Tuesday, March 17, 2009

LÊ QUỲNH

Tô Hoài và tiểu thuyết về cải cách ruộng đất

Lê QuỳnhBBC Việt ngữ


Nhà văn Tô Hoài viết quyển Ba Người Khác đã lâu, nhưng nay cuốn sách mới được phát hành
Hơn một thập niên sau khi tác phẩm được hoàn thành, Việt Nam đã cho ấn hành tiểu thuyết của nhà văn kỳ cựu Tô Hoài, viết trực diện về chiến dịch cải cách ruộng đất thập niên 1950.
Đã có nhiều lời khen ngay sau khi cuốn sách ra mắt, và một số nhà phê bình gọi đây là tác phẩm hay nhất từ trước tới nay về một đề tài vẫn bị tránh né ở Việt Nam.


Tiểu thuyết Ba Người Khác được viết từ góc nhìn của người trong cuộc là thành viên trong đội cải cách, chứng kiến một sự kiện lịch sử đảo lộn toàn bộ đời sống nông thôn miền Bắc lúc bấy giờ.
Lịch sử nhạy cảm
Cải cách ruộng đất chính thức bắt đầu ngày 25-12-1953 và kết thúc ngày 30-7-1956, được chia làm sáu đợt.
Nhiề̀u ngàn người đã trở thành nạn nhân của chiến dịch cải cách ruộng đất.
Về con số người chết trong chiến dịch cải cách ruộng đất, các nhà nghiên cứu đến nay vẫn không có được sự đồng thuận. Các con số khác biệt từ 10.000 đến 500.000 người.
Nhiều vấn đề trong lịch sử Việt Nam chưa được thảo luận rộng rãi


Một ý kiến cực đoan là của Hoàng Văn Chí, người tin rằng 5% dân số miền Bắc (675.000 người) đã chết. Cuốn sách From Colonialism to Communism của ông này đã có tác động mạnh đến cuộc tranh luận về vấn đề con số. Còn một cuốn sách có tiếng khác của Edwin Moise, Land Reform in China and North Vietnam (1983), ước đoán con số người chết khoảng 5000.


Sau nửa thế kỷ, cải cách ruộng đất vẫn là đề tài cấm kị trong văn học nghệ thuật Việt Nam.
Khoảng năm 1957, tiểu thuyết đầu tay Sắp Cưới của Vũ Bão đã bị phê phán quyết liệt vì đụng đến những sai lầm trong cải cách ruộng đất.
Cho đến năm 1990 trong bối cảnh đổi mới, mới lại có thêm một tiểu thuyết về đề tài này, Ác mộng của Ngô Ngọc Bội.
Và bây giờ là tiểu thuyết Ba Người Khác của Tô Hoài, người từng trực tiếp làm “anh đội cải cách rồi anh đội sửa sai” trong giai đoạn lịch sử ấy.
Vết thương tâm lý
Viết về cuốn sách của Tô Hoài, nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân, người đã đọc bản thảo từ nhiều năm trước, cho rằng sự xuất hiện của những cuốn như vậy là “cách giải tỏa cho một trong những chấn thương của xã hội.”
Còn nhiều vấn đề trong lịch sử hiện đại Việt Nam có những cách nhìn nhận khác nhau.
Một bên cho rằng cần hướng đến tương lai, bỏ qua vết thương quá khứ và nhiều khi đi kèm để tăng sức mạnh cho luận điểm này là sự kiểm soát và kiểm duyệt.
Một số người khác lại nói để có sự hòa giải thực sự với quá khứ, hàn gắn những vết thương thì không thể bắt người ta im lặng mà cần có những chuyện kể được viết ra, được có sự tranh luận.
Việc một tiểu thuyết như Ba Người Khác được ra mắt là dấu hiệu cho thấy không khí xã hội đã có sự điềm tĩnh hơn để nhìn trở lại một lịch sử chung của cộng đồng.


Dĩ nhiên, liệu từ tiếng vang của một tác phẩm có dẫn đến trào lưu - tương tự như dòng văn học Vết thương của Trung Quốc cuối thập niên 1970 - hay không, vẫn còn quá sớm để biết.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/culturesport/story/2006/12/061227_tohoai_new_novel.shtml

No comments: