Thursday, March 19, 2009

L.H. XUNG

Chuyện Có Thật ở Trại Cải Tạo U-Minh ...

Bên lề cải tạo,
TƯỢNG NÔNG DÂN XÃ NGHĨA.
• LHXung, Melbourne.

Lại một chuyện có thật, như trước đây tôi có kể sơ qua về công việc chính của “ Trại Trong” với 82 cải tạo viên chúng tôi là chuyên đốn cây tràm làm nhà, đợt đầu tiên là chúng tôi cung cấp để chuẩn bị xây cất “ Trại Ngoài” . Trại ngoài được xây cất lớn hơn trại trong nhiều, vì nhu cầu giam giữ trại viên ngày một gia tăng sau 30 tháng tư. Chính cải tạo viên cũ xây trại tù để chứa các cải tạo viên mới, VC luôn chơi đòn “ mình xây tù giam ta”; chúng không tốn kém gì cả, kể cả lúa thóc cũng do cải tạo làm ra, nhưng khẩu phần thì chúng ra tay hạn chế!Câu chuyện xảy ra tại trại ngoài , ngay những ngày rất sớm, khi các cải tạo được từng đợt đem vào từ những nơi tạm giam khác trong tỉnh. Khi cất xong một căn trại nào thì chúng đưa người đến để tiếp tục cất thêm các căn kế tiếp ... cứ thế mà trại ngoài bành trướng dần, người cứ đông thêm.Chúng cho cất một hội trường thật lớn, dùng để tập họp , chứa đủ chỗ cho tất cả cải tạo khi cần. Trong trại lần hồi xuất hiện các toán chuyên môn, nhằm khai thác khả năng cá biệt của cải tạo; nào là toán văn công, toán trang trí, toán cải hoạt, toán thợ mộc, toán thợ rèn, toán đập sậy đan liếp, toán thuốc dân tộc .v.v...Đặc biệt trong nhóm trang trí do anh LKVân làm toán trưởng, anh Vân là nhân viên của Cơ Sở dân vận& Chiêu Hồi KG cũ. Trong số toán viên có một anh, hiện tôi cố nhớ tên mà hoàn toàn quên mất, nhưng tôi nhớ rõ vài chi tiết về anh ta, tôi kể ra đây chắc sẽ có người nhớ ra tên tuổi anh ấy. Anh ta là người gốc Sài Gòn/ Gia Định gì đó?! Anh tốt nghiệp (?) trường cao đẳng mỹ thuật Gia Định, anh gia nhập cán bộ xây dựng nông thôn, sau khi mãn khóa ở Vũng Tàu anh được thuyên chuyển về tỉnh Kiên Giang. Sau nầy anh cưới con một tiệm hàng xén trên đường Phó Điều, cách nhà thuốc tây Kiên Giang không xa về phía cầu tàu Mỹ.Vì tài năng chuyên môn về mỹ thuật nên anh được giữ làm việc tại tỉnh đoàn. Thú thật tôi chưa hề quen biết anh ta trước năm 75, mặc dù tôi vẫn thường xuyên ra vào trung tâm bình định và xây dựng nông thôn của tỉnh qua các công tác liên nhiệm giữa Quận và Tỉnh .Anh cải tạo viên gốc cán bộ XDNT nầy, tính tình rất trầm lặng, không nghe anh nói gì với ai, tối ngày cứ quanh quẩn trong công việc: vẽ bảng, kẻ khẩu hiệu, trang trí hội trường ... không thuộc các toán lao động nặng. Thấy anh ở đâu cũng với cây thước vẽ trong tay và vài cây cọ nhỏ ló ra khỏi cái túi dưới áo bà ba đen, loại áo XDNT. Trong trại không ít người gốc cán bộ XDNT, nhưng hầu như anh không có một bạn nào gần gũi với anh, buổi chiều sau giờ lao động, anh hay lang thang một mình với bộ ba ba đen luôn mới toanh ( chắc anh còn nhiều bộ XDNT chưa mặc hết trước 75!)Nhờ anh ta mà căn Hội Trường từ từ trở thành một nơi tập họp rất “ Đảng và Nhà nước!”; cờ xí, biểu ngữ ... chỗ nầy, góc kia mà theo ý kiến của bộ đội là: “ rất có văn hóa xã hội chủ nghĩa.”Nghe đâu anh đã âm thầm trình lên Ban Quản Trại một “ Đồ án”; đề nghị phía trước sân Hội Trường , anh ta sẽ đắp một “ Tượng Nông Dân Xã Nghĩa” , gồm có một ông nông dân vác cuốc và một chị phụ nữ ôm bó lúa, hí hửng , âu yếm đi bên nhau với nét mặt vui tươi biểu lộ giai cấp nông dân ấm no dưới chế độ XHCN.Vì phương tiện eo hẹp, anh chỉ trình bày bằng lời lẽ và chữ viết, chứ không làm mô hình trước. Cho nên với ý nghĩa hay ho về cùng phe cách mạng ấy, ban quản trại đã chấp thuận đồ án ngay. Có lẽ cộng thêm đề nghị chỉ tốn kém tối thiểu bằng các phương tiện như đất sét, rơm và xi măng chỉ dùng để đắp láng một lớp bên ngoài, chống mưa khỏi mục rả mà thôi; vì thế mà đồ án đã dễ dàng được ban chỉ thị “hạ quyết tâm thực hiện “.Anh bắt tay vào việc, bằng cách lấy các miếng lõi rắn chắc của các cây tràm to, cắm sâu xuống đất làm sườn chống đỡ tượng. Dùng rơm nhồi với đất sét và chút ít xi măng từ từ đắp các chân tượng lên cao dần. Tượng người nông dân xã nghĩa đã từng bước hình thành, nhưng nó được anh dựng lều bao phủ nên ít ai thấy rõ diễn tiến nó ra làm sao!Anh cứ lặng lẽ làm việc và chừng 3 tháng sau thì bức tượng đã được hoàn tất. Anh tháo gỡ lều che cho mọi người chiêm ngưỡng. Một chủ nhựt nọ khi trại viên ra vào thăm nuôi mơiù thấy tượng đã hiên ngang , sừng sững đứng trước hội trường.Ban quản trại đã không hề công khai tán tụng kỳ công cuả người tạc tượng, nhưng chúng tôi đã từng len lén bắt gặp nhiều lần các quản giáo dừng chân, gật gù thưởng lãm! Tượng “ Nông dân xã nghĩa” với những đường nét rất độc đáo, giữa chốn hoang sơ ruộng đồng, rừng tràm âm u, lau sậy mịt mù mà có một bức tượng nghệ thuật cùng mình như thế quả là hết sức tưởng tương! Có thể nói từ thời khẩn hoang lập nghiệp mấy thế kỷ trôi qua ... thì mãi tới 75 khi có cải tạo vào khu U-Minh đắp được bức tượng “đầu tiên”. Chính bức tượng đã đem ánh sáng văn minh vào tận vùng muỗi mồng , bùn sình lầy lội ... theo tôi với ý nghĩa tiên phong ấy, công lao của tác giả có thể đem so sánh bằng một ý nghĩa nào đó không thua gì thành tích của Mạc Cữu vào thuần hóa đất Hà Tiên!Nhìn vào bức tượng , ngoài những nét mặt sống động, mềm mại; rất có thần , rất tự nhiên, thiếu nữ trẻ trung , mặn mà ôm bó lúa ,diễn tả được niềm vui của những người nông dân gặt hái được mùa. Và đặc biệt dù bất cứ ai chưa một lần đốt đèn ngắm của quí, cũng cảm thấy hình dáng tượng người phụ nữ rất hấp dẫn với những đường cong, cầu vòng tuyệt mỹ, khiến cho cải tạo lâu ngày xa cách “ hơi quen” không khỏi rùng mình chao đảo !!! Hai ngọn đồi non, không to không nhỏ ... làm vừa ý mọi người, hậu vận thì căng tròn, lêu nghêu hết sẩy !Còn hình tượng người nông dân thì gương mặt xương xương, râu dài như râu ông cụ thời 9 năm kháng Pháp, nét già thấy rõ nhưng toàn thân quắc thước , nhựa sống hãy còn dư; tay trái khỏe khoắn trong tư thế vịn cán cuốc vác trên vai, tay phải thì cụ lòn qua ôm eo ếch cô thiếu nữ, trông rất hăng hái và tha thiết lửa tình.Mỗi người một cảm xúc riêng, một nhận xét khen tặng khác biệt ... nhưng hầu như tất cả đều cùng chung một đồng ý là:” Tượng người nông dân có nét mặt y hệt ông cụ” gầy gầy như thời ở hang Pắc Pó.Rồi không bao lâu sau, từ vài người lan ra tới cả trại ai cũng nói lén, gọi tượng nông dân xã nghĩa thành tượng:” Cụ Hồ ôm gái”!Đến đây quý bạn đọc chắc đã đoán được chuyện gì đã xảy ra cho anh chàng tác giả bức tượng, được bạn đồng cảnh gắn cho cái tên quái ác như trên?! - Anh ta bị đem cùm trên trại 7 Hảo khá lâu, bức tượng được bộ đội phá hủy trong đêm, sáng ra có người ở trại 4 gần hội trường, ra đồng tiết lộ cho biết :” tượng đã bị thủ tiêu rồi !” . Từ đó thiên hạ có thêm một câu chuyện vui, với hàng ngàn câu tự hỏi, tự trả lời ... Có người cho rằng anh XDNT chơi xỏ cách mạng, người nói anh ta “ Ác ngầm”, người thì so sánh “ bàn tay anh lúc nầy bằng thành tích 3 sư đoàn dù năm xưa”... Có người thì đoán anh chỉ vô tình, nghĩ rằng nắn cho giống ông cụ thì càng hay, có đâu ngờ bức tượng đã đưa tài năng của anh lên ngang hàng một “ Ngô Viết Thụ” . So sánh với Ngô Viết Thụ là một kiến trúc sư kỳ tài, đoạt giải khôi nguyên La Mã , mà có người còn chưa chịu và cải rằng: “ Nếu Ngô Viết Thụ mà cải tạo ở U - Minh thì chắc khó mà tạo ra dược bức tượng cụ Hồ ôm gái như anh cán bộ XDNT đã gây chấn động ở trại Kinh Làng Thứ 7 “. Nghe đâu từ trại 7 Hảo, anh đã bị đưa chuyển đến một trại nào đó, không biết số phận đã ra sao?!. Nhưng anh ấy đã để lại trong tôi một nỗi nhớ bi hùng của một thời cải tạo, đôi lúc sống lại chập chờn, nặng nề trong tâm trí./-
lhxung.01/05.

http://mauthan68.blogspot.com/2008/03/chuyn-c-tht-tri-ci-to-u-minh.html

No comments: