra tiếu lâm hài hước. Tỏ ra chị là người chất phát, vô tâm. Chị không phải là mẫu người hay suy nghĩ này nọ. Năm đó, có lẽ chị khoảng năm mươi, tôi đoán chừng, nhưng hãy còn xuân sắc. Dáng người chị thâm thấp, hơi quê và thộ Chị có khuôn mặt bầu bầu, phúc hậu. Chị không biết mặc đồ tây hay áo dài. Suốt thời gian gần cả tháng ở tại Saigon, tôi chỉ thấy chị mặc toàn đồ bà bạ Chị bới tóc thành búi to sau gáy. Có điều ngộ nghĩnh là cách xưng hô của chị với anh Đình làm chúng tôi buồn cười. Thông thường thì hai vợ chồng gọi nhau bằng anh, em. Già thì ông, tôi. Đài các, quí phái thì cậu, mợ. Bình dân thì ông nó, bà nó v..v..
Đằng này hai ông bà lại gọi nhau bằng "lão và mụ". Không biết cách xưng hô như thế ở vùng nào, tỉnh nào. Có lẽ cách đặc biệt của người Huế chăng? Chứ Nha Trang và Vạn Ninh, Vạn Giả chắc là không rồi. - "Nè ! Lão làm thêm ve nữa nhen" ! -"Ừ ! Mụ làm thì tôi làm". Cứ cách xưng hô "lão, lão, mụ, mụ" như vậy cũng đủ làm cho chúng tôi cười ngất rồi. Mỗi buổi tối, cơm nước xong, cả gia đình anh Sanh leo lên căn gác để trò chuyện với hai gia đình chúng tôi cho qua thời gian, chờ giờ đi ngủ. Nhưng cốt để nghe chị Bảy kể chuyện vẫn là chính. Mấy đứa con tôi và con anh Sanh ngồi há miệng ra nghe một cách thích thú và cười dòn tan theo từng diễn biến câu chuyện. Như chuyện làm Sở Mỹ, chị kể :
- Chu cha! Thấy người ta ai cũng bỏ ruộng, bỏ vườn vô Cam Ranh làm sở Mỹ. Mới mấy tháng mà vàng đeo đỏ tay. Tui ham quá. Tui cũng tuốt vô xin làm. Làm được một tháng, hơi quen quen, thấy "nậu" (*) ăn cắp dữ quá. Ai cũng ăn cắp. Đồ "bi ít"( P.X) (*) để đầy ngay trước mặt, ai lại không ham. Nhưng khi ra cổng tụi "em bi" (M.P) (*) xét dữ quá, nên không dám lấy đồ cồng kềnh. Chỉ lấy đồ nho nhỏ dấu trong xú chiêng, mới ra lọt. Bữa nọ cuối tuần, có lễ, chị em nói tụi Mỹ dễ dãi, nên mạnh ai nấy lấy. Tui ngó quanh không thấy thứ gì còn lại, những cái khác, đám chị em lấy hết tiêu, lại sắp hết giờ, tui mở tủ lạnh, quơ đại con gà đông đá, nhét vô bụng giả làm bụng chửa. Đến khi ra tới cổng xếp hàng cho tụi "em bi" xét. Trời đất quỉ thần ơi! Ai mà dè con gà bắt đầu tan đá, chãy nước. Đến phiên tui, tụi "em bi" thấy nước chãy từ bụng xuống quần, nó la rùm lên " bé bị..bé bi", (*) " hốt bi tồn", (*) rồi gọi xe "ăm bu lăng" (*) chở tui tuốt vô bệnh viện. Tới đây mọi người đã cười rộ lên rồi. Mấy đứa nhỏ con tôi nôn nóng muốn biết hồi kết thúc:
- Sau đó rồi làm sao nữa bác Bảy?
- Thì sao nữa! Nó thấy lòi con gà ra, nó chửi " bé bi sồn, nô gút". (*) Rồi nó đuổi việc luôn chớ còn làm sao nữa!
Cốt khỉ lại hoàn cốt khỉ. Phải về Tu Bông làm ruộng trở lại.
Kể xong chị cười hinh hích một cách tự nhiên. Một hôm khác, vợ tôi khơi chuyện :
- Nghe nói miền chị có nghề đi điệu lấy trầm kỳ, chị có buôn những thứ đó không?
- Có chớ ! Hồi đó người làng tui phần nhiều sống về nghề đó mà. Tui đi buôn mấy năm.
Nhưng cũng nguy hiểm lắm. Đồ quốc cấm mà. Bị dính là trắng tay, tuột vốn. Để tui kể chuyện này cho mấy người nghẹ Nghe kể chuyện mọi người đang đọc sách hay làm việc gì cũõng tạm gác, xúm lại nghẹ Chị hắng giọng, bắt đầu :
- Kỳ nam là loại rất qúi và hiếm. Lâu lâu mới có. Dân điệu phải đi núi cao mấy tháng mới tìm được.
Cái mùi thơm của nó toả ra không có gì ngăn chận hay dấu được, dù bọc kín bằng năm bảy lớp ni lông. Tụi thuế vụ đánh hơi là biết liền. Nếu dấu được, lọt một chuyến là có lời vài "cây". Nếu bị chụp là chết cửa tứ.
Bữa nọ, xe bị chận tại trạm kiểm soát Ba Ngòi Cam Ranh, mọi người phải xuống xe để tụi thuế vụ lục tìm. Ba cái trầm dấu dưới gầm xe bị thu hết. Bà nào có của đều bị giữ lại để lập biên bản. Tui xách giỏ trầu đứng xớ rớ đó mà trong bụng đánh lô tộ Trong giỏ có dấu một miếng kỳ, giá cũng chừng một cây. Đến khi cho xe chạy tui hú hồn. Tui thắc mắc là sao tụi nó không nghe thấy mùi kỳ trong giỏ trầu của tôi? Chừng vô tới Saigon, tui ăn hết lá trầu cuối cùng thì thấy mùi kỳ bay ra thơm lừng. Lúc đó mới hay là lá trầu kị với kỳ, không cho mùi kỳ bay rạ Sau này tui đi thêm mấy chuyến nữa đều trót lọt nhờ gói kỳ trong lá trầu.
Đứa con gái anh Sanh buột miệng hỏi :
- Bác nói bác ăn trầu, sao mấy bữa nay con không thấy bác ăn?
- Ờ ! Cũng tại lão này nè ! Lão đâu chịu bác ăn trầu. Lão nói thời buổi này mà còn ăn trầu! Quê mùa quá. Bác phải bỏ, mà nhớ nó muốn chết.
Cả nhà lại có dịp cười vang.
Một hôm, buổi chiều cơm nước xong, vẫn không thấy anh Đình về. Trời lại mưa lâm râm suốt buổi.
Chị Bảy bồn chồn hết đi ra rồi đi vào. Chốc chốc lại hỏi tôi với anh Sanh :
- Lão tui đi từ sáng với mấy anh, đến giờ này chưa về, không biết có chuyện gì xảy rả Hai anh nghĩ coi có chuyện gì không?
- Chắc không có gì đâu ! Biết chừng ảnh gặp bạn bè rồi quên giờ giấc!
Chúng tôi cũng đoán chừng để trấn an chị. Hơn bảy giờ tối, anh Đình về có vẻ hớt hãi. Vừa vào nhà, anh giơ hai tay lên trời, nói với chị Bảy :
-Hết rồi ! Hết trơn trụi rồi ! Mụ ơi !
Chúng tôi nghe nói, cũng bu lại xem chuyện gì. Chị Bảy nôn nóng nói :
-Lão! Lão thủng thẳng nói cho tui nghe! Chớ chuyện gì mà đi từ sáng tới giờ mà hết trơn, hết trụi là làm sao?
- Con mẹ nó lột sạch rồi! Lột hết rồi! Đồng hồ, nhẫn vàng hết sạch rồi !
- Con mẹ nào ? Chị Bảy nhãy dựng lên.
- Thì con vợ tôi chớ con mẹ nào nữa ! Nó chực chờ tôi trước cổng Sở Ngoại vụ. Nó lôi tuột tôi vô văn phòng, làm bù lu, bù loa, khiếu nại không cho tôi xuất cảnh, nếu không giải quyết cho nó.
Chị Bảy ngồi chết sững. Chúng tôi không biết ất giáp đầu đuôi câu chuyện ra sao, cũng ngồi im chờ nghe sự việc xảy rạ Anh Đình cũng ngồi bất động, mặt buồn xọ Quần áo ướt sũng. Chập sau, chị Bảy òa khóc, nước mắt ràn rụa, mếu máo :
- Thôi lão đi thay đồ đi! Không thì lạnh mà bịnh đó. Mà lão sáng giờ ăn uống gì chưa?
- Ừ ! Tôi đi thay đồ xong rồi nói đầu đuôi cho mụ nghe. Sáng giờ đâu có hột cơm nào trong bụng đâu. Bây giờ mới thấy đói và lạnh run.
Trong khi anh Đình đi tắm rửa, thay quần áo, chị Bảy vừa nức nở, vừa kể chuyện giữa chị và anh Đình cho chúng tôi nghe :
- Hồi giờ tui đâu có biết lão. Tui giá chồng mươì mấy năm rồi. Đứa con gái tui năm nay cũng hơn ba chục, đã có chồng, có con. Gia đình tụi nó ở riêng cũng gần nhà tui. Bữa nọ, tui đang nằm trên võng thiu thiu ngủ thì nghe tiếng la và tiếng chưn chạy thình thịch vô nhà tuị Một bóng người đờn ông chạy từ cửa trước ra cửa sau. Tiếp theo là một người đàn bà rượt theo. Bà ta hỏi tui có thấy chồng bả chạy vào đây không. Tui nói nhà tui trống trơn, đâu có ai đâu. Bả bỏ đi. Tui đi ra sau nhà, không thấy ai hết. Khi nhìn xuống cái giếng cạn thì thấy người đờn ông trốn dưới đó. Ổng run lập cập hỏi tui :
- Con mẹ đó đi chưa?
Tui nói bả đi rồi. Ổng leo lên, mặt mày tái ngắt. Tui mời ổng vô nhà để uống nước cho tỉnh hồn. Khi ổng bình tĩnh lại, ổng kể cho tui nghe hoàn cảnh ổng. Ổng đi cải tạo, vợ ổng dẫn bầy con lên trại bỏ đó cho ổng rồi đi biệt. Mấy năm sau ổng được thả, dẫn con về Nha Trang. Nhà cửa không có, bạc tiền cũng không. Ổng gởi mấy đứa con cho bà con mỗi nơi mỗi đứa. Ổng ra đây để theo người ta đi điệu kiếm ăn, kiếm tiền nuôi con. Còn con đờn bà đó là vợ ổng. Bây giờ nó trở lại. Ổng không chịu. Nó cứ đeo riết, ổng phải bỏ trốn. Tui nghe kể chuyện, tự nhiên thấy thông cảm và thương ổng. Tui đề nghị ổng đừng đi điệu. Nghề này khổ lắm mà còn bịnh tật nữa. Ổng nói không biết làm nghề gì. Tui rủ ổng đi buôn với tôi. Giúp đỡ tôi mang hàng, chuyển hàng. Từ đó ổng với tui đi buôn hàng chuyến Nha Trang Saigon mấy năm nay.
Anh Đình đã tắm rửa, thay quần áo xong, leo lên gác. Chị ngưng nói, quẹt nước mắt vô ống quần. Chị ngó anh Đình một hồi rồi nói :
- Thôi ! Tui với lão ra ăn cơm.
Quay sang chúng tôi, chị hẹn lát nữa về kể tiếp cho nghẹ Chuyện còn dài lắm. Nữa tiếng đồng hồ sau, hai ông bà về. Thấy chúng tôi vẫn còn quây quần trên gác, chị nói với anh Đình :
- Lão hãy kể lại đầu đuôi chuyện xảy ra hôm nay cho mấy anh chị nghe coi thử có giúp gì được cho lão không !
Thực tình chúng tôi cũng hơi tò mò muốn biết chuyện vì sao vợ anh ta lại biết được anh đang ở đó mà đón đường lột hết tư trang của anh. Theo lời anh kể lại thì buổi sáng hôm nay, khi đang đứng nói chuyện với mấy người bạn thì bà Hồng xuất hiện. Lập tức bà ta túm lấy áo anh, lôi đi xềnh xệch. Sợ xấu hổ giữa đám đông, anh bèn ngoan ngoãn đi theo, coi thử mụ vợ anh lôi đi đâu. Ai dè mụ lôi anh vào văn phòng Sở Ngoại Vụ ở mặt sau tòa nhà. Vào đây, anh điếng hồn khi thấy một nhân viên đang ngồi làm việc, đưa cho anh xem một lá đơn khiếu nại của bà vợ.
Nội dung trong đơn tố cáo việc anh trốn đi, không mang theo vợ con. Nhân viên ấy cho biết, vì lá đơn này, anh có thể bị giữ lại để giải quyết sau. Nhưng hai ông bà cũng có thể giải quyết êm đẹp với nhau, rút đơn lại thì tốt hơn. Nhân viên ấy nói. Khi ra ngoài, bà Hồng bảo phải đưa cho bà năm lượng vàng để nuôi con thì bà để yên cho đị Nếu không thì bà quậy đến cùng. Anh Đình bảo không có tiền. Tức thì bà lột chiếc đồng hồ Seiko Quart và chiếc nhẫn hai chỉ mà chị Bảy đã sắm cho anh trước khi lên đường, để qua xứ lạ, quê người có mà xoay xở. Bả còn hăm từ đây đến ngày đi, phải lo cho đủ năm "cây" bả mới chịu rút đơn. Kể xong, anh Đình ngồi thở hắt ra, rầu rĩ.
Chị Bảy cũng bất lực ngồi xuôi xị. Hai mép chãy xuống như chiếc xuồng lật úp. Tôi với anh Sanh cũng bối rối trước nghịch cảnh này. Nhất thời không nghĩ ra được cách nào để giúp anh. Thời buổi này, đào đâu ra một lúc năm lượng vàng? Hơn nữa chúng tôi cũng không rõ những ẩn tình bên trong. Những câu hỏi được đặt ra là :
- Làm sao bà Hồng biết được anh Đình xuất cảnh?
- Ai đã làm quân sư cho bà Hồng làm đơn khiếu nại ngay tại Sở Ngoại Vụ mà không nạp tại Nha Trang?
- Bấy lâu nay bà Hồng và anh Đình có liên lạc với nhau không? Kể cả vấn đề xấu nhất được đặt ra :
- Liệu vợ chồng anh Đình có âm mưu làm tiền chị Bảy không?
Bà vợ anh Sanh và vợ tôi thì thầm: - Ngó bộ ông Đình tôi nghi quá!
- Ờ ! Tôi cũng có linh cảm như vậy!
Sáng hôm sau, anh Đình vội vã đến Sở Ngoại Vụ rất sớm, nói là có hẹn với mụ vợ để tiếp tục thương lượng giải quyết. Anh nói hết tiền rồi. Hôm qua còn mười mấy ngàn trong túi mụ cũng lấy luôn. Chị Bảy lại mở giỏ, đưa thêm cho anh mấy chục ngàn nữa. Sáng đó tôi và anh Sanh không đi. Chúng tôi cùng chị Bảy kéo nhau ra quán cà phê trước nhà trọ uống cà phê và nói chuyện. Anh Sanh khéo léo gợi chuyện để chị Bảy có thể kể rõ hơn chuyện giữa chị và anh Đình để chúng tôi có thể tùy cơ mà có ý kiến. Chị xin tôi một điếu thuốc Vitab, đốt lên, rít một hơi rồi từng đoạn, từng đoạn chị kể :
- Ban đầu thấy cảnh khổ của ảnh, tui định giúp ảnh thôi. Nhưng lâu ngày đi buôn chung, tui thấy ảnh ngày xưa cũng quan quyền mà bây giờ chịu cực, chịu khổ, theo tui vác từng bao đậu, bao gạo. Có khi bị tụi thuế vụ rượt chạy, trốn lên, trốn xuống, tui thương. Tiền lời tui chia hai để ảnh đem về nuôi bầy con. Mấy năm trước tui đứng ra gã chồng cho đứa con gái lớn của ảnh cho một gia đình khá giả ở Chụt, gần nhà anh Sanh. Anh Sanh biết mà. (Anh Sanh quen anh Đình từ đó) Tui với ảnh ăn ở với nhau lâu rồi. Mới năm ngoái, Nhà Nước có lịnh cho các người cải tạo được đi Mỹ. Nghe ảnh nói muốn đi mà không có tiền làm hồ sợ Tui cũng ráng chạy cho ảnh có tiền đi Đà Nẵng nhờ dịch vụ lo giấy tờ cho mau. Ảnh thiệt thà quá nên nhiều khi tui cũng rầu. Chắc tại cải tạo lâu quá, con người ảnh thành lù đù, lờ khờ. Mới tháng trước đây, tui tính làm một chuyến kha khá để cho ảnh chút vốn hậu thân. Tiền vốn, tui chia làm hai, ảnh cất một nửa, tui cất một nửa để phòng tụi móc túi. Ai dè vừa xuống ga Bình Triệu, ảnh la lên :
- Túi tiền mất rồi !
Tui điếng hồn hỏi lại:
- Mất hồi nào?
Ảnh nói :
- Hồi chưa mất thì còn ở đây mà !
Tui kêu trời không thấu. Thôi thì của đã mất rồi làm gì ảnh đây. Tui chỉ sắm được cho ảnh cái đồng hồ và chiếc nhẫn hai chỉ để hộ thân. Bây giờ cũng sạch luôn. Ảnh làm gì có tiền mà chị vợ ảnh đòi năm cây. Anh Sanh ướm thử :
- Hồi làm hồ sơ đi Mỹ, ảnh có nói sẽ bảo lãnh cho chị không?
- Có! Lão nói khi qua Mỹ lão sẽ bảo lãnh cho tui. Nhưng tui nói sống ở đây cũng được. Tui quê mùa dốt nát, sợ qua Mỹ sợ không quen. Nhưng lão nói lão thương tui, nhứt định lão sẽ bảo lãnh cho tui đi để đền ơn tuị Tui nói tui không cần. Tui thương lão là được rồi.
Nghe chuyện, chúng tôi càng hồ nghi nhưng không có gì làm chắc những nghi vấn của mình. Nhìn vẻ thật thà của chị Bảy, chúng tôi càng ái ngại. Chị chỉ biết duy nhất một tình thương đối với anh Đình. Ngoài ra chị không hề thắc mắc hay nghĩ vẫn vơ một chút gì những lắc léo, quanh co trong cuộc đời. Tấm lòng chị thật thà, mộc mạc như vườn rau, luống cải, buội cà, cây ớt trong sân nhà chị. Giữa chị và anh Đình không có liên hệ một manh giấy lộn nào thì làm sao mà anh Đình bảo lãnh được chị !
Con ảnh một bầy mà ảnh còn bỏ lại thì chị là cái gì để ảnh quan tâm. Anh Sanh nói riêng với tôi :
- Tôi biết tay Đình này từ lâu. Trai Huế mà !
Anh bỏ lửng không nói tròn ý nghĩ. Nhưng tôi cũng hiểu anh muốn ám chỉ cái gì. Giữa trưa anh Đình về. Chị Bảy hồi hộp chờ nghe kết quả giải quyết.
- Con mụ đó nhất quyết đòi đủ năm cây mới chịu rút đơn. Trước mặt nhân viên giữ đơn tôi đành phải hứa và yêu cầu đừng chuyển đơn lên cấp cao.
Anh Đình kể lại câu chuyện. Khi ra ngoài, mụ lại lục túi tôi có bao nhiêu tiền mụ đưa hồi sáng, mủ cũng lấy sạch rồi! Chúng tôi lại nghe chị Bảy kêu trời. Anh Sanh đặt vấn đề :
- Này anh Đình! Vợ anh biết rõ anh không làm gì có tiền. Vậy bà ta vin vào đâu mà nhất định đòi anh chung đủ năm cây?
Bị hỏi bất ngờ, anh Đình ngớ ra mấy giây rồi đáp :
- A! Con mẹ bảo tôi cứ vay sui gia trước rồi qua Mỹ trả lại sau !
- Anh có chắc là sui gia anh có tiền, một số tiến rất lớn tới năm cây vàng không? Và liệu họ có cho anh mượn không?
- Tôi không biết ! Nhưng túng quá tôi hứa đại. Chị Bảy lên tiếng than vãn :
- Anh chị sui gia rất tốt. Người ta không chê bai gia đình lão Đình có bà vợ hư thân mất nết, mà người ta còn quí dâu như con. Còn nuôi thêm hai đứa em của con dâu nữa.
Bây giờ mặt mũi nào đi mượn tiền. Lão Đình đâu có biết gì, hồi đám cưới một tay tui lo hết.
Tôi đề nghị anh Đình dùng kế hoãn binh, kéo dài thì giờ để chờ có danh sách trong chuyến bay rồi tính. Anh Đề hỏi :
- Nếu đã có tên trong chuyến bay thì còn tính làm sao kịp ?
Tôi giải thích kế hoạch hoãn binh cho mọi người cùng nghe :
- Khi có tên trong chuyến bay thì chậm nhất là ba ngày mình sẽ đi.
Khi ấy anh viết một bức thư, nội dung vay sui gia năm cây vàng, xin giao cho vợ anh khi cầm thư này đến lấy, và hứa trả lại trong thời gian ngắn nhất khi sang Mỹ. Khi vợ anh cầm thư đi xe đò về NhaTrang thì anh ra bưu điện đánh về cho sui gia một bức điện tín bảo đừng đưa vàng hay tiền bạc gì cả. Chắc chắn điện tín sẽ đi nhanh hơn xe đò. Vợ anh có giỏi lắm, đi từ Saigon về NhaTrang, rồi từ NhaTrang vô Saigon cũng phải mất hai ngày. Lúc ấy anh đã lên máy bay rồi.
Anh Sanh vỗ tay khen là diệu kế. Chị Bảy cũng tán thành. Chị nói :
- Lão hãy làm theo như lời anh Hai nói đị Ngày mai ra gặp bả cứ lựa lời mà nói cho xuôi.
Anh Đình ra gặp vợ và làm theo kế hoạch đã bàn.
Cũng may, hai ngày sau thì cả ba gia đình đều cùng có tên chung một chuyến bay. Mọi người vui vẻ tưng bừng, rộn rịp thu xếp va li, đồ đoàn, thanh toán tiền nhà trọ, tặng thêm tiền trà nước cho chủ nhà, để thơ thới hân hoan ra đi. Riêng chị Bảy thì buồn vui lẫn lộn. Ngày hôm sau, chúng tôi đi khám y tế lần chót để được xác nhận hoàn toàn khoẻ mạnh trước khi lên máy bay. Trước đó mấy ngày, bỗng nhiên có dịch bị đỏ mắt lây lan rất nhanh. Thiên hạ đi mua thuốc nhỏ mắt rần rần.
Gia đình tôi, cháu trai út có triệu chứng hơi đỏ buổi sáng, tôi vội ra pharmacie mua một ống thuốc về nhỏ mắt. Cứ nửa giờ thì nhỏ một lần theo lời dặn trong toạ Càng về trưa, mắt cháu càng đỏ dữ. Đến lúc đi từ nhà đến bệnh viện, thì hai con mắt như hai hòn lửa đỏ. Thế là hết. Nạn đâu lại đến thình lình. Gia đình tôi được lệnh hoãn chuyến bay cho đến khi nào mắt cháu khỏi hẵn. Anh Đình và gia đình anh Sanh may mắn trót lọt. Tối đó chúng tôi bùi ngùi chia tay nhau.
Mọi người an ủi chúng tôi, trước sau gì cũng đi, chỉ chậm một thời gian thôi. Tôi rất lo lắng cho cái thời gian đó kéo dài không biết bao lâu. Năm giờ sáng hôm sau, chúng tôi thức dậy sớm để tiển anh Đình vào phi trường. Gia đình anh Sanh sẽ có xe ca dịch vụ đến đón lúc sáu giờ ba mươi. Sở dĩ anh Đình phải đi lúc trời còn mờ đất là tối hôm qua chúng tôi bàn và góp ý anh nên vào phi trường sớm để vào phòng cách ly, tránh giờ phút chót đụng độ với bà vợ anh tại phi trường. Theo lời đứa con gái anh từ NhaTrang vào buổi chiều để tiển cha đi cho biết là không gặp mẹ ở ngoài đó. Chúng tôi hồ nghi là bà ta không dễ gì tin lời anh Đề để về NhaTrang cho mắc mưu.
Khi chiếc xích lô chở hai cha con anh Đình với một chiếc vali vỏn vẹn, lăn bánh, chị Bảy ngã thụp xuống, hai cánh tay gác thơng trên hai đầu gối, kêu lên thảng thốt, nho nhỏ :
- Ối thôi! Lão đi rồi !
Chỉ có bao nhiêu lời đó. Nghe sao mà ai oán, não lòng. Hai vai chị run lên nhè nhẹ theo tiếng nấc trong cổ họng. Chúng tôi đứng đó, yên lặng nhìn chị hồi lâu, trong lòng cũng cảm thấy ngậm ngùi cho chị. Chẳng mấy chốc, trời rựng sáng, chiếc xe ca đến đón gia đình anh Sanh lên đường. Chúng tôi lại tiễn đưa. Kẻ ở, người đi bin rịn chia tay. Quang cảnh rộn ràng mấy bửa nay, bây giờ trở nên vắng hoe, buồn bã. Còn trơ lại gia đình tôi và chị Bảy. Chín giờ sáng, đứa con gái anh Đình từ phi trường trở về báo cáo tình hình ba nó lúc vào phi trường diễn ra như một vở bi hài kịch. Nó kể :
- Khi chiếc xích lô vừa ngừng lại thì má tui và hai đứa em nhỏ của tui không biết bà ta đem theo từ lúc nào, ào tới túm lấy ba tui rồi lật đật kêu thợ chụp hình tới chụp mấy tấm ảnh. Xong, bà ta níu chặt lấy ông ba, không cho đi. Miệng thì đòi cho được năm cây vàng. Nếu không thì bà ta nhất định làm dữ.
Ba tui với tui theo năn nỉ, xuống nước, nhỏ nhẹ mấy cũng không được. Dằng co cả tiếng đồng hồ, cuối cùng ba tui phải đưa cho bả hai chiếc khâu, mỗi khâu hai chỉ, bả mới chịu thả cho đi.
Nghe tới đây, chị Bảy hốt hoảng kêu lên :
- Cái khâu hai chỉ ! Chết tui rồi !
Chị chạy tới lôi túi xách quần áo, đổ tung hết đồ đạc ra sàn nhà. Chị rờ rẫm lục tìm hồi lâu, rồi kêu lên một cách bi ai, thống thiết :
- Thôi rồi ! Lão lấy đi rồi !
Chị ngồi phịch xuống, thở hắt ra một cách tuyệt vọng. Vợ tôi không ngăn được thắc mắc:
- Chuyện gì vậy chi Bẩy ?
Chị vừa sụt sịt khóc vừa kể :
- Hồi hôm, còn chiếc nhẫn hai chỉ đang đeo, tui cũng tháo đưa cho lão mang theo hộ thân, lỡ bề gì nơi xứ lạ có mà dùng. Còn một chiếc tui dấu trong đáy giỏ quần áo để đề phòng cho tui. Chỉ có tui với lão biết thôi. Vậy mà nở lòng nào lão cũng lấy luôn, không chừa cho tui một chút phòng thân. Trời ơi! Lão ác chi mà ác dữ ! Tui ăn ở với lão hết lòng mà! Lẽ nào lão lại lừa gạt tui, bòn rút tiền tui cho vợ lão.
Chúng tôi lặng thinh ngồi nghe chị tức tưởi kể lể. Suốt gần bảy năm trời gá nghĩa với nhau, chị đã hết lòng lo cho anh Đình và bầy con. Còn lo gã chồng cho đứa con gái lớn nơi chốn đàng hoàng. Bây giờ chị sẽ trở về NhaTrang với hai bàn tay trắng, lòng mang nặng một nổi chán chường, chua chát. Chị không buồn, không vuị Chị không tiếc của. Chị ở lại chơi với gia đình tôi hai ngày để chia sớt sự buồn phiền lo lắng của chúng tôi. Mỗi chiều xuống, chị rủ vợ chồng tôi ra quán :
- Mình ra quán làm vài ve giải buồn đi anh Hai !
Tôi ngồi nhâm nhi với chị vài chai biạ Chị vẫn nói cười tự nhiên. Chuyện xảy ra ngày hôm qua coi như không có, như chưa hề có. Còn tôi thì chẳng còn lòng dạ nào. Tôi còn nhiều điều phải lo lắng cho ngày mai. Không biết bất trắc nào xảy ra cho tôi nữa không?
Khi chị đi rồi, một tháng sau gia đình tôi mới được phép lên máy bay. Hơn một năm sau khi định cư tại Hoa Kỳ, tôi phải về lại VN để cư tang cho mẹ, tôi nghe mấy cô em gái tôi kể chuyện có một chị ở Vạn Giả, kêu là chị Bảy, có đến nhà hỏi thăm anh Hai lâu nay đi Mỹ có bình yên không. Tôi ngạc nhiên nhớ lại trong lúc nói chuyện, chị chỉ hỏi qua loa tôi ở NhaTrang là ở chổ nào. Vậy mà chị vẫn tìm ra nhà tôi để thăm hỏi. Còn tôi thì vô tâm không hỏi chị ở Vạn Giả là ở thôn nào, xã nào.
Chuyện chị Bảy Vạn Giả tôi hoàn toàn quên mất trong cái tất bật lo toan hằng ngày cho miếng cơm manh áo nơi chốn tạm dung xa lạ này.
Mãi bảy năm sau, kể từ ngày sang Mỹ, trong một bữa tiệc đám cưới con gái của một người bạn, cũng diện H.O, tôi tình cờ gặp lại anh Đình.
Chiều hôm ấy, đi làm về trễ, tôi vội vàng đến nhà hàng China Pearl ở Phố Tàu, chậm hơn nửa tiếng đồng hồ so với giờ mời trên thiệp đã ghi. Tôi được người tiếp tân hướng dẫn đến ngồi chung với một bàn tròn còn trống một ghế. Mọi người ở đây đã uống đến chai bia thứ hai. Những vỏ bia còn nằm đó, hầu bàn chưa mang đi. Ai nấy đều đang rôm rả nói chuyện. Tôi ngờ ngợ nhìn người đàn ông đang nói chuyện. Giống anh Đình quá. Nhưng vị khách này trắng trẻo và béo tốt phát tướng. Khác với anh Đình trong trí nhớ ngày nào ốm nhách, đen thuị Lại thêm bộ đồ lớn với chiếc cà vạt to bản trên cổ, trông ông ta có vẻ bệ vệ như một vị giám đốc đang ăn nên làm ra. Mỗi lần nói, ông diễn đạt bằng cánh tay vung ra, trong tay áo lấp ló chiếc đồng hồ mặt to, có cả những cây kim chỉ độ sâu dưới nước và thời tiết từng lúc nữa. Tay kia thì nặng trĩu chiếc lắc bằng vàng y, to như sợi dây xích. Có lẽ hơn cả lượng. Cạnh ông là bà vợ bự son phấn.
Hai bàn tay bà mập nung núc mỡ, những ngón tay đầy nhẫn kim cương lấp lánh phản chiếu ánh đèn. Bà ta cũng mập phệ. Thân hình đầy những thịt. Cổ bà đùn lên ba ngấn, quấn quanh hai sợi dây chuyền vàng choé to như giây neo, thòng xuống giữa hai gò ngực thổn thệnh, một tượng Phật Bà Quan Âm bằng ngọc thạch màu xanh to bằng ba ngón tay. Bà ta hay cười to lên, rung rinh cả thân hình sau mỗi câu nói diễu của ông chồng. Bốn chiếc rằng vàng sáng lóe sau hai vành môi dầy đỏ rực màu son đậm.
Tôi cứ ngờ ngợ đó là vợ chồng anh Đình, nhưng không dám lên tiếng hỏi, sợ mất lịch sự ngắt ngang câu chuyện ông ta kể đang đến hồi hấp dẫn.
Mọi người trong bàn tiệc chăm chú nghe ông nói tiếp, khi câu chuyện thình lình ngưng lại lúc tôi ngồi vào bàn :
- Lúc nãy tui nói tới mô rồi hè?
- Lão đang nói tới chỗ mình lừa bọn Việt Cọng ở trại A30! Bà vợ nhắc chồng.
- À phải rồi! Mấy ông bà biết răng không? Tui với mụ vợ tui không khôn ngoan sắp bày kế đem mấy đứa nhỏ lên bỏ trên trại thì sĩ quan cấp Tá cỡ tui, ít ra phải cải tạo cả chục năm hay hơn nữa! Nhờ rứa mà mới có bảy năm rưỡi là thằng cha Hạnh trại trưởng phải đề nghị tha cho tui về đó.
Vậy là đúng là vợ chồng anh Đình rồi. Tôi mới vào sau, chỉ nghe đoạn chót câu chuyện nên chỉ đoán ra được phần nào câu chuyện, nhưng cũng chưa cả quyết lắm. Xung quanh tôi toàn là những khách lạ, họ hãy còn trẻ cở chừng bốn mươi, có lẽ thành phần vượt biên. Nhìn cách ăn mặc và nói chuyện, tôi đoán chừng họ ở trong giới làm "neo" (*) hay là là " quớt xen tờ" (*) . Tôi biết anh Đình đã quên tôi hoàn toàn.
Anh không lưu ý đến tôi. Tôi vẫn nhâm nhi ly bia, lặng lẽ theo dõi câu chuyện. Một người khách trong bàn xuýt xoa khen :
- Công nhận chú thím giỏi thiệt! Lại gan dạ cùng mình nữa chớ! Hồi đó Việt Cọng mới vô ai cũng sợ hết hồn mà chú thím dám lập mưu cao như vậy thì phải biết!
- Ấy! Đừng nói chi tụi Việt Cọng ngu dốt ! Tụi nó chỉ có tham lam thôi! Học hành trí óc chi mô ! Sang Mỹ đây nì ! Tụi Mỹ giỏi rứa mà tui với mụ nhà tui cũng gạt tụi nó dễ ợt.
- Chú thím gạt tụi Mỹ chuyện gì ? Và gạt làm sao nói cho tụi cháu nghe chơi !
- Thì cái vụ " ăn ông nội" (*) đó! Tui với mụ vợ tui đi khai bịnh hết. Tui thì khai bị Việt Cọng đánh đập tra tấn trong tù nên ruột gan phèo phổi hư hết. Mụ vợ tui thì khai bị đi "kinh tế mới" bi chừ bị "mát" (*) giây thần kinh, lúc điên, lúc khùng. Tụi Mỹ thiệt thà nên tin sái cần cổ !
- Từ ngày qua Mỹ tới chừ, vợ chồng tui ăn "queo phe" (*) đi làm "quớt xen tờ" mới có được tí chút như ngày ni đó. Bà vợ cũng hớn hở nói chêm vô, vừa xoè bàn tay năm ngón cho các bà ngồi bên cạnh xem.
Tôi quay sang một người ngồi bên cạnh hỏi nhỏ :
- Có phải cặp đó là vợ chồng ông bà Đình không anh ?
- Thì ông bà Thiếu Tá Đình đó, chớ còn ai nữa! " Lít đờ quớt xen tờ" (*) đó ! Khá lắm! Chú có quen hả ?
- Không! Tôi nghe nói thôi, chớ không quen! Tôi chối.
Bỗng dưng hình ảnh chị Bảy Vạn Giả lại hiện về trong trí tôi. Cái hình ảnh buổi sáng, trời còn mờ đất, chị Bảy ngã ngồi thụp xuống trước sân nhà trọ, buông thỏng hai cánh tay trên đầu gối, nhìn theo chiếc xích lô chở anh Đình vô phi trường, kêu lên thảm não :
- Ối thôi ! Lão đi rồi! Hai vai chị rung rung trong tiếng khóc nức nở, nghẹn ngào, mà chị cố ghìm lại trong cổ họng không cho phát ra thành tiếng.
Hình ảnh đó nhãy múa quay cuồng trong ly bia trên tay tôi. Những ngụm bia trở nên đắng nghét lạ thường.
Nguyễn Thanh Ty Đầu thu 2004
(*) Sầm Hưng: Giặc Phiên có phép tiên. Chặt đầu này, mọc đầu khác. Truyện thơ Phạm Công Cúc Hoa.
(*) " nậu" : người tạ Tiếng địa phương vùng Vạn Giả Tu Bông lai giọng Tuy Hòa, Phú Yên.
(*) "neo" : Nail ( tiếng Anh: chỉ nghề làm móng tay)
(*) "quớt xen tờ": Work Center = Job Center = Chỉ những Trung Tâm chuyên mướn người làm việc không chính thức cho các Xưởng hoặc Hảng khi họ cần tạm nhân công. Những người này lãnh tiền mặt (cash) trốn thuế.
(*) "bé bị.. hốt bi tồn": Em bé... bệnh viện. Ý nói sắp sanh, chở đi bệnh viện.
(*) " em bi": M.P Quân Cảnh Mỹ.
(*) "bi ít": P.X Đồ miễn thuế chỉ dành bán cho lính viễn chinh Mỹ.
(*) " bé bi xòn": Tiếng lính Mỹ gọi mấy bà làm Sở Mỹ.
(*) "Ăn ông nội": Tiếng lóng của người Việt chỉ thành phần lãnh tiền trợ cấp Welfare của Nhà nước.
(*) " mát": Bị chập điện, tiếng lóng chỉ bệnh thần kinh.
(*) "Lít đờ": Leader: Trưởng nhóm làm Work Center. Có xe Van chở nhân công đi làm. Chở đi, chở về. Ăn tiền chuyên chở hoặc do Chủ thầu trả hoặc do công nhân tự trả.
oOo

No comments: