Tuesday, March 17, 2009

HỒ VIẾT THẮNG

Hồ Viết Thắng
Nhận xét về cải cách ruộng đất đợt 5





Đợt 5 cải cách ruộng đất là đợt to nhất từ trước tới nay. Xét về nhiệm vụ và tác dụng của nó, thì như Trung ương Đảng và Chính phủ đã nhận định, nó là chiến dịch Điện Biên Phủ chống phong kiến ở miền Bắc. Đối chiếu với các đợt trước, có thể nói đợt này rộng lớn hơn những đợt ấy gộp lại.

Bảng đối chiếu các đợt cải cách ruộng đất





http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=5464&rb=0202






Đợt thí điểm
Đợt 1
Đợt 2
Đợt 3
Đợt 4
Đợt 5 [1]
So sánh đợt 5 với các đợt trước
Số xã CCRĐ
Số nhân khẩu
6
10.792
53
109.675
210
480.563
466
1.207.294
859
2.564.105
1.732
6.140.127
+ 8,6%
+ 40,4%
Tịch thu, trưng thu, trưng mua

Ruộng đất (éc-ta)
Trâu bò (con)
Nông cụ (cái)
Lương thực (kilô)



939,4
352
1.062
26.479



10.664
2.628
5.067
150.392



32.939,5
9.152
69.335
2.538.930



86.738,7
18.958
176.691
2.833.480



183.858,8
32.860
457.591
6.555.300



376.722
40.716
1.138.478
9.717.370



+19,54%
-36,3%
+60,4%
-18,06%
Chỉnh đốn tổ chức

Số hội viên nông hội


38.919


38.909


179.796


543.967


866.021


2.238.916


+37,4%

[1] Về phần tịch thu, trưng thu, trưng mua và chỉnh đốn tổ chức, chưa tính kết quả của Khu Hồng – Quảng.


Đợt 5 bao trùm một vùng rộng lớn, phức tạp và quan trọng: hầu khắp đồng bằng miền Bắc, gần suốt bờ biển, quanh các thành phố lớn, dọc các đường giao thông chính, khu giới tuyến tạm thời, các vùng tập trung đồng bào công giáo, một vài nơi (thuộc Liên khu 4) có cả đồng bào dân tộc thiểu số. Vùng cải cách ruộng đất đợt 5 phần lớn lại là vùng trước bị địch chiếm.

Mặt khác, đợt này làm trong những điều kiện chính trị phức tạp và khẩn trương. Đế quốc Mỹ và tay sai của chúng thì tăng cường khủng bố ở miền Nam đồng thời tìm mọi cách phá hoại công cuộc cải cách ruộng đất và khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa của nước ta ở miền Bắc, hòng ngăn cản việc thống nhất nước ta. Còn ta thì phải xúc tiến thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1956, củng cố quốc phòng, gìn giữ an ninh nhằm củng cố miền Bắc, tranh thủ miền Nam, giữ vững hòa bình và tiến lên thống nhất nước nhà.

Sau hơn 5 tháng tiến hành đấu tranh khẩn trương và gian khổ, chúng ta có thể nó rằng cải cách ruộng đất đợt 5 đã giành được thắng lợi to lớn và căn bản, đồng thời cũng đã phạm những sai lầm và thiếu sót nghiêm trọng.


Thắng lợi to lớn và căn bản

Trước hết, cần nhận rõ thắng lợi của đợt này to lớn và căn bản ở chỗ nào. Đây là một điểm rất quan trọng, có ảnh hưởng đến việc quyết định những công tác trước mắt ở nông thôn.

Trong thời gian qua, ta đã phát động được một phong trào nông dân mạnh mẽ. Hơn 6 triệu nông dân lao động, tức là non nửa dân số miền Bắc, đã thoát cảnh lầm than, họ đã giành lại được ruộng đất, đã vươn mình, đã thật sự làm chủ nông thôn. Dinh lũy cuối cùng, kiên cố nhất của thế lực phong kiến ở miền Bắc, một chỗ dựa của đế quốc Mỹ và của bọn phản động miền Nam, đã bị đập tan. Quan hệ sản xuất phong kiến trước đây ràng buộc nông thôn miền Bắc đã bị phá bỏ, mở đường cho nông thôn ta tiến lên. Giải phóng một lực lượng lao động và cách mạng to lớn như vậy, đánh đổ một thế lực hủ bại và phản động như vậy, thật là một thắng lợi to lớn!

Tuy sai lầm và thiếu sót trong đợt 5 thật nghiêm trọng, nó đã hạn chế khá nhiều tác dụng của những thắng lợi đã giành được, nhưng nó không thể phủ nhận thắng lợi ấy. Chúng ta hãy xét về các mặt.

Trong đợt 5, phát động quần chúng nông dân được như thế nào? Đợt này, do ảnh hưởng của những đợt trước, nói chung quần chúng đều thiết tha mong đợi cải cách ruộng đất. Khổ nhiều, thù sâu, họ đòi hỏi đánh đổ bọn địa chủ và bọn phá hoại đã bóc lột và đàn áp họ. Họ muốn có ruộng và khao khát tự do. Nhưng đồng thời họ cũng có rất nhiều lo lắng. Sau bao nhiêu năm chiến tranh tàn phá, nay lại bị thiên tai liên tiếp và những sự phá hoại của địch, đời sống của họ còn nhiều khó khăn chật vật, họ rất lo về sinh kế trước mắt. Đối với các chính sách của Đảng và Chính phủ, vì không phổ biến sâu rộng trong nhân dân và vì địch cố xuyên tạc phá hoại, nên quần chúng cũng có nhiều thắc mắc. Đồng bào công giáo thì lo “mất cha, mất đạo”. Người trước đi ngụy quân, làm ngụy quyền, hoặc có tên trong các tổ chức khác của địch, thì sợ bị trừng trị. Nhà có người đi Nam sợ “bị liên lụy”. Rất nhiều người sợ bị “liên quan” với địa chủ, đế quốc và phản động. Địch lại ra sức uy hiếp và mua chuộc, do đó trong quần chúng có nhiều người sợ địch. Trong tình hình ấy, làm thế nào phát động được tư tưởng của quần chúng, khiến họ tự nguyện, tự giác tổ chức nhau lại, vùng lên đấu tranh kiên quyết, đó là một khó khăn lớn mà ta đã khắc phục được. Đương nhiên, trong đợt này còn nhiều người chưa được phát động đầy đủ; có lúc, do địch phá và do ta làm sai, nhiều nơi quần chúng đã hoang mang, kém đoàn kết. Nhưng nói chung quần chúng nông dân đã thật sự vươn mình mạnh mẽ.

Về mặt đánh đổ giai cấp địa chủ và trừng trị bọn phá hoại hiện hành, ta cũng thu được những thành tích đáng kể. Khi mở đầu đợt 5, ở hầu hết địa bàn của đợt, thế lực giai cấp địa chủ còn khá mạnh. Nhất là ở 640 xã chưa qua giảm tô, uy quyền của chúng chưa hề bị đả kích. Trong chiến tranh, chúng đã giết, cướp, phá và bóc lột nông dân vô cùng tàn khốc. Có những tên như Nguyễn-đức-Chiêm (Thái-bình) đã tự tay giết, bố trí giết và làm bị thương 98 người, tên Nguyễn-văn-Đức (Thái-bình) chiếm hữu ruộng đất trên phạm vi 17 xã thuộc 4 huyện. Đến cải cách ruộng đất, chúng càng ráo riết phá hoại. Phá hoại của chúng phần nhiều đều có chuẩn bị, có tổ chức. Tính chất trắng trợn và thâm hiểm cũng nặng hơn các đợt trước: giết người, đốt nhà, phá của, bố trí tay chân, giả tạo tổ chức, bày đặt vụ án, tuyên truyền xuyên tạc, lôi kéo nông dân vào vòng tội ác, v.v… Đợt này, cán bộ ta bị hy sinh đến 18 đồng chí. Trong tình hình ấy, tìm ra và đánh đổ được giai cấp địa chủ, và trừng trị được bọn phá hoại hiện hành, cũng là một khó khăn lớn mà ta đã khắc phục được. Trong đợt này cũng còn để lọt một số địa chủ; có nơi quy sai một số người thành địa chủ; việc phân hóa giai cấp địa chủ ở một số nơi không được chú trọng. Nhưng nói chung, giai cấp địa chủ đã bị vạch mặt, uy thế của chúng đã bị đập tan. Bọn cường hào gian ác và bọn đầu sỏ phá hoại hiện hành bị trừng trị đích đáng.

Trên cơ sở phát động quần chúng, đánh đổ địa chủ, trừng trị bọn phá hoại hiện hành, các việc chia ruộng đất, thực hiện kế hoạch Nhà nước, chỉnh đốn tổ chức đã được xúc tiến.

Quyền chiếm hữu ruộng đất phong kiến bị xóa bỏ vĩnh viễn. Khẩu hiệu người cày có ruộng của Đảng được thực hiện. 376.722 éc-ta ruộng đất (tức là 45% tổng số ruộng đất của vùng cải cách ruộng đất đợt 5), 40.716 con trâu bò, 1.138.478 nông cụ và 9.717 tấn lương thực của giai cấp địa chủ đã đem chia cho 1.325.019 hộ gồm 4.619.165 nhân khẩu nông dân và lao động khác (82,7% tổng số nhân khẩu nông dân lao động). Yêu cầu thiết tha nhất của nông dân đã được thỏa mãn. Ví dụ: ở Tả ngạn, mỗi cố nông đã có 4 sào, mỗi bần nông 4 sào 2 thước trong khi mỗi trung nông có 4 sào 12 thước. Những bần cố nông trước đây không tấc đất cắm dùi hoặc thiếu ruộng, quanh năm lĩnh canh, cày thuê cuốc mướn, sỗng lam lũ tối tăm, luôn luôn bị đói rét, nợ nần, roi vọt và chết chóc đe dọa, ngày nay đã nghiễm nhiên trở thành chủ nhân chính đáng của đồng ruộng. Họ bắt đầu bước vào cuộc đời mới.

Do nông dân và đồng ruộng được giải phóng, trong nông nghiệp ta đã có một lực lượng sản xuất to lớn. Vựa thóc của đồng bằng miền Bắc bắt đầu có điều kiện căn bản để khôi phục và phát triển mạnh mẽ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, kết hợp với đợt 5 cải cách ruộng đất, kế hoạch Nhà nước được tích cực thực hiện. Tuy bận đấu tranh và phong trào gặp nhiều khó khăn, nông dân vùng cải cách ruộng đất đợt này đã ra sức chống hạn, cứu bão, sửa mặn, tháo úng. Riêng ở địa phương thuộc vùng công tác của 29 đoàn (trong số 32 đoàn), đã cấy chiêm vượt mức kế hoạch 2,18%, ngô vượt 3,92%, khoai vượt 68,80%. Ở Tả ngạn, chiêm vượt 2,95% về diện tích và lúa tốt hơn tất cả mọi vụ trước. Ở vùng cải cách ruộng đất đợt 5 thuộc Liên khu 3, lúa chiêm vượt 4% về diện tích và 7% về thu hoạch. Phong trào bình dân học vụ cũng lên mạnh. 14 đoàn đã mở 8.036 lớp sơ cấp gồm 130.148 người học, 4.032 lớp dự bị với 66.817 người.

Về chỉnh đốn tổ chức, đã phạm nhiều sai lầm nghiêm trọng. Một số khá đông cán bộ và đảng viên bị xử trí oan hoặc quá nặng, tác dụng giáo dục trong công tác chỉnh đốn tổ chức bị hạn chế, do đó ảnh hưởng đến sự đoàn kết trong Đảng và sự liên hệ giữa Đảng với quần chúng, làm tổn thương một phần lực lượng cách mạng ở nông thôn. Nhưng cũng cần nhận rõ là cơ sở tổ chức của Đảng, chính quyền, nông hội ở xã căn bản đã được trong sạch, được bổ sung bằng những người tốt mới nảy ra trong phong trào; ở những nơi chưa có cơ sở hoặc có cơ sở hoặc có nhưng bị địch phá trong thời kỳ bị chiếm, chúng ta đã lập lại cơ sở mới. Trước đây, kể cả những nơi đã qua giảm tô, tình hình các tổ chức cơ sở của ta ở xã nói chung là phức tạp, nhiều nơi lại phức tạp nghiêm trọng, ở vùng trước bị chiếm nói chung thì phức tạp hơn vùng tự do cũ. Nhưng bây giờ ủy ban hành chính, công an, du kích đã được chấn chỉnh trong sạch hơn trước. Hơn 38% nông dân lao động đã được tổ chức vào Nông hội. Miền biển có Hội những người đánh cá. Các chi bộ Đảng cũng có thanh trừ được những phần tử bóc lột và một số phản động trá hình lén lút vào trong Đảng, kết nạp thêm được 15.019 đảng viên nông dân tốt. 100 chi bộ mới được xây dựng ở những vùng cơ sở trắng. Tóm lại, nông dân lao động đã thật sự nắm lấy các tổ chức của mình, nền chuyên chính dân chủ nhân dân ở xã đã được bước đầu củng cố, vai trò của bần cố nông ở nông thôn đã bước đầu được xác định.

Xét các mặt trên, chúng ta có thể khẳng định rằng mặc dù có nhiều sai lầm, đợt 5 cải cách ruộng đất cũng đã tạo được những nhân tố tốt đảm bảo cho sự phát triển của nông thôn sau này. Với thời gian, do sự lãnh đạo của Đảng, những nhân tố đó sẽ có thể phát huy mạnh mẽ tác dụng của nó.


Những sai lầm, thiếu sót nghiêm trọng

Thắng lợi của đợt 5 cải cách ruộng đất sẽ rất to lớn nếu không có những sai lầm thiếu sót nghiêm trọng đáng tiếc. Khuyết điểm căn bản của đợt này là anh chị em cán bộ, trước hết là các cán bộ lãnh đạo, không đánh giá đúng tình hình nước ta và địch, không nắm vững phương châm chính sách của Đảng ở nông thôn trong cải cách ruộng đất. Về phát động quần chúng, phổ biến là không làm đúng đường lối của Đảng ở nông thôn, đoàn kết chặt chẽ với trung nông, liên hiệp với phú nông, do đó đã ảnh hưởng không tốt đến việc xây dựng mặt trận chống phong kiến rộng rãi ở nông thôn.

Đối với giai cấp địa chủ, có khi thiếu phân biệt, không chiếu cố đúng mức những người đáng chiếu cố, kém phân hóa cao độ hàng ngũ của chúng trong khi cần cô lập và đánh mạnh vào bọn cường hào gian ác.

Về trấn áp bọn phá hoại hiện hành, thì ta đã kiên quyết trừng trị bọn đầu sỏ, nhưng ít phân biệt trong khi xử lý những tay chân của chúng, có lúc lẫn lộn những người lầm đường hoặc bị cưỡng bức theo địch với bọn cố ý, nên trong thực tế đã coi thường việc tranh thủ giáo dục những người cần tranh thủ giáo dục, làm cho diện xử trí quá rộng, gây tình trạng căng thẳng ở nông thôn.

Về chỉnh đốn tổ chức thì không nắm vững phương châm kiên quyết và thận trọng, thành kiến với tổ chức cũ và đảng viên cũ, không những không dựa và bồi dưỡng người tốt, thậm chí còn đả kích cả một số người tốt; coi nhẹ việc tranh thủ và giáo dục người kém, cho nên xử trí quá nặng, có khi oan uổng; đối với những phần tử xấu, tuy thái độ kiên quyết, nhưng lại thiếu tranh thủ cải tạo.

Tóm lại, không thấu suốt phương châm đoàn kết mọi lực lượng có thể đoàn kết, tranh thủ mọi lực lượng có thể tranh thủ, trung lập mọi lực lượng có thể trung lập. Nhiều lúc ta đã làm trái hẳn lại phương châm chính sách của Đảng, do đó đã mắc những sai lầm nghiêm trọng, rõ rệt nhất là trong việc đánh địch và chỉnh đốn tổ chức. Có thể nói là có những lúc ta đã thoát ly quần chúng, thậm chí còn đả kích nhằm vào nông dân, đảng viên và cán bộ tốt nữa. Những tổn thất ấy thật là thấm thía cho chúng ta.

Trong một thời gian, những sai lầm trên đây đã có tính chất phổ biến trong đợt 5. Cũng có những sai lầm đã bắt đầu nảy ra từ các đợt giảm tô và cải cách ruộng đất trước đây. Sai lầm đã làm giảm bớt khá nhiều thắng lợi của phong trào quần chúng. Những sai lầm đó đã bắt đầu được sửa chữa từ 3 tháng nay và hiện đang được tiếp tục sửa chữa.

Nguồn gốc của những sai lầm rất phức tạp. Một phần do địch phá hoại kịch liệt. Một phần do lập trường và tư tưởng của cán bộ chưa vững, lại thiếu kinh nghiệm đánh địch. Nhưng chủ yếu là do sự lãnh đạo sai lầm và thiếu sót của Ủy ban cải cách ruộng đất trung ương.

Hội nghị các bí thư Đoàn ủy tháng 6 năm 1956 đã sơ kết đợt 5 và bước đầu kiểm điểm sự lãnh đạo trong phong trào phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất nói chung. Hội nghị cán bộ tháng 7 năm 1956 lại kiểm điểm thêm về cải cách ruộng đất đợt này. Hiện nay, chúng ta có thể bước đầu rút ra một số kinh nghiệm về lãnh đạo cải cách ruộng đất để làm bài học từ nay về sau.

Chủ nghĩa Mác-Lê-nin là chân lý phổ biến, nhưng nghệ thuật của lãnh đạo là ở chỗ biết kết hợp nó với thực tiễn cách mạng của nước ta. Do đó, ta cần luôn luôn học tập lý luận Mác-Lê-nin, đồng thời điều tra nghiên cứu kỹ càng tình hình thực tế của ta. Trong công tác, một mặt phải nắm vững nguyên tắc cứng rắn của đường lối chính sách chung, mặt khác lại phải biết áp dụng đường lối chính sách ấy một cách linh hoạt, thích hợp với hoàn cảnh từng nơi từng lúc.

Theo quan điểm Mác-Lê-nin, lãnh đạo đúng là định ra đường lối chính sách đúng, tổ chức việc chấp hành đúng đường lối chính sách ấy, và kiểm tra đúng việc chấp hành đó. Muốn bảo đảm được sự lãnh đạo đúng, Đảng cần luôn luôn nâng cao công tác tư tưởng, thực hành lãnh đạo tập thể, và đi đúng đường lối quần chúng. Trong việc lãnh đạo, thường xuyên phải điều tra nghiên cứu và theo sát tình hình, nắm vững trọng tâm công tác, làm việc có kế hoạch, tổng kết kinh nghiệm, phê bình và tự phê bình. Những việc này cần làm trong mọi mặt lãnh đạo của Đảng, về tư tưởng, chính sách cũng như về tổ chức.

Dưới ánh sáng của những luận điểm trên đây, việc kiểm điểm đợt 5 cải cách ruộng đất đã cho thấy rõ một số điều sai và một số điều đúng trong lề lối lãnh đạo của ta từ trước đến nay.

Điều nổi bật nhất là: qua cuộc vận động quần chúng, ta đã bước đầu và tương đối nắm được tình hình phức tạp và luôn luôn biến động của nông thôn hiện nay. Vào vùng mới giải phóng, ta đã kịp thời nêu rõ những đặc điểm của vùng này so với những vùng tự do cũ. Do đó, đã có những cải tiến trong kế hoạch và phương pháp phát động quần chúng đánh địch, có cả những bổ sung trong chính sách cụ thể. Nhưng về mặt nhận định tình hình, còn nhiều sai lệch, đôi lúc sai lệch nghiêm trọng; chủ yếu trong thời gian qua là: đánh giá địch quá cao, thiếu tỉnh táo, việc gì không hay xẩy ra cũng cho là địch phá, tổ chức nào cũng cho là “địch lũng đoạn” hoặc là “tổ chức của địch lồng vào”; mặt khác thì đánh giá ta quá thấp, cho rằng trong vùng địch chiếm cũ, quần chúng quá lạc hậu, Đảng cũng không có chi bộ nào là tốt, và những đảng viên và chi bộ còn lại ngày nay ở địa phương không phải là những người và những tổ chức đã từng lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống địch trước đây, mà đều là xấu cả. Chính do đánh giá không đúng tình hình về địch, nên đã làm cho một số đông cán bộ từ chỗ rón rén đến chỗ làm ẩu, trước thì kiên nhẫn ba cùng phát động tư tưởng quần chúng, sau thì sinh nghi ngờ quần chúng, có lúc đã sốt ruột phạm vào truy bức, mớm cung, bắt bừa, xử ẩu, làm cho tình hình nông thôn quá căng thẳng. Trong lúc đó, vẫn có những tên địch thoát được lưới, thọc tay phá hoại, gây thêm rối loạn. Đó là do trong phương pháp lãnh đạo và công tác, ta đã phạm vào chủ nghĩa chủ quan, chủ nghĩa duy tâm, chưa thật xuất phát từ thực tế, thiếu điều tra nghiên cứu một cách toàn diện, có khi ta đã lấy những thực tế cục bộ, thậm chí là những “điển hình” đặc biệt xấu, để làm căn cứ kết luận chung.

Về lãnh đạo tư tưởng, trong cải cách ruộng đất, nói chung ta đã tương đối thấy rõ tư tưởng cán bộ, tư tưởng quần chúng và cả tư tưởng của địch. Do đó, so với trước thì ta đã tăng cường việc tuyên truyền giáo dục chính sách trong nhân dân; trước và sau mỗi đợt công tác đều có tổ chức học tập chính sách, kế hoạch, tổng kết kinh nghiệm và chỉnh huấn tư tưởng cho cán bộ. Nhưng trong đợt này, một lối lãnh đạo tư tưởng sai lẻ tẻ của các đợt trước, tức là lối nhấn mạnh một chiều việc chống hữu khuynh, đã biến thành cách làm phổ biến, do đó đã gây ra tai hại.

Từ hội nghị lần thứ 7 (tháng 3 năm 1955), Trung ương đã nêu rõ phương châm đấu tranh tư tưởng của ta hiện nay là “đấu tranh trên hai mặt trận hữu và “tả”, song chống hữu khuynh là chính, và trong khi chống hữu, phải đề phòng cán bộ lệch sang “tả”. Nhưng trong cải cách ruộng đất đợt này, cơ quan lãnh đạo cải cách ruộng đất thường nhấn mạnh chống hữu, và hầu như quên việc đề phòng cán bộ lệch sang “tả”. Nhất là thường chỉ “đả thông” tư tưởng chung chung theo lối “chụp mũ”, cái gì cũng gán ép cho là “hữu khuynh”, ít phân tích cụ thể. Do đó, nhiều cán bộ các đội, các đoàn, và cả một số cán bộ khu, luôn luôn sợ mình “hữu khuynh”, và nẩy ra tư tưởng “thà tả còn hơn hữu”!

Về lãnh đạo chính sách, qua cải cách ruộng đất, Đảng ta đã bổ sung được nhiều vấn đề cụ thể thích hợp với vùng mới giải phóng, vùng công giáo, miền biển, những nơi quanh đô thị, v.v… Nhưng đợt này, đối với việc trấn áp bọn phá hoại hiện hành, việc chỉnh đốn tổ chức vùng mới giải phóng, thì trong chính sách còn nhiều vấn đề chưa cụ thể. Trong khi chỉ đạo công tác, có những vấn đề giải quyết thiếu thận trọng hoặc đề ra yêu cầu không thực tế. Đặc biệt trong đợt này, việc trấn áp bọn phá hoại hiện hành là một nhiệm vụ mới, phải kết hợp làm tốt trong cải cách ruộng đất, đề ra như thế là đúng, nhưng tiếc rằng yêu cầu, phương châm, phương pháp, chính sách, kế hoạch không được cụ thể. Thêm vào đó, một số cán bộ lãnh đạo thường dùng lối mệnh lệnh để ép buộc cấp dưới phải tìm cho ra phản động, cho nên xảy ra tình trạng trấn áp tràn lan.

Về lãnh đạo tổ chức, đợt này phạm phải một khuyết điểm lớn, là trên nhận thức thì ta thấy đợt 5 là chiến dịch Điện - biên - phủ chống phong kiến, nhưng về tổ chức thì không tăng cường lực lượng, lãnh đạo lại yếu, kiểm tra thiếu sót, làm việc thiếu dân chủ và tập thể. Trong đợt 5 này, Ủy ban cải cách ruộng đất trung ương và các Đoàn ủy thiếu theo dõi sát, không chú trọng thu thập ý kiến của quần chúng và cán bộ, thiếu điều tra nghiên cứu và tổng hợp đầy đủ tình hình thực tế, họp không đều và thiếu bàn bạc cụ thể. Có khi gặp vấn đề lớn, cũng chỉ đồng ý nhau chung chung trên nét lớn, còn chính sách và kế hoạch cụ thể thì lại do cá nhân quyết định.


Sửa chữa sai lầm, phát huy thành tích

Nhiệm vụ trước mắt của ta hiện nay là phải tích cực tiếp tục sửa chữa những sai lầm đã mắc phải, nhằm ổn định nông thôn, đoàn kết nhân dân, đoàn kết cán bộ, đẩy mạnh sản xuất, do đó phát huy các thành tích đã giành được trong đợt 5 cải cách ruộng đất.

Trước hết cần thống nhất tư tưởng, đánh giá đúng thành tích và khuyết điểm của đợt 5. Trên cơ sở đó, giải quyết những vấn đề còn lại để mở rộng thắng lợi của cải cách ruộng đất.

Sửa chữa phải có kế hoạch. Việc gì sửa chữa được ngay thì phải làm ngay. Việc gì chưa sửa được ngay thì phải kết hợp trong kiểm tra lại cải cách ruộng đất mà tiến hành. Cần chú trọng việc khôi phục những cán bộ, đảng viên tốt và nhân dân bị xử trí nhầm, sửa lại thành phần giai cấp cho những người bị quy sai, điều chỉnh lại diện tích và sản lượng ruộng đất ở những nơi đã lên quá mức, thực hiện đúng chính sách liên hiệp phú nông, chú ý đúng mức những gia đình địa chủ đáng chiếu cố, v.v…

Hiện nay cần ngăn ngừa hai chiều hướng tư tưởng sai lệch: một là vẫn còn chủ quan tự mãn, chỉ thấy thành tích, không thấy sai lầm; không chịu thành khẩn tiếp thu phê bình, không quyết tâm sửa chữa sai lầm khuyết điểm hoặc sửa chữa một cách chiếu lệ; hai là bi quan tiêu cực, chỉ thấy sai lầm, không thấy thành tích, thành ra mất tỉnh táo, mất tự tin, dễ phạm những sai lầm nghiêm trọng mới trong việc sửa chữa.

Cần động viên cán bộ, phát huy ưu điểm của anh chị em, đồng thời phải phân tích rõ sai lầm, vạch rõ nguyên nhân và tác hại của nó, và bàn bạc cụ thể cách sửa chữa. Giúp cán bộ giải quyết 3 khuynh hướng không đúng sau đây: một là vì sĩ diện cá nhân, vì sợ kỷ luật, nên không dám phát hiện sai lầm khuyết điểm, không kiên quyết sửa chữa; hai là vì không thâu suốt tinh thần chỉ thị của cấp trên, ngại khó ngại khổ, không chịu đi sâu xem xét nghiên cứu, nên lại lệch từ “tả” sang hữu; ba là sửa chữa không có lãnh đạo, không có kiểm tra, đi đến chỗ sửa cả cái đúng.

Trước đây, ta đánh giá địch quá cao, do đó cán bộ sinh ra thiếu tỉnh tảo, đi đến truy bức, đánh địch một cách lung tung, do đó sai lầm lớn. Nhưng nếu ngày nay ta lại đánh giá lực lượng địch quá thấp thì cũng là sai lầm lớn, nó có thể đưa ta đến chỗ tê liệt cảnh giác, dễ bị địch lợi dụng phá hoại.

Trước đây, ta vơ đũa cả nắm, cho ở đâu chi bộ cũng xấu, cũng phức tạp nghiêm trọng, cũng bị “địch lũng đoạn” hoặc “địch lồng vào”, do đó mà mù quáng đả kích vào chi bộ tốt đảng viên tốt, đó là sai lầm lớn. Nhưng nếu ngày nay ta không nhận rõ chi bộ nông thôn nói chung phức tạp và có nơi phức tạp nghiêm trọng, thì có thể phạm sai lầm như khôi phục đảng tịch cho những phần tử xấu.

Trước đây ta chủ quan tự mãn cho rằng phong trào cải cách ruộng đất không có sai lầm, khuyết điểm gì đáng kể, do đó không chịu nghe những ý kiến đúng của cán bộ và lời phê bình đúng của người ngoài Đảng, không kịp thời ngăn chặn những sai lầm, khuyết điểm tai hại, đó là sai lầm lớn. Nhưng nếu ngày nay lại sinh ra bi quan, để ảnh hưởng đến việc tích cực sửa chữa khuyết điểm và phát huy thắng lợi thì cũng có hại.

Trên cơ sở sửa chữa tốt những sai lầm, khuyết điểm, chúng ta cần tiến hành tổng kết kinh nghiệm mấy đợt kiểm tra cải cách ruộng đất, để chuẩn bị phương châm, chính sách, kế hoạch đầy đủ cho việc mở rộng phong trào kiểm tra lại cải cách ruộng đất, giải quyết nốt những vấn đề còn lại, kết thúc tốt cuộc vận động cải cách ruộng đất, đặng chuyển mạnh sang cuộc vận động tương trợ hợp tác, đẩy tới sản xuất nông nghiệp.

Cải cách ruộng đất là một cuộc đấu tranh giai cấp lớn lao, gay go và phức tạp. Nó là một cuộc cách mạng long trời lở đất. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, hàng triệu nông dân hăng hái đấu tranh, các tầng lớp nhân dân nhiệt liệt ủng hộ, hàng vạn cán bộ tận tụy công tác. Cho nên, năm đợt cải cách ruộng đất đã thu được những thắng lợi to lớn. Tiếc rằng trong đợt 5, ta lại mắc nhiều sai lầm nghiêm trọng, gây ra những chấn động có hại. Mỗi một đồng chí chúng ta cần nghiên cứu những bài học kinh nghiệm thấm thía rút được trong đợt 5, ra sức góp phần sửa chữa sai lầm, khắc phục khó khăn và phát huy ưu điểm, làm cho nông thôn dân chủ của chúng ta tươi vui và phồn thịnh. Được như thế thì ta sẽ có một cơ sở tốt để tiến lên giành những thắng lợi mới to lớn hơn trong sự nghiệp xây dựng hòa bình và thống nhất Tổ quốc.

Nguồn: Học Tập, tạp chí lý luận và chính trị của Đảng Lao động Việt Nam, số 8, tháng 7/1956, tr. 7-14. Bản điện tử do talawas thực hiện.
bản để in Gửi bài này cho bạn bè

No comments: